●   Bản rời    

Hai Người Ơn Trên Đất Mỹ

Ngày Thanksgiving Nhớ Về

Hai Người Ơn Trên Đất Mỹ

Lý Thái Xuân

Link http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH34.php

25-Nov-2018

Bài này không nói gì đến lịch sử ngày lễ Tạ Ơn của người Mỹ, mà chỉ muốn ghi lại vài câu chuyện nhỏ nhưng rất hiếm có từ hai người trên đất Mỹ mà tôi được hân hạnh là kẻ thọ ơn. Nói là chuyện nhỏ vì nếu đó là cha hay mẹ của mình thì những việc làm như thế là đương nhiên. Nhưng nó hiếm là vì đó là những người dưng, hơn nữa, là người khác chủng tộc. Việc tôi viết bài này không có mục đích ca tụng hay tổng quát hóa tất cả những người trên đất Mỹ, vì như tôi nói, đó là những chuyện hiếm thấy.

Người thứ nhất là Bác sĩ Gary Becker, một bác sĩ chuyên trị bệnh Dị Ứng (Allergy)

Lúc đó, mới sang Mỹ được vài năm, tôi bị dị ứng khá nặng nhất là khi mùa đông đến. Bác sĩ gia đình của trung tâm y tế Health Care chỉ là những paramedics, họ không thể cho toa đúng bệnh. Tôi phải đi nhà thương khẩn cấp mấy lần trong một tháng vì thở không được trong đêm. Bảo hiểm của trung tâm thông báo rằng họ sẽ không chịu trả tiền cho những lần nhập viện khẩn, và khuyên nên đến trung tâm của họ trước để họ chẩn đoán, dù trung tâm này chỉ mở ban ngày. Lần sau tôi lại bị khó thở ban ngày, và nhà tôi chở đến trung tâm của họ. Họ không làm gì cả, đẩy tôi từ phòng này sang phòng khác, chờ cả tiếng đồng hồ cũng không ai đến giúp. Lượng Oxy trong người tôi càng thiếu, đầu ngón tay tôi muốn tím lên. Trong cơn giận dữ, nhà tôi lại liều chở tôi khẩn cấp vào bệnh viện.

Rõ ràng, trung tâm này không có bác sĩ chuyên môn, mà cũng không có lương tâm thật thà để gửi tôi đi nơi khác. Nhưng đi lại nhiều lần mà không có kết quả, cuối cùng, họ giới thiệu Bác sĩ Becker, nằm ngoài trung tâm để cho tôi đi thăm.

Lúc đó chúng tôi còn được hưởng phiếu trợ giúp y tế (medical coupon) của chính phủ. Tôi đến văn phòng bác sĩ Becker lần đầu tiên. Họ cho thử hơn 50 mũi chích trên lưng thể hiện các loại vật chất, và xem tôi bị dị ứng với những loại nào: bụi phấn nào, mùi vị nào, hay thức ăn nào,... Thăm lần đầu xong, văn phòng bác sĩ cho tôi hẹn lần thứ hai vào mấy tuần sau.

Lần đầu là như thế, nhưng khi tôi đến lần thứ hai thì văn phòng bảo họ không nhận phiếu medical coupon. Sau này tôi mới biết, vì lý do nào đó, nhiều văn phòng bác sĩ không thích nhận bệnh nhân với phiếu đó. Tôi đứng chết trâng vì không biết phải làm sao. Tiền đâu mà trả cho bác sĩ nếu họ không nhận phiếu này! Đột nhiên, lúc tôi đang thất vọng và ngẩn ngơ ở ngoài khung cửa kính, thì bác sĩ Becker từ phòng khám bước ra đến gần cô tiếp tân và nói gì đó một hồi lâu. Sau đó, cô gái tiếp tân bảo tôi "vào thăm bác sĩ đi". Tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì, nhưng cảm thấy nhục nhã vì mình không có tiền mà đòi đi bác sĩ.

Với tiếng Anh rất giới hạn của tôi, bác sĩ Becker cũng đã có thể trao đổi được các ý kiến và mà không cần thông dịch. Sau cùng, ông ân cần dặn tôi và lập lại hai lần:

- Sau này, nếu có bệnh, cứ đến đây khám, đừng ngại về tiền bạc gì cả nhé!

Tôi bị sốc vì ngạc nhiên, và dường như nước mắt đã lưng tròng rồi: Có thật thế không? Tôi chưa bao giờ nghe ai kể cho tôi nghe một bác sĩ nào bảo một bệnh nhân như thế. Nhưng tôi còn e dè, không dám nói ra "Ông thì bảo thế, nhưng các cô tiếp tân kia có nhận phiếu y tế hay không?" Nhưng tôi chỉ dám "cám ơn" ông và cúi đầu ra về.

Không phải chỉ là vấn đề thương người về mặt thiếu thốn tiền bạc, bác sĩ Becker còn là một y sĩ có lương tâm. Mỗi lần ông tiếp một bênh nhân, ông luôn duyệt lại hồ sơ bệnh lý của thân chủ trước khi cho vào phòng khám. Đã vậy, sau khi khám, ông cho bệnh nhân qua phòng hồ sơ, ngồi xuống và chậm rãi phân tích tình trạng của bệnh nhân, so sanh với lần đi thăm trước, có khi ông thật thà giải thích hiệu quả của chương trình chủng ngừa của ông nữa. Thời gian thường kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ. Tôi còn nhớ những câu ông chia sẻ:

- Bệnh này khoa học chưa có cách ngừa. Có người bị trong tuổi còn thơ. Có người bị lúc tuổi già. Có người bị rất lâu. Có người bị trong một thời gian ngắn.

- Chương trình chủng ngừa dị ứng này của văn phòng chúng tôi là chương trình thử nghiệm. Cho đến nay, cho thấy hiệu quả được trên 80%. Còn 20% thì người bệnh không khỏi.

- Nhà ở cũ hay mới, cũ bao lâu? Có lót thảm hay không?

- Kỳ trước, bà uống thuốc này 200mg, và bệnh có thuyên giảm. Lần này, thử uống cùng lượng như thế thêm 1 tuần nữa, rồi tuần sau uống bớt 1 viên mỗi ngày trong 2 tuần trước khi đi thăm lại.

- Bất cứ khi nào có biến chuyển gì đó, gọi văn phòng tôi ngay.

- Phải chận ngay từ phút đầu khi cảm thấy mình bị cảm, đừng để nó cảm lên sẽ kéo theo bệnh suyển.

- Thuốc này giúp ích khi cần thiết mà thôi. Dùng nhiều sẽ bị quen....

Vì làm việc tỉ mẫn như thế, phòng khám của ông chỉ có vài bệnh nhân chờ đợi. Thảo nào ông không có nhiều tiền như các bác sĩ khác. Ông luôn mặc chiếc áo sơ mi không hề mới.

Sau này, tôi sinh đứa con út. Thằng nhỏ bị bệnh dị ứng ngay từ lúc chưa đầy 3 tuổi, kéo dài đến 13 tuổi, trong lúc bệnh tôi đã hết sau 5 năm chích chủng ở văn phòng bác sĩ Becker.

Tôi đem bé đến thăm bác sĩ rất thường xuyên vì bé bị suyển. Nhưng lúc đó tôi lại mới nhận nhiệm sở sau khi tốt nghiệp đại học. Ông theo dõi và hiểu rõ hoàn cảnh đa đoan của tôi. Có nhiều lúc ông bảo tôi cứ gọi từ nhà, cho ông biết bệnh tình thằng nhỏ, không cần phải đến văn phòng. Và ông cho toa ở tiệm bán thuốc. Tôi chỉ ra nhà thuốc lấy về cho con uống.

Nhớ có lần thằng bé bị lên cơn suyển, tôi gọi vào văn phòng bác sĩ. Cô tiếp tân liền hỏi Bác sĩ xem muốn tôi đến hay nói chuyện với tôi. Bên đầu giây bác sĩ nói:

- Cho tôi biết thằng bé có wheezing (thở khò khè) hay không?

Tôi áp tai vào lưng thằng nhỏ và nói: - Bác sĩ chờ tôi nghe cho kỹ lại nhé. Dà,... có nghe chút đỉnh.

- Nó bị bao lâu rồi?

- Dạ mới chiều nay.

- Có cho nó uống Tylenol (thuốc cảm) chưa?

- Dạ có ạ.

- Bao nhiêu lần?

- Dạ hai lần rồi. Tôi sợ nó không thở được nên gọi bác sĩ.

- Không sao cứ ở nhà giữ cho nó ấm, đừng cho nó nằm phẳng, ôm nó lên để giúp nó thở. Tôi sẽ cho thêm một thuốc giúp nó thở nhẹ hơn. Ngày mai gọi lại cho tôi biết tình trạng của bé. Nếu nó biến chuyển tệ hơn thì chở vào Khẩn Cấp nhé..

-...

Thắm thoát thằng nhỏ được 13 tuổi. Lúc đó nó theo đoàn văn nghệ của trường, đi thổi trumpet cho đội banh. Không biết vì đâu, nó không còn bị suyển nữa. Lần sau cùng tôi dắt thằng nhỏ đến thăm Bác sĩ Becker, ông giải thích, có thể nhờ thổi trumpet mà phổi của nó hoạt động khá hơn.

Bẵng đi thêm một thời gian gần chục năm, tôi tiếp tục bận rộn việc làm, công việc như chong chóng, thêm có mẹ già để lo, có con cái để chăm, dù tụi nó cũng đã lên đại học. Tôi vẫn luôn kể câu chuyện bác sĩ Becker cho mọi người thân.

Một hôm, nghĩ ra cách ghi nhớ tên ông trên một tấm bảng cây (plaque), tôi liền tìm hiểu tiệm nào bán những tấm bảng đó, và mướn người khắc vài hàng chữ ghi nhớ để tặng cho bác sĩ.

Có được tấm Plaque rồi, tôi đi tìm văn phòng của bác sĩ Becker. Lúc này ông đã đổi sang tòa nhà khác. Bước vào, tôi nhờ cô tiếp tân cho thăm bác sĩ một chút. Gặp ông, không khác xưa nhiều, vẫn gương mặt phúc hậu, và lời nói chậm rãi. Tôi trao cho ông tấm plaque kỷ niệm với hàng chữ:

"Đa tạ bác sĩ Gary Becker. Ông là một bác sĩ có lương tâm nhất mà tôi từng gặp trên đời. Tôi không bao giờ quên ơn ông."

May quá, tôi gặp ông chỉ vài tháng trước khi ông về hưu. Nhưng tôi không bao giờ quên ông. Hôm nay tìm tên ông tôi thấy được ảnh mới nhất của ông vì ông đang nghiên cứu lai giống cho loại hoa Rhododendron trong vườn bách thảo Homestead Park trong tiểu bang nhà.

Bác sĩ Becker ngày nay, Ảnh của patch.com chụp ở Homestead Park

Người thứ hai là Giáo Sư Kenneth Gentili, dạy Vật Lý hai năm đầu của đại học.

Tôi đã học với thầy Ken Gentili tất cả các môn Vật Lý ở năm thứ nhất, và đều được điểm A. Thầy là người dạy rất hoạt náo, vui tươi, tận tâm. Thầy luôn mang theo dụng cụ thính thị để giảng bài cho dễ hiểu. Ngày còn là học sinh, thầy đam mê trong phòng thí nghiệm. Rồi một ngày, chất hóa học đã bay thẳng vào con mắt tò mò của thầy. Từ đó, thầy bị mất một bên tròng. Nhưng lúc nào thày cũng yêu đời. Đặc biệt là thầy thích theo dõi các môn thể thao.

Còn tôi, tôi chỉ giỏi về các môn thuộc về hàn lâm (academic) mà thôi, không hiểu gì về thể thao cả. Có lần trong bài thi cuối khóa thầy có hỏi một câu chẳng ăn nhập gì đến học trình:

- Ai thắng trận Super Bowl vừa qua?

Tôi đã trả lời xong hết các câu ở trên, đến câu đó tôi ..."bí lù," và cũng sắp hết giờ. Lúc đó mấy đứa bạn đi ngang nộp bài, thấy tôi ngơ ngác thì la lên "SeaHawks" cho tôi ghi. Tôi còn hỏi lại "How do you spell it?" (đánh vần làm sao?) Một thằng bạn nào đó viết xuống cho tôi luôn. Thật ra, câu hỏi đó thầy ghi cho vui thôi, chứ không cho điểm.

Tựu trường năm thứ hai, khóa đầu tôi không ghi tên lớp nào của thầy Gentili. Có một ngày thầy gặp tôi chuyển lớp ở gần đó, thầy giới thiệu thêm mấy lớp nhiệm ý (elective courses) về điện toán do thầy dạy. Thầy bảo rằng lớp đó có giờ làm thí nghiệm (lab), nên đóng thêm 3 đô la cho phí tổn phòng lab.

Tôi rất vui khi có cơ hội học lại với thầy, nên ngày hôm sau đã sốt sắng ghi tên ngay. Phòng lab bảo tôi đóng 7 đô la. Tôi trả tiền cho họ và không hề thắc mắc, nghĩ rằng có lẽ thầy chỉ đoán hơi sai tí thôi. Ghi tên xong, tôi hân hoan đi tìm thầy để thông báo. Lúc ấy sắp hết giờ nghỉ, thầy chuẩn bị trở lại lớp. Tôi nói vói với thầy, vừa có tính cách tinh nghịch, và cũng là để thầy biết con số đúng để nói với học sinh khác:

- Thầy ơi, thầy sai rồi! Lớp đó đóng 7 đô la tiền lab, chứ không phải 3 đô la nhe thầy.

Không ngờ thầy xem đó là vấn đề nghiêm túc, nghiêm mặt bảo tôi:

- Cô chờ tôi giảng xong lớp này, rồi chúng ta sẽ lên phòng ghi tên (Administration Office) để nói chuyện.

Thật ra, tôi không muốn chờ vì còn nhiều việc phải làm trong thời gian chờ đợi thầy. Vả lại chỉ có mấy đô la mà thôi. Nhưng nể thầy, tôi tìm nơi ngồi đọc sách để đợi. Cuối giờ, tôi trở lại lớp gặp thầy, và lập tức thầy nhớ ra đã hẹn với tôi.

Từ phòng lớp thầy vừa mới dạy, thầy và tôi đi qua thêm một dãy lớp khác, rồi đến cây cầu cạn, và rẻ trái để vào phòng ghi tên. Thầy đi rất hăng hái, tôi chạy lúp xúp theo một bên. Đến nơi, chúng tôi lại phải ngồi ở hàng ghế chờ thêm khoảng 15 phút. Sau cùng, thầy Gentili đứng lên nói với cô thu ngân:

- Cô biết mà, tiền bạc đối với học sinh là quan trọng lắm. Mấy đô la cũng có thể mua được bữa ăn trưa.

Câu nói đó đã làm tôi xúc động vô cùng. Cô thu ngân bảo để xem lại, và hứa sẽ trả lại tôi phần tiền đóng trội. Tôi quay lại cám ơn thầy, ý muốn để thầy yên tâm mà trở về lớp. Nhưng đột nhiên thầy lại ngồi xuống ghế cạnh tôi để chờ và bảo:

- Tao ngồi đây xem chừng nào nó trả tiền cho mầy rồi tao mới đi!

Đến câu nói này thì tôi hoàn toàn mềm người ra, cảm xúc và... hết ý kiến về việc ông thầy đi đòi 4 đô la tiền nợ cho một học sinh! Cũng như sự xúc động đối với Bác sĩ Becker, tôi nhớ mãi giờ phút ngày hôm đó.

Rồi sau gần 20 năm bận rộn với công việc, tôi nhớ lại việc cần làm: đi thăm thầy trước khi thầy bị mất liên lạc do về hưu hay chi đó. Và đó cũng là lúc tôi quyết định làm những tấm plaque ghi công cho hai ân nhân. Người thứ nhất đã nói trên, và người thứ hai chính là thầy Gentili.

Tôi trở lại trường, kịp đủ sớm trước khi thầy Gentili về hưu. Tôi chờ ở văn phòng của thầy. Tặng thầy tấm plaque kỷ niệm, tôi nhắc lại chuyện ngày xưa thầy đã làm cho tôi nhớ thầy mãi. Tôi không chắc thầy nhớ chuyện đó, trong đầu nghĩ rằng biết đâu thầy đã từng làm như thế cho nhiều trường hợp rồi, nên không còn nhớ đứa nào là đứa nào. Nhưng tôi đã cảm thấy hài lòng ghi khắc được mấy chữ cho thầy:

"Thầy Kenneth Gentili là ông thầy gương mẫu và tận tâm nhất mà tôi gặp trên xứ Mỹ này."

Ngày nay không biết thầy như thế nào rồi. Tôi vào Google tìm không thấy tin tức về thầy nữa. Cầu mong ở một góc trời nào đó, thầy luôn được an bình. Thầy xứng đáng được hưởng những gì tốt đẹp cho cuộc đời còn lại.

-- o0o --

Và đây là lần thứ hai, gần cuối cuộc đời, con muốn ghi khắc ơn của hai người lên dòng điện tử. Trong bài hát "Mẹ Tôi" của nhạc sĩ Trần Tiến, mấy chữ "Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ Mẹ khóc như trẻ thơ" đã từng làm tôi ngơ ngẩn nhớ đến Mẹ tôi trong tuổi già của mình. Hôm nay câu ấy lại hiện ra khi tôi viết cho hai người ân nhân suốt đời trong tâm khảm của mình.

- Thầy ơi con đã già rồi. Con luôn nhớ lời ân cần năm xưa.

Không hề lựa chọn nhưng bất ngờ nhớ lại hai nhân vật trong bài làm việc trong hai lãnh vực mà người Á Đông ta nể trọng nhất và đặt hy vọng ở lương tâm nhiều nhất. Tôi đã gặp hai con người tiêu biểu đó trên mảnh đất mà không ai biết đến hai câu tục ngữ :

Lương y như từ mẫu, và
Lương sư hưng quốc.

Kính nhớ muôn vàn.

Lý Thái Xuân