BAO DUNG TÔN GIÁO:

WHAT IS IT ?

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN105.php

26 tháng 12, 2010

Tôi vừa được sachhiem chuyển cho bài Đôi lời chia xẻ với ông Tâm Quảng của ông Nguyễn Hữu Ba về bài: Bao Dung Tôn Giáo Thượng Tọa Tuệ Sỹ Và Tôi của ông Tâm Quảng.


From: sachhiem sachhiem@nventure.com
To: Tran Ngoc
Date: Sun, Dec 12, 2010 at 9:55 AM
Subject: Fw: [GoiDan] [TÂM QUẢNG] -.

(.....)

 

Vì nội dung bài chia xẻ của ông Nguyễn Hữu Ba cũng như bài Tôn Giáo Thượng Tọa Tuệ Sỹ Và Tôi của ông Tâm Quảng đều có nhắc đến tôi và Giao Điểm, trong đó có ít nhiều ngộ nhận, cho nên tôi xin góp một số ý kiến để độc giả nhận thức, tùy theo cách nhìn vấn đề của mỗi người..

Về một cuộc tiếp xúc với Thượng Tọa Tuệ Sỹ, ông Tâm Quảng viết như sau:

Một lần khác tôi đến thăm thượng tọa Tuệ Sỹ và nói chuyện về tình hình Việt Nam trong đó có đề cập đến Thiên Chúa Giáo và sách của Giao Điểm, thượng tọa Tuệ Sỹ nói với tôi đại ý như sau.

Những người cọng sản Việt Nam nay đã không còn lý tưởng nữa. Họ chỉ cần tiền, trong khi đó thì Vatican là một thế lực lớn, họ có tiền. Họ sẵn sàng dùng tiền để mua chuộc các cán bộ cọng sản. Cả hai kết hợp với nhau để đánh phá Phật giáo. Nhưng trong hai thế lực đó, cọng sản không còn đáng lo nữa, chuyện cọng sản sụp đổ là điều không thể tránh khỏi, cho nên về lâu về dài, thế lực của Thiên Chúa Giáo mới là điều đáng lo. Tôi đã nói với các Thầy rồi nhưng các Thầy không chịu nghe.”

và lên tiếng phê bình ý kiến đó:

Ông Tâm Quảng không nói rõ Thượng Tọa Tuệ Sỹ đã nói câu trên trong thời điểm nào, mới đây hay đã lâu, nhưng đối với sự hiểu biết của tôi sau nhiều năm nghiên cứu về Thiên Chúa Giáo, với câu nói trên thì Thượng Tọa Tuệ Sỹ là một vị trong hàng Giáo Phẩm Phật Giáo Việt Nam, có thể nói là một trong số khá hiếm hoi hàng Giáo Phẩm, đã nhìn thấy vấn đề, một vấn đề rất nghiêm trọng đối với đất nước Việt Nam nói chung, Phật Giáo Việt Nam nói riêng.. Ngày nay, tên đảng CS vẫn còn nhưng tính chất cốt lõi của CS (kinh tế công hữu và chính trị toàn trị) đã mờ nhạt, vì vậy trên thực tế không còn CS như chúng ta vẫn thường hiểu về CS. Thượng Tọa nhận định rất chính xác, thế lực của Thiên Chúa Giáo mới là điều đáng lo nếu…Nhà Nước không biết lo, những bậc lãnh đạo Phật Giáo không biết lo, và giới Phật tử không biết lo. Nhưng thực ra vấn đề không đến nỗi quá bi quan như vậy, vì như tôi đã có lần viết: “Phật Giáo Thiền Chứ Không Ngủ”. Để bớt lo, con đường duy nhất là phổ biến rộng rãi ở trong nước những tài liệu nghiên cứu về Thiên Chúa Giáo của các tác giả trong thế giới Tây phương mà uy tín và địa vị của họ không ai có thể nghi ngờ. Không phải chỉ có Thượng Tọa Tuệ Sỹ mới nhìn thấy vấn đề đó, mà trước đây Thượng Tọa Thích Quảng Liên cũng đã có một nhận định tương tự. Cũng có nhiều bậc lãnh đạo Phật Giáo biết vậy nhưng không tiện nói ra, vì cảm thấy chưa thích hợp đối với quần chúng Phật tử chưa ý thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề này và sự quan trọng của mặt trận văn hóa. Thật ra, trong hàng cư sĩ chúng tôi, không phải là không có nhiều người đã nhận ra vấn đề từ lâu.

Sau đây, tôi xin có vài ý kiến chia xẻ với Ông Nguyễn Hữu Ba và Ông Tâm Quảng. Ông Nguyễn Hữu Ba đã lên tiếng phê bình bài viết của ông Tâm Quảng với nhiều lý lẽ mà khó ai có thể phản bác, tôi không thấy cần thiết phải nhắc lại ở đây. Có một câu ông Nguyễn Hữu Ba viết:

Suy nghĩ kỹ quý vị sẽ thấy rằng nhóm Giao Điểm chỉ phản ứng để tự vệ chứ không phải tấn công, gây chiến.

Như tôi biết về Giao Điểm thì điều này chỉ đúng phần nào chứ không phải là tất cả. Theo tôi nghĩ, và qua hoạt động của họ mà tôi biết được thì đúng là Giao Điểm chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có mục đích tấn công, gây chiến. Giao Điểm cũng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có mục đích chia rẽ tôn giáo. Tấn công, gây chiến, hay chia rẽ tôn giáo, tất cả chỉ là những luận điệu chống đỡ của những người không ở trong lãnh vực nghiên cứu học thuật trí thức, không có mấy tinh thần dân tộc, nhằm mục đích ngăn chận bất cứ ai nói những sự thật về tôn giáo của họ, trong khi ngày nay việc nghiên cứu trí thức về tôn giáo là một chuyện rất tự nhiên trong lãnh vực học thuật của một quốc gia. Trong vòng 200 năm nay, các trí thức Âu Mỹ, trong những xã hội mà đa số theo Ki Tô Giáo, đã nghiên cứu rất sâu rộng về mọi khía cạnh của Ki Tô Giáo nói chung, Ca-tô Rô-MaGiáo nói riêng, và đã đưa ra những sự thật qua những sự kiện lịch sử bất khả phủ bác của tôn giáo này mà không xảy ra bất cứ vấn đề nào trong xã hội. Những tác phẩm nghiên cứu của họ có đầy trong các tiệm sách, trong thư viện và trên Internet. Chẳng có ai lên án họ là chia rẽ tôn giáo. Lạ thay, những luận điệu lên án là chống Ca-tô hay chia rẽ tôn giáo chỉ thấy trong một số người Việt Nam, mà không chỉ ở trong Ca-tô Rô-ma Giáo. Người Việt Nam chúng ta chậm tiến và lạc hậu đến độ không thể chấp nhận được những sự kiện lịch sử và những sự thật về tôn giáo hay sao?

Với tư cách là thân hữu và cọng tác viên viết bài, tôi nghĩ nên nói chút ít về Giao Điểm như tôi biết và cảm nhận.

Đọc các phát biểu trên các diễn đàn Internet, tôi thấy họ chỉ đoán mò, hoặc là nhìn Giao Điểm qua cái lăng kính hạn hẹp về tôn giáo, hoặc là suy diễn với ý đồ xấu nhằm mục đích hạ uy tín của Giao Điểm vì không đồng ý với chủ trương của Giao Điểm. Tôi còn nhớ từ những năm đầu của thập niên 1990’, Giao Điểm đã là tổ chức tiên phong kêu gọi người Việt ở hải ngoại hãy giúp đỡ những nạn nhân bão lụt và những người nghèo khổ ở Việt Nam. Điều này làm cho một số người nhức nhối vì họ chỉ muốn người dân Việt phải đói khổ cùng cực với hi vọng như vậy thì CS sụp đổ. Giao Điểm đã phổ biến những sự thật về tôn giáo mà những kẻ cuồng tín không dám chấp nhận, và đăng tải những tin tức đượm tinh thần dân tộc. Có thể vì những hoạt động ngược dòng của Giao Điểm nên những kẻ nổi tiếng là phi dân tộc chụp mũ GĐ là CS, khai thác lòng thù hận CS của một số người Việt ở hải ngoại. Tôi chỉ là một thân hữu của Giao Điểm nhưng qua một thời gian dài tôi cũng biết được khá nhiều về Giao Điểm.

Giao Điểm là tên gọi ngắn của “Tổ Chức Từ Thiện Giao Điểm” (Giao-Diem Humanitarian Foundation), do một số Phật tử và thân hữu đứng ra thành lập ở Nam California năm 1991, với mục đích làm từ thiện ở Việt Nam, và được chính quyền Mỹ công nhận là một tổ chức từ thiện vô vị lợi, được miễn thuế..[Giao-Diem is a California-based, non-profit, tax-exemptorganization that has provided humanitarian services in Vietnam since 1991.] Trong nhiều năm qua, Giao Điểm đã phối hợp với tổ chức Americares (mà một trong những Chủ tịch danh dự là bà Barbara Bush) và hãng Abbott của Mỹ để thực hiện những công tác thuần túy từ thiện ở Việt Nam. Công việc từ thiện của Giao Điểm thì rất nhiều, và Giao Điểm âm thầm làm việc, không quảng cáo. Tháng 5 năm 2004, Giao Điểm cùng với các chương trình nhân đạo khác từ 42 quốc gia đã được vinh danh tại Liên Hiệp Quốc bởi Tổ Chức Americares [Giao-Diem was honored along with other humanitarian programs from 42 countries around the globe at the Gala of Hope by AmeriCares Foundation at the United Nations in NY on May 18th, 2004.]

Hơn 3 năm sau khi thành lập, Giao Điểm mới khai triển thêm một hai chủ trương khác là “phục vụ dân tộc”, “hiển chánh”. Rồi mãi cho đến sau khi Giáo hoàng John Paul II viết cuốn “Crossing the Threshold of Hope” vào năm 1995, Giao Điểm mới quyết định thêm chủ trương “giải hoặc Ki Tô Giáo”. Tại sao lại phải “giải hoặc Ki Tô Giáo”? Vì nhờ ở nước ngoài, Giao Điểm đã nhìn thấy vấn nạn Ki Tô Giáo trước cả Thượng Tọa Quảng Liên và Thượng Tọa Tuệ Sỹ từ lâu.

Thật vậy, năm 1995, Giáo hoàng John Paul II cho ra cuốn “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng” trong đó, với tâm cảnh trịch thượng mê tín, ngu đạo, về Ca-tô Giáo, ông ta đã xuyên tạc hạ thấp tất cả các tôn giáo khác, trong đó có đạo Phật. Một thí dụ điển hình: Khi được hỏi là “Tại sao nhân loại cần cứu rỗi"?”, ông ta đã viện dẫn một câu trong Tân Ước để trả lời, John 3:16: “Thiên Chúa quá thương yêu thế gian đến nỗi ban Con duy nhất của Ngài, để những ai tin vào Người sẽ không bị luận phạt, nhưng được sống đời đời.”, nhưng bỏ qua câu tiếp theo, John 3: 18: “Người nào không tin vào Giê-su thì đã bị đầy đọa rồi, vì người đó không tin vào đứa con duy nhất của Thượng đế” . Tôi cho rằng câu trên là một câu khờ dại nhất trong Tân Ước, vì nhân loại đâu chỉ xuất hiện trên trái đất từ khi Giê-su sinh ra đời hay chết đi, để biết và tin Giê-su hầu hi vọng một cuộc sống đời đời. Những đại diện của loài người đã giẫm chân trên trái đất ít ra là cả triệu năm. Vậy thì hàng triệu người sinh trước khi Giê-su ra đời thì sao ? Do đó, tin Giê-su thì được có cuộc sống đời đời là một sự bịp bợm phi lý rất trắng trợn, như vậy mà không mấy người nhìn ra, và một số bậc lãnh đạo Ca-tô ngày nay vẫn ngu ngơ trích dẫn câu trên để truyền đạo, thí dụ như LM Ngô Tôn Huấn trong bài “Sự Thưởng Phạt Đời Đời”.

( http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=30&ia=8215)

Trước sự xuyên tạc Phật Giáo của GH John Paul II mà Phật Giáo trên thế giới đã lên tiếng phản đối, và ngay cả một số chức sắc trong Ca-tô Giáo cũng lên tiếng phê bình là ông ta chẳng hiểu gì về đạo Phật, Tòa Thánh đã phải lên tiếng xin lỗi Phật Giáo. Và Giao Điểm đã kêu gọi sự đóng góp trí thức để phản biện cuốn “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng” của John Paul II. Kết quả là có 18 tác giả trên khắp thế giới tham gia, trong đó có cả những người Ca-tô hay không phải là Phật tử, và cuốn “Đối Thoại Với Giáo Hoàng Gioan-Phao-Lồ II” ra đời. Ấn bản Anh ngữ của cuốn sách nầy được Giao Điểm gửi thẳng đến Vatican, và được độc giả đón nhận với nhiều cảm tình và cuốn sách trên đã phải tái bản vài lần để đáp ứng yêu cầu của độc giả trong và ngoài nước. Qua thời gian, Giao Điểm đã xuất bản trên 40 cuốn sách, phần lớn thuộc loại nghiên cứu lịch sữ và tôn giáo dựa trên những tài liệu đã thành văn. Trong số này có ba cuốn rất đặc biệt vì tác giả đều là những trí thức Ca-tô: Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ với cuốn “Ít Nhiều Nhận Định Về Thiên Chúa Giáo”, và trí thức Ca-tô đạo gốc Bùi Văn Chấn, alias Charlie Nguyễn, với 2 cuốn: “Công Giáo Huyền Thoại Và Tội Ác”, và “Công Giáo Trên Bờ Vực Thẳm”. Nguyệt san Giao Điểm ra được 66 số rồi ngưng vì Giao Điểm tham gia Internet với trang nhà giaodiem.com, sau đó, tháng 8 năm 2006, đổi là www.giaodiemonline.com .

 

20 năm làm từ thiện, 66 số Tạp chí ra hàng tháng, hơn 40 Tác phẩm và một trang web với 1 triệu lần truy cập …

 

 

Thật ra thì chủ trương “giải hoặc Ki Tô Giáo” của Giao Điểm đã đi sau Tây phương cả nhiều thập niên. Phong trào “giải hoặc Ki Tô Giáo” hay “giải thể Ki Tô Giáo” [de-Christianization] đã có từ lâu ở Tây phương và Bắc Mỹ. Các trí thức Tây phương, qua những tác phẩm nghiên cứu sâu rộng về cuốn Thánh Kinh của Ki Tô Giáo, về lịch sử Ki Tô Giáo nói chung, Ca-tô Rô-ma Giáo nói riêng, đã trình bày cho quần chúng thấy Thánh Kinh không đúng như các tín đồ thường hiểu qua những lời giảng của các bề trên trong nhà thờ, cùng đưa ra những mâu thuẫn, hoang đường phản khoa học và những đoạn không thể đọc được trong Thánh Kinh, nhất là đối với giới trẻ chưa trưởng thành, những giáo lý, tín lý của Ca-tô Rô-ma Giáo đưa ra không có cơ sở trong Thánh Kinh, lịch sử tàn bạo của Ca-tô Rô-ma Giáo cũng như Tin Lành v…v…. Sự suy thoái của Ki Tô Giáo trên toàn thế giới ngày nay, trừ một số ốc đảo nhỏ nhoi ở Á Châu, không phải là do sự đánh phá Ki Tô Giáo từ bên ngoài, hay từ CS, mà là trước những thông tin được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, các tín đồ Ki Tô Giáo trong các nước tân tiến Tây phương đã hiểu biết hơn nhiều về bản chất thực sự của Ki Tô Giáo.

Hoàn cảnh Việt Nam không như Tây phương vì những khúc mắc lịch sử. Gần 100 năm bị Pháp đô hộ, trong thời gian này Ca-tô Rô-Ma Giáo trở thành một tổ chức đáng kể vì có hậu thuẫn của Pháp, tuy chỉ chiếm có 5-7% dân số. Rồi đến cuộc kháng chiến chống Pháp, và sau 1954, miền Nam rơi vào tay một Tổng thống với tinh thần của một phán quan Tây Ban Nha, và tập đoàn Ca-tô cuồng tín đã thao túng xã hội và chính trường sau chiêu bài chống Cộng, sách lược cố hữu của Vatican. Không phải là CS ác hơn Ca-tô hay CS là vô thần, Ca-tô chống CS là vì sự đối nghịch ý thức hệ. Rồi Mỹ nhảy vào thay thế Pháp và chiến tranh kéo dài tới 1975. Trong khoảng thời gian gần 100 năm này, không có một ai được học về những sự thực lịch sử của Ca-tô Rô-ma Giáo ở Tây phương và trên thế giới. Kiến thức về tôn giáo của quần chúng bị giới hạn rất nhiều, và Ca-tô Giáo giữ độc quyền nhồi sọ người dân.

Vật đổi, sao dời, chiến tranh kết thúc. Hơn 2 triệu người Việt được gọi là dân tỵ nạn CS đã di tản trên khắp thế giới, đa số ở Mỹ. Nơi đây, một số người Việt có cơ hội nghiên cứu về tôn giáo, với những tài liệu tràn ngập trong các tiệm sách lớn và trong hầu hết mọi thư viện lớn nhỏ. Những bài trên Giao Điểm thuộc loại hiếm hoi vì không có cơ quan truyền thông Việt Nam nào dám đụng đến những vấn đề nhạy cảm tôn giáo mà từ trước tới nay, do áp lực của thế lực đen, một thế lực không sợ tội lỗi mà chỉ sợ sự thực, đó là điều cấm kỵ Cũng vì vậy mà Giao Điểm bị chống đối và vu khống đủ điều, của những người cuồng tín Ca-tô và cả một số nhỏ người hiểu hời hợt về Phật Giáo, không nhìn ra được vấn nạn Ki Tô Giáo. Một thủ đoạn vu khống của một số người không có đầu óc là chụp mũ Giao Điểm, và nhất là tôi, Trần Chung Ngọc, và Gs Nguyễn Mạnh Quang mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào, là CS hay tay sai của CS, thi hành chính sách chống Ca-tô Giáo của CS. Nhưng thủ đoạn chụp mũ của họ chẳng có ảnh hưởng gì, nhiều lắm là khích động được một số người hạ lưu và hạ căn, không đủ khả năng phản biện nên chỉ cất lên những tiếng hạ cấp để mạ lỵ cá nhân, tưởng như vậy là có thể vô hiệu hóa những công trình nghiên cứu của chúng tôi. Họ thật đần độn, không nghĩ ra sự vô lý khi họ lên án chúng tôi là tay sai CS, theo sách lược chống Thiên Chúa Giáo của CS. Thật vậy, nếu chúng tôi là tay sai của CS trong sách lược chống Ca-tô giáo thì tại sao Nhà Nước không cho in lại và phổ biến những cuốn sách của Giao Điểm và của Gs Nguyễn Mạnh Quang ở trong nước ? Ai cũng biết các lực lượng Ca-tô giáo ở hải ngoại không đáng kể, phần chính là ở trong nước. Vậy nếu CS muốn chống Ca-tô giáo thì chống ở trong nước chứ chống ở hải ngoại làm gì. Đó là điều mà những người chụp mũ vu vơ Giao Điểm không nghĩ ra.

◄ ● ►

Sau đây tôi sang phần nhận định về bài “Bao Dung Tôn Giáo –Thượng Tọa Tuệ Sỹ Và Tôi” của ông Tâm Quảng. Tôi thấy ông ta chưa nắm được nghệ thuật phê bình. Phê bình một bài báo, một cuốn sách, một ý kiến trong giới trí thức và trong lãnh vực học thuật có những tiêu chuẩn của nó. Không thể muốn nói gì thì nói, và nhất là không bao giờ phê bình cá nhân mà chỉ phê bình trên các chủ đề. Không bao giờ được nói là tại sao ông/bà không nói về vấn đề này hay vấn đề khác ngoài chủ đề. Thí dụ, khi tôi viết về mặt tiêu cực của Ca-tô Giáo thì không ai có quyền hỏi là tại sao không viết về mặt tích cực của Ca-tô Giáo. Hoặc khi tôi viết về những sự thực mà người ta cho là tôi “chống Ca-tô” thì không ai có quyền hỏi là tại sao tôi không chống CS v…v… Những câu hỏi lãng xẹt ngoài chủ đề như vậy là có ý áp đặt người khác phải theo ý của mình, điều không thể chấp nhận trong lãnh vực học thuật. Bất kể tác giả cuốn sách đó, bài báo đó, ý kiến đó là ai, vấn đề chính là nội dung đúng hay sai. Cho nên, đi vào lãnh vực phê bình này không phải là dễ.

Nếu ông Tâm Quảng không đồng ý và muốn phê bình ý kiến của Thượng Tọa Tuệ Sỹ thì ông ta phải phân tách từng điểm một trong ý kiến của Thượng Tọa Tuệ Sỹ và phản biện với lý luận có thể thuyết phục độc giả.

■ Thứ nhất, TT Tuệ Sỹ nói:

Những người cọng sản Việt Nam nay đã không còn lý tưởng nữa. Họ chỉc cần tiền, trong khi đó thì Vatican là một thế lực lớn, họ có tiền. Họ sẵn sàng dùng tiền để mua chuộc các cán bộ cọng sản. Cả hai kết hợp với nhau để đánh phá Phật giáo.

Để phản biện, ông Tâm Quảng phải chứng minh ít ra là Cọng sản VN ngày nay vẫn còn lý tưởng, không cần tiền, Vatican không phải là một thế lực lớn, có tiền, và Công giáo VN chưa hề dùng tiền để mua chuộc cán bộ CS, hoặc CG và CS không hề đánh phá Phật Giáo.. Nếu ông Tâm Quảng không chứng minh được điều này thì có nghĩa là TT Tuệ Sỹ nói đúng.

 

■ Đến câu sau của TT Tuệ Sỹ:

Nhưng trong hai thế lực đó, cọng sản không còn đáng lo nữa, chuyện cọng sản sụp đổ là điều không thể tránh khỏi, cho nên về lâu về dài, thế lực của Thiên Chúa Giáo mới là điều đáng lo. Tôi đã nói với các Thầy rồi nhưng các Thầy không chịu nghe.

thì ông Tâm Quảng đã đi ra ngoài lãnh vực phê bình khá xa rồi. Cũng như trên, muốn phê bình thì ông Tâm Quảng phải chứng minh ý kiến trên của TT Tuệ Sỹ là không đúng. Tôi nghĩ ông Tâm Quảng chưa đủ khả năng để làm việc này. Nhưng ông Tâm Quảng lại lái sang những vấn đề khác theo cái hiểu và ý nghĩ của ông ta. Khi ông Tâm Quảng, trong một cuộc nói chuyện với TT Tuệ Sỹ, có đề cập đến Thiên Chúa Giáo và sách của Giao Điểm [không nói rõ là đề cập như thế nào, có đúng hay không] thì TT Tuệ Sỹ đưa ra ý kiến như trên. Và ông Tâm Quảng lại viết:

Tôi không hiểu tại sao thượng tọa lại tỏ vẻ rất bất bình với những người lãnh đạo Giáo Hội với một phật tử tại gia như tôi. Việc mình đề xuất ý kiến mà không được chấp thuận là chuyện thường tình. Nếu vì lẽ đó mà bất bình, hóa ra mình bắt người khác phải chấp nhận ý kiến của mình hay sao? Bắt người khác phải chấp nhận ý kiến của mình chính là nguồn gốc của những chế độ độc tài. Và đã là độc tài thì không có chế độ độc tài nào tốt hơn hay xấu hơn chế độ độc tài nào cả, cho dù là độc tài đảng trị hay gia đình trị hay tôn giáo trị... Hơn nữa, thái độ bắt người khác phải chấp nhận ý kiến của mình hoàn toàn đi ngược với giáo lý của Phật.

Ơ hay nhỉ, đây là ý kiến của một TT về thế sự một cách tổng quát, có gì là chấp thuận hay không chấp thuận ý kiến của ông Tâm Quảng đề xuất, nhất là ông Tâm Quảng lại không nói rõ cái ý kiến mà ông đề xuất là như thế nào về Thiên Chúa Giáo hay về Giao Điểm, hay về chống Cộng. Trong ý kiến của TT Tuệ Sỹ, có chỗ nào chúng ta thấy TT bắt người khác phải chấp nhận ý kiến của mình không? Ông Tâm Quảng đã viết ẩu, đặt ý nghĩ của mình vào đầu TT Tuệ Sỹ. Câu của TT Tuệ Sỹ: Tôi đã nói với các Thầy rồi nhưng các Thầy không chịu nghe là có ý phàn nàn vì các Thầy không chịu nhìn ra một vấn đề nghiêm trọng đối với tương lai đất nước, chứ TT Tuệ Sỹ hiện ở cương vị nào mà bắt người khác phải chấp nhận ý kiến của mình. Ông Tâm Quảng đã dựng lên một người rơm [TT Tuệ Sỹ bắt người khác phải chấp nhận ý kiến của mình, bất bình với những người lãnh đạo Giáo hội và với ông Tâm Quảng,] để rồi tự tay mình quật người rơm xuống [như vậy là chế độ độc tài, hoàn toàn đi ngược với giáo lý của Phật] Thử hỏi ông Tâm Quảng biết được bao nhiêu giáo lý của Phật so với TT Tuệ Sỹ.

■ Sau đó ông Tâm Quảng dựng lên một người rơm khác: “Hai là tôi không nghĩ một vị tu sĩ Phật giáo lại có thể nói đến một tôn giáo khác và có tính cách kỳ thị tôn giáo như vậy.” Thật ra ý kiến của TT Tuệ Sỹ có phải là kỳ thị tôn giáo khác hay không, hay đó chỉ là một nhận định rất chính xác đối với những người có đôi chút hiểu biết về Thiên Chúa Giáo. Phật Giáo gắn liền với dân tộc, việc liên quan đến dân tộc cũng là việc của Phật Giáo. Cho nên, một tu sĩ Phật Giáo cũng như hàng cư sĩ phải thấy được những hiểm họa có thể xảy ra trên đất nước để đề phòng.. Nếu chỉ ngồi hít vào thở ra thì chỉ có ích cho riêng cá nhân mình mà không giúp ích được gì cho xã hội, cho dân tộc. Tinh thần Đại Thừa không cho phép như vậy. Tại sao ông Tâm Quảng lại có thể nói một nhận định về Thiên Chúa Giáo là kỳ thị tôn giáo. Kỳ thị tôn giáo rõ ràng hơn bao giờ hết dưới thời Ngô Đình Diệm ở miền Nam, đó là một kinh nghiệm đắt giá cho chủ trương thu vào cái vỏ Phật Giáo, không màng gì đến thế sự. Nếu vậy thì đã không có Phật Giáo đấu tranh 63.

■ Cuối cùng ông Tâm Quảng đưa ra ý kiến thứ ba, nhưng trước khi đưa ra ý kiến thứ ba, ông ta viết đoạn sau đây:

Thật thà mà nói, lần đầu tiên khi đọc những cuốn sách Nguyễn Trường Tộ, Thực Chất Con Người Và Di Thảo, Đối Thoại Với Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II do nhà xuất bản Giao Điểm ấn hành, tôi không khỏi có cảm tưởng “hả hê” với tâm thức của người đã từng tham gia các phong trào đấu tranh Phật giáo 1963 – 1966 khi có người công khai nói lên những điều mà trước 1975 ở miền Nam được xem là cấm kỵ.

Tuy nhiên từ khi tiếp xúc với giáo lý đạo Phật, tôi thấy có điều gì không ổn trong thái độ bài Thiên Chúa Giáo. Trong cuốn Phật Dạy Những Gì của Walpola Rahula do Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch, cuốn sách đã được đưa vào giáo trình của Viện Đại Học Vạn Hạnh trước 1975, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần và đánh dấu đoạn:

Trong một lời tuyên bố của Hoàng Đế (A Dục Vương) khắc trên trụ đá đến nay ta còn đọc được: “Người ta không nên chỉ kính trọng tôn giáo của riêng mình và bài bác những tôn giáo của kẻ khác, mà phải kính trọng tôn giáo kẻ khác vì lý do này hay lý do khác. (...) Kẽ nào chỉ kính trọng tín ngưỡng của mình và bài xích những tín ngưỡng khác, thực ra họ đã làm thế vì sùng kính tín ngưỡng của riêng mình, nghĩ rằng: Tôi sẽ làm rạng danh tôn giáo của tôi. Trái lại, khi làm thế họ đã làm tổn thương tôn giáo mình một cách trầm trọng. Bởi thế sự hòa hảo là tốt đẹp: mọi người nên lắng nghe, và có thiện chí lắng nghe những lý thuyết mà người khác đề xướng.”

Từ đó tôi nhận thức rằng cảm tưởng “hả hê” của tôi khi đọc những cuốn sách nói trên thật là ấu trĩ.

Tôi cũng ngạc nhiên khi thấy ở thời điểm đó trên trang nhà Đạo Phật Ngày Nay những bài viết của TS Trần Chung Ngọc. Những bài viết chống phá Thiên Chúa Giáo một cách cay độc như vậy không nên xuất hiện trên một trang nhà Phật giáo.

Nhận thức của ông Tâm Quảng sau khi đọc di chỉ trên trụ đá của Vua A Dục chỉ là nhận thức cá nhân, chắc chắn không phải là nhận thức của những người khác đọc sách của Giao Điểm, và rất có thể bắt nguồn từ một sự thiếu hiểu biết. Những sách của Giao Điểm không phải ai đọc cũng biết được mục đích của tác giả. Tất cả những luận điệu như chống phá Thiên Chúa Giáo, chia rẽ tôn giáo v… v…chỉ là đoán mò. Chủ trương “giải hoặc Ki Tô Giáo” của Giao Điểm đã chính thức công bố trên báo Giao Điểm và trên trang nhà Giao Điểm. Người ta không nhận thức được thế nào là “giải hoặc Ki Tô Giáo” và đưa ra luận điệu ngớ ngẩn là người Tây phương thì làm được nhưng Phật tử Việt Nam thì không làm được, không biết rằng Phật tử cũng chỉ là một công dân của một nước trong cộng đồng thế giới. Cư sĩ Phật Giáo không phải là nhà tu hành, hàng ngày phải đối diện với những vấn nạn liên quan đến xã hội, đất nước, dân tộc, và phải có bổn phận góp phần nâng cao sự hiểu biết của người dân trên mọi lãnh vực, tôn giáo cũng không ra ngoại lệ. Ông Tâm Quảng trích dẫn câu của Vua A Dục và coi đó là khuôn vàng thước ngọc để mà sống như là một Phật tử chân chính. Nhưng Phật Giáo là tôn giáo của trí tuệ. Tin vào một bản văn mà không biết phải áp dụng điều dạy trong bản văn đó như thế nào, trong những trường hợp nào, thì thà đừng tin còn hơn. Tận tín thư bất như vô thư. Tới đây tôi thấy cần phải nhắc lại Kinh Nền Tảng Đức Tin của Phật Giáo:

Căn bản đức tin trong Phật Giáo nằm trong Kinh Nền Tảng Đức Tin, thường được biết là Kinh Phật thuyết cho người dân Kalama.

Sau đây là "Kinh Nền Tảng Đức Tin" của Phật Giáo, (Tỳ Kheo Thích Nhật Từ, Kinh Tụng Hằng Ngày, Đạo Phật Ngày Nay, Phật Lịch 2546, trang 98-99):

...Này các thiện nam tín nữ Ka-la-ma, nhân đây Như Lai sẽ giảng giải về 10 nền tảng của đức tin chân chánh:

- Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.

- Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.

- Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.

- Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.

- Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.

- Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.

- Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.

- Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.

- Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.

- Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.

Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: "Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán, nếu sống và thực hiện lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài" thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo.

Như vậy, trước khi đặt niềm tin vào điều gì chúng ta phải suy tư nghiền ngẫm điều đó và nghĩ xem nếu áp dụng điều đó vào trong đời sống thì sẽ mang lại lợi ích gì, cho mình hay cho ai. Bây giờ chúng ta hãy xét đến đoạn ông Tâm Quảng trích dẫn của Vua A Dục. Vua A Dục sinh năm 304 trước thời đại thông thường ngày nay (BCE = Before Common Era). Trong thời của Vua A Dục và ở địa phương đó không hề có chuyện các tôn giáo bài bác chém giết lẫn nhau. Mỗi phái tu theo một lối, chẳng có ai đụng chạm đến ai. Và Vua A Dục đã khắc trên trụ đá để cảnh báo những toan tính nào chỉ trích tôn giáo khác với mục đích đề cao tôn giáo mình. Ở thời đó, trên thế giới chưa xuất hiện “con "quái vật có 7 đầu và 10 sừng", "con điếm nổi danh", "mẹ đẻ của những sự đồi bại "” [la "Bête" immonde, "aux sept têtes et dix cornes", la "prostituée fameuse", "la mère des abominations"]. (Xin đọc Henri Guillemin trong “Malheureuse Église”), và sau khi con quái vật này xuất hiện thì thế giới phải gánh chịu bao nhiêu sự tàn bạo vì tinh thần cuồng tín, kỳ thị tôn giáo và chủ trương độc tôn của nó. Khung cảnh tôn giáo đã thay đổi nhiều, không còn như trong thời đại của Vua A Dục. Nếu đưa ra những sự thực về một tôn giáo với lịch sử ác ôn độc nhất vô nhị trên thế giới, vì không có một tôn giáo nào như vậy, mà gọi là chỉ trích tôn giáo, hay chống tôn giáo, hay chia rẽ tôn giáo v..v.. thì đó chỉ là những tư tưởng khá ấu trĩ trong thời đại ngày nay, khoan nói đến chuyện không biết gì về tình hình tôn giáo trên thế giới trong thời nay..

Chuyện chỉ trích tôn giáo, hay nói khác đi, đưa ra những sự thực về tôn giáo, giới trí thức Tây phương đã làm từ 200 năm nay rồi. Nhưng có vẻ như có một số người cho rằng người Việt Nam, nhất là Phật tử Việt Nam, thì không được làm công việc nghiên cứu và trình bày sự thực về tôn giáo như các trí thức Tây phương, vì Vua A Dục đã dạy từ 23 thế kỷ trước, không nên chỉ trích tôn giáo khác, bất kể là thực chất tôn giáo này có phải là một tôn giáo hay không. Có ai thấy trên Giao Điểm, các tác giả đưa ra những sự thật về Ki Tô Giáo đồng thời đề cao Đạo Phật chưa? Khoan nói là các tác giả viết trên Giao Điểm không hẳn tất cả đều là Phật tử. Vấn đề chính trong lãnh vực học thuật là, bất kể tác giả một bài viết là ai, là Phật tử hay người Ca-tô, người Hồi giáo hay người Do Thái giáo, những gì họ viết đúng hay sai, nếu sai thì phản biện chỉ ra những điểm sai. Nếu không làm được thì xin giữ yên lặng, đừng có chụp mũ này mũ nọ lên đầu tác giả rồi lái sang vấn đề khác.

Ông Tâm Quảng cũng cho là trang nhà Đạo Phật Ngày Nay không nên đăng những bài “chống phá Thiên Chúa Giáo cay độc” [sic] của tôi vì Đạo Phật Ngày Nay là một trang nhà Phật Giáo. Chắc ông ta cho rằng những người chủ biên trang nhà Đạo Phật Ngày Nay chưa bao giờ biết đến Vua A Dục. Và trang nhà Đạo Phật Ngày Nay chỉ nên đăng những bài hợp với ý của ông Tâm Quảng. Thời đại này là thời đại nào. Thế kỷ 21 hay là thế kỷ 3 trước thời đại thông thường. Thật ra Đạo Phật Ngày Nay chỉ đăng có vài bài thuộc loại nghiên cứu của tôi, và nhìn vào những bình luận của độc giả, trừ vài người theo Ki Tô Giáo, sẽ thấy phản ứng của họ như thế nào. Thí dụ trong bài đối chiếu Ca-tô Giáo và Phật Giáo, tôi đã trích dẫn những lời phê phán của 100 trí thức, danh nhân về Ki Tô Giáo, cũng như những lời phê phán về Phật Giáo của 100 trí thức, danh nhân trên thế giới. Như vậy mà ông Tâm Quảng cho là ĐPNN đã đăng những bài chống Ca-tô một cách … cay độc. Hiểu như vậy thì không nên hiểu còn hơn.

Tôi thực tình không nhớ đã tranh luận với ông Tâm Quảng khi nào và nội dung cuộc tranh luận ra sao? Nhưng nếu tôi đã thực sự chạy làng, tuyên bố không tiếp tục tranh luận nữa, thì lý do có thể là không thể tranh luận vì mỗi người nhìn vấn đề một khác và cũng có thể tôi không thể tranh luận với một người như ông Tâm Quảng..

■ Sau đây là lý do thứ ba của ông Tâm Quảng:

Lý do thứ ba tôi ngạc nhiên khi nghe thượng tọa Tuệ Sỹ nói như trên là vì nếu dân tộc và đạo pháp không thể tồn tại trong thời gian hiện tại dưới nguy biến độc tài và nạn ngoại xâm thì việc chống đở với những điều mà thượng tọa cho là “nguy cơ về lâu dài” thật là quá vô nghĩa!

Ngày nay trước việc Trung Cọng lấn đất lấn biển, đưa người vào Tây Nguyên khai thác Bâu Xít, hiểm họa mất nước và ô nhiễm môi trường là điều trông thấy trước mắt, người dân Việt Nam không thể không có hành động. Đây không còn là lúc có thể trì hoãn được nữa! Một khi Trung Cọng đã xâm chiếm lãnh thổ của ta, một khi rừng núi Tây Nguyên đã bị tàn phá, môi trường ở Tây Nguyên đã bị ô nhiễm bởi bùn đỏ, việc khôi phục lại giang sơn và môi trường là những chuyện thiên nan vạn nan và hầu như là những việc không thể làm được.

Tôi rất ngạc nhiên tại sao một học giả được nhiều người khen ngợi là có trí tuệ uyên bác như thượng tọa Tuệ Sỹ lại chỉ thấy một kẻ thù giả định là Vatican trong khi lại không nhìn thấy một kẻ thù thực tế khổng lồ sừng sững trước mắt mình là Trung Cọng?

Tôi thật sự rất ngạc nhiên khi đọc đoạn trên của ông Tâm Quảng phê bình TT Tuệ Sỹ mà là không phải phê bình. Ông Tâm Quảng viết:

Một lần khác tôi đến thăm thượng tọa Tuệ Sỹ và nói chuyện về tình hình Việt Nam trong đó có đề cập đến Thiên Chúa Giáo và sách của Giao Điểm, thượng tọa Tuệ Sỹ nói với tôi đại ý như sau.

Độc giả không thể biết là ông nói chuyện tình hình Việt Nam như thế nào, đúng hay sai, theo quan điểm và cảm tính cá nhân, hay theo sự hiểu biết chính xác về tình hình thế giới, và ông ta đã đề cập đến Thiên Chúa Giáo và sách Giao Điểm như thế nào, vì ông ta không nói rõ. Nhưng ý kiến của TT Tuệ Sỹ là chỉ về CS và Thiên Chúa Giáo, có thể là TT không đọc sách của Giao Điểm. Nhưng ông Tâm Quảng lại muốn chỉ đạo văn hóa, muốn TT Tuệ Sỹ cũng phải quan tâm về những vấn đề như mình. Trong cuộc tiếp xúc riêng với TT Tuệ Sỹ, ông ta có thể đưa ra những đề nghị như vậy, nhưng trong một bài nhận định về một câu nói của TT Tuệ Sỹ, đăng trên diễn đàn truyền thông để cho mọi người đọc, thì ông không thể đưa ra những câu hỏi như vậy vì nó hoàn toàn lạc đề.. Nếu nói về uy tín cá nhân thì ông Tâm Quảng là gì đối với TT Tuệ Sỹ?

Nạn ngoại xâm thì chưa xẩy ra, tùy theo chúng ta hiểu thế nào là ngoại xâm. Còn nguy biến độc tài thì có gì cản trở để Phật Giáo không phát triển được hay không tồn tại. Các Chùa đều có thuyết Pháp và Phật tử tự do đến nghe, chẳng có ai cấm cản. Kỷ niệm 1000 Thăng Long tại Chùa Hoằng Pháp có nhiều ngàn Phật tử tham dự, ngồi hàng rất ngay ngắn. Tôi mới về Việt Nam và chẳng có vấn đề gì đi đến Chùa lễ Phật. Lẽ dĩ nhiên, Nhà Nước còn kiểm soát và Phật Giáo không phải là không có những khó khăn để có thể tự do chấn hưng, phát triển theo ý muốn. Mặt khác nội bộ Phật Giáo cũng không phải là thuần nhất. Nhưng với thời gian, những khó khăn từ ngoài hay từ trong trên không phải là không vượt qua được.

Ông Tâm Quảng nghĩ rằng trong nước, nhất là trong chính quyền, không có ai quan tâm đến những vấn đề về Trung Cộng mà ông nêu ra hay sao ? Ông hãy đưa ra một kế hoạch đối phó chứ ngồi đó mà kêu gọi người dân phải hành động, không thể trì hoãn được nữa, thì hành động như thế nào? Mỗi người hành động theo sự hiểu biết của mình? Và có bao nhiêu phần trăm người dân quan tâm đến những điều mà ông Tâm Quảng quan tâm? Hay là chính quyền phải mang quân chiếm lại Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông? Hay đuổi Tàu ra khỏi Tây Nguyên? Chính trị quốc tế không phải là điều để cho người dân thường như chúng ta xía vào vì thiếu những thông tin chính xác. Tôi không muốn bàn thêm về những vấn đề mà tôi không nắm được thông tin đầy đủ. Đọc tin tức trên diễn đàn truyền thông hải ngoại thì cũng như không đọc.

Ông Tâm Quảng rất ngạc nhiên tại sao một học giả được nhiều người khen ngợi là có trí tuệ uyên bác như thượng tọa Tuệ Sỹ lại chỉ thấy một kẻ thù giả định là Vatican trong khi lại không nhìn thấy một kẻ thù thực tế khổng lồ sừng sững trước mắt mình là Trung Cọng?

Ông có bao giờ nghĩ đến chuyện, chính vì có trí tuệ uyên bác nên TT Tuệ Sỹ mới có thể nhìn thấy một vấn đề mà nhiều người khác, trong đó có ông Tâm Quảng, không nhìn thấy. Đó là tất cả vấn đề. Tàu là mối thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam, chẳng phải của riêng ông Tâm Quảng. Nhưng Việt Nam là một nước nhỏ, với 86 triệu dân, nằm ngay dưới Trung Quốc với hơn 1 tỷ 3 dân, chính trị Việt – Hoa không phải là chuyện đùa. Hãy học kinh nghiệm ngàn đời của ông cha ta đối với Trung Quốc. 1979, Tàu định dạy cho VN một bài học, kết quả ra sao. Trong thời cận đại Ông Hồ đã đuổi quân của Lư Hán ra khỏi lãnh thổ, và sau đó đi giây đu giữa Nga và Tàu trong cuộc chiến chống Mỹ.

Vấn đề chính với ông Tâm Quảng là ông không có quyền phê bình TT Tuệ Sỹ là không nhìn thấy những cái mà ông nhìn thấy, trong khi ông lại không nhìn thấy cái mà TT Tuệ Sỹ nhìn thấy.

 

Trần Chung Ngọc

Grayslake, IL., Ngày Đông Chí