●   Bản rời    

Hiến Pháp – Mặt Hàng Xuất Khẩu Đáng Giá Của Hoa Kỳ

THE U.S. CONSTITUTION: AMERICAS MOST IMPORTANT EXPORT

By Albert P. Blaustein

Hiến Pháp – Mặt Hàng Xuất Khẩu Đáng Giá Của Hoa Kỳ

AMARI-TX dịch

http://sachhiem.net/AMARITX/AMI08.php

26-Feb-2013

 

Các nhà lập quốc của Hoa Kỳ đã soạn thảo hiến pháp thành văn đầu tiên trên thế giới cách đây hơn 200 năm. Ngày nay, di sản của văn kiện lịch sử đó vẫn thể hiện rõ trong hiến pháp của hầu hết các nền dân chủ trên thế giới, và di sản đó tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều bản hiến pháp mới nhất, trở thành “mặt hàng xuất khẩu” quan trọng nhất của Hoa Kỳ.

4 vị tổng thống khổng lồ trên núi - 1

Bốn vị Tổng thống được tạc tượng trên núi Rushmore trong Khu Tưởng Niệm Quốc Gia ỏ bang South Dakota.
Từ trái qua: George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt, Abraham Lincoln.

Từ khi mới ra đời, ảnh hưởng của Hiến pháp Mỹ đã lan rộng trên toàn thế giới. Và dù có những nơi ảnh hưởng đó chưa mang lại dân chủ và tự do nhưng đã mang lại niềm hy vọng về một chính phủ của dân, do dân và vì dân như lời của Tổng thống Abraham Lincoln. Những khai quốc công thần của nước Mỹ đã xây dựng một hiến pháp tạo nên bước đột phá quan trọng đặc biệt trong cuộc đấu tranh giành tự do vẫn đang còn tiếp diễn của con người. Họ tin vào nguyên tắc chính phủ hợp hiến và hy vọng kiểu chính phủ này có thể phù hợp cả bên ngoài nước Mỹ. Thomas Jefferson đã đề cao Hiến pháp là tượng đài bền vững và là tấm gương trường tồn cho các dân tộc khác noi theo. Ông viết: “Không thể không nhận thức được rằng chúng ta đang hành động vì toàn thể nhân loại”. Tổng thống John Adams tin chắc rằng những tư tưởng chính trị của Hoa Kỳ sẽ tác động sâu sắc đến các nước khác. Alexander Hamilton, một trong những người chấp bút chính của văn kiện Hiến pháp, cho rằng nhân dân Mỹ được quyền quyết định vấn đề liệu bản thân các xã hội có thực sự có khả năng xây dựng một chính phủ tốt hay không. James Madison, vị Tổng thống và là người đóng góp cho Hồ sơ Liên bang (Federalist Papers), cho rằng các thế hệ về sau sẽ biết ơn các nhà lập quốc về thành tựu chính trị của họ và về những nguyên tắc quản lý đất nước hiệu quả được quy định trong Hiến pháp Hoa Kỳ.

Có thể nói, các nhà lập quốc Mỹ đã trở thành những bậc thầy trong lĩnh vực xây dựng hiến pháp. Người Bỉ trở thành những học trò đầu tiên chịu tác động của những tư tưởng hợp hiến mới, thể hiện qua cuộc cách mạng Bỉ năm 1789. Đảng Dân chủ Bỉ dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn năm 1790 đã nghiên cứu, tham khảo các hiến pháp bang của Hoa Kỳ.

https://encrypted-tbn1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcQLGqgBBlGXhMdZfZ8m4Rijnetry3cSfq2E8ibJZNsRb_WIN1j_uw

Những ảnh hưởng đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ đối với các hiến pháp quốc gia được thể hiện trong các văn kiện của Ba Lan và Pháp năm 1791. Hiến pháp Ba Lan cũng chết yểu. Hiến pháp này biến mất trong một loạt đợt chia cắt đất nước và đến năm 1795, Ba Lan chấm dứt tồn tại như một quốc gia riêng biệt mãi cho đến hết Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.

Nhưng đây không phải là trường hợp của Hiến pháp Pháp năm 1791. Marquis de Lafayette cũng như những nhân vật chỉ trích chế độ cũ ở Pháp khác đều rất khâm phục Jefferson. (Vẫn còn một bản thảo Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789 với chữ viết tay sửa chữa bên lề của Jefferson – đây thường được xem như là một trong những văn kiện quan trọng nhất về quyền con người được soạn thảo). Do đó, các học giả Pháp xúm lại quanh Gouverneur Morris, một trong những kiến trúc sư chính của Hiến pháp Hoa Kỳ (người được giao nhiệm vụ chấp bút phần lời mở đầu “Chúng tôi Nhân dân Hợp chủng quốc…”) khi ông đến thăm Paris.

Tuy chỉ tồn tại không lâu và được thay thế bằng các hiến pháp năm 1793 và 1795 nhưng đã có ảnh hưởng lớn đến Tây Ban Nha. Hiến pháp Pháp, dựa trên Hiến pháp Hoa Kỳ, đã được sử dụng làm nền tảng của Hiến pháp Cadiz năm 1812, Hiến pháp đầu tiên của Tây Ban Nha. Sau đó, hiến pháp này lại làm nền tảng cho Hiến pháp đầu tiên của Bồ Đào Nha năm 1822. Những hiến pháp vùng bán đảo Iberia này được biết đến bởi Simon Bolivar và những vị anh hùng trong phong trào giải phóng dân tộc ở Mỹ Latin khác và cũng rất quan trọng trong việc chuẩn bị soạn thảo hiến pháp ở các quốc gia mới ở châu Mỹ này.

Năm 1784, Francisco de Miranda xây dựng một “dự án vì sự tự do và độc lập của toàn bộ lục địa châu Mỹ của Tây Ban Nha” và tìm kiếm sự hỗ trợ của những người theo chủ nghĩa hợp hiến Bắc Mỹ hàng đầu trong dự án của mình. Không có được sự ủng hộ cần thiết, ông đã đi London và theo đuổi nghiệp kinh doanh trong hơn hai thập kỷ. Ông quay trở lại Venezuela năm 1810 và hợp tác với Bolivar thành lập một chính phủ Mỹ Latin dựa trên Hiến pháp của Hoa Kỳ. Theo lịch sử, Venezuela, Argentina và Chile đã xây dựng những hiến pháp đầu tiên của mình vào năm 1811, một năm trước khi Hiến pháp Cadiz của Tây Ban Nha ra đời. Tất cả đều một phần dựa trên mô hình Hiến pháp Philadelphia.

Hiến pháp Hoa Kỳ cũng tác động tới sự phát triển của Chủ nghĩa Liên bang Mỹ Latin. Venezuela và Argentina là những quốc gia liên bang như Mexico và Brazil, hai nước có hiến pháp năm 1824.

Hiến pháp Hoa Kỳ cũng là mô hình ở châu Phi. Liberia, nơi có những nô lệ được giải phóng từ Hoa Kỳ sinh sống, đã thông qua hiến pháp năm 1847, hiến pháp này được soạn thảo phần lớn bởi một vị giáo sư Khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Harvard.

Tiền lệ Hoa Kỳ đã trở thành sự khơi nguồn cũng như là mô hình của các hiến pháp ở châu Âu ra đời sau các cuộc cách mạng năm 1848. Vào năm đó, những bước phát triển hiến pháp quan trọng đầu tiên đã diễn ra ở Áo và Italia và những hiến pháp mới được ban hành ở Pháp và Thụy Sỹ. Đó cũng là năm ban hành Hiến pháp Frankfurt không bao giờ được thực hiện trên thực tế. Hiến pháp này được sử dụng dưới dạng biến thể cho các hiến pháp về sau của Đức như hiến pháp được soạn thảo cho Đế quốc Đức và hiến pháp thành lập Cộng hòa Weimar năm 1919.

Chủ nghĩa thực dân Hoa Kỳ cũng dẫn đến sự phát triển hiến pháp hơn nữa vào cuối thế kỷ. Cuba, Panama và Philippines đều thông qua những hiến pháp quốc gia theo phong cách Hoa Kỳ. Chủ nghĩa thực dân này cũng thể hiện rõ qua hiến pháp trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất của Haiti được Trợ lý Bộ trưởng Hải quân hồi đó là Franklin D. Roosevelt soạn thảo.

Cho đến nay, hiến pháp quan trọng nhất trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ Nhất là hiến pháp Mexico được thông qua năm 1917. Hiến pháp này vẫn tồn tại dù thường xuyên bị sửa đổi và là một trong những hiến pháp mang tính lịch sử nhất từng được soạn thảo. Đây là hiến pháp đầu tiên công nhận các quyền kinh tế, văn hóa và chính trị. Cấu trúc bên trong và phần lớn ngôn từ được vay mượn trực tiếp từ Hiến pháp Philadelphia. Trong trong thời kỳ giữa hai cuộc Chiến tranh Thế giới, nhiều nước Mỹ Latin đã soạn thảo lại hiến pháp, và mô hình Philadelphia thể hiện rõ trong các hiến pháp này.

Uruguay là những ví dụ điển hình nhất. Với sự kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, ảnh hưởng của Hoa Kỳ là chủ đạo trong quá trình soạn thảo những hiến pháp cơ bản mới của Tây Đức và Nhật Bản. Ít được biết đến hơn nhưng không kém phần quan trọng là việc học tập mô hình Philadelphia trong Hiến pháp năm 1949 của Ấn Độ. Các bản sao báo cáo của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ không chỉ được các thẩm phán Tòa án Tối cao Ấn Độ đọc mà còn thường xuyên trích dẫn.

Việc nghiên cứu chủ nghĩa hợp hiến Hoa Kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã khiến gần như toàn thế giới quan tâm tìm hiểu vai trò của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong việc quyết định tính hợp hiến của luật pháp. Do đó chức năng này cũng được thực hiện bởi Tòa án Tối cao Ấn Độ và Tòa án Tối cao Australia cũng như ở các nước theo thông luật khác. Các nước Mỹ Latin không thể tiến hành việc thẩm tra tính hợp hiến vì cơ cấu tư pháp của họ dựa trên hệ thống luật dân sự. Tuy nhiên, những nước này muốn đưa vào cả quy trình thẩm tra tính hợp hiến. Giải pháp là thành lập các tòa án hiến pháp. Những tòa án đầu tiên kiểu này là ở Đức và Italia, và kể từ đó đã phát triển rộng khắp trên thế giới. Tòa án Hiến pháp Ba Lan (được thành lập trong thập niên 1980) là tòa án đầu tiên ở các nước cộng sản. Brazil soạn thảo hiến pháp mới năm 1988 và rà soát lại hệ thống tư pháp của mình nhằm quyết định liệu có nên thêm chức năng thẩm tra tính hợp hiến trong tòa án tối cao hay thành lập một tòa án hiến pháp.

Tác động của Hiến pháp Philadelphia vẫn còn tiếp tục. Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã bỏ hệ thống nghị viện kế thừa của Anh và được đưa vào Hiến pháp Độc lập. Năm 1999, nước này thông qua một hiến pháp mới thành lập chính phủ tổng thống và chấm dứt sự cầm quyền của giới quân sự trong nhiều năm. Tương tự như vậy, ảnh hưởng của Hoa Kỳ cũng thể hiện rõ trong các hiến pháp của Canada và Honduras năm 1982, El Salvador năm 1983, Liberia năm 1984, Guatemala năm 1985, và Philippines năm 1987..

 

Albert P.Blaustein/ AMARI TX

Source http://blog.nationmultimedia.com/print.php?id=424

 

Albert P.Blaustein là Giáo sư Luật tại Khoa Luật Rutgers, Đại học Tổng hợp Bang New Jersey. Ông là tác giả của nhiều công trình học thuật về chủ đề chủ nghĩa hợp hiến gồm tác phẩm sáu tập về Hiến pháp Hoa Kỳ có nhan đề Hiến pháp của các quốc gia phụ huộc và các quốc gia có chủ quyền đặc biệt. Blaustein đã giúp soạn thảo hơn 40 hiến pháp trên khắp thế giới và đã đi thăm hầu hết các nước này. Năm 1991, ông giúp soạn thảo hiến pháp Liên bang Nga. Giáo sư Blaustein mất năm 1994.

 

nguồn http://amaritx.wordpress.com/2013/01/26/hien-phap-mat-hang-xuat-khau-dang-gia-cua-my/