●   Bản rời    

Một Cái Nhìn Khác Về Vụ Tu Viện Bát Nhã (Thiên Lôi)

Một Cái Nhìn Khác Về Vụ Tu Viện Bát Nhã

Thiên Lôi

http://sachhiem.net/THLOI/TG/ThienLoi005.php

31 tháng 10, 2009

I. Vào chuyện

Có vài “bút hữu” (chứ chẳng phải văn hữu hay chiến hữu gì ráo) quen biết trên các trang mạng của những người “độc lập duy ý chí”, i-meo hỏi tại sao không thấy tôi có ý kiến gì về vụ việc xảy ra ở Tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc bấy lâu nay vì biết tui hay “ăn cơm nhà, vác tre la ngà cho… ai” bàn thiên hạ sự, trong khi biết bao nhiêu giấy mực và nghe nói có cả máu đã đổ quá chừng? May không có ai chết cả, và hình như khi bài này được lên báo thì mọi chuyện đã được lắng xuống êm ả ở Tu Viện Bát Nhã bên nhà.

Từ lâu tui vẫn muốn giữ im lặng trước cái vụ này vì thấy rằng phía nào cũng quấy cả, mở miệng thì mắc quai, và nhất là:

 “Gà nhà bôi mặt đá nhau

Không tan phần xác cũng đau phần hồn” (câu hai là của tui).

Tui chỉ là một tín đồ Phật giáo “tu tại gia” vô danh tiểu tốt, (Cha ông đã từng nói: Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba mới tu chùa; đó là nói theo thứ lớp khó khăn của mức độ tu, nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng xong; tiếng Việt độc đáo là ở chỗ ấy!), chẳng Pháp danh, chẳng áo nâu sòng, chẳng theo hệ phái nào, chuyên y pháp bất y tăng vv… đến tuổi hưu trí sau bao năm từng lê gót nơi Hoa Kỳ và lao động rất vinh quang. Nay vì ngán bơ sữa, thịt bò, sâm banh lên tận cổ nên chỉ cơm rau hai bửa vổ bụng no bình bịch mà an nhiên tự tại, thỉnh thoảng tìm hiểu kinh kệ cốt nắm bắt được ý nghĩa thâm sâu của đạo giải thoát mà tâm đắc với Pháp bảo.

Tui không lui tới chùa chiền gần nơi tui ở đã hai thập niên từ ngày bị phản cảm bởi hình ảnh đăng trên mấy tở báo chợ về vài tăng ni nai nịt tăng bào chen vai cùng bọn nhố nhăng phường tuồng cầm cờ ba sọc hô hào chống cộng trong cái gọi là “Liên tôn” gì đó. Bây giờ thì cái liên tôn đã rã đám nên các tăng ni ấy cũng diện bích luôn để mà ngẫm nghĩ đến thế thái nhân tình, không biết các ngài có ngượng với chính mình hay không? Vậy chứ cũng toàn là thiền sư cả đấy. Đối với các ngài tui chỉ xin “kính nhi viễn chi” chẳng dám tới gần. Tự dưng tui thắc mắc rằng giáo pháp của đức Như Lai có dạy các tỳ kheo điều này không? Chốn già lam thanh tịnh là vĩa hè chăng? Tăng đoàn là một tổ chức hoạt động đảng phái chính trị phe phái trá hình? Vậy thì lời thuyết pháp của quí tăng ni ấy khi khuyên Phật tử xa lánh tham sân si toàn là lời dối mị ư? Thế là tui rửa tay gát kiếm (Tàu gọi là ‘kim bồn tẩy thủ’ nghe mới hay), rút lui khỏi chốn giang hồ từ đó, xa lánh luôn chốn thiền môn ở hải ngoại. Nhờ vậy trí óc bớt bị ô nhiễm bởi những điều vô bổ, thân tâm lại thường an lạc, mới lạ! Xưa nay vẫn có rất nhiều ẩn sĩ sống đời yên hà thâm xứ, mà đạo Phật vẫn cứ phây phây trường tồn có sao đâu!

Cũng nên thông cảm cho hoàn cảnh của số tăng ni này. Đã tan đàn xẻ nghé tị nạn ở nước người, không còn thống thuộc một giáo hội nào cả, mạnh ai lập chùa riêng thì phải sông nhờ “hạnh bố thí” của đồng hương Phật tử cốt xây dựng cơ sở mình cho to lớn. Trong môi trường mới dẫn dắt bởi những anh hùng chống cộng cho Cristo, nếu không a dua theo, thì tự viện sẽ bị phong tõa vắng như chùa Bà Đanh ngay, lấy gì mà hành đạo nữa. Trưởng tử Như Lai bây giờ cũng xe hơi nhà lầu, TV, tủ lạnh, computers desktop, laptop, đầu máy video, điện thoại tối tân vv… nào kém ai; thì giờ bận rộn với những tiện nghi quanh mình, lại thêm business cầu siêu, cầu an, cúng sao, cúng hạn, xin xăm, bói quẻ còn không đủ thì đâu có rảnh mà lo thêm chuyện hoằng hóa chúng sanh. Các ngài rất ngại chuyện này; còn đi biểu tình trình diễn thì không thể tránh được vì sợ bị bọn Mafia Roma chụp mũ “thân cộng” là chết bỏ bu. Mọi sự đành tùy duyên là thế. Số Phật tử bị các tôn giáo Cristo quyến rũ đi gần hết, nhưng các ngài vẫn mũ ni che tai cơm chay hai bửa.

Đến đây nhắc tui một chuyện sai lầm về thống kê ở trong nước. Trong vài năm qua, nhà nước Việt nam cũng học đòi thống kê, và gần đây công bố thống kê về tín đồ các tôn giáo hiện hành. Đối với các tôn giáo khác thì tiêu chuẩn rõ rệt là tín đồ phải thường sinh hoạt trong giáo phận liên hệ. Riêng về Phật tử thì tiêu chuẩn công nhận là phải có qui y với một vị tăng ni nào đó; vì thế mà tổng số Phật giáo đồ bị hạ thấp thê thảm không đúng với thực tế thường bảo 80%. Họ đã bỏ qua một mảng rất lớn những “Phật tử làng nhàng” như tui đây. Thực đáng tiếc, hay họ lại xếp hạng này vào loại “đạo ông bà” như thời nhà Ngô? Ai không bảo lịch sử là một sự lập lại?

II. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và Làng Mai

Ảnh thuyngaonline.com

Thầy Nhất Hạnh (từ nay xin viết tắt là NH) còn được biết đến như là Sư Ông Làng Mai (xin viết tắt là LM, chớ nhầm với La-Mã đấy), hay Thầy LM. Từ rất lâu danh thầy đã nổi như cồn cùng với phát kiến gắn bông hồng trên áo nhân Mùa Vu Lan, nay đã thành lệ. Thời chiến tranh Việt Nam cuốn sách “Hoa Sen Trong Biển Lửa” bị chế độ Thiệu cấm, nhưng tui đã được đọc chui mà thán phục lòng can đảm của thầy. Rồi thầy bị Nhà Nước Cộng Hòa 2 bắt lưu vong. Sau 1975 khi ở nước ngoài thì nghe tin thầy ở Paris, hợp tác với Võ Văn Ái ra tờ Quê Mẹ gì đó rồi thầy trò chơi nhau sát ván và rã đám. Về sau nghe thầy lập ra Tu Viện Làng Mai hay Mai Thôn, mở dòng Tiếp Hiện ở vùng Dordogne thuộc miền Nam nước Pháp, lại nổi danh như cồn nhất là với người tây phương. Muốn đến đấy tu thiền vài tuần cũng tốn kém dữ lắm chưa kể tiền phi cơ xuyên lục địa. Ấy vậy mà năm nào tui cũng đóng tịnh tài cúng dường qua người bạn chuyên gây qũi cho LM. Rồi cũng nghe rằng thầy thích thơ nên những khu cư ngụ tu tập cũng được đặt tên như những đề thơ, nào là Xóm Hạ, Xóm Thượng, Xóm Rừng Phương Bối, Xóm Bếp Lửa Hồng, Xóm Mây Đầu Núi, Xóm Chim Đại Bàng vv… Lại nữa lối sinh hoạt trong LM vui như tết, nam nữ tu chung, được thoãi mái đàn ca xướng hát, thêm tăng bào màu đà của tăng thân LM mới nhìn thoáng qua không khác gì thiền sinh ở các cộng đồng của mấy ông đạo Ấn Độ như phái thiền ôm, thiền hôn của guru Bhagwan Shree Rajneesh, sau cãi danh là Osho, hay phái Vô thượng sư Thanh Hải với những cuộc trình diễn thời trang rực rở của Bà Thầy vv…

Có người bảo mấy ông bà đạo trưởng bất cứ đạo nào là một alter-ego của những thủ lãnh chính trị, cũng muốn được ngồi bệ cao, được người người phủ phục tán thưởng liên hồi. Các ngài dạy vẻ cho mọi người con đường “giải thoát khỏi những hệ lụy thế gian” để sống đời an lạc thế nhưng xem ra các ngài còn vướng vào vòng hệ lụy sâu hơn ai hết thẩy.

Tìm hiểu thêm tí nữa thi được biết tục danh của thầy NH là Nguyễn Xuân Bảo, hiện đã 83 tuổi, sinh ngày 11, tháng 10 năm 1926 tại Thừa Thiên. Thầy đã xuất gia xuất gia ở chùa Từ Hiếu gần Huế, thuộc dòng Liễu Quán của phái thiền Lâm Tế, và thọ giáo với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật. Tốt nghiệp Viện Phật học Bảo Quốc và thọ giới tỳ kheo vào năm 1949. Vào năm 1956 thầy là Tổng biên tập của nguyệt san Phật giáo Việt Nam ở Sài Gòn. Sau đó thầy thành lập Nhà xuất bản Lá Bối, góp phần vào việc thành lập trường Đại học Phật giáo Vạn Hạnh và trường Thanh niên Phụng sự Xã hội.

Thầy NH đã đến Hoa Kỳ nhiều lần để nghiên cứu và diễn thuyết tại Đại học Princeton, Đại học Cornell, và sau này giảng dạy tại Đại học Columbia. Trong các chuyến đi ra các nước Mỹ và Âu Châu thầy đã tích cực vận động cho hòa bình ở Việt Nam, được giới phản chiến tây phương ủng hộ nhiệt liệt. Thầy cũng đã dẫn đầu phái đoàn Phật giáo đến dự cuộc Đàm phán hòa bình Paris. Thầy đã được Mục sư Martin Luther King đề cử ứng viên cho Giải Nobel Hòa bình vào năm 1967.

Sau hơn 40 năm lưu vong, và sau nhiều cuộc vận động thương thảo giữa Nhà nước Việt Nam và LM, Thầy NH trở về quê hương lần đầu, hướng dẫn một đoàn tăng thân LM đông đảo gồm 100 tăng ni và 90 thành viên khác, và đã lưu lại Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2005. Phật tử hân hoan chào đón Thầy như người thân lâu ngày vắng bóng. Thầy là nhân vật Phật giáo đầu tiên từ nước ngoài được đặc biệt tiếp rước long trọng như thế. Thầy được phép thuyết giảng khắp ba miền và một số sách của Thầy được xuất bản bằng tiếng Việt, in ấn và lưu hành rộng rãi trong nước. Báo chí đua nhau ca tụng thầy và LM không tiếc lời. Hai năm sau, từ tháng 3 đến tháng 4, 2007, Thầy NH cùng tăng thân LM quay trở lại Việt Nam để thực hiện lễ cầu siêu giải oan ở trong nước cho tất cả những đồng bào nào "từng là nạn nhân của chiến cuộc, không phân biệt Bắc Nam, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, già trẻ hay trai gái". Cuối tháng Tư, 2008, Thầy NH cùng tăng thân LM về dự Đại Lễ Vesak Tam Hợp Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Hà Nội. Các chuyến đi xem như là thành công viên mãn, nhưng đã bị đám Ca-tô và các tổ chức chống cộng người Việt hải ngoại (cho Cristo và cho chủ ngoại bang) không tiếc lời thóa mạ đả kích dữ dội.

Hình như kẻ có tài hay sinh tật, dễ trở thành dị nhân, khác người. Thầy NH không thoát khỏi qui luật này. Những việc thầy làm hơi khác truyền thống luôn gây nhiều bàn cãi ồn ào. Từ lối sinh họat và đặt tên trong Thiền viện như đã nói trên cho đến tái dụng danh từ Bụt, hay đem ý niệm Thiên Chúa vào trong thiền phái của thầy như “Bụt trong ta, Chúa trong ta”, “Living Buddha, Living Christ”, và "Going Home: Jesus and Buddha as Brothers" dù được xem như là khế cơ để người tây phương dễ đến gần với “đạo Bụt”. Vậy mà đám chống cộng cho Cristo nào có tha cho. Và gần đây có tin cho biết một buổi cầu nguyện cho hòa bình và Tu viện Bát Nhã do Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu kết hợp với tăng thân Berlin tổ chức lúc 5 giờ chiều ngày 13/10/2009 tại nhà thờ lớn của thành phố Berlin.

Phái đoàn tăng thân LM của thầy trở về quê mẹ với một số lượng người rất “ấn tượng”, với các đệ tử “ông tây bà đầm” cũng làm cho dân quê bản xứ thán phục sát đất vì lần đầu tiên tại một đất nước của thầy tổ còn nghèo nàn đồng hương được thấy “tụi tây” quì lạy thầy như thế thì ai không hả hê cho được. Hình như phảng phất cái hình ảnh “vinh qui bái tổ” dù đây chỉ là một tăng đoàn nhà Phật. Lại nữa, hình ảnh rất ấn tượng ấy với lối hành hoạt mới trẻ trung sinh động lẫn tây lẫn ta đã làm cho các tăng sinh trẻ trong nước muốn học đòi theo “một đạo Phật văn minh từ nước ngoài”, và chợt thấy lề lối tu tập truyền thống của các tự viện mình trong nước còn “xưa và quê” quá; tựa như sau thời mở cửa thị trường ở thập niên 90s, giới trẻ trong nước bất ngờ nhìn thấy mọi chuyện đến từ tây phương đều “văn minh choáng ngợp” ngòai sức tưởng tượng, nên lăn xả vào hưởng thụ cho bỏ những ngày “khốn khó mì độn bo bo” mà không kịp chuẩn bị tư tưởng vậy. Dĩ nhiên những màn trình diễn “shock and awe” vô tình hay cố ý này từ LM đã không ít thì nhiều làm một số nhà lãnh đạo giáo hội địa phương e dè. Nhưng thầy NH và LM vẫn thản nhiên “cỡi ngựa xem hoa” coi như đây vẫn là “cái nhà là nhà của ta”.

III. Căng thẳng tại Tu viện Bát Nhã

Tin tức về những rắc rối ở Tu viện Bát Nhã đã âm ĩ kéo dài từ năm 2008 đã được đủ loại nguồn tin tức thuận nghịch đua nhau loan tãi. Ở đây tui xin tóm tắt theo trình tự như sau, dựa vào các tin tức trong và ngoài nước góp nhặt và sàn lọc được trên mạng:

Sau lần đầu Thầy NH và tăng thân LM về thăm quê hương vào năm 2005 gây được nhiều ấn tượng tốt. Trong cái không khí đầy phấn khởi ấy, vào tháng 5, năm 2005, Thượng Tọa Đức Nghi, kiêm nhiệm Viện chủ tu viện Bát Nhã thuộc xã Damb'ri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã nắm bắt thời cơ, ngõ ý và tạo điều kiện để Làng Mai dùng nơi này làm phương tiện sinh hoạt và tu học cho tăng thân, để từ đó phát triễn pháp môn này ở Việt Nam, hy vọng rằng Thượng tọa sẽ được kế thừa làm tổ sư pháp môn trong nước. Nên nhớ là TT. Đức Nghi, trụ trì chính thức của Tổ đình An Lạc thuộc thị xã Bảo Lộc, đã thiết lập tu viện Bát Nhã từ năm 1995, nhưng chưa chính thức được bổ nhiệm làm Viện chủ theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương/ GHPGVN vì một tu sĩ Phật giáo không được quyền trụ trì hay viện chủ 2 chùa.

TT. Đức Nghi đã nỗ lực vận động GHPGVN và Nhà nước chấp thuận phương án, và việc này đã được Giáo hội Trung ương cho phép theo văn thư số 212 ngày 22-5-2006, và Ban Tôn Giáo Chính phủ chấp thuận qua văn thư số 525 ngày 7-7-2006. Thượng Tọa cũng đề cử một đệ tử là thầy Thích Đồng Hạnh, Trụ trì Tu Viện làm phụ tá để sinh hoạt và tu học chung với tăng thân và để giúp về việc hành chánh… Thầy Đức Nghi và ĐĐ. Đồng Hạnh đã được Thầy NH “truyền đăng” tại Mai Thôn nhân chuyến thăm Pháp vào năm 2006.

Làng Mai thỏa thuận hợp tác và đã để lại vài vị giáo thọ theo yêu cầu của TT. Đức Nghi, đồng thời trợ giúp tài chánh triễn khai cơ sở cho rộng lớn hơn và bắt đầu tuyển tăng sinh, cho đến năm ngoái lên đến 379 tăng ni và cư sĩ đang tu học tại đây.

Trong chuyến về Việt Nam lần hai để thực hiện lễ cầu siêu giải oan ở trong nước, thầy NH và tăng đoàn còn có vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đón tiếp tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vào chiều ngày 5-5-2007. Qua cuộc tiếp xúc này nghe nói thầy NH đã đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết rằng nhà nước nên dẹp bõ ngành Công an Tôn giáo và giải tán Ban Tôn giáo chính phủ, (Ghi chú thêm của người viết: Qua nghị định số 08/NĐ-CP ký bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 8 tháng 8, 2007, Ban Tôn Giáo Chính Phủ trở thành một bộ phận của Bộ Nội Vụ). Ngoài ra thầy NH còn có đệ trình bản đề nghị riêng 10 điểm với Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết. Nhà Nước hứa sẽ cứu xét và gợi ý không nên công bố; nhưng sau đó Làng Mai lại cho đăng trên “Lá Thư Làng Mai số 31 ra ngày 4 tháng 2, 2008” một cách thiếu tế nhị và tín cẩn.

Thêm nữa, Lá thư LM lại nhắc đến, có khác nào chỉ trích kết án, những sai lầm của Đảng cầm quyền trong quá khứ từ thời tiếp thu chính quyền, cải cách ruộng đất, trăm hoa đua nở vv… và cả những khó khăn khi lập Đại Đàn Chẩn Tế.  (Trang 12).

Các tài liệu của Làng Mai còn đề xuất với chính phủ hãy từ bỏ Chủ Nghĩa Cộng Sản, bỏ chữ “Cộng Sản” ra khỏi tên của Đảng chính trị cầm quyền, và bỏ cụm từ “Xã hội chủ nghĩa” ra khỏi tên chính thức của nước, “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” để thành “Cộng Hòa Việt Nam” hay chỉ đơn giản là “Việt Nam”.

Đây chính là giọt nước đã làm tràn ly nước đầy.

Dĩ nhiên việc làm thiếu tế nhị và thiếu thận trọng của LM đã làm cho người bảo lãnh là thầy Đức Nghi phải chịu cảnh trên đe đạo (GHPGVN) dưới búa đời (Nhà nước). Ngoài ra trước đó đã có nhiều bất đồng trong việc điều hành Tu viện giữa hai bên, là thầy Đức Nghi không có quyền hạn như Viện chủ ở Việt Nam, mà do tập thể giáo thọ của Làng Mai quyết định tất cả, nên từ tháng 6 năm 2008, thầy Đức Nghi đã muốn rút lui, không muốn tiếp tục bảo lãnh các giáo thọ và không muốn tăng thân Làng Mai tu tập tại Tu viện Bát Nhã nữa; đồng thời yếu cầu họ phải rời khỏi cơ sở này. Ngày 08/08/2008, công an địa phương ra công văn trục xuất những tu sinh này khỏi tu viện vì không còn có sự bảo lãnh cư trú của TT. Đức Nghi. Dù vậy vì lý do thủ tục hành chánh và nhân đạo nên mãi đến tháng 6 năm 2009, tăng thân vẫn tiếp tục cư trú tại Tu viện.

Ta có thể thấy nổi khổ tâm của TT. Đức Nghi, một nạn nhân đầu tiên của những toan tính chính trị vụng về của LM, qua Bản Kiến Nghị ngày 1 tháng 9, 2008 của thầy gởi Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo VN, Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng và ban Đại diện Phật Giáo Thị xã Bào Lộc, và đồng thời gửi cho LM: “đã 3 năm qua, con đã hơn 10 lần bị kiểm điểm vì vi phạm Hiến chương Giáo Hội và Nghị định 22 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ.”

Bản Kiến Nghị viết tiếp: “Ban đầu con cứ tưởng Làng Mai tôn trọng Giáo Hội Phật Giáo VN và Nghị định 22 của Ban Tôn giáo Chính Phủ, cứ tưởng tôn trọng lời đề nghị của con tại Làng Mai 2006, lời đề nghị của con tại chùa Từ Hiếu năm 2007, lời đề nghị của con tại Tu viện Bát Nhã năm 2008. Thầy Đức Nghi đã không viết rõ những đề nghị của thầy. (Ghi chú thêm của người viết: Về Nghị định 22 của Ban Tôn giáo Chính Phủ, đúng ra là Nghị định của Chính phủ số 22/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2004 về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc Uỷ Ban Nhân Dân các cấp, thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác tôn giáo).

Trong 3 lần gặp Thiền sư Nhất Hạnh tại Làng Mai năm 2006, tại chùa Từ Hiếu năm 2007, và tại Tu viện Bát Nhã năm 2008, con đã nói lên thực trạng của Tu viện Bát Nhã: Giáo Hội Làng Mai chưa được phép sinh hoạt tại Việt Nam, con chỉ đứng đơn xin tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã. Nên mọi việc xẩy ra con chịu trách nhiệm trước Giáo Hội và Nhà Nước. Con muốn tương lai Tu viện Bát Nhã sẽ lên tới 1.000 tu sinh, nhưng những lời đề nghị của con lên Sư Ông và quý vị giáo thọ không ai lắng nghe cả.”

Vì thế kề từ ngày 1 tháng 9, 2008, TT. Đức Nghi trình với GHPGVN chính thức rút lại tất cả những văn thư xin phép cho tân tăng thân LM tu tập tại Tu viện Bát Nhã, và không bảo lãnh cư trú cũng như không chịu trách nhiệm về mọi hậu quả trong thời gian tới.

Tiếp đến ngày 29 tháng 10, 2008, Ban Tôn Giáo Chính Phủ từ Hà Nội liền ra văn thư số1329/TGCP-PG do Trưởng ban Tôn giáo Nguyễn Thế Doanh ký v/v hoạt động tôn giáo của Làng Mai (nước Pháp) tại Việt Nam, sau khi nhận được văn thư số 427/CV/HĐTS của Hội Đồng Trị Sự GHPGVN ngày 10 tháng 10, năm 2008. Văn thư đã được gởi đến Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, VP I, và II GHPGVN, Bộ Công An (A41), UBND Tỉnh Lâm Đồng, Sử Nội Vụ Tỉnh Lâm Đồng, BTS PG Tỉnh Lâm Đồng ghi rõ trong các lần về thăm VN, Tăng thân LM đã thực hiện một số việc như: Mở giới đàn thụ giới và một số khóa tu, bổ nhiệm trụ trì, tấn phong giáo phẩm không thông qua GHPGVN, đề cập sai lệch những vấn đề chính trị của đất nước, đưa lên mạng Internet (Website Làng Mai) một số thông tin sai sự thật về thực tế ở Việt Nam… Những việc làm ấy là vi phạm pháp luật  Việt Nam, tạo cớ cho số xấu ở trong và ngoài nước xuyên tạc chính sách tôn giáo của Nhà Nước và làm ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc, đòan kết trong nội bộ GHPGVN.

Văn thư này cũng đã đề ra hướng xử lý đối với những việc Tăng thân LM đang tạo ra phức tạp, gây mất an ninh trật tự tại Tu Viện Bát Nhã. Theo đó, "Những người thực hiện đúng quy định tạm trú, tạm thời cho ở trong một thời gian để thu xếp chuyển đi; những người chưa thực hiện đăng ký tạm trú thì với những ai thuần túy tu học, không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự, cho phép kê khai đăng ký tạm trú và được ở lại trong một thời gian (như những người đăng ký tạm trú) để thu xếp chuyển đi; số gây mất trật tự, mất đoàn kết buộc trở về nơi cư trú cũ".

Đáng tiếc là gần một năm trôi qua mà nội bộ hai bên Tu Viện Bát Nhã và LM vẫn không cố gắng giải quyết vấn đề một cách khéo léo và gọn nhẹ dưới sự cố vấn và chỉ đạo của GHPGVN, vì ngày 19 tháng 11, 2008, đã có một cuộc họp ở TP. HCM với sự tham dự của đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ. Cuộc họp quyết định ủy quyền cho ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng giải quyết. GHPG tỉnh Lâm Đồng nói họ tạm thời bảo lãnh cho các vị tăng ni sinh này ở lại cho đến khi có giải pháp sau cùng.

Thế mà sự việc vẫn giậm chân tại chỗ và gần 400 tăng thân biến thành “nhóm con tin, hostages” cho những mưu toan khác trong ván cờ khó hiểu.

Cuối cùng, ngày 7 tháng 9, 2009, UBND Thị xã Bảo Lộc buộc phải gởi Văn thư Số: 789/UBND đến các giới chức phường xã lệnh phải giải quyết việc giải tán tăng thân LM ở chùa Bát Nhã, và việc gì đã xảy ra thì mọi người đã biết như tin tức loan tãi và làm và đau lòng cho thất chúng Phật tử trong và ngoài nước quan tâm. Bọn xấu chỉ chực chờ cơ hội như thế để đổ dầu vào lửa cho bùng to lên mà thôi rồi tha hồ reo vui.

IV. Tinh túy của đạo Phật

Từ hơn 25 thế kỷ qua, dù bao vật đổi sao dời, dù bao thời thế xoay chuyển, lời dạy của Đức Phật vẫn trước sau như một, là chân lý dẫn đường cho những người mê muội. Xin tạm bỏ đi những luận bàn thâm diệu cao siêu về lý Bất Nhị, về Tính Không của vạn vật, hay những “pháp môn” thậm thâm linh tinh về sau vv…; nếu mọi người con Phật cứ tâm tâm niệm niệm những bài dạy cơ bản lúc Đức Phật chuyển pháp luân ở Lộc Uyển thì cũng đủ sống một đời an lạc dư thừa; sao phải mãi chạy theo những hình tướng phù du nhất thời. Vì là chân lý nên giáo pháp của Đức Phật bất biến, không bị lỗi thời, không cần thêm bớt.

Là Phật tử ai lại không nhập môn với 1) Tứ-Đế: “Khổ, Tập, Diệt, Đạo". 2) Thập Nhị Nhân Duyên. 3) Lý nhân quả, nghiệp báo.

Đạo hạnh của vị chân tăng không phải do ở lời tâng bốc của thế nhân, không từ lời thuyết giảng cuốn hút lòng người, không từ khối lượng sách in, băng nói đã phát hành, càng không từ tài sản vật chất cơ ngơi mình tạo tác sở hữu, không từ pháp môn cãi cách khác thường mà là do trì giới luật của Đức Bổn Sư đã thiết chế. Càng cao dày thì đạo hạnh tự hiển lộ trong tứ uy nghi: đi đứng nằm ngồi tựa, đủ làm tín đồ rạp mình kính cẩn trọng vọng dù chỉ “niêm hoa vi tiếu”.

Hàng cư sĩ dựa cột thiền môn, một khi đã qui y nguyện giữ 5 giới 1) Không sát sanh. 2) Không trộm cắp. 3) Không tà dâm. 4) Không nói dối. 5) Không uống rượu; đã là khó khăn. Xa hơn nữa mon theo Bát Chánh Đạo (Aryatanagamagra) là 1) Chánh kiến. 2) Chánh tư duy. 3) Chánh-ngữ. 4) Chánh-nghiệp. 5) Chánh-mạng. 6) Chánh-tinh-tấn. 7) Chánh-niệm, và 8) Chánh định; thực là thiên nan vạn nan. Huống chi một Tỳ-kheo xuất gia phải thọ và giữ 250 giới cụ túc, một Tỳ-kheo-ni phải thọ và giữ 348 giới cụ túc; làm sao mà giáo chúng không bái phục ứng cúng các thánh nhân?

Nếu chư vị cao tăng liên hệ trong vụ Tu Viện bát Nhã đã thọ và giữ được chừng ấy giới thì thế giới đã an hòa, không còn vọng động tranh chấp chỉ làm trò cười cho thiên hạ và ngoại đạo.

V. Quốc hữu quốc pháp – Gia hữu gia qui

Điều này đã được biết đến từ khi con người sống trong một xã hội có tổ chức. Cha ông ta hay nói nôm na là “quá giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Việt Nam đã được giải phóng khỏi gông cùm ngoại bang và đã được thống nhất an bình nề nếp từ hơn 30 năm nay, tất phải có luật pháp thường hành mới cai trị được hơn 80 triệu dân mà ổn định xã hội. Nhà cầm quyền dù từ gốc gác ra sao, dù có kẻ ưa người chống, mà giữ được giềng mối trong một thời gian đáng kể vẫn là chính thống, đi vào lịch sử dân tộc quang minh chánh đại, huống chi lại còn cả thế giới kể cả cựu thù công nhận giao hảo.

Ở đây tui không cần phải tâng bốc Nhà Nước cầm quyền hiện tại, bởi tui vẫn còn chưa hài lòng với nhiều chính sách thất nhân tâm khác, nhưng Nhà Nước lập ra đâu phải để chiều ý mọi người. Dù muốn hay không ta phải chấp nhận một thực tại lịch sử khách quan, đừng nên ngụy ngôn.

Vì thế mọi công dân đoàn thể bất kể từ đâu muốn sinh hoạt trong nước Việt đều phải tuân thủ triệt để pháp luật hiện hành. Không phải vì mình thường đi đây đi đó được nhiều người tung hê là Nhà Nước phải rạp mình ca tụng. Không phải vì mình thường sinh hoạt theo lối tây hay La Mã là Nhà nước phải uốn thân chiều chuộng? Chưa chắc mình đã dám ngông cuồng đứng trên luật pháp sở tại nơi mình trú ngụ, thì cớ sao mình lại xem thường pháp luật của đất nước có nhã ý mời mình về thăm cố hương? Có đạo lý nào dạy chủ nhân cứ tiếp tục tươi cười “tỉnh thức, hít vào ta biết hít vào, thở ra ta biết thở ra” đón tiếp vị khách thô lổ đến thăm nhà mà lại gay gắt chỉ trích hết chuyện này qua chuyện khác của gia chủ rồi còn đề nghị chủ nhà đổi thay phá bỏ hết rường cột căn nhà đi? Vã lại đây là chuyện quốc gia đại sự, nào có phải trong một phạm vi chật hẹp của một tu viện. Sĩ diện quốc gia để ở chỗ nào? Tây Mỹ kia còn chưa từng dám vi phạm những việc tế nhị như thế, huống chi là nề nếp văn hóa Á đông.

Phật đạo không dạy đến Tứ Ân đấy sao? 1) Ơn cha mẹ. 2) Ơn chúng sanh. 3) Ơn quốc gia, và 4) Ơn Tam Bảo. Xưa kia các cao tăng đức trọng đều do Nhà Vua phong làm quốc sư, các tự viện nổi danh đều do các hoàng triều phong sắc tứ. Qua lịch sử, Phật Giáo thịnh suy đều do sự bảo hộ của các triều đại. Thế thì làm gì có một giáo hội hay pháp môn đối nghịch chính sách của Nhà Nước?

VI. Nhận xét

Qua sự việc đã được mọi người biết đến về vụ Tu Viện Bát Nhã, theo tui phần lớn các khuyết điểm thuộc về thầy NH và LM. Những vị khác chỉ là nạn nhân nông nổi của một vở kịch vụng về do thầy và LM, hoặc ai đó đạo diễn.

1) Qua những tin tức chi tiết đã nêu trên thì hình như mọi quan điểm lao nhao bênh chê hiện nay về vấn đề Tu viện Bát Nhã đều tùy theo cảm tính bồng bột và lập trường chính trị của từng phe phái, chỉ tập trung vào “ngọn” của vấn đề là việc sử dụng vũ lực trục xuất Tăng thân LM ra khỏi Tu Viện Bát Nhã mà không ai bình tâm vô tư xem lại nguyên do “gốc” từ đâu và vì sao sự việc cứ giùng giằng bế tắt kéo dài trọn một năm. Điều này cũng làm cho uy tín của hàng giáo phẩm GHPGVN, và hàng ngũ tăng già nói chung bị tổn thương không ít.

2) Sau bước đầu khai mở đầy khó khăn trong sự giao hảo với chính quyền; đáng ra thầy NH, vốn là một Thiền sư thì nên nhẫn nại khuyến khích tăng thân chuyên lo tu học Phật đạo, đẩy mạnh những công tác cứu tế nhân đạo, theo thời gian phát huy hơn nữa và tạo nên một mối tin tưởng vững chãi giữa Nhà Nước và Tăng thân thì về sau chuyện cảm hóa gì mà không thuận lợi. Đi đâu mà vội mà vàng?

2) Thầy NH chỉ nổi danh là một thiền sư, mọi người ngưỡng mộ qua sự ngộ đạo, đức độ và uy tín quốc tế, chứ thầy không thể là một nhà hoạt động chính trị được, dù dưới danh nghĩa gì. Bước qua lằn ranh mỏng manh ấy là hào quang của thầy vụt tắt nhanh chóng. Trong khi sự tin tưởng đôi bên chưa xác định, Nhà Nước còn đang nghi ngại LM bởi vì lối sinh hoạt của tăng thân khác hẳn truyền thống, pha chút Tây, Mỹ; lại được tây phương nuôi dưỡng hổ trợ lâu dài ở đất người; biết đâu đây cũng chỉ là con bài trong Diễn biến Hòa bình của bọn xấu thì thầy NH lại vụng về hoặc kiêu mạng đề nghị, rồi Làng Mai lại công bố những điều chính trị vô bổ.

Nhiều người cứ mãi thắc mắc không hiểu được, với một danh sư tài trí như thầy NH, ở tuổi 83 mà theo Khổng Tử là tuổi quá Thất Thập Nhi Tùng Tâm Sở Dục Bất Du Củ (Đến 70 tuổi, con người sẽ thấu triệt về cách xử thế; làm việc gì cũng chừng mực), lại vi phạm những điều tối kỵ sơ đẳng về chính trị như thế được; để làm đổ bể tất cả những công sức mình vun trồng đã nhiều năm. Câu trả lời chỉ có thể là thầy chịu một áp lực “ngoại bang” nào đó để trả ơn ưu đãi bấy lâu; hoặc thầy chịu một áp lực của các tổ chức chống cộng lưu vong hay trong hàng ngũ tăng thân có những phần tử chống cộng len lõi tác động.

3) Những đề nghị chính trị không thức thời của thầy NH, trong những cơ hội hiếm có tốt nhất với Chủ tịch Nước, ngay cả Giáo hoàng ở Vatican bấy lâu yêu cầu còn không được, đã dập tắt bao kỳ vọng cãi thiện, và gây nhiều hậu quả xấu không thể lường trước cho nhiều thành phần khác đạo lẫn đời. Nào có phải ai cũng được Chủ tịch Nước đón tiếp đâu. Những điều thầy NH nêu ra thì trước đây những tổ chức chống cộng cho Cristo lưu vong đã từng hô hào nhưng không được Đảng cầm quyền trong nước đếm xĩa đến. Nay bỗng dưng thầy thay mặt họ lên tiếng ngay trong Phủ Chủ tịch thì thiết tưởng thầy là một thiền sư thông thái, chuyên dạy mọi người điều hay lẽ phải, phải biết trước hậu quả sẽ như thế nào?

4) Thầy NH và LM hình như giả vờ quên một thực tại chính trị về cơ chế vận hành của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay. Nguyên tắc vẫn là Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý. Người có quyết định tối hậu là Bí Thư Trung Ương Đảng, ở đây là Ông Nông Đức Mạnh, sau khi bàn luận với Bộ Chính Trị Trung Ương. Những vai trò Nhà Nước chỉ là sự phân công phân nhiệm cho các Ủy Viên thuộc Bộ Chính trị của T.Ư. Đảng mà thôi. Như vậy đây là một sự lãnh đạo tập thể, chứ không phải cá nhân Tổng thống như của các chế độ cũ trong Nam trước đây. Vì thế Thầy NH phải biết cần cẩn trọng và nên nói điều gì và nói với ai một cách kín đáo trong những cơ hội được đón tiếp vào hàng quốc khách như thế. Không phải ai cũng là thiền sinh đến tham vấn mình.

Đảng lãnh đạo, dĩ nhiên là Đảng Cộng sản. Bây giờ là thời buổi kinh tế thị trường toàn cầu hóa thì dùng từ Xã Hội Chủ Nghĩa cho hợp với sách lược mới. Vậy mà thầy NH lại đề nghị xóa bõ Xã Hội Chủ Nghĩa đi thì sự chính thống của Đảng cầm quyền nằm ở chỗ nào? Không lẽ thầy muốn thay bằng Đảng Cần Lao Nhân Vị? Trung quốc trên danh nghĩa vẫn ghi là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nhưng trên trường giao thương quốc tế mọi người đều gọi là Nước Trung Hoa, và tương tự đối với Nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trên trường quốc tế người ta vẫn gọi gọn là Việt Nam từ bấy lâu nay đâu có cần đến nay thầy NH phải lưu ý.

Cũng theo chiều hướng ấy, bao nhiêu thế hệ Đảng viên đã hy sinh trong đấu tranh gian khổ mới có được ngày hôm nay, không lẽ một sớm một chiều chỉ vì lời đề nghị của thầy NH mà mọi chuyện đều đổi thay nhanh chóng, có thực tế không? Đảng muốn tổ chức các bộ phận kiểm soát quốc gia như thế nào là tùy ở T.Ư. Đảng, trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ, vốn đã hiện hữu từ rất lâu. Nay thầy NH lại kêu gọi giải tán cơ quan ấy đi, khác nào thầy đang hoạt động cho các đảng chống cộng ở hải ngoại do Ca-tô giựt dây, tương tự như kêu gọi hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp hiện hành? Thầy thừa biết nếu các thành phần ấy kêu gọi như thế tại Hà Nội thì Nhà nước sẽ phản ứng ra sao chứ!

Nếu thầy NH muốn thay đổi cơ chế lãnh đạo này thì chỉ còn có con đường là tìm mọi cách để lật đổ nó, điều mà khó có tổ chức phản động nào làm nỗi trừ phi được chủ ngoại bang cõng về bằng mọi mưu mô nham hiễm kể cả gây chiến phá hoại. Chính vì thế mà Đảng và Nhà nước hiện tại luôn nhậy cảm và dị ứng với những “diễn biến hòa bình” trá hình như các lời đề nghị của thầy. Còn muốn cảm hóa bằng lối thiền Làng Mai thì có cần phải hấp tấp đến thế không?

Đã bảo thầy chỉ nên chuyên thuyết về thiền mà thôi, chớ mò sang lãnh vực chính trị mà trật đường rầy, mất uy tín lắm. Cứ đợi xem đến Lễ Vesak kỳ tới sẽ được tổ chức tại Hà Nội, thầy và LM có được mời tham dự nữa hay không thì mọi người sẽ rõ uy tín của Thầy đối với Nhà Nước Việt Nam ra sao. Thế là toi công, mọi nổ lực gầy dựng bấy lâu nay đều đổ xuống sông cả!

5) Một Đảng cầm quyền đã dạn dày kinh nghiệm chính trị như Đảng CSVN thừa sức khôn khéo ứng xử với thầy mà thầy nào thấy. Họ đã dành cho thầy vinh dự đón tiếp mà thầy lại không cảm kích tri ân, lại vụng về trong hành xử. Dù họ đã bất bình ngay sau buổi tiếp xúc trong Phủ chủ tịch nhưng họ đã không lộ ra công khai, còn mời thầy và tăng thân LM về dự Lề Vesak vào năm 2008 vì tầm quan trọng của nó; nhưng theo mọi người nhận xét kín đáo thì sự đón tiếp đã không nồng nhiệt như trước nữa. Là một thiền sư nỗi danh, thầy phải nhận biết ra luật Nhân Quả ngay và tìm cách rút tăng thân khỏi Tu Viện Bát Nhã càng sớm càng tốt. Qua Bản Kiến Nghị ngày 1 tháng 9 năm 2008 của Thầy Đức Nghi đã được công bố nay ta mới biết “đã 3 năm qua, con đã hơn 10 lần bị kiểm điểm vì vi phạm Hiến chương Giáo Hội và Nghị định 22 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ.” Dĩ nhiên thầy Đức Nghi cũng đã thông báo cho thầy NH biết thái độ thay đổi của Nhà Nước ra sao rồi; vậy mà thầy NH và LM vẫn tảng lờ, biến việc tăng thân phải rời khỏi Tu viện Bát Nhã theo đúng luật pháp Nhà Nước thành hình thức đối kháng chính trị, để lấy cớ vu oan giá họa là thầy trò Đức Nghi và Nhà Nước đàn áp tôn giáo bằng bạo lực. Kẻ chân tu có cần những trò tiểu xảo vặt ấy không?

6) Nhà Nước Việt Nam phải ngày đêm chăm lo cho sự an nguy của đất nước, đời sống thanh bình của hơn 80 triệu con dân thì một chuyện rối ren nội bộ Bát Nhã có đáng là gì. Qui trách mọi chuyện xấu xa cho Nhà nước chỉ là trò trẻ con vì dễ làm nhất. Ngay cả ở các nước Âu Mỹ, chính quyền là cha mẹ dân, không bao giờ có lỗi trong việc trị an. Trong khi ấy các trang nhà gần xa với LM cùng với bọn xấu luôn tìm cách chống Việt Nam được dịp đi vào con đường “liên tôn” vô hiệu xưa cũ, phục vụ cho tính càn rỡ của một thành phần thiểu số lưu vong. Có phải vì mình là đám thiểu số tị nạn được sống nơi an toàn ở nước người, chẳng có công lao trách nhiệm trực tiếp với dân với nước nên có quyền “dạy đời” trên các trang báo mạng vu vơ về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo?

Có lẽ cũng vì một vài tế nhị xã giao đối với GHPGVN và Làng Mai, và không muốn sự việc vượt khỏi tầm kiểm soát mà Nhà Nước đã để cho nội bộ Tu Viện Bát Nhã và LM giải quyết ôn hòa và đã không sớm triệt để ra tay khi TT. Đức Nghi tuyệt giao với tân tăng thân LM và yêu cầu trục xuất. Cứ xem lại trình tự các văn thư nêu trên thì ta đã rõ, chứ có phải là lời phỏng đoán.

Xem ra cái “ego” của thầy NH và LM quá lớn nên sự việc xảy ra không mấy đẹp như chúng ta đã rõ. Với phương tiện liên lạc viễn thông tiên tiến ngày nay, chỉ cần một “lệnh hồi cư” phát ra từ thầy NH qua điện đàm viễn liên thì không mấy chốc tăng thân đã ai về nhà nấy, các giáo thọ đã bay ngay về LM ở Pháp thì mọi sự đã xong. Nhưng đáng tiếc là chuyện đó đã không xảy ra, mà hình như diễn tiến theo bài bản đã được ai trong bóng tối dàn dựng sẳn; mà lại trùng hợp vào lúc có sự kiện giáo dân Ca-tô “cầu nguyện đòi đất cho Vatican” ở Tam Tòa, Quảng Bình. Chắc sau vụ này LM phải bận rộn đón tiếp nhiều phái đoàn “liên tôn chống cộng”, và đã qua rồi những ngày cứ bị đám này thóa mạ đủ điều. Ngày nay nếu ai tìm đọc các trang mạng của LM và phe nhóm đều có cảm tưởng như đã lạc vào một diễn đàn chính trị ba xu, lập lại những luận điệu nhàm chán của hàng trăm trang chống cộng khác.

7) Hậu quả là Tu viện Bát Nhã và các nhân sự xung quanh kể cả các giới chức đạo lẫn đời địa phương và gần 400 tân tăng sinh Làng Mai chỉ là nạn nhân tất yếu. Chuyện này cũng đặt GHPGVN vào thế khó xử, đành phải “tịnh khẩu”. LM cũng không nên quên ơn các bộ phận của GHPGVN mới ngày nào đã hăng say tổ chức các cuộc đón tiếp thầy NH và tăng thân LM rất là chu đáo và linh đình với đủ lễ nghi, lộng vàng thảm đỏ. Ai đã giập tắt niềm vui đạo lữ quá vội? Chưa kể đến “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”; sau vụ này kẻ ở nước ngoài thì ngậm đắng nuốt cay, nhưng những giới chức nhỏ chỉ vì “hăng tiết vịt” lên lớp bênh phe này chống phe nọ sẽ bị “thanh trừng” lãng nhách. Trách nhiệm ai sẽ gánh vác giùm đây?

8) Là một Thiền sư xuất chúng, thầy NH nên can đảm chấp nhận lổi thuộc về mình, uy tín của Ngài chỉ càng gia tăng; và từ đó ra lệnh cho tăng thân LM và các trang “ngoại vi thân cận” nên chấm dứt các việc “phân bua, đổ lỗi cho người” dựa theo Pháp Lục Hòa của Đức Từ Phụ đã dạy (1. Thân hòa đồng trụ. 2.  Giới hòa đồng tu.  3. Khẩu hòa vô tránh. 4. Kiến hòa đồng giải. 5. Ý hòa đồng duyệt. 6. Lợi hòa đồng quân) để chúng sinh được an lạc. Thầy thường nổi danh thuyết giảng về Tâm Kinh lắm; vậy thì “Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngủ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” có nên ứng dụng liền ở đây hay không?

Xin quí đại sư giáo phẩm nên luôn nghĩ đến đại cuộc phát huy Phật giáo hơn là vọng ngã hư danh qua các cuộc tranh chấp nhỏ nhen không cần thiết. Các ngài một ngày nào rồi cũng qua đi theo Luật vô thường nhưng chùa chiền và đạo Phật thì vẫn còn miên viễn. Quí thầy nên chứng tõ cho Phật tử thấy rằng lối hành xử của quí thầy luôn đúng theo lời Phật dạy và phải khác xa nhân thế còn vô minh; hơn nữa các thiền sinh luôn quan sát và học hỏi từ thân khẩu ý của quí thầy và quí thiền sư. Đâu là càn khôn nhẹ tựa lông hồng, lòng rộng như biển cả của Rừng Phương Bối, Mây Đầu Núi, Chim Đại Bàng…

Đã đến lúc mọi người không liên hệ cũng nên chấm dứt bàn cãi để trời êm bể lặn; bởi đâu là sự thật? Trong Vô Môn Quan ở tắc 49 hay còn gọi là Hậu Tự nói về An Vãn, một thiền sinh tầm thường sau khi đọc hết 48 công án của Thiền sư Vô Môn đã thốt: “Hãy ngưng, hãy ngưng, đừng nói. Chân lý tối thượng lắm khi còn không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì).

Tuyệt!

 

Thiên Lôi

Nov. 2009


Những bài liên quan về vụ Bát Nhã có đăng trong sachhiem.net:

- Thử tìm câu trả lời và giải pháp cho Làng Mai-Bát Nhã (Lý Kiến Trúc)

- Một Cái Nhìn Khác Về Vụ Tu Viện Bát Nhã (Thiên Lôi)

- Ai là người phải xin lỗi trong sự kiện Bát Nhã? (Chung Anh)

- Phản hồi bài phê bình của Nhóm Sen Việt (Ngô Bồng Lai)

- Về vụ lộn xộn ở Bát Nhã (CPT)

- Vài Ý Kiến Xung Quanh Vụ Tu Viện Bát Nhã -1 (Trần Chung Ngọc)

- Những bạo hành ở Tu viện Bát Nhã - xin giải thích giùm tôi (Nguyễn Đắc Xuân)

- Liêm Sỉ và Dũng Khí (Minh Mẫn)

Phản ứng của một số người đối với vụ bạo hành ở Bát Nhã:

Thư Thỉnh Nguyện kính gửi nhà nước CHXHCN Việt Nam

 


Các bài cùng tác giả