CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN

NGUYỄN ĐI RỒI NGUYỄN LẠI VỀ

Hoàng Nguyên Nhuận

tác giả gửi đăng ngày 01  tháng 9, 2007
 

 

LTS- Tờ Le Monde của Pháp cho biết Hoàng thái tử Bảo Long đã qua đời ngày 28/07/2007 tức ngày Rằm tháng Sáu năm Đinh Hợi tại Bệnh viện Sens, lễ an táng được tổ chức ngày 2 tháng 8. Tin cũng cho biết là Hoàng thái tử Bảo Long không có người thừa kế nên em út của ông là Hoàng tử Bảo Thăng sinh năm 1943, được tiếp nhận tất cả tài sản và những bảo vật của triều Nguyễn do ông làm chủ từ sau ngày thân mẫu ông là hoàng hậu Nam Phương qua đời năm 1963 đến nay. Triều đại Nguyễn Gia Long thực sự đứt đoạn chìm vào lịch sử vương quyền của Việt Nam.

 Bài này được viết khi thân phụ tiên đế của Bảo Long là Bảo Đại từ trần tám năm trước đây nhưng nhãn quan trước sau vẫn là một...

 

TRIỀU ĐẠI NGUYỄN Gia Long chính thức cáo chung với cái chết của Bảo Đại ngày 4.8.1997 tức mồng Hai tháng Bảy năm Đinh Sửu tại Paris, thọ 84 tuổi. Không nghe nói ông có chính thức cử ai thừa kế không? Cũng không nghe nói tang quyến có định đưa hài cốt ông về Việt Nam cho ông được nằm cạnh các tiên đế? Và nếu có, chẳng hiểu chính quyền đương hành có cho phép không? Lại những câu hỏi lịch sử đối với tôi! Chỉ khác là lần nầy, Hoàng tôi không hy vọng gì tìm thấy những câu trả lời nơi chính Bảo Đại vì ông đã đi vào mộ sâu tịch mịch.

 

ĐÃ MANG LẤY NGHIỆP VÀO THÂN

 

        Gọi ông thế nào cho phải đây? Vua, Hoàng Đế, Cựu Hoàng? Ông từng là vua, là hoàng đế thật. Ông cũng từng chối từ ngôi vua của một nước nô lệ ngoại bang để làm công dân một nước độc lập thật. Rồi ông cũng từng để cho thiên hạ linh đình tổ chức cho hoàng đế hồi loan như một quốc trưởng thật... Đó là những cái 'thật' rất thật, nhưng đó lại cũng là những cái thật lộn tùng phèo chối nghịch phản ảnh thân phận bi đát của kẻ phải gánh hết cộng nghiệp của một triều đại khai sinh từ 111 năm trước và quằn quại hấp hối ít ra cũng từ 31 năm trước khi ông chào đời.

        Lịch sử Việt Nam hiện đại có bốn trụ cột quyền lực... bản địa đó là Bảo Đại, Hồ chí Minh, Ngô đình Diệm và Lê Duẩn. Bảo Đại là kẻ thừa kế sự nghiệp mất nước của tiền nhân. Bảo Đại thoái vị và chính thức ủy thác cho Hồ chí Minh trách nhiệm phục hồi và củng cố độc lập quốc gia từ tay ngoại nhân. Bảo Đại hai lần trọng dụng Ngô đình Diệm, lần đầu trong chức Thượng Thư Bộ Lại hay Bộ Trưởng Nội Vụ, lần sau trong ghế Thủ Tướng với trách nhiệm phục hồi thể thống quốc gia và duy trì Miền Nam như một quốc gia riêng biệt mà Bảo Đại là Quốc Trưởng. Cả Hồ chí Minh lẫn Ngô đình Diệm đều bỏ Bảo Đại mà đi trước khi tàn cuộc. Ngô đình Diệm chết trước khi chứng kiến cảnh ý thức hệ Quốc Gia bị khai tử và Đại Sứ Mỹ cuốn cờ rút khỏi Việt Nam. Hồ chí Minh chết trước khi được nhìn thấy đất nước tái thống nhất độc lập. Nếu độc lập thống nhất là ước vọng căn cốt của đại đa số người Việt trong cảnh nước mất nhà tan - ngay cả Bảo Đại, thì kẻ thực hiện được ước vọng đó cho Bảo Đại chẳng ai khác hơn là Lê Duẫn, người kế tục Hồ chí Minh kết thúc vòng luân hồi lịch sử của Việt Nam hiện đại từ ngày ngoại nhân xâm phạm 'Nam quốc sơn hà', dày xéo độc lập, coi thường tự chủ, chà đạp hạnh phúc của con dân của 'Nam đế' Bảo Đại.

        Kết thúc với giá nào là còn tùy thế nhân. Thế nhân có thể chủ động và cũng có thể chỉ là nạn nhân của lịch sử nhưng quyền phán định lịch sử của hai hạng đó thì như nhau. Lịch sử vận chuyển nhờ những đại nhân. Đại nhân là những người có đại nguyện. Nguyện càng lớn thì vọng động càng sâu rộng, sai trái càng trầm trọng, nghiệp báo càng cao dày. Lịch sử có nhiều đường ngang ngõ tắt, nhiều cách đánh giá, nhưng lịch sử nếu không phải là con đường một chiều có tên Sắc Không thì cũng là cái bùng binh có tên Thành-Trụ-Hoại-Không.

        Ngoài bốn cột trụ lịch sử nầy, có thể còn một vài nhân vật phụ khác như Nguyễn văn Thiệu, Trần văn Hương, Dương văn Minh. Thật khó nói Nguyễn văn Thiệu - cũng như Trần văn Hương, là những trụ cột lịch sử. Bất quá họ chỉ là những gạch nối bi hài khổ nhục của lịch sử. Chưa kể là gạch nối Trần văn Hương lại quá ngắn, ngắn đến độ chỉ còn là cái chấm sau chữ Nguyễn văn Thiệu. Nguyễn văn Thiệu đã tự biến mình thành một phế đế khi hạ bút ký tờ Thế Vì Khai Tử Miền Nam gọi là Hiệp Định Paris. Những gì Nguyễn văn Thiệu làm sau đó chỉ là kéo dài cơn hấp hối của Miền Nam như một quốc gia. Kẻ chấm dứt cơn hấp hối đòi đoạn đó cho Miền Nam là Dương văn Minh, người đã hai bận dương mắt nhìn lịch sử vuột khỏi tầm tay năm 1963 và 1975.

 

CHA ĐẺ CHẾ ĐỘ QUỐC GIA

        Trong cơn quốc phá gia vong, đạp vỏ dưa thấy vỏ dừa cũng sợ, Bảo Đại không khỏi lạnh cẳng khi nghĩ đến những gì đã xảy ra cho Hàm Nghi, Duy Tân. Thực dân đã làm chủ cả phần xác lẫn phần hồn triều đình Việt Nam. Tầng lớp lãnh đạo đất nước chỉ còn hai đường hoặc đối kháng phản loạn hoặc an thân theo bè lũ thực dân. Nhật hất chân Pháp khỏi Đông Dương, rồi Nhật đầu hàng, rồi Cách Mạng Mùa Thu 1945 là những cơ duyên cho Bảo Đại trở lại chủ động đổi thay lịch sử. Tội nghiệp cho ông là ông không chủ động mà chỉ bị động. Hồ chí Minh đã gián tiếp đày ông biệt xứ khi ủy ông sang Trung Hoa cầu viện rồi triệt đường về của ông. Việt Minh cố dùng mà không được hoặc không biết dùng Bảo Đại, nhưng Pháp thì biết, nhất là khi  Pháp đang lợi dụng đồng minh Anh-Mỹ để tái lập nền đô hộ Việt Nam.            

        Năm 1949, sau khi đẩy Tưởng giới Thạch văng ra Đài Loan để độc chiếm Hoa lục, Mao trạch Đông đã chính thức thừa nhận ngoại giao Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà của Hồ chí Minh. Pháp lộ nguyên hình xâm lăng và phải tự biện minh bằng cách biến vùng tạm chiếm thành 'quốc gia' Việt Nam với Bảo Đại là Quốc Trưởng. Chiến dịch chống Việt Minh để tái lập nền đô hộ Việt Nam của Pháp trở thành chiến tranh ý thức hệ quốc - cộng trong khuôn khổ cuộc chiến tranh lạnh Tự Do - Cộng Sản đang hình thành. Nếu đóng góp lớn lao nhất của Bảo Đại cho lịch sử Việt Nam là thoái vị để đem lại chính nghĩa cho cuộc đấu tranh vì độc lập và tự chủ của dân tộc thì cái tội lớn nhất của ông chính là đã một đàng bắt tay với Pháp bằng cách đóng ấn tín biến chiến dịch tái chiếm Việt Nam của Pháp thành cuộc chiến chống cộng sản và do đó đã vô tình bắt tay với khuynh hướng Mác-xít độc tôn độc thiện để công khai hóa chiến tranh ý thức hệ trên quê hương trong khi mục tiêu độc lập thống nhất chưa hoàn thành. Hành động thoái vị của ông năm 1945 đã đưa ông lên bàn thờ cho mọi người tôn kính nhưng rồi ông lại loay hoay nhảy xuống vũng lầy chính trị mà thực dân Pháp đang bì bõm. Trong vũng lầy chính trị đó, Pháp níu Bảo Đại, Bảo Đại níu Pháp cho đến ngày cả hai phải nhờ Ngô đình Diệm lôi lên để 'khai tử'.  

 

CUNG NÔ BỘC TỐI ÁM

        Trong dòng trầm luân của đất nước đang quặn mình hồi sinh, hai người gần Bảo Đại và đều quay lưng lại với ông là Hồ chí Minh và Ngô đình Diệm. Hồ chí Minh đưa ông làm Dân Biểu Quốc Hội khoá đầu tiên và cố vấn chính phủ chứ không chia quyền lực quốc gia với ông và cuối cùng đẩy ông vào thế chẳng đặng đừng phải lưu vong. Không biết đó có phải là cách Hồ chí Minh đền công thoái vị cho ông thay vì xuống tay tàn độc như Lenin giết hết cả hoàng gia Nga sau khi cướp chính quyền?

        Hai lần ông trao ấn tín cho Ngô đình Diệm, hai lần Ngô đình Diệm làm ông thất vọng não nề. Lần đầu với chức Thượng Thư Bộ Lại. Tại chức được ít lâu, Ngô đình Diệm rút lui để mặc ông loay hoay đối đầu với người Pháp. Lần sau với chức Thủ Tướng. Ngô đình Diệm đã long trọng thề trung thành với ông khi nhận chức nhưng lại mở chiến dịch bài phong phản đế lăng nhục truất phế ông, tịch thu tài sản của ông chứ không để cho ông có cơ hội êm thắm thoái vị và lưu vong như năm 1945. Chín năm sau Ngô đình Diệm lại cũng đi vào con đường gian truân khổ nhục nghiệp báo chính Ngô đình Diệm đã mở ra cho Bảo Đại, cho Ba Cụt, và cho bao nhiêu người khác nữa đã trót nghĩ rằng trò chơi quyền lực thế trị chỉ là trò chơi của những người biết trọng sự thật.

        Khi Bảo Đại chết, người duy nhất trọng vọng phân ưu là Nguyễn văn Thiệu. Nguyễn văn Thiệu gọi ông là Hoàng Đế Bảo Đại và tự xưng là Cựu Tổng Thống Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa. Bảo Đại đã từ chối ngôi vị Hoàng Đế khi thoái vị năm 1945, Ngô đình Diệm thì chỉ lật đổ Quốc Trưởng. Chính Bảo Đại cũng quả quyết ông chỉ là 'một công dân bình thường tỵ nạn tại Pháp', thế thôi (Con Rồng An-Nam, trang 347). Lại nữa, một nước sao lại có hai vua, đã có Hoàng Đế sao lại còn có Tổng Thống nếu không có cướp ngôi, soán đoạt? Có thể nào, cùng một lúc, Nguyễn văn Thiệu gọi Bảo Đại là Hoàng Đế và tự xưng là Tổng Thống mà vẫn là chính danh, vẫn là đúng nghi lễ?

 

VUA LƯU VONG

        Vì thiếu những anh hùng sống để bái phục nên phải bám vào những anh hùng chết để thờ, một số người Việt lưu vong rất thích bày chuyện truy điệu tưởng niệm, không phải như một cách ghi tạc công đức nhưng là như một công tác chính trị định kỳ chứng tỏ mình không trôi sông lạc chợ. Thế đó mà khi Bảo Đại qua đời lại không thấy một tổ chức đoàn thể nào - trừ đại diện hoàng tộc, đứng ra truy điệu tưởng niệm ông dù ông là kẻ chính thức đóng ấn tín sáng lập chủ nghĩa quốc gia chống cộng. Ngoài tước hiệu Hoàng Đế An-Nam mà ông đã tự phủ nhận khi thoái vị, Bảo Đại cũng còn đáng mặt 'vua' về một phương diện khác. Vua Lưu Vong. Vua của những người cùng số phận như ông đã bị nghiệp lực chính trị đẩy khỏi quê cha đất tổ sống lêu bêu xứ người năm 1954 hoặc 1975.

        Một số báo chí tiếng Việt cũng như tiếng Anh đã nhân cái chết của Bảo Đại dùng ngòi bút đào sâu thêm mộ huyệt ông chút nữa để biện minh cho những cử chỉ hay hành động quá nặng tay của họ đối với ông ngày xưa. Điều chẳng làm ai ngạc nhiên là những lời nặng nề nhất đã xuất phát từ những tàn tích thực dân và tay sai đúng như lời Đức Kitô dằn mặt những kẻ đạo đức giả 'ai tự cho là mình không có tội thì cứ nhặt đá ném đi...'  

        Báo chí ngoại quốc khi loan tin Bảo Đại từ trần đều bảo ông thọ 83 tuổi. Báo chí tiếng Việt lập lại y nguyên dù có báo đã ghi rõ ông sinh năm...1913! Sự thể chỉ vì các báo Việt nầy đã nhắm mắt thụ nhận quan niệm Tây phương vốn cho rằng không phải ở đời một giờ một phút là được kể một tuổi mà phải qua hết 12 tháng mới được tính một năm, do đó Bảo Đại mới được xem chỉ thọ 83 tuổi là vậy.

        Xét cho cùng, lối nhắm mắt theo Tây nầy lại cũng chỉ là cách dẫm lên dấu chân Bảo Đại. Thật vậy, Bảo Đại có một quyển hồi ký với tựa đề Le Dragon d'Annam, thư cục Plon ở  Paris xuất bản năm 1980. Tại sao lại An-Nam mà không là Việt Nam? Người Tàu gọi An-Nam là đất Việt và Nam Man là người Việt mỗi lần phong vương cho các vua Việt. An-Nam có nghĩa nôm na là 'tụi bây ở dưới đó (phía Nam) chớ có lộn xộn nghe chưa!' Người Pháp chiếm Việt Nam cũng tiếp tục gọi đất nước nầy là An-Nam và người Việt là Annamite. MITE chứ không phải MIEN như Canadien, Parisien! MITE không có nghĩa man di mọi rợ mà có nghĩa là côn trùng mối mọt sâu bọ. Vậy mà sao Bảo Đại lại dùng chữ Con Rồng An-Nam như thế? Phải chăng vì Bảo Đại đã theo người Pháp để nhất định gọi người Việt Nam là mối mọt An-Nam thế nào, thì giờ đây báo chí Việt Nam cũng cả tin vào giới truyền thông Tây phương để kể 84 tuổi là 83 năm như thế ấy?

        Cầu mong sao cho bệnh mất nước sẽ mãi mãi theo người quá cố đi vào mộ sâu của lặng yên sỏi đá.

 

ANH HÙNG MẠT VẬN  BÁN QUY TĂNG

 

        Năm 1963, trong phong trào phản đối Ngô đình Diệm nặng tay với Phật giáo, có lúc tôi cũng buồn lòng tự hỏi nếu Bảo Đại không bị áp lực của thực dân Pháp ban hành Dụ số 10 đặt các tôn giáo như Phật Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài ngang hàng với hội đua ngựa, đua thuyền, tương tế thì làm sao chính quyền lại có thể dùng văn kiện đó như vòng kim cô trùm lên đầu Phật giáo khiến anh chị em chúng tôi phải lận đận lên đường xuống phố chơi trò đi trốn đi tìm với công an cảnh sát mật vụ thế nầy!?

        Chế độ Ngô đình Diệm cáo chung, tôi cũng quên luôn chuyện buồn Bảo Đại cho đến khi được đọc Con Rồng An-Nam của ông trong đó ông lặp lại y nguyên luận điệu chính thức của chính quyền Ngô đình Diệm về Phật giáo rằng: '... các nhà sư bị các cơ quan Mỹ và cán bộ Việt Cộng giựt dây'(sách đã dẫn trang 348). Sau nầy được biết rằng nhiều phần ông đã để cho người Pháp viết cho ông ký tên thôi, nên tôi cũng hết băn khoăn. Con Rồng An-Nam chỉ có bản tiếng Pháp chứ không có bản tiếng Việt, nghĩa là chỉ in cho Tây đọc, người Việt khỏi lo. Ông đã nhiều lần nghe người Pháp, nghe thêm lần nữa cũng chẳng chết ông Tây nào!

        Tôi không muốn buồn lòng về ai lâu, nhất là với Cựu Hoàng Bảo Đại, vì dù sao riêng tôi cũng có duyên nợ với ông. Thật vậy, gia đình tôi họ Hoàng công, đến thời Nguyễn Hoàng lên ngôi, được lệnh tránh tên húy nên tổ tiên tôi phải đổi họ thành Huỳnh công. Sau năm 1945, Bảo Đại đã thoái vị, lúc Pháp trở lại tái lập chính quyền bảo hộ, gia đình tôi đã xin thế vì khai sanh trở lại là Hoàng công như cũ. Mặt khác, lúc nhỏ được bà nội nuông chìu nên chẳng ai la mắng khi tôi tập cầm đũa tay trái. Đến tuổi đi học, tôi cũng cầm viết tay trái luôn, bị thầy cho ăn đòn vẫn không chịu sửa, cho đến một hôm nghe bà nội bảo: 'Ừ chơ mi núm viết rứa cũng được, không hại chi cả, nhưng nhớ khi mô vua đi ngang thì đừng để cho vua thấy nghe chưa con, vua mà thấy là vua cho chặt tay con liền đó!' Tôi tin bà nội nói thật, và tôi lại không muốn trở thành 'độc thủ cà chớn' cho nên đành thẹ thẹ bỏ thói cầm bút tay trái. Cũng là nhờ vua Bảo Đại vậy. Duyên nợ vua tôi giữa gia đình tôi và Bảo Đại hình như chỉ có thế. Không sợ bị chọc quê là thấy sang bắt quàn làm họ thì tôi có thể gọi đó là nợ tên tuổi và nợ bút nghiên cho oai! Dù sao đi nữa, ít ra thì tôi cũng đã một lần chân thành trân trọng nhận ông là vua theo nghĩa đầy đủ nhất của chữ vua: kẻ có quyền sinh sát tuyệt đối với tôi! Nếu thực dân Pháp, Nhật, Hồ chí Minh, Ngô đình Diệm mà cũng sợ vua Bảo Đại - và nếu Bảo Đại cũng biết cách làm họ ngán ông như tôi sợ ông, thì biết đâu lịch sử Việt Nam đã không như ngày hôm nay?!   

        Nguyễn Phước Tộc đã tổ chức cầu siêu trọng thể cho ông tại Chùa Phước Huệ, Sydney Úc và Chùa Việt Nam ở Garden Grove California. Thế là, cuối đường luân hồi trần lụy, hương linh ông lại được những người thân yêu cung thỉnh nương bóng bồ đề, nơi chỉ có những người thương ông, cố gắng hiểu ông và hỷ xả những muộn phiền về ông. Đâu đây có lần tôi được nghe nói đến câu 'sấm' Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về... Biết đâu thế mà lại chẳng đúng cho hoàn cảnh nầy!? Bằng những cầu lụy nghiệt ngã của cuộc đời, ông đã bỏ nước đi mà đi, bằng áp lực của Pháp ông đã ký Dụ số 10 để quay lưng với Chùa. Giáp vòng sinh diệt ông lại trở về nương bóng Phật để cầu siêu thoát. Chẳng phải Nguyễn đi Nguyễn lại về đó sao ?!

        Phụng bái hương linh Cựu Hoàng liễu sinh lạc quốc.

                 

Trang Hoàng Nguyên Nhuận