●   Bản rời    

Chính Sách Của Mỹ Đối Với Chính Quyền Ngô Đình Diệm và Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963

Chính Sách Của Mỹ Đối Với Chính Quyền Ngô Đình Diệm

Qua Tác Động Của Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Năm 1963

Lê Cung

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung08.php

27-Feb-2021

Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 là một sự kiện lịch sử nổi bật trong phong trào đô thị miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ (1954-1963), góp phần hết sức  quan trọng vào việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và “bước đầu làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo đà cho phong trào cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975” (1). Trên cơ sở khai thác nguồn tài liệu tại các trung tâm lưu trữ quốc gia kết hợp với thành quả nghiên cứu trong và ngoài nước (2), bài viết đi sâu tìm hiểu chính sách của Mỹ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm qua tác động của phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, nhằm góp một phần hiểu vì sao phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 “đã ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam” (3).

Trước hết cần thấy rằng chế độ Ngô Đình Diệm xuất sinh từ yêu cầu của Nhà Trắng nhằm biến Nam Việt Nam trở thành nơi ngăn chặn phong trào cộng sản lan rộng ở khu vực Đông Nam Á. Trong “A Pictorical History of the Vietnam War”, Richard F. Newcomb khẳng định:

“Đối với người Mỹ, Diệm là rất thích hợp. Ông là người Việt Nam thực sự 54 tuổi, chống Pháp, chống Cộng. Với một vài kinh nghiệm trong thời kỳ làm quan thuộc địa, và là một tín đồ Thiên Chúa giáo ...” (4).

Được sự hỗ trợ của Nhà Trắng, từ những ngày đầu nắm chính quyền ở miền Nam, Ngô Đình Diệm đã thực thi một chế độ độc tài gia đình trị, Công giáo trị. Trần Văn Đôn, nhân vật chủ chốt trong cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, khẳng định: “Một trong những khuyết điểm lớn nhất của Diệm trong năm 1956 là việc các viên chức làng xã được bầu cử đã bị chính quyền trung ương thay thế một cách độc đoán bằng những kẻ tay sai được chỉ định” (5).

Cùng quan điểm, trong “The Wars in Vietnam”, Edgar O ’Ballance viết:  “Mỗi làng xã đều có tuyển chọn hội đồng làng. Đây là một hệ thống được tồn tại từ lâu, ngay những người Pháp chẳng dám đụng tới, vì nó là hình thức của sự đoàn kết quốc gia. Nó còn là kiểu mẫu trong truyền thống về hệ thống tổ chức làng xã của Việt Nam còn tồn tại lại. Chính phủ Diệm đã tìm cách phá bỏ hệ thống tổ chức này, và tìm cách chi phối các sinh hoạt ở thôn xã và dùng áp lực trong các cuộc bầu cử ở các làng xã để bắt trực thuộc chính phủ trung ương. Điều này đã làm mất đi quyền tự trị của các làng xã” (6). 

Báo Đường Sống (26-3-1956), một tờ báo thân chính quyền Ngô Đình Diệm, cho biết: “Đã nhiều lần, báo giới Pháp công kích Tổng thống Ngô Đình Diệm lập chính phủ độc tài ở Sài Gòn, lập chế độ độc tài Công giáo dựa vào triệu dân Bắc lánh nạn xuống Nam” (7),... rằng kể “từ khi bắt đầu nắm chính quyền, ông Diệm không bỏ phí một nỗ lực nào nhằm triệt hạ mọi hình thức đối lập, và ông không tin tưởng vào ai ngoài bà con và giáo hội của ông” (8).

Những sử liệu trên góp phần giải thích tại sao chế độ Ngô Đình Diệm vừa vấp phải sự phản kháng ngày càng gay gắt của lực lượng kháng chiến, vừa bị dư luận quốc tế và nhân dân miền Nam lên án, kể cả những người trong chính quyền Ngô Đình Diệm, nhất là từ sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi cuối năm 1959, đầu năm 1960. Ngày 26-4-1960, một nhóm cựu bộ trưởng cùng với một số giới chức các tôn giáo và quân nhân họp tại khách sạn Caravelle (Sài Gòn), ra tuyên ngôn khẳng định chế độ Ngô Đình Diệm đã thực hiện những chính sách phát-xít:

“Những vụ bắt bớ liên tục tiếp diễn làm cho nhà giam và khám đường đầy tận nóc như hiện nay đang xảy ra; dư luận quần chúng và báo chí phải câm lặng. Cũng thế ý dân bị khinh nhục và chà đạp trong những cuộc đầu phiếu ... Tất cả những điều này đã gây ra sự nản chí và bất mãn trong dân chúng” (9); rằng “Tổng thống Diệm độc tài, đã tổ chức các cuộc bầu cử gian lận năm 1956 và 1959, do đó đẻ ra một ‘quốc hội gia nô’, bịt miệng báo chí, bắt bớ và giam cầm bừa bãi. Nhóm này yêu cầu Tổng thống Diệm cải tổ chính phủ và cho các đảng phái tham dự” (10).

Ngày 11-11-1960, cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm do Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Lữ đoàn dù, cầm đầu bất thành, “nhưng cuộc đảo chánh ấy đã đánh một đòn mạnh mẽ vào quyền uy của Mỹ - Diệm, một chế độ mà kẻ thù của nhân dân đinh ninh rằng không một lực lượng nào dưới quyền thống trị của chúng có thể dám động đến” (11). Tiếp theo, ngày 27-2-1962, hai sĩ quan không quân trong quân đội Sài Gòn ném bom Dinh Độc Lập (12). Tới đầu năm 1963, quân và dân miền Nam giành được chiến thắng lớn trong trận Ấp Bắc (2-1-1963), chiến thắng mà giới báo chí Mỹ có mặt tại chỗ xem như là “trận đánh đẫm máu nhất của Nam Việt Nam trong 4 năm Việt Cộng” “một trong những sự thất bại tốn kém nhất và nhục nhã cho quân đội Nam Việt Nam và các cố vấn Mỹ” (13). Chính tay chân của Ngô Đình Diệm cũng phải thừa nhận: “Khỏi phải nói cũng có thể hiểu rằng sau trận Ấp Bắc, Việt Cộng lại càng được thế giới bên ngoài kính nể, và bọn phản chiến khắp thế giới càng có lý do để mạt sát cuộc chiến bất lợi của quân lực Việt Nam Cộng hòa” (14). Ấp Bắc thực sự “gây tiếng vang tai hại lớn tại quốc nội cũng như quốc ngoại và là nguồn gốc gây ra nhiều mâu thuẫn giữa các giới chức Việt cũng như Hoa Kỳ” (15). Mỹ trút đại bại lên đầu Diệm, rằng chính quyền Ngô Đình Diệm không khích lệ được quân đội, không tranh thủ được nông dân.

Ngay sau chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963), báo chí Mỹ đã xôn xao về việc thay Diệm. Tờ New York Times (5-2-1963) nhận định rằng: “Bây giờ mà ‘thay ngựa’ ở miền Nam là một việc làm nguy hiểm, nhưng thà nguy hiểm mà sẽ đem lại những khả năng thành công, còn sợ nguy hiểm thì chắc chắn sẽ thất bại” (16). Tờ Tin tức hàng ngày Washington viết: “Tổng thống Diệm phải hiểu rằng giữa việc cứu vớt chế độ ông ta và việc cứu vớt bản thân ông ta, thì việc sau là thứ yếu” (17). Tuy nhiên, đây chỉ là dư luận của báo chí Mỹ trong ý tưởng “thay ngựa” của Nhà Trắng

Sau Ấp Bắc, những cuộc tấn công của Quân Giải phóng làm tan vỡ từng mảng lớn “ấp chiến lược” ở nông thôn, thực lực và uy thế của chính quyền Ngô Đình Diệm giảm sút rõ rệt. Theo tờ New York Times (15-8-1963), trong báo cáo của tướng Harkin gởi cho Bộ Quốc phòng Mỹ thì “trong 6 tháng đầu năm 1963 này, số tổn thất về người của quân đội chính phủ (Diệm) tăng lên khoảng 33% so với 6 tháng đầu năm ngoái, trong lúc đó thì tổn thất của Việt Cộng lại giảm đi 30%. Số vũ khí của Việt Cộng bị mất giảm xuống 25%” (18).           

Trong tình hình quân sự và chính trị như đã đề cập, phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 bùng nổ ngay khi chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Công điện 9195 (ngày 6-5-1963) với nội dung cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Đại lễ Phật đản 1963 (Phật lịch 2507). Huế là nơi mở đầu phong trào với khí thế cả “phố phường như bừng dậy trong một cuộc động quân. Khắp các đường phố, từ trong thành, Đông Ba, Gia Hội, từng đoàn người lũ lượt kéo qua cầu Trường Tiền. Từ Vĩ Dạ lên, ở trên Ga xuống, phía Kho Rèn, An Cựu về, dân thị xã và vùng phụ cận đổ xô về phía tỉnh đường đông nghịt cả người, đông một cách đáng sợ, như cuồng phong tới, như bão tố lên” (19).

Đêm 8-5-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại Đài phát thanh Huế làm 8 người bị thiệt mạng, trong đó có một thanh nữ 20 tuổi, số còn lại gồm 2 nam và 5 nữ đều ở lứa tuổi thiếu niên; cùng nhiều người bị thương (20). Ngày 10-5-1963, Phật giáo tổ chức meeting tại chùa Từ Đàm (Huế), công bố 5 nguyện vọng (21), đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo. Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6-1963, phong trào Phật giáo lên mạnh ở khắp các thành phố, thị xã miền Nam với những cuộc biểu tình, ‘rước linh’, tuyệt thực,... Nổi bật nhất là cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức vào sáng ngày 11-6-1963 tại Sài Gòn. “Cuộc hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, hình ảnh cụ ngồi thẳng như tượng đá trong ngọn lửa rực hồng đã nhanh như một làn sóng điện làm sôi nổi dư luận trong cả nước Việt Nam và trên thế giới. Ảnh của vị Hòa thượng Viêt Nam Thích Quảng Đức ngồi trong ngọn lửa được đăng trên hầu hết các báo khắp năm châu, với những dòng chữ nói lên sự khâm phục” (22).

Phong trào Phật giáo từng bước phát triển, dội mạnh vào Nhà Trắng. Ngay sau vụ thảm sát tại Đài phát thanh Huế, ngày 23-5-1963, Ben Wood, người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, soạn thảo một kế hoạch khẩn cấp về việc thay Diệm. Sau cuộc tự thiêu của Thích Quảng Đức (11-6-1963), ngày 14-6-1963, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ thị cho Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn xúc tiến kế hoạch thay Diệm (23). Trong một cuộc tiếp xúc với Diệm, Truheart - Đại diện Nhà Trắng đã chỉ ra rằng: “Chính quyền Kennedy không thích rối ren” (24). Dean Rusk, Ngoại trưởng Mỹ, trong một cuộc họp báo ngày 16-6-1963, cho rằng Nhà Trắng “không sung sướng gì trước những sự việc xảy ra ở miền Nam”, rằng Nhà Trắng “rất buồn phiền về những sự chia rẽ đang xảy ra ở miền Nam” (25). Tổng thống Kennedy cho rằng: “Sự đụng chạm giữa Tổng thống Ngô Đình Diệm với Phật giáo đồ rất có hại cho công cuộc chống Cộng tại miền Nam Việt Nam” (26).

Tuy nhiên, việc tiếp tục dùng hoặc thay Diệm đang là vấn đề tranh luận sôi nổi trong chính giới Mỹ. “Những người như Robert McNamara ở Bộ Quốc phòng và John McCone ở Cơ quan Tình báo Trung ương chưa có ý định thay Diệm. Nhưng ở Bộ Ngoại giao, Phó Ngoại trưởng George Ball, Averell Harriman và Roger Hilsman cảm thấy quá chán ngán cái ông Tổng thống Việt Nam. Ball gọi Diệm  là người mù quáng và kém cỏi” (27).

Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara

Trong lúc Nhà Trắng đang chần chừ, “tiến thối lưỡng nan” thì trong một trả lời phỏng vấn của Don Baker (UPI), Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Frederick E. Nolting nói: “Hơn hai năm tôi sống tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ thấy dấu hiệu chứng tỏ có sự kỳ thị tôn giáo” (28). Ngày 1-8-1963, giới lãnh đạo Phật giáo gởi kháng thư số 124 tới Nolting, khẳng định rằng: “Tính cách nghèo nàn của những tin tức mà ông đại sứ đã dựa vào đó để mười hôm trước khi từ biệt một xứ mà ông rất quý mến, đưa ra một lời tuyên bố xa cách sự thật đến nước ấy” (29); đồng thời đánh điện cho Tổng thống Kennedy, phản đối những lời tuyên bố vô trách nhiệm của Nolting. Bức điện viết: “Thay mặt toàn thể Phật giáo đồ miền Nam, chúng tôi cực lực phản đối cùng Tổng thống lời tuyên bố của ông Đại sứ Nolting qua Hãng thông tấn UPI cho rằng không có vấn đề kỳ thị tôn giáo và ngược đãi Phật giáo ở miền Nam Việt Nam”.

Chúng tôi nghĩ rằng dân chúng Hoa Kỳ phải thấu rõ nỗi phẫn uất của Phật giáo đồ đến tám mươi phần trăm dân số.

Lời tuyên bố của ông Nolting không phù hợp với sự thật luôn cả với sự hiểu biết và thiện chí của người Hoa Kỳ” (30).

Cùng với lời tuyên bố của Nolting, ngày 3-8-1963, trong một cuộc nói chuyện với Phụ nữ bán quân sự, Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu, lên tiếng công kích, nhục mạ Phật giáo, rằng “hoạt động của Phật giáo là một hình thức phản bội xấu xa ...” (31). Về cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Trần Lệ Xuân cho là “nướng sư”. Trả lời phỏng vấn của ký giả báo New York Times, Trần Lệ Xuân  nói: “Tôi còn đánh sư gấp mười lần như thế nữa à. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt tỉnh, không cần biết tới” (32).

Tình hình trên đây khiến phong trào Phật giáo càng lên mạnh. Ngày 4-8-1963, Đại đức Thích Nguyên Hương, tự thiêu tại Đài Chiến sĩ trước Tỉnh đường Bình Thuận; ngày 11-8-1963, 20.000 người tham dự lễ cầu siêu các Thánh tử đạo (33) tại chùa Xá Lợi. Trước bắt đầu buổi lễ, giới lãnh đạo Phật giáo tuyên bố: “Chúng ta nguyện tranh đấu đến cùng cho tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo với bất cứ giá nào” (34).  Kết thúc buổi lễ, một rừng biểu ngữ xuất hiện, trong đó có nhiều biểu ngữ: “Cực lực phản đối thái độ huênh hoang, vô lễ, nhục mạ Phật giáo của bà Ngô Đình Nhu” (35); ngày 12-8-1963, tại chùa Xá Lợi, nữ sinh Mai Thị Tuyết An tự chặt tay trái của mình để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm, rằng “hành động tự ý chặt tay của cô Mai Tuyết An, ... là một hành động đáng khen và đáng ca ngợi, đó là một hành động hy sinh. Có một không hai vậy” (36). Ngày 13-8-1963, Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu tại chùa Phước Duyên (Hương Trà, Thừa Thiên); ngày 15-8-1963, tại Huế, gần 1.000 sinh viên, học sinh biểu tình phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tại chùa Phước Duyên; cùng ngày, Ni sư Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa gần Nha Trang. Ngày 16-8-1963, tại Huế theo lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo Phật giáo, tất cả chợ búa, trường học, xí nghiệp và công tư sở đều nhất loạt tổng đình công. Cùng ngày đó, Thượng toạ Thích Tiêu Diêu tự thiêu tại chùa Từ Đàm. Ngày 17-8-1963, Ngô Đình Diệm cách chức Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế. Lập tức, các khoa trưởng thuộc Viện Đại học Huế và toàn thể giảng viên Viện Hán học ra tuyên cáo lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo và cách chức Viện trưởng Cao Văn Luận; đồng thời tuyên bố từ chức và nghỉ việc kể từ ngày 17-8-1963. Tiếp theo, toàn thể giảng viên và sinh viên Viện Đại học Huế từ chức, bãi khóa.

Ngày 18-8-1963, theo lệnh của các nhà lãnh đạo Phật giáo, lễ cầu siêu các Thánh tử đạo được tổ chức trên toàn miền Nam. Tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn) có trên 30.000 người tham gia. Sau lễ cầu siêu, Đoàn Sinh viên Phật tử kêu gọi quần chúng tham gia tuyệt thực tại chỗ, có khoảng 10.000 người tham gia. Suốt ngày hôm đó, đông đảo đồng bào Sài Gòn kéo đến chùa Xá Lợi ủng hộ cuộc tuyệt thực. Điều cần nói thêm ở đây là trong cuộc tuyệt thực này, chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã bị quần chúng Phật tử tập trung lên án với hàng loạt khẩu hiệu mang theo, như “Đả đảo hành động hết sức dã man ở Huế, Khánh Hòa, Phan Thiết”, “Chà đạp lên nền tín ngưỡng dân tộc, phản lại quyền lợi tổ tiên là một tội ác không thể tha thứ được”, “Yêu cầu Chánh phủ chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ Phật giáo đồ”,... (37); kèm theo là lời giải thích của Đại đức Thích Giác Đức, người được Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo phân công điều khiển cuộc tuyệt thực. Tất cả chứng minh rằng mâu thuẫn giữa Phật giáo với chính quyền Ngô Đình Diệm đã lên đến đỉnh cao, không thể khắc phục được.      

Tuy nhiên đến trước “Kế hoạch nước lũ” (đêm 20 rạng sáng 21-8-1963), Nhà Trắng vẫn chưa dứt khoát về việc thay Diệm. Richard Phillips, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khẳng định: “Đành rằng vấn đề nội bộ Phật giáo đã tạo nên một tình hình nghiêm trọng tại Việt Nam. Nhưng điều đó không làm thay đổi thái độ của chúng ta đối với chính phủ Việt Nam do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo” (38).

Để cứu nguy chế độ, đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm cho thực hiện “Kế hoạch nước lũ” tấn công đồng loạt các ngôi chùa dùng làm cơ sở đấu tranh trên toàn miền Nam, bắt giữ hầu hết giới lãnh đạo Phật giáo, một số giáo sư, sinh viên, ... Cùng với “Kế hoạch nước lũ”, Ngô Đình Diệm  đọc tuyên cáo và ban hành lệnh giới nghiêm. Theo Maneli (39): “Anh em Diệm - Nhu đã tung ra trận tổng tấn công nhà chùa là để tự cứu họ khỏi bị đảo chánh do Mỹ thúc đẩy, nhưng hành vi tấn công chùa hóa ra lại làm mất uy tín chế độ trước người Việt Nam và thế giới” (40). Rõ ràng, chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm đã “thực sự dẫm trúng vỏ chuối do Phật giáo quăng ra” (41), đã tự chọn cho mình một tuyệt lộ.

Sau “Kế hoạch nước lũ”, phong trào sinh viên, học sinh Sài Gòn lên mạnh. Ngày 24-8-1963, Ủy ban chỉ đạo sinh viên và học sinh Sài Gòn ra tuyên ngôn, yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm:

“1. Thực sự tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng.

 2. Trả tự do cho tăng ni và tín đồ Phật giáo, sinh viên, học sinh và giáo sư hiện bị giam giữ.

 3. Chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ hành hạ tín đồ Phật giáo.

 4. Giải tỏa chùa chiền, ban bố tự do ngôn luận” (42).

Bản Tuyên ngôn khẳng định: “Sinh viên và học sinh Việt Nam nguyện đem mồ hôi và xương máu để tranh đấu cho bốn nguyện vọng khẩn thiết trên. Đồng bào hãy sát cánh cùng chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ quốc” (43). Và “tuyên bố bãi khóa, nghỉ học để đấu tranh cho tự do tín ngưỡng” (44). Phong trào Phật giáo năm 1963 đã lần lượt lan sang sinh viên từ Huế vào Sài Gòn, đặt chế độ Ngô Đình Diệm trước những hiểm nguy khó có thể vượt qua.

Sau “Kế hoạch nước lũ”, ngày 22-8-1963, Tân Đại sứ Cabodge Lodge đến Sài Gòn nhận chức thay Frederick E. Nolting trước dự định. Theo nhận định của của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thì việc “Đại sứ Mỹ Henry Cabodge Lodge đến thay Frederick E. Nolting có nhiệm vụ tổ chức một cuộc đảo chánh như trước đây đương sự đã thực hiện ở Nam Hàn hồi thời Chính phủ Lý Thừa Vãn,... hiện nay, tình hình giữa Mỹ và Việt Nam Cộng hoà rất căng thẳng và Mỹ nhất định đảo chánh” (45).

Đúng vậy, ngày 24-8-1963, Lodge gởi về Washington DC. một điện văn khẳng định rằng chính Ngô Đình Nhu là người ra lệnh tấn công chùa và nói về dự tính đảo chính của một số tướng lãnh. Song ngày này là thứ Bảy, Tổng thống Kennedy, Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, Giám đốc CIA McCone đều nghỉ cuối tuần. Vì vậy, Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, Xử lý Thường vụ Ngoại trưởng cùng Herriman (Thứ trưởng Ngoại giao), Hilsman (Phụ tá Ngoại trưởng), Forrestal (Phụ tá Tổng thống) soạn và ký tên Mật điện 243 chuyển cho Tổng thống Kennedy và Ngoại trưởng Rusk. Cả Kennedy và Dean Rusk đều đồng ý cho gởi bức mật điện này đến Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Nội dung mật điện viết: “Cố vấn Ngô Đình Nhu chịu trách nhiệm về sự tấn công đàn áp chùa chiền. Đại sứ Hoa Kỳ phải minh danh: Chính lực lượng đặc biệt của ông Nhu, chứ không phải quân đội tham dự. Hoa Kỳ không thể tha thứ cho tình trạng chính quyền nằm trong tay Ngô Đình Nhu. Tổng thống Ngô Đình Diệm được dành một cơ hội để loại trừ Ngô Đình Nhu và tay chân, phải thay thế họ bằng những nhân vật quân sự và chính trị có khả năng nhất,... Nếu Tổng thống Diệm vẫn còn ngoan cố, thì chúng ta (người Mỹ) sẽ đi tới chỗ không thể tiếp tục ủng hộ ông nữa. Ông Đại sứ có thể loan báo cùng các vị tư lệnh quân sự liên hệ rằng: Chúng ta sẽ trực tiếp yểm trợ cho họ trong mọi trường hợp tạm thời gián đoạn của một chính quyền trung ương” (46).

Với Cabodge Lodge, nội dung điện văn trên đây được xem như là một chỉ thị trực tiếp phải chuẩn bị cho một cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, nếu Diệm không chịu làm theo lệnh của Nhà Trắng đề ra. Ngày 26-8-1963, Cabodge Lodge đánh điện cho Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh: “Tôi tin rằng Diệm sẽ không chấp thuận những đòi hỏi của chúng ta,... Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta nên đi thẳng với các tướng lãnh mà không cần cho Diệm biết. Tôi sẽ nói cho các tướng lãnh biết chúng ta chủ trương giữ Diệm mà không có Nhu. Trên thực tế, giữ Diệm hay không còn tùy ở họ” (47). Tại Sài Gòn, trong một cuộc tiếp xúc với Ngô Đình Diệm, Cabodge Lodge đã chính thức yêu cầu gạt Nhu, nhưng Ngô Đình Diệm từ chối vì một khi Nhu bị gạt; theo quan điểm của Diệm, y cũng không sao tồn tại. Việc cố bám lấy chế độ gia đình trị của anh em Diệm - Nhu buộc Mỹ phải nhanh chóng tổ chức cuộc đảo chính quân sự để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

Ngày 2-9-1963, Tổng thống Kennedy tuyên bố: “Bằng việc thay đổi chính sách và thay đổi cả người nữa, có thể giành được thắng lợi Việt Nam”. Tờ New York Times cùng ngày viết: “Nhiều quan chức ở Hoa Thịnh Đốn cho rằng giải pháp duy nhất chấp nhận được cuộc khủng hoảng chính trị - tôn giáo ở Việt Nam chỉ có thể là một cuộc đảo chánh quân sự của các chỉ huy quân sự Nam Việt Nam” (48). Ngày 7-9-1963, Hãng UPI (Mỹ) cho rằng: “Hoa Thịnh Đốn đã buộc phải thừa nhận là khó mà hy vọng được rằng Diệm chịu bỏ Nhu. Do đó, Hoa Thịnh Đốn đang đặt nhiều hy vọng vào các thủ lãnh quân sự” (49). Hãng AFP (8-9-1963) cho hay: “Trong mấy ngày qua, Tòa Nhà Trắng đã vạch ra một chính sách mới nhằm khuyến khích các chỉ huy quân sự Nam Việt Nam nắm lấy chính quyền, Mỹ đã có một chủ trương tích cực ‘không liên kết’ nhằm tách các thủ lĩnh quân sự khỏi chính quyền, Mỹ đang xúc tiến việc tách quân đội Diệm khỏi sự kiểm soát của Diệm và Nhu, tách quân đội Diệm với lực lượng mật vụ của Diệm” (50).

Từ điện văn của Nhà Trắng gởi cho Lodge, rồi tuyên bố của Tổng thống Kennedy đến những dư luận báo chí Mỹ cho thấy Nhà Trắng đã “bật đèn xanh” cho nhóm tướng tá trong quân đội Sài Gòn thực hiện cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Tuy vậy, trong suốt tháng 9-1963, chính quyền Kennedy vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc gạt bỏ Ngô Đình Diệm. Để có một quyết định dứt khóat thay hay không thay Diệm, cuối tháng 9-1963, Tổng thống Kennedy cử Robert McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng với Maxell Taylor sang Sài Gòn để tìm biện pháp giải quyết.

Báo chí Mỹ đã công khai nói rằng: “Mắc Namara gặp các tướng lĩnh quân sự (Diệm) là để tìm hiểu ảnh hưởng chính sách Diệm đối với binh sĩ. Mắc Namara và Taylơ chắc chắn sẽ trao cho Diệm một tối hậu thư,... Chắc chắn Mỹ sẽ quyết định như thế nào là do kết quả chuyến đi của Mắc Namara và Taylơ, bất chấp tiếng kêu lạc lỏng của vợ Nhu” (51). Ngày 29-9-1963, McNamara và Taylor cùng gặp Ngô Đình Diệm, khẳng định với Diệm rằng việc đàn áp Phật giáo gây trở ngại cho nỗ lực chống Cộng và bày tỏ sự bất bình trước những phát ngôn của Trần Lệ Xuân. Sau khi McNamara và Taylor trở về Mỹ báo cáo tình hình, chính quyền Kennedy đã ra một tuyên bố 5 điểm, trong đó nói rằng: “Tình hình chính trị tại Nam Việt Nam vẫn còn hết sức nghiêm trọng. Mỹ vẫn tiếp tục phản đối các hành động đàn áp tại Việt Nam” (52).

Trong lúc phong trào Phật giáo đang diễn ra hết sức quyết liệt ở các đô thị thì bên ngoài cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam không ngừng phát triển. Từ tháng 6 đến tháng 9-1963, lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam liên tục mở các cuộc tấn công có qui mô lớn. Nổi bật nhất là Quân Giải phóng tiêu diệt chi khu quân sự Cái Nước và Đầm Dơi (Cà Mâu) trong 2 ngày 9 và 10 tháng 9-1963. Hãng Thông tấn AFP (11-9-1963) viết: “Cuộc tấn công của du kích Việt Cộng tiêu diệt chi khu Cái Nước, Đầm Dơi thật là một đòn sấm sét vào quân chính phủ, đúng vào lúc một số vấn đề không ổn định ở miền Nam gây ra bởi sự xung đột giữu chính phủ và Phật giáo” (53).

Trong tháng 10-1963, Quân Giải phóng đã thu được những thắng lợi lớn: Chiến thắng Bến Cát (17 và 19-10), chiến thắng Lộc Ninh (19-10), chiến thắng Phước Tuy (23-10), chiến thắng Tân Phú (29-10). Trận Lộc Ninh là trận lớn nhất, được gọi là trận “Ấp Bắc thứ hai” (54). Về trận này, phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy quân sự Harkin thú nhận: “Chúng ta bị một cú đau điếng cả người” (55). Cùng với những đòn tiến công quân sự, các “ấp chiến lược - xương sống” của “Chiến tranh đặc biệt”, liên tục bị tan rã. Những cuộc chiến đấu và chiến thắng dồn dập của Quân Giải phóng trong tháng 9 và 10-1963, chẳng những tiêu diệt sinh lực địch, phá “ấp chiến lược”, giải phóng đồng bào bị kìm kẹp mà còn “thiết thực ủng hộ cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên, trí thức, đồng bào Phật giáo và đồng bào các đô thị” (56). 

Từ sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành “Kế hoạch nước lũ” (đêm 20 rạng ngày 21-8-1963) cùng với dấu hiệu “bật đèn xanh” của Mỹ, các tướng tá chóp bu trong quân đội Sài Gòn bắt đầu vận động, lôi kéo các phần tử không ăn cánh với Diệm, bàn mưu kế làm đảo chính lật đổ Diệm. Cho đến đầu tháng 10-1963, các kế hoạch đảo chính đã được chuẩn bị, sắp đặt một bước. Ngày 2-10-1963, tại Nha Trang, Trần Văn Đôn, Quyền Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn gặp Trung tá CIA Lucien Conein, Đôn báo cho Conein biết kế hoạch đảo chính lật đổ Diệm đang được chuẩn bị và đề nghị Conein gặp Dương Văn Minh. Theo Ellen J. Hammer (57), chính Lodge ra lệnh cho Conein tiếp xúc với viên tướng này.

Trung tá CIA: Lucien Conein

Trong các ngày 5 và 10-10-1963, Conein đã trực tiếp gặp Dương Văn Minh. Cả hai đồng ý những quan điểm chủ yếu về kế hoạch đảo chính. Tài liệu mật của Lầu Năm Góc cho biết Dương Văn Minh đã yêu cầu Mỹ “ngưng viện trợ cho chính phủ Diệm” (58); và theo Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh Quân đội Sài Gòn, thì Dương Văn Minh “đề nghị Hoa Kỳ không tìm cách ngăn chặn cuộc chính biến và đặc biệt là sau khi cách mạng thành công thì vẫn tiếp tục chương trình quân viện và kinh viện cho Việt Nam Cộng hòa để miền Nam phục hồi sức mạnh chống cộng sản và phục hồi dân chủ” (59).

Sau khi đã có những “mặc cả” giữa Mỹ và bộ phận tướng lãnh quân đội Sài Gòn, chính quyền Kennedy đi đến quyết định dứt khoát “ủng hộ” kế hoạch đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Trong tháng 10-1963, Mỹ gây sức ép cực mạnh đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. Tại Sài Gòn, Lodge trách mắng Diệm “đừng cố gắng phá hoại các cố gắng chiến tranh của Mỹ” (60). Theo đề nghị của Lodge, John Richarson, Trưởng Văn phòng CIA tại Sài Gòn, người tích cực ủng hộ Diệm bị cách chức. Nhà Trắng chính thức báo cho Diệm biết rằng Mỹ sẽ cắt viện trợ 25 vạn đôla mỗi tháng cho “Lực lượng đặc biệt” bảo vệ Phủ Tổng thống, gồm 6 tiểu đoàn do Đại tá Lê Quang Tung chỉ huy dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngô Đình Nhu, nếu các tiểu đoàn này cứ ở Sài Gòn không điều ra mặt trận để đánh nhau với Việt Cộng. Ý đồ của Mỹ là muốn giảm bớt lực lượng phòng vệ Dinh Gia Long để phe đảo chính dễ dàng hành động. Cũng trong tháng 10-1963, Nhà Trắng cắt hẳn “phần viện trợ thương mãi hóa” gồm khoảng 10 triệu đôla mỗi tháng, khoản tiền mà trước đây chính quyền Ngô Đình Diệm dùng để trả lương cho công chức và binh sĩ.

Từ khi Mỹ “vặn cái đinh vít về kinh tế”, tình hình vật giá ở Sài Gòn leo thang vùn vụt. Để đối phó, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh cấm bán một số mặt hàng như đường, sửa; bắt công chức phải làm đơn tự nguyện giảm lương 30%. Đây là một đòn đánh mạnh vào mọi tầng lớp nhân dân, làm cho lòng công phẫn của họ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm càng gia tăng. Để cuộc đảo chính đi đến thành công, Mỹ còn tạo ra những động tác đánh lừa Diệm về tình hình, như đồng ý cho Diệm tổ chức bầu cử quốc hội, Lodge báo tin cho Diệm rằng Lodge chuẩn bị trở về Mỹ để thảo luận lại chính sách đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. Rồi Đô đốc Felt, Tư lệnh Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, trên đường đi dự hội nghị Đông Nam Á đến Sài Gòn. Cả Felt và Lodge giả vờ ghé thăm Diệm vào 9 giờ sáng ngày 1-11-1963, với ý đồ cầm chân Diệm trong Dinh Gia Long để phe đảo chính dễ dàng hành động.

Miếng đất tốt cho cuộc đảo chính quân sự được Mỹ ráo riết  chuẩn bị bằng mọi giá. Ngay sau khi Lodge và Felt rời Dinh Gia Long, cuộc đảo chính đã diễn ra vào lúc 11 giờ 30 ngày 1-11-1963, anh em Diệm - Nhu bị giết chết. Chế độ độc tài, gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm sau 9 năm thống trị miền Nam sụp đổ.

Từ sự trình bày và phân tích về chính sách của Mỹ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm qua tác động của phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, có thể rút ra một số nhận định sau:

Một là, trong quá trình thống trị miền Nam, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đi từ thống nhất đến mâu thuẫn. Và như là tất yếu, phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân miền Nam càng lên cao thì mâu thuẫn giữa Nhà Trắng và chính quyền Ngô Đình Diệm càng gia tăng, diễn ra nhịp nhàng cho tới sâu sắc; cũng như phía nội bộ chính quyền Ngô Đình Diệm càng mâu thuẫn, chia rẽ, khủng hoảng thì phong trào yêu nước và cách mạng càng phát triển. Điều này có nghĩa là trong quá trình tiến triển, tự nội bộ Mỹ và Ngô Đình Diệm đã nảy sinh những mâu thuẫn, nhưng động lực chủ yếu làm phát sinh mâu thuẫn không khắc phục được giữa chúng chính là cuộc đấu tranh mạnh mẽ và liên tục của nhân dân miền Nam, trực tiếp là phong trào Phật giáo năm 1963. Nói cụ thể, chính sự tác động của phong trào Phật giáo năm 1963 buộc Nhà Trắng phải dứt khoát thay đổi chính sách đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, từ chỗ Nhà Trắng là đồng minh thân cận nhất của anh em Diệm - Nhu đến chỗ là kẻ “cừu địch”, ủng hộ cuộc đảo chính (1-11-1963), giết chết anh em Diệm - Nhu, đặt dấu chấm hết của “Nền Đệ nhất Cộng hòa” do Mỹ dày công xây dựng.  

Hai là, trong suốt 9 năm thống trị miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã sử dụng và cho thi hành hàng loạt biện pháp mang tính trung cổ để đẩy lùi phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam. Tuy vậy, từ phong trào Đồng khởi cuối năm 1959, đầu năm 1960 đến chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963), cho thấy phong trào kháng chiến của nhân dân miền Nam không ngừng phát triển. Mặt khác, chính quyền Ngô Đình Diệm hầu như thường trực đối đầu với với sự nổi dậy của những lực lượng được coi là thân cận với chế độ, như Nhóm Caravelle cho ra đời tuyên ngôn (26-4-1960), cuộc đảo chính không thành (11-11-1960), cuộc ném bom Dinh Độc Lập (27-2-1962).

Trước “tình hình quân sự ngày một trở nên nghiêm trọng. Cộng sản Bắc Việt đánh phá khắp nơi, các đảng phái đối lập chống đối mạnh, nội bộ xáo trộn, ...” (61). Và trong bối cảnh lịch sử đó “thì vụ Phật giáo chống đối nổ tung. Chế độ Ngô Đình Diệm vốn đang dẫy dụa ngặt nghèo đã đi vào giai đoạn kết thúc” (62). Do vậy, cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1-11-1963) là tất yếu; và chính là khát vọng bức thiết của nhân dân miền Nam. Điều này giải thích tại sao nhân dân miền Nam “phấn khởi reo mừng như vừa thoát một tai ách đè nặng trên đời mình”. Họ “đòi hỏi muốn thấy một bộ mặt hoàn toàn mới, đạp đổ tất cả những cái gì do chế độ cũ tạo ra, không cần cân nhắc lợi hại” (63).  

• Ba là, đô thị miền Nam là thành trì kiên cố, hậu phương an toàn của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, nơi dùng làm bàn đạp tấn công ra vùng giải phóng, đồng thời là nơi dự trữ nhân lực, vật lực lớn lao cung cấp cho chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Với phong trào Phật giáo năm 1963, đô thị đã trở nên rối loạn, chính quyền Ngô Đình Diệm suy yếu một cách nghiêm trọng về mặt chính trị, bị dư luận trong nước và thế giới lên án.

Tượng hai mẹ con Bà Nhu bị đập sau ngày đảo chánh, họ chở chiếc đầu lên xe đi diễu phố

Phong trào Phật giáo đã chỉ cho chính quyền Kennedy thấy rằng trong thực tế chính quyền Ngô Đình Diệm không những không thu phục nông dân mà ngay cả  thị dân, chính quyền này cũng mất hết chỗ dựa xã hội. Một chính quyền như thế thì không thể nào đáp ứng được chính sách của Mỹ là làm cho miền Nam “thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản và để đè bẹp cuộc nổi dậy của Việt Cộng” (64). Điều đó giải thích tại sao Mỹ thực hiện chính sách “thay ngựa”, “thiết kế” cuộc đảo chính giết chết  Diệm - Nhu, dựng lên một chính quyền tay sai mới với hy vọng có hiệu quả hơn để tiếp tục duy trì miền Nam Việt Nam trong quỹ đạo của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, nhưng lịch sử đã không chiều ý kẻ đi ngược dòng. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ rõ: “Cả trong thành thị cũng dấy lên những làn sóng cách mạng quyết liệt, làm rối loạn hậu phương của địch, làm  lung lay tận gốc chế độ bù nhìn. Hoang mang trước sự lớn mạnh và thế tiến công cách mạng, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi tay sai, phế bỏ Ngô Đình Diệm hòng cải thiện tình hình chính trị và quân sự để cứu vãn sự thất bại. Song Mỹ đã phạm phải sai lầm. Sau sự sụp đổ của Diệm, chiến tranh cách mạng đã phát triển lên một bước mới” (65).

__________

CHÚ THÍCH

                                                                                                               * PGS. TS. Trường ĐHSP, Đại học Huế.    

(1) Lê Cung, Bàn thêm về phong trào Phật giáo ở miền Nam Việt Nam năm 1963, Nghiên cứu lịch sử, số 8 (448), 2013, tr. 13.

(2) Ở Mỹ, nổi bật nhất là The Pentagon Papers”. Đây là tên gọi tắt tập hồ sơ tối mật về cuộc chiến tranh Việt Nam; tên chính thức của tập hồ sơ này là “United States – Vietnam Relations, 1945–1967: A Study Prepared by the Department of Defense”. Hồ sơ này được giải mật ngày 13-6-2011 và phổ biến công khai, trong đó có đề cập đến chính sách của Mỹ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm qua tác động của phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, song chỉ tập trung vào thời điểm kể từ sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện “Kế hoạch nước lũ” (đêm 20 rạng ngày 21-8-1963).

(3) Báo cáo về tôn giáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ II ngày 1-1-1964, trong Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 12-1963 đến tháng 10-1964)”. Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1964, tr. 64.

(4) Richard F. Newcomb, A Pictorical History of the Vietnam War, Doublday & Company, Inc. Garden City, New York, 1987, tr. 26.

(5) Tran Van Đon, Our Endless War (inside Vietnam), Pressidio Press, San Rafaej, CA, USA, 1987, tr. 124.

(6) Edgar O ’Ballance, Trận chiến Quốc Cộng 1954 - 1975 (Nguyên tác: The Wars in Vietnam, người dịch: Vũ Ngọc Long), Tạp chí Dân Chủ Mới, USA, số 34, tháng 8-1994, tr. 28.    

(7) Báo Đường Sống ngày 26-3-1956, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: ĐệICH-19466.

(8) Thích Nhất Hạnh, Vietnam, Lotus in a Sea of Fire, New York, 1967, tr. 56.

(9) Tuyên ngôn của 18 nhân vật thuộc nhóm "Tự do tiến bộ" gởi Tổng thống Việt nam Cộng hòa, Sài Gòn, ngày 26-4-1960, dẫn theo Hoành Linh Đỗ Mậu. Việt Nam máu lửa quê hương tôi - Hồi ký chính trị (Bản in lần thứ ba). Nxb. Văn Nghệ, Westminter, CA, USA, 1993, tr. 1017.

(10) Đỗ Đức Thái, Thảm họa Việt Nam (Chính trường và chiến trường 1954-1975), Nxb. Mùa Thu, Chicago, Illinois, 1985, tr. 108.

(11) Thư của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, gởi Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên; dẫn theo “Phan Lạc Tuyên, Hương thơm cuộc đời”, trong “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cả nước tôn vinh anh”, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 1995, tr. 223.

(12) Đó là Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử. 

(13), (14) Phạm Kim Vinh, Cái chết của Nam Việt Nam, Nxb. Xuân Thu, Los Alamitos, CA, USA, 1988, tr. 63, tr. 65.

(15), (61), (62) Hoàng Lạc, Hà Mai Việt, Nam Việt Nam (1954-1975) - Những sự thực lịch sử chưa hề nhắc tới, Alief, Taxas, USA, 1985, tr. 51, tr. 232.

(16), (17), (53), (56) M.N., Về vai trò của Phật giáo miền Nam trong cuộc lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 89, tháng 8-1966, tr. 11.

(18), (22), (54), (55) Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, Tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1966, tr. 123, tr. 342, tr. 380, tr. 384. 

(19) Qúy Linh, Mở đầu cuộc đấu tranh Phật giáo, trong “Trước cơn sóng gió”, Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung Phần xuất bản, Huế, 1964, tr. 14-15.

(20) Theo phúc trình ngày 20-5-1963 của Toà Hành chánh tỉnh Thừa Thiên về lễ Phật đản tại Huế do Ô. Nguyễn Văn Đẳng, Tỉnh trưởng Thừa Thiên, Thị trưởng Thành phố Huế ký, thì số người bị thương là 15 người, trong đó có 6 nữ và 6 nạn nhân ở lứa tuổi thiếu niên (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh, Ký hiệu tài liệu: ĐICH-8529.

(21) 5 nguyện vọng gồm: 1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo; 2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một quy chế đặc biệt như các Hội Truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Dụ số 10; 3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo; 4. Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo; 5. Yêu cầu Chính phủ phải đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức” (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.04-HS.8352).

(23) Trần Gia Phụng, Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ ba lý do chính, trong “Thích Nhật Từ và Nguyễn Kha (Chủ biên), Pháp nạn Phật giáo 1963 - Nguyên nhân, bản chất và kết quả”,  Nxb. Hồng Đức, Tp.. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 377.

(24), (31)  Jerrold Schecter, The New Face of Buddha, John Weatherhill, Tokyo, 1967, tr. 135, tr. 196.

(25) Xuân Thâm, Cuộc đấu tranh của Phật giáo đang làm chế độ Mỹ - Diệm khủng hoảng trầm trọng, Tuần báo Thống Nhất, số 322, ngày 23-8-1963, tr. 4.

(26) Tuệ Giác, Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử, Nxb. Hoa Nghiêm, Sài Gòn, 1964, tr. 210.

(27), (52) Ellen J. Hammer, A Death in November (American in Vietnam in 1963), E.p. Dutton, New York, USA, 1987, tr. 152, tr. 234.

(28), (32) Quốc Tuệ, Công cuộc tranh đấu  của Phật giáo Việt Nam, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, tr. 298, tr. 307.

(29), (30) Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (in lần thứ tư), Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2008, tr. 238, tr. 238-239.

(33) Thánh tử đạo ở đây là Đại đức Thích Nguyên Hương vừa tự thiêu, Đại đức Thích Nguyên Tài vừa mất tích, Đạo hữu Nguyễn Tăng Chắc vừa bị ám hại ngày 27-7-1963.

(34), (35) Phóng sự buổi lễ cầu siêu sơ tuần Cố Đại đức Thích Nguyên Hương (tại chùa Xá Lợi hồ 8 giờ ngày 11-8-1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký kiệu tài liệu ĐệICH-8541.

(36), (37) Tài liệu ghi âm tại chùa Xá Lợi hồi 8g50 ngày 18-8-1963 v/v Đại đức Thích Giác Đức chỉ đạo cuộc tuyệt thực và biểu tình chống chính phủ ... Bản sao, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

(38) Chính sách Hoa Kỳ đối với Việt Nam không thay đổi (AFP, 8-8-1963), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: TNTP-775.

(39) Maneli - Đại diện Ba Lan tại Ủy hội Quốc tế.

(40) Howard Jones, Death of a Generation - How the Assassinations  of Diem and JFK Prolonged the Vietnam War, Oxford University Press, New York, 2003, tr. 313.

(41) Tâm Phong, Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo, Tuần báo Hải Triều Âm, số 18, ngày 24-8-1964, tr. 10.

(42), (43) Nguyễn Lang, Sinh viên và học sinh đứng dậy, trong “1963 - 2013, Năm mươi năm nhìn lại, Tuyển tập của 99 tác giả, Tập Ba (3/3)”, Nxb. Thiện Trí Thức, Garden Grove, CA, USA, 2012, tr. 138.

(44) Tin về hoạt động tôn giáo (mật) số 17357/TCSQG/CII/2/M ngày 24-8-1963, Bộ Nội vụ, Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu TM-HS. 686.

(45) Công văn số 761/TCSQG/C/II/2-K của Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia kính gởi ông Bộ trưởng Nội vụ, Sài Gòn ngày 23-8-1963, Trích yếu: V/v Kế hoạch binh vận và kế hoạch xây dựng thực lực của Việt Cộng khi có đột biến, Bản sao, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

(46) The Pentagon Papers, New York: Bantam Books, 1971, tr. 194.

(47) FRUS, 1961-1963, Vol III, Document 285, tr. 634-635.

(48), (49), (50), (51), (60) Hồng Chuyên, Từ lâu Mỹ đã chuẩn bị đảo chính quân sự để thay Diệm, Báo Nhân dân, ngày 3-11-1963, tr. 3.

(57) Ellen J. Hammer, tác giả sách “A Death in November (American in Vietnam in 1963)”, E.p. Dutton, New York, USA, 1987.

(58) Kiêm Đạt, Chiến tranh Việt Nam, Nxb. Đại Nam, Chicago, Illinois, USA, 1992, tr. 228.

(59) Đỗ Mậu, Việt Nam máu lửa quê hương tôi (Hồi ký chính trị), Nxb. Văn Nghệ, Westminster, CA, USA, 1993, tr. 659.

(63) Bộ Thông tin - Phòng 2, số 13559/VICT/TM2/TB/K, Bản nhận định tình hình Vùng I Chiến thuật sau ngày Cách mạng 1-11-1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II,  Ký hiệu tài liệu: TNTP-4129.

(64) Hà Văn Lâu, Kennơđi phái Mắc Nammara và Taylơ sang Việt Nam để làm gì? Tạp chí Học tập, số 11.1963, tr. 60.

(65) Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr. 248.

 

Lê Cung

Nguồn: tác giả gửi cho trang SH

Trang Thời Sự




Đó đây


2024-04-20 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Nhóm Việt Nam vinh danh các liệt sĩ Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam - Chủ nhật ngày 17/3/2024, 1 nhóm Việt Nam đến viếng mộ 5.099 quân nhân Hàn chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Dòng chữ trên một tấm có nội dung: “Bởi vì các chiến sĩ của các bạn yên nghỉ ở đây, đất nước chúng ta đứng vững với niềm tự hào.” Thật là không biết nhục!!

2024-04-19 - Israel Tấn Công Trả Đũa Iran -

2024-04-19 - 80 Năm Thực Dân Pháp Đô Hộ Việt Nam - Văn minh hay bóc lột? -

2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -

2024-04-14 - Trực tiếp tại Ấp Chiến Lược Bolsa? Quê hương Nhà dâm chủ cuội Nguyễn Văn Đài Rè - Bạn có tin ở đây là Hưng Yên, gần Hà Nội? Cứ tưởng như một thành phố ở Châu Âu!

2024-04-13 - Nhận Diện Cách Mạng Màu Tại Việt Nam -



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-21 - KHÔNG BIẾT NHỤC - Một Nhóm Việt Nam vinh danh các lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam! - SH sưu tầm -

● 2024-04-19 - “CỬA LÒ - KHÁT VỌNG TOẢ SÁNG” - Nguyễn Tiến Trung -

● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>