CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN

5 NGÀN TRIỆU VẪN LẮC ĐẦU

Huỳnh Bất Hoặc

đăng ngày 25 tháng 10, 2007

LTS: Jeffrey Lee (sinh năm 1971) là hậu duệ duy nhất của bộ tộc Djok, quản trị một  khu công viên quốc gia "Kakadu National Park" ở phía Bắc Úc Châu.  Jeffrey Lee vừa mới nổi tiếng vì không chịu bán cánh đồng giá trị này cho đại công ty năng lượng Areva của Pháp. Hãng này định khai thác 14 ngàn tấn uranium trong khu vực của Lee trị giá cả 5 tỷ Mỹ kim.

 

 

(Thằng Bờm có cái quạt mo,

Phú ông đem đổi ba bò chín trâu)

 

Bất Hoặc tui phân vân đọc lui đọc tới mẩu tin trên tờ The Sydney Morning Herald ngày 14/07/07/.

Mẩu tin này được trình bày dưới tựa đề: Hũ mắm đầu giàn [kẻ sống sót duy nhất] ngồi xổm trên đống của 5 tỷ [Sole survivor sitting on a $5b fortune].

Hũ mắm đầu giàn hay kẻ sống còn duy nhất đây là Jeffrey Lee 36 tuổi, hậu duệ duy nhất của một bộ tộc Djok của người Aborigine ở miền Koongara thuộc Bang Darwin của Australia.

Aborigine theo nguyên nghĩa la tinh là từ thuở tạo thiên lập địa, là thủy [alfa] chung [omega]....

Aborigine hôm nay được nói là chiếm khoảng 1% dân sô Úc. Nhưng hữu sinh vô dưỡng cho nên Aborigine đang trở thành một chủng loại trên đà bị tận diệt nghe đâu chỉ còn từ 1 đến 2 trăm ngàn...    

Theo truyền thuyết đã được Luật Di Sản Đất Đai năm 1976 liên hệ đến Bắc Lãnh [Nothern Territory - Land- Rights Legislation 1976] xác nhận thì Djok là một bộ tộc, và một bộ tộc thì có quyền trên phần đất hương hỏa của bộ tộc đó.

Phần đất hương hỏa của bộ tộc Djok là Koongara nơi có một trử lượng uranium xỉn xỉn cũng 5 tỷ bạc theo giá thị trường...     

Về người Aborigine, hơn một lần Bất Hoặc tui đã viết như thế này...

...Loài người có thể có một, nhưng giống người thì đúng là năm cha bảy mẹ chứ không phải chỉ có Adam và Eva.

Nếu không kể đến giống người xuất hiện đầu tiên ở một vùng ngày nay gọi là Cộng Hòa Chad cách đây 6-7 triệu năm, thì tổ tiên hiện tiền nhất của con người là giống xuất hiện ở Cộng Hòa Kenya cách đây ba triệu rưỡi năm.

Khoảng thời gian trên ba triệu năm đó, tổ tiên người Aborigine hết thế hệ này sang thế hệ khác đã làm gì, sinh sống như thế nào và tại sao lại kẹt cứng ở cái lục địa con chuột to bằng con bò này ít ra cũng hơn 40 ngàn năm lẻ? Huyền thoại và huyền thoại.

Chỉ có huyền thoại mới trả lời được thôi vì lục địa Australia quả là một vùng đất linh thiêng và linh thiêng nhất có lẽ là vùng Ayers Rock với ngọn núi kỳ dị Uluru thuộc lâm viên Kakadu nơi Bang Darwin hay còn gọi là Bắc Lãnh [ Northern Territory].

Bất Hoặc tôi còn nhớ đã đọc một tin hình như trong tờ Daily Telegraph ghi lại những lời than thở của nhân viên kiểm lâm [park ranger] vùng Uluru than là không biết vì lý do gì mà suốt cả năm đó văn phòng của ông đã nhận những kiện hàng toàn đá là đá của vùng Uluru đến từ không những các tỉnh toàn quốc mà cả thế giới xin làm ơn trả lại cho Uluru. Có kiện là một hòn đá nặng đến 7 ký lô từ bên Đức gửi sang .

Hỏi ra thì mới biết chủ của những kiện hàng đó từng là du khách viếng Ayers Rock và Uluru đã táy máy lấy những hòn đá đó về làm kỷ niệm chơi.

Nhưng rồi khi những hòn đá đó vào nhà thì bao nhiêu chuyện xui xẻo quái dị xảy ra thúc dục họ phải đem trả những kỷ vật đó lại cho...cố chủ. Thế là không hẹn mà họ lục tục gửi cho văn phòng kiểm lâm Ayers Rock nhờ trả lại.

Chuyện ngụy sự như vậy liệu có tin nổi hay không thì cón tùy mỗi người.

Riêng Bất Hoặc tôi, nếu có dịp đi thăm Uluru thì bố bảo cũng không dám đem một hòn sỏi, hòn đá vùng đó về! Không hơi đâu mà giỡn mặt với linh thiêng.     

Từ rừng núi Phi châu cách nay mấy triệu năm, tổ tiên người Aborigine đã lang thang như thế nào mà cuối cùng kẹt cứng ở xứ kangaroo này?

Nhân loại không mấy ai biết là trên lục địa Australia, và riêng đảo Tasmania, quả có khoảng hơn triệu người cổ xưa sinh sống ít ra cũng từ 4 đến 6 chục ngàn năm....  

Nhưng một điều hiển nhiên là người Holland và Spain đã xa xa thấy mặt mũi người Aborigine từ năm 1606 và giống người thái cổ kẹt đường về này đã thực sự đối đầu với người Anh trên đất liền quê hương họ ít cũng từ năm 1770.

Ấn tượng đầu tiên mà người Aborigine gây ra cho người Anh là ‘gồ ghề dễ nể’. 

Sydney có một vùng ven biển tên Manly. Manly có nghĩa xứng đáng là người, là cường tráng mạnh bạo quả cảm [brave, strong, considered suitable for a man]. 

Có giả thuyết cho rằng đó là lời Đại Úy Cook thốt lên khi nhìn thấy bóng dáng những người Aborigine gồ ghề cao to gấp mấy mình thấp thoáng trên bờ biển ngày ông sắp đổ bộ... 

Cuộc đời những người Aborigine bắt đầu thê lương não nề mút chỉ từ đó. Cụ thể là giống Aborigine ở Tasmania có lẽ lang thang từ nội địa ra rồi kẹt lại luôn hết đường về nên đành ở lại?   

Đám dân tù tội đầu trộm đuôi cướp [covict] được mẫu quốc đày sang Tasmania thật chẳng khác nào thả đàn sói đói vào đám cừu non.

Nghe Jared Diamond kể lại trong The Rise ang Fall of the Third Chimpanzee [Vintage, London 1991, tr252&tt.] mấy ai không khỏi có cảm tưởng như đọc chuyện ngàn lẽ một đêm.

Va chạm bi đát giữa hai dân tộc [người Aborigine Tasmania và người da trắng] xảy ra ngay khi người Anh đến định cư khoảng năm 1800.

Người da trắng bắt cóc trẻ con Tasmania để làm phu phen, bắt cóc đàn bà để làm thê thiếp, đàn ông loạng quạng trong những khu săn bắn hay đi làm rẫy bị bắt thì sẽ bị thiến hay giết chết...

Hậu quả của những cuộc bắt cóc đó là vào tháng 11/1830 thổ dân vùng Đông Bắc Tasmania giảm xuống còn 72 đàn ông tráng niên, ba phụ nữ thành niên, và con nít thì không còn đứa nào. Một người chăn cừu đã dùng súng liên thanh đạn bằng đinh hạ 19 thổ dân. Bốn mục tử khác đã phục kích một toán thổ dân, giết trọn 30 tên vứt xác họ xuống một bờ đá cheo leo ngày nay còn mang bảng kỷ niệm là Đồi Chiến Thắng [Victory Hill].

Ấy thế nhưng người da trắng vẫn xem đó là chuyện trên trời đưới đất đâu đâu... Bằng chứng là lá thư của một mệnh phụ tên Patricia Cobern được tờ báo nổi tiếng của Australia, tờ The Bulletin trích đăng lại công khai tố ngược là chính thổ dân Tasmania giết người da trắng chứ không phải người da trắng ăn hiếp thổ dân.

Bà Cobern quả quyết...Thực tế, dân định cư là những kẻ yêu chuộng hòa bình, trọng đạo đức trong khi Tasmania là bọn sớm đầu tối đánh, hiếu sát, chủ chiến, hôi hám, dơ dáy, chí rận lúc nhúc, mặt mũi méo mó dị hợm vì bệnh giang mai. Hơn nữa, chúng không săn sóc con cái, không bao giờ tắm, đàn ông đàn bà chung chạ bừa bãi ghê tỡm. Chúng chết vì lối sống thiếu vệ sinh đó, chưa kể là vì thiếu đức tin. Cho nên cũng là điều tự nhiên thôi là sau cả ngàn năm sống như thế chúng phải bị tận diệt khi dám đối đầu với những người định cư. Nhưng chỉ có bọn Tasmania tàn sát người định cư chứ không phải ngược lại. Với lại, dân định cư chỉ vũ trang để tự vệ, không quen với súng đạn và không bao giờ họ bắn giết quá bốn mươi tên Tasmania một lần cả.

Ai muốn học cách tố ngược có thể tìm đọc lá thư trứ danh này trong phần phụ đính quyển A Prehistory of Australia, New Guinea and Sahul của J. Peter White –James F O’Connell, Academic Press, NY 1982.      

Một số người định cư da trắng không xem Aborigine là người, cũng không xem họ là pet, nghĩa là gia cầm như chó mèo heo ngựa, mà là peste, nghĩa là đồ thổ tả!

Cho nên gặp đâu dứt đó, bạ đâu bắn đó. Bằng súng, bằng dao mác và bằng cả thuốc độc trộn trong đồ ăn nước uống.  Mỗi sáng Chủ Nhật đi nhà thờ, họ đem súng theo. Lễ xong, không có chuyện gì giải trí hấp dẫn thì họ rũ nhau đi săn… Aborigine.

Người da trắng cũng cần công nhân như cần ngựa kéo xe kéo cày và chó để giữ cừu giữ bò.

Những người Aborigine sống sót còn lao động được sẽ được tập trung vào những khu dân cư như người Israel bị Đức Quốc Xã tống vào các trại tập trung. 

Nhưng người Aborigine quen sống cảnh màn trời chiếu đất, mưa lạnh thì chui vào những hang đá. 

Căn nhà với phòng nọ ngăn cách phòng kia là nhà tù. Bắt họ vào ở trong đó thì họ nổi điên lên ngộp thở mà chết. Khoan nói chuyện giam cầm tra tấn hành hạ. 

Cũng vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi người Aborigine bị nhốt tù là treo cổ tự tử.  Chỉ vì họ ngộp họ hoảng sợ. Cái ngộp cái sợ mạnh hơn cái chết. 

Người Aborigine còn sống sót mà đẻ con thì họ bắt con đem chúng đi… rửa tội và cãi tạo lớn lên trở thành John, James, Mary, Susan….  để vào làm việc trong các nông trại nhà máy. Khác chăng là những công nhân bản địa này không được trả lương như công nhân thường. Số lương tối thiểu đó thường được trả bằng rượu, la-de, thuốc lá và… dầu xăng.

Lâu ngày hít quen nên ghiền nặng. Hết rượu hết thuốc thì hít… xăng! hết xăng thì dầu hôi, hết dầu hôi thì thuốc rửa móng tay. Không sao hết. Càng hăng càng phê, càng nồng càng khoái!

Hậu quả là người Aborigine 10 phần hết 7 còn 3, hết 2 còn 1. Tasmania 5.000 chỉ còn 200, nội địa 1.000.000 chỉ còn ấp xỉ 1-2 trăm ngàn hay cứ coi là chiếm 1% dân số Australia cho tiện sổ sách! Chưa kể  

Aborigine là sắc tộc trung bình chết sớm hơn các sắc tộc khác 20 năm, và số trẻ sơ sinh yễu tử nhiều gấp 4 lần các sắc tộc khác.

Nguyên nhân chính có lẽ là vì Aborigine không biết job là gì, không biết tiền là gì, không biết khí giới là gì, không biết đánh nhau là gì.

Aborigine là tên gọi chung chung, nhưng trên lục địa này Aborigine thực tế cũng là một hợp quần trăm trứng như hợp quần Bách Việt.

Năm cha bảy mẹ thế nhưng họ không đánh nhau giết nhau để dành dân lấn đất.  Ở chỗ này khó chịu thì đi chỗ khác.

Họ không biết đến mùa màng cày cấy, miếng ăn thì tùy khả năng hái lượm họ còn không lo thì lo gì nữa? Họ chỉ lo lửa, gầy lửa, giữ lửa. No không cần cơm, yên thân không cần nhà, ấm không cần áo. Họ cần gì nữa!?

Bắt họ ở trong nhà, bắt họ tắm rửa có phải là uốn nắn một nếp sống 40 ngàn năm cho thành một nếp sống chỉ mới hai ba trăm năm. Điều này e còn khó hơn biến cây đa đầu làng hay cây đại thụ trong sân chợ thành cây bonsai?!

Người Việt mình, chỉ nguyên cái bệnh lề mề giờ giấc kiểu năm nào như năm nấy, đám cưới mời 7 giờ mà 9 giờ mới đủng đĩnh tới. Hai thế hệ rồi vẫn chưa dứt được. Ngạc nhiên gì ai! Nói gì người Aborigine, ngót 40 ngàn năm cứ lông bông như không khí, như mây trời.

Không đất, không nhà, không bếp núc, không quần áo, không tiền bạc, không chiến tranh, không trường học, không dụng cụ, không tôn giáo, không chữ nghĩa sách báo…

Cho nên, phải chăng bắt họ phải ‘làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có mà ăn’ như Thánh Kinh dạy thì còn khó hơn là bảo trâu bò vào lò tễ sinh mà kiếm cỏ!

Và anh chàng khùng hết thuốc chữa tên Jeffrey Lee Bất Hoặc sắp nói đây...

Lee không cha không mẹ, không vợ không con, dù năm nay đã 36 tuổi đang làm nghề kiểm lâm [park ranger] vùng lâm viên Kakadu.

Trời xui đất khiến sao Lee đương nhiên là hâu duệ của bộ tộc Djok mà theo quy định của Luật Di Sản Đất Đai là bộ tộc có chủ quyền trên vùng Koongarra thuộc lâm viên Kakadu mà Lee đang hành nghề kiểm lâm.    

Trớ trêu là vùng Koongarra lại có một khu rộng đến 12.5 kilomét vuông có trử lượng uranium khoảng 14 tấn quý hơn vàng và đang khan hiếm trên thị trường. Đại công ty AREVA của Pháp đã chịu giá 5 tỷ hay năm ngàn triệu đô là nếu Lee nhắm mắt cho họ đào xúc trử lượng uranium đó chở đi và phần đất hương hỏa của Lee thì vẫn là của Lee. Lee phản ứng sao trước đề nghị ngon lành đó?

Điều ngạc nhiên là Lee không tái mặt ngất xỉu khi nghe đến số tiền đó như người nghe tin trúng Lotto mà lại lắc đầu nguầy nguậy và còn nói những câu nghe chướng bỏ mẹ như:

-Tôi cóc cần nghe những gì đám da trắng dụ khị tôi này nọ...tất cả chỉ là vô nghĩa. Tôi không nghĩ đến tiền. Tôi có việc làm, tôi có hể mua đồ ăn [tucker : trái, rau, củ...]. Nếu thích thì tôi có thể đi săn, đi câu. Đó mới là điều đáng kể với tôi.[I'm not interested in white people offering me this or that … it doesn't mean a thing. I'm not interested in money. I've got a job; I can buy tucker; I can go fishing and hunting. That's all that matters to me.

Lee quơ tay chỉ vòng quanh lâm viên Kakadu xa xa và say sưa mơ màng:

-Nhìn xem, quê hương tôi có đẹp không đã chứ và tôi đang lo không khéo phần đất này sẽ bị khuấy động.

Lee kể là ngày còn bé hắn đã được bà cõng đi qua những phần đất này và nói cho hắn biết là mồ mả tổ tiên ở đây và dưới lòng đất sâu là con tắc kè lưỡi xanh khổng lồ đang ngủ yên, không nên khuấy động giấ ngủ của nó.

Hình ảnh con tắc kè khổng lồ ấy đã được tổ tiên hắn vẽ lại trên vách đá cả trăm năm, và có thể cả ngàn năm nay rồi.

Lee thú thật là hắn tin rắng nếu quấy động đất đai thì những chuyện bất tường sẽ xảy ra như lụt, như động đất và con người sẻ gặp đại họa.

Lee kể rằng: Người ta đem dâng cho bố tôi, ông tôi nào nhà nào xe, nào đủ thứ nhưng không ai nói với họ về uranium và làm gì với uranium.

Và Lee thú thật hắn giữ cái chức kiểm lâm Kakadu này là để xem chừng có ai lăm le khấy động phần đất này không cũng như hắn cầu ngày cầu đêm cho Kakadu được Liên Hiệp Quốc chính thức thừa nhận là di sản thế giới cho rồi.

Có vậy thì mảnh đất linh thiêng thân yêu đang ôm ấp nắm xương tàn của tổ tiên hắn mới khỏi bị thiên hạ dòm ngó khai thác đào bới...

Có ai như anh hàng Jeffrey Lee này không?

Người ta sống chết vì tương lai, vì những đồng bạc tanh hôi sẽ đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm ra. Còn hắn, hắn tà tà sống quá khứ.

Nói ngang như cua mà nghe được. Hắn có khùng không? Ai nói hắn khùng?

Biết đâu câu chuyện lại chẳng đi đến kết cuộc rằng:

"Phú ông xin đổi "nắm xôi" Bờm cười !

Lúc đó hắn mới thật là khùng.

 

Huỳnh Bất Hoặc



Những Câu Chuyện Cuối Tuần

Trang Hoàng Nguyên Nhuận