CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ HY VỌNG CUỐI NĂM

Anthony Darlic

05 tháng 01, 2008

 

Năm 2007 chìm vào vào vô biên. Như hòn sỏi chìm trong đáy giếng loạn.

Phải loay hoay tìm ra lý do để mừng năm cũ sắp hết, năm mới sắp đến. Không cũ không mới thì ít ra cũng phải bày ra để kiếm tiền. Không mừng không vui thì hóa ra cả năm vừa qua cày như trâu một cách vô bổ à!?

Đồng loại rủ nhau, lừa nhau bằng những lời chúc tụng rỗng tuếch, khuôn sáo, ỏm tỏi như những quảng cáo trên báo trên đài mỗi khi hết...lịch.  

Chẳng hiểu sao mà Sydney độ rày có ngày mưa rả rích u ám. Nghe tiếng mưa muốn khùng luôn. Ngồi trong nhà nhìn ra khung cửa buồn ơi là buồn.

Mưa làm nhớ quê hương, nhớ bạn, nhớ những ngày xưa thân ái có bạn có bè... Những ngày xưa ấy, gặp ngày mưa lụt thế này, trời có sập thì cũng cố đạp xe đạp đi tìm nhau, rủ nhau đi cà-phê cà pháo hy ăn vặt ... Bánh ướt thịt nướng Kim Long, bún bò mụ Rớt, cà-Phê cô Dung, cà-phê Phấn...Giờ thì mỗi đứa mỗi nơi, đứa còn đứa mất...

Mấy tháng trước đây, Anthony tôi có người anh em , gửi cho tui cái email nhân ngày hiệp kỵ thầy trò anh em trên chùa hàng năm. Người ấy kể chuyện cúng cơm dâng sớ xướng tên...thượng hưởng rồi kết luận: Nghe đọc tên anh em từ X đến Y... và gần cả hai chục tên, mới thấy anh em mình mất mát khá nhiều, hèn chi lâu nay mình ở SG không còn bạn bè anh em. Hóa ra người chết, người ở xa, nghe mà ngậm ngùi.

Xét lại mình, Anthony tui là người ở xa, suýt ngủm cù đeo...nghe mà ngậm ngùi thiệt. Nhìn quanh nhìn quất lại thấy mình chóc ngóc, không muốn khóc mà nước mắt vẫn trào ra, khỉ thật! Nhất là những ngày mưa xa nhà, xa bạn xa bè như những ngày mưa mấy hôm nay...

Mà ô hay! Sydney đã vào xuân, sắp sang mùa hạ thế sao ông trời cứ mưa lụt??

Sau bao nhiêu năm xài lút cán, vừa xài vừa phá không ngán tay, con người xem ra bắt đầu lo, bắt đầu ân hận. Bảo vệ môi sinh, tiết kiệm năng lượng, hâm nóng toàn cầu, khí thải nhà kiếng, băng giá địa cực tan dần, tsunami, động đất, hạn hán bão lụt bất tử... thỉnh thoảng đang được nhắc tới như những tội trọng, những tội tổ tông, những lỗi tại tôi mọi đàng... con người bày ra để hại con người. Mỗi thân cây hạ xuống là những tấm ván áo quan, mỗi thùng dầu thô, mỗi tấn than đá là hững khối chất độc, mỗi ngọn đèn điện là một cú giáng vào tuổi thọ của con người...Ân hận là phải.

Cho nên, việc các nước họp nhau ở Bali hơn hai tuần nay để kiên nhẫn bàn cách cứu trợ quả đất quả là một tin vui cuối năm. Như một tia nắng ấm giữa ngày mưa buồn.

Giờ thì mọi người, trừ nước Mỹ và TT Bush, đều tin rằng 90% mức nóng ấm đ5a cầu là do những hoạt động và sản phẩm nhân tạo gây ra và mức nóng ấm toàn cầu liên hệ mật thiết đến an nguy và hạnh phúc của đồng bào, đồng loại.

Nói rõ hơn, không phải mặt trời mà là con người đã làm cho khí hậu bao quanh quả đất nóng lên vì khí thải mà đa số là thán khí. Hậu quả là mực nước biển sẽ dâng lên từ 20 đến 60 phân trong vòng trăm năm tới và tiếp tục dâng lên trong ngàn năm tới mà hậu quả là sẽ có những vùng, những quốc gia, những lục địa chìm dưới lòng biển sâu. Tuyết sẽ chỉ còn là hoài niệm và trên những đỉnh núi cao mà thôi. Bão tố, lụt lộ, sụp lở sẽ thường hơn và bất ngờ hơn.

Tờ báo Anh The Guardian ngày 14/04/2005 đã liệt kê 10 đại họa có thể xảy đến cho nhân loại trong vòng 70 năm tới.

Mười đại họa đó là: 1- Khí hậu biến đổi. 2 - Nhiễm thể suy mòn. 3- Bệnh Giang mai bột phát. 4- Nạn khủng bố. 5- Chiến tranh nguyên tử. 6- Vẫn thạch tàn phá quả đất 7- Người máy nổi loạn làm chủ. 8- Vũ trụ tuyến tàn hại quả đất. 9- Núi lửa lớn bùng nổ. 10- Quả đất bị lổ đen hay lổ rốn vũ trụ hút mất tiêu.

Như vậy, trong 10 đại họa đó thì thay đổi khí hậu là đại họa số một.

Điều đáng quan ngại nhất là khí hậu thay đổi. Điều chắc chắn khó tránh là đây đến hết thế kỷ khí hậu toàn cầu sẽ nóng thêm khoảng 2 độ C làm cho bầu khí quyển bao quanh quả đất chưa bao giờ ấm nóng kỷ lục kể từ hơn một triệu rưỡi năm nay!

Điều này sẽ ảnh hưởng đến nạn mất mùa và nạn mất mùa sẽ thúc đẩy dân địa phương bỏ ruộng bỏ làng bỏ xứ tha phương cầu thực. Nhiều vùng, nhiều làng mạc, quốc gia sẽ biến mất. Hiện tượng di dân, tầm trú chắc chắn sẽ đưa đến loan lạc.

Đó là cơn ác mộng mà Âu châu đang trải qua vì nạn xâm thực của nhhững người dân Phi châu cựu thuộc địa.

Đói đầu gối cũng bò. Giờ thì ai cũng thấy rõ tại sao các nước giàu tiến bộ lại lo ngày lo đêm về nạn khí hậu thay đổi. Đói khat thì phả tìm đến những nơi thừa ăn thừa nước uống chứ không ai dại mò ra sa mạc mênh mông vắng người!

Khổ nỗi, cái khó bó cái khôn. Bởi chính các nước giàu mạnh tiến bộ đó lại những tay phá hoại môi sinh tổ nái!

Xe hơi, tủ lạnh, máy điều hòa, computer, tivi, video, VCR, bóng đèn điện, phải có điện, muốn có điện phải có xăng dầu, than đá... Những người dân xứ nghèo, gạo lúa sắn mì chưa đủ ăn, nước sạch chưa đủ uống ở đó mà nghĩ chuyện xe hơi, đèn điện, tủ lạnh, máy điều hòa, computer, tivi, video, VCR, bàn ghế tủ giường hay đũa bằng bằng gỗ...

Hội nghị quốc tế về thay đổi khí hậu họp từ 13 ngày nay là một tin vui cho những người không ăn mà chịu. Đây là một nghị hội toàn cầu quy tụ gần 200 quốc gia đã cam kết thực hiện những khuyến cáo của nghị định thư Kyoto mà quan trọng nhất là 30 nước  giàu mạnh tiến bộ, đang thương lượng để định mức giảm khí thải, không làm ô nhiễm bầu khí quanh địa cầu nữa, không làm áo giáp không gian vũ trụ rách lủng nữa...  

Trung Hoa, Ấn Độ và các nước nghèo đã được miễn nghĩa vụ tôn trọng những mục tiêu làm sạch và bảo vệ môi sinh đó trong khi mấy năm qua Mỹ và Australia phản đối vì cho những quy định đó sẽ làm phương hại đến kinh tế nước mình.

Mỹ là nước đứng đầu thế giới về tiêu thụ điên và dầu khí và đương nhiên cũng nhất thế giới về chuyện làm bẩn môi trường sống. Nhưng người Mỹ thì dê kêu vì hở ra một bước khỏi nhà là có xe hơi bít bùng vi trùng hay muỗi hui vô không lọt, ở nhà thì bít bùng có máy lạnh hai chiều hơi đâu bận tâm ngoài kia nóng lạnh! Còn than đá và dầu khí Australia cho phép moi lên bán để làm giàu cho mấy ông bà chủ mỏ thì khỏi nói. 

Tân Thủ Tướng Kevin Rudd đã làm cho người Australia tự hào sau hơn mươi năm tủi nhục sượng sùng vì thái độ thần phục qụy lụy của đám chính khách vừa thất bại te tua trong kỳ tổng tuyển cử vừa rồi. Rudd chứng tỏ cho thế giới thấy là Australia quả thực muốn làm một chút gì cho nhân loại. Chứng tỏ cho thế giới thấy đa số người Australia không phải vừa dư ăn dư để hơn vừa ti tiện hơn.

Quyết tâm của Rudd vô tình làm cho TT Bush là lãnh tụ thế giới văn minh duy nhất chống lại những nổ lực bảo vệ môi trường sống.

Nước Mỹ chạy đôn chạy đáo khắp thế giới để kiếm dầu khí như người đói chạy kiếm gạo, khát đi kiếm nước nhưng không hề nghĩ đến việc tiết kiệm năng lượng, bớt xài điện dơ và tăng sản xuất điện sạch không lệ thuộc và dầu khí than đá nữa mà tận dụng gió, ánh sáng mặt trời, nước để có năng lượng mà không làm bẩn môi trường, không làm cho bầu khí quyển ấm nóng bất thường. Phần lớn cũng chỉ vì sau lưng TT Bush là những người hốt bạc tỷ nhờ khai thác, chuyên chở, phân phối dầu khí. Halliburton của Phó TT Cheney, Chevron của Ngoại Trưởng Rice, Enron của Kenneth Lay, người dám gọi TT Bush là dear George, vừa mới ngủm... là những ví dụ.

Tin vui thứ hai giữ mùa đông trong mùa hạ là tin  liên hệ đến án tử hình.

Tờ The Australian ngày 15/12/2007 thuật lại nguồn tin của AP cho biết là bằng 44 phiếu thuận/36 phiếu chống, quốc hội của bang New Jersey của Mỹ đã thông qua dự luật hủy bỏ án tử hình trong tiểu bang này. Và Thống đốc tiểu bang Jon Corzine hứa là sẽ cấp tốc hợp thức hóa dự luật này thành luật. Dĩ nhiên quốc hội New Jersey và Thống Đốc tiểu bang là người của Đảng Dân Chủ.

Khắp nước Mỹ đang có 37 tiểu bang còn duy trì án tử hình. Tiểu bang cuối cùng vừa hành án là Texas ngày 25/09/07 vừa qua. Từ năm 1976 là năm Tối Cao Pháp Viện Mỹ bật đèn xanh tái lập án tử hình thì sơ sơ có 1099 mạng lên ngồi ghế điện hay bàn choác thuốc độc để về cõi không tên.

Điều đáng ghi nhận là Mỹ có luật quy định ai đáng được....hưởng án tử hình nhưng không có luật hành án như thế nào. Cái kiểu tử hình bằng thần vòng thì hình như chỉ có trong mấy phim cô-bồi. Nước Mỹ súng đạn ê hề nhưng lại không có pháp trường cát hay nghề ông Đội Phước chuyên mài dao máy chém mà mấy ông Đội Phước Mỹ cứ phải loay hoay với hết ghế điện đến ghế thuốc độc trông cứ như những ghế hành nghề của thầy thuốc nhổ răng... không đau!

Do đó mới có cảnh cười ra nước mắt mà tử tội bị tiêm thuốc độc hẳn hòi nhưng chỉ ngủ một giấc rồi sống nhăn, hay tử tội nịt chặt trên ghế điện nhưng  công tắc bật rồi, điện chuyền lên óc, tóc cháy tóe khói tùm lum mà tử tôi vẫn run bần bật, miệng sùi bọt trắng, không chịu ngủm yên.    

Kể từ năm lịch sử 1976, thì năm 1999 là năm cao điểm với 98 được tiền thuế của đồng bào giúp cho... quán đời rũ mộng tà huy và năm thấp nhất là ..năm ngoái với 53 người!

Riêng New Jersey thì trong khu tử tội hiện có 8 mạng đang ăn no nằm chờ... tử thần kính cẩn đứng ghi tên! Hú hồn hú vía, vì nếu dự luật của quốc hội New Jersey thành luật thì 8 mạng này sẽ yên chí ngồi lột lịch cho đến ngày mừng thượng, thượng thọ hết xì quách nhúc nhích ngón tay để lột lịch! Không biết nên buồn hay nên mừng...

Anthony tôi vốn nhát hít, thấy máu là sợ, nghe chết là run cho nên nghe án tử hình là không thích rồi. D ù nhân danh gì đi nữa thì con người cũng không thể nhân danh con người để phủ nhận sự sống của sinh vật khác, bất kể là người hay vật. Bởi lẽ sinh vật đó không đòi sinh ra để làm sinh vật thì khi sinh vật đó đã là sinh vật rồi như bao nhiêu sinh vật khác bị tống vào cuộc đời, bị sống thì sinh vật đó cũng có quyền sống như ai, bình đẳng như ai.

Tóm lại, lý sự cùn mà nói thì tội tử hình là một cách vi phạm nhân quyền trắng trợn nhất!

Còn nước còn tát...Sống là cái thiêng liêng nhất, quý nhất là nguồn hy vọng nhất, không ai có thể nhân danh bất cứ cái gì để phủ nhận. Ông Phật đã gián tiếp xác nhận cái thiêng liêng, cao quý, hy vọng nhất đó khi ngài  khơi khơi cà khịa ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. Cứ thử tưởng tượng Pol Pot, Hitler đang đối diện với Phật với sự chứng kiến của Khổng Tử, Lão Tử...Có ai dám bảo Phật sai không? Có ai dám cãi Phật sai không?

Không biết những nhà chiến lược môi sinh ở Bali, không biết quốc hội và thống đốc New Jersey nghĩ sao về lời cà khịa của Phật?

Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Có còn hơn không! Có những tin vui từ Bali, từ New Jersey để khóa sổ năm 2007 trong những ngày mưa trái cựa buồn như chó cắn áo rách thì cũng còn hơn?

Hẹn nhau năm 2008 để triển khai những vui mừng này, được không?

 

Anthony Darlic  

 



Những Câu Chuyện Cuối Tuần

Trang Hoàng Nguyên Nhuận