●   Bản rời    

Tôi không theo Pascal (Trần Tiên Long)

Tôi không theo Pascal

Trần Tiên Long

http://sachhiem.net/TTL/TranTL01.php

04 tháng 1, 2011

Trong khi trao đổi với các đọc giả trên diễn đàn công cộng và các bạn cùng trường về niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên chúa, tôi rất ngạc nhiên vì nhiều người vẫn thường hay nêu ra lập luận đánh cuộc của Blaise Pascal để biện minh cho niềm tin của mình. Đây là lối lập luận mà chúng tôi được nhồi sọ khi còn học chung với nhau ở một tiểu chủng viện hơn ba thập niên trước. Mặc dù lập luận của Pascal không quá khó bị đánh đổ, nhưng sự phổ biến rộng rãi đủ bảo đảm việc bàn về nó là điều cần thiết. Thực vậy, Pascal chỉ nêu ra mối lợi như là lý do để tin, đặt trên những tiền đề giả định hoang tưởng: có một Thiên chúa lo cho phúc lợi của con người; có thiên đàng và địa ngục, những nơi chốn thưởng phạt con người sau khi chết; và con người thì bất tử vì còn linh hồn vẫn tiếp tục sống ngoài thân xác. Đó là ba trong vô số những giả định căn bản mà người tín hữu Thiên chúa giáo phải xem như là hiển nhiên bằng một đức tin không lay chuyển.

Vậy mối lợi Pascal nêu ra có phải là lý do chính đáng để chúng ta theo đuổi bằng bất cứ giá nào không, kể cả mạng sống? Chúng ta sẽ tìm hiểu lập luận của Pascal và những tiền đề giả định hoang tưởng, rồi tuần tự xét đến những trường hợp có thể xảy ra để nhận thấy rằng việc đánh cuộc theo Pascal sẽ dẫn đến nhiều bất lợi hơn cả.

Blaise Pascal (1623-1662)

Nội dung đánh cuộc

Blaise Pascal (1623-1662) là một nhà toán học và triết học người Pháp. Trong chương có tựa đề Infinirien của cuốn Pensées, ông khẳng định rằng tất cả các lập luận chứng minh sự hiện hữu của Thiên chúa đều vô giá trị. Không ai có thể chứng minh có hoặc không có Thiên chúa. Ông so sánh hệ quả khác nhau từ quyết định tin hay không và đi đến kết luận rằng thái độ và hành xử của người cẩn trọng và khôn ngoan nhất là cứ tin có Thiên chúa, vì sau khi chết, nếu có Thiên chúa thì người tin sẽ được phần thưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng, người không tin sẽ bị đày xuống địa ngục đời đời kiếp kiếp; còn nếu không có Thiên chúa thì người tin cũng như người không tin sẽ chẳng mất mát khác nhau. Chúng ta có thể tóm tắt lập luận của Pascal vào những luận điểm chính yếu như sau:

· Thiên chúa chỉ có thể hoặc hiện hữu hoặc không hiện hữu, nghĩa là xác suất cho mỗi bên là 50%.

· Nếu chúng ta tin Thiên chúa và nếu Ngài hiện hữu, chúng ta sẽ nhận được phần thưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng; còn nếu Ngài không hiện hữu, chúng ta sẽ chẳng thiệt thòi hay mất mát gì.

· Nếu chúng ta không tin Thiên chúa mà Ngài lại hiện hữu, chúng ta sẽ bị phạt đời đời kiếp kiếp trong địa ngục; còn nếu đúng Ngài không hiện hữu như chúng ta tin, chúng ta sẽ chẳng được gì hơn.

· Thà chúng ta có cơ may nhận phần thưởng hạnh phúc vĩnh cửu thiên đàng hơn là rủi ro bị phạt đời đời kiếp kiếp trong địa ngục.

· Nếu đem so sánh các điều lợi hại của việc tin hay không tin thì người khôn ngoan, cẩn trọng, biết hành xử theo lý trí đương nhiên chấp nhận tin Thiên chúa hiện hữu.

Những tiền đề giả định hoang tưởng

Có một sự khác biệt căn bản giữa hai phạm trù Thượng đế và Thiên chúa, mặc dù cả hai đều được dịch từ một danh từ “God”. Từ Thượng đế thường được dùng trong các bộ môn khoa học, trong khi từ Thiên chúa được dùng trong tôn giáo. Đối với những nhà khoa học, Thượng đế được hiểu như nguyên nhân đầu tiên sáng tạo vũ trụ. Sau khi sáng tạo, Ngài không cai quản và can thiệp vào bất cứ hiện tượng nào trong vũ trụ. Mọi sự xảy ra trong trời đất đều tuyệt đối tuân theo những định luật máy móc, tự nhiên, chẳng có chủ ý. Còn Thiên Chúa là một siêu sinh vật nhưng lại có nhân tính (personal God). Sau khi sáng tạo, Ngài luôn luôn thương yêu, chăm sóc, và lo cho phúc lợi của con người bằng cách can thiệp thường xuyên vào các công việc trần thế. Người tín hữu Thiên chúa giáo tin rằng cho dù một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng không ngoài thánh ý Chúa.

Đối với Pascal, Thiên chúa có thể hiện hữu bởi vì ông đã sống rất lâu trước khi có thuyết Tiến hoá khoa học đánh đổ thuyết Sáng tạo duy thần. Ngày nay, giả định về sự hiện hữu của Thiên chúa không còn cần thiết trong Nhận thức luận để giải thích bất cứ hiện tượng nào trong vũ trụ. Các khoa học thực nghiệm đã xác định rằng ngay cả sự hiện hữu của Thượng đế, tác giả của nguyên nhân đầu tiên, cũng có một xác suất không thể có (improbable). [1] Vũ trụ có thể tự tạo, chẳng cần phải có một sinh vật siêu tự nhiên nào tác động khởi đầu. Mang Thượng đế ra để gán ghép cho nguyên nhân đầu tiên đã trở thành thừa thãi. Nhờ có định luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ còn tự sinh từ hư không. Sự tự sinh là lý do tại sao cần có một thứ gì đó, hơn là không có gì, là lý do tại sao vũ trụ lại hiện hữu, tại sao chúng ta tồn tại. Không cần phải mang Thượng đế ra để làm vũ trụ khởi động. [2]

Xác định có một đấng Sáng tạo hay không là vấn đề khoa học, không phải là vấn đề tôn giáo như chúng ta vẫn thường lầm tưởng. Mọi xác định của khoa học đều có tính xác suất, không bao giờ là một khẳng định tuyệt đối. Bằng chứng của khoa học không mang ý nghĩa tuyệt đối như bằng chứng của Luận lý học. Trong Luận lý học, điều gì cũng có thể xảy ra (possible) nếu chưa được chứng minh chắc chắn không thể xảy ra, nghĩa là việc không có bằng chứng không phải là bằng chứng để khẳng định Thượng đế không hiện hữu. Ngày mai mặt trời sẽ mọc đàng Tây là một điều có thể xảy ra theo Luận lý học, nhưng có một xác suất không thể xảy ra theo khoa học. Khoa học chỉ bàn đến chứng cớ đủ để có sự nghi ngờ hợp lý (reasonable doubt), và khoa học đã xác định rằng không có chứng cớ đủ để nghi ngờ có Thượng đế, cũng như chẳng có chứng cớ đủ để nghi ngờ ngày mai mặt trời sẽ mọc đàng Tây. Nếu chúng ta cho rằng mặc dù vậy vẫn còn có sự hoài nghi thì chúng ta sẽ chẳng có thể tin tưởng vào bất cứ điều gì của khoa học.

Còn Thiên chúa của Thiên chúa giáo thì tuyệt đối không thể có do lập luận về những thuộc tính mâu thuẫn loại trừ nhau trong Luận lý học. Parmenides đã dạy chúng ta biết điều này từ hơn 2.500 năm trước, rằng không thể có một vật có những thuộc tính mâu thuẫn loại trừ nhau. Những thuộc tính của Thiên chúa như toàn năng, toàn trí, toàn thiện, hay thương xót, công bình vô cùng v.v… tự chúng loại trừ nhau. Làm sao mà một hữu thể toàn năng, toàn trí, biết cả tương lai lại có thể thay đổi ý định của mình? Nếu có thể thay đổi ý định thì đã không toàn trí, nghĩa là không thông biết hết mọi sự; còn nếu không thể thay đổi thì đã không toàn năng. Và làm sao mà một hữu thể công bình vô cùng lại có thể thay đổi ý định của mình bằng các phép lạ để thương xót theo lời van xin của một giống người hèn mọn? Nếu phải thay đổi ý định để thương xót thì đã không công bình vô cùng và cũng không toàn trí. Thiên chúa vô nghĩa giống như một hình tròn lại vừa có các cạnh vuông (square sphere). Bởi vậy, từ xưa nay chẳng có một bộ môn khoa học nào bỏ công sức tìm hiểu về Thiên chúa, một ý niệm tưởng tượng vô nghĩa. Có bao nhiêu nhà thần học thì sẽ có bấy nhiêu định nghĩa khác nhau về Thiên chúa. Vẽ ma quỉ là thứ dễ vẽ nhất vì chẳng có tiêu chuẩn nào để định được vẽ đúng hay vẽ sai.

Như vậy, sự hiện hữu của Thượng đế là điều có thể theo Luận lý học, nhưng có xác suất không thể theo các khoa học thực nghiệm. Còn sự hiện hữu của Thiên chúa có nhân tính trong Thiên chúa giáo là điều không thể theo các khoa học thực nghiệm và càng tuyệt đối chắc chắn không thể theo Luận lý học.

Mặc dù vậy, Pascal vẫn cứ khăng khăng cho rằng Thiên chúa của Thiên chúa giáo có thể hiện hữu hoặc không hiện hữu, cũng giống như hai mặt của một đồng xu, chỉ có thể xảy ra hoặc xấp hoặc ngửa, mặc nhiên chấp nhận 50% xác suất cho mỗi bên. Nhưng hiện nay có ít nhất 2.500 thần linh khác nhau. Vậy lấy lý do gì để bảo đảm rằng Thiên chúa của Thiên chúa giáo chân thật hơn các thần linh của các tôn giáo khác? Bởi vì chân lý chỉ có một nên không thể tất cả cùng đúng. Như vậy, xác suất chỉ là 0,04% và cũng có thể là 0%, chứ không phải là 50% nữa. Cũng vậy, bạn mua một vé số độc đắc, không phải bạn có xác suất 50% trúng hoặc không trúng. Xác suất trúng thì rất nhỏ, gần như 0%; và xác suất không trúng thì rất lớn, gần như 100%. Ít nhất cũng đã có những người từng trúng số, còn thiên đàng cho đến nay vẫn chỉ là một bánh vẽ chưa ai nhìn thấy.

Có một đấng Sáng tạo hiện hữu không nhất thiết là phải có thiên đàng và địa ngục. Thiên chúa giáo quan niệm rằng thiên đàng hay địa ngục là những nơi chốn để thưởng phạt con người tùy theo đức tin của họ. Ngày nay, Thiên chúa giáo tránh nhắc đến hai phạm trù này, và giáo hoàng John Paul II cũng đã công khai phủ nhận vì nó chỉ gợi lên nỗi sợ hãi có mục đích kềm chế đầu óc người tín hữu. Không thể có một hình phạt tàn nhẫn vô hạn cho một lỗi lầm hữu hạn. Bertrand Russell cho rằng nỗi sợ hãi là nguồn gốc của đức tin tôn giáo hữu thần. Những hình ảnh khóc lóc và nghiến răng trong biển lửa đời đời kiếp kiếp thì đối nghịch với lòng nhân từ của Thiên chúa, điều mà Thiên chúa giáo đang cố gắng rao giảng. Kinh sách Công giáo trong hai ngàn năm qua cũng từng dạy chúng ta về sự hiện hữu của lâm bô (limbo), một nơi chốn tối tăm dành cho những em bé qua đời khi chưa kịp rửa tội và những người tốt lành sống trước khi đức Giê-su nhập thế. Ngày nay, Vatican đã công khai bác bỏ giáo lý về sự hiện hữu của lâm bô. [3]

Triết gia Bertrand Russell

(1872-1970)

Giáo hoàng John Paul II

 (1920-2005)

Việc con người có phần linh hồn bất tử hay không để hưởng phước thiên đàng lại còn là một vấn đề khác nữa. Các bộ môn khác nhau của khoa học đã xác nhận rằng không có ý thức hay cái phần tinh thần độc lập với thân xác. Một khi thân xác đã nằm xuống và rữa nát thì không còn ý thức và ký ức nữa. Chúng ta đến từ hư vô rồi sẽ trở về với hư vô. Ý thức và tư duy đều là hệ quả của những dòng điện sinh vật lý thuộc não bộ. Bằng chứng rõ rệt nhất là khi đầu óc của chúng ta bị thương tích thì sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến các sinh hoạt của tri thức. Trí tuệ hay khả năng tri thức mà Thiên chúa giáo gọi là linh hồn, một thực thể thiêng liêng, độc lập với thân xác, có cá tính riêng biệt, nối tiếp, và vĩnh cửu thì hoàn toàn tùy thuộc vào sự lành mạnh của thân xác. Con người trong bản chất là một con vật xã hội không ngừng tiến hoá, chỉ khác nhau về mức độ thông minh được đo bằng lượng chất xám nằm trong não bộ.

Người ta có thể kết án một cách khinh bỉ rằng đây là một quan điểm duy vật. Nhưng thử hỏi chúng ta đã hiểu về vật chất đến mức độ nào? Liệu chúng ta có thể nêu ra một hữu thể nào mà không có phần căn bản vật chất được không? Những tác nhân không có phần thân xác vật chất như thần thánh hay ma quỉ mà tổ tiên chúng ta thường dùng để “giải thích” những hiện tượng dị thường càng ngày càng trở nên không cần thiết trong việc giải thích mọi hiện tượng. Chân lý mọi người đều phải chết, nghĩa là không có sự bất tử, mãi mãi vẫn đúng.

Nếu Thiên chúa hiện hữu

Cho dù giả định Thiên chúa hiện hữu, hoàn toàn nghịch với Luận lý học và các khoa học thực nghiệm, thì mối lợi của người tin hay mối hại của người không tin cũng không được xác định.

Việc ban thưởng hay luận phạt theo tiêu chuẩn đức tin thì hoàn toàn vô lý. Tại sao vất bỏ lý trí để tin điều vô lý lại là một nhân đức lớn trong Thiên chúa giáo, cao trọng hơn cả lòng bác ái và tính ngay thẳng lương thiện trí thức; trong khi lòng hoài nghi, một phẩm hạnh thiết yếu và đứng đầu trong khoa học, thì lại bị dèm pha là kiêu ngạo? Rất có thể Thiên chúa chỉ ban phần thưởng thiên đàng cho những kẻ ngay thẳng với lương tâm, can đảm và hành động theo lý trí, chứ không cho những kẻ mù quáng, chỉ vì mối lợi mà hèn nhát đến nỗi bất chấp mọi lý lẽ. Hành động tốt hay xấu của chúng ta quan trọng hơn việc tin hay không tin. Người tốt lành là người ăn ở ngay thẳng, không màng đến kết quả của phần thưởng hay hình phạt. Nếu chúng ta làm điều tốt lành để mong được phần thưởng thiên đàng hay để khỏi chịu hình phạt ở địa ngục thì đó là sự buôn bán đổi chác, đầu tư sòng phẳng không hơn không kém. Điều này cho chúng ta thấy đạo đức và luân lý của người không tin có tiêu chuẩn cao hơn đạo đức và luân lý của người tin.

Richard Dawkins viết, khi Bertrand Russell đối diện với Thiên chúa và được hỏi: “Tại sao ngươi đã không tin Ta hiện hữu?” Russell thành thật ngay thẳng trả lời: “Thưa Ngài, tại vì không có bằng chứng để tôi tin Ngài hiện hữu”. Nếu Thiên chúa có tinh thần của một nhà khoa học – Thiên chúa dĩ nhiên phải có tinh thần khoa học vì chính Ngài được xem như đã thiết kế và tạo dựng vũ trụ – thì Thiên chúa phải biết thưởng thức tính lương thiện trí thức của người hoài nghi như Russell và khinh thường sự hèn nhát của những người chỉ vì lợi mà tin vào điều vô lý. Và khi không biết chắc chắn kết quả thắng cuộc sẽ được ban thưởng hay bị luận phạt nặng nề hơn thì sự đánh cuộc là một việc làm vô nghĩa lý.

Ngoài ra, không phải muốn tin là có thể tin. Tin tưởng không phải là một quyết định của ý chí mà là trạng thái của trí tuệ khi chấp nhận một mệnh đề nào đó. Trạng thái chấp nhận này chỉ đến với chúng ta qua lý luận hợp lý hay khi có các chứng cớ khách quan hỗ trợ. Lý trí nhận thấy điều gì vô lý thì tự động làm mình không tin. Người ta không thể tin tưởng điều vô lý chỉ vì lợi. Người tin vào điều vô lý thực ra chỉ hy vọng và ao ước điều hắn tin là đúng, do động cơ mối lợi, chứ không phải hắn đang tin tưởng thực sự. Niềm hy vọng và ao ước của hắn không làm điều hắn tin chân thật hơn. Hắn có thể đi nhà thờ, lần chuỗi Mân côi, đọc kinh Tin kính, tuyên xưng đức tin, đặt tay lên Kinh thánh để thề v.v… nhưng những thứ đó không làm đức tin của hắn mạnh mẽ hơn nếu hắn đã không tin. Trong trường hợp đó, một dụng cụ điện tử như máy ghi âm lặp đi lặp lại vô hạn lời kinh chắc chắn tốt và có giá trị hơn người đọc kinh.

Đó cũng là lý do tại sao Thiên chúa giáo hay quanh co bàn về niềm hy vọng thay vì bàn thẳng vào đức tin. Hiểu được điều này sẽ làm chúng ta không còn ngạc nhiên và thắc mắc tại sao vẫn thường hay xảy ra những vụ xì căng đan lớn của những giáo sĩ quyền cao chức trọng. Spinoza, triết gia người Đức, cho rằng tin và hiểu thì hoàn toàn giống nhau; trong khi không tin còn phải đòi hỏi một động tác tiếp theo là từ khước, chối bỏ.

Như vậy, nếu không có thể tin tưởng, nắm chắc và thấu hiểu thực sự những điều phi lý thì làm thế nào Thiên chúa thưởng phạt con người dựa theo tiêu chuẩn đức tin? Điều Thiên chúa giáo dạy rằng đức tin là một ân huệ hay tặng phẩm Thiên chúa ban riêng cho mỗi người càng làm sự thưởng phạt trở nên vô nghĩa hơn nữa. Vậy đức tin do giáo dục, không phải là ân huệ hay tặng phẩm.

Nếu Thiên chúa không hiện hữu

Giả định Thiên chúa của Thiên chúa giáo không hiện hữu, và điều này tuyệt đối chắc chắn đúng theo Luận lý học và các khoa học thực nghiệm, thì có phải người tin và người không tin đều không mất mát như nhau? Chúng ta hãy thử xem xét thời gian và công sức một người phải bỏ ra để lo việc tôn thờ và vinh danh Thiên chúa.

Đời người chỉ có trung bình chừng 70-80 năm. Nếu phải dành một ngày trong mỗi tuần cho việc tôn thờ và vinh danh Thiên chúa thì mỗi người phải bỏ phí mất 10 năm. Cho dù có tính toán một cách dè dặt hơn thì cũng phải 7-8 năm của tuổi thọ, hơn cả thời gian học đại học để lấy bằng tiến sĩ. Đó là chưa kể thời gian làm ra tiền bạc để hỗ trợ cho các công việc tôn giáo như xây dựng nhà thờ, nhà xứ, nuôi các giáo sĩ và tu sĩ v.v... Thời gian phí phạm 7-10 năm là một quãng thời gian quá dài nếu biết rằng con người rất bận rộn vật lộn với một đời sống khó khăn, hữu hạn và duy nhất. Nếu huy động thời gian và nguồn lợi tức này để chú tâm lo cho các công việc bác ái thì sẽ hữu ích cho xã hội và con người hơn.

Luận điểm hấp dẫn nhất của Pascal nằm ở chỗ so sánh một bên là “một đời” hiện tại với sinh, lão, bệnh, tử; và một bên là “muôn muôn đời” với hạnh phúc vĩnh cửu. Nếu bạn chỉ cần bỏ ra một đồng VN để có cơ hội 50% thắng “muôn muôn” lần đồng Euro thì sự đánh cuộc quá hấp dẫn, không thể không đặt cuộc. Điều này có nghĩa là ngoài cuộc đời khổ luỵ này, chúng ta còn có vô số cuộc đời tiếp nối khác để hưởng thụ. Hệ quả hai bên không cân bằng của việc đánh cuộc là người ta xem thường mạng sống của mình. Cuộc sống kiếp này chỉ là một cuộc du hành phù du để đi về nhà Chúa, và ở đó, người ta sẽ gặp lại những người thân yêu đã đi trước. Sinh ký tử qui là vậy! Do đó, người ta không lạ lùng gì khi người tín hữu Thiên chúa giáo đã từng hô hào rằng chúng tôi thà vâng lời Thiên chúa hơn là vâng lời người thế gian, hoặc thà mất nước hơn là mất Chúa. Lề luật của tôn giáo được đặt lên trên lề luật của quốc gia, nhất là khi có sự mâu thuẫn giữa hai lề luật. (Ðó là chưa kể đến việc còn có nhiều tôn giáo với những lề luật đối nghịch nhau trong cùng một quốc gia.)

Vụ những người có đức tin tôn giáo hữu thần ám sát các bác sĩ và đặt bom nhà thương có dịch vụ phá thai hợp pháp, vụ cướp hai phi cơ đâm vào hai toà nhà ở World Trade Center thuộc bang New York ngày 11 tháng 9 năm 2001, vụ các khủng bố quân ôm bom nổ ở khắp nơi v.v… tất cả đều có nguồn gốc từ đức tin của những tôn giáo hữu thần trong nhóm độc thần giáo. Những tác nhân của các thảm trạng này đều có niềm tin tưởng không lay chuyển rằng đó là con đường ngắn nhất để đi đến thiên đàng, nơi có các cô trinh nữ đang chờ đợi mà Thiên chúa đã hứa ban thưởng cho họ, những người chết cho đạo giáo. Không có một phản lực nào có thể chống đỡ nỗi sức mạnh của niềm tin tưởng cuồng tín vào tôn giáo.

Người ta có thể lập luận rằng đó là những người theo chủ nghĩa cực đoan, cuồng tín, giáo điều vì tin tưởng sai lầm, không phải là những người có đức tin đúng đắn. Nhưng làm thế nào để có thể bào chữa được rằng đức tin của bạn đúng đắn hơn đức tin của họ nếu không có một tiêu chuẩn nào để so sánh? Một khi lý trí đã bị vứt bỏ để tin vào điều vô lý thì người ta không còn có thể nói chuyện theo lý lẽ. Và hậu quả của một quốc gia không thượng tôn pháp luật tất nhiên sẽ dẫn đến bất ổn, loạn lạc và chiến tranh, nguồn gốc của biết bao sự dữ.

Sự thực dụng của niềm tin hữu thần:

Như vậy, những điều bất lợi do niềm tin tôn giáo hữu thần mang lại rõ rệt nhiều và nghiêm trọng hơn những điều lợi. Bằng chứng ngày 23.12.2006, báo The Guardian đã đăng kết quả một cuộc nghiên cứu thăm dò về các tôn giáo ở Anh quốc, một quốc gia có một thời nhận Anh giáo Tin lành là quốc giáo nhưng ngày nay có tới 2/3 dân chúng tự nhận mình là người không tin (non-believers), ghi nhận rằng 82% dân chúng được phỏng vấn trên 18 tuổi đều tin rằng tôn giáo làm hại hơn làm lợi (religion does more harm than good), là duyên cớ gây chia rẽ và căng thẳng giữa con người với nhau (they see religion as a cause of division and tension between people). Chỉ có 16% dân chúng nghĩ tôn giáo có lợi cho con người và xã hội. [4]

Còn một cuộc nghiên cứu thăm dò khác trên trang báo điện tử About.com đặt câu hỏi rằng nếu bạn phải đánh cuộc theo Pascal, bạn sẽ đặt đời bạn ở tôn giáo nào? Có 30% trả lời rằng họ không thiết tha đặt đời mình đánh cuộc theo bất kỳ tôn giáo nào; 34% chọn một tôn giáo vô thần có lẽ như Phật giáo (atheistic religion like maybe Buddism); chỉ có 17% chọn Thiên chúa giáo. [5] Tôn giáo vô thần ở đây phải hiểu là tôn giáo trong đó không có chỗ đứng của một Thượng đế sáng tạo, đối nghịch với các tôn giáo hữu thần trong hệ thống độc thần giáo.

Nhưng cho dù niềm tin hữu thần, bất kể đúng hay sai, có thể mang đến những điều tốt lành cho xã hội, đó vẫn không phải là lý do chính đáng để áp đặt lên đầu lên cổ mọi người dân. Nhân danh giá trị lợi ích thực dụng của nó, chính quyền sẽ không ngần ngại thực hiện mọi biện pháp trấn áp, vi phạm những quyền căn bản của con người, miễn sao mang lại điều tốt lành cho xã hội. Đó là một chính sách sai lầm lớn mà chúng ta đã nhận thấy trong suốt chiều dài của lịch sử qua những việc như kiểm duyệt, đốt sách vở, trù dập, bắt bớ, thủ tiêu, nướng sống các phù thủy và khoa học gia, thánh chiến, v.v... Những thủ đoạn áp bức hay dụ dỗ cải đạo thiên hạ, hay nhẹ nhàng hơn, những phương cách truyền giáo của Thiên chúa giáo chính là những cố gắng áp đặt niềm tin dựa trên lý do hiệu quả tốt, bất chấp niềm tin đó có chân thật hay không. Chúng ta không thể lấy cứu cánh để biện minh cho phương tiện, huống hồ cái cứu cánh tốt lành mơ hồ của niềm tin tôn giáo hữu thần lại đang là một câu hỏi lớn bên cạnh 7 núi tội mà Thiên chúa giáo đã công khai xin lỗi với toàn thể nhân loại.

Kết luận

Tóm lại, nếu theo Pascal đặt cuộc thì chúng ta sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn ở đời này và còn thê thảm hơn ở đời sau, nếu có, bởi phần thưởng thiên đàng sẽ thuộc về người lương thiện, ngay thẳng, không tin; còn địa ngục thì dành cho kẻ mù quáng, những người chỉ vì lợi mà bất chấp mọi lý lẽ. Một khi không biết chắc chắn kết quả thắng cuộc sẽ được ban thưởng hay bị trừng phạt nặng nề hơn thì sự đánh cuộc là một việc làm hoàn toàn vô nghĩa. Hơn nữa, sự hiện hữu của Thiên chúa với những thuộc tính mâu thuẫn loại trừ nhau là điều tuyệt đối không thể có theo Luận lý học, và do đó, cũng chắc chắn không thể có theo các bộ môn khoa học thực nghiệm. Mối lợi mà Pascal tin tưởng đã được dựa trên những tiền đề giả định hoang tưởng.

Việc nêu ra mối lợi để tin tưởng mà không cần bằng chứng cũng giống như việc tin tưởng rằng có một viên kim cương to lớn bằng cái tủ nằm rất sâu trong vườn để rồi bỏ công sức cả đời ra đào xới, tìm kiếm. Nếu tìm được viên kim cương đúng như mình luôn luôn hy vọng và tin tưởng bằng một đức tin không lay chuyển thì đời mình chắc chắn sẽ được sung sướng và hạnh phúc lắm. Phải chăng đó cũng là mối lợi lớn chúng ta nên theo đuổi với bất cứ giá nào?

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định được rằng không cần phải tin có Thiên chúa, cũng chẳng cần phải sợ hình phạt địa ngục, hay phải ham muốn mối lợi phần thưởng thiên đàng, chúng ta vẫn có thể sống tử tế và tốt lành như những con người cao quí có phẩm giá. Chúng ta chỉ có một cuộc đời hiện tại để sống thật trọn vẹn với nó, chẳng cần mơ ước một cuộc đời nào khác để rồi phải chạy theo, sống với những ảo tưởng trong suốt cuộc đời này. Quá khứ cũng giống như món tiền đã xài rồi, còn tương lai là những giấy nợ chưa chắc có thể thanh toán. Chỉ có hiện tại mới là món tiền tươi mà mình có thể sử dụng ngay bây giờ.

Và mục đích của chúng ta nhắm tới là hạnh phúc ở ngay cõi đời này, nó gắn bó mật thiết với hạnh phúc của những người xung quanh chúng ta; chứ chẳng phải là làm vinh danh Thiên chúa để mong có được phần thưởng bánh vẽ thiên đàng. Đối tượng phục vụ của chúng ta là con người và cuộc đời cụ thể này, không phải là ý niệm Thiên chúa, chỉ có trong tưởng tượng.

Chúng ta là những ký sinh trùng li ti bám víu vào một hành tinh vô nghĩa, trôi lơ lững như hạt bụi trong không gian vô tận. Bạn nghĩ bạn là ai mà có thể làm “vinh danh Thiên chúa trên các tầng trời”, hay làm “rạng danh Cha cả sáng”, đấng toàn năng, toàn trí, đã tạo dựng vũ trụ và muôn loài?

 


[1] Richard Dawkins – The improbability of God http://www.secularhumanism.org/ library/fi/dawkins_18_3.html

Richard Dawkins - Không thể có Thượng đế, Trần Tiên Long dịch. http://www. talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8847&rb=0303

Quentin Smith - Two Ways to Prove Atheism (1996). http://www.infidels.org/ library/modern/quentin_smith/atheism.html

Quentin Smith - Hai lối chứng minh không có Thượng đế, Thích Bình Thường dịch. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3578&rb=0303

[2] Stephen W. Hawking and Leonard Mlodinow - The Grand Design, Bantam Press, 9/9/2010.

[3] Pope to end doctrine of Limbo. http://www.religionnewsblog.com/16159/pope-to-end-doctrine-of-limbo

[4] Religion does more harm than good-Poll. http://www.guardian.co.uk/uk/2006/ dec/ 23/religion.topstories3

[5] Poll Results. http://atheism.about.com/gi/pages/poll.htm?linkback=http%3A%2F%2 Fatheism.about.com%2Flibrary%2Fpolls%2Fblpoll_rel0001.htm&poll_id=6536398568&poll= 2&submit1=Submit+Vote