CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

CÁC THÁNH XUỐNG HỎA NGỤC

Anthony Darlic

đăng ngày 19  tháng 8, 2007

LTS- Bài này tác giả viết đã lâu và liên hệ đến một thảm kịch ở xứ kangroo. Nhưng so sánh với thảm kịch Huntington-Utah, nhất là vụ đất đá sụp làm cho ba thợ mỏ cứu nạn chết và sáu người bị thương, chấm dứt 11 ngày đêm khắc khoải hồi hộp hy vọng của những kẻ có lòng khắp nước Mỹ chứ không riêng gì Huntington-Utah... Xin đăng lại đây như một nén hương viếng những ngưởì thợ mỏ Crandall Canyon Mine đã giải nghiệp- sachhiem.net  

Từ ngày Anzac đến nay, Australia đã náo động lên vì số phận ba người thợ kẹt trong mạch mỏ vàng Beaconsfield nằm sâu trong lòng đất cả cây số ở Tasmania.

Động đất, hầm đá sụp lở đè chết một người, hai người sống sót vì còn trong cái lồng sắt thường dùng như thang máy lên xuống liên lạc với cuộc đời bên trên. Mấy ngày sau chuyên viên cấp cứu mới liên lạc được và biết được hai người đã thoát chết và còn kẹt dưới đó. Chiến dịch giải cứu bắt đầu.

Tâm tư người dân cả nước Australia cảm thương, lo lắng, hi vọng và nguyện cầu hướng về cái miệng hầm mỏ trông xa xa như một đồ chơi của trẻ con, nơi có hai sinh mạng đang chờ ngày chờ đêm để được moi lên từ lòng đất.

Đến đêm thứ bảy, 6/5/2006, có tin là hai người bị kẹt có thể được cứu đêm khuya thứ Bảy rạng ngày chủ nhật, sau 12 ngày hay trên 270 giờ bó gối trong bóng tối rộn ràng hồi hộp.

Nhưng chỉ là mừng hụt bởi vì khoảng cách cuối cùng ngăn cách nạn nhân và toán giải cứu là một khối đá mỗi cạnh xấp xỉ 1 mét rưỡi cứng gấp năm lần bê tông cốt sắt mà lần đầu tiên trong đời đào mỏ họ đã đụng phải. Giờ hội ngộ giải thoát đành hoãn lại, một ngày, hai ngày? Có trời biết...

Anthony tôi có cái tật bất trị là chuyện gì cũng cà khịa được cả, thế mà trong chuyện này, tôi thực tình không dám léng phéng đến gần câu hỏi: nếu mình là người thợ mỏ bị kẹt như thế thì mình sẽ nghĩ gì? nếu mình là thân nhân của người thợ mỏ thì mình sẽ nghĩ gì?

Vẩn vơ nghĩ đến những câu hỏi đó là Anthony tôi cảm thấy rờn rợn ngột ngạt như đang bị ai bóp mũi không cho thở, nên đành tìm cách tảng lờ nghĩ sang chuyện khác và cầu an cho họ.   

Mấy tuần trước đây, một hầm mỏ bên Mỹ sụp lở bất tử, chôn vùi mười mấy mạng, chỉ chừa một người sống sót. Người này đã chứng kiến các bạn đồng nghiệp của mình kẻ trước người sau từ từ lịm chết vì khí độc. Và chính anh cũng đã ngáp ngáp vì thiếu dưỡng khí rồi ngất đi như các đồng nghiệp xấu số, nhưng số còn nặng nợ đời nên không toán cấp cứu dựt lại được từ tay tử thần.  

Tai nạn hầm mỏ là chuyện cơm bữa. Trong những nước giàu, kỹ thuật đào xới tân tiến, luật lệ và quy định về an toàn lao động phân minh gắt gao, trách nhiệm quản lý chặt chẽ nên tai nạn cũng bớt tác hại, không như hoạt động hầm mỏ trong các nước chậm tiến. Cứ trông vào chiến dịch giải cứu thợ mỏ ở Mỹ hay ở Tasmania thì cũng đủ biết. Anthony tôi không có sẵn những dữ kiện thống kê về tai nạn hầm mỏ

ở các nước Phi châu và Nam Mỹ, nhưng năm ngoái tình cờ đọc một tin trên tờ The Washington Post ngày 24/12/2005 kể chuyện tai nạn hầm mỏ bên Trung Quốc mà ớn. Tờ báo viết: ...năm nay [2005], 96 người đã bị truy rố về trách nhiệm dùng chất nổ và tháo nước cho ngập hầm mỏ nhằm tăng năng xuất để kịp cung ứng nhu cầu than đốt. Chưa kể 21 quản trị viên hầm mỏ, 105 viên chức và cán bộ đảng đã bị mất chức, trừng trị, kể cả hai phó tỉnh trưởng. Trong năm 2004, hơn 6.000 thợ mỏ than đã thiệt mạng làm cho mỏ than Trung Quốc trở thành những mỏ hiểm nhất thế giới. Chín tháng đầu năm nay [2005] đã có 4.000 thợ mỏ chết vì tai nạn. Và nhịp độ tai họa này vẫn không gia giảm. Tháng 11 vừa rồi, tai nạn xảy ra trong mỏ thang quốc doanh Đông Phương ở Hắc Long Giang làm cho 171 người bỏ mạng. Đọc mà rùng mình và mừng cho những người thợ mỏ của Australia, của Mỹ. Mừng thì mừng, nhưng chắc chắc là Anthony không muốn cho con cháu mình chọn nghề này làm nhất nghệ tinh, nhất thân vinh rồi.     

Anthony tôi nhớ thời còn đi học đã được đọc một quyển tiểu thuyết với cái đề ngồ ngộ. Đó là cuốn Các thánh xuống địa ngục, Les Saints Vont En Enfer của Gibert Cesbron, hình như do nhà Gallimard in trong loại sách bình dân Livre de Poche.

Sách kể chuyện những người thợ mỏ. Dưới mắt tác giả, họ là những ông thánh, những người thường đã vì áo cơm áo hàng ngày mà sống, suy nghĩ, hành động như những ông thánh. Hoặc có khi phải bất đắc dĩ sống thánh thiện. Bởi ở dưới chín tầng đất đen của hầm mỏ ấy, có muốn làm chuyện lưu manh bất chính thì cũng chẳng có gì trời ơi đất hởi mà quậy.

Lối so sánh đó làm Anthony tôi cảm thương cho số phận lao động nhọc nhằn tay làm hàm nhai của mấy người thợ mỏ hơn. Họ đúng là những người phải làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có mà ăn. họ đúng là những người lương hảo thánh thiện.

Tuy nhiên, nếu được lựa chọn, tôi nghĩ không ai dại gì mà chọn nghề này, hay bất quá kẹt lắm thì cũng chỉ chọn tạm thời thôi.

Đàng nào thì hai người đang kẹt dưới mỏ vàng Beaconsfield sống được cũng là hi hữu. Có thể gọi đó là phép lạ không? Ở Beaconsfield có một nhà thờ Anh giáo, giá chuông mục nát xiêu vẹo và nghe nói nhà thờ đã ngưng đánh chuông kể từ sau đại chiến thứ hai năm 1945 đến nay. 61 năm rồi không nghe tiếng chuông nhà thờ. Hôm qua thứ Bảy, nhà thờ chuẩn bị đánh chuông để chào đón hai ‘ông thánh’ trở lại trần gian.

Những tiếng chuông vui mừng đã không vang lên. Cuộc chào đón đã phải dời lại.

Từ ngày có mấy ông râu xồm vừa đọc thánh kinh vừa cho bom nổ, thiên hạ có người nói đến liên tôn, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp tín ngưỡng...

Khi tai nạn ở Beaconsfield xảy ra, Anthony tôi đã hi vọng đây là cơ hội ngàn vàng để cho các tôn giáo lớn làm chuyện ấy. Làm chuyện lấy khổ đau của chúng sinh làm chất xúc tác cho tôn giáo gần lại với nhau, làm sợi dây thừng bện buộc tôn giáo lại.

Phải, chuyện gì sẽ xảy ra nếu một trong năm tôn giáo lớn ở Australia như Kytô La mã, Anh giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo đề xướng một thánh lễ liên tôn đồng tế để cầu nguyện cho hai người thợ mỏ được tai qua nạn khỏi?

Nếu có lời kêu gọi đó thì liệu các tôn giáo khác sẽ có chối từ không? Và lấy lý do gì mà chối từ? Tôn giáo nào cũng nói đế ơn thiêng, phép lạ. Chẳng lẽ đấng tối cao của Phật giáo, Do Thái giáo, Kytô La mã, Hồi giáo ngoảnh mặt làm lơ chỉ vì hai người thợ mỏ theo Anh giáo?

Tại sao không có một tôn giáo nào chịu đi bước trước để làm chuyện ấy?

Có phải vì ai cũng ngại Thượng Đế bây giờ lười làm phép lạ, hoặc có làm thì cũng phải lựa chọn điều tra lý lịch rất cẩn thận chứ không dại gì mất công vịt ấp trứng le le?

Nhưng tại sao họ phải ngại ngùng như thế? Bởi trong ván bài này, bất cứ tôn giáo nào tham dự vào thì cũng chỉ có thắng chứ không thể thua.

Thật vậy, khi nguyện cầu cho hai thợ mỏ khốn đốn ấy, nếu công cuộc giải cứu thành công thì họ có thể nói Khuôn Thiêng đã nghe lời khẩn cầu của mọ mà làm phép lạ cho hai người đó tai qua nạn khỏi.

Nếu giải cứu thất bại thì ít ra họ cũng có thể nói là đã cầu nguyện cho linh hồn hai người thợ đó được giải thoát về cõi vĩnh hằng hạnh lạc. Như vậy, chương trình cầu nguyện liên tôn đồng tế này có thể ví với một canh bạc mà người tham dự đặt tài hay xỉu đều chắc chắn ăn cả, vậy mà tại sao họ không làm?

Tại sao không có một buổi lễ liên tôn đồng tế cho hai người thợ mở ở Tasmania? Anthony tôi thật hết biết...

Hôm nghe tin tai nạn xảy ra, nhân mùa Phật tử rộn ràng đón mừng giáo chủ giáng sinh, Anthony tôi đã ước ao sẽ có vài thầy hợp lại cùng sang Tasmania, dựng một trai đàn ngoài công viên hay mượn nhà thờ Anh giáo dựng một bàn thờ Phật, đắp y vàng trang nghiêm tỉnh tọa tuyệt thực để cầu nguyện cho hai người thợ mỏ đang gặp nạn.

Đây là cơ hội để Phật giáo đền ơn trả nghĩa cho Australia. Đây là cơ hội để các bậc trưởng tử Như Lai chứng tỏ cho dân chúng, trước tiên là cho Phật tử, thấy mình không chỉ quanh quẩn tu nhà tu chợ để gặp ai cũng xin tiền làm chùa, hoặc làm Phật sự bằng những chuyến du hành đi hái trái cây, đi thăm vườn nhãn, du ngoạn vườn đào để kiếm chút tiền còm, hoặc hăm hở đợi người đến xin làm lễ cầu an để khai trương tiệm thịt tiệm cá, hay đi thử thời vận ở casino, ở trường đua ngựa...

Ừa, tại sao mầy thầy lại không thể làm chuyện này? Cái gì làm cho các bậc trưởng tử Như Lai bất khả tư nghì trước hoạn nạn này?

Tôn giáo đã bỏ qua cơ hội ‘hoằng dương chánh pháp’ mà chính trị cũng đã bỏ qua cơ hội ‘hoằng dương chính nghĩa’.

Mấy ngày trước đây, chính quyền Howard đã tổ chức quốc táng long trọng cho anh lính đầu tiên chết ở Iraq, rình rang còn hơn lễ nghi quân cách dành cho một anh hùng tử sĩ chính cống khi cả Thủ Tướng, Bộ Trưởng Quốc Phòng, Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng đều đến nghiêng mình trước linh cửu một anh lính cho đến bây giờ không ai nói được tại sao chết, chết như thế nào và đến khi chuyển về nước thì lại chuyển lầm xác người khác.

Trước thảm kịch Beaconsfield, lẽ đáng chính quyền, hoặc Thủ Tướng hoặc Tổng Toàn Quyền, kêu gọi một ngày cầu nguyện an lành cho hai người thợ mỏ đang thập tử nhất sinh dưới chín tầng địa ngục, và nhân tiện dùng ngày đó như một cơ hội để đoàn kết dân tộc, để vận dụng tình tương thân tương trợ của toàn dân.

Thủ Tướng Howard đã không làm. Chẳng phải vì ông không nghĩ ra, mà dù có nghĩ ra thì ông cũng không thể làm, vì làm điều đó tức là gián tiếp tố cáo bộ Luật Lao Động mà chính quyền của ông vừa thông qua và bị đối lập tố cáo là bất chấp quyền lợi và an toàn lao động cho giới công nhân.

Đến bao giờ thì các thánh như những người thợ mỏ ở Beaconsfield khỏi phải xuống hỏa ngục, và nếu có phải vì áo cơm lương thiện mà xuống thì cũng sẽ an toàn mà trở lên?

Anthony Darlic                      

                


 


Những Câu Chuyện Cuối Tuần

Trang Hoàng Nguyên Nhuận