Bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" đã được dịch sang tiếng Anh

Bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc"

đã được dịch sang tiếng Anh

Trần Đình Hoành

Link http://sachhiem.net/VANHOC/T/TinTheThao_DongLoc.php

24-Jul-2017

LTS: Nguyên tựa trên báo Thể Thao Văn Hóa là "Mang 'Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc' đến với bạn bè thế giới", đăng ngày 15/07/2008 15:07 GMT+7. Chúng tôi đề tựa lại và đăng cuối tháng bảy để tưởng niệm các cô gái đang cùng làm nhiệm vụ một cách can đảm và đã bị hy sinh dưới làn mưa bom của giặc ngoại xâm. Lúc chúng tôi về Việt Nam, nghe câu chuyện của cô Cúc, thương cảm dâng tràn. Trong bài dưới đây lời chú thích dưới hai bài thơ do GS Phan Văn Hoàng gửi. (SH)

Cổng vào nghĩa trang Đồng Lộc

Cổng vào nghĩa trang Đồng Lộc

_______________________

(TT&VH Online) - Đã quen biết anh từ lâu với tên gọi Trần Đình Hoành - một luật sư - Việt kiều yêu nước sinh sống tại bang Virginia (Hoa Kỳ) nên tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe anh báo tin bài thơ của nhà thơ Vương Trọng về 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã được anh chuyển dịch sang tiếng Anh.
Càng vui hơn khi nghe anh nói nhà thơ Vương Trọng báo tin sẽ làm việc với Sở VH-TT Hà Tĩnh về việc khắc bản dịch tiếng Anh lên bia đá bên cạnh bản khắc tiếng Việt đã được dựng tại nghĩa trang Đồng Lộc. Đây là điểm tham quan luôn thu hút đông đảo du khách cả trong và ngoài nước, nhất là vào những ngày tháng 7 này- kỷ niệm 40 năm ngày 10 cô gái đã anh dũng hy sinh (7/1968 – 7/2008).

 Anh Trần Đình Hoành cùng nhà báo Lê Phượng

Và như bao lần trò chuyện trước đó, trong cuộc gặp mới nhất giữa tôi với vợ chồng anh tại tư gia ở bang Virginia đầu tháng 7 vừa qua, câu chuyện giữa chúng tôi dường như không dứt. Có khác chăng lần này chúng tôi nói nhiều hơn xung quanh bài thơ về 10 cô gái anh hùng đang yên nghỉ tại nghĩa trang Đồng Lộc mà anh đã chuyển dịch sang tiếng Anh.

* Anh biết đến Đồng Lộc từ khi nào?

- Đầu tháng 5/1995 tôi về thăm Hà Nội. Đoàn Việt Kiều chúng tôi được tổ chức một chuyến đi về Nghệ An thăm quê hương Cụ Hồ và thăm Đồng Lộc.  

Nghĩa trang Liệt sĩ 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc

Trước đó, thú thực tôi không biết nhiều về Đồng Lộc. Khi đến đây, nhìn thấy mảnh đất quê hương nghèo nàn, nắng gắt, nhìn chứng tích chiến tranh với những hố bom, nghe câu chuyện kể về 10 cô gái đã cùng hy sinh giữa tuổi đôi mươi và thấy 10 ngôi mộ của các cô nằm thẳng hàng bên nhau, tôi thực sự xúc động. Thương cho quê hương còn nhiều khó khăn và thật tiếc cho những mảnh đời bị cắt ngang trong khi đang tràn đầy nhựa sống... Những năm sau đó, những hình ảnh về Đồng Lộc nhiều lần trở lại trong tôi, nhất là khi có những sự kiện đặc biệt đánh thức ký ức, như khi tôi đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

* Anh biết bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng và đã chuyển dịch sang tiếng Anh như thế nào ?

Bức ảnh "Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc

- Mùa hè năm 2005, một người bạn của tôi - chị Diệu Ánh - thực hiện chuyến du hành trên Đường mòn Hồ Chí Minh. Ghé qua Đồng Lộc, thấy bài thơ của anh Vương Trọng khắc trên bia đá, chị đã chụp lại và gửi qua e-mail cho tôi. Chị Diệu Anh làm vậy vì biết tôi rất thích thơ và đã dịch vài bài thơ tiếng Việt sang tiếng Anh.
                    
Bài thơ của anh Vương Trọng làm tôi thực sự cảm động vì nó khơi lại trong tôi ký ức về Đồng Lộc năm xưa. Tôi đã lập tức chuyển dịch sang tiếng Anh và đăng lên diễn đàn về Việt Nam do tôi quản lý.

Đầu năm 2008, chị Diệu Ánh cho tôi biết tình cờ chị gặp chị Minh Lý, là phóng viên người Hà Tĩnh ở Vũng Tàu và cũng là một người bạn của anh Vương Trọng. Chị Diệu Ánh hỏi ý kiến tôi muốn gửi bản dịch bài thơ tiếng Anh của tôi cho anh Vương Trọng. Sau khi chỉnh sửa lại lần cuối cho chuẩn nhịp điệu thi ca và gần với xúc cảm của bản chính, tôi gửi lại bản dịch cho chị Diệu Ánh. Qua chị Minh Lý, bản dịch tiếng Anh đã được chuyển đến anh Vương Trọng. Sau đó anh Vương Trọng cho tôi biết sẽ làm việc với Sở VH-TT Hà Tĩnh để thực hiện việc khắc bài thơ bằng tiếng Anh lên đá và sẽ dựng bên cạnh bia khắc bản tiếng Việt.

* Anh nghĩ gì khi du khách nước ngoài sẽ đọc bản dịch bài thơ bằng tiếng Anh?

- Bài thơ của anh Vương Trọng về 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc thật dịu hiền, rất con người nhưng đã nói lên được nỗi bi thảm và hào hùng của cuộc chiến tranh năm xưa. Nếu bài thơ bằng tiếng Anh được khắc và lưu giữ tại Đồng Lộc, du khách nước ngoài sẽ có dịp hiểu thêm về các cô. Và tôi xem như mình đã có cơ hội chia sẻ trực tiếp...

Đầu năm 2008 anh Trần Đình Hoành được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam trao tặng bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng đất nước". Trước khi chia tay, anh còn kịp khoe với tôi về hai cô con gái, Trần Lê Thanh Nguyên và Trần Lê Minh Chi. Nghe bố kể câu chuyện về 10 cô gái Đồng Lộc, cùng đồng cảm và chia sẻ với mối quan tâm với bố, Thanh Nguyên đã cùng với bố gửi 500 USD về Sở VH-TT Hà Tĩnh để sử dụng vào Quĩ Nghĩa Trang Đồng Lộc.

* Việc chuyển dịch bài thơ có khó không anh?

- Rất khó, mà lại không. Khó vì thông thường dịch thơ không bao giờ dễ. Lúc đầu bản dịch của tôi có khoảng hơn 40 câu, vì tôi cố tình ngắt một số câu thành nhiều dòng để giảm tốc độ đọc và tăng thêm cảm xúc cho người đọc. Nhưng trong bản gốc tiếng Việt lại chỉ có 25 câu. Theo đề nghị của anh Vương Trọng muốn bản dịch tiếng Anh cũng có chiều dài tương tự với bản gốc, tôi đã chỉnh sửa gọn lại thành 25 câu. Cũng không khó khăn gì nhiều vì chỉ cần hy sinh tốc độ đọc một chút thôi là được.

 Lớp lớp thế hệ đang hướng về Đồng Lộc

Còn không khó, vì vốn dĩ tôi rất thích thơ. Tôi từng làm thơ tiếng Anh và dịch một số bài thơ tiếng Việt sang tiếng Anh. Thơ của tôi đã được đăng trên tờ báo về thi ca văn học trong giới đại học Mỹ (Illuminations). Thêm nữa, tôi đã có ấn tượng về Đồng Lộc và cảm xúc sâu đậm về sự hy sinh của 10 cô gái đang ở độ tuổi thanh xuân. Điều này giúp tôi chuyển dịch bài thơ có hồn và gần với xúc cảm của bản gốc tiếng Việt.

* Xin cảm ơn anh!

 Lời thỉnh cầu ở Nghĩa Trang Đồng Lộc

Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần người khác
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi!
Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các em cổ quàng khăn đỏ
Bên bia mộ, xếp hàng nghiêm trang thế
Thương các chị lắm phải không? Thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
Các chị còn khao khát bóng cây che!
- Hai bảy năm trôi qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc
Thương nhớ chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau, rồi vác cuốc ra đường!

cây bồ kết
Cây bồ kết bên bia đá khắc bài thơ của nhà thơ Vương Trọng

- Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều
Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang…

Vương Trọng

(Đồng Lộc, ngày 5/7/1995

Chú thích: Đọc Lời thỉnh cầu của nhà thơ Vương Trọng, ngày 19-8-1998, iôi trồng 2 cây bồ kết tại nghĩa trang này. (Đại tá Nguyễn Tiến Tuấn - Công an Hà Tĩnh)

 

Bản dịch tiếng Anh của anh Trần Đình Hoành:

A Request at Dong Loc Cemetery

That’s enough for ten bowls
The rest of incense, let’s save for others
We’re not the sole fallen ones
So much blood and bone was spent for Dong Loc
Memories, let’s spread evenly
Like grass in the valley, sunlight on the hill.
Look! Tongue-grass buds cling to the pants!
O you red-scarfed children standing straight by the tombs
You love us so much, don’t you?
Then, go home, find little plants
Plant them on Tro Voi Hill and on these bare lands
We’re so thirsty longing for some tree shades!
Twenty-seven years have passed, we haven’t grown a day
Three times changing bed, we’re now back in Dong Loc
Friends, if you love us, don’t cry!
Go back and tend the rice for better harvest
The last meals we ten had no rice
Just a handful of cassava, then out with hoes we went.
Our needs? One afternoon someone has asked
We’re not yet married and haven’t got a chance to love
When the bomb buried us all, our hair was enmeshed in dust
Lying here in these tombs, we haven’t got a chance to wash our hair
We ask that on the parched ground of this cemetery
Someone would grow some carob tree(*)
That spread fragrance evenly in the ethereal incense smoke…

Vuong Trong, Dong Loc, July 5, 1995

Note: Having read Vuong Trong’s Request, I plant two carob trees at this cemetery today, August 19, 1998 - Colonel Nguyen Tien Tuan, Ha Tinh Police

(*) Note by translator: Carob or locust tree is a kind of leguminous tree, the pods of which are boiled in water and the resulting liquid is used as hair shampoo.
Translated by Trần Đình Hoành ( A Vietnamese resident in USA)

Lê Phượng

(viết từ Washington DC., 7/2008)

________________________

Phụ Đính:

Ô. Trương Tấn Sang, Bộ Chính Trị, trong lễ khánh thành bia đá

 

Học sinh trường THCS Đồng Lộc

Links: http://thethaovanhoa.vn/...https://dotchuoinon.com/...

Trang Thời Sự