CÂU CHUYỆN HÀNG TUẦN:

TU và TÙ - TU TẬP và TẬP TU

Huỳnh Bất Hoặc

ngày 06 tháng 6, 2009

 

Hàng năm cứ vào độ rày, Bất Hoặc tôi thường tạm dẹp hết sách vở qua bên để chỉ được đọc hay nghĩ đến những gì bắt tôi suy nghĩ. Năm nay bí quá, chưa tìm thấy gì hấp dẫn...

Điều tôi mong được đọc lại là bài pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế - Khổ Tập Diệt Đạo. Nhưng không biết chuyện đó nằm trong sách nào nên đành nghĩ đến Kim Cang. Thế đó mà khi mò được Đại Thừa Kim Cang kinh Luận do Chùa Dĩ An, Biên Hòa ấn tống năm 1967 ra thì sách cũ quá, mới trông qua sân si sắc tướng nổi lên thấy nãn nên tôi tạm thời níu lấy câu Je suis ce que je fais của Sartre để... nhai đỡ buồn!

Từ ngày rời trường đã mấy chục năm nay, mỗi lần nhắc đến hay nghĩ đến J.P. Sartre tôi lại băn khoăn tự hỏi không biết cái ông này nghĩ gì khi nói hiện hữu là một tự do tuyệt đối, rồi lại tỉnh bơ thêm je suis ce que je fais!? Bởi tôi trộm nghĩ còn ngụp lặn trong biển khổ của tương duyên, ngũ uẩn...thì tự do tuyệt đối may ra chỉ có những bậc chân tu thượng thừa đạt ngộ được mấy chữ chân như - quán tự tại nhuần nhuyễn trung quán, vô ngại, sắc tức thị không... may ra mới có thể hạ những câu như Sartre!?

Nhưng hình như Sartre là học trò của Martin Heidegger? Vấn đề Heidegger có biết gì về Phật giáo qua Martin Schopenhauer, người mở đường cho Phật giáo vào Tây phương, nhất là Đức, hay không, là điều chẳng ngạc nhiên. Cuộc sống và hành trạng đôi khi gàn dở của Sartre đúng là phong thái của một thiền sư cho phép nghĩ rằng phải chăng Sartre đã tiếp cận những ý niệm đầy sắc màu Phật giáo như vậy theo kênh thanh văn duyên giác?! Nhưng Phật giáo hình như lại hoàn toàn xa lạ với Sartre, không hề nghe Sartre nhắc đến hay luận bàn về Phật giáo. Tại sao vậy?

Tôi đang lấn cấn với Sartre thì có người anh em hoan hỷ chuyển cho tôi tập Huyền Thi của Nguyễn Bảo Sinh. Tập thơ không dầy, chỉ gồm 7.192 chữ phân bố qua khoảng ba mươi bài dài ngắn khác nhau cộng trên chín trăm câu.

Thấy cái tên Nguyễn Bảo Sinh lạ hoắc, tôi tò mò hỏi người anh em Nguyễn Bảo Sinh là ai thì được biết qua loa tác giả Huyền Thi là người đầu tiên lập ra một phòng chuyên chữa bệnh và lo ma chay cho chó mèo ở Hà Nội. Nghĩa là một người có lòng thương thú vật như A Dục Vương [264-228] những trạm cứu thương gia súc dọc đường bên Ấn Độ mấy ngàn năm trước chứ không thuộc nòi ham hạ cờ tây vì sợ ‘xuống âm phủ không có mà ăn’?

Bởi tác giả Huyền Thi là người không quen nên tôi cũng mắt nhắm mắt mở đọc những vần thơ xem ra có giọng Hồ xuân Hương, Bùi Giáng quen thuộc của một kẻ có tài thấu thị những điều thông thường sờ sờ trước mắt ai cũng thấy nhưng không ghi nhận cho đến khi có người nhắc. Thiên tài của Bùi Giáng hình như là chỗ đó?! Cho nên khó mà khỏi khoái chí cười khi đọc thấy Nguyễn Bảo Sinh viết:

Vợ là cửa cái

Bạn gái là cửa sổ

Càng nhiều cửa sổ càng sang

Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra

Vợ là cửa cái nhà ta

Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng

Vợ là cơm nguội nhà ta

Lại là phở tái thằng cha láng giềng...

[Đạo Bồ Bịch]

Hoặc khi nghe Nguyễn Bảo Sinh nhận xét về xứ người xứ mình:

Thái Lan lắm thuẫn nhiều mâu

Chùa chiền càng lắm thanh lâu càng nhiều

Đạo Phật huyền bí bao nhiêu

Sếch xi lộ liễu cũng nhiều như nhau.

[Chùa Thế giới]

Nếu thay chữ Thái Lan bằng Sàigòn hay TP-HCM và chữ chùa chiền bằng quán cà-phê đèn mờ, bia ôm, phòng đấm bóp như mấy ông thích nhầm cửa chính với cửa sổ đi du lịch quê nhà về kể lại...thì có quá lắm không?!...Nhưng tác giả Huyền Thi không chỉ xúi thiên hạ leo một cửa sổ thôi

Ước gì mình theo Đạo Hồi

Được lấy bốn vợ cùng ngồi một nơi

Hà Đông sư tử hết thời

Có giỏi kiện thánh đạo Hồi A la.

[Tết Nhàn]

Tại sao leo cửa sổ, phải bốn vợ? Hãy nghe tác giả Huyền Thi làm thầy kiện cho mấy anh chàng lãng đãng thích lầm cửa ngõ:

Bệnh tương tư trong tình ái cũng là bệnh “chỉ yêu một người”.

Muốn chữa khỏi bệnh tương tư

Thì ta phải biết tương tư nhiều người

Suốt đời chỉ yêu một người

Bệnh ấy còn nặng gấp mười ung thư...

. . . . . . . .

`Yêu một người không chỉ giới hạn trong tình yêu trai gái mà còn có nghĩa là tuyệt đối hóa một thần tượng. Tuyệt đối không có tuyệt đối mới là tuyệt đối.

[Huyền Thi]

Tuyệt đối không có tuyệt đối mới là tuyệt đối?! Đời ai cũng ca tụng thủy chung như nhất, chết cho đức tin, trung thành với chính nghĩa hay chính chuyên.... Chứ nước đục rửa chân, nước trong rửa mặt thì dễ quá. Nghĩ được như vậy mà gặp kẻ có quyền thì Huyền Thi sẽ bị đem ra công trường thiêu hủy và tác giả vào trại học tập là cái chắc!? Nhưng làm thế nào mà tuyệt đối không cho cái gì là tuyệt đối cả? Nguyễn Bảo Sơn trả lời: trung quán, trung đạo, lưỡng biên!

Hai biên xác định tỏ tường

Thì ta mới hiểu con đường trung dung.

Vậy muốn trung dung ta phải có trí tuệ siêu việt hiểu rõ cả hai cực mới xác định được trung dung. [Đạo Phồn Thực]

Tại các nước phồn vinh hiện nay, hết lo ăn no mặc ấm đến lo ăn ngon mặc đẹp nên có phong trào chạy theo nhu cầu phong thủy và trang trí nội thất để được tiếng là có cung cách sang trọng và lịch lãm. Nhưng Nguyễn Bảo Sơn lại nhìn vấn đề phong thủy một cách đơn sơ, đơn sơ đến bất ngờ làm cho mấy thầy bà phong thủy trang trí nội thất nhảy đựng vì lo thất nghiệp:

Phong thủy không ở đâu xa

Phong thủy chính bởi nhân hòa sinh ra.

Ở đâu ăn ngon ngủ ngon

Ở đấy phong thủy không còn đâu hơn.

Không cần kê lại ban thờ

Tâm lệch kê lại, tâm mờ thì lau.

[Phong Thủy]

Thấy Nguyễn Bảo Sinh nhắc đến vấn đề đạo và tâm tôi mới lưu ý xem tác giả Huyền Thi nghĩ gì...

Tâm lệch kê lại tâm mờ thì lau... ? Vang vọng đâu đây như cuộc tranh luận giữa Thiền sư Thần Tú với Lục Tổ Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn về tâm?

Vang vọng ấy khiến tôi không thể cười nữa mà vội đi thắp cây hương, trở lại bàn làm việc cố ngồi nghiêm chỉnh... để nghe Nguyễn Bảo Sinh lập luận:

Phải đi đến tận biển xa

Mới thấy cái đẹp ao nhà của ta

Phải đi lễ đủ chùa xa

Mới thấy được bụt chùa nhà rất thiêng.

Kính đeo ngay trước mắt mình

Nhiều khi vẫn cứ đi tìm loay hoay

Cửa đời chìa khóa cầm tay

Mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm

Sông mê mãi tâm không thấy

Bến giác không tìm đâu cũng tâm.

Tôi đi cuối đất cùng trời

Tìm mua thuốc ngộ chữa người đang mê

Tôi đi thủy tận sơn khê

Chữa cho người ngộ ta mê thật rồi

. . . . . . . . . . . .

Niết bàn ở chỗ chân như

Chân như ở chỗ ta như mọi người

Vô ưu, vô lạc trên đời

Cực lạc ở chỗ cõi người cực đau.

[Luận Nhân Quả]

Cực lạc chính là trần gian? Khổ Tập Diệt Đạo của Tứ Diệu Đế hình như cũng muốn thiên hạ nghĩ như vậy? Muốn thoát khổ thì trước tiên phải chấp nhận cái khổ. Địa ngục là cửa ngõ của Niết Bàn. Làm người là một hình thức tập của nghiệp nhưng nếu nghiệp không tập khiến Phật làm thái tử, làm chồng, làm cha thì Phật đâu có cảm thấy nhu cầu chuyển nghiệp, từ bỏ địa vị thái tử và vua tương lai, lánh xa vợ con, cố tìm cách thoát vòng sinh tử luân hồi để chứng Niết Bàn? Nghĩa là nhu cầu tu tập, nhu cầu làm người...Phật hình như không hề làm cho thiên hạ nghĩ đời là biển khổ, thôi thì vượt biên cho xong, chết hay tự tử cho xong?! Người phải chấp nhận phận người và tu tập

Nếu so sánh với những phòng hơi ngạt thời Quốc Xã, cảnh nội chiến ở Yugoslavia mới đây hay cảnh bom biết đi ở Iraq, Afghanistan...với cảnh thông thường thấy ở lò Chánh Hưng hay bất cứ trại gà nào hay trong tiệm ăn có những lồng kính nhốt cua tôm hùm cá mú kiểu thích con nào chỉ con đó...thì hẳn phải nghĩ người không hề yêu thương thú vật như yêu thương người nên cũng không bao giờ tàn độc với thú vật bằng tàn độc với người?!

Con người thường tự cho mình là một thực tại hoàn mãn hơn cỏ cây muôn thú thì nên vỗ ngực tự xác nhận tôi là người chứ ít khi chịu nhận tôi đang làm người. Làm được đến đâu hay đến đó, bởi biết đâu cũng có khi thả mình theo sân hận dục vọng thì sẽ còn tệ hơn cỏ cây muôn thú?! Tôi truyền ý nghĩ bi quan đó cho một người bạn vốn rất thích chơi chữ có tài làm thơ mì ăn liền kiểu Bùi Giáng, Nguyễn Bảo Sơn nên người này đã đổi lối nói tu tập thành ra tập tu.

Ngày xưa người bạn ấy ham ăn làm nên họa hoằn mới đi chùa như đi ciné, đi shopping...nghĩa là muốn đi chùa thì phải lên chương trình thời khóa biểu...thế mà từ ngày quyết định tập tu, người ấy thường đi chùa, đi ngồi thiền lia chia, có khi còn qua tìm Phật bên Thái Lan, Miến Điện hay Tây Tạng! Làm như càng xa càng mệt nhọc càng nhiều công đức như thể là lực sĩ việt dã tính cây số ăn tiền vậy! Nguyễn Bảo Sơn hình như đã thấy rõ lời cảnh cáo của Lăng Nghiêm lầm Phật với tượng Phật, vào chùa bửa chẻ hay đập bể tượng Phật tìm ngọc xá lợi đó nên mới viết:

Vào chùa lễ phật thấy sư

Người người cúi lạy cái lư hương đồng

Miệng cầu sắc sắc không không

Đầy trời sắc, thế còn không đâu rồi.

Chùa to phật có to đâu

Phải chi tốt lễ dễ cầu phật thương

Cố tình đốt quá nhiều hương

Khói xuống âm phủ Diêm Vương phạt tiền.

[Thân ta là chùa]

Có người ngồi thiền vì nghĩ thiền cũng như thuyền, như diều sẽ đưa mình tới Niết Bàn mà quên kinh nghiệm tẩu hỏa nhập ma , nhảy qua rồi nhảy về không được cho nên Nguyễn Bảo Sơn mới cà khịa:

Thiền là đỉnh cao của đạo phật trên nền tảng của Bát Chánh Đạo và Luật Nhân Quả.

Không gì cứng được bằng thiền

Không gì mềm được như thiền để so

Cứng mềm để được tự do

Không vì ngoại lực làm cho cứng mềm.

`Hiểu hiện tại đang nằm trong vĩnh cửu

Thấy vô biên trong hữu hạn thân mình

Gương soi gương không có hình ở giữa

Trong suốt không không vẫn thấy sắc hình.

[Thân Ta là chuà]

Cho nên muốn tập tu, muốn làm người, muốn thiền thì khó mà không để ý lời Nguyễn Bảo Sơn:

Khổng Tử giảng thuyết Trung Dung

Đạo phật có kinh Trung Đạo

Dân gian có câu: Một vừa hai phải

. . . . . . . . . . . .

Vậy muốn trung dung ta phải có trí tuệ siêu việt hiểu rõ cả hai cực mới xác định được trung dung.

[Đạo Phồn Thực]

Nhưng trung dung là gì? Hãy nghe Huyền Thi cà khịa về bênh hình thức, cực đoan:

Mình không chỗ đứng trên đời

Lại không cả biết nằm ngồi ở đâu

Thì đi về chỗ bắt đầu

Cứ đi không đến về đâu thì về.

Ngủ đi hãy ngủ đi em

Đời là như thế dậy xem làm gì

Dậy đi em hãy dậy đi

Đời là mộng huyễn có gì mà mơ.

[Tết Nhàn]

Thì ra vừa phải thôi, trung dung là khó thế! Phật tử ít ta một lần trong đời có đọc hay được nghe giảng Bát Nhã Ba La Mật Đa tâm kinh nhưng lại không mấy ai để ý cụm từ viển ly điên đảo cứu cánh Niết bàn hay ngũ uẩn giai không...Thế đó mà thiên hạ cứ lo tu lo làm công đức để về Niết Bàn hay lo vay ngân hàng, hốt hụi để làm nơi phụng tự!

Thấy được điều đó thì may ra mới hiểu Nguyễn Bảo Sơn nói gì trong hai câu:

Lạc trong đời đạo dắt ra

Lạc trong đạo sẽ bị ma dắt vào.

[Tâm Pháp]

Ai dẫn lạc trong đạo? Nhà tu. Cắc cớ là các ông bà đạo, các nhà tu, các cha nhà thờ, các ông đạo, những người đang có trọng nhiệm lính tiền tiêu, người lính gát giặt của đạo hình như lại là người không tin vào đạo nhất hay chỉ tin vào đạo theo cách có lợi cho nhà tu đó thôi cho nên họ dẫn người ta lạc trong đạo như lạc vào mê hồn trận vậy. Bằng lời nói, chữ viết.

Đạo Phật, Thiên Chúa, Đạo Hồi

Đều là đạo cả chỉ lời khác thôi.

[Linh Hồn có hay không]

Các đạo chỉ khác nhau vì lời, thế giới đánh nhau do hiểu nhầm chân lý bộ phận là chân lý toàn thể:

Sờ đuôi, sờ đít, sờ đầu

Xem voi thầy bói cãi nhau suốt đời

Vì cho chân lý là lời

Cho nên thế giới loài người đánh nhau.

[Linh hồn có hay không]

Người ta khác nhau, chống nhau, giết nhau với lòng tin chỉ có mình là sở đắc chân lý như những người mù rờ voi. Cái đuôi, cặp ngà con voi là của con voi, không có con voi thì không có đuôi, có ngà nhưng con voi không chỉ có bấy nhiêu. Đó là sự thật cục bộ và chân lý toàn bộ mà kinh Na Tiên Tỳ Kheo đã lưu ý.

Lời nói chữ viết là nguyên nhân của xung đột tôn giáo, của thánh chiến. Vì có lời hay nói bậy chỉ bậy xúi bậy cho nên hết trung dung, mới có thánh chiến:

Vì cho chân lý là lời

Cho nên thế giới loài người đánh nhau

[Linh hồn có hay không]

Lời nói chữ viết cũng chẳng khác gì bảng chỉ dẫn lưu thông hay đèn xanh đèn đỏ. Sai thì tha hồ tông nhau:

Người bảo chân lý hướng này

Thì chân lý cũng ở ngay ngược chiều

[Linh hồn có hay không]

Phải chăng vì biết cái nguy hại của lời nói nên Đạt Ma sơ tổ khuyến cáo câu vong ngôn lự tuyệt, bất lập văn tự trong khi hồi còn sống Phật đã có lần tỉnh bơ phán bốn mươi tám năm hành đạo ta có nói lời nào đâu!? Lời nói nguy hại đến thế nhưng cái lạ không đạo nào đặt điều kiện muốn đi tu thì phãi thiến hay cắt lưỡi, trái lại còn quy định câm, mù hay sứt môi ngọng nghịu không được nhận cho tu, làm như thể đi tu là để được huấn luyện làm cán bộ thông tin tuyên truyền không bằng! Cho nên chẳng ngạc nhiên gì khi Nguyễn Bảo Sơn cho lời là nguyên nhân của loạn động.

Bởi người tu hay tập tu tập làm người vượt quá lằm mức trung dung trung đạo cho nên:

Diệt mãi không hết trùm khủng bố

Vì lòng người đều có chỗ cực đoan.

[Đạo Phồn Thực]

Lời nói chữ viết định hình hóa nững khác biệt hay tuyệt đối hóa, vĩnh viễn hóa những khác biệt mà

Chấp vào một phía là cực đoan, cực đoan sinh khủng bố:

Diệt mãi không hết trùm khủng bố

Vì lòng người đều có chỗ cực đoan.

[Đạo Phồn Thực]

Và hậu quả, tu không phải là an lạc giải thoát nhưng là tự vào rọ. Cho nên chẳng lạ gì khi nghe Nguyễn Bảo Sơn dấm dẳng:

Đi bộ gọi là chân tu

Đếm tiền lễ bái gọi là tay tu.

[Nhân Duyên]

Chân tu hay tay tu kiểu đó thì tu phải chăng la mua dây buộc mình:

Tự trói thì gọi là tu

Bị trói thì gọi là tù mọt gông.

[Tâm Pháp]

Và sợ tiên hạ chưa hiểu mình nói gì nên chịu khó thêm:

Thà rằng ở với thằng tù

Còn hơn ở với thằng tu giả vờ.

[Tâm Pháp]

Ai tu giả vờ đây?

Huỳnh Bất Hoặc

MÙA PHẬT VỀ 2009


Những Câu Chuyện Cuối Tuần