●   Bản rời    

Khát Vọng Giải Phóng “Những Người Cùng Khổ” - Nét Lớn Trong Sự Gặp Gỡ Giữa Tư Tưởng Hồ Chí Minh Và Tư Tưởng Phật Giáo

Khát Vọng Giải Phóng “Những Người Cùng Khổ” - Nét Lớn Trong Sự Gặp Gỡ Giữa Tư Tưởng Hồ Chí Minh Và Tư Tưởng Phật Giáo

GS Lê Cung

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung17.php

15-Nov-2021

Một vấn đề cần bàn đến, đó là Cụ Hồ Chí Minh có bắt gặp với tư tưởng Phật giáo trong phương pháp đấu tranh cho một xã hội công bằng, không có áp bức, không có người bóc lột người; một xã hội mà trong đó mọi quyền của con người phải được tôn trọng.

Phật giáo truyền vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu sau Tây lịch và nhanh chóng bắt rễ sâu rộng trong quần chúng. Điều quan trọng nhất là ngay từ đầu, Phật giáo Việt Nam tạo được truyền thống “đồng hành cùng dân tộc”. Tiêu biểu nhất là Lý Bí, sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Lương, năm 544 lên ngôi hiệu là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đã dựng chùa lớn, đặt tên là Khai Quốc. Đây “là một sự khẳng định minh bạch, một sự dứt khoát, một sự tuyên dương công trạng rõ ràng: Phật giáo đã có công lớn trong việc khai sinh ra một nước độc lập (Khai Quốc), Phật giáo là chủ đạo văn hóa - chính trị của chính quyền mới, Phật giáo là quốc giáo của triều đại. Không những thế đây còn là một bản tuyên ngôn độc lập hùng hồn, độc lập chính trị cũng như độc lập văn hóa, đối với đế quốc phương Bắc”(1) .

Chùa Khai Quốc.
Nay là chùa Trấn Quốc ở Hồ Tây, Hà Nội.

Chỉ riêng công án của Lý Nam Đế đối với Phật giáo, nghĩa là sự “đồng hành cùng dân tộc” đã có từ ngay buổi đầu Phật giáo du nhập Việt Nam, giúp chúng ta hiểu vì sao tư tưởng Hồ Chí Minh đã những nét lớn trong sự gặp gỡ với tư tưởng Phật giáo: Khát vọng giải phóng “NHỮNG NGƯỜI CÙNG KHỔ”. Theo GS. Trần Văn Giàu: “Nguyễn (tức Hồ Chí Minh - TG chú thích) từng học ở đất thần kinh. Không khí tư tưởng Lam Hồng là không khí thuần Nho. Không khí tư tưởng thần kinh là không khí Nho Phật. Huế, nhiều chùa lớn, kinh luận đủ, sư tăng giỏi. Tư tưởng thiền chủ yếu là vị tha, cứu khổ”(2) . Nhà nghiên cứu Phật học, GS. Minh Chi cho biết sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm chùa Bà Đá (Hà Nội) vào dịp Đại lễ Phật đản 1946, “sau khi dùng cơm trưa với Hoà thượng Trụ trì, Bác (Chủ tịch Hồ Chí Minh - TG chú thích) đến trước Chánh điện niệm hương, và nói lên rất rõ câu khấn như sau: ‘Trên thì có ông Phật, dưới có ông dân, Hồ Chí Minh này thề không bao giờ bán nước!’, ...”.

Phải chăng, Bác biết rất rõ Phật tử Việt Nam suốt hơn 19 thế kỷ tồn tại trên đất nước Việt Nam, bao giờ cũng sát cánh với dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm quyền lợi của mình. Phải chăng gen Phật giáo hiện hữu trong Bác? Tôi nghĩ rằng Bác phải có gen đạo Phật ở trong mình, cho nên mới có những cử chỉ như vậy, lời nói như vậy”(3) .

*

*     *

Với Phật giáo, tư tưởng chủ yếu là đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn. Với Hồ Chí Minh, tư tưởng chủ yếu là cứu dân, cứu nước, cứu những người cùng khổ. Ngôn từ diễn đạt có khác nhau, nhưng chỉ là một. Đó chính là nét lớn nhất trong sự gặp gỡ giữa hai dòng tư tưởng lớn, mặc dầu cách xa nhau về thời gian và không gian.

Mang khát vọng giải phóng nhân quần ra khỏi cảnh “Tứ khổ” (sanh, lão, bệnh, tử), Thái tử Siddhatta Gautama (Tất Đạt Đa) đã bỏ lại sau lưng cảnh vương giả, ngôi báu, xuất gia tu đạo, tìm đường giải thoát cho nhân loại: “Ta không muốn sống trong cảnh vương giả trị vì thiên hạ, hưởng cuộc đời sung sướng cao sang trên mồ hôi và nước mắt lê dân. Ta không muốn sống trong xã hội bất công mà ta đã chứng kiến. Ta quyết định ra đi, dù phải xông pha trên gió bụi lao lung, ta cố tìm ra mối đạo giải thoát cho nhân loại muôn loài”(4) .

Cùng cách nhìn trên đây của Đức Thích Ca Mâu Ni, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bỏ quê hương, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy, bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm con đường cứu nước, cứu dân. “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”(5) . Ngay giữa thủ đô Paris, trong sự bủa vây của mật thám Pháp, Nguyễn Ái Quốc vẫn không hề nao núng ý chí về lý tưởng cứu nước, cứu dân của mình: “Tôi thích làm chính trị thì tôi chẳng sợ chết, cũng chẳng sợ tù đày. Trong đời này chúng ta thì chết có một lần, tại sao lại sợ”(6) .

Cách đây gần ba ngàn năm, xã hội cổ đại Ấn Độ đầy dẫy những áp bức, bất công do chế độ đẳng cấp gây ra, Đức Thích Ca Mâu Ni nêu lên lý thuyết cao đẹp: Lý thuyết bình đẳng giữa con người với con người: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ như nhau, không có giai cấp trong giọt nước mắt cùng mặn. Mỗi người khi mới sanh không phải có dấu ti-ca (tilka) trên trán, không đeo sẵn dây chuyền trong cổ”(7) . Với Hồ Chí Minh thì “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng,... Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(8) .

Phật giáo chủ trương: “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”. Với Phật giáo, con người là cao hơn tất cả: “Nhân thị tối thắng”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục lợi ích cho nhân dân”(9) . Đức Thích Ca Mâu Ni dạy cho các đệ tử của mình: “Này các Tỳ kheo! Hãy tu hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người” (Tương ưng Bộ kinh); “Này các Tỳ kheo! Xưa và nay ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ” (Trung Bộ kinh). Đối với Phật giáo, các vị Bồ tát xem nỗi đau khổ của chúng sinh là nỗi đau khổ của mình, bao giờ nỗi đau khổ của chúng sinh chưa dứt thì thề chưa thành Phật. Bồ tát Địa Tạng thệ nguyện:

Chúng sinh độ tận phương chứng Bồ Đề,

Địa ngục vị không thế bất thành Phật.

(Chúng sinh độ hết mới chứng Bồ Đề,

Địa ngục nếu còn thề không thành Phật).

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “suốt đời, tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(10) . Khi những ước muốn này chưa đạt được thì Người “ăn không ngon, ngũ không yên”.

Đối với Phật giáo, sự nỗ lực diệt khổ và giải thoát là của mỗi chúng sinh. Nói cụ thể, trong tư tưởng Phật giáo, vấn đề nhân bản coi là cốt tử.  Đức Thích Ca Mâu Ni dạy:

“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, hoặc “Ngón tay Ta chỉ mặt trăng, chớ lầm ngón tay và mặt trăng”.

Với Hồ Chí Minh,  con người được đặt lên hàng đầu. Ngay từ số 1 báo “Le Paria” đầu những năm 20 của thế kỷ trước, Hồ Chí Minh (lúc đó là Nguyễn Ái Quốc - TG chú thích) “đã nói đến con người, giải phóng con người, giành lại nhân phẩm cho các dân tộc”(11) , đến tác phẩm Đường Kách Mệnh (1927), Hồ Chí Minh viết: “Công nông là gốc cách mệnh”(12) , sau cùng là Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên dặn dò các nhiệm vụ phải làm tròn. “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Nhân bản Hồ Chí Minh nói theo Phật giáo là sự “kết tinh bằng từ bi, trí huệ , dũng mãnh, hướng dẫn chúng sinh đạt tới mục đích Giác ngộ và Giải thoát, chuyển cõi Sa bà này thành cõi Tịnh độ, và cuộc đời cơ cực này thành nếp sống Cực lạc”(13) . Đúng như Burchett nhận xét: “Nói một người mà cả một cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng trong nhân dân thì không có ai ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh”(14) . Theo Montaron: “Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn của những người yếu hèn lao khổ, của các dân tộc bị chà đạp, giải thoát chính bằng ý thức lực lượng của mình; nó lớn, rất lớn là vì vậy,...”(15) .

Một vấn đề cần bàn đến, đó là Hồ Chí Minh có bắt gặp với tư tưởng Phật giáo trong phương pháp đấu tranh cho một xã hội công bằng, không có áp bức, không có người bóc lột người; một xã hội mà trong đó mọi quyền của con người phải được tôn trọng. Với Phật giáo, bất bạo động là phương pháp chủ yếu để đấu tranh với những thế lực vô minh giành quyền bình đẳng, quyền tự do. Kinh điển Phật giáo đã chứa đựng phương pháp này không ít. Xin dẫn ra đây câu chuyện một vị cao tăng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về phương pháp bất bạo động của Phật giáo:

“Một hôm, nhà hiền triết đi ngang qua cánh đồng, gặp một lũ chăn bò. Chúng bảo nhà hiền triết rằng: Thưa Ngài, hãy dừng bước vì cách đây không xa có một con rắn hổ mang đã từng cắn chết nhiều bò của chúng con. Mặc dầu được nghe lời cáo giác ấy, nhà hiền triết vẫn tiếp tục con đường đi của mình. Và quả nhiên, ông đã gặp rắn hổ mang giương đầu lên chực sẵn để cắn ông ta. Nhưng khi nhìn thấy cặp mắt tràn đầy từ bi của nhà hiến triết, rắn hổ mang cúi rạp đầu xuống như tuồng vị đạo sĩ có một quyền lực nào đó tiêu trừ được nọc đọc của rắn. Nhà hiền triết nói: Này ngươi hãy nghe đây: Ta sẽ chỉ cho người biết từ bi và đạo đức của ta là gì? Không nên cắn một sinh vật nào, tinh thần nhà ngươi sẽ nhờ đó mà được giải thoát,...

Từ đó rắn kia trở nên hiền lành và không bao giờ cắn ai nữa. Biết thế, trẻ em chăn bò mon men đến liệng đá vào rắn, ban đầu thì rụt rè, nhưng cuối cùng thì dày vò đuôi rắn và cầm đầu rắn đập xuống đất mà chơi. Lũ trẻ dày xéo rắn như vậy cho đến một hôm rắn không đủ sức chịu đựng, chết ngất ngư lâu lắm mới gượng sống lại được. Từ đây rắn sợ quá không dám đi kiếm ăn ban ngày mà chỉ thập thò trong đêm tối thôi. Vì vậy, nó gầy gò ốm yếu dần.

Rồi một hôm nhà hiền triết xuất hiện trở lại, ngạc nhiên không nghe lũ chăn bò ta thán với ông ta về tai nạn của rắn hổ mang như xưa. Ông nghĩ thầm rằng rắn đã nghe bài học của mình có hiệu quả. Ông đi kiếm mãi không thấy rắn đâu bèn lên tiếng gọi nó, lâu lắm mới thấy nó rụt rè ló đầu ra. Ông hỏi: Rắn ơi! Ngươi hãy nói cho ta nghe ngươi đã cố gắng như thế nào để cải thiện lòng ngươi. Rắn trả lời: Nhờ giáo pháp của Ngài, con sắp đạt đến con đường thánh thiện. Con không còn cắn ai nữa. Nhưng tại sao ngươi trở nên gầy ốm và tiều tuỵ như vây?

Nhờ giáo pháp của Ngài, con đã âm thầm chịu đựng và không hề phản ứng chống lại hành động độc ác của lũ chăn bò.

Rắn ơi! Thật không gì dại dột hơn là đưa thân cho bạo tàn dày xéo,... Ta dạy người không nên lấy oán báo oán nhưng ngươi phải biết bảo vệ lấy mình chống lại mọi bạo tàn(16) .

“Không nên lấy oán báo oán nhưng phải biết tự bảo vệ lấy mình chống lại mọi bạo tàn. Đó là chân ý nghĩa của lý thuyết bất bạo động của Phật giáo”(17) .

Ngày 19-12-1946, tại chùa Trầm, Hà Nội; Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”(18) : “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(19) .

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” cho thấy “không nên lấy oán báo oán nhưng phải biết tự bảo vệ lấy mình chống lại mọi bạo tàn”. Lời Phật dạy “Kẻ nào đáng trừng phạt thì phải được trừng phạt. Như Lai không dạy rằng những người tham chiến là đáng trách sau khi đã hết mọi phương tiện duy trì hoà bình”(20) . Vì vậy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng chỉ là một việc làm “bất đắc dĩ”.

TOUR DU LỊCH LỄ HỘI CHÙA TRĂM GIAN - CHÙA VÔ VI - CHÙA TRẦM

Chùa Trầm, Chương Mỹ, Hà Nội

Tại ngôi chùa này, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

Nhìn lại thời điểm trước lúc hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ chính sách hoà bình trong cách giải quyết những mâu thuẫn giữa Chính phủ Việt Nam với Pháp, rồi với Mỹ. Nhưng ỷ vào “súng đồng và đại bác”, cả Pháp và Mỹ vẫn muốn “nuốt” trọn nước ta. Và như vậy, kháng chiến tất yếu phải diễn ra. Từ bi lúc này phải được hiểu đồng nghĩa với kháng chiến chống xâm lăng. Từ bi và kháng chiến thống nhất trong sự vận động, phát triển đi lên của lịch sử.

Người Phật tử Việt Nam nhận thức sâu sắc về ý nghĩa từ bi và “sát sinh” trong nhà Phật. Từ giữa những năm 20 thế kỷ XX, nhà sư Thiện Chiếu cho viết câu đối ở cổng tam quan chùa Linh Sơn, Sài Gòn:

“Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế.

 Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sanh”(21) .

(Đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế,

 Từ bi lắm lúc phải sát sinh để cứu độ chúng sinh).

Hoặc Hoà thượng Thích Minh Nguyệt(22) , Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, đã có những vần thơ trong Tạp chí Tinh Tấn, số ra đầu tiên:

“...

 Ta đâu nở chỉ mong về tịnh độ,

 Mặc người đời đau khổ khóc lầm than.

...

Ôi pháp mầu thâu hẹp mãnh cà sa,

Chỉ vui sướng sống trong vòng vị kỷ.

Giáo lý Phật không đâu thế nhỉ?

Lúc toàn dân đúng dậy diệt quân thù.

Ta sống riêng kinh kệ để nhàn tu,

Không quản đến đồng bào ai chết chóc ...”(23) .

Vì vậy, cần phải hiểu rằng, với Phật giáo “từ bi với Phật, chứ không từ bi với ma vương”. Do đó, chúng ta không lạ gì trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhiều Tăng Ni và Phật tử nhập thế tham gia các phong trào cứu dân, cứu nước. Chỉ riêng thời cận và hiện đại, có thể kể như nhà sư Vương Quốc Chính, Võ Trứ cuối thế kỷ XIX; Phật tử Nguyễn Hữu Trí đầu thế kỷ XX. Ngày 3-2-1930, phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam chuyển sang vận hội mới, số cao tăng và Phật tử đã tham gia tích cực trong kháng chiến cứu nước. Khi Mặt trận Việt Minh thành lập (19-5-1941), nhiều chùa đã nuôi dưỡng và che dấu cho cán bộ Việt Minh; một số tăng sĩ đã trở thành cán bộ Việt Minh(24) . Khi Cách mạng tháng Tám 1945 mới bắt đầu, Tạp chí Đuốc Tuệ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, số 257-258, ngày 15-8-1945 ra lời kêu gọi:

“Tăng Ni các hạt mau mau lập đoàn thể Tăng già Cứu Quốc, theo mục đích mà tham gia vào cuộc cách mạng hiện thời”, “Ủng hộ chính quyền nhân dân!”, “Mau mau gia nhập đội Quân Giải phóng Việt Nam!”, “Chống mọi cuộc xâm lăng!”, “Việt Nam độc lập hoàn toàn!”(25) , ...

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đất nước “ngàn cân treo đầu sợi tóc”. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, bằng việc đánh chiếm Sài Gòn. Nhiều nhà sư “đã tình nguyện lên đường xung phong Nam tiến”(26) . Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Hội Phật giáo Cứu quốc Bắc Bộ kêu gọi Tăng Ni và Phật tử: “Cương quyết xếp áo cà sa mặc chiến bào cùng toàn thể quốc dân không phân biệt tôn giáo phải chờ mệnh lệnh của Chính phủ dân chủ cộng hòa, để giữ vững chủ quyền Việt Nam, thề chết không mất một tấc đất nào cho Pháp”(27) .  

Hội khẳng định:“Diệt xâm lăng, mà Phật tử vẫn có thể theo chủ nghĩa từ bi cứu thế, về việc diệt xâm lăng vào địa ngục là việc duy nhất của người từ bi cứu thế phải làm, nay anh chị em chúng ta chẳng làm thì ai làm,…Ủng hộ kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ. Việt Nam độc lập muôn năm”(28) .

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), thanh niên tăng dấy phong trào “cởi áo cà sa mặc chiến bào”, nổi bật là tại chùa Cổ Lễ (Nam Định), ngày 27-2-1947, Hội Phật giáo Cứu Quốc tỉnh đã tổ chức lễ phát nguyện cho 27 nhà sư trẻ (trong đó có 2 ni cô), cởi áo cà sa ra trận. Đúng là:

“Cởi áo cà sa khoác chiến bào,

Việc quân đâu có quản gian lao.

Gậy thiền quét sạch quân xâm lược,

Theo gót Trưng Vương tỏ nữa hào”(29)

......

Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), khi ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách “giáo trị”, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Ngày 11-6-1963, Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính sách bất công gian ác của chính quyền Ngô Đình Diệm. “Cuộc hy sinh phi thường và dũng cảm của Hoà thượng Thích Quảng Đức,... Ảnh vị Hoà thượng Việt Nam Thích Quảng Đức ngồi trong ngọn lửa được đăng trên hầu hết các báo năm châu, với những dòng chữ nói lên sự khâm phục”(30) . Theo Trần Bạch Đằng thì đây là “một kỳ công không dễ gì có được, là hun đúc của lịch sử, là tinh hoa của Phật giáo với tầm cỡ thế giới”(31) . Được tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cảm động trước sự hy sinh cao cả của Hoà thượng Thích Quảng Đức và câu đối kính viếng:

Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt,

Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”.

(Vị pháp thiêu thân, muôn thuở hùng huy trời nhật nguyệt.

Lưu danh bất tử, trăm năm, chính khí địa sơn hà”(32) .

Hoà thượng Thích Đôn Hậu rất có lý khi cho rằng: “Sự hiểu biết của Người rất uyên bác, không những Người nắm chắc lịch sử yêu nước của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ, mà Người còn theo dõi rất cụ thể những hoạt động yêu nước của Phật giáo nước ta hiện nay”(33).

Đó là chân ý nghĩa của tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Hồ Chí Minh.

*

*    *

Những trình bày và lý giải về “khát vọng giải phóng ‘những người  cùng khổ’ - nét lớn trong sự gặp gỡ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Phật giáo” giúp chúng ta hiểu rõ hơn vì sao tăng ni, Phật tử Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến đã đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và ngày nay đang chung lưng đấu cật cùng toàn dân xây đất nước Việt Nam  thân yêu ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Hôm qua và hôm nay, chắc chắn rằng cả trong tương lai, dù cho “khế lý khế cơ” có đổi thay, song điều khẳng định là chúng ta và những thế hệ tiếp theo, vẫn tiếp tục nghiên cứu hai dòng tư tưởng: Tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì Hồ Chí Minh là con người hiện thân của quá khứ, hiện tại và cả tương lai; cả dân tộc và quốc tế; vì giữa tư tương Phật giáo và tư tưởng Hồ Chí Minh có những nét lớn gặp nhau cần thiết cho sự nghiệp xây dựng một xã hội yên vui và no ấm, hoà bình và an lạc.

Điều quan trọng, chúng ta không chỉ dừng lại ở chỗ nhận thức đúng về nhiều mặt, nhiều luận điểm của hai dòng tư tưởng nói trên, mà còn ở chỗ những gì nhận thức được (dù là ít) phải đưa nó vào hiện thực cuộc sống, phải xem hai dòng tư tưởng nói trên  như là một “pháp lệnh” cho hành động của mỗi chúng ta. Chính đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng.

 _____________

Chú thích:

(1) Lý Khôi Việt, Phật giáo và Quốc đạo Việt Nam, Viện tư tưởng Việt Phật xuất bản, CA, USA, (Không ghi năm xuất  bản), tr. 18-19.

(2) Trần Văn Giàu, Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh: Đặc điểm và cội nguồn, trong Sáng ngời Hồ Chí Minh những bài viết tâm đắc, Nxb. Công an Nhân dân, 2005, tr. 314. 

(3) Minh Chi, Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phật giáo Việt Nam, trong “Hồ Chí Minh - Chân dưng và Di sản”, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2017,  tr. 147-148.

(4) Thích Diệu Niệm, Tư tưởng Hồ Chí Minh sự gần gũi với tư tưởng Phật giáo, trong Nội san Nghiên cứu Phật học, số 1, Hà Nội, 1991, tr. 33.

(5) Trần Dân Tiên, Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 11.

(6) Nguyễn Phan Quang, Thêm một số tư liệu về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp 1917 - 1923, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 47.

(7) Võ Đình Cường, Ánh Đạo vàng, Phật học viện Quốc tế xuất bản, CA, USA, 1987, tr. 92-93.

(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4 (1945 - 1947), Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr. 1.

(9) Hồ Chí Minh, Phát huy tinh thần cầu học, cầu tiến, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1960, tr. 62-63.

(10) Hồ Chí Minh Toàn tập dã dẫn, tr. 100.

(11) Trần Văn Giàu, Sđd., tr. 348.

(12) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr. 187.

(13) Thích Đức Nghiệp, Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, trong Đạo Phật Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 318.

(14) Trần Văn Giàu, Sđd., tr. 347. 

(15) Trần Văn Giàu, tr. 346.

(16) Nguyễn Thái, Bất bạo động theo quan điểm của Phật giáo, Báo Informations Catholiques Intermationales, Paris, số 195, ngày 1-7-1963.

(17) Lê Cung, Bất bạo động từ lý thuyết đến hiện thực, Tuần san Giác Ngộ, số 77, ngày 1-3-1994, tr. 10.

(18) Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tại chùa Trầm (Hà Tây, nay là Hà Nội).

(19) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4 (1945 - 1947), Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr. 202.

(20) S. Radhakrishman, Chiến tranh và hoà bình, Nxb. Hoa Muôn Phương, Sài Gòn, 1970, tr. 53.

(21) Khi Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập năm 1931, lấy chùa Linh Sơn (Sài Gòn) làm trụ sở; đánh dấu sự khởi đầu phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong những năm 30 và 40 của thế kỷ XX.

(22) Bài thơ được ký Thích Tam Không, bút hiệu của Hoà thượng Thích Minh Nguyệt.

(23) Thích Huệ Thông, Phật giáo Tiền Giang lược sử và những ngôi chùa, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 82.

(24) Xem thêm Lê Cung (Chủ biên), Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam (1945 - 1975), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.

(25) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994, tr. 206-207.

(26) Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920 - 1953), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr. 241.

(27) Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hà Nội, 2008, tr. 274.

(28) Báo Cứu Quốc, ngày 10-1-1946.

(29) Lê Tâm Đắc, Đóng góp của Phật giáo miền Bắc với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nghiên cứu Tôn giáo, số 6, 2008.

(30) Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, tập II, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1966,  tr. 342.

(31) Trần Bạch Đằng, Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Hà Nội, 1980, tr. 22-23.

(32) Phạm Hoài Nam, Bồ tát Thích Quảng Đức ngọn đuốc xã thân  vì Đạo pháp và Tổ quốc, Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 30-5-2005.

(33) Thành uỷ Huế, Bác Hồ trong lòng dân Huế, Huế, 1990, tr. 35.