●   Bản rời    

Lịch sử 100 Năm Quan Hệ Ngoại Giao Với Vatican

Lịch sử 100 Năm Quan Hệ Ngoại Giao Với Vatican

Lý Thái Xuân

http://www.sachhiem.net/LTX/LythaiTG40.php

02-Aug-2023

LTS: Nhân chuyến viếng thăm Vatican ngày 27/7/2023 vừa qua, theo lời mời của Giáo Hoàng Francis I, Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng đã thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam. (VOV.vn)

Để có một chút khái niệm về các hoạt động mang tính ngoại giao với Vatican kể từ lần đầu tiên trong 100 năm qua, bài viết sau đây tóm lược các biến chuyển dựa trên một số tài liệu đáng tin cậy. (SH)

 

Khâm Sứ Tòa Thánh

Tại các quốc gia chưa có quan hệ ngoại giao, Tòa Thánh thường gởi đến đó một Khâm sứ Toà Thánh (Apostolic Delegate) để liên lạc với Giáo hội tại quốc gia đó. Vị Khâm sứ cũng có một cấp bậc trong Giáo hội ngang với Sứ thần, nhưng không được hưởng quy chế ngoại giao. Tuy nhiên, một vài quốc gia cũng đã dành cho Khâm sứ một số đặc quyền về ngoại giao.

Trong lịch sử, Tòa Thánh chưa bao giờ thiết lập bang giao với Việt Nam, nhưng Tòa Thánh đã gởi nhiều vị khâm sứ đến Việt Nam.

Lịch sử quan hệ của Tòa thánh với Việt Nam

Có thể nói người Việt Nam đầu tiên sang Vatican để thỉnh cầu bổ nhiệm Khâm sứ Tòa Thánh là con chiên Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài - thành viên thuộc phái đoàn vua Việt gian Khải Định. Năm 1922, Nguyễn Hữu Bài sang Pháp - đã đến Rôma yết kiến Giáo hoàng Piô XI thỉnh cầu bổ nhiệm Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam và phong chức Giám mục cho các linh mục bản xứ.

Lại Bộ Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài. Ảnh Flickr.com by manhhai

Giáo hoàng Piô XI thiết lập toà Khâm sứ Ðông Dương tại Huế ngày 25-5-1925, đặt tại Hà Nội, sau được dời vào Huế là kinh đô triều đình An Nam. Tòa Khâm sứ Huế xây cất gần Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam.

Khâm Sứ đầu tiên ở Đông Dương là GM Costantino Ayuti (1876-1928) quốc tịch Ý.

Sau 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị, trung tâm quyền lực chuyển về Hà Nội.

Năm 1950, Giáo hoàng Pio XII cử linh mục John Dooley người Ireland làm Khâm sứ, bấy giờ Tòa khâm sứ được đặt kế Tòa Tổng Giám mục Hà Nội.

Khâm sứ Đông Dương John Jarlath Dooley ở Hà Nội (người cầm trượng). Ảnh hdgmvietnam.com

Năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước.

Năm 1959, chính quyền Hà Nội trục xuất Khâm Sứ, phái bộ Tòa Thánh tại Hà Nội phải đóng cửa từ ngày 15/9/1959.

Tòa Thánh mới thiết lập chánh thức Tòa Khâm sứ tại Sài Gòn, trụ sở ở số 176, đường Hai Bà Trưng, Quận 1.

Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội bị tịch thâu. Một bức tường ngăn cách giữa Tòa Giám mục Hà Nội và Toà Khâm sứ đã được dựng lên.

Giám mục Mario Brini được cử làm Khâm Sứ Đông Dương. Nhưng năm 1961, ngài được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Ai Cập.

Năm 1962, ĐGH Gioan XXIII bổ nhiệm Giám mục Salvatore Asta làm Khâm sứ thay thế. Nhưng năm 1964 ngài lại được cử đi làm Sứ thần tại Iran.

Ngày 17.6.1964, ĐGH Phaolô VI đã bổ nhiệm Giám mục Angelo Palmas làm Khâm Sứ tại Sài Gòn. Nhưng năm 1969 ngài lại đi nhận Sứ Thần tại Colombia.

 

Tòa Khâm sứ ở Sài Gòn tồn tại từ 1955-1975, mà vị Khâm sứ cuối cùng là ĐGM Henri Lemaitre.

Ảnh findagrave.com

Sau ngày 30/4/1975

Vào những ngày sau tháng 4 đầy biến cố này, xuất hiện Nhóm trí thức trong đó có một số người Rô ma giáo (xem chuyện bên lề ở dưới.)

Sáng ngày 14/5/1975, nhóm kéo tới Tòa Khâm sứ đưa thỉnh nguyện thư yêu cầu Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn ra khỏi Việt Nam ngay.

Tối ngày 3/6/1975, nhóm lại đến Tòa Khâm sứ lặp lại lời yêu cầu và họ đã ở lại đó một đêm để tạo áp lực.

Họ trèo tường, phá ổ khóa leo vô Tòa Khâm sứ, trèo lên nóc nhà hạ lá cờ Tòa Thánh xuống và căng biểu ngữ. Họ la lên "Đả đảo! Đả đảo! Henry Lemaitre cút về nước."

Nhóm này xốc nách Khâm sứ Henry Lemaitre kéo ra khỏi Tòa Khâm sứ Sài Gòn, đẩy ông thẳng ra đường Hai Bà Trưng.

Ngày 4/6/1975, Chánh phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã mời Đức Khâm sứ Henri Lemaitre tới và yêu cầu ngài phải rời khỏi Việt Nam trong một thời gian càng sớm càng tốt.

Vậy là ngày 19.12.1975, Khâm sứ Tòa Thánh cuối cùng là Giám mục Henri Lemaitre phải rời Việt Nam và đi nhận chức Sứ Thần tại Uganda.

Các cuộc vận động của Tòa Thánh.

Quan hệ giữa Tòa Thánh Vatican và chính quyền Việt Nam được nối lại bằng những cuộc tiếp xúc trực tiếp từ năm 1990, sau khi Việt Nam bước vào giai đoạn mở cửa.

Từ cuối thập niên 2000 trở đi, các giới chức cao cấp nhất của nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam cũng đã đến hội kiến các vị giáo hoàng đương nhiệm tại Vatican:

- Ngày 25 tháng 1 năm 2007, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Vatican và gặp Giáo hoàng Benedict XVI. lần đầu tiên một người đứng đầu chính phủ Việt Nam thăm Tòa Thánh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giáo hoàng Benedict XVI năm 2007. Ảnh: BBC.

- Gần 4 năm sau, ngày 26.6.2010 của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết “một Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh cho Việt Nam sẽ được Đức Thánh Cha chỉ định”. Giáo Hoàng Benedict XVI bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm đại diện không thường trú đầu tiên của Tòa Thánh tại Việt Nam.

Có thể nói đây là một quyết định có tính toán rất kỹ của Tòa Thánh. Toà Thánh không có một cơ quan tình báo hải ngoại như CIA của Mỹ hay SVR của Liên Bang Nga, nhưng Tòa Thánh có một hệ thống thông tin và liên lạc để nắm vững tình hình tại những nơi có hoạt động của Giáo Hội.

Tiếp theo chuyến đi đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hàng loạt các quan chức cấp cao khác đã đến Tòa Thánh Vatican như:

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 12/2009), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 1/2013), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (thăm lần thứ hai vào tháng 10/2014), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 11/2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3/2014), Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (tháng 10/2018)

- Mới đây, ngày 27 tháng 7, năm 2023 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có chuyến viếng thăm Vatican theo lời mời của Giáo hoàng Francis, đánh giá việc thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam là kết quả của quá trình nhiều năm qua 10 vòng đàm phán của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican kéo dài từ năm 2009

___________________

Chuyện bên lề:

1. Nhóm trí thức gồm người Rô ma giáo xuất hiện sau biến cố 30 tháng 4, 1975.

Ít lâu sau khi Tòa Thánh (Giáo hoàng Paul VI) bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Văn Thuận ngày 24/04/1975, làm Tổng giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn, với quyền kế vị Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình. Ngày 15/08 năm 1975, ông Thuận bị chính quyền mới bắt giữ, đưa về Nha Trang rồi gửi ra miền Bắc.

Một nhóm “trí thức” trong đó có dân Công giáo làm áp lực lên Tòa Thánh. Có cả Chưởng ấn tòa Tổng Giám mục, Giám đốc Đại chủng viện. Đó là linh mục Nguyễn Huy Lịch, Nguyễn Ngọc Lan, linh mục Chân Tín, Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích, Nguyễn Đình Đầu, Lý Chánh Trung, Thanh Lãng....

Nhóm này 20 người không chấp nhận TGM phó Nguyễn Văn Thuận đứng đầu giáo phận Sài Gòn là vì ông là giám mục chống cộng. Sáng 13/5, nhóm đã tụ tại Tòa Tổng Giám mục, yêu cầu LM Nguyễn Văn Thuận từ chức.

Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận bị bắt và sau nhiều nơi quản chế đã bị đưa xuống tàu chở ra Bắc. TGM Nguyễn Văn Thuận ở tù 13 năm, được chính quyền trả tự do vào ngày 21/11/1988. Đến năm 1991, ông được chính quyền chấp thuận cho phép qua Roma chữa bệnh nhưng lại không cho phép ông trở về.

2. Tìm Hiểu Các Chức Vụ Ngoại Giao Quan Hệ Với Vatican

Quy chế bang giao quốc tế được “Công Ứớc Vienna về Quan Hệ Ngoại Giao” (Vienna Convention on Diplomatic Relations) ấn định ngày 4.8.1961. Đại diện ngoại giao gồm nhiều chức vị khác nhau, nhưng có hai nhân vật quan trọng nhất, đó là Đại Sứ (Ambassador) và Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền (Ambassador extraordinary and plenipotentiary hay Ambassador at large).

Đại Sứ là một viên chức ngoại giao được quốc gia này gởi đến một quốc gia khác để thực hiện một sứ mệnh hay làm đại diện thường trực cho quốc gia đó. Đại Sứ được chính quyền sở tại công nhận sau khi trình ủy nhiệm thư. Còn Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền là một viên chức ngoại giao được trao những nhiệm vụ đặc biệt, có toàn quyền để thương lượng và ký kết các thỏa ước thay cho chính quyền của đương sự, hoặc tham dự các hội nghị quốc tế.

 Một quốc gia có thể cử một đại diện làm đại diện tại nhiều quốc gia khác nhau. Vì thế chúng ta mới thấy có danh từ Đại diện Thường Trú và Đại Diện Không Thường Trú.

Đại Sứ Thường Trú (Resident Ambassador) là một đại sứ cư ngụ tại ngay quốc gia đương sự đã trình ủy nhiệm thư. Còn Đại Sứ Không Thường Trú (Non-Resident Ambassador) không cư ngụ tại quốc gia trình ủy nhiệm thư mà cư ngụ tại một quốc gia lân cận. Như vậy một đại sứ thường trú có thể cùng một lúc làm đại sứ không thường trú tại một hay nhiều quốc gia khác.

Sứ Thần Tòa Thánh

Tổ chức ngoại giao của Tòa Thánh Vatican khá phức tạp, vì nó là một thực thể lưỡng tính, vừa chính trị vừa tôn giáo, nó vừa có thần quyền vừa có pháp quyền, ngoài quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, còn có quan hệ giữa Tòa Thánh và các giáo hội địa phương.

Chương 5 của Bộ Giáo Luật, điều 362 - 366, nói về các phái viên của Đức Giáo Hoàng (Legates of the Roman Pontiff) phù hợp với “Công Ứớc Vienna về Quan Hệ Ngoại Giao” năm 1961.

Trên nguyên tắc, phái viên ngoại giao của Tòa Thánh khi được cử đi làm nhiệm vụ thì được chính thức gọi là Sứ thần Tòa Thánh (Apostolic Nuncio, hay Papal Nuncio, hoặc Nuncio,) không được gọi là Đại sứ. Vị được bổ nhiệm làm Sứ Thần Toà Thánh thường là một giám mục hay tổng giám mục.

Nhiệm vụ Sứ Thần Tòa Thánh.

Ngoài nhiệm vụ ngoại giao như một đại sứ, Sứ Thần Tòa Thánh còn có nhiệm vụ liên lạc giữa Tòa Thánh và các giáo phận tại địa phương nơi được bổ nhiệm đến. Điều 364 Bộ Giáo Luật quy định:

Chức năng chính của một phái viên giáo hoàng là hàng ngày làm cho mối liên kết giữa Tòa thánh và các giáo hội địa phương trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

______________

Tham khảo:

1. Bài "Một bước khởi đầu" đăng trên web VietCatholic News của Lữ Giang, cố thẩm phán con chiên VNCH,

2. Trăm năm quan hệ Việt Nam _Vatican và những vấn đề bạn nên biết (luatkhoa.com/2023/08...)

3. Fb Nguyễn Gia Việt -> FB Saigon Trong Tim Tôi -> 03 Sep 2019

4. BBC tiếng Việt, ngày 26/7/2023: Tòa thánh Vatican công bố thành lập Quỹ Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận

5. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Tòa thánh Vatican, hội kiến Giáo hoàng Francis (VOV ngày 28/7/2023)

6. Quan hệ Tòa Thánh – Việt Nam (vi.wikipedia)