CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN

CỜ NGŨ SẮC, ÁO NGHỆ, DÙI CUI và LỰU ĐẠN CAY

Anthony Darlic

đăng ngày 30  tháng 9, 2007
 

 

hình của Mizzima News, tu sĩ Phật giáo và dân chúng tràn ra đường Rangoon hôm thứ năm, 27Sep07

Mấy ngày qua, Miến Điện hay Myanmar, Burma đang trở thành nỗi ray rứt của lương tâm nhân loại về giới hạn của quyền lực, về quyền hạn của con người đối với con người, về tình trạng lưỡng nan tu nhà tu chợ. Có người còn ray rứt tự hỏi không lẽ Pol Pot đã tái sinh? Không lẽ Myanmar sẽ là một Campuchia năm 1975?

Ray rứt còn hơn cả khi người ta phải chứng kiến cảnh mấy ông râu xồm Taliban loay hoay suốt bốn ngày trời vừa đọc kinh QRAN vừa hết dùng đại bác đến dùng mìn quyết triệt hạ ngôi tượng Phật cũ kỹ 15 thế kỷ qua nơi thung lũng Bamyan của Afghanistan, đứng từ bi từ tại trong hốc núi không những chẳng hại ai mà còn yên lặng đem cơm ăn áo mặc cho dân địa phương khi thu hút hàng năm có đến 100 ngàn du khách chiêm bái.

Myanmar là một quốc gia Á châu rộng xấp xỉ hai lần VN nhưng dân số thì khoảng 48 triệu, nghĩa là chỉ hơn nửa VN nhưng lại rất gần VN là có khoảng 90% dân chúng là người theo đạo Phật.

Tổng Sản Lượng Quốc Gia của Myanmar chung chung khoảng 51,5 tỷ MK trong khi VN là 108,7 tỷ, tổng trị giá xuất cảng khoảng 1,2 tỷ và nhập cảng 2 tỷ đa phần là dụng cụ công nghệ, hóa chất và đồ ăn thức uống đa số có thể dành cho giới thượng lưu..... cho nên về tiêu dùng chúng Myanmar không thoải mái hơn VN. Diện tích trồng trọt cũng xấp xỉ 17% diện tích đất đai bằng VN thôi nhưng lại giàu tài nguyên nhất là gỗ, ngọc, thiết, đồng, dầu thô và khí đốt... đa phần cung cấp cho Nhật, Trung Hoa và bây giờ là Ấn Độ nữa, chưa kể những khách hàng quan trọng khác như Thailand, Singapore, Âu Châu...

Kể từ thế kỷ 17, Myanmar bị Anh sáp nhập làm thành một tiểu bang của Ấn Độ và dùng quan lại gốc Ấn để cai trị cho đến ngày độc lập.

Từ năm 1942 đến 1945, Myanmar bị Nhật chiếm đóng và kiểm soát qua một chính quyền quốc gia thân Nhật chống Anh do Aung San và U Nu lãnh đạo. Về sau, U Nu tách riêng ra thành lập Liên Minh Tự Do Chống Phát Xít [AFPFL-Anti-Fascist People’s Freedom League].

Năm 1945, Nhật đầu hàng nhưng phải đến ba năm sau, năm 1948 Myanmar mới tạm ổn nội bộ để đủ khả năng hoàn toàn tự trị ngoài Liên Hiệp Anh dưới quyền lãnh đạo của một chính quyền dân chủ đại nghị do U Nu và khối AFPFL cầm đầu. Sự kiện đó đã thể hiện rõ ràng tình trạng bất ổn nội tại của Myanmar phát xuất từ những xung đột nội bộ giữa những nhóm sắc tộc, nhất là Karen luôn luôn đòi tự trị, những cựu kháng chiến cộng sản dựa thế Trung Hoa, và từ chính những thành phần lãnh đạo AFPLF nữa.

Tình trạng bế tắc nội bộ đó có lúc trầm trọng đến độ thúc đẩy Tướng Ne Win phải liên kết với đám quân nhân ra tay đảo chính năm 1960 với ý định dẹp chế độ đại nghị tạp nhạp nhiều thầy thối ma hết phe này xúi đến phe khác dựt dây, thiếp lập chế độ độc đảng, dứt khoát đứng ngoài chiến tranh lạnh dứt khoát trung lập và tiến hành một chế độ Phật xã mệnh danh là chính sách xã hội hóa theo cách riêng của Myanmar mà cơ bản là tự túc tự cường, hợp tác hóa thương nghiệp và kiểm soát giá cả nông phẩm.

Chính sách xã hội trung lập của Myanmar đi ngược với tình thế lưỡng phân ý thức hệ thời bấy giờ quả đã đẩy Myanmar vào thế tứ bề thọ địch. Các thành phần đối kháng được ngoại quốc yễm trợ nổi lên quậy lung tung khiến cho nên kinh tế quốc gia suy trầm. Nhóm Miến Cộng dựa vào Trung hoa hùng cứ phía Bắc, lực lượng Karen vũ trang khống chế vùng Đông Nam, sắc tộc Kachin vùng Đông Bắc, chưa kể những chính khách xa lông thành thị không chịu ảnh hưởng của Anh-Mỹ thì cũng của Ấn Độ.

Năm 1975, các phe nhóm quốc gia không cộng sản họp nhau lại dưới bình phong Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ bắt đầu hoạt động mạnh với âm mưu dùng bầu cử tự do để về lâu về dài chia cắt Myanmar thành một liên bang.

Hoàn cảnh quốc gia bắt đầu rối loạn, tình trạng kinh tế trở nên tồi tệ, nhất là trong giai đoạn ba năm 1974-1976. Các kho lương thực bị cướp phá, giá thực phẩm tăng vọt, tình trạng bất ổn lan tràn đến thủ đô Ngưỡng Quang. Sinh viên thợ thuyền biểu tình bạo động khắp nơi khiến chính quyền phải phóng tay đàn áp mạnh làm cho gần 3.000 người biểu tình bị giết nhưng vẫn không tái lập được trật tự nội an. Melinda Liu của tờ Newsweek số ra ngày 26/09/2007 kể là có khi chính quyền phải dùng đến hai sư đoàn bộ binh và đã dùng cả đại bác và súng cối để... dẹp biểu tình sau đó thì tìm cách phi tang bằng cách hỏa thiêu các xác nạn nhân khiến cho ngay cả những người bị thương cũng bị... thiêu sống?!

Hậu quả và áp lực của cuộc tàn sát đẩm máu này dâng cao khiến San Yu và Ne Win phải rút lui nhường quyền cho Tướng Sein Lwin làm quyền Tổng Thống trước khi trao quyền cho Maung Maung, một người có khuynh hướng ôn hòa cãi cách được chính thức bầu làm Tổng Thống với lời hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử tự do đa đảng trong vòng ba tháng.

Nhưng bất ngờ là đến tháng 09/1988, một cuộc đảo chính do Tướng Saw Maung cầm đầu đã bùng ra. Hiến Pháp bị treo dò, lệnh thiết quân luật được ban hành, quốc hội bị giải tán, quyền lực quốc gia được ủy thác cho một nhóm 19 thành viên gọi là Hội Đồng Phục Hồi Luật Pháp và Trật tự Quốc Gia [SLORC- State Law and Order Restoration Council] với lời hứa hẹn sẽ tiến hành tự do hóa sinh hoạt kinh tế và hợp pháp hóa các chính đảng.

Hậu quả chính trị của biến cố này thì ai cũng thấy. Việc đảo chính, treo giò chế độ đa đảng đại nghị chỉ là màn kịch lùi một tiến ba của Ne Win kẻ từng lãnh đạo Myanmar thu hồi thống nhất độc lập. Nhưng dần dần Ne Win lại đã sa vào bẫy của chính mình nên quyền lực dần dần mất hết vào tay nhóm SLORC. Ne Win và Aung San cánh tay mặt của Ne Win bị kềm kẹp không cho ra ứng cử. [ xem thêm The Hutchinson Softback Encyclopedia, Griffin Press, SA 1992, tt.576-577]

Tuy nhiên, dù đã nắm hết quyền lực và mọi phương tiện an ninh trong tay, chính quyền Myanmar vẫn không bình định được miền Nam tiếp giáp với biên giới Thailand do sắc tộc Karen kiểm soát và luôn luôn đòi ly khai, nổi tiếng với hồng ngọc và á phiện xưa nay. Karen là một nhóm sắc tộc nói tiếng Hoa-Thái sống trong vùng biên giới Miến- Thái, và châu thổ Irrawadyriêng ở Myanmar thì có khoảng 2 triệu. Thủ đô Manmar Ngưỡng Quang cũng mằm trong châu thổ này. Cho nên, có thể nói đây là căn cứ địa và điểm giao liên của các thế lực đối chính nhằm vào SLORC.

SLORC giữ đúng lời hứa tổ hức bầu cử. Trong cuộc bầu cử tự do tháng 05/1990 Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ [NLD-National League for Democracy] đã chiến thắng lớn. Lãnh tụ liên minh NLD là Aung San Suu Kyi, con gái của Aung San, khôi nguyên Nobel Hòa Bình năm 1991, có thể trở thành Tổng Thống Myanmar một sớm một chiều đã bị SLORC ngang nhiên sổ toẹt bất chấp những phản kháng ồn ào của quốc tế. Kết quả bầu cử bị phủ nhận, NLD bị đặt ngoài vòng pháp luật, lãnh tụ Suu Kyi bị quản thúc tại gia và tiếp tục đối kháng SLORC.

Năm 1998, Suu Kyi và NLD ra tối hậu thư cho chính quyền 21/08/1998 là hạn chót để triệu tập quốc hội. Quốc hội này được bầu từ năm 1990 nhưng tám năm rồi vẫn chưa hề được khai hội. SLORC vẫn tình bơ làm như không nghe.

Suu Kyi lại tiến thêm bước nữa là tự ý vi phạm lệnh cấm của chính quyền cấm Suu Kyi rời tư gia ở thủ đô đến bất cứ nơi nào khác. Chính quyền thẳng tay đàn áp khiến cho bao nhiêu người ủng hộ Suu Kyi chết lên chết xuống.

Suu Kyi không chịu thua và tuyên bố SLORC là phi pháp và đến tháng Chín/1998 Quốc Hội sẽ tự động triệu tập để thi hành nhiệm vụ của mình đối với quốc dân Myanmar[ xem thêm Time Almanac 1999, Time Inc. MA 1998, tr.183].

Như vậy, biến động tháng Chín mấy hôm nay ở thủ đô Myanmar phải chăng chỉ là một âm vang của lời thách thức đó? Có khác chăng là lần này những cuộc xuống đường lại do nhà chùa chủ động.

Đã hẳn, SLORC có thể điều động hai sư đoàn để trấn áp, có thể giết 3000 người biểu tình như trong quá khứ. Nhưng với một dân số xấp xỉ 48 triệu mà hơn 90 phần trăm là người đi chùa, liệu SLORC có thể bỏ tù hết không? Có thể giết hết không?

Dù sao thì người biểu tình cũng đã bị bắn thật chứ không phải chỉ bắn dọa nên đã có người chết.

Dù sao thì chùa chiền cũng đã bị bao vây, lục soát và có những nhà sư đã bị hốt lên xe cây.

Dù sao thì các sư cũng đã xuống đường để tham gia hay lãnh đạo biểu tình và đã nếm mùi lựu đạn cay, dùi cui, và biết đâu cả đạn thật?

Dù sao thì bộ máy đàn áp với quân đội, công an cảnh sát cũng đã được điều động và vận hành tối đa và toàn diện bất chấp lời kêu gọi tự chế của dư luận quốc tế. Nhưng vấn đề là liệu thế giới có thể ngăn chận những cảnh chết chóc như đã từng xảy ra trong quá khứ ở Myanmar hay Campuchia không?

Các nhà sư Nhật, Thailand, Hàn Quốc đã trực tiếp tỏ thái độ.

Đây là một phản ứng hiếm hoi khác với hoàn cảnh VN vì các nhà sư Thái, Hàn thường không trực tiếp bày tỏ thái độ khi chính quyền quân phiệt quá nặng tay trong các cuộc đàn áp nhằm vào sinh viên, thợ thuyền. Sơn môn Nhật, Hàn, Thái đã bày tỏ thái độ nhưng chính quyền Nhật, Hàn và Thái thì không. Trung Hoa, Ấn Độ, Singapore lại càng không nữa dù cho chính quyền các nước này vốn có quan hệ mật thiết với Myanmar về ngoại giao cũng như giao thương.

Liệu chính quyền các nước Nhật, Trung Hoa, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thailand, Singapore có dám làm mạnh bằng cách tuyệt giao chính trị và thương mại với Myanmar không? Hay nước này chỉ ngăm nghe chờ nước kia nhảy ra thì mình nhảy vào làm chủ phần tài nguyên của Myanmar như Trung Hoa và Nhật ngày trước hay Ấn Độ hôm nay?

Liệu Liên Hiệp Quốc có dám mạnh tay bằng cách đổ quân vào để ngăn chận những vụ tàn sát như trước đây ở Yugoslavia, hay như gà điên Việt Nam đổ quân vào Nam Vang mà vô tình ngăn chận được những đợt cuồng sát của Pol Pot không?

Chính quyền Myanmar sẽ phản ứng thế nào, nghĩ thế nào nếu Liên Hiệp Quốc hiện đang họp khoáng đại quyết định khai trừ Myanmar ra kỏi LHQ? Nếu các nước Nhật, Trung Hoa, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Thailand, Singapore .... cương quyết tẩy chay ngoại giao và không buôn bán với Myanmar nữa?

Mấy ngày vừa qua, những người hữu tâm của thế giới đã nghe chán những lời phản đối thương vay khóc mướn. Ồn ào nhất có lẽ là Mỹ. Nhưng Mỹ làm gì đây và có làm gì được không trong khi còn kẹt cứng ở Afghanistan, Iraq? Và nhất là giới lãnh đạo Myanmar lại không liên hệ đến Hồi giáo hay đa số dân chúng Myanmar theo Hồi giáo! Cho nên, nói cho lắm thì rốt cuộc cũng chỉ là dơ cao đánh khẻ!?

Cho nên, ngoài những chuyện vừa kể thì hình như mấy chuyện có thể xảy ra và chưa xảy ra...

Thứ nhất, máu nhuộm cổng chùa khi thái độ và phản ứng của một số sư ngày càng đông càng táo tợn lúc xuống đường hay vẫn ở trong chùa bị lực lượng an ninh bắn hay đánh chết.

Chuyện giết sư hay hành hạ sư như kiểu một vài chính quyền, ví dụ như Ngọa Triều Lê Long Đĩnh của VN ngày xưa, là chuyện có thể, hoặc đã, xảy ra nhưng được khéo léo ếm nhẹm...

Tuy nhiên, với quần chúng một quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời như Myanmar. Để cho sư phải bất đắc dĩ xuống đường phản đối hẳn phải là điều trầm trọng đáng cho chính quyền phải khẩn thiết lưu tâm nều muốn sống còn lâu dài. Nói thế khác, biến động những ngày vừa qua đặt SLORC trong thế tồn tại nhưng chỉ là sống sót để chờ đảo chính triệt hạ! Chỉ có quân nhân trị được các quân nhân. Ai? Bao giờ? Như thế nào?

Thứ hai, sư quyết định phản đối bạo lực bằng tự thiêu. Nhưng tự thiêu không phải là một phản ứng hay hành động thông thường của truyền thống Nguyên Thủy hay Tiểu Thừa như Myanmar hay Thailand.

Nói thế khác, xuống đường chịu cho người ta đập chết hay bắn chết khi sư quyết định xuống đường để phản đối, nhưng tự thiêu để phản đối thì e khó xảy xa trong khung cảnh Myanmar.

Cho nên, tức nước vỡ bờ, một hành động thứ ba nữa có thể xảy ra theo động lực Sát nhất miêu cứu vạn thử như ở Sri Lanka năm 1959 khi Thủ Tướng Solomon Bandaranaike bị một nhà sư đâm chết vì cho rằng ông và Đảng SLPF [Sinhalese Sri Lanka Freedom Party] do ông lãnh đạo đang thực hiện một điều có hai cho dân tộc về lâu về dài. Ông Bandaranaike được bà vợ là quả phụ Sirimavo kế thừa trong chức vụ lãnh tụ đảng SLPF và Thủ uớng Sri Lanka. Nhưng chẳng bao lâu thi đảng SLPF bị bà giải thể để tái sinh thành UNP [United National Party]

Phải chăng, việc đổi tên Đảng từ SLPF ra UNP của Bà Sirimavo Bandaranaike cũng như tình trạng rối ren mà Sri Lanka đã trãi qua mấy năm nay do nhóm Tamil Tiger dùng khủng bố để đòi tự trị chứng tỏ nhà sư đã phạm giới sát là nhìn xa thấy rộng? Chứng tỏ hạnh nguyện sát nhất miêu cứu vạn thử vốn là một hạnh nguyện của truyền thống Đại Thừa là điều đáng suy nghĩ...

Bao giờ thì Myanmar sản xuất một nhà sư như thế đây, và có cần không?

Anthony Darlic



Những Câu Chuyện Cuối Tuần

Trang Hoàng Nguyên Nhuận