Vụ Đòi Tòa Khâm:

Câu Chuyện về Chiếc Giếng Cổ và Cây Thánh Giá

nguồn: http://www.phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=2952

Huệ Minh

http://sachhiem.net/TONGIAO/TOAKHAM/.php

22 tháng 2, 2008

 

 

Vụ đòi tòa khâm: câu chuyện về chiếc giếng cổ và cây thánh giá

[02.02.2008 09:49]


Giếng đá cổ chùa Báo Thiên được dùng để thắp nến dâng lên thánh giá

Sự kiện "cầu nguyện" đòi đất đã tạm khép lại với hình ảnh cây thánh giá bằng sắt tây của Công giáo được dựng lên đằng sau miệng giếng đá cổ của ngôi chùa Phật giáo linh thiêng đang rực cháy lung linh trong sân nhà thờ chính tòa Hà Nội, không biết có mách bảo, thức tỉnh hay báo trước một viễn cảnh gì không?

 

Người buộc nút đã cởi nút

Sau những ngày dầm dề "cầu nguyện" đòi đất, Tổng giám mục địa phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt cuối cùng đã cho người gỡ cây thánh giá được giáo dân cắm vào mảnh đất "Tòa khâm" và chuyển vào Tòa giám mục. Lều bạt mà giáo dân vạ vật cư trú mấy ngày qua cũng được dẹp bỏ.

 

Gỡ thánh giá đưa khỏi đất Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm

Không biết vô tình hay hữu ý, có nhân duyên gì hay không mà cây thánh giá chuyển về từ "Tòa khâm" lại được trồng đằng sau một “bệ đá” hình tròn, trên đế có cạnh vuông, với hoa văn chạm nổi rất đẹp. Trên “bệ đá” ấy, giáo dân đã thắp lên hàng chục ngọn nến lung linh, rực rỡ.

Thánh giá được cắm cạnh bệ đá

Có lẽ đa số giáo dân tham gia sự kiện trong ảnh và khán giả xem ảnh trên mạng chỉ tập trung vào cây thánh giá bằng sắt cao tới gần 5 mét, mà ít để tâm đến chiếc “bệ đá” có thắp nến đó.

Vật chứng còn lại sau gần 1.000 năm

Chúng tôi xin thưa rõ về lai lịch nguyên ủy của chiếc “bệ đá”: Đây là miệng của một ngôi giếng cổ trong chùa Báo Thiên có từ thời Lý.

Tư liệu trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo cho biết, giếng đá này vốn nằm ở số 40 phố Nhà Chung, trong con hẻm có nhiều nhà dân. Cách đây hơn 10 năm, người trong ngõ còn dùng nước giếng này để nấu ăn, sinh hoạt, vì nước trong và đủ dùng cho họ. Đây là một giếng cổ khá to bằng đá nguyên khối. Nó hiện lên trước mắt tròn trịa như một cái đỉnh, quanh chân chạm khắc hoa văn hình hai lớp cánh sen lồng vào nhau tuyệt đẹp. Chiếc giếng đá này có ba điểm đặc biệt:

Thứ nhất, nó nằm trong khuôn viên của đệ nhất danh lam thắng cảnh đời Lý là chùa Báo Thiên. Theo sử liệu, có thể đoán rằng cách giếng đá không xa là bảo tháp 12 tầng, với chóp bằng đồng, vốn là một trong bốn "Đại Nam tứ khí" thời xưa.

Thứ hai, về mặt tạo hình mỹ thuật và chất liệu, đó là một giếng đá độc đáo của Thăng Long sót lại tới nay. Vì các giếng đề cập trước đây, kể cả hệ thống di tích các giếng của hoàng thành xưa mới phát hiện, có miệng xây bằng gạch và không có bờ giếng, nên mặt đất với mặt giếng bằng nhau. Đằng này, giếng đá cổ nói đến ở đây có bệ hình vuông với mỗi cạnh đo gần 1,5m. Từ bệ lên tới miệng cao 0,60m; vòng bụng chỗ giếng phình ra rộng tới 1m.

Thứ ba, ngoài nội dung di tích, giếng đá còn là một chứng tích của những giai đoạn lịch sử sóng gió. Vì, như đã nói, cổ tự Báo Thiên là đệ nhất danh lam của kinh thành, song tới thế kỷ 15 bị quân Minh chiếm phá và đập tháp để lấy vật liệu chống đỡ sức tấn công của đại quân Bình định vương Lê Lợi. Đến đời Lê, chùa được trùng tu. Cuối thế kỷ 18, chùa trở nên đổ nát vì chiến sự, rồi được phục dựng lại dưới triều Nguyễn. Thời Pháp lại bị phá lần nữa, mà theo nhà sử học Trần Huy Liệu, đó là "sự phá hoại đáng kể đầu tiên của thực dân Pháp ở Hà Nội.". Sau này giếng bị tách ra khỏi chùa, nằm ngoài khu vực có xây một bức thành ngăn riêng ngõ ra vào của dân.

Gần đây, năm 2002, giếng vẫn còn, nhưng tiếc là đã bị đổ cát lấp đầy và phần dưới chân sát nền bị tô trát xi măng che lấp gần hết hoa văn cánh sen. Căn cứ vào sổ sách ghi chép và kiểu cách, chất liệu của giếng đá nói trên, được cho là một di tích còn sót lại của chùa Báo Thiên, cần được phục hồi nguyên dạng để bảo vệ.

Việc này được phát hiện và báo chí đưa tin. Sau khi báo đưa tin các vị thẩm quyền của nhà thờ chính toà Hà Nội đã cho đào giếng cổ ấy lên, đem về đặt trước hang đá bên trong khuôn viên nhà thờ.

Giếng đá này đã gần 1.000 năm tuổi và được các nhà khảo cổ học đánh giá là giếng đá cổ nhất Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt, căn cứ vào các vết tích người xưa khi dùng dây kéo nước, trên thành miệng giếng hiện còn để lại những rãnh đá mòn lõm sâu, có thể đặt vừa cả ngón tay. Giếng đá cổ được xây bằng những tảng đá nguyên khối, phần cổ giếng được tạo bởi 2 khối đá cao 30cm, đường kính của giếng khoảng 80cm. Dưới bàn tay khéo léo tài tình của những người thợ xưa, giếng đá cổ được xây rất đẹp và vững chắc. Chính vì thế, qua thăng trầm của thời cuộc, giếng đá cổ vẫn tồn tại vững vàng như một biểu tượng về văn hoá, lịch sử của đất Hà Thành”

Cổ giếng là một khối đá tròn, tạo dáng thắt cổ bồng như lư hương. Miệng giếng hơi bóp vào, đường kính lọt lòng 64cm. Phần thân dưới phình ra, chạm hoa hình cánh sen 2 lớp, đường kính phủ bì 88cm. Bên trong miệng giếng có rất nhiều rãnh mòn do người xưa dùng dây kéo nước tạo nên.

Cổ giếng đặt khít khao trên một bệ đá tám cạnh nguyên khối. Bệ giật cấp phân ô, có chạm hoa văn rồng và mây ở gờ trên, hoa lá ở eo giữa, chân choãi ra chạm đầu như ý. Chiều cao của giếng cổ là 60cm. Giếng đá cổ độc đáo của chùa Báo Thiên, ai cũng phải thừa nhận nó đạt đến trình độ kỹ thuật lẫn mỹ thuật rất cao, chưa có cái nào khác sánh bằng. Sở dĩ như thế vì đây là giếng đá của một ngôi quốc tự danh tiếng bậc nhất kinh đô. Chùa tháp Báo Thiên là đỉnh cao của mỹ thuật kiến trúc Phật giáo. Theo sử sách ghi chép, ngôi chùa này đặc biệt có rất nhiều tự khí, tượng thờ bằng đá to lớn tuyệt đẹp.

Trở lại vấn đề, năm 1883, thành Hà Nội bị thực dân Pháp đánh chiếm, sau đó Giám mục Puginier câu kết với Công sứ Bonnal và gian thần Nguyễn Hữu Độ chiếm đoạt chùa Báo Thiên để kiến tạo nhà thờ chính toà Hà Nội. Từ đó, một biểu tượng văn hoá của kinh đô Thăng Long, niềm hãnh diện chung của dân tộc Việt dần dần bị chìm vào quên lãng!

Trải qua gần 1.000 năm, biết bao biến động lịch sử, ngoại xâm nội chiến, cuồng tín hận thù mà giếng đá Báo Thiên vẫn tồn tại, thật là điều kỳ diệu! Nó xứng đáng được vinh danh là cái giếng đá Việt Nam cổ xưa nhất, đẹp nhất, còn hoàn chỉnh nhất để làm biểu tượng văn hoá, lịch sử của vùng đất thiêng Thăng Long – Hà Nội. Đó chính là “của tin” còn lại của cả dân tộc, chẳng của riêng ai. 

Vô tình, hữu ý hay là do nhân quả xếp đặt

Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các lý do, lý luận, văn kiện, lời kêu gọi, thư từ, báo chí của các tổ chức công giáo về sự kiện giáo dân cầu nguyện đòi trả lại tòa khâm sứ lại tuyệt nhiên không đả động gì đến các vấn đề lịch sử. Họ bác bỏ, họ phủ nhận, họ coi thường, họ chà đạp hay họ lảng tránh? Có lẽ là tất cả và hơn thế nữa. Không biết các giáo dân có lương tri, lương năng và lương tâm sẽ suy nghĩ và hành động ra sao khi họ biết rõ các sự thật lịch sử đó?

Và sự kiện đó đã tạm khép lại với hình ảnh cây thánh giá bằng sắt tây của Công giáo được dựng lên đằng sau miệng giếng đá cổ của ngôi chùa Phật giáo linh thiêng đang rực cháy lung linh trong sân nhà thờ chính tòa Hà Nội, không biết có mách bảo, thức tỉnh hay báo trước một viễn cảnh gì không?

Với tôi, hình ảnh này là sự vỡ òa của lịch sử và hiện thực. Sự thật cuối cùng đã được bộc lộ. Có thể coi tấn bi hài kịch đã được cởi nút. Năm 1883, Giám mục Puginier và gian thần Nguyễn Hữu Độ chiếm đoạt chùa Báo Thiên để kiến tạo nhà thờ chính toà Hà Nội, thì hôm nay, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, lại một lần nữa, lặp lại và diễn tiếp “vở kịch” lịch sử, vô tình hay hữu ý đã lấy Giếng đá cổ chùa Báo Thiên linh thiêng của Thăng Long – Hà Nội 1.000 năm tuổi dùng làm bệ thờ thắp nến dâng lên thánh giá bên hang đá trong tòa giám mục Hà Nội. Chỉ có điều khác là, bây giờ là năm 2008 và nước Việt và dân Việt chúng ta đã ở một tâm thế khác.

Xem thêm bài viết liên quan:

Huệ Minh

 


Trang Tôn Giáo