●   Bản rời    

Cuộc Tự Thiêu Vì Hoà Bình Của Đại Đức Thích Viên Đạo Ngày 17-10-1973

CUỘC TỰ THIÊU VÌ HOÀ BÌNH CỦA
ĐẠI ĐỨC THÍCH VIÊN ĐẠO NGÀY 17-10-1973

GS Lê Cung

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung13.php

06-Jul-2021

Sự góp sức của Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang để Dân tộc  đạt được mục tiêu tối hậu: ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC, góp phần chứng minh một cách sinh động chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”

Trong ba ngày 19, 20, 21 tháng 9 năm Quý Sửu (tức ngày 14, 15, 16 tháng 10-1973), Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang tổ chức Đại Giới đàn Phước Huệ. Đây là Đại Giới đàn lần thứ ba do Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang tổ chức. Điều đặc biệt là vào ngày 22 tháng 9 Quý Sửu, tức ngày 17-10-1973, thời điểm Đại Giới đàn bế mạc, trong lúc toàn thể Giới tử và Ban Kiến Đàn đang thiết lễ tạ Thập sư, thì ngọn lửa vì Hoà Bình Việt Nam của Sa-di Thích Viên Đạo, một giới tử của Đại Giới đàn Phước Huệ, bốc cháy trên đồi Trại Thuỷ, trước Kim Thân Phật Tổ.

Trước lúc tự thiêu, Sa di Thích Viên Đạo để lại 6 bức thư; một gởi Chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức trong Đại Giới đàn Phước Huệ; một gởi đồng bào; một gởi Bổn sư; một để lại cho Má; một để lại mấy em; một gởi các anh chiến sĩ ở hai miền đất nước; trong đó nói rõ đại nguyện của mình là tự thiêu để cầu nguyện Hoà Bình Việt Nam và các nước trên thế giới; đồng thời phát nguyện cúng dường cho Đại Giới đàn Phước Huệ. Đại nguyện này, Sa-di Thích Viên Đạo  khẳng định rất cụ thể trong 6 bức thư để lại. Thư gởi Chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức trong Đại Giới đàn Phước Huệ, Sa-di Thích Viên Đạo viết:

“Đệ tử là Lê Ái Minh, pháp danh Tâm Thành, Pháp tự Viên Đạo, sinh ngày 10-4-1953 tại Hải Phòng, đã thọ Sa-di giới tại Đại Giới Đàn Phước Huệ do Ngài Hoà thượng Thích Trí Thủ làm chủ đàn. Trong ngày tấn đàn Sa-di giới, đứng trước ngôi Tam Bảo, trước sự chứng minh của quý tam sư thất chúng vì nghĩ đến hiện tình đất nước đang còn chịu nhiều khổ đau do chiến tranh gây ra không chỉ ở Việt Nam của chúng ta mà còn lan rộng ra các nước khác nữa. Đáng lý ra Hoà Bình có thể vãn hồi rồi, nhưng có một số người muốn nuôi dưỡng chiến tranh để tư lợi riêng cho nên những trận ác chiến cứ tiếp tục diễn ra không bao giờ ngừng cả. Vì muốn đốt tan ý nghĩ tham vọng của số người đó nên con đã âm thầm phát nguyện thiêu thân nhân ngày bế mạc Đại Giới đàn Phước Huệ”(1) .

Thật cao cả biết bao khi trong Thư gởi đồng bào, Thích Viên Đạo viết: “Nay tôi tu sĩ Thích Viên Đạo, tục danh Lê Ái Minh, vì thấy cảnh khổ của đồng bào phải chịu do chiến tranh gây ra nên đã âm thầm phát nguyện thiêu thân để cầu nguyện Hoà Bình cho Đất Nước chúng ta và cho toàn thể thế giới. Chỉ mong đồng bào sớm được an lạc”(2)

Với ý nghĩa đó, Đại Giới Đàn Phước Huệ cũng được gọi là Đại giới đàn Cầu Nguyện Hoà Bình. Điều này giải thích tại sao Đại Giới Đàn Phước Huệ phải kéo dài thêm thời gian. Hoà thượng Thích Trí Thủ(3) , vừa là Giám viện Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, vừa là Chánh Chủ đàn khẳng định: “Theo đúng chương trình, Đại Giới Đàn Phước Huệ bế mạc lúc 6 giờ chiều ngày 16 tháng 10 năm 1973 ... Nhưng gặp hoàn cảnh khác thường, thì cách hành sự cũng phải khác thường. Hoàn cảnh khác thường ở đây là vụ Sa-di Viên Đạo, một giới tử của Đại Giới Đàn, tự thiêu vào lúc 6 giờ 45 phút ngày 17-10 dưới chân Kin thân Phật Tổ tại Nha Trang.

Cách hành sự khác thường ở đây là việc chúng tôi tự động kéo dài Đại Giới  Đàn chứ không để nó kết thúc như đáng ra nó phải được kết thúc. Trách nhiệm tinh thần của người đứng ra tổ chức Giới đàn buộc chúng tôi phải làm cái việc tự động đó. Bởi chúng tôi tin rằng nếu chưa có Đại Giới Đàn Phước Huệ do chúng tôi mở ra, nghĩa là nếu như chú Viên Đạo chưa có dịp thọ giới để thực sự bắt đầu bước vào đời sống tu hành của người xuất gia, chắc chú chưa thực hiện, hoặc cũng có thể là chưa phát Đại nguyện của mình. Điều đó có thể thấy trong lời thư chú để lại cho Má; điều đó cũng có thể thấy trong lời thư chú gởi cho các vị trong Đại Giới đàn Phước Huệ. Như thế là chú gắn chặt vĩnh viễn giờ phút cuối cùng của đời mình vào Đại Giới Đàn. Mà Đại Giới Đàn Phước Huệ là giới đàn đầu tiên được tổ chức sau Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27-1-1973 tại Paris. Cho nên, trong ý nghĩa này, cũng có thể gọi Đại Giới Đàn này là Đại Giới Đàn Cầu Nguyện Hoà Bình”(4)

Sa-di Thích Viên Đạo ra đi lúc tuổi còn đôi mươi, độ tuổi tràn đầy sức sống với bao ước mơ, nhưng “Anh đã  khước từ nó để ra đi với một hành trang thật giản đơn nhưng vô cùng vĩ đại là tinh thần từ bi và vô uý của người con Phật”(5) . Ca ngợi sự hy sinh cao cả của Sa-di Thích Viên Đạo, Thượng toạ Thích Đổng Minh đã cảm tác bài thơ tứ tuyệt:

“Viên Đạo Tâm Thành” thọ giới xong,
 Đem thân làm đuốc với cầu mong:
Hoà Bình thật sự cho Dân Tộc, 
Thoát kiếp như “Minh”
(6) đẹp núi sông(7) .

Với sự hy sinh cao cả, Sa di Thích Viên Đạo, một giới tử của Đại Giới Đàn Phước Huệ do Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang tổ chức, “đã tiếp tục đốt lên ngọn đuốc soi sáng cho con đường tìm về thanh bình, an lạc cho dân tộc của chúng ta nói riêng, và cho các nước trên khắp năm châu, nếu còn lâm chiến. Trong ý hướng ấy, Cố Sa di Thích Viên Đạo chỉ cầu mong sao cho Đại nguyện của mình được thập phần viên mãn. Thật là một đại nguyện vô cùng lớn lao” (8) .                               Ngày 30-10-1973, Viện Hoá Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra Thông tư số 0112/VHĐ/VP/TT chỉ thị cho các giáo hội địa phương cử hành lễ cầu siêu cho Cố Đại đức Thích Viên Đạo và để cầu nguyện cho Hoà Bình Việt Nam. Tại chùa chùa Long Sơn (chùa Tỉnh hội Khánh Hoà), lúc 20 giờ 30 ngày 9-11-1973 tức Rằm tháng 10 Quý Sửu, Tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hoà đã cử hành lễ cầu siêu dưới sự chủ lễ của Đại đức Trú Trì chùa Tỉnh hội Thích Chí Tín, Phó Đàn chủ Đại Giới Đàn Phước Huệ với sự tham dự của đông đảo của Tăng Ni, Phật tử Nha Trang và các huyện phụ cận. 

Ngọn lửa Thích Viên Đạo thêm lần nữa tỏ rõ rằng “trãi qua suốt những thăng trầm của lịch sử Dân Tộc và Phật giáo, hễ khi nào Dân Tộc và Đạo Pháp bị tai ương và nhục nhằn của lịch sử, thì khi đó liền có những người con thân yêu của Dân Tộc và Đạo Pháp tự nguyện hiến dâng trọn vẹn đời mình cho sự nghiệp tồn vong của Dân Tộc và Đạo Pháp”(9) , bởi một điều dễ hiểu:

“Cửa từ Bi tựa cửa chiến hào,
Vì tu sĩ cũng là chiến sĩ”
(10) .

Vinh dự thay cho Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang! Thích Viên Đạo là giới tử Đại Giới Đàn Phước Huệ do Phật Học Viện tổ chức! 

Tóm lại, từ khi thành lập (1957) đến 30-4-1975, ngày giang sơn được qui về một mối sau hơn 117 năm bị thực dân, đế quốc thống trị và chia cắt; ngoài sự nghiệp đào tạo Tăng tài, Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang đã chung cùng với nhân dân cả nước đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến đích một cách trọn vẹn. Sự góp sức của Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang để Dân tộc  đạt được mục tiêu tối hậu: ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC, góp phần chứng minh một cách sinh động chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”(11) .


Ảnh giacngo.vn

____________

CHÚ THÍCH:

(1) . Thư của Đại đức Thích Viên Đạo gửi Chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức trong Đại Giới đàn Phước Huệ, trong “Đặc san Đuốc Thiêng Hoà Bình,” Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, 1973, tr. 9.

(2) . Thư gởi Đồng bào, trong “Đặc san Đuốc Thiêng Hoà Bình”, Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, 1973, tr. 10.

(3) . Hoà thượng Thích Trí Thủ sau này là Viện trưởng Viện Hoá Đạo. Sau năm 1975, Hoà thượng giữ chức Chủ tịch Trưởng ban Trị sự Trung ương khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1981.

(4) . Thích Trí Thủ, Duyên Khởi, trong “Đặc san Đuốc Thiêng Hoà Bình”, Phật Học Viện Hải Đức - Nha Trang, 1973, tr. 3.

(5) . Huệ Quảng, Chào mừng người chiến sĩ Hoà Bình Lê Ái Minh, Đặc san Đuốc Thiêng Hoà Bình, Phật Học Viện Hải Đức - Nha Trang, 1973, tr. 23.

(6) . Đại đức Thích Viên Đạo thế danh là Lê Như Minh, Pháp danh: Tâm Thành.

(7) . Thích Đổng Minh, Một cái chết, trong “Đặc san Đuốc Thiêng Hoà Bình”, Phật Học Viện Hải Đức - Nha Trang, 1973, tr.8.

(8) . Tiểu sử của Cố Sa Di Thích Viên Đạo, trong “Đặc san Đuốc Thiêng Hoà Bình”, Phật Học Viện Hải Đức - Nha Trang, 1973, tr. 18.

(9) . Huệ Quảng, Chào mừng người chiến sĩ Hoà Bình ..., đã dẫn, tr. 26.

(10) . DV, Quê hương ta ngời sáng (viết để tưởng niệm Sa-di Thích Viên Đạo tự thiêu cầu nguyện Hoà Bình Dân Tộc, trong “Đặc san Đuốc Thiêng Hoà Bình”, Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, 1973, tr. 19.

(11) . Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (in lần thứ 4), Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2008, tr. 36.

 

 

 

Nguồn: tác giả gửi cho trang SH