VÀI NHẬN XÉT VỀ BÀI:

“Một bài viết thiếu tiêu chuẩn khoa học của ông Trần Chung Ngọc”

Của Nguyễn Tường Tâm

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNdt/TCNdt058.php

ngày 07 tháng 11, 2007

LTS: Thể văn "tấn công hay ám sát cá nhân" (personal attack, or character assassination)thường được xử dụng khi người viết tức giận một cá nhân tác giả nào đã viết hay nói ra những điều trái ý mình, nhưng không đủ dữ liệu để chứng minh ngược lại những luận cứ của đối phương . Việc tấn công cá nhân thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Hạ đẳng nhất là vu vạ những chuyện thuộc đời tư, vợ con, thân nhân xa gần, không liên hệ gì đến những chủ đề của người ta. Trung kế là phê bình những chi tiết về hình thức, văn phong, văn từ, văn phạm theo kiến thức văn học (theo trình độ của mình). Cố gắng hơn một chút là bẻ quẹo, đánh lạc chủ đề, hoặc bắt đầu lý luận đàng sau một số tiền đề đã sai lầm từ nguyên lý (fallacy). Người đọc nếu thờ ơ không nhận rõ những tiền đề tiềm ẩn trong mạch lý luận sẽ luôn luôn thấy có lý. Đăng bài phản hồi của tác giả Trần Chung Ngọc đối với bài viết của ông Nguyễn Tường Tâm, sachhiem.net hy vọng bạn đọc có thêm một số dữ kiện để soi sáng thái độ của các tác giả bài viết công kích ông từ mấy năm nay. (SH)


Tôi được giaodiemonline gửi E-mail cho biết có người mời tôi đọc bài “Một bài viết thiếu tiêu chuẩn khoa học của ông Trần Chung Ngọc” của ông Nguyễn Tường Tâm trên Talawas. Đọc xong tôi đã gửi vài dòng cho Talawas trên mục “Ý Kiến Ngắn” nguyên văn như sau:

"Đầu đề bài viết của tôi là:
Vấn đề Đạo đức trong Hoạt động Khoa học
[Nhân Đọc Những Bài Viết Về Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh]

Tôi thiết tưởng độc giả đều hiểu tôi muốn viết về ngành khoa học nào và về ai."

Tôi nghĩ như vậy kể cũng quá đủ để trả lời ông Nguyễn Tường Tâm. Nhưng có vài người bạn không chịu, cho rằng tôi trả lời như thế không đầy đủ, và khuyên tôi không nên nghĩ rằng ai cũng đọc và hiểu là tôi muốn viết gì, kể cả Nguyễn Tường Tâm. Vì vậy tôi lại phải có ít lời để bạch hóa vấn đề.

Trước hết là một nhận xét tổng quát về bài gọi là “phê bình” của ông Nguyễn Tường Tâm. Nhận xét đó có thể thâu tóm trong một câu như sau: “Ông Nguyễn Tường Tâm đã dựng lên một người rơm để rồi tự tay mình quật nó xuống”. Sau đây là phần chứng minh.

Thứ nhất, ông Tâm phê bình “Một bài viết thiếu tiêu chuẩn khoa học của ông Trần Chung Ngọc”thực ra là đem so sánh cam với táo, vì tôi đâu có ý định dùng những tiêu chuẩn khoa học để viết bài về Dương Nguyệt Ánh. Tôi chỉ nhận định về phương diện đạo đức trong một hoạt động đặc biệt thuộc lãnh vực khoa học: làm bom để giết người, mà đối với cá nhân tôi, và tôi tin đối với nhiều người khác, không có gì có thể gọi là đạo đức trong đó cả.. Đó là ý kiến riêng của tôi và tôi đã trích dẫn những nhận định tương tự của nhà sư Matthieu Ricard và Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, cũng đều là khoa học gia cả. Và cũng không phải chỉ có tôi, hay Mathhieu Ricard, hay Trịnh Xuân Thuận có những ý kiến như vậy, đọc trên Internet ta thấy không thiếu những người có đồng quan điểm với tôi về hoạt động làm bom áp nhiệt. “Bài thơ chính trị” về “The Thermobarbaric Bomb” ở cuối bài của tôi là một thí dụ điển hình. Lẽ dĩ nhiên, ông Nguyễn Tường Tâm hay bất cứ ai muốn ca tụng sự phát minh ra loại vũ khí giết người hàng loạt (WMD) này, hay hãnh diện về Dương Nguyệt Ánh, thì xin cứ việc ca tụng và hãnh diện, vì đó là quyền tuyệt đối của quý vị trong thế giới văn minh, tiến bộ, tự do, dân chủ của Mỹ mà ông Bush đang toan tính xuất cảng trên khắp thế giới, lẽ dĩ nhiên với hậu thuẫn của những loại vũ khí tương tự như bom áp nhiệt..

Thứ nhì, mở đầu, ông Nguyễn Tường Tâm viết:

Nguyễn Tường Tâm: Bài “Ðạo đức trong nghiên cứu khoa học” của ông Trần Chung Ngọc khiến độc giả có thể đọc một mạch bởi vì cái tên khoa học gia Dương Nguyệt Ánh được đề cập trong bài.

Đây chính là “người rơm” mà ông Nguyễn Tường Tâm dựng lên, vì tôi không có ý định thảo luận về “Ðạo đức trong nghiên cứu khoa học” [Ethics in Science]. Đề tài này thường nói đến những tiêu chuẩn nghiên cứu trong khoa học, và bàn về các vấn đề như lương thiện trí thức, không gian lận, không ngụy tạo dữ kiện, không lấy công trình của người khác làm của mình v.. v.. chứ chẳng bàn đến vấn đề gây hại hàng loạt cho tha nhân bằng bom.

Ông Nguyễn Tường Tâm viết tiếp:

Nguyễn Tường Tâm: Bà Dương Nguyệt Ánh trong thời gian vài năm qua nổi như cồn trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Mới đây bà lại được nhận giải thưởng cao quí, “Giải thưởng Bảo vệ An ninh Tổ quốc”, trong một buổi lễ do chính phủ Hoa Kỳ tổ chức dành riêng cho bà, mà khách tham dự toàn là những viên chức Hoa Kỳ cao cấp lớn tuổi, đầu bạc trắng. Thế nhưng bài viết của ông Trần Chung Ngọc lại chỉ trích riêng bà Dương Nguyệt Ánh cho nên độc giả muốn biết xem ông phê phán bà ấy vì lý do gì và luận điểm của ông ra sao.

Tôi cho rằng ông Nguyễn Tường Tâm đã viết hơi ngớ ngẩn như trên vì không có tính cách thuyết phục. Thật vậy, bài viết của tôi là về Dương Nguyện Ánh, nhưng ông Tâm lại đưa ra chính phủ Hoa Kỳ và những viên chức Hoa Kỳ cao cấp lớn tuổi, đầu bạc trắng tham dự lễ trao giải thưởng cho Dương Nguyệt Ánh, và lên án tôi là “Thế nhưng bài viết của ông Trần Chung Ngọc lại chỉ trích riêng bà Dương Nguyệt Ánh”. Vậy phải chăng ông Tâm muốn tôi phải chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ và những người tham dự lễ trao giải thưởng cho bà Dương Nguyệt Ánh hay sao? Viết với lách! Hơn nữa, cái mà ông Tâm, hay chính phủ Hoa Kỳ, cho là giải thưởng cao quý, đối với tôi, tôi chẳng thấy nó cao quý ở chỗ nào, bởi vì cao quý đối với ai, đối với Mỹ hay đối với A Phú Hãn, nước gánh chịu mấy quả bom áp nhiệt lên đầu. Tôi chẳng cho nó là cao quý vì tôi rất đồng ý với tác giả của “bài thơ chính trị” là:

The ThermoBARBARIC bomb is, in fact,
A more accurate indication
Of our civilization

Mặt khác, vì chính phủ Hoa Kỳ trao giải thưởng cao quí đó cho Dương Nguyệt Ánh và khách tham dự toàn là những viên chức Hoa Kỳ cao cấp lớn tuổi, đầu bạc trắng, nên tôi bắt buộc cũng phải cho đó là cao quý và không được quyền phê bình hay sao? Ai cao cấp hơn Bush, Rumsfeld, Cheney v..v.. nhưng nếu muốn phê bình thì tôi cứ phê bình, và tôi đã có lần phê bình. Ông Tâm đưa những tai to mặt lớn trong chính quyền Mỹ ra để làm gì, để chứng minh tất cả những công việc làm của họ là đúng hay sao. Tôi vừa viết bài phê bình mấy ông dân biểu tai to mặt lớn trong Hạ Viện Mỹ cứ muốn xía vào chuyện nội bộ của Việt Nam trên sachhiem.net, có sao đâu? [Xin mời đọc bài “Nhân Quyền Của Mỹ & Dự Luật H.R. 3096” trên sachhiem.net]

Chúng ta hãy đọc tiếp ông Nguyễn Tường Tâm:

Nguyễn Tường Tâm: Ðọc một mạch tới cuối bài, tôi thấy ông Ngọc đả kích bà Ánh một cách hết sức nặng nề không phải vì tư thù cá nhân. Cũng không phải ông Ngọc chủ yếu đả kích công tác nghiên cứu khoa học của bà Ánh, mà ông đả kích quan điểm chống cộng mạnh mẽ của bà Ánh.

Thế nào là đả kích bà Ánh hết sức nặng nề? Vấn đề là tôi phê bình đúng hay sai, nếu sai thì sai ở những chỗ nào? Và những quan điểm chống Cộng mạnh mẽ của bà Ánh thì tôi không được đả kích hay sao? Ông Tâm có ý chụp mũ CS ở đây cũng như trong vài đoạn trong bài, nhưng loại mũ này tôi đã có hàng tá rồi, thêm một cái cũng “no star”! Danh bà Ánh nổi như cồn trong đám người chống Cộng cực đoan và chống Cộng cho Chúa, tất nhiên là như vậy, vì bà Ánh có những quan điểm chống cộng mạnh mẽ, rất phù hợp với xu hướng và trình độ hiểu biết của họ. Nhưng Dương Nguyệt Ánh không hẳn đã nổi như cồn trong “cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ” vì sau khi bài về Dương Nguyệt Ánh lên vài diễn đàn thì có độc giả đã đưa lên hai khuôn mặt để đối chiếu: khuôn mặt của Lê Duy Loan, người phụ nữ Việt Nam tích cực trong hoạt động xây trường học và cấp học bổng cho sinh viên nghèo ở Việt Nam, và khuôn mặt Dương Nguyệt Ánh, người phụ nữ Việt Nam tích cực trong hoạt động làm bom để giết người hàng loạt. Vấn đề ở đây là không ai cấm hay ngăn cản bà Ánh chống Cộng mạnh mẽ, nhưng chống Cộng một cách thiếu hiểu biết, nhìn một chiều về lịch sử, và huênh hoang về quan điểm, thì đó là điều khó có thể chấp nhận trong giới trí thức. Thí dụ, sau đây là vài lời của bà Dương Nguyệt Ánh:

- Điểm bất lợi là họ sinh ra hoặc lớn lên trên xứ người, nên thiếu hiểu biết về lịch sử và nhất là cuộc chiến tranh VN. [Điều này rất thích hợp để áp dụng cho chính bà Dương Nguyệt Ánh, tới Mỹ năm 15 tuổi, lớn lên trên xứ người, và hiển nhiên là thiếu hiểu biết về lịch sử và nhất là cuộc chiến tranh VN, nếu chúng ta đọc những lời phát biểu của bà mà tôi đã phê bình trong bài tôi viết về Dương Nguyệt Ánh]

- …sách vở giáo khoa ở trường học và phim ảnh [ở Mỹ] phần nhiều là tài liệu thiên tả, với mục đích xuyên tạc và bôi nhọ chính nghĩa và quân đội VNCH. [Là một cựu quân nhân trong QLVNCH tôi cảm thấy hơi ngượng khi đọc câu này. Và có thể nói bà Ánh mù tịt về cuộc chiến tranh VN, nhất là về chính nghĩa quốc gia và quân đội VNCH]

- … vận động hậu thuẫn quốc tế trong công cuộc đấu tranh dành Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam. [nghĩa là nhờ quốc tế can thiệp vào nội bộ Việt Nam, vi phạm chủ quyền của Việt Nam? Bà Ánh không biết dân tộc tính của người Việt Nam là rất ghét ngoại bang xía vào chuyện nội bộ của nước họ tuy họ có thể bất mãn, hay không hài lòng với chính quyền đương thời ở Việt Nam]

- Chúng ta đòi tự do dân chủ cho VN là vì nghĩa vụ đối với 80 triệu đồng bào trong nước.

- Họ không nói được thì chúng ta phải nói giùm cho họ. [Đây có phải là những lời nói hết sức trịch thượng và huênh hoang không? Có thể tin được không, là 80 triệu đồng bào trong nước cần đến cái nghĩa vụ và vài tiếng nói Trần Ích Tắc của một cá nhân, hay của một vài nhóm, tổ chức ở hải ngoại để tranh đấu cho tự do dân chủ ở trong nước? Hãy về trong nước xem người dân hiện nay sinh hoạt ra sao và nghĩ sao về những tổ chức chống phá Việt Nam ở hải ngoại]

Nguyễn Tường Tâm: Ðề tài có vẻ mang tính hàn lâm nhưng bài của ông Ngọc không phải là một bài nghiên cứu, càng không phải một bài viết về đề tài khoa học, mà thực chất đó là một bài bày tỏ quan điểm chính trị của một người đứng bên lằn ranh cộng sản công kích một người minh thị quan điểm chống cộng.

Lẽ dĩ nhiên bài viết của tôi không phải là một bài nghiên cứu, càng không phải một bài viết về đề tài khoa học, mà chỉ viết về vấn đề “đạo đức trong nghề làm bom để giết người hàng loạt”:

[Nhân Đọc Những Bài Viết Về Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh]

Vậy thì chủ yếu của bài viết nằm trong câu trên. Theo ông Tâm thì cứ công kích một người minh thị quan điểm chống cộng thì tất nhiên phải đứng bên lằn ranh cộng sản hay sao? Viết như vậy mà cũng viết lên được thì thật là tài, nhất lại là ở trên một trang nhà như Talawas. Vấn đề là những quan điểm chống Cộng đó như thế nào, có đáng để mọi người phải nghe theo và ca tụng không.

Nguyễn Tường Tâm: Giữa hai người chỉ khác một điều, bà Ánh minh thị tuyên bố trong buổi đón nhận giải thưởng Bảo vệ An ninh Tổ quốc Hoa Kỳ rằng bà là một người chống cộng sản Việt Nam, trong khi ông Ngọc không minh thị tuyên bố rằng ông là một người ủng hộ cộng sản, mà ông mượn lập trường dân tộc để bênh vực cộng sản.

Cái mũ CS của ông Nguyễn Tường Tâm là ở chỗ này. Nhưng “No star”! Về phương diện lý luận, cứ minh thị là một người chống Cộng sản Việt Nam thì hay lắm sao? và giả thử thực sự là tôi mượn lập trường dân tộc để bênh vực Cộng sản là dở lắm hay sao? Vấn đề ở đây là chống như thế nào, và bênh vực như thế nào. Một người có đầu óc phải biết phân biệt đúng sai chứ không thể cho rằng cứ chống Cộng là đúng, mà bênh Cộng là sai. Thảm thay, đây chính lại là lập trường của bà Dương Nguyệt Ánh cho rằng các sách báo phim ảnh ở Mỹ phần lớn là thiên tả, nghĩa là không hợp với ý kiến và hiểu biết của bà ấy về cuộc chiến ở Việt Nam, với mục đích xuyên tạc và bôi nhọ chính nghĩa và quân đội VNCH. Cộng sản không phải là dân tộc, chỉ là một đảng với 2 triệu đảng viên. Mặt khác, dân tộc cũng còn một đảng khác có 7 triệu đảng viên còn cuồng tín hơn Cộng sản. Phần còn lại chẳng có đảng nào, hay nếu muốn nói đến đảng thì là đảng dân tộc. Cho nên, không ai có thể mượn lập trường dân tộc để bênh vực Cộng sản. Lập trường dân tộc là lập trường có gốc rễ từ lịch sử, truyền thống, văn hóa v..v.. của dân tộc, không dựa trên một chủ thuyết, vì dân tộc tính của Việt Nam là có tính “chiết trung” (syncretic), không bám víu vào bất cứ một chủ thuyết nào, mà tận dụng những cái hay của mọi chủ thuyết. Và lập trường dân tộc cũng là lập trường tôn trọng chủ quyền, nền độc lập và thống nhất của quốc gia.

Sau đó ông Nguyễn Tường Tâm viết một đoạn dài phê bình bài viết của tôi về ba phương diện:

Nguyễn Tường Tâm: Vì ý chính đó của bài viết ẩn dưới dạng một bài nghiên cứu cho nên bài viết thiếu những tiêu chuẩn cơ bản về phương diện hình thức, nội dung và phong cách trình bày (đạo đức của người cầm bút)

Tại sao ông Nguyễn Tường Tâm lại cứ ép tôi phải viết một bài nghiên cứu, trong khi trong đó có chút nghiên cứu nào về khoa học đâu. Đây chính là điều tôi bảo là ông Tâm đã dựng lên một “người rơm” để rồi tự tay mình quật nó xuống. Thật vậy, ông Tâm phê bình, thực ra không phải là phê bình, mà lên lớp dạy tôi viết cho đúng một bài viết về một đề tài khoa học, gồm những phần mà ông ta chua thêm tiếng Mỹ như composition, main idea, topic sentence, thesis statement, introduction. Chúng ta hãy đọc phần giáo khoa này của ông Nguyễn Tường Tâm:

Nguyễn Tường Tâm: Về hình thức, trước tiên người viết phải để ý tới việc chọn chủ đề (được làm thành đề bài [title]). Nếu chủ đề đặt ra mà sai thì nghiên cứu cũng sẽ sai hay bài viết cũng sẽ lủng củng. Sau đó người viết phải trình bày thật rõ ràng ý chính mà mình định diễn tả (main ideas) trong phần nhập đề, để rồi sẽ biện minh cho ý kiến chính đó trong những đoạn hay phân đoạn theo sau được kết nối với nhau trong một bố cục (composition) chặt chẽ. Bài viết của ông Trần Chung Ngọc thiếu tất cả những điều cơ bản này. Nhan đề của bài cho biết rõ ông Ngọc chọn viết về vấn đề “Ðạo đức trong hoạt động khoa học”. Như vậy chủ đề rất là rõ ràng về nội dung (công tác nghiên cứu khoa học) và giới hạn (lãnh vực đạo đức). Nhưng trong bài viết ông Ngọc lại chỉ trình bày vấn đề trong một giới hạn hẹp hơn nhiều: lãnh vực nghiên cứu khoa học để chế tạo vũ khí. Ðáng lẽ, với nội dung trình bày của mình, ông Ngọc nên thu hẹp đề tài lại (narrowing the subject) cho chính xác hơn, ví dụ “Ðạo đức trong hoạt động khoa học nghiên cứu chế tạo vũ khí”.

Sau khi đã chọn và giới hạn đề tài rồi người viết bắt đầu phải quan tâm tới bố cục của bài (composition).
Ðoạn đầu tiên ai cũng biết là “Nhập đề”. Trong phần này, tác giả phải giới thiệu một cách rõ ràng (có thể minh thị hay không nhưng phải rõ ràng) ý tưởng chính của mình (main idea) và dự trù triển khai ý tưởng chính đó ra sao để độc giả dễ dàng theo dõi. Ý tưởng chính trong mỗi đoạn (paragraph) hay phân đoạn được phát biểu trong một câu gọi là “topic sentence”. Ðây là câu quan trọng nhất trong một đoạn văn. Nếu câu “topic sentence” này chi phối toàn bài thì có khi được gọi là “thesis statement”, nhằm trình bày đại ý của bài. Câu thesis statement này phải được trình bày trong đoạn văn thứ nhất, “nhập đề” (introduction). Ðoạn nhập đề dài 3 trang rưỡi (font chữ 12) của ông Ngọc thiếu vắng hẳn câu văn “thesis statement” quan trọng này khiến người đọc không hiểu được quan điểm của ông ra sao và ông định triển khai những ý tưởng phụ gì. Sau khi trình bày rất nhiều ý tưởng không liên quan tới chủ đề (đề bài =title), ở mãi giữa trang 3 ông Ngọc mới viết: “Ðây chính là điều tôi muốn viết về vấn đề đạo đức trong khoa học trong phần tiếp theo.” Nhưng rồi người ta cũng vẫn không tìm được đâu là quan điểm của ông (main idea). Cho mãi tới trang 10 trong 13 trang chữ (không kể trang hình), người đọc mới thấy cái ý chính của bài khi ông viết: “Phát minh ra những vũ khí để hủy diệt sinh mạng con người thì không thể phát xuất từ một tâm thiện”.

Với 3 trang còn lại, làm sao ông có đủ giấy để triển khai và biện minh cho luận điểm của mình, và rồi lại còn phần kết luận nữa. Tóm lại bài viết của ông Ngọc có một bố cục (composition) hết sức lộn xộn, bất cân xứng. Hay có thể nói chính xác hơn, đó là một bài viết không có bố cục.

Đoạn trên chứng tỏ ông Nguyễn Tường Tâm muốn tôi phải viết một bài có cấu trúc theo sự hiểu biết của ông ấy, khoan nói đến chuyện sự hiểu biết này ở trình độ nào và có thể áp dụng ở đâu. Chỉ có điều là bài viết của tôi về Dương Nguyệt Ánh không phải là một bài báo nghiên cứu khoa học, và tuyệt đối không phải là viết về khoa học nghiên cứu chế tạo vũ khí. Nội dung bài viết của tôi tập trung vào câu “Nhân Đọc Những Bài Viết Về Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh” đặt dưới chủ đề “Vấn đề Đạo đức trong Hoạt động Khoa học” nhưng ông Nguyễn Tường Tâm đã cố ý vứt câu “Nhân Đọc Những Bài Viết Về Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh” đi, và bẻ queo hoạt động khoa học của Dương Nguyệt Ánh thành chủ đề nghiên cứu khoa học tổng quát. Do đó, một người bạn khuyên tôi ở trên là “không nên nghĩ rằng ai cũng đọc và hiểu là tôi muốn viết gì, kể cả Nguyễn Tường Tâm” kể ra cũng không phải là không đúng.

Tôi chẳng muốn nói về tôi, cái tôi đáng ghét, nhưng có vẻ như ông Tâm viết để mà viết, cho rằng tôi không biết viết một bài về khoa học, dù rằng ý định của tôi không phải là viết về khoa học. Nhưng nếu ông Tâm biết rằng tôi đã viết và trình một luận án Ph.D. về đề tài “Kinematic Low Energy Electron Diffraction Intensities From Averaged Data: A Method For Surface Crystallography” ở Đại Học Wisconsin-Madison, một trong “Big Ten” ở vùng Mid-West, có trên 44 ngàn sinh viên, từ năm 1972, thì có lẽ ông ấy đã viết dè dặt hơn, không khoe khoang trình độ hiểu biết của mình về cấu trúc một bài viết về khoa học. Hơn nữa, tôi cũng đã từng có khoảng vài chục bài khảo cứu khoa học đăng trên những tờ báo khoa học chuyên ngành của Mỹ như Surface Science, Journal of Vacuum Science & Technology, Physical Review, Physical Review Letters, Journal of Applied Physics … và trình bày trong những Hội Nghị Khoa Học Quốc Tế như Low Energy Electron Diffraction, National Symposium of the American Vacuum Society, Annual Conference on Physical Electronics, International Vacuum Metallurgy Conference, International Conference on Metallurgical Coatings v.. v… Nhưng những chi tiết về những hoạt động khoa học cá nhân này đã trở thành quá khứ từ lâu rồi, và đã chấm dứt từ giữa thập niên 1990, khi tôi về hưu. Cho nên tôi chẳng bao giờ buồn nhắc đến, vì chúng chẳng giúp ích gì cho tôi trong công việc hàng ngày hiện nay của tôi. Nhưng thật phiền cho ông Nguyễn Tường Tâm phải mất công dạy tôi viết một bài về khoa học, dù rằng điều này tôi đã học cách đây trên 30 năm trước. Dù sao thì cũng xin cám ơn ông Tâm nhiều về hảo ý và kiến thức của ông. Tôi cho rằng sự học hỏi của con người là một quá trình suốt đời. Có phải như vậy không, thưa ông Tâm.

Tôi nghĩ không cần thiết phải phê bình thêm về những luận điệu lạc đề của ông Tâm. Tại sao tôi lại nói là lạc đề? Tôi xin mượn một câu của ông Tâm nhưng sửa lại đôi chút cho hợp tình hợp cảnh: Nếu chủ đề đặt ra mà [bị hiểu] sai thì nghiên cứu [bài phê bình chủ đề đó] cũng sẽ sai hay bài viết [lý luận phê bình] cũng sẽ [lạc lõng và] lủng củng. Thật vậy, trong bài phê bình của ông Nguyễn Tường Tâm có những câu khẳng định vô trách nhiệm về đối tượng phê bình của mình, thí dụ như:

Nguyễn Tường Tâm: Ngoài những cái thiếu cơ bản về hình thức vừa trình bày, bài viết của ông Ngọc thiếu hẳn nội dung, nhưng lại dài dòng. Thêm vào đó, cái thiếu khả năng biện luận khiến bài viết có rất nhiều điều tự mâu thuẫn [Nhưng không vạch rõ thế nào là thiếu khả năng biện luận và những điều tự mâu thuẫn. Mà tôi có biện luận cái quái gì đâu, chẳng qua chỉ là trình bày một số ý kiến cá nhân về hoạt động làm bom giết người, và như vậy là thiếu nội dung, nội dung của ông Tâm]

Nguyễn Tường Tâm: Các khiếm khuyết về nội dung xuất phát từ việc tác giả không đưa ra định nghĩa và giới hạn cho hai khái niệm chính trong chủ đề của bài: Ý niệm đạo đức và ý niệm khoa học. Tác giả dùng hai chữ đạo đức khoa học trong ý nghĩa quá rộng mà ông lại không phân tích kỹ hai ý niệm đó.

Ở đây, ông Nguyễn Tường Tâm lại đổi chủ đề thành “Ý niệm đạo đức và ý niệm khoa học.” Đây lại là thủ đoạn dựng lên một người rơm. Nhưng điểm then chốt ở đây là ông Nguyễn Tường Tâm lại bỏ đi câu “Nhân Đọc Những Bài Viết Về Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh”. Chỉ cần một trình độ hiểu biết tối thiểu, ai cũng có thể nhận thấy là câu này bổ túc cho chủ đề trên và nói lên rất rõ ràng là “hành động khoa học” mà tác giả muốn nói đến chính là việc chế tạo bom để giết người hàng loạt mà Dương Nguyệt Ánh dự phần trong đó, và tác giả sẽ viết những gì về Dương Nguyệt Ánh. Nếu ông Tâm vẫn chưa chịu hiểu thì tôi có thể nói rõ hơn một chút: Bài viết của tôi chỉ nhằm 2 mục đích: nhận định cá nhân về một số vấn đề xuyên qua Những Bài Viết Về Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh, và trình bày quan điểm của mình về hành động làm bom giết người tập thể là một hành động vô đạo đức. Và tôi đã viết không ra ngoài hai mục đích trên. Lý luận của ông Nguyễn Tường Tâm để bênh vực hành động làm bom giết người của Dương Nguyệt Ánh là đưa ra trường hợp Trần Đại Nghĩa sáng chế hay biến cải vũ khí ở Việt Nam, cùng người Việt kháng chiến làm hầm chông v..v.. để chống địch, và cho rằng làm loại bom áp nhiệt là để bảo vệ nước Mỹ. Nhưng lý luận này không đứng vững. Vì Trần Đại Nghĩa hay những phương tiện giết địch khác ở Việt Nam là để chống xâm lăng trên đất nước mình, còn Mỹ là đem các loại vũ khí giết người hàng loạt (WMD) đi tàn phá nước khác, điển hình là ở A Phú Hãn và Iraq, với lý do ngụy tạo là ở Iraq có WMD. Báo Mỹ thường viết về cuộc chiến của Mỹ ở A Phú Hãn và Iraq là “invasion and occupation”.

Đến đây, tôi muốn nhận xét về một lập luận của ông Nguyễn Tường Tâm:

Nguyễn Tường Tâm: Lập luận ông Ngọc cũng cho thấy rất nhiều mâu thuẫn. Một mặt ông nhiều lần vạch ra từng chữ, từng nhóm chữ của bà Dương Nguyệt Ánh để chỉ trích rằng bà Ánh đã quá chủ quan khi gán ý kiến của cá nhân bà cho một số đông, cho tập thể, cho cộng đồng; nhưng ngay trong phần nhập đề ông lại cực kỳ chủ quan khi viết, “Trong bài này tôi xin bày tỏ vài ý kiến cá nhân về khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, và tôi tin rằng tuyệt đại đa số người dân Việt hiền hoà yêu chuộng hoà bình, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, sẽ đồng ý với tôi.”

Tôi nghĩ rằng ông Tâm không hiểu thế nào là mâu thuẫn và không nắm được những sự kiện. Những câu tôi phê bình bà Dương Nguyệt Ánh không có gì là mâu thuẫn với câu nói lên niềm tin của tôi. Một đàng, bà Ánh tự ban cho mình một cái nghĩa vụ đối với 80 triệu đồng bào trong nước và quyền nói thay họ. Còn một đàng là về phương diện đạo đức tôi tin rằng tuyệt đại đa số người dân Việt hiền hòa, yêu chuộng hòa bình sẽ đồng ý với tôi là: làm bom để giết người hàng loạt thì không thể coi là có đạo đức. Người Việt, trong cuộc chiến vừa qua đã khốn khổ khốn nạn về các loại bom đạn đổ trên đầu, trên đất nước họ, cho nên tôi tin rằng không có mấy người ưa thích loại bom áp nhiệt có sức tàn phá rất kinh khủng và cực kỳ vô nhân đạo.

Trước khi kết luận tôi xin bình luận về một câu của ông Nguyễn Tường Tâm để cho độc giả thấy rõ ý chính của ông Tâm trong bài phê bình là nhắm vào cái gì:

Nguyễn Tường Tâm: Nội dung đã nghèo nàn mà lại còn bị lạc đề. Lấy cớ bàn vấn đề đạo đức, ông Ngọc dành hầu như toàn bài để chỉ trích quan điểm chống cộng của bà Dương Nguyệt Ánh, và mở rộng ra ông chỉ trích mãnh liệt Hoa Kỳ; đặc biệt vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Như vậy về thực chất đây là một bài chính luận của một cán bộ cộng sản, hay ủng hộ cộng sản là ông Trần Chung Ngọc, chống đối quan điểm của một người lên án cộng sản là bà Dương Nguyệt Ánh chứ không phải là một bài nghiên cứu liên quan tới khoa học của một người nghiên cứu khoa học viết về ý kiến của một khoa học gia khác như ông Ngọc muốn cho thấy. Sự lạc đề còn đi xa hơn nữa khi ông ghép vào bài một đoạn dài chỉ trích Thiên Chúa giáo.

Tôi có thể nói ngay rằng, ông Nguyễn Tường Tâm chưa đủ trình độ để đọc bài của tôi vì ông không hiểu ý định của tôi khi viết bài đó, hoặc có hiểu đi chăng nữa, nhưng vì một lý do nào đó, một lý do không có gì là khó hiểu, nên đã bẻ queo vấn đề để có cớ mà phê bình. Nói khác di, tôi xin nhắc lại, ông Tâm đã cố ý dựng ra một người rơm để rồi tự tay mình quật nó xuống. Ông Tâm chỉ đưa ra luận điệu là tôi chỉ trích quan điểm chống Cộng của bà Dương Nguyệt Ánh và qui kết đó là “chính luận của một cán bộ cộng sản, hay ủng hộ cộng sản” mà không cần biết đến quan điểm chống cộng của bà Ánh ra sao, và những lời chỉ trích của tôi đúng hay sai, và sai ở chỗ nào. Tôi có cảm tưởng là theo ông Tâm thì cứ chỉ trích quan điểm chống Cộng, bất kể quan điểm đó như thế nào, cũng là sai rồi. Vậy thì đâu còn chuyện gì để nói nữa. Với quy kết của ông Tâm như trên thì chúng ta ở hải ngoại chỉ có thể hoặc chống Cộng sản hoặc là Cộng sản, hay hoặc đen, hoặc đỏ, không thể có chọn lựa nào khác. Cái kiểu chụp mũ này đã hết thời từ lâu rồi mà ngày nay những người có đầu mà không có óc còn mang ra xử dụng, thật là tức cười.

Ngày nay, có cả một rừng sách viết về chiến tranh Việt Nam, và tuyệt đại đa số có nội dung chỉ trích, nhiều khi rất mãnh liệt, vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Và tác giả những tác phẩm này là những học giả, giáo sư đại học, cựu quân nhân, cựu tướng lãnh đã từng tham chiến ở Việt Nam, kể cả Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara v..v.. Phải chăng thực chất họ đều là “cán bộ cộng sản hay ủng hộ cộng sản”. Nếu ông Tâm muốn, tôi có thể giới thiệu cho ông một số tác phẩm này, không nhiều đâu, chỉ riêng những cuốn tôi có đã trên trăm cuốn rồi, chưa kể những tài liệu trên Internet. Và trong những cuốn này, ông Tâm cũng như Dương Nguyệt Ánh có thể biết nhiều hơn về Mỹ đã làm những gì ở Việt Nam. Thật ra, chỉ cần đọc Noam Chomsky, hay Bernard Fall, cộng với lời phê phán của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc về guồng máy nghiền thịt của Mỹ ở Việt Nam là cũng đủ nắm được vấn đề.

Còn về vấn đề chỉ trích Thiên Chúa Giáo thì không phải là một đoạn dài mà chỉ là một đoạn chưa tới 13 dòng trong một bài dài 13 trang. Nguyên văn đoạn đó như sau:

Nhớ khi xưa, trong thời đại hắc ám, giáo hội Công Giáo cũng đã thiêu sống khoa học gia Giordano Bruno và các phù thủy vì không muốn đổ máu, và cũng vì tin rằng Chúa ở trên trời thích hít hà mùi thịt khét, như một mục sư gần đây đã phán. Sau vụ 9-11 ở New York, trước ngày lễ Halloween, 31 tháng 10 hàng năm, Mục sư Tin Dữ Deacon Fred, trong một bài giảng cho các tín đồ, cho rằng bổn phận của người Ki-tô là phải giết phù thủy ngay trong thời đại này: “Thiên Chúa rất rõ ràng ở đây, thưa quý vị, ông ta không muốn cho các phù thủy sống. Chúng ta phải giết các phù thủy! Nếu không, chúng ta đang bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Chúa Jesus sẽ vui mừng đến chảy nước mắt nếu ông ta từ trên đám mây cúi xuống và hít hà lên mùi thịt nướng của một phù thủy trong ngày lễ Halloween này. [Trong ngày lễ Halloween vào 31 tháng 10 mỗi năm, rất nhiều người ăn mặc giả làm phù thủy kéo ra chật đường phố] (God is very clear here, folks, he doesn't want witches to live. We are supposed to be killing witches! If we don't, we are disobeying God. Jesus would weep tears of joy if He leaned down off His cloud and sniffed up the burning flesh of a witch this Halloween.)

Tôi xin hỏi ông Tâm, đó là lịch sử và tin tức thời sự hay đó là “chỉ trích Thiên Chúa Giáo”? Cuối cùng, tôi muốn nói đến một đoạn mà ông Nguyễn Tường Tâm viết với mục đích “ám sát cá nhân” tôi (character assassination), nguyên văn như sau:

Nguyễn Tường Tâm: Ông Ngọc lại mắc thêm một vi phạm đạo đức nữa là không thẳng thắn (honest). Ông trích dẫn hai giáo sư Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận cốt để khoe khoang kiến thức, làm mờ mắt người đọc chứ không nhằm minh chứng cho lập luận của mình. Hai vị giáo sư này, đặc biệt là giáo sư Trịnh Xuân Thuận là người giỏi trong chuyên môn khoa học của họ và các tác phẩm của họ chuyên nghiên cứu về khoa học và tôn giáo ở trình độ cao, trình độ hàn lâm (academic) chứ không nhằm viết cho quảng đại quần chúng. Vì thế rất ít người biết tiếng hay đọc tác phẩm của hai ông. Thế mà ông Ngọc lại dựng lên sự kiện “Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một khoa học gia nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại và cả ở trong nước.” Phải chăng khi viện dẫn tới hai giáo sư này ông Ngọc có thái độ “cáo mượn oai hùm”? Cuốn The Quantum and the Lotus của giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một cuốn sách được viết dưới dạng một cuộc đối thoại giữa hai người muốn áp dụng những khám phá mới về khoa học để lý giải giáo lý Phật giáo và cho thấy khoa học và Phật giáo xác nhận và bổ sung cho nhau (xem website http://www.randomhouse.com/catalog/display.pperl?isbn=9781400080793) Nếu quả thực ông Ngọc hiểu được giá trị của cuốn sách như ông khen ngợi xin ông liệt kê bằng một câu (sentence) hay một nhóm chữ (phrase) ngắn và gọn, cái điểm sáng tạo trong cuốn sách, mà ai cũng phải công nhận thì lúc đó người đọc mới coi ông là một người viết ngay thẳng (honest), viết ra điều mình biết và hiểu chứ không phải để hù doạ người đọc khiến người đọc ủng hộ quan điểm của mình một cách sai lạc.

Thưa với ông Tâm, cách đây khoảng 5 năm, năm 2002, trong bài viết về đề tài PHẬT GIÁO VÀ SỰ TIẾN HÓA TƯ TƯỞNG CỦA NHÂN LOẠI, đăng trên trang nhà giaodiem.com trước đây, và trên báo giấy Giao Điểm, tôi đã viết vài hàng về cuốn The Quantum and The Lotus của Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận trong đoạn kết. Đoạn kết đó như sau, xin tặng ông Nguyễn Tường Tâm để cho tâm ông được tỏ tường..

Vài Lời Kết.

[Quote] Viết bài này, tôi chỉ có mục đích duy nhất là trình bày cùng quý độc giả sự kiện là về các lãnh vực khoa học, tôn giáo và xã hội, nhiều tư tưởng Phật Giáo đã đi trước nhân loại khá xa. Bài viết này không có mục đích chống đối niềm tin của bất cứ ai trong bất cứ tôn giáo nào. Hiểu rõ là chúng sinh thì căn trí bất đồng nên tôi không có lý do gì để chống niềm tin của người khác mà tôi cho đó là quyền tuyệt đối của con người. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong thời đại này, chúng ta không thể tự cho phép quay trở về thời Trung Cổ, làm ngơ trước những tiến bộ tư tưởng của con người. Cho nên bài viết này chẳng qua chỉ là trình bày phần nào một khía cạnh tiến hóa của tư duy nhân loại, dựa trên những kết quả nghiên cứu đáng tin cậy của những bậc thức giả trong mọi tôn giáo và trong khoa học.

Thay vì có vài lời kết luận, tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả một cuốn sách có giá trị cao, đó là cuốn Sự Vô Tận Nằm Trong Lòng Bàn Tay: Từ Big Bang đến sự Tỉnh Thức (L'Infini Dans La Paume De La Main: Du Big Bang à L'Éveil) của Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận, xuất bản năm 2000 tại Pháp. Cuốn sách này nay đã được dịch sang tiếng Anh với tên: Một Cuộc Hành Trình Tới Những Tận Cùng Kiến Thức Ở Đó Khoa Học và Phật Giáo Gặp Nhau: Nguyên Lượng và Hoa Sen (A Journey To The Frontiers Where Science and Buddhism Meet: The Quantum and the Lotus) với đôi chút thay đổi trong bố cục và văn tự, xuất bản tại Mỹ năm 2001. [Nay thêm: Điều này có nghĩa là tôi đã đọc kỹ cả hai bản tiếng Pháp và tiếng Anh] Tuy nhiên, tôi phải nói ngay rằng, giá trị của cuốn sách này tùy thuộc trình độ hiểu biết của người đọc trong cả hai lãnh vực: khoa học và tôn giáo, nhất là Phật Giáo. Matthieu Ricard là đồng tác giả với ông bố Jean-Francois Revel trong cuốn sách nổi tiếng Le Moine et le Philosophe xuất bản năm 1998 ở Pháp. Cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt: Tăng Sĩ và Triết Gia, và sang tiếng Anh: The Monk and the Philosopher. Matthieu là một khoa học gia trở thành một tăng sĩ Phật Giáo. Còn Trịnh Xuân Thuận, sinh trưởng trong một gia đình Phật Giáo, là giáo sư khoa học nghiên cứu các thiên thể (astrophysics), đại học Virginia. Nội dung cuốn L'Infini Dans La Paume de la Main là những trao đổi ý kiến giữa Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận về khoa học Tây phương và triết lý Phật Giáo. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho rằng cuốn sách này là một đóng góp lớn lao cho sự hiểu biết rõ hơn bản chất thật của thế giới của chúng ta và đạo chúng ta sống trong đó. [Nay thêm: Những cuốn sách đã xuất bản của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, thí dụ như La Mélodie Secrète: Et L’Homme Créa L’Univers, Le Chaos et L’Harmonie: La Fabrication du Réel, The Birth of the Universe v..v.. đã được giới thức giả Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở trong nước biết đến nhiều, nhất là đối với những người ở trong lãnh vực khoa học như tôi. Và cuốn L'Infini Dans La Paume De La Main: Du Big Bang à L'Éveil đã được dịch sang tiếng Việt ở trong nước với nhan đề Cái Vô Hạn trong Lòng Bàn Tay: Từ Big Bang Đến Giác Ngộ, dịch giả Phạm Văn Thiều – Ngô Vũ, Nhà Xuất Bản Trẻ xuất bản đầu năm 2005]

Trong phần kết luận, khoa học gia Trịnh Xuân Thuận cho chúng ta biết rằng, tuy đã biết và đánh giá cao khía cạnh thực hành của Phật Giáo, giáo sư Thuận không tin rằng có thể có sự đối chiếu giữa khoa học và Phật Giáo, vì con đường thực nghiệm của khoa học và con đường quán chiếu nội tâm của Phật Giáo hoàn toàn khác nhau, cho nên Phật Giáo chẳng có gì mấy để nói về thế giới các hiện tượng, đối tượng nghiên cứu của khoa học. (Le n'étais donc pas du tout sur qu'une démarche consistant à confronter la science et le bouddhisme puisse avoir un sens. Je redoutais que le bouddhisme n'ait que peu à dire sur la nature du monde phénoménal, car ce n'est pas sa préoccupation principale, alors que c'est fondamentalement celle de la science.)

Tuy nhiên, sau khi trao đổi ý kiến với Matthieu Ricard, giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã thay đổi ý kiến và ông viết:

Trong cuộc trao đổi ý kiến của chúng tôi, tôi đã nhận ra rằng sự e ngại của tôi là vô căn cứ: không những Phật Giáo suy tư về bản chất của thế giới, mà còn suy tư một cách sâu sắc và đặc thù...

Điều chính mà tôi học được từ cuộc đối thoại này là, không còn nghi ngờ gì nữa, có một sự hội tụ và cộng hưởng giữa hai cách nhìn thực tại của Phật Giáo và của khoa học. Một vài khẳng định của Phật Giáo về thế giới các hiện tượng đã đem đến một cách kỳ lạ những ý tưởng tiềm ẩn trong khoa học vật lý hiện đại, đặc biệt là hai lý thuyết vĩ đại, cột trụ của vật lý hiện đại: cơ học nguyên lượng - khoa vật lý về những vật vô cùng nhỏ - (nguyên tử và các hạt tiềm nguyên tử như điện tử, quark v..v.. TCN) và thuyết tương đối - khoa vật lý về những vật vô cùng lớn (vũ trụ học: sao, thiên hà v..v... TCN).

(À mesure que nos conversations se sont poursuivies, je me suis rendu compte que mes craintes n'étaient pas fondées: non seulement le bouddhisme a réfléchi sur la nature du monde, mais il l'a fait de facon profonde et original..

L'enseignement principal que j'en ai retiré est qu'il existe une convergence et une résonace certaines entre les deux visions, bouddhiste et scientifique, du réel. Certains énoncés du bouddhisme à propos du monde des phénomènes évoquent de manière étonante telles ou telles idées sous-jacentes de la physique moderne, en particulier des deux grandes théories qui en constituent les piliers: la mécanique quantique - physique de l'infiniment petit -, et la relativité - physique de l'infini grand.) [End Quote]

Tôi không hiểu phần trích dẫn của tôi ở trên về giới thiệu tác phẩm L’infini Dans La Paume De La Main của Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận có đủ để làm sáng tỏ những điều ông Nguyễn Tường Tâm viết về hai tác giả cuốn The Quantum And The Lotus là rất ít người biết tiếng hay đọc tác phẩm của hai ông, và viết về tôi như “cáo mượn oai hùm”, “cốt khoe khoang kiến thức”, “để hù dọa người đọc” v..v.. hay không. Nhưng mà này, ông Nguyễn Tường Tâm ơi, kể ra, muốn phê bình, chỉ trích, hay đối thoại cho ra trò cũng khó đấy, và cũng tùy thuộc rất nhiều ở trình độ, có phải như vậy không?

Trần Chung Ngọc

Grayslake, IL., ngày 5 tháng 11, 2007