Hỡi Quê Hương Yêu Dấu !

Hỡi Quê Hương Yêu Dấu !

Trần Trọng Sỹ

http://sachhiem.net/TTS/VH/TranTrongSy_vh5.php

31-Jul-2018

LTS: Có thể nói đây là một niềm vui và cũng là niềm hãnh diện của trang nhà được đăng hai lá thư độc đáo dưới đây. Vui và hãnh diện là vì những lá thư cảm kích cao độ giữa bạn đọc đối với các tác giả đến mức gần như tôn sùng như thế này lại xảy ra ngay trên trang nhà của chúng tôi. Vậy xin mời quí vị cùng ngồi xuống nâng ly mừng giây phút hội ngộ và thưởng thức bài hồi âm của tác giả Trần Trọng Sỹ, cũng là một đề tài văn hóa và lịch sử đáng đọc. (SH)

 

Anh Huỳnh Anh thân mến,

Trước tiên tôi phải xin lỗi anh vì đã hồi đáp anh quá chậm.

Chậm vì thư của anh đến nhằm lúc tình hình Việt Nam căng thẳng liên tục do những vụ biểu tình chống đặc khu kinh tế và luật an ninh mạng không ngớt được khuấy động.

Người ta nói, quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.

Tôi tuy thân ở nước ngoài, tâm vẫn nghĩ về đất nước, dù làm một thất phu già, cũng cảm thấy lo âu không ít. Kịp lúc anh thư thăm, thôi thì cứ kể như tha hương ngộ cố tri, sẵn hồi đáp cho anh những dòng này, tiện thể tôi cũng xin gửi về quê hương đôi chút tâm tình của người con xa xứ.

Suy nghĩ về lịch sử, ta mất Hoàng Sa và và một số ít đảo Trường Sa lúc đất nước bị chia hai. Năm 1956, Đài Loan chiếm Ba Bình, TQ chiếm Phú Lâm, chính quyền Ngô Đình Diệm hoàn toàn im lặng. Một Philippines tầm thường không thể là đối thủ quân sự của Việt Nam cũng nhào vô ăn ké chiếm mất của ta vài đảo vào thời Nguyễn Văn Thiệu năm 1970, và chính quyền miền Nam cũng im ru. Hoa Kỳ khi sắp rút khỏi VN, đã khinh thị đất đai của người việt, đem phần Hoàng Sa còn lại trong tay VNCH tặng cho Mao Trạch Đông để Mỹ Trung cùng nhau hợp tác chống Liên Bang Xô Viết vào năm 1974.

quần đảo Hoàng sa

quần đảo Hoàng Sa

đảo Phú Lâm

đảo Phú Lâm

Trong suốt thời nam bắc phân tranh, tôi tin rằng người dân cả hai phía đều mong ước chiến tranh dừng lại, bên nào thắng cũng được, miễn là gia đình thôi chít khăn tang, cha thôi lìa con, vợ thôi lìa chồng, mẹ già thôi khóc con trẻ; những chủ nghĩa, lý tưởng, khẩu hiệu của hai phe không đem lại hạnh phúc nhỏ bé đơn giản của đời người, gần như chẳng bên nào có quyền lựa chọn dù cả hai đều cảm thấy mình đã lựa chọn đúng lý tưởng. Tôi chắc có rất nhiều người yêu nước sẽ không đồng ý khi tôi dùng cụm từ nam bắc phân tranh, nhưng thú thực, tôi không thể dùng từ nào khác hơn, vì tôi không tin rằng người CS yêu nước đã xem chủ thuyết CS chỉ như là một phương tiện để cứu nước, giải phóng dân tộc, mãi cho đến khi họ cử hành lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, họ mới biết không có chỗ dựa nào vững chắc hơn là dựa vào chính dân tộc mình, và từ đó họ mới thực sự trở về với dân tộc, dù đã hơi muộn, nhưng vẫn là điểm son.

Đứng trên quan điểm của PG thì hai bên cọng nghiệp kình chống nhau, nghiệp chưa hết, thì xương máu phải phơi trải mà không bên nào dừng lại được. Cũng có thể hiểu nhân và duyên chiến tranh chưa chấm dứt thì nó vẫn còn tiếp tục, cho đến khi cái nhân mạnh nhất là sự trợ giúp của Mỹ ở miền Nam không còn nữa, các nhân khác theo đó tan rã, thì duyên chiến tranh chấm dứt.

Miền bắc chắc chẳng có tác phẩm nghệ thuật nào dám mơ ước hòa bình, vì ngay cái mơ ước ấy, cũng là một thứ hàng xa xỉ trong công cuộc đấu tranh tuyên truyền. Riêng miền nam thì có rất nhiều nhạc phẩm, thi phẩm, ao ước hòa bình. Thử nghe bài hát sau đây :

Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi 

Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao 

Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu 

Với cây đa khóm trúc hàng cau 

Với con đê có chiếc cầu tre 

Ðã bao năm vắng chân anh 

Nên trở thành hoang phế rong rêu 

Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa 

Rồi anh sẽ đón cha mẹ về 

Rồi anh sẽ sang thăm nhà em 

Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu 

Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm 

Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn 

Bạn anh đó đang say ngủ yên 

Xin cám ơn ! Xin cám ơn ! Người nằm xuống.

Bài này có lời hát chân thành và đơn giản nhất, biểu lộ sự thèm khát hòa bình ở cái giá rẻ nhất, không vinh quang, không chiến thắng, chỉ đơn giản là đã trả sạch nợ sông núi, về quê, bạn với con trâu, cây đa, khóm trúc, hàng cau, và cưới vợ, nhưng không quên cám ơn... người đã nằm xuống.

Cám ơn người nằm xuống.

Nhưng người nằm xuống có chấm dứt được chiến tranh không ?

Câu trả lời là...không !

Chỉ người chiến thắng và trở về mới chấm dứt được chiến tranh, và ngay cả những người nằm xuống cũng cần cảm kích kẻ chiến thắng đã làm im tiếng súng, đã khiến cho cái chết của họ được quàng lá cờ vinh quang, gia đình tử sĩ được yên ủi, mồ mả không bị giẫm đạp, đồng lúa biết ca hát với gió chiều, và ngày giỗ cho những người nằm xuống mới đầy đủ và đúng kỳ.

Dĩ nhiên, vinh quang này không dành cho kẻ chiến bại, nhưng họ cũng được ân hưởng một nền hòa bình, gia đình họ cũng không còn chịu cảnh chia ly vì chinh chiến. Người miền Nam đau khổ, trong đó có tôi, vì đang no cơm ấm áo bỗng phải mất công ăn việc làm, phải ăn bo bo, phải xếp hàng chờ đợi nhu yếu phẩm quốc doanh, nên họ sinh tâm thù oán. Trên thực tế, người miền Bắc cũng chịu chung số phận, chứ chẳng có sự phân biệt đối đãi, và đó là cái giá phải trả để tiến đến việc thống nhất đất nước, chấm dứt chiến tranh. Nếu có trách, thì nên trách lịch sử, vì chiến tranh hay hòa bình không do một cá nhân nào quyết định, mà tất cả, đều do lịch sử định đặt. Những người Việt đang thù hận chế độ, nhờ ác danh của CS mà họ được thế giới Âu Mỹ tiếp đón, hiện nay đang sống sung túc trong các quốc gia giàu nhất thế giới, có bao giờ nghĩ đơn giản như vợ tôi rằng, nếu họ không thua trận và bỏ chạy, thì ngày nay họ có những vinh quang mà ngay cả kẻ chiến thắng cũng có người nhìn sang và thầm ao ước không, nếu cuộc chiến vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay ?

Lịch sử của một dân tộc, chính là sự trường tồn qua thời gian, đấu tranh giành độc lập, thống nhất lãnh thổ và phát triển phồn vinh đem lại ấm no cho toàn thể con dân của nó.

Cám ơn người nằm xuống.

Nói thì đơn giản, nhưng độc lập và thống nhất của đất nước phải có cả triệu người chịu nằm xuống chứ chẳng phải vài anh đồng đội chung chiến tuyến mà có thể đuổi được ngoại nhân ra khỏi bờ cỏi để cho cây đa, bến đò, giòng sông trăng vẫn giữ được  nguyên vẹn linh hồn dân tộc,  để người may mắn không phải bỏ lại trận chiến một phần cơ thể khi trở về có thể đón cha mẹ, đưa trầu cau.

Khi ta sinh ra với nền độc lập, ta không trân quý nó như kẻ sinh ra trong thời đại mà một thừa sai người da trắng chỉ cần bắt một anh nô lệ da vàng khiêng cáng cho ông ta mà anh ấy không làm, thì bị ông ta sai người nọc ra đánh thừa sống thiếu chết, kiện đến quan An Nam, quan ta nói, khi quan Thừa Sai các ngài bảo mày làm gì mày không làm, ngài ấy chỉ đánh mày bị thương là may phước ba đời nhà mày đó con, nếu ngài đánh chết mày thì mày cũng chả kiện được đâu con. (đọc Trần Tam Tỉnh)

Người Hoa Kỳ xem bản tuyên ngôn độc lập của họ là của báu, hằng năm họ ăn mừng và tưởng niệm ngày độc lập là ngày lễ lớn nhất của quốc gia. Họ xem 5 người có công trong việc soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập như thần nhân (committee of five), như người việt chúng ta tôn thờ đức Thánh Trần. Họ biết ơn người đã cho đất nước nền tự do không còn đeo cái gông cùm của một nước nô lệ. Nhờ lòng biết ơn mà họ trân quí gia tài của tiền nhân để lại, ra sức phát triển, bồi đắp, sống chết với mảnh đất đã có nhiều người nằm xuống vì nó, biến nó thành cường quốc lớn nhất hành tinh. Còn người VN hầu hết rất thờ ơ với bản tuyên ngôn độc lập của mình, thậm chí có hơn nửa số dân việt còn chửi mắng người khai sinh ra nó. đào mồ đào mả những người vì nó mà nằm xuống, chỉ đơn thuần là hai bên khác chiến tuyến.

Chính tôi, khi còn trẻ, học sử để thi về việc Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại Ba Đình, ê a thì cứ ê a, chứ chả thấy cái nền độc lập ấy nó quý ở chỗ nào.

Người VN hiểu và biết ơn ai nằm xuống cho mình được sống độc lập, e rằng chỉ đếm được trên đầu ngón tay !

Tôi sinh ra trong miền Nam, ngày xưa ghét ông Hồ bao nhiêu, thì ngày nay, lại cảm thấy mình mang của ông ấy một món nợ. Nếu không có ông ta và hằng vạn người nằm xuống tại mặt trận Điện Biên Phủ, thì tôi tin rằng Pháp đã chiếm giữ VN.

Nhưng thỉnh thoảng tôi lại tự thầm nói với mình, không chừng không có ông Hồ biết đâu chẳng lại hay hơn ?

Không có ông Hồ thì dân việt  có 90% cơ hội biến thành dân Pháp, nói tiếng Pháp, như ngày nay người Calédonien ở gần châu Úc, người Martiniquais ở Châu Mỹ, người Réunionais ở Ấn Độ Dương đều là công dân nước Pháp, thì đã sao ? Vốn tinh thần sính ngoại rất mạnh, nếu người VN được người Pháp cai trị, có thể ở ngay trên mảnh đất có bờ tre bụi chuối, có cây đa bến đò, theo đạo Công giáo La Mã, được ăn fromage Camembert, uống rượu nho  Bordeaux, có cây sapin Noël chưng trong phòng khách  khi giáng sinh về, lãnh lương bằng tiền Euro, muốn đi Paris hoặc toàn thể các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu chỉ cần cầm carte d'identité nationale mà không cần hộ chiếu, thì những thứ như văn hóa, truyền thống 2000 năm cha ông để lại có gì đáng để  tiếc nuối ? Hơn nữa, nếu VN thuộc Pháp, hoặc nằm trong Liên Hiệp Pháp, còn có thể tránh được sự hăm dọa của Trung Quốc, Hoàng Sa và Trường Sa đã không mất, đúng là lợi bất cập hại. Người việt bất kể chánh kiến chẳng phải đang trăm phương nghìn kế tìm cách đi Mỹ, đi Pháp, đi Đức, thậm chí đi Hàn Quốc, Đài Loan và cầu mong các nước này nhận mình vào quốc tịch hay sao ? Người vượt biên sau 1975 và cả những du sinh con cháu đảng viên mới qua Mỹ sau này có ai không sùng bái và không hãnh diện mình là công dân đại siêu cường Hiệp Chủng Quốc hay Anh, Pháp, Đức, Canada ?

Cám ơn Hồ Chí Minh, vì ít ra nhờ ông mà tôi biết mình còn có một quê hương để nhớ, dù tôi cũng mang chung quốc tịch với những người Calédoniens, Martiniquais.

Khi mới sang Pháp tị nạn, tôi là người chống CS rất năng động. Có hôm tôi phê bình Hồ Chí Minh thật gay gắt, vợ tôi nói với tôi một câu mà tôi sững sờ, rằng nếu không có Hồ Chí Minh thì chúng tôi làm sao vượt biên, được cọng đồng quốc tế đón nhận, được hưởng cuộc sống sung túc về cả vật chất lẫn tinh thần như người Âu Mỹ ? Với vợ tôi, bà cảm thấy cần mang ơn Hồ Chí Minh, bà ấy nói, vào thời VNCH, tuy gia đình bà có người anh làm trưởng ty cảnh sát, cha làm giám đốc một chi nhánh ngân hàng nhỏ ở tỉnh lẻ, nhưng hy vọng đi Pháp, đi Mỹ chỉ dành cho con nhà giàu chứ gia đình tường thường bực trung như nhà bà thì không thể hy vọng. Bạn bè của bà, tuy học không bằng bà, đã được cha mẹ cho đi du học tại Thụy Sĩ và Pháp khá đông, khi gặp nhau lại ở hải ngoại, họ đã vui nhộn kể lể chuyện xưa như một bầy chim chào đón ánh mai. Tư tưởng của vợ tôi đơn giản thực thà như vậy, bà không nghĩ đến chủ nghĩa hay các giá trị khác, dù lúc CS mới vào Nam bà rất sợ và luôn bị thúc ép đi kinh tế mới hoặc đi thủy lợi.

Có được hằng triệu con dân lập nghiệp xứ người như VN, đó là một may mắn mà ít quốc gia nào có. Người Do Thái chỉ có một cộng đồng nhỏ mà đã có thể giúp đất nước của họ trở nên giàu mạnh sau thế chiến, nhưng người VN, tuy rất đông, sống rải rác khắp thế giới, nhưng cái bất hạnh lớn của VN là hễ ai theo Hồ Chí Minh thì không thể theo Ngô Đình Diệm và ngược lại, tựa như Hồi giáo và Do Thái giáo, phải một mất một còn. Một dân tộc bị rạn nứt, thì dù có là dân tộc thép cũng sẽ bể, chỉ cần một ngoại lực vừa phải, sớm hay muộn.

Chúng ta trở lại với bài hát của Ngân Khánh.

Đó là bài hát nhằm ca tụng người nằm xuống bên phía VNCH, mơ ước ngày chiến thắng của phía miền Nam, nhưng ngày nay, ai hát bài này, phải cám ơn cả triệu chiến sỹ CS đã đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh Tàu, và cả những người phải què liệt, tàn phế mà không được chính chế độ đương nhiệm trả ơn báo đáp, phải chịu cảnh đi vá xe đạp, đi làm cỏ thuê để sống. Nhờ họ mà mà ai ai cũng đã thực sự trả súng đạn, vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu ,với cây đa khóm trúc hàng cau, với con đê có chiếc cầu tre, và nhất là, với miếng cau, miếng trầu, ta làm lại từ đầu.

Nếu nền chính trị trong nước không ổn, kẻ có nhiều nanh vuốt để lợi dụng vào lúc này nhất chính là Trung Quốc.

Trung Quốc đưa tình báo của họ trên khắp 5 châu nơi có người việt cư ngụ để đào thêm thù, chất thêm hận, sao cho hai khối dân tộc không thể sống chung hòa bình. Ai dám bảo đảm rằng TQ không lợi dụng tình hình biến loạn của VN mà đưa hạm đội đến chiếm thêm của ta vài đảo nữa ở Trường Sa ? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu những mất mát đó xảy ra ?

Có lẽ nhiều người nghĩ rằng, vào thế kỷ 21, việc xua quân đánh chiếm một quốc gia là trái với công ước quốc tế. Nhưng khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền qua đường lưỡi bò ở biển Đông thì nó đã ngang nhiên xem những công ước quôc tế chỉ như anh trọng tài trong trận bóng đá của trẻ con ở Phi châu, anh thổi còi thì cứ thổi, lũ trẻ thích chơi việt vị cũng cứ tha hồ chơi. LHQ làm gì TQ ? Hoa Kỳ làm gì TQ ? Khi cần và có cơ hội thì TQ xâm lăng VN ngay, như nó đã xâm lăng Tây Tạng. Chắc chắn là LHQ sẽ phản đối đúng như vai trò của nó. Hoa Kỳ cũng sẽ lên án cho có vẻ nước lớn thôi, chả lẽ Hoa Kỳ hay Liên Hiệp Quốc cùng nhau cử binh đánh TQ, trả lại đất nước cho VN sao ?

Anh Huỳnh Anh kính mến,

Ngày xưa anh từng đi lính VNCH, theo ý anh thì ta có nên gây xáo trộn để lật đổ nhà nước có tiếng là tàn bạo ác ôn này không ? Anh từng bị tra tấn đánh đập như thế nào ? Riêng tôi, tôi từng bị bắt vì bị tình nghi là C.I.A năm 1975 chỉ vài tháng sau khi cọng sản vào nam. Lúc ấy tôi là sinh viên quèn vừa nghèo vừa cô độc đang ở nhà trọ chung với bạn bè, bà con hàng xóm ta tố với công an là lũ chúng tôi thường giao du với người ngoại quốc, dù chỉ là để luyện tập anh ngữ và trao đổi văn hóa, thế là tôi bị bắt. Khi được thả ra, với cái lí lịch tình nghi C.I.A trong tay, dù được Huỳnh Tấn Mẫm đích thân ký giấy giới thiệu đi làm các sở nhà đất, sở văn hóa, cũng chả nơi nào chấp nhận. Nhưng tôi xác nhận một điều, ở trong tù CS, không hề có chuyện tra tấn, đánh đập.

Là người miền Nam, tôi rất muốn nhìn thấy cảnh Để mai đây, quân Nam về Thăng Long, đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng (Lam Phương), nhưng quân Bắc đã làm điều mà người Nam mong muốn.

Hoặc là quân Nam về Thăng Long, hoặc là quân Bắc về Sài Gòn; nhất thiết, phải có một phe chiến thắng chứ không thể kéo dài mãi chiến tranh chia cắt, không thể nói miền Nam của cọng hòa hay miền Bắc của  cọng sản, mà cả hai đều là một giải giang sơn, một gia tài được tích tụ từ biết bao xương máu trải qua hằng nghìn năm của cha ông, để lại cho toàn thể dân tộc, nó phải là một khối, một quốc gia, một tiếng nói, một văn hóa và truyền thống. Không bất kỳ đảng phái hay chủ nghĩa nào có quyền cắt, xén để cho rằng miền này dành cho chủ nghĩa này, miền kia dành cho chủ nghĩa kia. Chủ nghĩa, chỉ là một giai đoạn thịnh suy, còn dân tộc và quê hương, là bất tận vĩnh cửu.

Ngày còn bé đọc truyện Tàu đâu đâu cũng chửi Tần Thỉ Hoàng.

Ngày nay, người TQ lại ca ngợi Tần Thỉ Hoàng không tiếc lời, vì nhờ ông mà người Hoa có một giang sơn thống nhất hành chánh, đoàn kết, và hùng mạnh, đang thách đố ngôi vị của Hoa Kỳ.

Triều Tây Sơn bị diệt vong do Nguyễn Ánh cầu viện hết ngoại nhân này đến ngoại nhân khác mà đặc biệt là các thừa sai của Công giáo La Mã, nhưng sau đó thì Nguyễn Triều cũng đã thành một triều đại chính thống kéo dài hơn 100 năm được ghi lại trong quốc sử. Điều này chứng minh rằng, ai có công thống nhất hay bình định được thiên hạ, kẻ ấy dù khuyết điểm đến đâu, cũng sẽ được nhân dân quy phục.

Cương vực của nước việt thay đổi với thời gian. Vào thời Minh Mạng, ta có bản đồ lớn nhất trong lịch sử dân tộc, triều đại cũng thay đổi, và dĩ nhiên cờ cũng luôn biến màu biến dạng, nhưng tinh thần việt và văn hóa việt là cái nhất quán nối kết nhân dân, gìn giữ cơ đồ. May mà ta còn giữ được tiếng nói, các tập tục như ăn bánh chưng bánh dày, tết Nguyên Đán, tết Trung Thu, và Truyện Kiều bằng chữ Nôm, chứ nếu tiếng nói của ta cũng bị mất vào tay thực dân Pháp nữa (suýt mất), thì ngày nay ta chỉ mang cái màu da vàng, thờ cây thánh giá và hãnh diện mình là con cháu người Gô-Loa, như lũ trẻ con da đen ở Martinique hoặc Calédonie, chứ có cờ vàng ba sọc hay cờ đỏ sao vàng để mà phân chia quốc cọng, thù hận nhau cả gần thế kỷ vẫn không nguôi ngoai như hiện tại đâu ? Một người bạn học trường Lasan Taberd trước 1975 cho tôi biết rằng, anh ta từng học sử bắt đầu bằng câu nos ancêtres sont des Gaulois...(tổ tiên chúng ta là người Gô-Loa...) thì tưởng tượng vào thời pháp thuộc, người VN muốn đến trường đi học, không tròng vào cổ cái tư duy nô lệ thì làm sao mà có thể biến thành người trí thức? Ngay ông Sarkozy, cựu tổng thống Pháp, chỉ với cái tên là đã biết ông không có gốc Pháp, nhưng ông từng nói một câu rất trứ danh : dès que l'on devient français, nos ancêtres sont gaulois (ngay khi ta trở thành dân pháp thì tổ tiên ta là người Gô- Loa), vậy thì chúng ta nghĩ sao nếu không may chúng ta không có bản tuyên ngôn độc lập năm 1945 cùng với chiến thắng lừng danh lịch sử Điện Biên Phủ mà cả hai phía VN hai bờ sông Bến Hải đều công nhận ? Ở Pháp, đừng nói là dân Pháp, tất cả mọi người Ả Rập đều biết Pháp rút khỏi VN và trả độc lập cho các dân tộc Đông Dương vì thua trận Điện Biên Phủ. Lúc mới sang Pháp, tôi phải đi làm việc tay chân như đa số dân da màu đến đây định cư, mỗi khi họ biết tôi là người VN thì lập tức, ai cũng đưa ngón tay cái ra và lớn tiếng hô to Dien Bien Phu, Dien Bien Phu, bất chấp tôi có cùng lập trường với họ hay không. Thú thật tôi cũng không tiện từ chối cái vinh quang ấy, nhưng cũng chẳng thể ưỡn ngực ra mà nhận vào mình, vì vừa mới trốn thoát chế độ bao cấp sang được xứ tự do, lúc ấy tôi thù CS không hết, lấy đâu mà quàng lá cờ vinh quang Điện Biên Phủ của CS lên người được ? Nhưng càng đọc sử, càng sống, càng suy gẫm, thì phải thành thực mà công nhận rằng, nếu không có Điện Biên Phủ thì không thể có Hiệp Định Genève, không có Hiệp Định Genève thì không có sự chia cắt Nam Bắc để Ngô Đình Diệm cướp nước của Bảo Đại, thành lập Ngụy quyền VNCH do Mỹ bảo trợ, mà chỉ có VNDCCH trong quốc sử, và nếu VNDCCH thua Điện Biên Phủ thì Pháp sẽ trở lại tiêu diệt toàn bộ kháng chiến VN và tái cai trị vùng Indochine thuộc Liên Hiệp Pháp cho đến nay như nó có mặt ở Calédonie hoặc ở Réunion. Điều này thì ngay những cựu chiến binh pháp cũng công nhận mỗi khi tôi có dịp gặp và trao đổi vài nét về lịch sử với họ. Cũng nên biết thêm rằng, trong lòng đa số trí thức Pháp, Hồ Chí Minh luôn là một cái tên.

VNCH rất được người miền Nam yêu thương, lại chưa từng mất một binh một chốt để chống lại kẻ thù ngoại nhập. Tướng tá của VNCH hầu hết  được người pháp huấn luyện để sử dụng và để lại cho VNCH khi ra đi. Tất cả xương máu của miền nam đổ ra vì cuộc chiến đều là máu người việt đánh giết người việt.

Việt nam

Ảnh mp3.ring.vn

VNDCCH đã đẩy lùi 3 đế quốc xâm luợc Pháp, Mỹ và Trung Quốc, lại có công lớn thống nhất đất nước, ngày nay lại phải đứng mũi chịu sào trước sự ghét bỏ của hầu hết người việt sinh sống ở nước ngoài và một số lớn trong nước mà đặc biệt là giáo dân Công giáo Rôma. Từ khi tuyên ngôn độc lập, đảng CSVN đã có 9 năm kháng chiến chống Pháp và đánh tan mưu đồ xâm lăng thực dân Pháp tại trận Điện Biên Phủ, gần 20 năm kháng chiến chống Mỹ với mục đích thống nhất đất nước, 10 năm chiến tranh với Trung Quốc ở biên giới Việt Bắc, chưa kể 20 năm phải thắt lưng buột bụng ăn khoai ăn sắn để trường kỳ kháng chiến với cuộc chiến tranh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ.

Tôi từng ao ước VNCH tạo được những chiến công hiển hách vừa kể, nhưng tôi không thể nói ngược lại sự thực lịch sử.

Tôi lo là lo người VN lại vì khác biệt hay tư thù mà quên mất nghĩa lớn, chỉ lo xâu nhé nhau trong nhà mà chẳng nhìn qua phía bên kia hàng rào luôn có một con cọp vàng thiên tử và một con cọp trắng thiên chủ đang chờ được ăn no.

Thư anh đến đúng vào lúc nhiều thành phố VN bị người biểu tình làm kẹt xe, gây hỗn loạn mất trật tự, hô hào chọi đá gạch vào công an cảnh sát để bạo loạn, đặc biệt nhất là đám biểu tình ở Phan Rí, người biểu tình thậm chí đã đốt ủy ban nhân dân ở Bình Thuận cùng nhiều xe cộ, và nghe đâu có ba cảnh sát cơ động bị đá chọi vỡ đầu đã chết, họ không được lệnh tấn công người dân, chỉ quay thành vòng tròn dùng khiên và mũ để hứng chịu một cách thụ động cơn mưa đá và gậy gộc.

Công lao lớn nhất cho những tuần qua trong việc vận động biểu tình phải nên dành cho các linh mục nhà thờ Công Giáo. Nếu chính quyền hiện tại bị lật đổ, chắc chắn các cha cố đạo Rôma Vatican sẽ lại đứng sau hậu trường chính trị để điều hành nhà nước hậu cọng sản, như họ từng đứng ở hậu trường của hai nền cọng hòa miền Nam trước 1975. Nhưng đây chỉ là ước vọng. Tôi không dám vơ đũa cả nắm để nói về Công giáo VN, nhưng có một câu nói trên Facebook của một người trí thức (từng là đạo dòng Công giáo) mà tôi xin giấu tên, chị ấy nói rằng : Không phải tất cả giáo dân Công giáo đều chống cộng, nhưng tất cả người chống cộng đều là giáo dân Công giáo.

Thực tế, kẻ góp phần lớn nhất cho những xáo trộn nội bộ của VN phải nói là tình báo TQ. Họ vừa có thế lực bao trùm mặt đất, vừa là chủ nợ hơn ngìn tỷ đô của nước giàu nhất thế giới là Hoa Kỳ, họ đang manh tâm muốn chiếm trọn biển đông, mà cái gai nhọn nhất họ đụng phải chính là CSVN. Một lôgíc rất dễ hiểu, nếu tôi là TQ, thì VN không thể giàu mạnh, vì hướng tiến bộ phát triển để trở thành siêu cường của TQ là ở phương Nam mà trước hết là Nam Hải (đối với VN là Biển Đông). Chiếm trọn nam hải là chiếm hết cả tài nguyên thiên nhiên của nó, ngoài ra, còn làm bàn đạp để mở cửa ra bên ngoài, đối đầu với khối phương tây, có lợi về ca hai mặt kinh tế và quốc phòng. Cho dù TQ có đưa tượng Phật Bà Nam Hải ra để chiếm biển đông của VN thì người phật tử VN cũng sẵn sàng đập tan những ngụy trang tôn giáo của TQ.

Trong tất cả các nước ngăn chận TQ ở biển đông, VN có lịch sử chống Tàu mạnh nhất, đảng CS Tàu e ngại nhất là cái cây gai nhỏ VN, nhọn hơn Philippines, dù VN ít nói hơn. Chính Hoa Kỳ và các quốc gia tây phương đã thấy được ưu điểm này của VN, mèo xanh hay mèo đỏ không quan trọng, cái cần thiết là phải chặn TQ hiếu chiến điên cuồng chủ nghĩa quốc gia lại. Tôi tin rằng các chính quyền Hoa Kỳ từ thời Clinton, Bush, Obama và nhất là Donald Trump đã thấy rất rõ điều này. Trump đang bao vây kinh tế TQ, đang ve vuốt VN còn hơn cả các người tiền nhiệm, đang muốn giải giới hạt nhân Triều Tiên qua hình ảnh một VN cọng sản đã về bến.

Mặc dù ngoài mặt luôn ủng hộ VN trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nhưng TQ không ngớt tìm cách duy trì chiến tranh tại VN. TQ không muốn CSVN thất bại, vì như thế, TQ phải đối mặt với VNCH, chư hầu trực tiếp của Mỹ, nhưng TQ cũng không muốn Bắc Việt chiến thắng, vì như vậy VN sẽ thống nhất, phía nam của TQ sẽ có một tiểu cường án ngữ.

Lần thứ nhất TQ muốn VN luôn ở thế yếu, đó là ngay khi Hiệp Định Genève đang được chuẩn bị được ký kết. Hồ Chí Minh bị áp lực của cả Liên Xô và TQ nên ở vào thế bị động muốn được độc lập từ vĩ tuyến thứ 13, sau đó nhượng bộ đến vĩ tuyến 16, nhưng chính TQ là kẻ tạo áp lực mạnh nhất để phía VN phải chấp nhận vĩ tuyến thứ 17 trong lúc chờ đợi Tổng Tuyển Cử trên nguyên tắc vào năm 1956.

Lần thứ hai là trước 30 tháng Tư 1975, khi Dương Văn Minh được cử làm tổng thống những ngày cuối cùng của VNCH, tướng tình báo Pháp Francois Vanussème đã tìm gặp DVM để nhắn tin với ông là hãy chính thức kêu gọi sự giúp đỡ của TQ, vì hơn ai hết, TQ là nước duy nhất có khả năng giúp VNCH trụ vững trước sự tấn công của bộ đội miền Bắc, nhưng may thay, Dương Văn Minh đã sáng suốt từ chối. Điều này lộ rõ chiến lược âm hiểm của TQ luôn muốn nước chư hầu nhỏ bé chung quanh phải luôn ở thế yếu để nó dễ bề sai khiến và bắt phục tùng.

Ngày nay, ai tham dự vào âm mưu tái chia cắt VN thành hai nước, dù vô tình hay cố ý, đều là đồng lõa, là tay sai của TQ.

Nhân tiện, tôi xin lạm bàn đôi nét về đặc khu kinh tế mà toàn thể người việt trên thế giới đang sôi nổi bàn tán.

Nói thực, tôi chả đánh giá cao các đặc khu kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, chứ chả riêng gì ở VN.

Úc cho TQ thuê cảng Darwin 99 năm, người Úc chả xuống đường dù chỉ là một ngày. Pháp cũng có đặc khu kinh tế Normandie, việt kiều ở Úc và ở Pháp lại đi biểu tình phản đối đặc khu chưa được quốc hội thông qua tại VN.

Tại Pháp, thương gia TQ đang lợi dụng bành trướng nhiều vụ buôn bán hàng hóa Tàu mà ngay người Pháp cũng phải than phiền rằng dù họ bán giá sỉ vẫn đắt hơn người Tàu ở Âu châu bán giá lẻ, đặc biệt là các mặt hàng điện tử và tin học, vì người TQ ở đâu cũng tụ thành một mạng lưới làm ăn rất khôn ngoan, họ biết cách lợi dụng việc  chuyển hàng từ quốc gia này đến quốc gia nọ trong Liên Hiệp Âu Châu một cách miễn thuế, nên sản phẩm họ bán ra mang tính cạnh tranh tuyệt đối. Nhà nước Pháp biết người Tàu làm ăn gian lận, nhưng họ làm lơ, vì nếu người Tàu giàu lên ở Pháp, thì nước Pháp cũng hưởng lợi được ít nhiều từ sự giàu có này. Khu phố Tàu ở Pháp trước năm 1980 rất nghèo nàn, đa số là các cửa tiệm ọp ẹp của người Ả Rập. Người Tàu vào mua lại và mở thương hiệu làm ăn, 15 năm sau, toàn khu phố trở nên sầm uất, giá đất ở đây cũng tăng cao, người da trắng bán nhà dọn đi, nhưng khu này lại biến thành điểm du lịch hấp dẫn của nước Pháp, vì nơi đây có mọi món ăn, mọi mặt hàng, mọi hoạt động truyền thống của người Đông Á, thu hút rất đông du khách.

Đa số các đặc khu trên thế giới đều rất ít thành công, bằng chứng là các đặc khu kinh tế của Sri Lanka cho TQ thuê đã biến thành của nợ cho TQ. Các đặc khu kinh tế Lào dành cho TQ đã biến Lào thành những vùng da beo mà nhà nước Lào không thể kiểm soát. Ấn Độ cũng có hằng trăm đặc khu kinh tế mà gần như chẳng cái nào làm nên trò trống gì, kể cả 60 đặc khu ở tiểu bang Maharashtra. Tại Ba Lan, các đặc khu kinh tế tạo ra những bất công xã hội trầm trọng, trong các đặc khu, chủ muốn đuổi công nhân lúc nào thì đuổi mà không bị luật pháp chế tài, khiến Ba Lan nằm trong tình trạng một quốc gia hai luật pháp.

Thế nhưng tại sao thế giới đua nhau làm đặc khu kinh tế ?

Tại sao tính đến năm 2014 có đến 4300 đặc khu mặc dù đây là một mô hình gần như chỉ đem đến thất bại ?

Xin thưa, lỗi là do TQ.

Vì sao là lỗi của TQ ?

Vì TQ là nước có nhiều đặc khu kinh tế tiên phong dọc theo các bờ biển, từ Thượng Hải xuống tận Hải Nam theo mô hình Hồng Kông và Macao do chính Đặng Tiểu Bình ra lệnh thành lập, đã biến TQ từ một nước nghèo đói lạc hậu, thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và quân sự (nhưng hoàn toàn hỏng bét về văn hóa), thách đấu ngôi bá chủ của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21. Đặc khu nổi tiếng nhất chính là Thâm Quyến (深 圳, Shenzhen ), thuộc tỉnh Quảng Đông, khởi thủy là một làng chài nhỏ bé nghèo nàn, sau khi làm đặc khu, đã như có phép lạ, trở thành một thành phố tương đương với Sài Gòn với số dân trên 10 triệu chỉ trong vòng hai thập niên, và chỉ số kinh tế gia tăng so với toàn quốc trung bình gần 26% mỗi năm, diện tích gia tăng đã đạt hơn 2000 km² so với lúc đầu.

Hoa Kỳ cũng là nước được khởi nghiệp bằng các đặc khu kinh tế mà các chính phủ của Cựu Thế Giới (Âu châu) bán cho các thương gia những đặc quyền đặc lợi ở Tân thế giới (Mỹ châu) như Jamestown hoặc New Amsterdam, sau đó, khi Hoa Kỳ độc lập, chính các đặc khu này là đầu tàu kinh tế cho tân quốc gia đa chủng tộc này vốn là các tay phiêu lưu mạo hiểm, các tù nhân bị đày và các thương gia thèm khát khai thác tài nguyên thiên nhiên ở những nơi còn hoang dã.

ĐKKT chỉ nên là sản phẩm để kiến tạo một khu hoang dã thành thị tứ, chứ không nên đưa ĐKKT vào một nơi đắc địa, đã sẵn có tố chất của một vùng trù phú nếu chỉ cần khai khác một cách bình thường như Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn.

Hai siêu cường dẫn đầu thế giới gần như đều nhờ vào các đặc khu kinh tế mà bay bổng, nên ngày nay, ai ai cũng muốn bay cao bay xa, và do đó, ĐKKT trở thành một phương án thời thượng để các tay công tử nhà quê xúm nhau mua, bất kể giá cả bao nhiêu, hòng cầu mong có ngày được dịp bay cao bay xa như cặp rồng phượng Mỹ Trung trên phim trường hiện đại.

Đó là lí do vì sao tôi trễ nãi, dù thư anh viết làm tôi rất cảm động.

Đọc “Thư làm quen với anh Quý Long” của anh để tìm hiểu đôi nét về anh, tôi ngạc nhiên nhận ra rằng anh có gốc đạo Công giáo.

Kế tiếp, anh viết « Mẹ tôi chết lúc tôi được 8 tháng tuổi. Năm 61, khi tôi đủ mười tuổi thì cha chết. Chị tôi tiếp tục thay cha nuôi tôi. Tôi tiếp tục học trường La San Kon Tum đến năm 69, vừa xong lớp đệ tứ thì cũng vừa đủ tuổi lính. » đã cho tôi cái ngạc nhiên thêm là mình có rất nhiều điểm chung.

Thuở còn bé, nhà tôi cũng rất nghèo, mới sinh ra thì nhà cháy, cha mẹ tôi từ An Khê, Bình Định ôm tôi di cư lên Pleiku để tìm đất sống, nhưng so với anh, tôi có nhiều may mắn hơn, vì vào năm 10 tuổi của anh; năm 1961 tôi cũng vừa tròn 10, cha mẹ đầy đủ, học trường Bồ Đề Pleiku và sống cách thành phố Kontum của anh chừng 50 km !

Anh Trần Tiên Long nói với anh rằng anh ấy chơi guitar classic của Carulli thì tôi cũng tập tành cuốn đó khi học đại học SG và bây giờ cũng « cùi sứt móng » chả chơi được gì nữa, chỉ còn sáng tác vài bản nhạc để nghêu ngao ngày tháng mà chị Xuân có biết.

Thành phố tôi sinh sống đa phần (mang tiếng) là theo Công giáo La Mã, nhưng họ rất thoải mái với người theo đạo Phật.

Âu châu tôn trọng mọi tôn giáo, kể cả đạo Hồi, dù sau lưng họ có xì xào bàn tán dăm câu  ba điều, nhưng nói chung, điều khá cấm kỵ ở xã hội Âu châu trong các cuộc trà dư tửu hậu tiệc tùng là không nên đề cập các đề tài chính trị hoặc tôn giáo; nhờ vậy, đôi khi, trong một gia đình, chồng theo đảng này, vợ lại theo đảng khác; còn chuyện vợ đạo Phật chồng đạo Chúa là chuyện chả có gì đáng bàn. Thỉnh thoảng lắm tôi mới dẫn con đến chùa lạy Phật nhân các dịp lễ lớn như Phật Đản hay tết Nguyên Đán, tôi lại thấy các bà các cô VN dẫn theo các ông chồng da trắng bồng các đứa con lai vào lạy Phật một cách  cung kính không kém các đạo hữu áo tràng lam chùa Hoằng Pháp.

Tuy không phải là giáo dân, gia đình tôi vẫn thỉnh thoảng gửi tiền hiến tặng cho Secours Catholique Pháp để họ làm từ thiện, và năm nào họ cũng gửi thư cám ơn đến tận nhà. Chắc họ tưởng rằng gia đình tôi là dân đạo gộc của chúa.

--o0o--

Tâm hồn anh khá tinh nghịch khi anh nói anh sớn sát đi va đầu vào khối vàng ròng. Với tôi thì đập mặt vào cái gì, cầu mong cái đó mềm và không có góc cạnh, chứ vàng hay đá  thì có gì khác nhau ?

Nhắc tới Trần Dần, thú thật tôi chỉ biết có một hai câu thơ vào năm 1975, khi CS tràn vào nam, khi đó đọc thấy gan cùng mình :

Tôi đi qua không thấy phố thấy phường

Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ...

Lời anh viết, có lẽ vì anh đoán tôi sinh năm từ 37- 46 trở lên, anh kính ngữ với thế hệ đàn anh khiến tôi ái ngại, bây giờ biết rõ mình bằng tuổi nhau, chúng ta nên là bạn, như anh đã là bạn của Trần Tiên Long; dù anh Long và tôi, những thân hữu của SH, cũng chỉ văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, tương kính và hợp tác qua tư tưởng và lý tưởng.

Anh và tôi đều sinh ra trong những gia đình nghèo bực nhất VN, tôi nhớ lúc còn là sinh viên Sài Gòn những năm 70 đến 75, nhiều hôm đi học về, đói, nhìn chiếc xe bán bánh mì thịt ở ngã tư Bình Hòa mà thèm chảy dãi, nhưng tiền trong túi chỉ đủ mua ba điếu Bastos vàng, và thay vì mua nửa ổ bánh mì xịt xì dầu Tàu Vị Yểu Con Mèo có rắc chút tiêu, tôi thà nhịn đói đành bấm bụng mua ba điếu thuốc !

Thời sinh viên của tôi, đong ăn từng bữa, và lắm bữa đói meo.

Tôi rất giống anh, rất ngưỡng mộ Charlie Nguyễn; ngưỡng mộ, vì cuộc đời này hiếm  ai dám văn đạo dĩ ưng cam nhứt tử, chấp nhậnbị vợ bỏ, con từ, ra gầm cầu sống với người homeless, đánh đổi cả gia đình và hạnh phúc trần gian để chọn ánh sáng cho tâm, hành động này e rằng còn khó hơn việc Huệ Khả chặt cánh tay để cầu đạo.

Tôi chưa gặp Charlie Nguyễn mà chỉ biết con người ông qua tác phẩm, còn trong đời sống, tôi đặt tiêu chuẩn ở ba điều khó làm của Nho gia làm thước đo cho « thượng thiện tri thức » chứ không dễ như anh phong ngay cho tôi 4 đại tự này. Đời tôi chỉ gặp có 2 người bằng xương bằng thịt, mà sau khi xa họ, tôi mới thấm thía dần dần những cử chỉ, những hành động gần như là bực thánh của họ. Ba điều ấy ngày nay trẻ con ai cũng biết, là phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Hiếm có ai mà tôi gặp hội đủ ba điều này trừ 2 người, người thứ nhất là thi sĩ Bùi Giáng, và người thứ hai, là Tuệ Sĩ (ngày nay ngài là một bực hòa thượng).

Bùi Giáng có tiền hay không tiền như nhau, tôi từng chơi đánh bài với một đám đông trong đó co Bùi Giáng, ông đánh bài mà mồm lẩm bẩm tính ra con số như trẻ con làm tính cọng mà ai ngồi gần cũng nghe, khi ông oát trên 21 nút, khui bài ông ra là y chang không bao giờ sai sót, và ông đánh bài là thua, nhưng mặt không hề đổi sắc, không bao giờ thay đổi cách đánh ấy với ai và ở bất kỳ thời điểm nào. Lúc ấy, tôi là sinh viên, bị mời vào đánh bài một cách bất đắc dĩ vào những ngày tết không tiền về quê, thế chân cho một đàn anh thua cháy túi. Khi CS vào nam ông giả điên giả khùng cười cợt chọc ghẹo công an, ngay cả có lúc ông cột nồi niêu xoong chảo khắp người, đứng ở giữa ngã tư thổi còi te te làm cảnh sát điều tiết xe cộ qua lại ai nhìn cũng cười và ai ko biết thì cho rằng ông là một người bị tâm thần. Khi Ông ở đại học Vạn Hạnh, phòng ông dơ như ổ chuột, trên tường thì trét đầy ghét được cạy ra từ thân thể ông, và có hằng trăm câu viết « phải bỏ hút thuốc », « từ nay phải bỏ hút » với ngổn ngang bao thuốc lá Bastos xanh và tàn thuốc cùng mùi hôi của tàn thuốc và trên tay họ Bùi không bao giờ thiếu một điếu thuốc đang cháy dở dang! Và tuần nào cũng có một nữ sinh viên học triết đến thăm và đem cơm cháo chăm sóc ông, nhưng cả đại học ai cũng biết mỗi lần cô ấy đến, ông mở toang cửa phòng và lấm la lấm lét như đang bị cô giáo cầm thước phạt đứa học trò nhỏ.

Bùi Giáng và sư Viên Minh tại chùa Kỳ viên

Bùi Giáng với sư Viên Minh (chùa Kỳ Viên). Ảnh trong bài "Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 11: Bùi Giáng nổi giận trong sân chùa" của thanhnien.vn

Chắc ai cũng đã ít nhiều nghe tên tuổi của Bùi Giáng. Có thể nói, ông là người VN có thẩm quyền nhất để bàn về siêu hình học của Heidegger, và cũng chính ông là người có thẩm quyền nhất để phê bình thơ Nguyễn Du.

Khi tôi sang Âu châu, cuộc đời nay vùi mai dập, nghĩ đến Bùi Giáng, dần dần chợt vỡ ra rằng, ông ấy hội đủ phú quí bất dâm, bần tiện bất di, và uy vũ bất khuất.

Còn thầy Tuệ Sỹ thì thỉnh thoảng lúc ông được nhà sách An Tiêm trả tiền nhuận bút in sách, túi ông có mấy chục nghìn tiền VNCH, chúng tôi, bọn sinh viên trẻ, được thầy mời đi ăn cơm chay ở khu Nguyễn Thiện Thuật, món ngon nhất là nấm rơm kho tiêu. Thầy ốm nhom như cây sậy và luôn mặc áo màu lam, chơi đàn Guitar classic, chơi dương cầm, làm thơ, viết về Hiện Tượng Luận với Husserl và Heidegger, về Tánh Không với Long Thụ, về Tô Đông Pha đời Tống và dịch các bộ A Hàm. Tôi học được ở thầy gần như toàn bộ kiến thức về Phật học, một phần lớn về âm nhạc, một phần rất lớn về triết học tây phương mặc dù tôi là sinh viên của đại học văn khoa ban triết tây và Tuệ Sỹ là giáo sư Phật học tại đại học Vạn Hạnh. Tôi chưa từng là sinh viên Vạn Hạnh dù chỉ là một ngày. Nếu ai hỏi tôi thầy tôi là ai, tôi không ngần ngại trả lời, thầy tôi là ông thầy chùa nhỏ con và ốm như người nhà quê thiếu ăn tên Thích Tuệ Sỹ.

Tuệ Sỹ

Thầy Tuệ Sỹ. Ảnh viendongdaily.com

Khi tôi sang Âu châu thì nghe tin thầy bị bắt và bị lên án tử hình vì tội chống cọng sản, âm mưu lật đổ chính quyền (cùng với thầy Lê Mạnh Thát và một số khác, và nếu tôi chưa trốn ra nước ngoài, thì  số phận tôi bây giờ ra sao thực tình tôi không thể đoán biết).

Hơn mười năm sau tôi mới có dịp gặp lại thầy ở một ngôi chùa tại Gò Gấp; vẫn ốm như cây sậy, vẫn nụ cười trên môi, đôi mắt rất đẹp và sáng; có lẽ là phần cơ thể đẹp nhất ở thầy chính là đôi mắt; áo quần vẫn màu lam với ống tay sờn rách, vẫn chơi Piano.

Đùng một cái, nghe tin thầy từ chối cuộc sống đầy tiện nghi cơm có nguời bưng nước có người rót, và tiền bạc chắc chắn là không thiếu (một danh tăng như thầy thì Phật tử hâm mộ rất đông), nhưng thầy bỏ tất cả, đi bộ từ Đà Lạt xuống Phan Rang, định về Nha Trang bằng hai đôi chân, và có hôm  đã ngã bất tỉnh giữa đèo, may đâu có người thấy và chở thầy đi cấp cứu !

Khi viết những giòng này thì tôi không biết thầy ở đâu.

Nhưng thầy là người thứ hai hội đủ 3 tiêu chuẩn mà tôi trân qúy gọi là « thượng thiện tri thức»

Tôi kính cẩn gọi hai người này là bực thầy của thế gian, vì ở họ có phần tư cách mà người thường khó ai làm được, nhưng nếu có ai đó làm được, thì vẫn chưa dám sánh với họ về sở học thiên tài kinh người. Cả hai đều gần như quán thông kim cổ đông tây. Bùi Giáng đọc sành Anh, Pháp và Hán ngữ, còn Tuệ Sỹ thì Anh, Pháp, Hán, Phạn, Pali đều tinh thông, lại làm thơ chơi nhạc; ngay môn học Tử Vi Đẩu Số lúc còn trẻ tuổi tôi nghĩ tôi rất giỏi, trình độ có thể viết sách về Tử Vi, nhưng chỉ bàn vài câu với thầy, thầy đáp lại vài câu, là tôi thấy thầy sâu sắc hơn tôi ngay cả về môn học cho vui mà thầy rất xem thường ! (Tôi từng gặp một Maître de conférences ở đại học Jussieu Paris rất sành về Tử Vi, gặp nhau trong nhà hàng, ông ta đang sôi nổi giới thiệu Tử vi và khoe với các bạn ông đưa Tử Vi vào điện toán, tôi mạn phép chen vào vì được gãi trúng chỗ ngứa, thế là tôi và ông giáo sư nọ nói thao thao về Tử Vi, độ chừng nửa tiếng sau, ông giáo sư đã bái tôi làm « đàn anh » về môn này. Vậy mà chỉ vài câu nói của thầy Tuệ Sỹ tôi biết tôi ở dưới thầy, vì thầy quá sâu về chữ Hán, mà muốn giỏi Tử Vi phải đọc thẳng vào sách Tàu. Kể câu chuyện phiếm ra, để mọi người hiểu sức học kinh khiếp của bực thiên tài.)

Ấy vậy mà anh dám gọi tôi là « thượng thiện tri thức» !

Tôi xin anh tha cho, vì tôi cách 4 chữ ấy còn rất, rất xa. Nhiều lắm, tôi chỉ dám nhận 1 chữ, là chữ tri, theo kiểu ngũ thập nhi tri thiên mệnh, mặc dù cũng đã sắp tới tuổi tòng tâm dục, bất du cửu.

Anh đã gặp thầy Nguyễn Duy Cần trong tâm trí của anh.

Trong đời, cần có một người thầy, và hãy kính trọng thầy, cho dẫu có ngày anh đã vượt qua thầy.

Nếu cuộc Cách Mạng Pháp cho con người cái giá trị nhân quyền, thì Phật giáo đã cống hiến cho con người cái giá trị trí tuệ.

Trí tuệ của đạo Phật chỉ được khai mở khi không còn một người thầy nào được quyền xuất hiện.

Vài hàng thăm anh, chúc anh được an lạc, bình dị như núi rừng Kontum.

Paris sau mùa World Cup 2018.

Trần Trọng Sỹ.

 


Ngày còn thanh niên, em có trộm nhận ông thầy mà em kính yêu, đã khai tâm mở trí cho em

Subject: Kính xin tòa soạn giúp tôi chuyền thư này cho ông Trần Trọng Sỹ

From: Anh Huynh 

Date: Tue, June 12, 2018 6:42 pm

To: sachhiem@sachhiem.net

 

Anh Trọng Sỹ ngưỡng mộ.

Em không biết anh tuổi nào, chỉ đoán anh sinh từ 37-42 trở lên. 

Đọc bài anh, em thấy như mình đang đi mà sớn sát, nên va đầu phải một khối vàng ròng. 

Em bắt đầu đọc giao điểm được hơn ba năm, rồi ĐDTB, cuối cùng là sách hiếm. Tới sách hiếm, em mới gặp anh trong phần tác giả thân hữu.

Đọc hàng trăm tác giả, mà em thấy thích không tới mười người. Charlie Nguyễn là người mà em yêu mến, ngưỡng mộ nhất. Đọc bài của ảnh, em thương ảnh quá chừng, có lúc em nghẹn ngào ứa nước mắt luôn, giống như đọc Trần Dần trong nhân văn giai phẩm, lúc anh ấy đang đi cải tạo vậy. 

Nhưng nay, gặp anh, em đã thay lòng đổi dạ. Giờ đây, anh mới là người đứng đầu trong tâm trí em. Anh là người em ngưỡng mộ, phục sát đất và cả đời hằng tìm kiếm. Đối với em, anh là một “thượng thiện tri thức”. Của hiếm này, cả nước cũng chưa đếm đủ một bàn tay. Trong mắt em, anh là người tròn đầy nhất từ bé đến giờ.

Ngày còn thanh niên, em có trộm nhận ông thầy mà em kính yêu, đã khai tâm mở trí cho em là học giả Nguyễn Duy Cần. Nói trộm nhận là vì em không có duyên gặp, nên chẳng biết mặt mũi của sư phụ mình ra sao cả. Rồi kể từ ngày ấy, em chưa hề ‘thầm thương trộm nhớ’ ai cả. Đến nay, em mới được duyên làm lại nghề ăn trộm của mình một lần nữa.

Nay em trộm nhận anh là sư huynh trưởng và con hơn cha là điều dĩ nhiễn vì con thua cha là nhà vô phúc.

Qua đọc anh, em biết anh mãi mãi không còn bệnh nữa, vì anh đã cởi vòng kim cô ra rồi, anh đã đạt quả vị bất thối. Nên cho dù sách hiếm có báo anh đau, em vẫn mạnh giạn viết thư cho anh. 

Xưa, em học tới lớp đệ tứ trường La San Kon Tum, rồi đi lính. (diễn đàn sách hiếm có đăng thư em ngày 11 tháng 5, “Thư làm quen với anh Quý Long”) trong đó nói lai lịch em chi tiết hơn.

Tuy em nông dân ít học, nhưng viết cho anh, em không hề có một chút ái ngại nào, không sợ sai quy cách, văn phạm sai … vì em biết anh là người được cá bỏ nơm, được ý bỏ lời.

Con cừu non kia, sà vào lòng thượng đế nũng nịu rằng: sao các loài ăn thịt đều chọn con làm món ăn ngon của chúng... Em muốn anh là thượng đế, còn em xin được làm con cừu non để được sà vào lòng anh.

Tôi đã đọc say mê hai tác giả họ Trần và họ Nguyễn, và...tôi đã trở thành cây viết của sachhiem.net từ sau đó. Chỉ đáng buồn và xui cho tôi là cả hai bực đàn anh đáng kính này đã ra đi khi tôi vừa biết đến tên tuổi họ.”

Anh đã viết như thế. Còn em thì viết rằng: “Nếu anh Sỹ ra đi, tôi sẽ không hề buồn hay thấy xui xẻo gì cả, vì cái duyên của tôi với ảnh chỉ có thế mà thôi. Nhưng nếu không bao giờ nhận được thư hồi đáp của anh Sỹ, tôi sẽ đau đớn như người vừa đánh rơi cả gia tài mình xuống biển khơi ”

Em chỉ sợ thư này lại không đến anh như hai lần trước. Còn việc hồi âm thì em không sợ khi anh đã đọc thư em. Bởi em đã từng nghe anh nói: “thực hành hạnh lắng nghe không khó, chỉ vì người ta xem thường không muốn thực hành mà thôi”.

Mong sẽ được anh dìu dắt. 

Kính yêu.

 

__________________

Các bài của Trần Trọng Sỹ: link http://sachhiem.net/TTS/ListTTS.inc.php

Tác Giả Trần Trọng Sỹ

Thư Mục Trần Trọng Sỹ