Chân Dung NVQG 01b: Nhà Nguyễn Không Tròn Trách Nhiệm (Nguyễn Mạnh Quang)

Chân Dung "Người Việt Quốc Gia"

Và Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/ChanDungVNCH/QMN01b.php

bản in mục lục đăng ngày 08 tháng 6, 2008

Toàn tập: Dàn bài

Chương 1: 1 2 3 4

CHƯƠNG 1

(tiếp theo)

NHÀ NGUYỄN KHÔNG LÀM TRÒN

TRÁCH NHIỆM BẢO TOÀN LÃNH THỔ

Đây là trường hợp của vua Tự Đức của nhà Nguyễn bất lực trong việc chống quân thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền độc lập của đất nước. (Nước ta lúc bấy giờ còn được gọi là Đại Nam.) Khởi đầu của việc bất lực này là nhà vua đã cúi đầu chấp nhận Hiệp Ước Nhâm Tuất 1862 (ký ngày 5/6/1862 tức ngày 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất) với những điều khoản do Liên Minh Xâm Lược Pháp - Thập Ác Vatican đưa ra một cách trịch thượng và ngang ngược. Dưới đây là những điều khoản này:

1.- Từ nay trở đi các nước Pháp Lan Tây, Tây Ban Nha và Đại Nam vĩnh viễn giao hiếu với nhau.

2.-Người Pháp và Tây Ban Nha được tự do đến giảng đạo Thiên Chúa tại Đại Nam. Dân muốn theo đạo tùy ý, không có sự cấm đoán và cũng không có sự gì ép buộc.

3.- Đại Nam nhường đứt cho Pháp ba tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa. Thuyền bè của nước Pháp được tự do đi lại trên sông Cửu Long và các rạch miền Tây.

4.- Kể từ ngày hiệp ước ký kết xong, nếu có nước nào gây sự với Đại Nam, thì nước Nam phải cho nước Pháp biết để liệu sự giúp đỡ. Nếu có việc cắt đất giảng hòa cũng phải có nước Pháp thỏa thuận mới được

5.- Công dân Pháp, Tây Ban Nha được ra vào buôn bán ở các cửa bể Đà Nẵng, Ba-lạt, Quảng Yên miễn là có nạp thuế theo lệ định. Công dân Việt Nam cũng đuợc đối đãi như vậy trên đất Pháp và Tây Ban Nha. Nếu người nước khác đến buôn bán, chính quyền Đại Nam không được ưu đãi họ hơn và nếu người nước này được hưởng điều lợi ích gì về thương mại thì công dân Pháp và Tây Ban Nha cũng được như vậy.

6.- Nếu có công việc gì khẩn yếu thì mỗi nước cử một khâm sai đại thần để hội thảo tại kinh đô nước Nam hay tại kinh đô hai nước Pháp và Tây Ban Nha. Tầu Pháp, Tây Ban Nha đến nước Nam sẽ đậu ở Đà Nẵng rồi quan khâm sai sẽ do đường bộ tiến lên kinh.

7.- Đôi bên cùng trả ngay tức khắc các người bị bắt và tất cả tài sản của họ cùng của thân tộc họ.

8.- Đại Nam bồi thường chiến tranh cho hai nước Pháp, Tây Ban Nha 4 triệu nguyên hạn trong 10 năm phải trả xong, mỗi năm phải nộp 400.000 (4 trăm ngàn) cho vị đại diện Pháp ở Gia Định. Hiện nay nước Pháp đã nhận được 100.000 (một trăm ngàn) đồng bạc đến khi nộp sẽ trừ số tiền này đi.

9.- Giặc cướp quấy nhiễu ở các đất thuộc Pháp lẩn trốn qua đất Việt cũng như giặc cướp ở các địa phương của Đại Nam chạy qua đất Pháp sẽ được đôi bên giải nộp cho các nhà cầm quyền sở quan.

10.- Từ ngày nghị hòa, dân chúng ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên muốn qua lại đất Nam thuộc Pháp làm ăn phải theo luật lệ của nước Pháp và nước Nam, không được chuyên chở binh lính và vũ khí qua các đất đã nhượng cho Pháp.

11.- Nước Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho Đại Nam nhưng tạm thời còn đóng binh tại đây cho tới khi bình định xong ba tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa.

12.- Hiệp ước này hạn trong một năm để hoàng đế ba nước duyệt lãm và phê chuẩn hỗ giao ở kinh đô Đại Nam.” [16]

Nhận xét về hiệp ưỡc trên đây, sử gia Phạm Văn Sơn viết:

Hiệp Ước Nhâm Tuất có tính cách thế nào? Dĩ nhiên nó thiếu tính cách bình đẳng. Nó là một văn kiện ngoại giao trong đó kẻ mạnh ra lệnh, kẻ yếu phải cúi đầu tuân phục, và nhà sử học có thể viết thêm rằng: Đáng lẽ Hiệp Ước Nhâm Tuất phải ra chào đời sớm, vì tình thế nước nhà đã quá suy nhược. Hiệp ước bất bình đẳng này còn là hiệp ước đầu tiên của ta ký với Pháp. Hiệp ước này mở đầu cho cuốn vong quốc sử Việt Nam.” [17]

Việc ký nhận những điều kiện của Thỏa Hiệp Nhâm Tuất 1862 trên đây chứng tỏ Vua Tự Đức đã:

1.- Không còn đủ khả năng bảo vệ sự nghiệp của tổ tiên để lại cho dân tộc Việt Nam ta,

2.- Cúi đầu chấp nhận những điều kiện của Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican đưa ra,

3.- Vì quyền lợi riêng tư của cá nhân và triều đình, nhà Vua đã cúi đầu cắt đất nhường cho giặc để tiếp tục được an tọa làm bù nhìn trong ngôi vị chủ tể của đất nước.

Đáng lý ra vua tôi nhà Nguyễn phải chủ động và tích cực học hỏi chiến lược, chiến thuật, đem hết khả năng về nhân lực, vật lực và tinh thần ra động viên nhân dân và điều binh khiển tướng để chống giặc tới cùng, nhưng tiếc rằng họ đã không làm như vậy. Họ chỉ biết co lại trong đám quần thần thủ cựu tính chuyện bảo vệ quyền lợi riêng của họ hơn là quyền lợi chung của đất nước. Sự tính toán ích kỷ này đã khiến cho triều đình Huế đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, rồi cuối cùng nhường luôn cả quyền trị đất nước cho giặc nắm hết để được an toàn giữ lại cái ngôi vị bù nhìn làm trang trí và tay sai cho người ngoại bang. Sau khi vừa ký xong hiệp ước này, toàn dân ta lên án triều đình đã lừa dối nhân dân. Hai người đại diện cho triều đình Huế ký vào hiệp ước này là hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bị nhân dân ta coi như là những quân bán nước: “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khi dân[18]. Bài thơ thất ngôn dưới đây của Cụ Phan Văn Trị nói lên niềm đau xót của nhân dân ta trong việc triều đình Huế cúi đầu nhận chịu các điều kiện nhục nhã nhượng đất cho Liên Minh Xâm Lược Pháp - Vatican - Tây Ban Nha:

Tò le kèn thổi tiếng năm ba,

Nghe lọt vào tai luống xót xa.

Uốn khúc sông rồng mù mịt khói.

Vẳng ve thành phụng ủ sầu hoa.

Tan nhà cám nỗi câu ly hận.

Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa.

Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ.

Ngậm cười hết nói nỗi quan ta [19].

NHÀ NGUYỄN ĐÃ MẤT HẾT CHÍNH NGHĨA

NẮM QUYỀN LÃNH ĐẠO VÀ CAI TRỊ NHÂN DÂN

Ký Hiệp Định Nhâm Tuất 1862 nhường ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican, nhà Nguyền đã tỏ ra bất lực, không còn đủ khả năng để bảo vệ lãnh thổ của tiền nhân để lại. Lãnh thổ đất nước là di sản của tiền nhân để lại cho cả dân tộc và là của chung của dân tộc. Nếu người lãnh đạo quốc dân bất lực không làm tròn sứ mạng bảo toàn lãnh thổ của đất nước, thì không còn xứng đáng tiếp tục ở lại ngôi vị lãnh đạo quốc dân nữa. Ở vào trường hợp này, người biết tự trọng phải biết tự động rút lui hay thoái vị nhường chỗ cho người khác có đủ tài đức lên thay thế để đảm đương việc nước. Nếu không tự động thoái lui, thì nhân dân sẽ vùng lên đạp đổ và đưa người có khả năng thế vào đó. Nói cho rõ, kể từ thời điểm này (1862) nhà Nguyễn đã mất chính nghĩa để ngồi lại ngôi vị lãnh đạo quốc gia và nhân Việt Nam, tức là không có tư cách gì là đại diện của đất nước và nhân dân Việt Nam để làm bất cứ một việc gì.

Dân tộc ta vốn có tinh thần bất khuất với truyền thống chống giặc ngoại xâm qua lời dạy “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Lời dạy này đã ăn sâu vào não tủy trong cơ thể của tất cả người dân nước Việt. Vì không thể khoanh tay ngồi yên để cho quân cướp xâm lăng hoành hành giầy xéo giang sơn, các nhà ái quốc miền Nam, rồi miền Trung và miền Bắc phải từ bỏ mái ấm gia đình, quyết tâm ra đi tìm mưu kết hợp đồng chí để cùng nhau hiến thân cho đại cuộc, dựng cờ, lập chiến khu, chiêu mộ các anh hùng nghĩa sĩ, tổ chức thành các đạo quân xung kích đánh đuổi quân giặc xâm lăng để cứu nước. Đây là trường hợp của các nhà ái quốc Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Mai Xuân Thưởng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Trịnh Văn Cấn, Lương Ngọc Quyến, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học và hàng triệu con dân đất Việt khác. Tất cả đều quyết tâm đem hết đời trai hay quãng đời còn lại hiến dâng cho tổ quốc để đòi lại quyền tự chủ cho quê hương và quyền làm người cho dân tộc.

Cũng vì lý do này mà kể từ đó, mỗi khi có một vị anh hùng hô hào nhân dân tham gia kháng chiến chống giặc cứu nước, thì toàn thể nhân dân ta, từ em bé 15 tuổi cho đến cụ già đầu bạc phơ phơ cũng đều hăng hái lên đường đi theo tiếng gọi của non sông lao đầu vào cuộc chiến chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương. Cuộc chiến đánh đuổi Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican là một cuộc chiến vô cùng gay go kéo dài cả gần một thế kỷ. Một bên là liên quân xâm lược Pháp - Vatican với những đạo quân tinh nhuệ được vũ trang bằng những vũ khí hết sức tối tân, và cấu kết chặt chẽ với nhóm thiểu số “thà mất nước, chứ không thà mất Chúa” trong các xóm đạo, làng đạo ở rải rác khắp nơi trên toàn lãnh thổ. Một bên là toàn thể nhân dân ta được võ trang bằng lòng yêu nước với những vũ khi cổ điển và thô sơ nhất. Đây cũng là cuộc chiến hào hùng, oai dũng và hiển hách nhất trong lịch sử chiến tranh đánh đuổi quân thù độc ác nhất của nhân loại là đế quốc Vatican cấu kết với đế quốc thực dân xâm lược Pháp. Tính cách hào hùng, oại dũng này đã được thể hiện ra trong lời ca và văn thơ chiến đấu chông giặc ngoại xâm. Vì thế mà kho tàng thi văn ái quốc của dân ta càng thêm phong phú. Có ai lại không cảm thấy cái dư âm của tiếng reo thắng trận khi ghe bài Trường Ca Sông Lô vang lên giống như khi nghe các bài hát Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng và Tiếng Trống Hà Hồi. Những lời ca của những bài hát này thực sự đã thấm vào tới tận tâm hồn và xưởng tủy của mọi ngươi dân nước Việt. Cùng với những lời ca tiếng hát oai hùng đó, cuộc chiến đánh đuổi Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican còn là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ dân tộc viết lên cả hàng ngàn bài thơ yêu nước trong thời kỳ này. Dươi đây là một số những vần thơ nói về những chiến công của các lực lượng nghĩa quân kháng chiến trong thời 1858-1930 và bài thơ Lên Đường của nhà thơ Nguyễn Tố Chi nói lên cái khí thế bừng bừng hăng hái lên đường đáp lời sông núi của dân ta trong thời Kháng Chiến 1945-1954:

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Hỏa hồng Nhật Tảo, Kiên Giang,

Gò Công, Đồng Tháp, Vụ Quang oai hùng,

Hùm thiêng Yên Thế vẫy vùng,

Thái Nguyên, Yên Bái lẫy lừng ngàn thu.

Muôn dân quyết chiến đuổi thù...

Trong mắt tôi đã thấy,

Dân tôi:

Người trước nối người sau,

Tay trong tay kết chặt một vòng,

Đi đòi lại núi sông trong tay giặc.

"Thế giặc mạnh lấy gì mà chống đỡ?"

Lời Diên Hồng vạn tiếng quyết tâm.

Phải trải xương,

Phải đỏ máu với quân thù

Phải đoàn kết triệu bước chân dấn bước,

Từ sông Hồng xuôi về sông Cửu,

Từ đồng bằng nối mãi tới Trường Sơn.

Khắp non sông vang dội bước quân hành

Tay giáo mác và con tim sôi máu.

Trong ánh mắt triệu niềm tin rực sáng

Buổi quân về giải phóng Việt Nam.

Quê hương tôi hôm nay đã thấy

Những mẹ già chị gái

Làm hậu cần nuôi quân,

Những thanh niên hôm nay

Đã làm anh kháng chiến,

Những em bé mười lăm

Gánh vai trò liên lạc.

Cả nước đồng một lòng

Đứng lên tiêu diệt giặc.

Lời réo gọi của non sông đất nước:

Các anh

Xin đứng dậy

Lên đường!

Cũng nên biết là tất cả các lực lượng nghĩa quân kháng chiến của nhân dân ta trong thời kỳ từ đầu thập niên 1860 cho đến ngày Liên Minh Thánh Pháp - Vatican tan vỡ vào tháng 7 năm 1954 đều là những phong trào nhân dân tự phát, khởi đầu chỉ có mục đích duy nhất đánh đuổi Liên Minh Thánh xâm lăng Pháp Vatican để bảo vệ quê hương. Sau khi ký Thỏa Hiệp Nhâm Tuất 1862 nhường ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, triều đình Huế càng tỏ ra càng bất lực không chu toàn được nghĩa vụ chống giặc xâm lăng để bảo lãnh thổ quốc gia. Kể từ đó, các lực lượng nghĩa quân kháng chiến của nhân dân ta vừa phải chiến đấu chống lại liên quân giặc xâm lăng Pháp – Vatican và các đạo quân thập tự Việt Nam mà căn cứ là các làng đạo hay xóm đạo ở rải rác khắp nơi trên toàn thể lãnh thổ đất nước, vừa phải chiến đấu chống lại quân lính của triều đình Huế.

TẠI SAO NHÂN DÂN TA PHẢI CHIẾN ĐẤU

CHỐNG LẠI TRIỀU ĐÌNH HUẾ?

Như đã nói trên, kể từ năm 1862, triều đình nhà Nguyễn không còn chính nghĩa để cầm quyền cai trị nhân dân nữa. Theo quy luật lịch sử như đã trình bày ở trên, bất kỳ lực lượng nghĩa quân kháng chiến nào hoàn thành được sứ mạng đánh đuổi Liên Minh Thánh Xâm Lăng Pháp - Vatican ra khỏi đất nước, lực lượng đó sẽ có chính nghĩa lên nắm quyền cai trị nhân dân.

Lịch sử cũng cho thấy rõ, càng về sau triều đình nhà Nguyễn càng tỏ ra phản bội dân tộc. Bằng chứng về những hành động phản bội dân tộc của nhà Nguyễn là việc ký nhận những điều kiện của giặc đưa ra qua các Thoả Hiệp Giáp Tuất 1874, Qúi Mùi 1883 và Giáp Thân 1884. Qua những thỏa hiệp này, chủ quyền đất nước hoàn toàn lọt vào tay Liên Minh Thánh Pháp – Vatican, vua Tự Đức phải thỏa mãn hết tất cả những yêu sách của giặc, trong đó có việc phải bổ dụng những tín đồ Ca-tô người Việt vào làm việc trong chính quyền. Những tên Ca-tô này thực sự chỉ là những tên Việt gian làm gián điệp cho Đế Quốc Vatican lại được nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền. Ấy thế mà triều đình Huế lại còn phong thưởng tước vị phẩm hàm và mề đay kim khánh cho lũ Việt gian này. Tên Việt gian Linh-mục Trần Lục là một trường hợp điển hình cho tình trạng nhục nhã này. Cuối cùng, nhà Nguyễn chỉ còn giữ lại cái ngôi vua ngồi làm bù nhìn qua sự giáo dục và giám sát của bọn Việt gian Ca-tô làm tay sai cho Vatican là Nguyễn Hữu Độ, Ngô Đình Khả và Nguyễn Hữu Bài.

Sau khi vua Tự Đức băng hà (vào ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi, 1883), tình trạng này còn thảm thương ghê gớm hơn nữa, nghĩa là liên minh giặc Pháp - Vatican không cần phải yêu sách mà là ra lệnh cho nhà vua hay triều đình Huế phải làm những việc gì mà chúng muốn. Rõ rệt nhất là từ năm 1885, khi hai tên thực dân De Courcy và Silvestre đưa Chánh Mông lên ngài vàng với vương hiệu là Đồng Khánh để làm cảnh và làm tay sai cho chính quyền bảo hộ của Liên Minh Pháp – Vatican. Thực trạng này được sách Việt Nam Máu Lửa của tác giả Nghiêm Kế Tổ ghi nhận với nguyên văn như sau:

Những ngày tàn của chế độ.- Qua ngót nghìn năm sống hiên ngang với nền tự chủ, đến cuối thế kỷ 19, dân tộc Việt bắt đầu vướng xích xiềng nô lệ. Người Pháp dùng chánh sách Tầm Thực (tầm ăn dâu) chiếm miền Nam nước Việt (Hòa Ước 1862) rồi lấn dần, lập cuộc bảo hộ ở Bắc, Trung (Hòa Ước 1874 và Hòa Ước Harmand 1883). Vòng thuộc địa bắt đầu:

1.- Về chính trị: Bắc, Trung, Nam mỗi xứ có 1 chế độ riêng, 1 tổ chức khác nhau và hình thức có vẻ dân chủ:

A.- Nam Việt có Thống đốc. Thống Đốc lập ra Hội Đồng Thuộc Địa, Hội Đồng Thuộc Địa Hàng Tỉnh, Hội Đồng Thành Phố.

B.- Trung Việt có Khâm Sứ làm việc bên cạnh nhà vua. Khâm Sứ coi việc ngoại giao bằng cách quyết đoán mọi việc và chủ tọa Viện Cơ Mật. Khâm Sứ lập Hội Đồng Dân Biểu và đặt Công Sứ cho mỗi tỉnh.

C.- Bắc Việt có Thống Sứ. Thống Sứ hợp tác với Kinh Lược Sứ Việt Nam thay Vua định việc và chỉ tâu Vua những việc đã làm. Mỗi tỉnh có một Công Sứ trực tiếp cai trị. Thống

Sứ lập ra Hội Đồng Hàng Tỉnh, Hội Đồng Dân Biểu…

Việc cái trị ba xứ đặt dưới một ông Toàn Quyền phụ thuộc Bộ Thuộc Địa Pháp.

2.- Về kinh tế: Pháp thành lập Sở Địa Chất, Sở Mỏ đầy đủ để khai thác tài nguyên. Nhân công của thuộc địa nhiều và rẻ tiền khiến Pháp tận lực lợi dụng khai khẩn trồng trọt, mở mang kỹ nghệ nhẹ để thu lợi:

A.- Nào mỏ than ở Hòn Gay, Uông Bí, mỏ vàng ở Bồng Miêu, mỏ sắt ở Cao Bằng.

B.-Nào đồn điền cà phê ở Yên Bái, Phú Thọ, Chi Nê, đồn điền cao su ở Thủ Đầu Một, Biên Hòa.

C.- Nào nhà máy giấy ở Đáp Cầu, nhà máy đường ở Hiệp Hòa, nhà máy xi măng ở Hải Phòng, nhà máy diêm ở Bến Thủy, nhà máy sợi ở Nam Định, nhà máy Rượu (ở Bình Tây), nhà máy điện, nhà máy nước, v.v…

Việc xuất cảng, nhập cảng do nhà nước nắm trọn quyền. Thuế má, đỉền thổ được cải cách thích hợp theo nguyên tắc muôn thuở của chính sách thực dân.

3.- Về Quân Đội: Một ngân sách to lớn trên 100 triệu đồng được thu lập để tổ chức quân đội, mục đích giữ vững địa vị Bảo Hộ tổng thu quyền lợi kinh tế.

4.- Về giáo dục: Trường công mỗi tỉnh không quá hai trường: Trường tư không cho phép mở tự do. Sự học gián tiếp bị hạn chế chỉ cốt cho đủ số người dùng trong các công tư sở Pháp. Đã vậy, việc học hành lại hết sức khó khăn vì phải đủ nhiều điều kiện cần thiết mới được nhập trường hay thi cử.”[20]

Thực trạng này chứng tỏ tính cách chính nghĩa cầm quyền trị quốc của triều đình nhà Nguyễn đã hoàn toàn mất hết. Vì thế, có rất nhiều Nho sĩ ái quốc đang làm quan tại triều đình cáo quan lui về ở ẩn. Họ sáng tác thơ văn khích lệ, ca tụng, vinh danh những lực lượng nghĩa quân chống giặc xâm lăng và lên án bọn người tham danh và hám lợi mà đành lòng tiếp tục ở lại làm quan cho giặc. Đây là trường hợp của các cụ Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Khuyến, v.v... Thiết tưởng rằng, những áng thơ văn của các cụ Phan Văn Trị và Nguyễn Đình Chiểu đã được rất nhiều người biết tới. Thí dụ như bài “Tôn Phu Nhân Qui Thục” và mười bài thơ liên hoàn của ông Tôn Thọ Tường được cụ Phan Văn Trị họa lại từng bài với những lời lẽ như mắng nhiếc những người ra làm quan với tân trào.

Trong bài thơ bằng chữ Hán có tựa đề là “Vãn Đồng Niên Vân Đình Tiến Sĩ Dương Thượng Thư”, viết theo thể “ngũ ngôn”, cụ Nguyễn Khuyến thay đổi thái độ từ thân quý nhau sang thái độ mỉa mai trách móc người bạn đồng liêu là Cụ Dương Khuê đã vì tham đồng lương hàng tháng mà ở lại tiếp tục làm quan cho giặc (“Miếng đẩu thăng chẳng dám tham trời”). Trong đoạn đầu, cụ gọi người bạn cố tri một cách thân thiết là “quân” (nghĩa là anh, bạn:“Dữ quân thần tịch liên”, “Hữu thời đối quân ẩm” ). Nhưng khi Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican chính thức đô hộ Việt Nam, cụ Nguyền Khuyến cáo quan lui về ở ẩn, cụ Dương Khuê vẫn còn tiếp tục ở lại làm quan để hưởng thụ vinh hoa phú quý của tân triều. Hành động này của cụ Dương Khuê làm cho cụ Nguyễn Khuyến không còn qúy trọng người bạn cố tri của ngày xưa nữa. Vì vậy mà kể từ thời điểm này, cụ Nguyễn Khuyến bắt đầu thay đổi cách xưng hô với cụ Dương Khuê: Thay vì dùng chữ “công” như trước, cụ Nguyễn Khuyến lại chuyển sang dùng chữ “công(nghĩa là ông, ngài,… như “Dư lão, công diệc lão” “Dư bệnh nghi công tiên”, “Nhi công tranh thượng tiên”,… ). Sự kiện này cho chúng ta thấy kể từ đó tình thân thiết khắng khít giữa hai cụ không còn như trước nữa. Về sau, cụ Nguyễn Khuyến chuyển dịch bài thơ này sang tiếng Việt theo thể “song thất lục bát”, và những chữ “quân” và “công” đều được chuyển sang tiếng Việt là “bác”. Xin xem trang Phụ bản ở phần cuối.

Đặc biệt là khi thấy bọn người “thà mất nước chứ không thà mất Chúa” dựa vào thế giặc nhẩy lên bàn độc hợm hĩnh khoe khoang với đời về địa vị và chức tước được liên minh giặc xí cho, cụ liền mượn lời vợ anh phường chèo mắng thẳng vào mặt lũ người vô liêm sỉ này bằng hai câu thơ:

Vua chèo còn chẳng ra gì,

Quan chèo, vai nhọ khác chi thằng hề.

Đây là trường hợp của Pétrus Trương Vĩnh Ký, Trần Bá Lộc, Ngô Đình Khả, Lê Hoan, Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Bá Tòng, v.v… Nhờ có các tên vua hề phường tuồng như Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định và Bảo Đại, bọn sử nô Ca-tô sau này mới có thể đưa ra luận điệu rêu rao khoe khoang công đức của những tên Ca-tô làm Việt gian bán nước cho cả Vatican và Pháp một cách trâng tráo và trắng trợn như dưới đây:

“Sau này, trong 34 năm cai quản Phát Diệm, Cụ Sáu (Linh-mục Trần Lục - NMQ) đã tỏ ra một vĩ nhân có tài thao lược, văn võ kiêm toàn, là vị cứu nhân độ thế. Bằng chứng là vua Tự Đức - một ông vua khét tiếng và cấm đạo công giáo – đã phong cho ngài chức Trấp-an, ban kim-khánh, kim-tiền (hai loại huy chương cao quý của triều đình Huế). Vua Đồng Khánh phong cho ngài Tham Tri Bộ Lễ sung Khâm Sứ Tuyên Phủ Sứ. Vua Thành Thái nâng ngài lên chức Lễ Bộ Thượng Thư. Và năm 1925, vua Khải Định nhớ công ơn ngài đã truy tặng ngài” Phát Diệm Nam Tước. Phía chính phủ Pháp cũng ân thưởng ngài: Chevalier d’ Honneur, Officier dans L’ Ordre de la Legion d’ Honneur.”[21]

Việc liên minh giặc không phế bỏ triều đình Huế và đưa con cháu nhà Nguyễn lên ngai vàng ngồi làm cảnh là có dã tâm làm cho nhân dân ta lầm tưởng rằng nước vẫn còn độc lập, vẫn còn ông vua chính tông của nhà Nguyễn cai trị dân ta, vậy thì phải an phân làm ăn, không được nổi loạn chống chính quyền. Nếu nổi loạn chống chính quyền, thì sẽ bị lên án là phản loạn và bị đàn áp thẳng tay. Đây là quỷ kế của Vatican bày ra cho bọn thực dân Pháp thi hành. Dĩ nhiên là qủy kế này chỉ có thể lừa bịp được những người ngu dốt, ít học, và bọn vong bản phản quê hương làm tôi tờ hèn mọn cho Vatican, chỉ biết tuyệt đối trung thành với Tòa Thánh Vatican, chứ không thể nào lừa gạt được đại khối dân tộc Việt Nam ta. Tương tự như vậy, luận điệu của bọn sử nô Ca-tô lấy việc được những ông vua bù nhìn Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định hay triều đình Huế ban chức tước, phẩm hàm và mề đay kim khánh để cao rao công đức của tên Việt gian Linh-mục Trần Lục như trên hay bất kỳ tên Việt gian nào khác cũng không thể nào che đậy được cái tội Vịệt gian bán nước cho liên minh giặc của chúng. Lý do rất đơn giản là vì tính cách chính nghĩa của triều đình nhà Nguyễn không còn nữa và triều đình Huế chỉ là một thứ công cụ làm tay sai cho Liên Minh Xâm Lược Pháp - Vatican.

(xem tiếp, các bài trong Chương 1:) 1 2 3 4

CHÚ THÍCH


[16] Phạm Văn Sơn. Việt Sử Tân Biên – Quyển V (Saigon, TXB (?), 1962), tr. 168-169.

[17] Phạm Văn Sơn, Sđd., trang 169.

[18] Ibid., tr. 190.

[19] Ibid., tr .190.

[20] Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam Máu Lửa (Los Alamitos, CA: Xuân Thu, 1989), tr 20-22.

[21] Đoàn Độc Thu và Xuân Huy, Giám Mục Lê Hữu Từ & Phát Diệm (Sàigòn:TXB, 1973), tr 15 .


Các bài trong tập sách Chân Dung VNCH


 ▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 02: Tính Cách Thuận Lý của Chính Quyền - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 02a: Tính Cách Thuận Lý của Chính Quyền - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 02b: Tính Cách Thuận Lý của Chính Quyền - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 07a: Đặc Tính - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 02c: Tính Cách Thuận Lý của Chính Quyền - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 03: Đặc Tính Những Lá Cờ Chính Nghĩa - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 03a: Đặc Tính Những Lá Cờ Chính Nghĩa - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 03b: Đặc Tính Những Lá Cờ Chính Nghĩa - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 03c: Đặc Tính Những Lá Cờ Chính Nghĩa - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 03d: Đặc Tính Những Lá Cờ Chính Nghĩa - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 05: Đại Việt, Lập Hiến Đông Dương và Việt Nam Qu - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 06: Việt Quốc và Việt Cách - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 06a: Phụ Bản - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 07: Đặc Tính - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 07b: Không Dám Đối Đầu Sự Thật - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 08: Chính Sách Ngu Dân Và Giáo Dục Nhồi Sọ - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 08a: Chính Sách Ngu Dân Và Nhồi Sọ - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 09: Tác Dụng Của Chính Sách Ngu Dân - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 10: Di Lụy Của Chính Sách Ngu Dân - Nguyễn Mạnh Quang -
▪ 2004-08-15 - Chân Dung NGQG 10a: Di Lụy Của Chính Sách Ngu Dân - Nguyễn Mạnh Quang -

▪ 1 2 >>>

Trang Nguyễn Mạnh Quang