CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN

ĐẺ BOM

Huỳnh Bất Hoặc

đăng ngày 07 tháng 10, 2007
 

M ùa giải thưởng NOBEL 2007 mở đầu khi ủy hội NOBEL do quốc vương Thụy Điển Carl Gustaf XVI tọa thủ quyết định trao giải Nobel y khoa cho ba người, hai Mỹ là Mario R. Capecchi, Oliver Smithies, và một Anh là Sir Martin J. Evans về công nghiên cứu liên hệ đến việc hoán cải các nhiễm sắc thể [gene] của chuột. Tiếp đó là giải Nobel vật lý trao cho hai người, một Pháp Albert Fert, một Đức Peter Gruenberg và giải Nobel hóa học trao cho một người Đức là Gerhard Ertl.


Oliver SmithiesSir Martin J EvansMario R Capecchi

Oliver Smithies Sir Martin J. Evans Mario R Capecchi

 

Tiếp đó là giải Nobel vật lý trao cho hai người, một Pháp Albert Fert, một Đức Peter Gruenberg và giải Nobel hóa học trao cho một người Đức là Gerhard Ertl.

Giải Nobel văn chương cho một bà người Anh là Doris Lessing, người đã có công rất nhiều bằng ngòi bút và lời nói trong việc đưa Nam Phi ra khỏi gọm kìm của người da trắng kỳ thị apartheid đa phần là hậu duệ của người Holland láng giềng của Thụy Điển và Anh trong công ty Đông Ấn, con chốt sang sông và là đạo quân thứ năm của đế quốc Anh. Đây là tổ chức thường tranh với Pháp để cướp các thuộc địa Á Phi ngày xưa. Các thừa sai ngoại quốc đến VN cũng là nhân viên của công ty này.


Perter Gruenberg Albert Fert


GerhardErtl Doris-Lessing

 

Phần tài vật của giải Nobel thường là chẳng bao nhiêu. Tương đương với 1,5 triệu MK sẽ được trao trong buổi đại lễ ở thủ đô Stockholm vào ngày 10/12 tới.

Nhưng giải Nobel là một phần thưởng cao quý cùng đích của những ước mơ mà bất cứ người trí thức nào từ hơn nửa thế kỷ nay.

Từ ngày có giải Nobel đến nay, năm 1901, hình như chỉ có một người tự ý chối từ phần thưởng cao quý đó. Người đó là J.P. Sartre, từng được tuyển chọn lãnh giải Nobel văn chương 1964. Sartre đã nại ra những lý do cá nhân, nhân danh chính tư tưởng của mình đã đề ra để chối từ phần thưởng ấy. Triết lý của Sartre vốn chống lại mọi hình thức lễ nghi ngụy tín giả hình mà Sartre gọi là tinh thần nghiêm trang [esprit de serieux]. Giải Nobel là một hình thức nghiêm trang theo ý nghĩ đó...

Thiên hạ đang nín thở chờ xem giải NOBEL Hòa Bình 2007 sẽ về tay ai?

Một số người Việt có lẽ sẽ nghĩ đến Hòa Thượng Huyền Quang hay Quảng Độ. Một số người Mỹ chắc sẽ nghĩ đến Al Gore.

Người Mỹ gốc Việt nếu không nghĩ đến Phó Đề Đốc người nhái Nguyễn Võ Trung Quân thì cũng có thể nghĩ đến Dương Nguyệt Ánh, mẹ đẻ của bom áp nhiệt và 10 chất nổ mới cho 18 loại vũ khí được trang bị cho các binh chủng của quân lực Mỹ. Đương nhiên là để gây chết chóc tàn phá ở Afghanistan-Iraq. Tự do dân chủ muốn chột làm dzua mù thì có chết thằng Tây nào đâu!?

Riêng phận Bất Hoặc tôi, nếu được phép có một phiếu đương nhiên không dành cho đương kim Đạt Lai Lạt Ma thì cũng dành cho Thầy Nhất Hạnh.

Ngặt cái là Đạt Lai Lạt Ma thì đã được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1989 rồi.

Còn Thầy Nhất Hạnh thì chủ trương lấy từ bi hóa giải hận thù xem ra còn xa lạ với khuynh hướng tư tưởng thời thượng là, nếu không lấy dân chủ, kinh tế thị trường, thì cũng lấy nhà tù và kiểu Abu Ghraib hay Guantanamo Bay hay đủ thứ chất nổ và vũ khí do bà Ánh dày công sáng chế để chơi lại mấy ông râu xồm mê chất nổ như thiên hạ mê danh vọng, nên Thầy có thể cũng chẳng hy vọng gì....!

Viết đến đây[ 20:07pm 12/10/07] Bất Hoặc tôi thấy kẹt quá nên ngưng lại để lục tìm tin giờ chót của các hãng thông tấn xem sao thì đọc thấy tin sau đây của AP:

BREAKING NEWS-Updated: 5:11 a.m. ET Oct. 12, 2007.

Tin cập nhật đó cho biết là cựu TT Al Gore và hội đồng liên quốc đặc trách vấn đề Thay Đổi Khí Hậu của Liên Hiệp Quốc [the U.N.'s Intergovernmental Panel on Climate Change] đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình 2007 vì những cố gắng phổ triển ý thức về khí hậu thay đổi và đặt nền tảng cho những biện pháp cần thiết để đương cự lại sự thay đổi đó.

Al Gore đang nổi tiếng nhờ phim Một Sự Thật Bất Tiện[ An Incovenient Truth] đang chiếu trên thị trường.


Thế là những ước mơ của tôi cho Thầy Quảng Độ, Nhất Hạnh và Đạt Lai Lạt Ma bù trớt! Thôi, đời còn dài mà... Những kẻ có lòng này hụt mất thì kẻ có lòng khác được, cũng vậy thôi. Chỉ ngại cái ông Gore ngất ngơ này chính trị hóa quá đà cái thiện chí cứu nhân độ... môi sinh đã đưa ổng lên đài vinh quang thôi.

Cầu mong giải Nobel Hòa Bình 2007 sẽ không được Gore và Đảng Dân Chủ dùng để lấy đà chạy đua vào Tòa Bạch Ốc sang năm!

Bởi nói cho cùng DC hay CH ông bà nào ngồi vào cái ngai của tòa Bạch Cung thì rồi cũng không tránh khỏi ngập ngụa khét lẹt mùi xăng dầu, nghĩa là cũng kẹt cứng vì vụ Iraq như TT Bush và bộ tham mưu của ông mà thôi. Alan Greenspan từng nói tuỵch toẹt điều ấy ra rồi. Hussein bỏ mạng và Iraq te tua chỉ vì dầu khí mà Mỹ đang cần như người cần không khí. Thật vậy, kể sơ sơ năm 2000 hàng ngày Mỹ đào được trong nội địa là 9 triệu thùng dầu thô trong khi số xài hàng ngày là 19 triệu thùng, nghĩa là phải mua 10 triệu thùng. Cứ cái đà này thì trong vòng 20 năm tới, Mỹ sẽ phải cần tới 25 triệu thùng mỗi ngày trong khi số sản xuất giảm xuống chỉ còn 7 triệu thùng. Nói thế khác, 72 % dầu Mỹ xài phải tùy thuộc các quốc gia Trung Đông dưới nhản hiệu OPEC.

Cho nên nói gì thì nói Mỹ phải ở lại Iraq và biến Iraq thành tiền đồn dân chủ tự do chống khủng bố bằng mọi giá. Bởi vì ít ra Iraq cũng có thể cung cấp 7 triệu thùng mỗi ngày hay 2,5 triệu thùng hàng năm.

Chưa kể là Afghanistan là cái đầu cầu cho các công ty Mỹ chở dầu từ các tiểu quốc giàu trữ lượng dầu khí quanh vùng Lý Hải [Caspian Sea] xuống cái thị trường bao la của hơn hai tỷ người Trung-Ấn!

Ai còn băn khoăn về cuồng vọng làm tiền nhờ độc quyền chuyên chở và khai thác dầu toàn cầu cỡ Halliburton của Phó TT Cheney hay Chevron của NT Rice thì ra video shop mướn DVD Syriana về xem chơi là biết ngay! Chuyện phim hơi nặng nề lắt léo và điện ảnh thường nổi tiếng tổ xạo nhưng liệu có xạo lắt léo hơn mấy chính khách không?

Văn minh Tây phương nợ rất nhiều cuộc cách mạng kỹ nghệ, cách mạng mã lực mà bí kíp là cái... bu-gi!!!

Bu-gi là đôi hài bảy dặm đưa Tây phương xa thời trung cổ hắc ám. Nhu cầu đẻ ra nhu cầu vận mệnh Tây phương và vận mệnh thế giới đã gắn liền với điện, rồi điện với xăng, với nhiên liệu hay nguyên liệu mà dầu khí là chính.

Nhưng đã quá chậm để đi lui, mặc dù ngay trước thời cách mạng Pháp có người như J.J Rousseau [ 1712-1778] đã thấy được những nguy hại này và kêu gọi thiên hạ mau mau dừng lại, và nếu được thì nên gài số de mà Rousseau gọi một cách văn vẻ là trở về với thiên nhiên tạo nên một cuộc bút chiến bi hài trong văn chương Pháp giữa ông với Voltaire...

Ngót trăm năm sau, Albert Einstein [1879-1955] là người chia sẻ những lo âu của Rousseau.

Einstein được giải Nobel vật lý năm 1921 và người ta cho rằng ý tưởng của Einstein đã dẫn đến việc thành tựu bom nguyên tử, và sau này, bom khinh khí.

Cả đời Einstein cho đến khi chết, năm 1955, đều thấp thoáng những ân hận liên hệ đến bom nguyên tử và khinh khí này cho nên giải Nobel vật lý 1921 trao cho ông hình như là để trao cho những ân hận sám hối này hơn là những thành tựu khoa học đưa đến việc chế tạo nguyên tử khinh khí?

Và đó cũng là ý hướng tiên khởi của giải Nobel kẻ đã suốt đời ôm mối ân hận khủng khiếp như Cain con ông bà A Dong, vì đã làm giàu nhờ bày ra của nợ chết người là cốt mìn hay thuốc nổ không khói mà ngày nay người ta gọi khơi khơi là plastic!

Trước khi lìa đời, Nobel đã nhường tài sản kếch xù của mình lại để hàng năm đền đáp công lao của những kẻ sợ chết người, ngán đồng lõa làm cho con người tàn hại đau khổ.

Thấy thiên hạ lao xao về giải Nobel vật lý hay Nobel Hòa Bình, lòng ích kỷ dân tộc tính của Bất Hoặc tôi cũng nổi dậy. Tên Dương Nguyệt Ánh hiện ra đầu tiên trong óc tôi.....

Nhưng rồi tôi đã khựng lại khi nghĩ đến bản tin loan báo bà Ánh chính thức được quốc hội Hoa Kỳ trao tặng Huy Chương Phục Vụ Quốc Gia về An Ninh [Service to America Medal for National Security].Có nhiều báo đài phe ta còn thêm râu thêm ria cho thành tích đó là chủ động chế tạo bom áp nhiệt và 10 chất nổ mới cho 18 loại vũ khí.

Thiệt tình! Đúng là điếc không sợ súng! Trong thời hiện đại hình như Bà Ánh là người thứ tư để cho tên tuổi mình gắn liền với những của nợ chết người mà không tỏ ra chống chế ân hận.

Ba người kia là Alfred Nobel vua cốt mìn, Niels Bohr cha đẻ của nước nặng một thành tố làm bom nguyên tử, và Wernher von Braun cha đẻ của hỏa tiễn liên lục địa V1 và V2 tiền thân của Explorer 1 đã đưa nhân loại lên bù khú với Hằng Nga năm 1958.

Những thứ trời ơi đất hởi khủng khiếp như bom nguyên tử, bom khinh khí, CBU, bom bi, hay tệ mạt như SAM1, SAM2, M.79, B.40, M.72, mìn định hướng ... đều không thấy nói ai là tác giả và cũng không thấy ai vổ ngực tự xưng chính mình bày ra! Cũng không thấy có nước nào chính thức tuyên dương công trạng cho những tác giả đó như Quốc Hội Mỹ chính thức tuyên dương công trạng cho bà Ánh và bà cũng hân hoan khơi khơi nhận không chút em chả làm duyên gọi là.....

Bất Hoặc tôi đọc tin đó mà không khỏi ngao ngán tự hỏi Quốc Hội Mỹ cần thánh tử đạo đến thế sao mà lại dùng bà Ánh làm miếng mồi câu những kẻ cuồng tín sẵn sàng mạng đổi mạng?!

Bà Valerie Plame, mới bị "Scooter" Libby bật mí là nhân viên CIA chìm mà Quốc Hội còn kêu trời làm tình làm tội Libby đến thế. Vậy thì hành động chính thức tuyên dương công trạng của bà Ánh có khác gì hành động của Libby không?

Bà Ánh muốn biết cái tuyên công chết người nguy hại đến mức nào thì cứ thông báo cho Bộ Ngoại giao hay Bộ Hải Quân là bà muốn đem gia đình sang bất cứ một xứ Trung Đông, khỏi nói là Iraq hay Afghanistan, để nghỉ hè xem thử họ nghĩ sao?!

Băn khoăn mãi Bất Hoặc tôi cứ bán tín bán nghi là Bà Dương Nguyệt Ánh này không phải là Dương Nguyệt Ánh, nhất là khi tôi đọc tiểu sử của bà có ghi là về học lực thì bà đã tốt nghiệp trung học, Kỹ Sư Hóa Học, Điện Toán và Cao Học Quốc Gia Hành Chánh, tất cả đều với hạng danh dự và cho đến khi 15 tuổi và chạy ra khỏi VN.

Như vậy là chạy đến Mỹ thì bà mới 15 tuổi và trước 30/4/75 quá lắm thì cũng 15 tuổi thì làm sao mà đậu Cao Học Hành Chánh với hạng danh dự?

Như vậy thì phải chăng khi đã qua đến M rồi thì bà mới ghi danh học hàm thụ trường Quốc Gia Hành Chánh và khi thi tốt nghiệp thì bà được hạng Danh Dự?

Nghĩ mãi muốn điên cha cái đầu luôn, xin Bà Dương Nguyệt Ánh hay Phó Đề Đốc Người Nhái giúp cho được không?

Ủng hộ tí đi mà, chịu không?

 

Huỳnh Bất Hoặc



Những Câu Chuyện Cuối Tuần

Trang Hoàng Nguyên Nhuận