●   Bản rời    

Hạt mẩy mùa vàng

Hạt Mẩy Mùa Vàng

Bút ký - NGUYỄN HOÀN

http://sachhiem.net/NGHOAN/NgHoan15.php

18-Nov-2022

Người làm nghề giáo cũng giống như nhà nông, người cày ruộng chữ, người cày ruộng đồng, chăm bẵm vun trồng để cho đời những hạt mẩy mùa vàng. Hạt mẩy, tức là hạt có “tính trội”, hạt chắc, hạt đẹp, hạt vàng lấp lánh, giỏi thích ứng, chống chọi, vươn lên, biết vì đời và tận hiến cho đời. Hạt Nhật, hạt Trang, hạt Châu… là những hạt quý ấy. “Triết lý giáo dục” Quảng Trị mà ông Trương Sĩ Tiến từng nói đến được thực hiện với những giải pháp đột phá, sáng tạo đã dâng cho quê hương bao mùa vàng hạt mẩy như vậy

Nhớ lại thời kỳ đầu mới lập lại tỉnh với bao khó khăn, thử thách, những người làm báo ở Báo Quảng Trị hồi đó hẳn không bao giờ quên kỷ niệm gắn bó với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, mà cụ thể là với Trung tâm Tin học Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị. Lần giở những số Báo Quảng Trị cũ mà trang báo đã ngả vàng theo năm tháng, trang cuối, dưới chân trang đều có dòng in đậm “sắp chữ điện tử tại Trung tâm Tin học Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Trị, chế bản và in tại Xí nghiệp In Quảng Trị”. Nhờ có Trung tâm Tin học đó mà việc sắp chữ điện tử cho Báo Quảng Trị được chủ động thực hiện trên địa bàn tỉnh, chấm dứt thời kỳ in báo sắp chữ chì bằng tay.

Hồi đó, phải nói rằng, việc sắp chữ in Báo Quảng Trị từ sắp chữ chì chuyển sang sắp chữ điện tử là cả một bước chuyển ngoạn mục, mang tính đột phá, nhờ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị sớm đầu tư hình thành Trung tâm Tin học. Báo Quảng Trị lúc ban đầu chỉ in mỗi tuần một số, đầu tiên in ở Đà Nẵng, sau đó in ở Huế. Tôi đã có những lần cùng hoạ sĩ trình bày báo “vác” cả số báo gồm mấy trang ma két cuộn tròn, bên trong là bản thảo bài vở (bản thảo lúc đó đánh bằng máy chữ, chưa có máy vi tính), tranh ảnh kèm theo nhảy xe vào Huế in báo. Nhà in ở Huế hồi đó còn sắp chữ chì. Từng người công nhân in chăm chú đọc bản thảo rồi tỉ mẩn sắp ra từng con chữ chì, sắp thành tin, thành bài theo bản thảo, sắp xong dùng dây bó chữ lại theo khuôn từng tin, từng bài. Nhiều người cùng sắp, ghép lại thành trang báo. Khi các trang tin, bài được in ra, tôi ngồi gò lưng chấm mo rát, một công việc đòi hỏi sự tinh nhạy và chịu khó. Tôi bắt ra lỗi nào trên bản in thử, ví dụ bắt thay chữ, thay dấu chẳng hạn thì người công nhân xem vào đó, rồi dùng thanh gắp để gắp chữ, gắp dấu cần thay ra, sau đó nhét chữ, nhét dấu cần thay vào cho câu từ trang báo được chính xác.

Do phải làm việc với từng con chữ chì, nghề sắp chữ chì là một nghề có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc chì. Sau một thời gian in báo ở Huế, sau đó chuyển ra in ở Quảng Trị cũng sắp chữ chì, đến khi Trung tâm Tin học Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị thực hiện việc sắp chữ điện tử, việc in Báo Quảng Trị tại Xí nghiệp In Quảng Trị mới “điện tử hoá” được khâu sắp chữ, chấm dứt việc sắp chữ chì bằng tay. Nhờ sắp chữ điện tử, lao động của người công nhân in được trở nên nhanh nhạy và nhẹ nhàng hơn trước, “giải phóng” khỏi áp lực nhọc lòng, tỉ mẩn và cả nguy cơ nhiễm độc do sắp chữ chì. Một khâu trong kỹ thuật in Báo Quảng Trị là khâu sắp chữ đã được “lột xác” ngoạn mục như thế nhờ vào một giải pháp có tính đột phá của giáo dục Quảng Trị: sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, trong dạy học.

Lần giở những trang tư liệu “Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị 50 năm xây dựng và phát triển (1972 - 2022)”, ở những dòng đề cập về thuở “vạn sự khởi đầu nan”, lúc mới lập lại tỉnh, cơ sở vật chất thiếu thốn, ít trường kiên cố, nhiều trường tranh tre nứa lá, tôi đặc biệt chú ý đến điều nhấn mạnh rằng: “Ngành giáo dục và đào tạo đã đưa ra nội dung “Lựa chọn một số giải pháp có ý nghĩa đột phá để tác động tích cực đến chất lượng, nhất là bộ phận trọng điểm và mũi nhọn”, đây là bước đi táo bạo có tầm chiến lược trong chủ trương phát triển giáo dục của tỉnh”. Trong ba việc lớn mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị tập trung chỉ đạo thực hiện sớm, từ những ngày đầu lập lại tỉnh, tôi tâm đắc nhiều với hai việc lớn, thể hiện tầm nhìn sớm và xa, đó là thành lập hệ chuyên, trường chuyên đào tạo học sinh giỏi và thành lập Trung tâm Tin học (việc lớn còn lại là huy động nguồn lực xã hội hoá giáo dục). Thay vì chỉ ngồi hồi tưởng lại quá khứ, tôi muốn thời gian cũ sống lại, cùng “đồng hiện” với bây giờ, tôi đã tìm gặp và hàn huyên cùng ông Trương Sĩ Tiến, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, người từng khởi xướng và chịu trách nhiệm chính dẫn dắt những việc lớn đó. Ông về hưu đã lâu nhưng khi nghe tôi gợi lại chuyện “làm tin học, làm hệ chuyên” thuở nào, mắt ông ánh lên niềm say mê nồng cháy với nghề nghiệp và niềm xúc động dạt dào cùng kỷ niệm. Mạch nghĩ trong ông trào tuôn.

- Trung tâm Tin học Sở Giáo dục và Đào tạo được lập trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương chính thức đưa tin học vào nhà trường là 3 năm. Năm 1994, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa tin học vào. Muốn làm tin học phải có con người chuyên môn. Tôi phát hiện ra em Cáp Xuân Tuấn, tôi sang Cục Thống kê tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), nơi Tuấn đang làm việc, rủ Tuấn về quê. Tôi nói với Tuấn em về với thầy, rồi mình sẽ đi lên từ mảnh đất của mình. Trung tâm Tin học đầu tiên chỉ có 3 người, với 3 máy tính rẻ tiền, về sau nhân lực, thiết bị mới tăng lên. Ngoài nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo giao ra, Trung tâm Tin học còn phải có đóng góp thiết thực cho xã hội. Thế nên, các em ở Trung tâm đã dành thời gian nghỉ hè để số hoá danh sách liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, làm xong chuyển cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Đang dòng mạch hứng khởi, bỗng ông Tiến dừng lắng ưu tư - Lúc đầu làm tin học, cũng có người nói “dân Quảng Trị ăn sắn ăn khoai mà làm tin học à”. Tôi chỉ cười và gắng thuyết phục, tranh thủ thêm sự đồng tình. Phải tạo ra những mũi nhọn, điển hình tiên tiến, nhân tố mới. Lúc đó, giáo dục tin học là hết sức có ý nghĩa, là mũi nhọn. Hệ chuyên cũng vậy. Lúc đầu, hệ chuyên gắn với trường THPT trong khi chưa có điều kiện làm trường chuyên. Sau 2 năm lập lại tỉnh mới có trường chuyên.

Xin mở ngoặc để nói thêm ở đây rằng, tôi được biết, năm 1991, giáo dục Quảng Trị đã sử dụng 2 phần mềm là phần mềm quản lý thi tốt nghiệp THPT và phần mềm quản lý hồ sơ liệt sĩ, khi nhiều nơi trong nước chưa có. Giáo dục Quảng Trị đã giúp cho các tỉnh Hoà Bình, Hà Tĩnh sử dụng phần mềm quản lý thi tốt nghiệp THPT nhiều năm, trước khi có phần mềm do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào. Sống trong một môi trường dù còn bao khó khăn nhưng “cấp tiến” với tin học như vậy, nhiều học sinh giỏi tin học Quảng Trị đã đạt giải quốc gia.

Được ông Tiến truyền cảm hứng từ những niềm “say mê trong gian khó” của giáo dục Quảng Trị, lòng tôi bỗng cao hứng ngân lên một độ rung cộng hưởng cùng ông:

- Khi em tham gia với tư cách thành viên phản biện trong Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển” do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì, em đã đề nghị những người làm đề tài này khi viết về phẩm chất hiếu học, cần làm nổi bật những điểm riêng có, độc đáo của phẩm chất này ở người Quảng Trị mà thầy Trương Sĩ Tiến đã nêu là: khổ học, khát học.

Do khổ học, vươn lên từ vùng quê nghèo mà ông Bùi Dục Tài đã “sớm nêu sĩ vọng, đột phá khai khoa”, trở thành vị đại khoa đầu tiên của xứ Đàng Trong. Do khát học mà Quảng Trị đã có những dòng họ khoa bảng, gia đình khoa bảng. Sách “Quốc triều hương khoa lục” của Cao Xuân Dục ghi chép về 47 khoa thi hương thời nhà Nguyễn, cho biết, ở Quảng Trị, có những gia đình cha con cùng thi đỗ, đặc biệt có gia đình cha con, anh em, chú cháu cùng thi đỗ.  

- Người Quảng Trị hiếu học đã đành rồi. Người Quảng Trị còn khổ học, khát học - Ông Tiến bình luận - Đó chính là khát vọng sống, khát vọng vươn lên của người Quảng Trị.

Đến đây, nhận thấy cuộc trò chuyện có thể đi từ bề nổi sự việc vào chiều sâu vấn đề được rồi, nghĩ rằng đằng sau những việc làm sớm, những việc lớn, những giải pháp có tính đột phá của giáo dục Quảng Trị, có sự dẫn dắt của một “triết lý giáo dục” nào đó, tôi hỏi ông Tiến:

- Các nhà giáo dục chắc quá rõ làm giáo dục phải chú trọng tạo dựng cả nền và đỉnh, cả chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Nhưng giáo dục Quảng Trị đã sớm chú trọng xây đỉnh trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn buổi đầu, hẳn là để tập trung tạo ra một đòn bẩy, một lực đẩy nào đó.

- Để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển, bao giờ cũng phải kết hợp tạo dựng cả nền và đỉnh. Giữa nền và đỉnh có mối quan hệ biện chứng. Nền tảng là quan trọng, càng vững càng tốt. Đỉnh tức là “giáo dục mũi nhọn” phải sắc bén để kéo cái nền lên. Mình không chủ động đi trước mình sẽ lạc hậu - Ông Tiến bỗng say sưa như bắt đúng mạch triết lý - Để cho sự vật phát triển, phải có mũi nhọn đi trước, từ thành công của mũi nhọn mới lan toả ra diện rộng. Nếu tác động lên mặt bằng rộng thì không tác động như nhau hết được mà phải đi từ các mũi nhọn, các nhân tố mới, các điển hình… để từ đó kéo mặt bằng lên. Về mặt triết học là như vậy. Tôi chú ý đến một ý tưởng có người nêu rằng phải “tấn công vào điểm yếu từ điểm mạnh”. Ví dụ, một em học sinh học môn nào khá nhất, mình “tấn công” vào môn đó, giúp em say mê học tập, từ đó nâng dần sức học các môn khác lên.  

Với “triết lý giáo dục” đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã sớm xác định những việc lớn phải làm, những giải pháp có tính đột phá, trong đó tập trung nâng cao chất lượng trọng điểm, mũi nhọn. Phải vậy thôi, vì triết lý phải đi vào thực tiễn, “lý thuyết màu xám” phải biến thành “cây đời mãi mãi xanh tươi” (mượn ý Goethe), giáo dục phải chứng minh hiệu quả bằng chính sản phẩm giáo dục do mình tạo ra. Mà sản phẩm giáo dục chính là con người, là những học sinh học tốt, học giỏi. Đồng ý! Nhưng sản phẩm của một nền giáo dục bền vững, có tầm nhìn xa không chỉ là những học sinh học giỏi trên ghế nhà trường, những học sinh đạt giải qua các kỳ thi, các cuộc thi… mà phải là những học sinh học tốt, học giỏi khi vào đời chứng tỏ được năng lực, phẩm chất và sự thành đạt của mình.

Nghĩ thế, tôi bèn vác bút đi tìm gặp những học sinh học giỏi vào đời khá thành công, dựa trên thiên khiếu, sở năng, phẩm chất của mình đã được đào luyện, bồi dưỡng trong những ngày tháng mài đũng quần trên ghế nhà trường. Và tôi bị hút bởi hấp lực của những em thành đạt trên các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học công nghệ… trong thời buổi nhân loại đang ở trên con tàu siêu tốc “bốn chấm không”.

Trong dịp Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức ra mắt Kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thanh niên khởi nghiệp Quảng Trị online, có địa chỉ: quangtrimart.vn, do Công ty cổ phần CodeGym Việt Nam hỗ trợ xây dựng từ ý tưởng của Tỉnh Đoàn Quảng Trị. Kênh hoàn thiện trong vòng chưa đầy 2 tháng, tôi chú ý đến Nguyễn Khắc Nhật, Tổng Giám đốc Công ty này, người được Tỉnh Đoàn Quảng Trị mời vào tham dự ra mắt kênh.

Nguyễn Khắc Nhật. Ảnh do tác giả cung cấp.

Nhật sinh năm 1985, quê ở Gio Phong (nay là Phong Bình, Gio Linh, Quảng Trị), học sinh Trường THPT Gio Linh, thi đỗ Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 2003, được nhận học bổng du học ngành công nghệ thông tin tại Cuba từ năm 2004 đến 2010, sau đó về nước khởi nghiệp thành công. Để thành công phải có niềm say mê với điều mình đã lựa chọn, khi còn đi học cũng như khi vào đời. Tôi hỏi về điểm khởi nguồn cho thành công về sau của Nhật:

- Cơ duyên với ngành công nghệ thông tin của Nhật khởi phát từ lúc nào?
- Từ năm học lớp 8, lớp 9, em đã theo học máy tính tại trường dạy nghề ở huyện Gio Linh. Hồi đó, cả trung tâm dạy nghề chỉ có vài cái máy tính, học sinh phải chờ đến lượt mới được thực hành. Do máy tính thiếu, em đã nghĩ ra cách dùng bìa cứng, vẽ lại bàn phím máy tính lên đó để nhớ và tập gõ cho quen tay. Ở nhà, tất nhiên là không có máy tính, thậm chí hồi này ở nhà còn chưa có điện. Máy tính hồi đó cũng rất “cùi” nếu so với các loại máy tính thông thường bây giờ. Cả đám học sinh phải đạp xe đạp vào Đông Hà mua các đĩa mềm về để lưu trữ tài liệu học.

Nhật chăm học, chịu khó học. Các năm học cấp 3, Nhật luôn đạt điểm 9, 10 các môn toán, lý, hoá, sinh, điểm 8, 9 các môn văn, sử, địa, năm nào cũng làm lớp trưởng hoặc bí thư chi đoàn lớp, được thầy cô quý mến. Vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Nhật siêng học đến mức nhiều khi phải mang sách vở ra biển, nơi có các ngọn đèn điện chiếu sáng vào để ngồi học, tránh bạn bè trong khu trọ kéo đến tán gẫu, chơi bời. Kết thúc học kỳ đầu tiên ở đại học, Nhật đạt điểm tổng kết cao ở top 3 của khoa. Đang học Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Nhật được nhận học bổng 100% của nhà nước để đi học công nghệ thông tin tại Cuba. Học ở Cuba, Nhật luôn là học sinh top đầu của khoa. Năm thứ ba, Nhật đã được tham gia vào phòng nghiên cứu của thầy giáo. Tại đây, Nhật tham gia làm các phần mềm quản trị cho doanh nghiệp, được ứng dụng rộng rãi tại Cuba và một số nước Nam Mỹ. Năm thứ tư, Nhật tham gia dạy toán tại trường cấp 3 gần trường đại học đang theo học. Năm 2010, Nhật tốt nghiệp đại học ở Cuba thuộc loại xuất sắc. Ở Cuba, với điểm số cao nhất là 5 (thang điểm 5 chứ không phải là thang điểm 10 như ở Việt Nam) nhưng Nhật đã đạt đến điểm số tốt nghiệp 5,4, do được cộng thêm 0,4 điểm xuất sắc ở các môn học. Sau khi tốt nghiệp, Nhật về nước, giảng dạy công nghệ thông tin trong 5 năm. Năm 2015, Nhật bắt đầu khởi nghiệp. Năm 2016, Nhật khởi động dự án CodeGym, tiền thân của Công ty CodeGym giờ đây.

- Nhật có thể kể một chút “cổ tích” về CodeGym đi. Sao gọi là CodeGym? Câu chuyện CodeGym ra đời để giải quyết những vấn đề bức thiết nào? CodeGym có lối đi riêng nào để tồn tại, để tạo sức thu hút? - Tôi gợi chuyện Nhật.

- Cái tên CodeGym là ghép từ hai chữ Code và Gym. Code tức là viết mã (lập trình), gym tức là tập gym - Nhật cắt nghĩa - CodeGym ý nói rằng để trở thành một lập trình viên giỏi cần phải luyện tập chăm chỉ, bền bỉ giống như khi tập gym vậy. Khó khăn lớn nhất đối với người tập gym không phải do rào cản về cơ bắp mà là do rào cản về ý chí. CodeGym ra đời để giải quyết hai vấn đề, thứ nhất là nhiều thanh niên thất nghiệp hoặc đi làm những công việc chưa hài lòng, chưa đúng như sở nguyện, cần có việc làm ổn định, thứ hai là ngành công nghệ thông tin đang rất thiếu nhân lực. Để giải quyết hai vấn đề này, CodeGym cần phải có những sáng kiến rất hiệu quả trong công tác đào tạo, nhằm chuyển đổi một người từ con số 0 trở thành một lập trình viên đi làm việc được ngay.

Học viên đến với CodeGym không cần phải có hiểu biết về công nghệ thông tin từ trước, kể cả người lớn tuổi cũng đến học được. Thời gian học ngắn, chỉ 6 tháng. Nhưng học viên phải học cả ngày, trừ ngày nghỉ, mỗi ngày học 1 tiếng rưỡi lý thuyết còn 6 tiếng rưỡi thực hành như đang làm việc vậy, phải rèn cho học viên thành nghề. Đặc biệt, CodeGym có cam kết về việc làm dành cho học viên. Nếu trong vòng 45 ngày kể từ ngày tốt nghiệp mà học viên không tìm được việc làm, CodeGym sẽ trả lại 100% học phí. CodeGym còn có chương trình đào tạo lập trình online để tạo cơ hội học tập cho thanh niên ở những tỉnh, thành xa xôi mà CodeGym chưa mở trung tâm đào tạo ở đó. Cái mà CodeGym mang đến cho học viên là việc làm có tính dài hạn, lâu bền, chứ không phải là những việc làm ngắn hạn, ăn xổi, bấp bênh. Một lập trình viên đi làm ở thành phố có thể nuôi sống 3 - 4 người ở thôn quê.  

Mô hình đào tạo của CodeGym mà Nhật học được và sử dụng là Coding Bootcamp (trại huấn luyện code), một mô hình đào tạo lập trình cường độ cao giúp học viên trưởng thành nhanh và làm việc được ngay sau thời gian đào tạo ngắn. Mô hình này xuất hiện đầu tiên tại Mỹ năm 2011 và ngày càng phổ biến ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Đây cũng là mô hình đầu tiên và tốt nhất tại Việt Nam mà Nhật học được từ “túi khôn” của Mỹ.

Qua lời kể của Nhật cho thấy, CodeGym không phải “dạy để mà dạy”, CodeGym không chỉ truyền nghề mà còn lo kiếm việc làm cho học viên, nghĩa là đào tạo phải gắn với địa chỉ sử dụng, phải tạo được hiệu quả xã hội rõ nét. Ngoài trụ sở chính đặt tại Hà Nội, CodeGym đã có 3 cơ sở đặt tại Hà Nội, 1 cơ sở đặt tại Đà Nẵng, 1 cơ sở đặt tại Huế, 1 cơ sở đặt tại Quảng Trị và sẽ mở thêm 2 cơ sở đặt tại miền Nam. CodeGym có khoảng 1000 học viên đang theo học.

Mỗi năm, CodeGym đóng góp cho thị trường công nghệ thông tin khoảng 800 lập trình viên. 100% học viên tốt nghiệp từ CodeGym đều có việc làm đúng ngành nghề đã học. Nhật kể cho tôi nghe một câu chuyện cảm động: Trong một buổi lễ tốt nghiệp tại CodeGym, một bà mẹ đã khóc khi thấy con mình tìm được “ánh sáng cuối đường hầm”. Người con này vốn ngoan, thi đỗ đại học nhưng vì ham chơi nên đã bị đuổi học khi đang học đại học năm thứ hai, sau đó phải làm hết việc này đến việc khác kiếm sống nhưng đều không ổn định. Đang rất bế tắc, người con này may mắn gặp được CodeGym, được nhận vào học và sau 6 tháng đã được một tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhận vào làm việc. Người mẹ hết sức vui mừng và cám ơn CodeGym đã mở ra trang mới cho cuộc đời con mình.

Có nhiều câu chuyện về những cuộc đời sang trang như thế nhờ CodeGym. Có những em bỏ đại học, có những em chán nản vì trượt đại học… đã đến với CodeGym và “đổi đời” từ đó. Ở CodeGym, có khoảng 70% học viên là những người chuyển ngành chuyển nghề, có độ tuổi từ 25 - 35 tuổi, rất nhiều người trong số này gặp khó khăn trong việc tìm hướng đi cho tương lai. Sau khi học xong ở CodeGym, họ đã tìm được cơ hội mới cho đời mình. CodeGym đã giúp cho hàng nghìn thanh niên có việc làm đàng hoàng, cuộc sống thay đổi hẳn và có tương lai tốt đẹp.

Đó chính là ý nghĩa nhân văn chung tay góp mặt với đời của CodeGym. Với tấm lòng của một người con xa quê luôn hướng về quê nhà, mấy năm nay, Nhật đã tham gia các hoạt động hỗ trợ, thiện nguyện trên địa bàn tỉnh như huy động anh chị em CodeGym hỗ trợ tiền và hiện vật cho đồng bào bị bão lụt, hỗ trợ giường, đệm, chăn, gối cho trường học ở Tân Lập, Hướng Hoá; hỗ trợ sách vở, phần quà, khẩu trang, nước sát khuẩn… cho học sinh nghèo ở Hướng Lập, Hướng Hoá; tham gia tập huấn cho các doanh nghiệp trong tỉnh về quản trị doanh nghiệp và khởi nghiệp; hỗ trợ Tỉnh Đoàn Quảng Trị xây dựng Kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thanh niên khởi nghiệp Quảng Trị online… và sẵn lòng tham gia các hoạt động khác ở Quảng Trị.

Là một người khởi nghiệp thành công không chỉ bằng chuyên môn đam mê mà bằng cả tâm huyết, tấm lòng với cuộc đời, tôi muốn Nhật gửi đi một thông điệp truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Nhật hào hứng nói:

- Khởi nghiệp là một khoa học chứ không phải là một trò chơi may rủi. Do đó, người khởi nghiệp cần phải học và áp dụng các tri thức đúng đắn vào trong thực tiễn. Không nên nóng vội mà cần xác định đúng hoàn cảnh, đúng thời điểm để triển khai các chiến lược và kế hoạch. Không sợ sai mà sẵn sàng chấp nhận sai, fail fast - fail often (thất bại nhanh - thất bại thường xuyên). Bởi vì sau mỗi lần sai, chúng ta lại học được nhiều thứ hơn, trưởng thành hơn. Nên học tập liên tục, làm mới mình liên tục và sẵn sàng cho những thay đổi. Bởi vì khi chúng ta dừng lại, thế giới sẽ bỏ xa chúng ta. Nên chọn khởi nghiệp ở những lĩnh vực mà có thể tạo ra càng nhiều giá trị cho xã hội càng tốt. Cần nghĩ cho mọi người trước khi nghĩ về mình.

Khởi nghiệp là một việc mới, việc hay nhưng là việc khó. Cần có sự kết nối, truyền cảm hứng, truyền cách nghĩ, cách làm thành công để học tập. Diễn đàn Trí thức trẻ, thanh niên khởi nghiệp tỉnh Quảng Trị năm 2022 do Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức tại Đông Hà từ ngày 24/4/2022 đến 27/4/2022 là một cách kết nối như thế. Diễn đàn đã thu hút nhiều trí thức trẻ, thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh đang học tập, sinh sống ở trong, ngoài nước tham gia bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, cùng trao đổi, chia sẻ “túi khôn” cho nhau, đồng thời, đề xuất các giải pháp hiến kế cho tỉnh về phát huy vai trò thanh niên, trí thức trẻ, đổi mới sáng tạo, chủ động khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển của tỉnh.

Tôi chú ý đến những gương mặt trẻ, năng động, sáng tạo, có những thành công nơi xứ người đã tham gia diễn đàn, đó là Nguyễn Thị Thuỳ Trang, quản lý điều hành mảng tư vấn công nghệ và chuyển đổi số KPMG tại Singapore và Nguyễn Minh Châu, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Quang học Aquitaine, Talence, Pháp. Trong 3 phiên diễn đàn với 3 chuyên đề khác nhau, hai em Nguyễn Thị Thuỳ Trang và Nguyễn Minh Châu đã tham gia cùng chuyên đề “Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Trị”, một chuyên đề mà hai em tâm đắc, vì nội dung đặt ra thuộc sở trường chuyên môn và nằm trong công việc mà hai em thực hiện thành công ở xứ người.

Tác giả và cô gái công nghệ.

Tôi không tìm gặp Thuỳ Trang tại diễn đàn này vì chuyện diễn đàn thì nhiều người và công luận đã biết, mà ở đó có muốn gặp Thuỳ Trang thì cũng không “gặp” được, gặp ở đây là gặp cái chiều sâu bản thể một con người. Sau diễn đàn, khi Thuỳ Trang rảnh rỗi, tôi mời em uống cà phê để chuyện trò lâu hơn và sâu hơn về bản thể, về nội lực của em. Và cũng để chiêm nghiệm cái điều mà đại văn hào Pháp Honoré de Balzac nói: “Khi chúng tôi uống cà phê, các ý tưởng xuất hiện như đi diễu hành trong quân đội”. Quả đúng thế thật. Ngay khi mạch chuyện với Trang đã nhập, trực cảm của tôi mách bảo tôi biết rằng, đây là một cô gái nhanh nhẹn, hoạt bát, giàu “năng lượng”, có năng lực truyền đi các ý tưởng và cảm hứng mới mẻ.

Trang kể, xuất phát điểm, em là học sinh chuyên toán của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đông Hà, Quảng Trị. Em là thủ khoa trong tất cả số học sinh tốt nghiệp THPT của toàn tỉnh năm 2010. Em sớm mê máy tính. Trong hơn một tháng hè trước khi vào lớp 10, em đã “cày” xong giáo trình Word, Excel. Em biết dùng Office “nhoay nhoáy” và thích học môn tin. Khi vào học Đại học Ngoại thương Hà Nội, em được “mệnh danh” là “cô gái công nghệ” (tech girl). Trong khi các bạn gái khác thích tụ tập quán xá, tán gẫu, thích đi ngắm quần áo, giày dép thì em thích lướt web, thích “vọc” các loại phần mềm, thích thiết kế (design) và làm video clip, thích đi xem các loại máy tính mới tại siêu thị điện máy. Em thường giúp thầy cô và bạn bè trong lớp xử lý những việc về kỹ thuật như máy chiếu, loa đèn, kết nối Internet hoặc slide, giải đáp thắc mắc cho bạn bè về sử dụng máy vi tính và Microsoft Office. Em đã tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm sử dụng các phần mềm công nghệ hữu ích, đặc biệt là nhóm sản phẩm của Google cho các bạn sinh viên trong trường.

Từ cái duyên đó mà em trở thành chủ nhiệm đầu tiên của Cộng đồng sinh viên Google tại Việt Nam. Do nỗ lực trong học tập, em đã nhận được học bổng của nhiều tổ chức dành cho sinh viên xuất sắc. Có một điều lạ và khác biệt ở Trang là em học chuyên ngành tài chính nhưng chưa hề làm công việc chuyên môn nào trong ngành này, chỉ bởi vì, niềm ưa thích lớn nhất của em là dành cho công nghệ. Vào năm cuối đại học, em bắt đầu thực tập marketing tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, một công ty đi đầu ở Việt Nam về ứng dụng công nghệ trong chứng khoán, sau khi nhận được học bổng tài chính của công ty này. Trong thời gian này, em đã chủ động tìm hiểu cơ hội về việc làm ở các công ty công nghệ trong và ngoài nước.

Tình cờ, mà cũng có thể là “vạn sự do duyên”, cái duyên gắn em với công nghệ tự thuở nào, em biết đến chương trình “Sinh viên thực tập tài năng - Cán bộ kinh doanh toàn cầu hoá” của FPT, tuyển chọn sinh viên từ các trường kinh tế lớn ở Việt Nam, đào tạo thành cán bộ kinh doanh tại các văn phòng nước ngoài của FPT trong khu vực. Em may mắn là một trong hai người được FPT chọn qua làm việc tại Singapore, ngay sau khi ra trường.

Nhớ lại quãng thời gian làm ở FPT, Trang thấy mình giống như Tôn Ngộ Không bị nung trong lò bát quái. Đó là những ngày của tuổi trẻ lăn lộn, chăm chỉ làm việc, học mọi thứ từ con số 0, làm mọi thứ với tinh thần say mê cái mới, không sợ sai, làm nhiều sai nhiều, sai nhiều học nhiều (cái ý nghĩ không sợ sai của Trang sao mà giống ý nghĩ của Nhật CodeGym đến thế, và bây giờ, trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, người ta nói đến có những việc phải cho làm thử, sandbox, để kiểm nghiệm đúng, sai thế nào). Đó là những ngày khao khát nâng tầm chính mình lên, khi Trang luôn là người trẻ nhất làm việc với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác hơn mình cả chục tuổi, ký những hợp đồng từ hàng chục nghìn đến hàng triệu đô la và từ đó, khao khát góp phần nâng tầm người Việt ra thế giới.

Là người trẻ nhất tại công ty ở Singapore, với nhiệm vụ được giao là chuyên viên phát triển kinh doanh của FPT Asia Pacific, em đã thăng tiến khá nhanh trong công việc. Sau vài tháng mới vào công ty, em đã được nhận danh hiệu cá nhân xuất sắc. Sau hơn 1 năm, em trở thành gương mặt trẻ nhất đạt danh hiệu Top 100 cá nhân xuất sắc toàn tập đoàn FPT (trong tổng số gần 30.000 người). Sau gần 2 năm, em trở thành quản lý trẻ mảng phát triển kinh doanh của FPT Asia Pacific. Sau hơn 3 năm, em trở thành quản lý điều hành của mảng kinh doanh, quản lý đối tác và marketing, thành cánh tay phải đắc lực của giám đốc kinh doanh và được nhận giải thưởng Sales Star of the Year (Ngôi sao của năm ở mảng kinh doanh) của FPT Software. Sở dĩ em tiến nhanh trong nghề được như vậy là do nhiều yếu tố cộng lại, một là khát vọng, là nỗ lực vươn lên của bản thân, hai là sự dìu dắt của lãnh đạo, những người đàn anh đi trước, ba là được lãnh đạo tin tưởng, trao quyền.

Một vinh dự, một kỷ niệm hiếm có trong đời em là được tham gia chuẩn bị cho sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo các công ty đa quốc gia ở Singapore vào tháng 4/2018. Em được giao nhiệm vụ làm đầu mối chính tại Singapore, làm việc với Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Thủ tướng Chính phủ. Em phụ trách việc lên danh sách và mời lãnh đạo các công ty, các hoạt động hậu cần, lễ tân và làm việc với giới truyền thông về sự kiện này.

Ngày đầu Trang tìm đến với FPT, ông giám đốc Văn phòng FPT tại Singapore, người trực tiếp phỏng vấn và chọn Trang sang làm việc tại Singapore đã nói: “Anh chọn em vì nhìn thấy “lửa” ở trong em”. Và rồi, đốm “lửa” này không chỉ Văn phòng FPT thấy mà cả khách hàng của FPT cũng thấy, đưa đời Trang đến một bước ngoặt mới. KPMG Singapore là khách hàng của FPT do Trang trực tiếp quản lý. Nhận thấy Trang năng nổ, tận tình, một ngày nọ, một lãnh đạo KPMG đã ngỏ lời đề nghị Trang chuyển qua làm việc ở KPMG để phát triển một đơn vị mới chuyên về tư vấn triển khai chuyển đổi số. Lời ngỏ đến đúng lúc Trang muốn tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân ở một môi trường quốc tế chuyên nghiệp. “Thời tới đỡ không nổi”, thế là Trang nhập cuộc vào môi trường mới. Với kinh nghiệm tích luỹ được và với tinh thần cầu tiến, sau hơn 3 năm làm ở KPMG, Trang đã được giao đảm nhận vị trí quản lý điều hành, mảng tư vấn công nghệ, là người Việt đầu tiên và là người trẻ nhất đảm nhận vị trí này.

- KPMG đã cho em có thêm những trải nghiệm mới và tiếp tục phát triển bản thân chứ? - Tôi bắt đầu đặt ra những câu hỏi “xoáy vào bản thể”.   

- Nếu FPT là bệ phóng thì KPMG là tên lửa - Trang tâm sự, hóm hỉnh đưa ra những hình ảnh ví von - Em được mở rộng tầm nhìn và tư duy về bản chất sự việc, học được nhiều điều về quản lý, lãnh đạo, đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý giá để hiểu bản thân mình hơn và giúp đỡ các bạn trẻ trong việc phát triển bản thân.

Một trong những thành công đáng nhớ nhất của em là phụ trách dự án chuyển đổi số 10 triệu đô la cho một khách hàng chính phủ Singapore mà em theo sát từ những ngày đầu tìm kiếm cơ hội, làm thầu, chốt hợp đồng đến quản lý vận hành, xây dựng đội ngũ cho dự án. Đây là một trong những dự án lớn nhất về chuyển đổi số của KPMG Singapore ở thời điểm hiện tại. Mặc dù em từng đảm nhận những hợp đồng lớn khác nhưng đây là dự án để lại cho em nhiều kỷ niệm nhất, giúp em có cái nhìn sâu sắc và bao quát hơn về những thử thách trong chuyển đổi số và định hình phong cách quản lý của bản thân.   

- Em có thể nói đôi điều về những bí quyết, kinh nghiệm thành công của mình để chia sẻ cùng các bạn trẻ đang vào đời, khởi nghiệp.

- Nếu đúc kết ba điều quan trọng nhất dựa trên kinh nghiệm của bản thân, đối với em đó là - Trang nói rành rọt - Thứ nhất là sự chủ động. Tony Alessandra từng nói: “Thành công không đến với người nào ngồi đợi và cũng không ngồi đợi người nào đến với nó” (Success does not come to those who wait - and it doesn’t wait for anyone to come to it). Chủ động trong tiếp cận cơ hội, trong hành động, giải quyết vấn đề, trong đổi mới sáng tạo, cải tiến, trong học tập và học hỏi không ngừng. Khi mới đặt chân đến công ty, em thường hỏi các anh chị rằng: “Em có giúp gì được không ạ?”, “Để em làm thử”… Khi được giao một việc mới, em thường chủ động tìm hiểu, bắt tay vào làm rồi hỏi, thay vì đợi người khác bắt tay chỉ việc. Khi thấy có vấn đề trong công việc cần giải quyết, em chủ động nêu vấn đề và đề xuất giải pháp, thay vì bị động chờ đợi sự thay đổi. Nhờ đó mà em được cấp trên tin tưởng, trao cơ hội để phát triển.

Sự chủ động cũng là mẫu số chung mà em nhận thấy từ những bạn trẻ thành công xung quanh mình. Đây cũng là nền tảng tạo ra sự khác biệt của các bạn và giúp các bạn tạo ra sự khác biệt. Hai câu nói mà em tâm đắc nhất cũng liên quan đến điều này: “Bạn không cần phải “là lãnh đạo” thì mới làm lãnh đạo” (You don’t need to be a “leader” to be leading), “Hành động dựa trên mục tiêu, chứ không phải vị trí hiện tại” (Take action based on where you want to be, not based on where you are).

Thứ hai là sự tín nhiệm, quan hệ trong công việc. Không ai thành công một mình. Khi em tâm sự với gia đình mình rằng, em sẽ làm nghề về phát triển kinh doanh, ai cũng ngạc nhiên vì nghĩ rằng với tính cách thật thà, thương người của em thì làm sao em tiến xa trong nghề này được. Nhưng em nhận ra, chính sự chân thành, nhiệt thành, cởi mở với đồng nghiệp, lãnh đạo, khách hàng, đối tác đã giúp cho em có được sự tin cậy, hỗ trợ từ những người này. Em nhận ra, ở đời, phải trao đi sự chân thành, tin tưởng thì mới có cơ hội nhận lại sự chân thành, tin tưởng. Đó là nền tảng của mối quan hệ vững bền. Thứ ba là cái tâm trong công việc. Đã làm thì làm đến nơi đến chốn, nỗ lực để có kết quả tốt nhất. Em muốn nói thêm rằng, để có được thành công, kỹ năng là điều không thể thiếu: kỹ năng giao tiếp, phân tích, phản biện, kỹ năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề v.v… Nhưng trong ba điều quan trọng mà em vừa nói với anh đều là về thái độ sống. Khi có một thái độ sống tích cực, đúng đắn, em tin rằng bạn trẻ nào cũng có thể tích luỹ được nhiều kỹ năng và thành công theo cách của mình.  

Tôi nghĩ, chính tư duy “thái độ quan trọng hơn trình độ” mà Trang học được này đã dẫn dắt Trang đạt bao thành công không chỉ trong nghề nghiệp mà cả trong các hoạt động xã hội nổi bật. Em đã là đại biểu Việt Nam tham gia Chương trình Lãnh đạo thanh niên ASEAN 2021 và dự án “Environmentally Friendly” hợp tác giữa Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Uỷ ban Thanh niên Á - Âu.

Đến đây, cùng với giọt giọt cà phê tí tách rơi, rõ ràng các ý tưởng đã xuất hiện như đi diễu hành trong quân đội, nói theo kiểu của Honoré de Balzac. Nhân khi Trang nhắc đến câu mà em tâm đắc: “Hành động dựa trên mục tiêu, chứ không phải vị trí hiện tại”, tôi hiểu mục tiêu là cái sẽ là, vị trí hiện tại là cái đang là và liên tưởng ngay đến tư tưởng của triết học hiện sinh, với một trong những nhân vật nòng cốt của nó là Jean Paul Sartre, nhà triết học Pháp lừng danh. Tôi phân tích cùng Trang:

- Con người ta không chỉ có cái đã làcái đang là, mà luôn có phần nào đó của cái hiện nay chưa là nhưng được dự phóng để trở thành cái sẽ là trong tương lai. Triết học hiện sinh đặc biệt quan tâm đến cái sẽ là này. Jean Paul Sartre cho rằng, con người phải được định nghĩa như cái nó còn chưa là, mà không được định nghĩa nó như cái nó hiện đang là. Lấy trường hợp của Trang làm ví dụ, khi Trang đang học ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thì đó là cái đang là, nhưng khi đó đã xuất hiện cái mầm mống “cô gái công nghệ” (tech girl) sau này, tức là cái sẽ là, hay khi Trang đang làm việc ở FPT thì đó là cái đang là, nhưng khi đó đã xuất hiện cái mầm mống KPMG Singapore, tức là cái sẽ là. Theo Jean Paul Sartre, “con người tự sáng tạo, nó không phải đã được sáng tạo hoàn chỉnh ngay từ đầu”. Vậy đó!

Trang bỗng nở một nụ cười đầy phấn khích. Giọt cà phê trong tôi có vị đắng bỗng đã chuyển sang ngọt, cái ngọt đắng thấm đẫm ý vị của triết lý nhân sinh. Là một người trẻ biết hướng đến “cái sẽ là”, biết tự làm mới mình, Trang nhận ra giới hạn của những người giỏi, những người có kinh nghiệm nhưng không “tự sáng tạo” nữa:

- Có một điều em nhận thấy, qua làm việc, không phải lúc nào người giỏi chuyên môn nhất, người có kinh nghiệm nhất cũng cho kết quả tốt nhất, có giá trị nhất. Ví như câu chuyện này: Có một nhóm sinh viên đi thực tập ở một dự án chuyển đổi số, được giao nhiệm vụ làm kiểm thử, tức là đóng vai người dùng kiểm tra xem một chức năng của phần mềm có hoạt động theo yêu cầu không. Trong nhóm có một cậu sinh viên rất chăm chú lắng nghe và đặt câu hỏi lúc người quản lý hướng dẫn quy trình và kế hoạch làm việc cho cả nhóm. Một tuần trôi qua, sang tuần mới, cậu nhắn tin cho người quản lý, xin gặp riêng để nêu một số đề xuất của bản thân. Thì ra, cậu này cảm thấy chưa hài lòng về quy trình, nên dành mấy ngày cuối tuần tự đào sâu, đánh giá và đề xuất một số phương án làm việc hiệu quả hơn. Người quản lý vô cùng ngạc nhiên. Ngày hôm sau, cậu này được giao phụ trách một phần của mảng kiểm thử, quản lý luôn các bạn sinh viên khác. Lãnh đạo dự án đã nhận xét cậu sinh viên này làm việc thậm chí còn hiệu quả hơn nhóm trưởng mảng kiểm thử có gần 10 năm kinh nghiệm. Vậy đó. Có những người giỏi, nhiều kinh nghiệm lại sa vào bảo thủ, thiếu tư duy phát triển, sáng tạo, một số là nhân viên lại dựa dẫm vào người khác, thoả mãn với hiện tại, coi mọi việc là nhất rồi, không cần phải làm gì nhiều.

- Điều này, nói theo cách của Phật giáo thì đó là “sở tri chướng”, tức là cái biết của một người trở thành chướng ngại của người đó, khi cái biết đó là chủ quan, bảo thủ, không phản ánh đúng bản chất sự vật, khi người đó không chịu tiếp thu cái biết của người khác, tiếp thu cái mới, cái đúng.
- Vậy à! Em nghĩ ngoài các bạn trẻ ra, ngay cả đối với những người đã có kinh nghiệm thành công, nên có tư duy phát triển bản thân để cho mình hôm nay tốt hơn mình của ngày hôm qua, nếu không sẽ không tạo ra giá trị mới, sẽ bị tụt hậu.

Cùng tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ, thanh niên khởi nghiệp tỉnh Quảng Trị năm 2022, với cùng chuyên đề về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số như Trang nhưng Nguyễn Minh Châu, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Quang học Aquitaine, Talence, Pháp không có điều kiện tham gia trực tiếp như Trang mà chỉ tham gia trực tuyến. Châu từng là học sinh chuyên lý của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đông Hà, Quảng Trị. Thời học chuyên, Châu đã được tặng Huy chương Bạc môn vật lý kỳ thi Olympic 30/4 năm 2007 và đạt giải ba môn vật lý kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2009. Vào đại học, Châu học lớp cử nhân tài năng vật lý tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2012, Châu được sang Pháp theo học lần lượt và “thăng tiến” về học vị: từ kỹ sư ở Trường ESPCI Paris, thạc sĩ ở Trường Université Pierre et Marie Curie, tiến sĩ tại Trường Université Paris Diderot và sau tiến sĩ tại Viện Quang học Aquitaine. Tham gia từ xa với Diễn đàn tại quê nhà, Châu tham luận về “Tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học”, nêu những trăn trở của mình về tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu

Châu nhận thấy, hiện tại, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam ở vào mức thấp trên thế giới, chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ này nằm ở mức 2 - 4%, cao hơn Việt Nam rất nhiều. Ví dụ như Trung Quốc, Pháp là khoảng 2%, Mỹ, Nhật, Đức khoảng 3%, riêng Hàn Quốc đạt tới 4,6%. Châu phân tích đầu tư ít cho khoa học và công nghệ dẫn đến nhiều vấn đề, hệ luỵ.

Thứ nhất, hậu quả nhãn tiền là khoa học và công nghệ bị tụt lại so với thế giới, dẫn đến bị động khi có nhu cầu khoa học và công nghệ cấp bách. Châu dẫn ra một ví dụ là nước Pháp: “Trong đại dịch vừa qua, hậu quả của việc giảm sút đầu tư cho khoa học trong những năm gần đây đã khiến nước Pháp lao đao, khi hãng dược phẩm nổi tiếng Sanofi liên tục chậm tiến độ trong quá trình sản xuất vaccine Covid-19 và cuối cùng tuyên bố dừng nghiên cứu sản xuất. Nước Pháp luôn tự hào là cường quốc đã bị người dân chỉ trích khi không thể có được vaccine của riêng mình. Ngay sau đó, Pháp đã liên tục tăng đầu tư cho nghiên cứu để có thể tiệm cận với trình độ thế giới trên lĩnh vực khoa học và công nghệ hơn nữa”.

Thứ hai, Châu nhận thấy, đầu tư ít cho khoa học và công nghệ dẫn đến giảm sức thu hút của khối ngành này đối với các bạn trẻ vào đại học. So sánh điểm chuẩn vào các trường đại học về khoa học kỹ thuật với các trường đại học về ngoại thương, kinh tế… cho thấy rõ điều này. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo về khoa học và công nghệ, sinh ra vòng luẩn quẩn: thiếu nhân lực - khoa học và công nghệ khó phát triển - đầu tư cho khoa học và công nghệ ít - khó thu hút nhân lực.

Từ những phân tích đầy trở trăn đó, Châu đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như tăng đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học, cả về nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu gắn với công nghiệp (nghiên cứu và phát triển, tạo ra sản phẩm mới hoặc cải thiện sản phẩm hiện có); khơi dậy niềm đam mê khoa học trong học sinh, sinh viên, tổ chức các cuộc thi về khoa học nhắm đến học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh; tổ chức các buổi nói chuyện, diễn đàn định hướng nghề nghiệp cho học sinh, trong đó có nghề nghiên cứu khoa học; tỉnh cần dành kinh phí thích đáng đầu tư, tài trợ cho các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết các bài toán cụ thể của tỉnh, có nhắm đến đối tượng là sinh viên của tỉnh đang theo học các nơi tham gia…

Ở Pháp, Châu khá hài lòng với môi trường làm việc của mình. Cơ sở thiết bị tốt. Ngoài cơ sở đang làm việc ra, Châu còn nhận được sự hợp tác của một số phòng thí nghiệm khác ở Pháp. Ngày ngày, Châu chuyên chú nghiên cứu về quang học, ứng dụng cho đối tượng là hạt nano. Hạt nano là những hạt có kích cỡ nanomét. Châu thường nghiên cứu những hạt có kích cỡ khoảng 100 nanomét, tức là 1 phần mười triệu mét, nếu so với độ dày một sợi tóc thì nó nhỏ hơn khoảng 1000 lần. Cái hạt vô cùng nhỏ mà đã hút bao nhiêu tâm lực của Châu! Cái hạt vô cùng nhỏ mà được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: y học (thuốc), thực phẩm, công nghiệp, chẳng hạn, hạt nano vàng được nghiên cứu sử dụng để trị bệnh ung thư, hạt nano bạc có tính sát khuẩn được áp dụng cho các sản phẩm cần được khử mùi.

Châu đã làm tiến sĩ tại Trường Université Paris Diderot với đề tài nghiên cứu về tính chất hoá học của hạt nano bằng kính hiển vi toàn ảnh (holographic microscopy). Tại đây, Châu đã thiết kế một hệ quang học có thể giúp theo dõi và đo phổ của hạt nano theo thời gian thực. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, Châu tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Quang học Aquitaine với đề tài khá gần với đề tài tiến sĩ, cũng nghiên cứu tính chất của hạt nano nhưng bằng một phương pháp quang học khác là sử dụng kính hiển vi mảng pha (phase microscopy). Bên cạnh việc chụp ảnh hạt nano bằng cường độ ánh sáng, kính hiển vi có thể chụp ảnh hạt nano dựa trên sự thay đổi pha ánh sáng, nói cách khác là đo sự chậm đi của ánh sáng khi đi qua hạt nano. Từ đó, Châu nghĩ đề tài của em mở ra ý tưởng nghiên cứu tính chất của hạt nano đầy đủ hơn.  

Do chưa có điều kiện vượt hàng ngàn cây số và hàng chục giờ bay để gặp nhau được, tôi gọi cho Châu qua mạng xã hội để hỏi Châu về triển vọng đề tài nghiên cứu của Châu. Cách nhau rất xa nhưng tôi đọc được niềm tự tin trong giọng nói của Châu:

- Với đề tài của em, hy vọng có thể có một sản phẩm ứng dụng được trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như ngành sản xuất hạt nano: có thể dùng để định lượng hạt nano sau khi sản xuất; hoặc về môi trường: đo đạc được nồng độ, kích thước các hạt vi nhựa trong môi trường nước, hạt vi nhựa trong môi trường nước là một vấn đề có thể nổi cộm trong tương lai gần; hoặc liên quan đến virus học. Về cơ bản, virus cũng là một dạng hạt nano. Hy vọng có thể phát hiện và sàng lọc virus nhanh, ít tốn kém, nhưng để đi đến một sản phẩm thực sự thì cần tương đối nhiều thời gian.

Nghe Châu nói tôi thầm mong nếu được vậy, nhân loại khi gặp những đại dịch kiểu như Covid-19 sẽ phát hiện virus nhanh hơn, khỏi phải mất công, tốn tiền chi phí cho sinh phẩm xét nghiệm, kít tét… Mà ai dám bảo sau đại dịch Covid-19, thế giới trong tương lai không còn thứ dịch bệnh nào nữa? Nghĩ thế, trong lòng tôi muốn Châu ở lại Pháp một thời gian nữa để theo đuổi đề tài mình nghiên cứu, chứ về Việt Nam thì chưa có điều kiện cho Châu nghiên cứu loại đề tài như vậy. Tôi hỏi Châu thời gian tới có về Việt Nam hay ở lại Pháp một thời gian. Châu trả lời rằng cũng chưa biết được. Tôi bèn hỏi mà như thể dò trúng nội tâm Châu:

- Nếu theo đuổi việc phát triển sản phẩm ứng dụng, em phải ở Pháp một thời gian nữa để nghiên cứu và đưa kết quả nghiên cứu đó vào đời sống?

- Vâng ạ! - Châu đáp như một niềm bày tỏ.

- Em có nghe nói đến nhà triết học Trần Đức Thảo chứ? - Tôi bỗng hỏi Châu một câu ngỡ như không ăn nhập gì với cuộc chuyện trò và với chuyên môn của Châu.

- Dạ, em có nghe danh ông này - Châu vui vẻ nói, không chút ngạc nhiên.  

- Trần Đức Thảo là một nhà triết học người Việt nổi tiếng trên thế giới. Ông từng học và nghiên cứu triết học ở Pháp. Chính nhờ ở Pháp mà ông có điều kiện nghiên cứu cái món học “cao siêu” này - Tôi dẫn dắt điều mình nói theo kiểu “lung khởi” để ngầm ý khuyên Châu nên ở Pháp một thời gian nữa, mặt khác, cũng để gợi thêm niềm tự hào về người Việt ở trong Châu - Trần Đức Thảo đã từng tranh luận với Jean Paul Sartre, nhà triết học hiện sinh Pháp lừng danh và Trần Đức Thảo đã thắng Jean Paul Sartre đó.  

Dù cách xa nhau vạn dặm, tôi vẫn như nghe trong gió có niềm hứng khởi của Châu. Chợt nghĩ, các em Trang, Châu đã là “công dân toàn cầu”, em Nhật đã học được tri thức trong “túi khôn” nước ngoài, các em dù ở bất kỳ đâu, trong nước hay nước ngoài, dù không ở Quảng Trị vẫn giúp đỡ cho Quảng Trị được, miễn là có tấm lòng vì quê hương.

Người làm nghề giáo cũng giống như nhà nông, người cày ruộng chữ, người cày ruộng đồng, chăm bẵm vun trồng để cho đời những hạt mẩy mùa vàng. Hạt mẩy, tức là hạt có “tính trội”, hạt chắc, hạt đẹp, hạt vàng lấp lánh, giỏi thích ứng, chống chọi, vươn lên, biết vì đời và tận hiến cho đời. Hạt Nhật, hạt Trang, hạt Châu… là những hạt quý ấy. “Triết lý giáo dục” Quảng Trị mà ông Trương Sĩ Tiến từng nói đến được thực hiện với những giải pháp đột phá, sáng tạo đã dâng cho quê hương bao mùa vàng hạt mẩy như vậy.

Nguyễn Hoàn

Nguồn

Trang Thời Sự




Đó đây


2024-04-25 - Phóng Sự: Thiếu Tướng Hoàng Kiền -Ahllvtnd Nói Chuyện Thời Sự Về Đường Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh -

2024-04-25 - CHẾ ĐỘ TAY SAI - BÀI VIẾT CỦA TIẾN SỸ MỸ T.P.WINKINSON -

2024-04-20 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Nhóm Việt Nam vinh danh các liệt sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam - Chủ nhật ngày 17/3/2024, 1 nhóm Việt Nam đến viếng mộ 5.099 quân nhân Hàn chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Dòng chữ trên một tấm có nội dung: “Bởi vì các chiến sĩ của các bạn yên nghỉ ở đây, đất nước chúng ta đứng vững với niềm tự hào.” Thật là không biết nhục!!

2024-04-19 - Israel Tấn Công Trả Đũa Iran -

2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>