VỀ BÀI VIẾT “CÔNG ÁN” CỦA HOÀNG PHI LONG

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNdt/TCNdt044.php

04 tháng 3, 2010

LTS: Thường thường người ta không muốn có căng thẳng giữa những người trong cùng một tập thể mà sự thể hiện nằm trong các bài viết phê phán. Nhưng sống trong một tập thể dù nhỏ đến đâu, ngay cả trong một gia đình, cũng vẫn có tranh luận. Thường thì kết quả của tranh luận ít khi đưa đến việc đồng ý với nhau. Ngoại trừ những trường hợp không thể nói đến trong không khí lành mạnh, tranh luận chưa hẳn là không có khía cạnh tốt của nó. Có những tranh luận để mỗi người được "lớn lên", có những tranh luận để mỗi bên trở nên sắc bén hơn, cũng như có những tranh cãi để mỗi bên khiêm nhượng hơn. Tòa soạn cho rằng những bài tranh luận dưới đây nếu không có được những điểm tích cực cho đôi bên cũng như độc giả thì cũng không có gì là tiêu cực. Những bài liên hệ đề cập trong bài sau đây đều được dẫn đến bài gốc do đường dẫn ẩn ngay trong tựa bài. Độc giả có thể bấm vào tựa để xem nguyên văn. Trân trọng (SH).


Tôi vừa đọc bài “Bát Nhã: Công Án Hay Không Công Án?” của cháu Hoàng Phi Long trên giaodiemonline.com trong đó cháu đưa ra một số ý kiến về bài Tôi Đọc “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền” Của Thiền Sư Nhất Hạnh. Tôi không hiểu tại sao Giao Điểm lại cho đăng bài đó. Không phải tôi đặt vấn đề với Giao Điểm vì Hoàng Phi Long viết tiêu cực về tôi, mà vì bài đó không thuộc loại “kiến hòa đồng giải”. Nội dung bài của Hoàng Phi Long không có tính cách “kiến hòa đồng giải” và văn phong không hợp với tiêu chuẩn nghiên cứu trí thức của Giao Điểm. Giao Điểm cũng hi vọng tôi và Hoàng Phi Long sẽ viết qua các đề tài khác. Tôi hiểu, vì vấn nạn Bát Nhã là một vấn đề nhức nhối đối với tất cả mọi phía đã từng có mặt trong, hoặc quan tâm đến, vụ việc này, cho nên chẳng nên kéo dài. Vì vậy trong bài này tôi sẽ không bình luận gì thêm về vụ việc Bát Nhã hay về “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền” của Thiền sư Nhất Hạnh.

Thật ra thì với loại văn phong của Hoàng Phi Long trong bài “Bát Nhã: Công Án Hay Không Công Án?” mà đôi khi tôi thường thấy trong vài bài mà các thân hữu gửi cho tôi với mục đích thông tin, tôi thường không bao giờ bận tâm để ý. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt về một bài phản biện rất hiếm hoi đối với tôi. Tôi đã viết rất nhiều bài đăng trên Giao Điểm và Sách Hiếm nhưng hầu như không thấy ai viết một bài phản biện nào. Hơn nữa, Hoàng Phi Long tự nhận là một đệ tử của Làng Mai và đã thực tập Chánh Niệm trong nhiều năm. Điều đáng để ý là tác giả nhân danh là hàng hậu bối, xưng hô cháu cháu bác bác, nhưng lại viết với nhiều đoạn văn phong không tương xứng với quan hệ “bác-cháu như quan hệ gia đình vừa huyết thống va tâm linh”, quy kết nhiều điều vô căn cứ, nên tôi cũng bỏ chút thì giờ để khai sáng vài điều cho một người còn trẻ. Do đó, bài này chỉ có mục đích giáo dục cá nhân, chứ không phải để tranh cãi đôi co với một hậu bối. Sau đây tôi sẽ đi vào vài đoạn trong bài của Hoàng Phi Long.

۞

HPL: Kính chào bác Ngọc, trong tình nghĩa đồng bào xin bác vui lòng chấp nhận cách xưng hô bác - cháu này, thay vì gọi bác là Giáo sư Tiến sĩ Trần Chung Ngọc, và xưng tôi nghe có vẻ ngăn cách, khó cảm thông nhau bằng bác - cháu như quan hệ gia đình vừa huyết thống vừa tâm linh giữa hai bác cháu mình.

TCN: Chào cháu Hoàng Phi Long, cháu xưng hô như vậy là rất phải. Trong tất cả các bài viết của bác, bác chẳng bao giờ xưng là Giáo sư Tiến sĩ cả. Bác quan niệm rằng giá trị của một bài viết không nhất thiết phải tương xứng với bằng cấp, địa vị, chức tước, danh vọng v..v.. của tác giả, mà tùy thuộc vào nội dung đúng hay sai, văn phong và tài liệu quy chiếu, cùng những lý luận để hỗ trợ cho lập luận của tác giả ở trong bài có giá trị trí thức không. Với quan niệm như vậy, đọc bài của cháu với nhiều đoạn văn phong xách mé, còn trẻ mà đã muốn dạy đời bằng những sự khoe khoang và hiểu biết phiến diện của mình về Phật Pháp, và nhất là nhắc lại những luận điệu một chiều quen thuộc xung quanh vụ việc ở Tu Viện Bát Nhã, bác cảm thấy thật tội nghiệp cho cháu.

۞

HPL: Vì cháu đã ngộ ra rằng bác Ngọc đã đọc nhiều tác phẩm của thầy Nhất Hạnh (rất nhiều) nhất là những điều Thầy giảng về “Chánh Niệm”, “Tỉnh thức”, “Hiểu và Thương”, “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười” nhưng bác Ngọc không có thực hành cho nên mới có 9191 (9208 - 17) chữ không cần thiết kia.

TCN: Điều sơ đẳng nhất trong một bài phê bình là không bao giờ nên đoán mò khi mà mình không biết rõ, nhất là chỉ dựa theo sự suy đoán tầm bậy của mình. Tiểu xảo đoán mò này chúng ta thường thấy trên các diễn đàn truyền thông hải ngoại, không phải là để đối thoại trí thức theo đúng tinh thần của đối thoại, mà là một thủ đoạn chụp sự đoán mò hay cố ý đoán mò hay bịa đặt của mình lên đối phương với mục đích hạ thấp đối phương. Tiểu xảo đoán mò này thực ra chỉ là “viết bậy” cho nên không đáng phải bận tâm. Bác đã gặp tiểu xảo này rất nhiều lần, nhưng bác chưa bao giờ bận tâm cải chính. Bác có thực tập những điều trên hay không thì chỉ có mình bác biết, và bác không có bổn phận cho ai biết là bác đã thực tập, hay không thực tập, những gì và như thế nào..

Cháu đã biết là Phật Giáo có tới “84000” Pháp môn để tu tập, vậy thực hành, hay không thực hành, một vài Pháp môn đâu có nói lên được điều gì, tại sao phải đặt nặng vấn đề thực hành, hay không thực hành, vài Pháp môn mình thực tập và muốn người khác cũng phải thực tập những Pháp môn đó như mình? Nhưng thú thực cùng cháu, ngay khi bác viết bài này thì bác chẳng còn nghĩ đến “Chánh Niệm”, “Tỉnh thức”, “Hiểu và Thương”, hay “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười” . Bác cảm thấy rằng những phương pháp tu tập trên, đối với những người hiểu biết, thì rất có thể họ sẽ thực tập nếu họ muốn, và khi nào có thể, còn lúc nào cũng phải nhớ đến chúng và ép mình làm theo lời dạy thì đó là một hình thức trói buộc. Bác rất bận, nên “không có thì giờ” để thực tập “Chánh Niệm”, “Tỉnh thức”, “Hiểu và Thương” “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười” suốt ngày.

Thật ra thì những phương pháp thực tập này là ngày xưa Đức Phật dạy cho Tăng đoàn của Ngài, và ngày nay mang ra áp dụng cho những người coi ngồi thiền hay hành thiền là cứu cánh, hoặc những người dự các khóa tu trong một vài ngày hay vài tuần lễ để có sự bình an trong tâm, cái “tâm viên ý mã” mà ai cũng có. Lãnh vực của “chánh niệm” là “tứ niệm xứ” nhưng không phải lúc nào con người cũng có thể quán thân bất tịnh, quán thọ khổ, quán tâm vô thường, và quán Pháp vô ngã. Tỉnh thức, theo nguyên nghĩa chính là giác ngộ. Đối với đại chúng suốt ngày lo cho cuộc sống của mình và gia đình, đối diện với bao nhiêu vấn nạn trong xã hội, làm gì có thì giờ để mà thực tập. Không thực tập không có nghĩa là họ không có tâm bình an, không có lòng vị tha, không có tình thương, không biết gì về từ bi hỉ xả v…v… , và không dùng chúng để mang lại những lợi ích thực tế cho xã hội, thay vì cho bản thân.

۞

HPL: Thưa bác, cháu không biết nói lý thuyết, hay biện luận bác học như bác, cháu chỉ muốn chia sẻ với bác một kinh nghiệm trong vấn đề thực tập chánh niệm. Vì năm năm trở về trước cháu cũng có suy nghĩ tương tự như bác, bởi vì hồi đó cháu chỉ có đọc mà không có thực hành.

TCN: Đây lại là một câu thuộc loại đoán mò của cháu, suy bụng ta ra bụng người. Cháu đọc mà không thực hành và cháu cũng đoán mò là bác đọc mà không thực hành. Cháu nên học cách viết cho đàng hoàng, không nên viết bậy về những điều mình không biết. Kinh nghiệm thực tập chánh niệm của cháu là của cháu, không liên quan gì đến kinh nghiệm thực tập, hay không thực tập, của bác. Bác cũng không có hứng thú để biết về kinh nghiệm thực tập của cháu.

Trong một bài viết thuộc loại phê bình hay đối thoại, thường người ta chỉ tập trung vào việc nhận định về các đoạn văn, văn phong, luận cứ ở trong bài mà người ta muốn phê bình. Đi ra ngoài tiêu chuẩn này là chưa biết phê bình hay đối thoại. Ngoài ra, tối kỵ là viết về cá nhân mình, không những nó lạc đề mà độc giả thường không quan tâm, không muốn biết, và thường không tin những gì mình viết về chính mình. Vì ai cũng có thể bịa ra vài điều để quảng cáo cho chính mình mà độc giả không có cách nào kiểm chứng. Đây là những điều cháu cần hiểu rõ để rút kinh nghiệm và viết cẩn thận hơn trong tương lai, nếu cháu còn can đảm để viết. Vì không hiểu được như vậy, nên trong cả một đoạn dài tiếp theo, cháu chỉ kể về những chuyện cá nhân, những chuyện mà người đọc thường chẳng mấy ai quan tâm. Người Mỹ thường nói về những trường hợp này: “Who cares?”.

Nội dung những đoạn này không ngoài tự đề cao cá nhân là mình đã lột xác sau khi theo Làng Mai và quảng cáo cho Pháp Môn Làng Mai. Nhưng càng đọc bác càng thấy cháu chỉ nói như con vẹt, nhắc lại những điều mà cháu nghe được, một mớ lý thuyết suông tương phản với những lời tự khoe về sự thực tập của cháu, cho nên bác chẳng buồn phê bình làm chi. Tuy nhiên có vài đoạn bác cũng muốn điểm qua.

۞

HPL: Bác Ngọc có biết không, [TCN: BIẾT ĐỂ LÀM GÌ?] khoảng 95% thiền sinh tu tập tại Làng Mai là người có gốc đạo Chúa, kế đến là các truyền thống khác như Hồi giáo, Anh giáo, Do Thái giáo,... và Phật giáo thì rất ít bác ạ. Họ là những ông Cha, những bà Sơ, những ông Mục sư, những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, kiến trúc sư, văn nghệ sĩ, chuyên gia, trí thức, người làm việc tay chân, doanh gia, vọng tộc, cho chí những em sinh viên, học sinh, và cả em nhỏ, ... đến từ nhiều quốc gia, đủ mọi màu da, sắc tộc (như năm rồi có đến 53 quốc tịch khác nhau), đủ mọi khuynh hướng chính trị, xã hội. Điều kỳ diệu là họ đã sống chung với nhau một cách hài hòa như anh chị em ruột thịt cùng cha, cùng mẹ. Họ cùng nhau học Phật, thực hành theo Bụt một cách tinh chuyên miên mật trong 24 giờ mỗi ngày và suốt cả khóa tu 4 tuần lễ như thế.

TCN: Đây là những điều mà Làng Mai thường xuyên nói lên để quảng cáo cho Làng Mai. 4 tuần lễ là 28 ngày. 28 ngày thực hành theo Bụt [sic] [theo Bụt hay theo thầy?] trong 24 giờ một ngày không ngủ. Có vẻ như Pháp môn Làng Mai là để cho những con người phi thường, rất đáng phục. Nhưng sau khóa tu thì sao?

۞

HPL: Ở đó, họ không được học lý thuyết về bất sanh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng, bất giảm, thị cố không trung ... Nhưng họ được huấn luyện cách quán chiếu về đời sống của một chiếc lá từ khi còn là 1 nụ non trên thân cây cho đến khi bụ bẩm xanh tươi rồi úa vàng và rơi xuống đất... cứ như thế mà quán chiếu, và cháu nghĩ nhờ đó họ đã chứng thực được bản chất của sinh diệt, luân hồi, thường, vô thường...

TCN: Tâm Kinh không phải là một “lý thuyết”. Bản chất của sinh diệt, luân hồi, vô thường… có ngay trước mắt trên vạn pháp đối với những người có một tâm hồn nhạy cảm và biết quan sát. Đông qua, Xuân tới. Lá rụng rồi lại mọc. Tuyết xuống, tuyết tan. Hoa nở, rồi tàn. Trẻ đó, già đó. Hợp đó, tan đó. Ước vọng đó, tan vỡ đó. Khỏe đó, bệnh đó. Sống đó, chết đó v.v… và v.v…. Không cần phải quán chiếu đời sống của một chiếc lá làm gì cho mất thì giờ.

۞

HPL: Chỉ với những cách thức rất đơn giản như: thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười, đã về đã tới, ăn cơm im lặng, thiền trà, thiền hành, thiền ôm, ... vậy mà đã giúp họ làm chủ được những cảm thọ, nhận biết được những tâm hành biểu hiện trong từng xác na nơi thân và tâm của họ. [Lại là đoán mò về người khác] Và cũng nhờ đó mà tình thương trong họ ngày càng lớn ra bác ạ, rất đúng với lời dạy của Thầy Nhất Hạnh là có Hiểu mới có Thương, Hiểu càng sâu thì Thương càng rộng, Hiểu biết sâu bao nhiêu thì tình Thương sẽ lớn lên bấy nhiêu, và cháu thấy chỉ có như thế mình mới buông bỏ được những tâm hành tiêu cực do định kiến, khái niệm thô thiển gây ra.

TCN: Nói thì hay, vỗ tay thì dở” Tình thương đặt không đúng chỗ có thể gây nhiều hại hơn là giúp được cái gì. Tình thương đặt không đúng chỗ nhiều khi chỉ có tính cách mị dân, có hại cho xã hội, đó là tình thương mù quáng.. Chỉ có sự thật mới có khả năng giúp, làm thức tỉnh và chuyển hóa con người. Và giúp cho con người biết rõ sự thật mới chính là tình thương thực sự. Chúa Giê-su đã chẳng từng nói, John 8:32: “Rồi các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ cởi trói cho các ngươi” [Then you will know the truth, and the truth will set you free.] Đạo Phật là đạo của trí tuệ. Chỉ có trí tuệ và sự hiểu biết rõ ràng mới có thể giúp cho hành giả đặt tình thương cho đúng chỗ. Tình thương phải phát xuất từ lòng từ bi. Từ là cho vui, và bi là cứu khổ. Cháu nên nhớ, thế giới ngày nay, ít ra là 99.99%, sống trong Tục Đế chứ không sống trong “Chân đế” của nhà Phật. Trong Tục đế, ước vọng càng cao thì thất vọng càng lớn. Còn chưa ở trong Chân đế thì chưa thể áp dụng được những ý tưởng hay tiêu chuẩn của Chân đế.

۞

HPL: Thành ra, bác Ngọc đừng có lo như bác đã từng lo là bài viết của bác: "có thể làm cho một số người không hài lòng, phật ý". Không, cháu không có giận bác một chút nào khi đọc những gì bác viết rất sai lầm về bài “BÁT NHÃ LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN” của Sư ông Nhất Hạnh. Chẳng hạn như bác viết rằng: "tôi thật tình không dám tin đó là sản phẩm trí tuệ của Thiền sư Nhất Hạnh. Tôi có cảm tưởng là tên tuổi và uy tín của Thiền sư ở ngoại quốc đã được sử dụng cho những mục đích có thể nằm ngoài vòng kiểm soát của Thiền sư". Nếu cháu hiểu không lầm, ở đây bác muốn ám chỉ thầy Nhất Hạnh đã bị ai đó, hoặc một thế lực ngoại quốc nào đó lợi dụng.

TCN: Cháu cho rằng bác phải bận tâm đến cái giận, hoặc không giận, của cháu đối với bác hay sao? Cháu có giận thì chỉ tự mình làm khổ mình mà thôi, vậy không giận là phải. Bác đã viết là có thể bác nghĩ sai nhưng bác không thể nghĩ khác được. Tại sao? Bác đã nói rõ: với sự hiểu biết của bác về Thiền Sư Nhất Hạnh qua một số không ít những tác phẩm viết về Phật Giáo của Thiền sư trước đây, bác thật tình không dám tin đó là sản phẩm trí tuệ của Thiền sư Nhất Hạnh. Còn của ai thì Bác không dám lạm bàn, không ám chỉ ai hết. Nhưng nếu thật đó là của Thiền sư Nhất Hạnh thì bác thành thực xin lỗi Thiền sư vì đã nghĩ sai, nhưng xin lỗi trong niềm thất vọng, thất vọng vì sự xuống cấp của một người mà bác đã từng ngưỡng mộ. Bác có thể nghĩ sai về tác giả bài “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền”, nhưng những điều bác viết trong bài thì không sai Hãy đọc kỹ lại bài “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền”, từ những tư tưởng cho đến văn phong thì sẽ hiểu tại sao bác lại nghĩ và viết như vậy..

۞

HPL: Cháu nghĩ là sẽ có không ít người giận bác về câu này, vì trước khi bắt đầu bác đã có sẵn một định kiến không tốt về thầy Nhất Hạnh mặc dù trước đó bác đã từng rào giậu rất kỹ về lý do bác phải viết bài này. Cũng vì có sẵn chủ ý trước nên bác đã đánh mất các tiêu chuẩn về trung thực, khách quan, ... mà các nhà khoa học nói chung, một giáo sư tiến sĩ khoa học tự nhiên như bác nói riêng bị bắt buộc phải tuân thủ khi quan sát, nhận định, phân tích một bài viết, một hiện tượng, một sự kiện nào đó, ở đây là bài BÁT NHÃ LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀNcủa Sư ông Nhất Hạnh.

TCN: Bác viết thuần túy dựa trên lô-gíc và phân tích các vấn đề trong nội dung của bài, không phải vì định kiến. Tiêu chuẩn về trung thực, khách quan của cháu về bài của Thiền sư Nhất Hạnh là như thế nào, cháu có thể cho bác biết không. Và bác đã viết không trung thực, không khách quan ở chỗ nào, cháu có thể vạch ra không? Có phải là cháu cho rằng bác đã không trung thực, không khách quan như trong đoạn cháu viết sau đây.

۞

HPL: Cháu xin hỏi bác một câu: Công án thiền mà cũng có công thức sao bác? Xin lỗi bác, cháu có câu hỏi này bởi vì bác viết rằng: "trong “công án Bát Nhã” này tôi thấy cả một tu viện, mấy trăm Tăng thân Làng Mai và Pháp Nạn của Phật Giáo Việt Nam, trái ngược hẳn với sự hiểu biết của tôi về những “công án” mà tôi đã đọc, thường chỉ là một mẫu đối thoại, một đoản văn, một câu chuyện ngắn ngắn thuộc về Thiền Đạo". Sau đó bác lại tầm chương trích cú (việc bình thường của học giả) ở những sách vở của các thầy Chơn Thiện, Tuệ Sỹ, Đức Thắng, v.v... (trong số các tác giả ấy có những thầy thuộc hàng học trò của Thiền sư Nhất Hạnh họ đã từng dự các lớp học do Thiền Sư trực tiếp giảng dạy trước đây) chỉ để phản bác rằng "BÁT NHÃ KHÔNG LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN" và chứng minh (cũng là việc bình thường của khoa học gia) cho chủ ý có sẵn (tới đây thì đã mất bình thường) của bác, như cháu đã nêu ở trên. Thưa bác, cháu không thấy công án "BÁT NHÃ" nó dài nhiều chữ như bác thấy. Có thể bị định kiến trấn ngự cho nên bác đã lầm những lời giải thích của Sư Ông là công án. Nguyên câu mà bác đã trích: "Bát Nhã đây là Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt." đây chỉ là lời giải thích (có chữ "đây là"), nó không phải là công án. Công án "BÁT NHÃ" chỉ có 2 chữ "BÁT NHÃ" trơ trụi mà thôi.

Thưa bác Ngọc, bắt đầu phần chính của bài, bác đã tự tiện thêm chữ "công án" vào lời giải thích ban đầu của Sư ông Nhất Hạnh, bác viết rằng: "Theo Thiền sư thì Công án Bát Nhã là Công án Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Công án Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Công án Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt". Trong khi câu viết của Sư Ông lại như vầy, cháu xin trích dẫn thêm lần nữa: "Bát Nhã đây là Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt." Vì sao, và vì ai mà bác lại làm một việc thiếu đạo đức như vậy hả bác Ngọc? Bác đã vô tình, hay cố ý đánh lừa thiên hạ, có phải bác muốn cho người ta hiểu lầm rồi sinh tâm oán ghét Sư Ông, và từ đó có thể ghét lây một tập thể, một tăng thân thánh thiện có hàng chục, hàng trăm vạn con người trên thế giới?

TCN: Công án Thiền không phải là một công thức nhưng không phải ai cũng có thể đưa ra một vấn nạn để giải quyết, nhất là vấn nạn đó là một vấn nạn xã hội, và gọi đó là Công án. Trong Thiền Tông Phật Giáo, Công án có ý nghĩa và công dụng riêng của Công án. Để giúp cháu hiểu hơn, bác cũng muốn hỏi cháu một câu: Công án Thiền là gì? Công dụng của Công án Thiền là gì? Có phải là để giúp hành giả đạt ngộ bởi những bậc Thầy đã giác ngộ không? Hay Công án là để giải quyết một vấn nạn xã hội, và ai cũng có thể bầy ra một Công án Thiền? Những trích dẫn [không phải là tầm chương trích cú] của các tác giả như Chơn Thiện, Tuệ Sỹ, Đức Thắng chỉ có một mục đích tìm hiểu thế nào là một công án Thiền trong Thiền Tông Phật Giáo. Nếu quý vị này thực sự thuộc hạng học trò của Thiền sư Nhất Hạnh thì phải chăng tất cả những gì của Thiền sư Nhất Hạnh họ đều phải coi như là khuôn vàng thước ngọc để mà rập khuôn theo mà không cần đến khả năng suy tư của mình? Nếu thật là như vậy là quý vị này đã quên mất Kinh căn bản trong đạo Phật là Kinh Đức Phật thuyết cho người dân Kalama. Bác không nghĩ như vậy. Trong Phật Giáo có câu “Y Pháp Bất Y Nhân”. Vấn đề không phải là quý vị này thuộc hạng học trò của Thiền sư Nhất Hạnh mà là quý vị đó đã viết những gì, đúng hay sai, chúng ta có thể học được những gì trong đó. Nếu cháu viết như trên chỉ có mục đích nói lên điều là những quý vị đó chỉ thuộc hàng học trò của Thiền sư, không thể nào bằng được Thiền sư Nhất Hạnh thì thật sự cháu chỉ chứng tỏ cho độc giả thấy trình độ hiểu biết rất kém của mình mà thôi, không có một giá trị thuyết phục nào, vì không có thể rút tỉa ra một kết luận nào về quý vị đó. Cháu có ý định tôn cao Thầy của mình, nhưng viết như vậy chỉ chứng tỏ là mình chưa xứng đáng là đệ tử của vị Thầy mà mình muốn tôn vinh.

Cháu không thấy nhưng mà bác thấy. Vì bác hiểu tiếng Việt hơn cháu. Trước hết, cháu viết về “tầm chương, trích cú” mà cháu không hiểu câu này từ đâu mà ra và có ý nghĩa gì. Nhưng bác bỏ qua. Thứ đến, cháu hiểu thế nào về cụm từ “đây là” nằm trong một câu? Có phải là để giải thích cho rõ nghĩa không? Cháu viết “đây chỉ là lời giải thích”, nhưng giải thích cho ai và giải thích cái gì? Giải thích là giải thích cho người đọc, và giải thích phải là giải thích một cái gì đó, có phải không. Trong những lời giải thích trên thì “đây là” giải thích cho cái gì? Nếu Công án “Bát Nhã” chỉ có 2 chữ “Bát Nhã” trơ trụi mà thôi, thì “đây là” nằm trong đó để giải thích cái gì? Và những thứ nằm sau “đây là” có nghĩa gì và để làm gì? Nhưng thế nào là 2 chữ “Bát Nhã” trơ trụi? Đó là “Văn tự Bát Nhã”, hay “Quán Chiếu Bát Nhã”, hay là “Thật Tướng Bát Nhã”, bởi vì Bát Nhã gồm có ba. Quán chiếu Bát-nhã là dùng trí tuệ soi sáng, xem xét kỹ những điều Phật dạy trong kinh rồi ứng dụng tu hành. Từ Quán chiếu Bát-nhã mới đi tới Thật tướng Bát-nhã. Thật tướng Bát-nhã là trí tuệ chân thật, giác ngộ viên mãn. Theo lô-gíc thông thường thì Bác có thể viết như sau mà không sợ sai lầm:

- Mọi người hãy tham cứu Công án « Bát Nhã »

- Bát Nhã « đây là » Tu Viện Bát Nhã [có phải « đây là » là để giải thích cho hai từ « Bát Nhã » không, hay là để giải thích một cái gì khác?]

- Vậy, tham cứu « công án Bát Nhã » « đây chính là » là tham cứu « công án Tu viện Bát Nhã »

Lô-gíc này cũng có thể áp dụng cho hai cụm từ « Tăng Thân Làng Mai », và « Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt. »

Đến đây bác không còn muốn nhận xét thêm về bài viết của cháu nữa. Vì tất cả phần sau bài viết của cháu là để chống Cộng [trong chánh niệm của cháu] theo luận điệu quen thuộc đã thấy trên vài trang nhà ở Pháp, Mỹ v…v…, đôi khi với văn phong hỗn xược [trong chánh niệm của cháu], dạy đời [trong chánh niệm của cháu]. Độc giả có thể vào trang nhà giaodiemonline đọc toàn bài của Hoàng Phi Long để tấy rằng tôi nhận định không sai.

 

۞۞۞

 

Để kết luận, bác muốn tặng cháu một câu của Samuel Butler. Câu của Samuel Butler như sau :

Những đặc tính đúng nhất của sự ngu si là lòng tự cao, tự đại, hãnh diện, và kiêu căng.

[The truest characters of ignorance are vanity and pride and arrogance]

Bác cũng muốn đề nghị với cháu là: “Cháu hãy mang bài Bát Nhã: Công Án Hay Không Công Án?của cháu trình với Thầy Nhất Hạnh của cháu, và thỉnh xin ý kiến của Thầy về bài viết này.” Ý kiến của Thầy ra sao, làm ơn cho bác biết, bác xin cám ơn.

Và sau cùng, bác hi vọng cháu có thể đọc thêm một ý kiến về Công án Thiền Bát Nhã, ý kiến này là một trong những ý kiến bác thấy trên Internet (phần nhấn mạnh là của bác):

 

 

Cảm nhận từ Công Án Thiền Bát Nhã

Thứ ba, 19/01/2010 17:08 pm

Với công án thiền "Bát Nhã" mà Sư Ông đưa ra cho chúng ta quán chiếu, với nhiều ví dụ và suy nghĩ cụ thể cho từng đối tượng khác nhau, đây thật sự nói lên cái tâm từ bi của Thầy, nhằm mục đích hướng dẫn mọi người qua công án này mà có thể giác ngộ. Bát nhã như cơn mưa rào giữa mùa hạ oi bức, các cây cỏ đều cần nước từ cơn mưa này, để đâm chồi nảy lộc và vươn lên. Mỗi loại cây cỏ đều hấp thụ một lượng nước khác nhau nhưng đều có được lợi ích cho chính mình.

Với Bát Nhã thì cũng vậy, mọi người trong và ngoài cuộc đều trải nghiệm khác nhau, đều thu hoạch được nhiều ích lợi khác nhau cho chính bản thân mình. Nhưng chúng ta chỉ có được lợi ích thật sự từ công án Bát Nhã chỉ khi chúng ta VÔ NGÃ, không đặt cái TA của mình vào đó. Còn cái Ta thì còn phiền não, lúc đó Bát Nhã chính là phiền não, là chấp trước, là phân biệt, là vọng tưởng. Như thế thì trên đạo Bồ Đề không thể có thành tựu.

Là người xuất gia, nơi nào có duyên với ta thì ta đến mà tu tập mà giáo hóa chúng sanh, hết duyên hoặc chưa có đủ duyên thì ta đi. Lòng nhẹ nhàng, không vướng bận, không nuối tiếc. Bát Nhã hết duyên với ta thì ta đi. Cổ đức có câu: "Người xuất gia không sợ không có Chùa, chỉ sợ không có ĐẠO." Nếu ta có ĐẠO thì không cần lo gì hết, mọi việc đều được chư Phật, Bồ tát hộ niệm, các vị Long Thần Hộ Pháp giúp đỡ.

Nhìn lại cuộc đời Đức Thế Tôn thì thấy rõ, Ngài có bận tâm gì về đạo tràng không? Không. Cho đến các vị tổ sư đại đức như Ngài Lục Tổ Huệ Năng: Ngài cũng từng bỏ tự viện mà đi sau khi được truyền y bát từ Ngũ Tổ, ở ẩn trong rừng mười lăm năm. Ngài không có chấp trước, Ngài không có phiền não...Chúng ta là hậu bối, phải học hỏi từ chính cuộc đời của Đức Thế Tôn và Lục Tổ.

Lục Tổ có dạy: " Phàm là bậc chân tu thì không nhìn lỗi người." Chúng ta có làm được hay chưa? Chỉ thường nhìn lỗi mình, nhất định không nhìn lỗi người, với Bát Nhã và là những người trong cuộc thì chúng ta phải thấy rõ cái lỗi của mình, phải thấy rõ cái lỗi của mình... Họ, những người "đàn áp" chúng ta (theo cách gọi của một số đồng tu trong cuộc), chính là Đại Thiện Tri Thức, Đại Nghịch Hạnh Bồ Tát...họ giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, giúp chúng ta trao dồi đức hạnh, tu Nhẫn Nhục Ba La mật. Cái ân này chúng ta cảm còn không hết nữa mà còn lại đi trách móc, đau buồn ư? Như vậy là Mê chứ chưa thật Giác Ngộ, dù tham thiền đến 8 vạn 4 ngàn công án mà không hiểu thấu việc này thì vẫn hoài công...Việc học Phật chưa thể có thành tựu và với công án thiền Bát Nhã này của Sư Ông đưa ra thì cũng không được lợi ích gì cả.

Trên đây là vài cảm nghĩ thô kệch của kẻ hậu học này muốn chia sẻ cùng các bạn đồng tu, chắc chắn còn nhiều thiếu sót, mong Quý Vị hoan hỉ bỏ quá cho.

Chân thành chia sẻ.

Tịnh Thái.

[http://blog.yume.vn/xem-blog/cam-nhan-tu-cong-an-thien-bat-nha.neoxman.35CCDB91.html]