CÂU CHUYỆN HÀNG TUẦN:

SO WHAT... ?

Huỳnh Bất Hoặc

ngày 25 tháng 6, 2009 (1)

Đầu gối rã, tôi đứng chờ đã mệt

Tôi trông mong hai mắt tối đen rồi

Tôi đã khóc những đêm sầu đến chết

Thuở trần gian - xin Thượng Đế thương tôi.

[Huy Cận - Trình Bày]

SY-19-06-2009- Vốn là người binh nhì có lẽ thâm niên nhất trong lực lượng quân sự của Miền Nam trước 30-04-75 và khi đi ở tù thì lúc tự khai lại cứ cứ nhất quyết viết: nghề nghiệp - dạy học, lính [mở ngoặc] binh nhất QLVNCH chứ không chịu khai là lính ngụy...ngày 19-06 với tôi có một điều đáng nhớ như thế nào đó...nên năm 1965 khi viết bài Nén Hương Cho Một Pho Tượng Bất Hoặc tôi đã mượn lời ca của nữ tài danh Piaf để viết 19-06- Ngày Quân Lực?- Non, Je Ne Regrette Rien! [ Không! Tôi chẳng có gì để ân hận cả! ]

Ngày 19-06 năm nay, tình cờ tôi lại được đọc một tin của AP trên mạng Yahoo!7-MSN với hàng tít: World’s oldest man dies at 113 [người già nhất thiên hạ chết ở tuổi 113] Đọc xong bản tin tôi tỉnh bơ lầm bầm như tự cười mình vô duyên ỏm: So What?! ...

Bản tin AP kể một ông cụ người Nhật tên Tomoji Tanabe ở hạt Miyakonojo, năm từng được thư xã Guinness Book of World Records phong cho là người thọ nhất thiên hạ hai năm trước lúc cụ mừng thượng thọ 111 tuổi. Nghĩa là ít ra thì cụ cũng giữ kỷ lục hai năm tròn!

Và hình như còn chỗ làm gì không vẽ voi cho nên AP đành gồng mình kể một phần tiểu sử của cụ Tanabe là sinh năm 18-09-1895 sống bằng nghề địa chánh, có gia đình có 5 trai, ba gái, 25 cháu, 53 chắt và 6... chiu [?]. Bản tin không nói gì về cụ bà Tanabe, nhũ danh gì, chết năm nào...và biết đâu cụ ông Tanabe còn nhớ tên bà và bà...đi trước năm nào?! Đọc xong, tôi lại lầu bầu So What??? như tiếc thời gian và số năng lượng phung phí để đọc tin. Bản tin có chi tiết đáng ghi là cụ ông Tanabe khoái ăn tôm chiên, cháo cua miso và đọc báo hằng ngày...Cụ không hút thuốc mà cũng không uống rượu. Cụ Tanabe tạ thế trong lúc ngủ, êm đềm như một ngọn đèn hết dầu, ngọn nến tàn bấc, ba tháng hai ngày trư ớc khi đạt số 114!?

Nhật là nước duy nhất năm 1945 từng lãnh đủ hai quả bom nguyên tử nhưng Nhật lại cũng là nước có số thọ cao nhất nhân loại. Công đầu ai cũng nói hình như là cơm gạo và cá? Tuổi thọ trung bình của các cụ bà là 86 và cụ ông là 79. Nhưng từ sáu năm nay thì số 100 tuổi đó đã tăng gấp đôi và LHQ dự đoán Nhật có thể có khoảng 36.000 cụ đạ đến danh sách bách niên và đến 2050 thì số đó có thể lên gần 1 triệu như chơi. Các bà cụ chiếm đa số 86% trong số này...

Nói chuyện thọ yểu nhân ngày 19-06 Bất Hoặc tôi nhớ lại là mấy năm trước đây, ngày-08-2004, khi nghe tin một cựu chiến binh Úc thuộc loại trên trăm tạ thế tôi đã có viết một bài nhan đề Bóng Ma Biết Ăn Biết Thở Biết Yêu Thương. Bài này Bất Hoặc tôi đã phá lệ với lời ghi tặng như sau: Tặng Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, Phạm Văn Liễu, Dương Hữu Chiêu và những người đã thật sự làm lính mà tôi biết. Bài này đã viết đại để...

Tham gia Đại Chiến 1914-1918 bên trời Âu, Úc đã có 61 ngàn binh sĩ tử trận. Hôm nay, những người sống sót trở về chỉ còn 6, và đều trên 100 tuổi trong đó có cụ tên Marcel Caux 105 tuổi. Sáu chiến binh đại thọ đó giờ chỉ còn năm, Marcel Caux vừa bỏ đàn bay đi. Marcel Caux là ai?

Thế hệ của Bất Hoặc tôi, không ít thì nhiều ai cũng có thể đọc hoặc nghe qua quyển truyện Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh của nhà văn gốc Đức Erich Maria Remarque. Nghe nói chuyện này cũng đã được quay thành phim nhưng tôi không được xem. Remarque là một chiến binh thời Đại Chiến 1914-1918. Remarque viết quyển Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh năm 1929, trong lúc Hitler đang chuẩn bị cướp chính quyền. Nội dung phản chiến của cuốn truyện đã mang họa đến cho tác giả khi chính quyền Đức phát động chiến tranh. Remarque bị tước quyền công dân và tống ra nước ngoài qua Mỷ làm công dân Mỹ.

Một trong những điều nhắc tôi nhớ về quyển Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh là cảnh một chiến binh Đức đang lâng lâng mơ màng sướng khoái ngồi đại tiện trên một két đạn lúc chiến trường tạm thời im lắng. Phải chăng đó chính là thời điểm bi hài duy nhất giúp cho anh chiến binh này nghĩ rằng... mặt trận miền Tây vẫn yên tỉnh? Nếu vậy thì phải nói là không chỉ người Việt mới biết thưởng thức cái hạnh phúc 'nhất Quận Công, nhì ỉ... đồng' rồi.

Đại chiến 1914-1918 là cuộc chiến đế quốc giữa một bên là Đức-Áo-Hung-Thổ Nhĩ Kỳ, một bên là Anh-Pháp-Nga và các chư hầu của hai phe trong đó có Úc. Đội quân viễn chinh Úc đã có mặt trong các trận lớn ở Flanders, Somme, Palestine, và nhất là Gallipoli. Gallipoli là địa ngục trần gian của đạo quân viễn chinh Úc, nơi họ đã chịu nhiều tổn thất nặng nề và cay đắng nhất từ trước đến nay.

Mặt trận miền Tây là nơi diễn ra những đợt tiến công của Đức Áo vào Tây Âu, chủ chốt là Pháp với những trận đẫm máu long trời lỡ đất còn được sử sách nhắc đến như Verdun, Somme, Marne, Ypres, nổi tiếng là cuộc chiến giao thông hào và là nơi mà thiết giáp và vũ khí hóa học lần đầu tiên được đem ra dùng.

Cuộc chiến với 10 triệu người chết, và 20 triệu bị thương này là cuộc chiến đẫm máu điên cuồng đến độ có người gọi đó là 'cuộc chiến chấm dứt các cuộc chiến', nghĩa là làm Tây phương tởn tới già không dám nghĩ đến súng đạn bắn giết nữa.

Tưởng như vậy chỉ là ảo tưởng. Bởi 21 năm sau, Tây Âu lại rủ nhau vào cuộc chém giết mới gọi là Đệ Nhị Thế Chiến hay chiến tranh 1939-1945 và liền sau đệ nhị thế chiến là chiến tranh Việt Nam trầm trầy trầm trật kéo dài ngót 30 năm.

Không biết vì mộng giang hồ hay vì mã thượng ham vui mà một thanh niên miền quê Úc với tên cúng cơm Harold Katte đã khai gian sụt tuổi từ 18 xuống còn 16 khi đáp lời kêu gọi tòng quân tăng viện đồng minh bên trời Âu xa lạ. Từ 18 xuống 16? Phải chăng là để kéo dài ngày tại ngũ, kéo dài ngày nhất tướng công thành le lói?

Marcel Caux the World War I soldier ... not what he seemed. Inset: "A most inappropriate choice" - the army recruiting poster. Ảnh brisbanetimes.com.auTân binh tò te Harold Katte được gửi đến những chiến trận đẫm máu nhất và ba lần bị thương trên đất Pháp. Hai lần đầu năm 1916 và lần chót năm 1918 trên chiến trường Villiers Bretonneux.

Harold Katte bị một viên đạn cụng bể xương đầu gối nhưng may mắn được chữa lành không phải cưa cụt, chỉ có điều sụm bà chè đầu gối nên chân cứ đơ ra không còn co duỗi được nữa. Harold được hồi hương và rồi được xuất ngũ.

Trở lại quê nhà với một mớ thành tích chiến trường trong tư thế hào hùng của một bại tướng cà nhắc, Harold Katte hí hửng đến phòng xã hội xin trợ cấp thương phế binh thì nhân viên xã hội trả lời: Anh còn đứng được tại sao không đi làm mà ăn mà mò đến đây xin trợ cấp há?!

Không biết Harold Katte có giải thích cho nhân viên xã hội biết mình một chân còn đứng được nhưng đứng thẳng cán cuốc thôi nên cũng coi như phế nhân? Nhưng câu thắc mắc của nhân viên xã hội quả đã đổi đời Harold Katte. Hoàn toàn!

Thật vậy, tuy không hề mơ tưởng những tuyên dương công trạng hào nhoáng, không hề mong chờ những tiếng hoan hô, những vòng hoa chiến thắng, nhưng Harold Katte vẫn có thể nghĩ ít ra thì mẫu quốc Anh, nếu không thì chính quyền Úc cũng đã mắc nợ hắn. Cái nợ nước mắt và mồ hôi, món nợ xương máu hắn đã đổ ra ba bận trong những giao thông hào nhầy nhụa bùn lầy và thịt xương. Thằng chả nhân viên Bộ Cựu Chiến Binh hình như không thèm biết đến chuyện ấy, dương mắt nhìn hắn tội nghiệp như muốn nói: Mầy ngu ráng chịu! Muốn ăn vạ thì tìm vua Anh hay Thủ Tướng Úc mà đòi, đừng xớ rớ đứng đây quấy rầy tao, không cho tao ăn làm...

Bầu trời chính nghĩa như đổ ập xuống đầu Harold Katte. Hắn cắn răng nín thở quyết chui ra khỏi đống bụi mù quá khứ vinh quang chiến trận.

Harold Katte âm thầm rút lui về nhà, quyết đào sâu chôn chặt cái quá khứ chiến binh oai hùng bằng cách thay tên Harold Katte trong quân bạ ngày trình diện nhập ngũ. Hắn quyết khai tử Harold Katte và tự thế vì khai sinh là Marcel Caux. Âm thầm làm lại cuộc đời, lập gia đình, lấy vợ đẻ con. Ngót 80 năm hắn quyết dấu luôn tung tích không chỉ với xã hội, với chính quyền, mà cả với chính vợ con hắn. Phải! 80 năm!

Cho đến một ngày, chính phủ Pháp truy ra tông tích hắn, phanh ra tọa độ của hắn, mò đến tưởng thưởng cho hắn cái huy chương cao quý nhất của Pháp là Bảo Quốc Huân Chương, médaille de la légion d'honneur. Chuyện ấy xảy ra năm 1998, nghĩa là ít ra cũng 80 năm sau ngày nhân viên Bộ Cựu Chiến Binh xáng vào mặt hắn câu nguyên văn: If you can still stand, Mr Caux, you don't need a pension, you can get a job.

Cái Bảo Quốc Huân Chương của Pháp đã như một ánh đèn pha chiếu vào một người lính từng mai danh ẩn tích suốt 80 năm và đưa Marcel Caux vào vùng hào quang của một anh hùng dân tộc trong một nước đang cần anh hùng để chứng minh mình không phải chỉ là cái khoảnh outback quê mùa của Hoàng gia Anh hay một đồng minh tôm tép của những đại cường.

Và lúc này thì Marcel Caux đã 99 tuổi, trở thành một bảo vật quốc gia và chính thức gia nhập nhóm sáu người cuối cùng còn sống sót trong số các chiến binh Úc đã tham gia cuộc chiến 1914-1918.

Quyết định của Pháp đã khiến cho gia đình, bè bạn, con cái của Marcel Caux và cả chính quyền trung ương cũng như địa phương đã tá hỏa tam tinh. Bi hài nhất có lẽ là mẹ con bà Caux.

Bà Caux đã qua đời và chắc chắn là trước khi mãi mãi xa chồng bà Caux không những không biết chồng mình là ai, mà chính tên tuổi thật của chồng bà cũng không biết.

Marcus de Caux, con trai của Marcel Caux, aka Harold Katte thành thật tâm sự: Chúng tôi cứ ngẩn người ra vì chẳng hề hay biết mô tê gì cả. Ông Tổng Lãnh Sự tuyên đọc thành tích chiến công của ông cụ và chúng tôi nghe như vịt nghe sấm. Chúng tôi không hay biết và không nghi ngờ một chút gì về những chuyện đó cả.

Nhất là những chuyện như chính bố anh kể ra... Đôi khi vui miệng Marcel Caux thường nửa đùa nửa thật kể rằng...

Trên chiến trường miền Tây, ông từng bị thương được săn sóc hồi phục rồi lại được gởi ra mặt trận Somme ác liệt. Ông nói: Đúng rồi, chiến trường Somme, nơi tớ đã mất những thằng bạn, những đồng đội chân thật, những thằng bạn thật sự. Phần đông họ là người Anh, nhưng đám đó đúng là những tay chịu chơi hết mình...

Thông thường, chẳng ai chọn nghề chém giết, trừ trường hợp phải chém giết để tự vệ. Marcel Caux gồng mình đi lính để rồi phải rơi vào cảnh mình không bắn nó thì nó độp mình, cho nên ông đã dí dỏm kể thành tích oanh liệt của mình như sau: Chúng tớ gọi họ là đội lính Phổ - anh nào anh nấy cao to thấy mà ngán. Giao thông hào đầy xác của họ. Tớ chỉ là một thằng nhóc nặng trên dưới 50 kí. Họ có thể đấm tớ một cú là bẹp dí. Nhưng tớ cũng có cách gỡ huề - khẩu súng!

Harold Katte Marcel Caux gỡ huề được nhưng trên sáu mươi ngàn đồng đội của ông đã không may mắn thoát khỏi địa ngục Miền Tây như ông. Ông bùi ngùi: Tôi nhớ mãi những người không trở về. Nhiều lắm...

Ngày đăng lính lên đường ra trận, Marcel Caux đã ôm ấp một giấc mộng hào hùng thắm tình đồng đội chiến hữu.

Nhưng khi sáng mắt ra vì cú sốc đi xin trợ cấp cựu chiến binh, Marcel Caux đã quyết vùi chôn giấc mộng hào hùng đó, không phải dưới cái đống rác thực tế cuộc đời, nhưng là bằng một giấc mộng khác. Giấc mộng của một kẻ không hề biết chiến tranh là gì. Trong cơn mộng ấy, Marcel Caux trở thành một bóng ma biết ăn, biết uống, biết thở, biết yêu thương.

Cho đến ngày ông được cái Bảo Quốc Huân Chương như cái hỏa tiễn đẩy ông vào vùng trời vinh quang, ồn ào những lời tán tụng tận chín tầng mây, những lời khen ngợi, mọi vinh thăng thù tiếp nhưng trước sau Marcel Caux vẫn một mực né tránh. Thỉnh thoảng ông đến các trường học nói chuyện với học sinh và trước sau như một, ông luôn luôn cảnh giác học trò đừng có một ảo tưởng huy hoàng vinh quang nào về chiến tranh. Chiến tranh chỉ là phù phiếm. Marcel Caux tránh không nói về những ngày chinh chiến ở mặt trận miền Tây. Hoặc có nói thì ông cũng chỉ khiêm tốn: Quý vị biết mà, chuyện xưa quá rồi, và lý do duy nhất tôi còn sống đến hôm nay là vì tôi vào lính lúc tôi mới 16 tuổi.

Vạn bất đắc dĩ phải xuất hiện và nhận mình từng là một chiến binh của mặt trận miền Tây máu lửa, thì Caux chỉ than thở: Thế chiến I đã làm tan nát đời tôi, chẳng phải chỉ vì tôi đã bị thương ba lần, mà còn vì đã làm tôi tởn tới già. Cho nên ông dứt khoát: Thôi, tôi ớn cái loại thực tế ấy lắm rồi. Không, không bao giờ nữa

Không biết có phải Marcel Caux muốn nói là ông thoát khỏi được địa ngục trần gian bên trời Âu vì thuở ấy ông trẻ người non dạ điếc không sợ súng, chứ chẳng phải tài ba anh hùng gì?

Tài ba anh hùng gì đối với một quân nhân, thiên lôi chỉ đâu đánh đó? Chiến sĩ anh hùng, nếu có, chính là những người biết tuân thượng lệnh, dù là lệnh của những bạo chúa, những kẻ độc tài, những vua bù nhìn, những tướng tá phường trò như Marcel Caux và những kẻ thù của ông trên mặt trận miền Tây.

Ba năm sau khi từ bóng tối vô danh bước ra ánh sáng vinh quang anh hùng của cả hai quốc gia Úc và Pháp, Marcel Caux mới chịu tham dự ngày Chiến Sĩ Trận Vong. Lúc đó Marcel Caux đã 102 tuổi.

Đời mỗi người có lẽ cũng như hạt mầm. Có hạt sinh thành phù du của những 'cây' giá như hạt đậu xanh, hạt mè. Có hạt nở thành những đại thụ như bồ đề trên sân chùa rộn rịp, hay như tùng bách trên đầu non cô tịch thi gan với gió trăng một trăm, vài trăm năm. Phải chăng những kẻ từng trải qua bao nhiêu khó khăn lận đận nhọc nhằn gian khổ nhưng vẫn sống trơ trơ ngoài trăm tuổi như Marcel Caux là vì nguồn sinh lực của mỗi người là một kết tụ kỳ bí của trùng trùng duyên khởi, phải có những nhân duyên đặc biệt mới làm bật nguồn sinh lực kỳ bí đó ra để trở thành diệu dụng giúp người đó trường thọ?

Hoàn cảnh đặc biệt đó làm nẩy bật nguồn sinh lực kỳ bí đó và biến Marcel Caux thành một đại thụ thách thức với bệnh tật, với cái chết. Chiều chủ nhật 22-08-2004, con trai ông ghé Viện Dưỡng Lão thăm bố. Nhâm nhi với bố hộp le-de, trò chuyện đôi điều rồi chia tay ra về. Đêm đó, Marcel Caux lìa đời trong giấc ngủ cô tịch, lặng lẽ như một ngọn đèn cạn dầu.

Còn lại gì từ Marcel Caux? Còn lại gì đây qua 105 năm ăn, ngủ, thở, yêu thương, nhớ và quên, quên và nhớ?

Kể chuyện cụ ông Tanabe của Nhật và Marcel Caux của Úc làm Bất Hoặc tôi liên tưởng đến những câu thơ trong tập Huyền Thi của Nguyễn Bảo Sinh vừa mới được đọc:

Về thăm chiến địa Điện Biên

Ngậm ngùi tiếc thủa tráng niên qua rồi

Ngày xưa kéo pháo băng đồi...

Lời thơ nhắc tôi những chữ nếu ngậm ngùi của Hoàng Cầm:

Nếu anh còn trẻ như năm ấy

Quyết đón em về sống với anh

Những khoảng chiều buồn phơ phất lại

Anh đàn em hát níu xuân xanh

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận

Anh lụy đời quên bến khói sương

Năm tháng... năm cung mờ cách biệt

Bao giờ em hết nợ Tầm dương?

Nếu có ngày mai anh trở gót

Quay về lãng đãng bến sông xa

Thì em còn đấy hay đâu mất?

Cuối xóm buồn teo một tiếng gà...

[Nếu Anh Còn Trẻ]

Đời người hình như chỉ có một lần, một giai đoạn làm nên chuyện? Thật vậy, cứ kể tên và tuổi thọ của họ theo thứ tự abc mà Hoàng tôi còn nhớ thì cũng rõ... Này nhé, tính theo tuổi tây chứ không ăn gian thêm một kiểu tuổi ta thì...

Alexandre Đại Đế 33 tuổi chẵn, Lê Duẩn 79, Gandhi 79, Thành Cát Tư Hãn 65, Hitler 56, Hồ Chí Minh 79, Jesus 33, Khomeini Ayatollah 89, GH John Paul II 85, Khổng tử 72, Lão tử 73, Lenin 54, Lê Lợi 48, Lincoln 59, Lý Thường Kiệt 69, Mao Trạch Đông 83, Muhammad 62, Napoleon 52, Nguyễn Huệ 40, Nguyễn Hoàng 88, GH Paul VI 81, Phật Thích Ca 80, Stalin 74, Tần Thủy Hoàng 49, Washington 67...Đó là chưa kể mấy ông bà dzua Ai Cập, ham xây kim tự tháp để thách thức với nắng gió sa mạc hay như Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành để đùa dai với lòng dân. [Trích Cái Rốn Vũ Trụ hay Hạt Bụi Của Hạt Bụi]

Nhìn vào danh sách đó hẳn phải thấy là chẳng có ngài nào lột da sống đời, chẳng có cụ nào sống trọn vẹn 36 ngàn ngày cả, ngay cả trượng phu hiền nhân quân tử, ngay cả những ông thần nước mặn, trời thần đất lở, thầy chạy...

Cho nên trăm năm tính cuộc vuông tròn là nói mà chơi, nghe qua rồi bỏ đó chứ đừng tưởng bở!?

Nhưng nếu vậy thì thọ trăm tuổi để làm gì nhỉ?

 

Huỳnh Bất Hoặc

Trại Đỗ Quyên tháng Sáu-2009

 


Chú thích của sachhiem.net

(1) Tòa soạn được tin bất ngờ trong khi chuẩn bị đăng bài này: 6/25/09 Vua nhạc Pop nổi tiếng thế giới "Michael Jackson" vừa qua đời ở Los Angles, California, hưởng dương 50 tuổi (1958 -2009).

 

 

Những Câu Chuyện Cuối Tuần