TẢN MẠN XUNG QUANH VẤN ĐỀ

JOSEPH RATZINGER ĐƯỢC BẦU LÀM GIÁO HOÀNG

Trần Chung Ngọc

Gửi bài này cho bạn bè 31 tháng 10, 2007

 

 

Ngày thứ ba, 19 tháng 4, 2005, các hồng y của Ca-tô Giáo Rô-ma đã bầu xong một giáo hoàng mới: Hồng Y người Đức Joseph Ratzinger. Ratzinger lấy danh hiệu giáo hoàng là Benedict XVI. Các tín đồ Ca-tô rất hân hoan vì giáo hoàng John Paul II, vị đại diện của Chúa trên trần, mới chết đi, nay họ đã có ngay một giáo hoàng mới, một vị đại diện của Chúa mới, để chăn dắt họ, và cho họ được hiệp thông với Chúa ở trên thiên đường.. Hân hoan, tuyệt đối tuân phục Giáo hoàng, xưng tụng giáo hoàng “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ” là cái quyền duy nhất mà các tín đồ Ca-tô được hưởng. Lẽ dĩ nhiên, thường thì họ chẳng biết Giáo hoàng là người như thế nào. Đặc biệt là giáo dân Việt Nam, với truyền thống mà một “bậc trí thức Ca-tô Việt Nam” đã nhận định: “Vatican có đánh rắm cũng khen thơm”, thì cứ là giáo hoàng thì phải quỳ lạy, ca tụng, khen thơm, có thế thôi. Kể cũng lạ, một ông giáo hoàng chết đi, bầu một ông khác trong giáo hội làm giáo hoàng, đó là chuyện dĩ nhiên, nhưng người ta vẫn reo mừng, có người khóc sướt mướt vì cảm động, như là chứng kiến một chuyện lạ chưa từng thấy trên thế gian. Thật là khó hiểu. Phải chăng họ sợ nếu không có giáo hoàng thì không có ai cho họ được hiệp thông với Chúa trên thiên đường?

Về phương diện học thuật (scholarship) trong giới trí thức, vấn đề có khác. Người ta muốn biết giáo hoàng mới là người như thế nào, đạo đức ra sao, có chủ trương như thế nào, vì dù sao với gần một tỷ tín đồ, Giáo hoàng của Ca-tô Giáo Rô-Ma cũng có ảnh hưởng ít nhiều trong cộng đồng thế giới. Bài này chỉ có mục đích đưa lên vài nét về vị tân giáo hoàng mà tôi tin chắc là tuyệt đại đa số tín đồ Ca-tô, đặc biệt là tín đồ “mít”, không hề biết đến.

Tờ The Australian đã tóm tắt về cuộc đời và đức tin của Ratzinger như sau:

“Ông ta có cùng quan điểm với giáo hoàng người Ba Lan (John Paul II): rằng chỉ có một Giáo hội Ca-tô thống nhất với những giá trị tuyệt đối mới có thể chống lại chủ thuyết toàn trị và những toan tính của chủ thuyết vật chất của Tây phương. Hồng y (Ratzinger) bị “sốc” bởi những cải cách của Công Đồng Vatican II trong thập niên 1960, khi những đoan quyết cổ xưa phải nhường chỗ cho sự tranh luận trí thức và tranh luận thần học... Hồng y (Ratzinger) cũng đã mạ lỵ Phật Giáo, Ấn Giáo và các tôn giáo Đông phương khác là đưa ra niềm hi vọng sai lầm qua “con đường tâm linh tự thỏa dâm”, lên án giới truyền thông là phóng đại xì-căng-đan linh mục loạn dâm với trẻ con trong giáo hội (Ca-tô) ở Bắc Mỹ và khuyến khích trở lại dùng tiếng La-Tinh trong lễ mi-sa”

(He shares the view of the Polish Pope ... that only a united Catholic Church with absolute values can stand against totalitarianism and the temptations of Western materialism. The cardinal was shocked by the reforms of the Second Vatican Council in the 1960s, when the old certainties gave way to intellectual and theological debate. ... The cardinal has also condemned Buddhism, Hinduism and other Eastern religions as offering false hope through "auto-erotic spirituality", accused the media of exaggerating the extent of the pedophilia scandals in the North American Church and encouraged a return to the Latin Mass.)

Tại sao hồng y Joseph Ratzinger lại có thể thốt ra những lời phê bình thô tục có thể nói là hạ cấp, vô giáo dục, phi đạo đức tôn giáo, về Phật Giáo như vậy? Cái cốt đạo đức tôn giáo của nhiều vị lãnh đạo Ca-tô Giáo Rô-ma nó là như vậy. Từ xưa, Ca-tô Giáo đã coi các tôn giáo khác là thấp kém, thờ ma quỷ, và đã đồng hành với các thế lực thực dân Tây phương, tự ban cho nhiệm vụ mang niềm tin mù lòa tin bướng tin càn vào một người Do Thái của Ca-tô Giáo để đi “văn minh hóa” các dân tộc mọi rợ. Ngày nay, chúng ta hẳn còn nhớ giáo hoàng John Paul II đã lên tiếng phê bình các mục sư Tin Lành truyền đạo ở Nam Mỹ là “Những con chó sói đói mồi.” Đạo đức tôn giáo của vị chủ chăn Ca-tô (JPII) và phụ tá đắc lực của ông, Joseph Ratzinger, người nắm chức vụ Bộ Trưởng “Bộ Giáo Lý Đức Tin” (Congregation for the Doctrine of the Faith), hậu thân của Tòa Án xử dị giáo (formerly known as the Holy Inquisition), của Ca-tô Giáo Rô-ma, là như vậy. Động lực chính khiến cho vị chủ chăn JPII cũng như phụ tá Ratzinger thốt ra những lời phi đạo đức tôn giáo mà không ai có thể chấp nhận như trên là vì sự nở rộ của Phật Giáo trong thế giới văn minh Âu Mỹ, và sự suy thoái của Ca-tô Giáo trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Nam Mỹ trước sự tấn công của Tin Lành. Vì thiếu căn bản đạo đức và giáo dục tôn giáo cho nên hai vị chủ chăn Ca-tô đã phải xử dụng đến loại ngôn từ hạ cấp để xuyên tạc và hạ thấp các tôn giáo khác.

Các tín đồ Ca-tô mít khen thơm Joseph Ratzinger là đã có bằng Tiến Sĩ Thần Học khi mới có 26 tuổi, và ông ta đã là giáo sư môn Thần Học tại đại học nổi tiếng Tubingen, từ 1966 đến 1969, và sau đó là giáo sư thần học và tín lý tại đại học Regensburg. Nhưng họ không biết rằng, phần quan trọng trong luận án tiến sĩ của Ratzinger đã bị bác bỏ, khiến cho ông ta phải viết lại và chỉ trình cho ban giám khảo phần lịch sử trong luận án lúc đầu (Theo tài liệu trong “Courrier de Rome” trên Internet: This degree (Doctor of Theology) he obtained Feb. 21, 1957, at nearly 30 years of age, but not without controversy. The “critical” part of his thesis was, in fact, rejected, in such a way that he was obliged to truncate and edit it, and present to the committee just the “historical” part of the original..). Họ cũng không biết rằng, ở đại học Tubingen, Ratzinger đã bị các sinh viên trẻ, có đầu óc cởi mở, tiến bộ, chất vấn về nền thần học và các tín lý Ca-tô mà ông ta không thể dùng để thuyết phục họ, cho nên ông ta phải bỏ đại học đó để về dạy thần học và tín lý ở đại học thủ cựu Regensburg.

Nhưng hiển nhiên là cái bằng Tiến Sĩ Thần Học không bảo đảm cho đạo đức tôn giáo của ông ta, vì thật ra Thần Học trong Ca-tô Giáo chỉ là một môn học nhằm mục đích đào tạo những người có nhiệm vụ nhồi sọ tín đồ bằng những ngụy biện hoang đường về sự hiện hữu của một Thiên Chúa. Tất nhiên, cái bằng Tiến Sĩ Thần Học này rất có giá trị đối với đám tín đồ thấp kém, ít hiểu biết, đã được nhào nặn từ khi mới sinh ra đời để hoàn toàn tuân phục bề trên. Ngoài Ki-tô Giáo ra, cái bằng Tiến sĩ Thần Học có giá trị gì trong những xã hội phi-Ki-tô? Tại sao? Chúng ta hãy đọc vài tài liệu sau đây:

Giáo sư David Voas, đại học New Mexico, Hoa Kỳ, tác giả cuốn sách khảo cứu Tân Ước nổi tiếng: Cuốn Thánh Kinh Mang Tin Dữ: Cuốn Tân Ước, đã viết trong phần dẫn nhập như sau:

Thần học, đã một thời như là bà hoàng của các khoa học, ngày nay có vẻ chỉ còn là bà hoàng của các tu viện, vẫn đàm tiếu về cùng những chuyện cổ xưa sau khi các em nhỏ hát Thánh ca đã trưởng thành và bỏ đi lâu rồi. Thật là đáng xấu hổ... Thần học - chấp nhận như là môn học về Thiên Chúa - bị coi là không có chủ đề nào, hoặc ít nhất là không có chủ đề nào chúng ta có thể nghiên cứu. Đó là ngành học duy nhất với những chuyên gia thực sự không biết mình đang nói cái gì.

Vì không có chất liệu cho chủ đề, các nhà Thần học phải xử dụng đến hai lãnh vực kỳ quặc: óc tưởng tượng và Giáo quyền... Ngày nay, các tư tưởng gia Ki Tô có nhiệm vụ chứng tỏ Thánh Kinh có ý nghĩa, nhất quán, và có vẻ như là có thể biện hộ cho vấn đề luân lý đạo đức trong đó. Điều này có thể thật là khó khăn.

(David Voas, The Bad News Bible: The New Testament, Introduction: Theology, once queen of the sciences, now seems merely queen of the cloisters, still gossiping about the same old stories long after the choir boys have grown up and moved on. It's a shame... Granted, theology - the study of God - suffers from the suspicion that it has no subject, or at least none we can study. It is the only field with experts who don't know what they are talking about. Their subject matter being inaccessible, theologians must resort to the odd couple of imagination and authority... Christian thinkers now have the job of showing that scripture makes sense, is consistent, and appears morally defensible. This can be difficult.)

Ngoài ra, H. L. Mencken (1880-1956), một Văn hào Mỹ, đã viết:

"Thần học: một nỗ lực để giải thích cái không thể biết được bằng cách đặt sự giải thích vào những cái không đáng biết"

(Theology: an effort to explain the unknowable by putting it into terms of the not worth knowing.)

Và Alfred North Whitehead (1861-1947), một nhà Toán học và Triết gia Mỹ cũng đưa ra nhận định:

Tôi coi nền thần học Ki Tô Giáo như là một trong những tai họa lớn của nhân loại.

(I consider Christian theology to be one of the great disasters of the human race)..

Trong thực tế, ngày nay đã không còn ai coi môn Thần Học có giá trị nữa, vì mọi luận cứ Thần Học để “chứng minh” sự hiện hữu của một Thiên Chúa đều đã bị dứt khoát bác bỏ trước những khám phá của khoa học về vũ trụ nhân sinh. Cũng vì vậy mà phe bảo thủ Tin Lành không dám dùng thần học để chứng minh sự sáng tạo của Thiên Chúa, mà phải tạo ra danh xưng khác như “khoa học sáng tạo” (creation science) để cố nhồi nhét vào đầu óc các học sinh Trung Học niềm tin vào sự sáng tạo của Thiên Chúa như được viết trong Cựu Ước. Nhưng rồi, pháp viện tối cao Hoa Kỳ quyết định “thuyết sáng tạo” không phải là khoa học, nên đã bác bỏ danh xưng ngụy biện này. Và Tin Lành lại phải nghĩ ra một danh xưng khác là “thiết kế thông minh” (Intelligent design) để chỉ công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa Tin Lành. Cho tới ngày nay, thuyết “thiết kế thông minh” cũng không được phép dạy trong các trường Trung Học song song với thuyết Tiến Hóa. Và trong giới truyền thông điện tử Việt Nam hải ngoại, chúng ta cũng chỉ thấy lác đác vài người như Lê Anh Huy, NNLan là còn cố gắng làm ô nhiễm đầu óc người Việt bằng cách chống phá thuyết Tiến Hóa và quảng cáo cho cái thuyết “thiết kế thông minh” rất thiếu thông minh của họ. Tôi sẽ bàn về thuyết này trong một bài riêng.

Khi được bầu làm Giáo hoàng, bộ mặt giả dối, đạo đức giả của Joseph Ratzinger đã để lộ khi ông ta đứng trong khung cửa sổ ở Vatican, tự nhận trước quần chúng tín đồ mình là một “người làm vườn đơn giản và khiêm cung trong vườn nho của Chúa” (a simple and humble worker in the vineyard of the Lord). Không có gì sai sự thực hơn. Vì trước những hành động của ông trong quá khứ, người đời đã gọi ông qua nhiều danh hiệu không lấy gì làm đẹp cho lắm. Danh hiệu nổi tiếng nhất của ông là: “Hồng Y Thiết giáp” (Panzerkardinal), vì ông ta có những hành động liều lĩnh, vô trí tuệ, nói năng bừa bãi, giống như một khối sắt biết di chuyển, chuyên nghề xung kích, và qua lời tuyên bố trước đây của ông về Phật Giáo: “Buddhism is a kind of spiritual auto-eroticism” thì dường như ông ta không có mấy giáo dục và đạo đức tôn giáo của ông ta là một dấu hỏi lớn. Danh hiệu thứ hai “The Vatican’s Enforcer”, có nghĩa là người bắt buộc mọi người khác phải tuân theo luật lệ của Vatican dù những luật lệ này đã lỗi thời. Và danh hiệu thứ ba, suy diễn từ danh hiệu thứ hai, là, theo Đào Viên trên trang nhà Giao Điểm, tháng 4, 2005: “Hồng Y Ratzinger là một người bạo mồm, mạnh miệng, do đó đã được báo chí tặng cho cái hỗn danh là “the God’s Rottweiler” (Rottweiler là một giống chó giữ nhà rất hung tợn). Được nhà báo phỏng vấn về phản ứng đối nghịch của Phật giáo trước cuốn Bước qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng, mà ông là người viết chính, ông đã nói: Theo ông “Buddhism is a kind of spiritual auto-eroticism”. Câu trả lời khiếm nhã này đã nói lên tác phong thấp kém, đầy ác ý đối với Phật giáo..” Ngoài ra, Ratzinger còn được biết dưới vài danh hiệu khác như “Người canh chừng bảo vệ giáo lý chính thống” (The Watchdog of orthodoxy) và “Đại Phán Quan” (The Grand Inquisitor) [vì các biện pháp truy tố, đàn áp nhiều nhà thần học Ca-tô có những điểm không đồng ý với Vatican. TCN]

Cũng như Giáo hoàng tiền nhiệm John Paul II mà Mac Kher trong www.nycny.com đã gọi là một con người đạo đức giả và cố ý lừa dối tệ mạt nhất (This is hypocrisy and duplicity at its worst) [vì ngày hôm trước Giáo Hoàng nói về đối thoại, sự hiểu biết, và sự đoàn kết giữa các tôn giáo. Ngày hôm sau, ông ta nói ngược lại, nhấn mạnh Ki-tô Giáo là tôn giáo chân thật duy nhất, và kêu gọi tín đồ đi cải đạo Á Châu...], Joseph Ratzinger, trong cuộc phỏng vấn của Jean Sévillia, tờ Le Figaro, khi được hỏi là những nhiệm vụ chính của giáo hoàng triều tiếp theo là gì (What will be the great tasks of the next pontificate?), đã trả lời trong đó có đoạn: “Và còn Hồi Giáo và cả Phật Giáo nữa, hai sự thách thức lớn cho thế giới Tây phương. Cần phải đi vào cuộc đối thoại với họ, tìm một con đường để hiểu biết lẫn nhau mà không mất đi ánh sáng lớn đến với chúng ta từ khuôn mặt của Dê-su Kờ-rít.” (And then there are Islam and also Buddhism, the two great challenges for the Western world. It is necessary to set up a dialogue with them, to find a way of understanding each other without losing sight of the great light that comes to us from the figure of Jesus Christ.)

Phê bình Phật Giáo bằng loại ngôn từ hạ cấp như trên có phải là đi vào con đường đối thoại tôn giáo hay không? Và chúng ta không nên quên là ngày 5 tháng 9, 2000, Joseph Ratzinger, với sự chấp thuận của John Paul II, đã tung ra bản tuyên ngôn “Dominus Jesus” trong đó có hai điểm trịch thượng đối với mọi tôn giáo khác như sau:

1. “.. như là một phương tiện đưa đến sự cứu rỗi, những tôn giáo phi-KiTô thiếu sót một cách trầm trọng” (..non-Christian religions are gravely deficient as a means of salvation)

2. “Giáo hội Công Giáo La Mã là phương tiện duy nhất đem đến sự cứu rỗi cho toàn thể nhân loại” (The Roman Catholic Church is the only instrument for the salvation of all humanity)

Cũng vì vậy mà Giáo sư Thần học Ca-tô nổi tiếng trên hoàn cầu, Hans Kung, đã đưa ra một nhận định về bản tuyên ngôn “Dominus Jesus” là “một sự pha trộn của tính chất lạc hậu thời Trung Cổ và Tâm Lý Bệnh Hoạn về Những Ảo Tưởng Hão Huyền về Quyền Lực hay Toàn Năng của Vatican” (A mixture of medieval backwardness and Vatican megalomania). [Megalomania = A psycho-pathological condition in which fantasies of wealth, power or omnipotence predominate]

Tin mới nhất cho biết, trong lễ mi-sa đầu tiên, giáo hoàng Benedict XVI, alias Josepth Alois Ratzinger, đã trở giọng hòa hoãn (conciliatory tone), và sẽ đến với những tôn giáo khác (reach out to other religions), nhưng chúng ta hãy coi chừng, vì không thể nào tin được những lời nói của ông ta, thường là nói một đàng làm một nẻo.

Ôn cố tri tân, chúng ta hãy điểm qua vài nhận định về Ratzinger. Ngoài những lời phát biểu hạ cấp đối với Phật Giáo, và những lời trịch thượng đối với mọi tôn giáo khác trong bản tuyên ngôn “Dominus Jesus”, Ratzinger đã có những hành động như thế nào? Những hành động và biện pháp đàn áp trí thức của Ratzinger cũng như thực chất con người của ông ta đã được ghi trong nhiều cuốn sách của chính những tín đồ Ca-tô, thí dụ như Louis Baldwin với cuốn “The Pope and The Mavericks” trong đó tác giả viết nguyên một chương về Ratzinger, từ trang 105 đến trang 115; Garry Wills với cuốn “Why I Am A Catholic”, trong đó tác giả viết về chủ trương độc tài giáo trị của Ratzinger như sau, trang 258: “Ratzinger chủ trương là các giám mục phải một mình cai trị trong những giáo xứ của mình, chỉ liên lạc với các giám mục khác qua La-mã, chỉ gặp nhau trong các giáo đường ở La Mã dưới quyền của (đoán xem là ai?) Hồng y Ratzinger.” (Ratzinger holds that bishops must rule alone in their dioceses, communicating with other bishops only through Rome, meeting with each other only at Roman synods run by (guess who?) Cardinal Ratzinger.). Tác giả Wills cũng còn ghi là Giáo hoàng John Paul II cũng như Ratzinger đều sống theo lưỡng chuẩn (Ibid., p. 259: Now the pope has a double standard like that of his soulmate Ratzinger); John Cornwell với cuốn “Breaking Faith: The Pope, The People, and the Fate of Catholicism” trong đó tác giả đã ghi một số phản ứng điển hình của đa số tín đồ Ca-tô Mỹ trong tờ National Catholic Reporter trước tuyên ngôn “Dominus Jesus” của Ratzinger như sau, trang 220: “Một thế chính trị như vậy trong một thế giới đa dạng liên kết với nhau hàm ý là Giáo hội La Mã đang cắm đầu chạy vội vào thế kỷ 14” (Such political posturing in a cyber-knit world implies that the Roman church is rushing headlong into the fourteenth century), “Hồng Y Ratzinger nên tự mình thoát ra khỏi những bức tường dày đặc đang bao quanh ông ta và hãy thấy rõ những gì đang xảy ra trong vũ trụ của chúng ta” (Cardinal Ratzinger should remove himself from the dense walls that surround him and find out what is going on in our universe), “Tôi thật là bối rối và xấu hổ để cho Ratzinger nói thay cho tôi hay cho cả giáo hội. Nếu “chúng ta là giáo hội” thì đây là thời điểm chúng ta phải nắm quyền kiểm soát giáo hội của chúng ta nhân danh Dê-su Kờ-rít” (I am embarrassed and ashamed to have Ratzinger speak for me or the whole church. If “we are the church” it is time to take control of our church in the name of Jesus Christ).

Việc Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng của Ca-tô Giáo Rô-ma đã làm hài lòng thiểu số bảo thủ cực đoan trong Ca-tô Giáo. Còn các tín đồ Ca-tô thông thường, nhất là những tín đồ ở trong thế giới thứ ba và những tín đồ “mít” thì chỉ biết tung hô, ca tụng. Nhưng dư luận thế giới về kết quả cuộc bầu Giáo hoàng này không phải là tất cả đều hân hoan tích cực. Ngay cả trong Giáo hội Ca-tô cũng có nhiều nhận định về vị giáo hoàng mới là Benedict XVI, alias Joseph Ratzinger.

Linh mục Thomas Reese, chủ biên tuần báo America của dòng Jesuit, nói: “Ông ta có thể là người tạo sự chia rẽ thay vì là người tạo sự đoàn kết trong giáo hội” (He could be a wedge rather than a unifier for the church). David Gibson, một cựu ký giả của đài phát thanh Vatican nói: “Nếu ông ta, là giáo hoàng, tiếp tục đường lối như là khi ông ta là một hồng y, tôi nghĩ rằng tôi sẽ thấy một giáo hội bị phân cực (chia rẽ)” (If he continues as pope the way he was as a cardinal, I think T will se a polarized church). Trước khi các hồng y bầu giáo hoàng, Linh mục Andrew Greeley, một trong những tư tưởng gia nổi bật nhất của Giáo hội Ca-tô Mỹ (one of the American church’s most prominent thinkers) đã phát biểu: “Tôi chắc là sẽ choáng váng nếu hồng y Joseph Ratzinger, viên chức săn lùng lạc đạo của giáo hội trong một thời gian lâu dài, là giáo hoàng tới.” (I’d be dismayed if Cardinal Joseph Ratzinger, the church’s official heresy hunter for a long time, is the next pope.) Và nhà thần học nổi tiếng Hans Kung cũng phát biểu: “Một sự thất vọng cực kỳ lớn lao cho tất cả những người nào hi vọng có một giáo hoàng mục vụ và cải cách” (An enormous disappointment for all those who hoped for a reformist and pastoral pope). Một phụ nữ Ca-tô Pháp, Sylvie Genthial, có mặt tại quảng trường Phê-rô khi biết đã bầu xong giáo hoàng, đã gọi qua điện thoại cầm tay: “Đó là Ratzinger. Tất cả chúng ta đều hi vọng có một giáo hoàng khác – có thể là một người Mỹ La-Tinh – nhưng không phải là một người siêu bảo thủ như thế này.” ("It's Ratzinger," French pilgrim Silvie Genthial, 52, barked into her cellular phone before hanging up. "We were all hoping for a different pope — a Latin American perhaps — but not an ultraconservative like this," she said.) Thomas Groome, giáo sư thần học, đại học Boston nhận xét: “Ratzinger có vẻ hấp dẫn đối với 5% (5 phần trăm) tín đồ Ca-tô Mỹ bảo thủ và theo truyền thống.” (Thomas Groome, professor of theology at Boston College, said Ratzinger would appeal mostly to the five percent of US Catholics who are conservative and traditional.) Và nhà phê bình Vatican Paul Lakeland, giáo sư tại trường đại học Jesuit Fairfield, Connecticut, nói: “Ratzinger là sự chọn lựa để bảo thủ và tiếp nối (đường lối của John Paul II). Nó nói cho các tín đồ Ca-tô Mỹ là đừng có hi vọng gì về sự thay đổi. Giáo sư nói thêm: Cùng một thông điệp đó đang gửi tới những quốc gia đang phát triển, nơi đây giáo hội Ca-tô Rô-ma phát triển mạnh nhất. Thông điệp đó phải là sự thất vọng của những người Á Châu, Mỹ La-Tinh, và Phi châu.” Vatican critic Paul Lakeland called Ratzinger a choice for conservatism and continuity. "It is telling (US Catholics) to expect no changes," said Lakeland, a professor at the Jesuit Fairfield University in Connecticut. The same message, he added, is being sent to developing countries where the Roman Catholic church is growing fastest. "It has to be disappointing to the Asians and Latin Americans and Africans," said Lakeland.)

Trong khi đó thì có một anh mít đặc, có đầu mà không có óc, bốc thơm là sự chọn lựa Ratzinger làm giáo hoàng là “một sự chọn lựa đầy ý nghĩa” và đó là “Một hy vọng lớn cho Việt Nam”. Việt Nam nào? Việt Nam chỉ có chưa đầy 7% theo Ca-tô Giáo Rô-ma, Việt Nam có thể coi như là một xứ Phật Giáo. Vậy xứ Phật Giáo nào hy vọng ở một kẻ đã thốt lên những lời thô tục, hạ cấp về Phật Giáo? Trừ phi Ratzinger chính thức xin lỗi thế giới Phật Giáo về những lời nói bậy của mình, Việt Nam cương quyết đừng bao giờ để cho ông ta bước chân lên đất nước Việt Nam, dù dưới bất cứ một áp lực nào. Thể diện quốc gia và truyền thống văn hóa dân tộc phải được đặt lên trên hết.

Để kết luận và để cho quý độc giả biết rõ hơn về Vatican, tôi xin giới thiệu một cuốn sách mới: “THE VATICAN EXPOSED: MONEY, MURDER, AND THE MAFIA” của tác giả Paul Williams, nhà xuất bản Prometheus Books. Nội dung cuốn sách có thể tóm tắt như sau:

- Phanh phui ra sự đồi bại của Vatican và những liên hệ của Vatican với những tổ chức gây tội ác.

- Đào sâu vào những chuyện Vatican đã làm để duy trì quyền lực và tiền bạc.

- Chứng tỏ có bao nhiêu nguồn tài chánh của Vatican có những nguồn gốc vô luân và bất hợp pháp.

(Product Description • Revelations about the Vatican's corruption and connections to organized crime • Explores the things the Vatican has done in order to maintain power and money • Shows how many sources of Vatican finances have had immoral and illegal origins.)

 

 


Các bài về tôn giáo cùng tác giả

Trang Trần Chung Ngọc