●   Bản rời    

Ngày Xem "Đừng Đốt" (Lý Thái Xuân)

Ngày Xem "Đừng Đốt"

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThai13.php

29 tháng 9, 2010

 

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Ảnh http://www.yale.edu/

Dù đã xem “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” và đã theo dõi câu chuyện này từ năm 2005, cuốn phim “Đừng Đốt” chỉ ít hơn hai tiếng đồng hồ, vẫn còn làm tôi mất ngủ cả đêm.

"Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bộ phim dựa trên cuốn nhật ký nổi tiếng của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã ra mắt vào ngày 30 tháng 4, năm 2009, nhưng mãi đến tháng 9 năm nay (2010) tôi mới có hân hạnh xem được.

Giám đốc Đặng Nhật Minh nói (1)  "Đừng đốt là một nén hương để tưởng niệm Bác sĩ Đặng Thùy Trâm". Ông vui mừng tiếp "Tôi rất hạnh phúc bởi vì kịch bản của tôi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn. Các đoàn làm phim đã được chào đón nồng nhiệt ở khắp mọi nơi chúng tôi đến."

Bộ phim được dàn dựng với những cảnh đầy ấn tượng, tiêu biểu trong thời chiến với vũ khí, phương tiện, trang phục, và thiết bị do Bộ Quốc phòng cung cấp. Âm nhạc được viết bởi hai nhạc sĩ người Hungary, Benedicfi Zoltan và Benedicfi Istvan, và kỹ sư Bành Bá Hải (! không chắc đúng vì nhìn không kịp) phối âm.

Những tiếng bom nổ long trời làm tôi nhớ lại những ngày ấy ở một nơi mà chính tôi cũng có thể mất mạng bất cứ lúc nào vào lứa tuổi chỉ kém Thùy Trâm 4, 5 tuổi.  Tiếng nổ đè lên tim tôi, thế là tôi thao thức suốt đêm sau khi xem phim “Đừng đốt”. Tuy nhiên, những âm thanh này không làm cho khúc phim trở thành ghê rợn như những khúc phim tài liệu chiến tranh. Điều này không phải là nhược điểm, vì nó làm cho khúc phim thích hợp hơn cho những khán giả thời bình.

Minh Hương trong vai bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Ảnh http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2010/03/3BA19BD4/

Nghệ sĩ đóng vai chính BS trẻ Đặng Thùy Trâm, cô Minh Hương, được chọn thật khéo: vừa đúng tuổi của nhân vật, vừa đủ duyên dáng và nhất là vẻ đẹp của tâm hồn hiện rõ với nét đoan trang, thùy mị, vừa thông minh nhưng không có vẻ đài các của giới “con nhà” kín cổng cao tường, không ích lợi thực tiễn cho xã hội.  Nhưng dù sao, nàng là một hình ảnh mong manh dễ vỡ trong bối cảnh mà cô phải sống.

Những mái lá lụp xụp, tối om, ẩm thấp và thiếu tất cả các tiện nghi cho những người con gái, chưa đáng được kể vào đâu so với sự gian lao trên bước đường cô đi. Ngoài những lần chạy hối hả để cấp tốc dời bệnh xá vì bị địch phát hiện, trách nhiệm lương tâm của một lương y đã chất lên mình cô bao nhiêu lần nguy hiểm và thương tâm khi bảo vệ bệnh nhân khỏi bị thương lần nữa. Nếu tôi không lầm, dường như nội dung của đoạn phim này còn thiếu một cảnh xúc động nhất trong nhật ký của bác sĩ Thùy trong đó cô bị nước ngập đến cổ vì phải trốn trong hầm trú bom và mưa cứ triền miên lạnh lùng rơi ào ạt. Theo bài báo “'Don’t Burn' highlights Dang Thuy Tram’s spirit" trong website http://english.vietnamnet.vn, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói với tài tử Minh Hương rằng "bộ phim không tập trung vào mô tả nỗi buồn của chiến tranh, nhưng để làm nổi bật tâm hồn đẹp của cô Trâm." Nhưng tâm hồn đẹp của Thùy Trâm trong quảng đời quyển Nhật ký chính là ở chỗ không quản ngại gian khổ, không phân biệt lao động chân tay dù là một bác sĩ. Tôi cho rằng đây là điểm thiếu sót rất đáng tiếc.

Thùy Trâm bị phê bình kiểm thảo là “tiểu tư sản” nhưng nàng lại “thích như thế”. Đây là chỗ mà người phía tự do rất hài lòng về cô Thùy.  Nhưng ý nghĩa của ba chữ “tiểu tư sản” mà cô “thích” liệu có giống ý nghĩa mà người kiểm thảo lên án hay không? “Tiểu tư sản” theo cô có lẽ chỉ là mơ mộng yêu đời của tuổi trẻ, biết thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên, động lòng trước cánh hoa mong manh, tiếng nhạc, hay tiếng chim hót trong bầu trời xanh, hay một hòa bình đến mau cho đất nước. Xét cho cùng, những người đòi tất cả mọi người cần phải tập trung vào cuộc chiến thống nhất đất nước chẳng phải là bắt nguồn từ những trái tim nhạy cảm và ao ước một hòa bình trong vinh dự cho đất nước hay sao? Niềm khát vọng thống nhất đất nước thúc bách ta đặt tình yêu nước lên trên những tình cảm khác, nhưng không có nghĩa là không có các tình cảm khác.

Nhưng tình cảm cũng như khả năng mỗi con người đều có giới hạn. Giới hạn đó nằm gần hay xa những đòi hỏi của những thúc bách cho lý tưởng. Thùy không sống theo mặt tiêu cực của "tiểu tư sản", cô chọn sống đoạn đời đầy cam go, hy sinh cuộc sống êm ấm gia đình, ra đi thực hành kiến thức chuyên môn để bảo vệ những người con đất nước như cô quả là một loại tiểu tư sản hiếm hoi cần có trong thời bình cũng như thời chiến.

Có lẽ đạo diễn muốn làm nổi bật khía cạnh "tiểu tư sản" của Thùy, nên đã làm ra cảnh sung túc của gia đình cô trong những buổi tiệc, có cả nhảy đầm trong buổi liên hoan sinh nhật của cô, một cảnh thuộc loại hiếm thấy ở một gia đình có mức sống trung bình, ngay cả ở miền Nam vào thời điểm ấy. Đây là khía cạnh không đáng hãnh diện của nếp sống "tiểu tư sản". E rằng chi tiết này trong phim có thể bị cường điệu chăng, nhất là trong khoảng thời gian 1967 - 1970 là trong giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam.  Từ tháng 8 năm 1965, Mỹ dựng chuyện tàu Maddox bị tấn công ở vịnh Bắc Việt để có cớ bỏ bom miền Bắc, chiến tranh bắt đầu leo thang mãi cho đến tháng 1 năm 1973, Mỹ mới rút lui sau hòa đàm Paris.  Cho nên cảnh sống của một gia đình có ý thức trách nhiệm của người dân trong thời chiến như gia đình bác sĩ Thùy Trâm không thể vô tư đến thế. Dù sao đó cũng chỉ là suy diễn cá nhân mà thôi.

Năm 2006 chúng tôi về thăm Việt Nam cố tình đi tìm nhà của bà mẹ của bác sĩ Thùy Trâm, bà Dõan Ngọc Trâm. Vì bà từng dạy trường Dược và mới nghỉ hưu nên chúng tôi đã tìm được địa chỉ sau ba ngày thăm hỏi. Căn phòng rất nhỏ, bàn thờ cố bác sĩ họ Đặng đặt trên căn gác nhỏ. Tất cả đều rất đơn sơ, làm cho chúng tôi vô cùng xúc động. Đốt một nén hương cắm vào chén gạo, tôi không cầm được nước mắt khi đối diện với tấm ảnh trên bàn thờ của cô, tấm ảnh Thùy đội nón lá và giơ tay khẻ vịnh vành nón làm duyên, mà Fred Whitehurst (chủ nhân thứ nhì của nhật ký ĐTT) nhiều lần ngắm nhìn trong phim. 

Ảnh: Vietnam Center at Texas Tech University

Trở về cuốn phim, “Đừng Đốt” là một tựa đề rất khéo chọn. Đằng sau tựa đề “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được công chúng nghe đã quen, cốt lõi và nguồn gốc của nhật ký này là mấy tiếng nói ngắn gọn nhưng đá vàng của anh Huân (2), một anh sĩ quan thông dịch viên phía VNCH, cũng có một tâm hồn đẹp hiếm thấy. “Đừng đốt”   Anh Huân nói lên hai tiếng ây trong giây phút đầy ý nghĩa nhất ở biên giới giữa chiến tranh và tình người.  Cái ý nghĩa sôi bỏng trong hai chữ này được xác định thêm khi Huân giải thích: “trong đó đã có lửa rồi!”. Phải là một văn sĩ hay thi sĩ mới thốt ra được những lời nói đậm đà cô đọng như thế.

Ánh sáng dịu và tối trong phim rất thích hợp với nội dung câu chuyện. Nhưng điều mà người xem có thể bị khó chịu khi có một vài hàng phụ đề không đọc được vì màu chữ bị nhòa bởi ánh sáng chập chọang của các hình ảnh.  Đó là những hàng chữ màu vàng. Nếu gặp trường hợp không chọn được màu thích hợp ở các đọan phim, có thể để trên một phong trắng hay đen để màu chữ được phản ảnh trọn vẹn trên đó.

Tôi thích những câu hát thiếu tiếng nhạc, bởi vì điều đó rất thật trong hòan cảnh của khúc phim.  Thùy Trâm biết hát và hát cho bệnh nhân nghe. Điều này rất thân thiết, rất nhân tính, nhưng không phải dễ tìm trong một đất nước có quá nhiều tranh đua, giành giật vì con người sinh trưởng trong chiến tranh.  Thế mà nó sẵn có trong một thế giới nhỏ bé tối tăm đó. Những lời ca trong sáng cho thiên nhiên, cao vời cho đất nước, chứ không ủy mị viễn vông như "Hoa trinh nữ", hoặc thô thiển như “Bảy ngày đợi mong”, hay “Anh là lính đa tình”,...

Tuy nhiên, theo http://english.vietnamnet.vn, bà Dõan Ngọc Trâm. mẹ của Thùy Trâm cho rằng phim có vài chi tiết sai. Chi tiết quan trọng đến trọng tâm của cuốn phim, tâm hồn đẹp của Thùy Trâm, nằm ngay chỗ Thùy Trâm hát. Bà Dõan nói Thùy Trâm thường hát cho thương binh để giảm bớt nỗi đau của họ, chứ không phải khi cô được yêu cầu.

Gia đình bà Doãn Ngọc Trâm xem nhật ký của cố bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở thư viện Lubbock, Texas (tháng 10, 2005)

Ảnh http://www.vietnam.ttu.edu/

Fred về nước rất sớm, Thùy Trâm đã chết trước đó, nhưng câu chuyện được sắp  đặt để nhân vật chính còn sống để đóng tiếp cho hết cuốn phim và còn mãi trong lòng những người có tâm hồn cao đẹp như Thùy Trâm. Đó là câu chuyện được ngắt ra. Đạo diễn đã để dành cho mỗi người trong cuộc được đọc quyển nhật ký ấy.  Đó là những lúc Fred đánh máy lại đọan thông dịch của Huân, lúc Mẹ Fred đọc quyển nhật ký, lúc Mai, cô em dâu đọc lén, lúc em gái Thùy Trâm đọc trong computer sau khi ký giả Ted trao cho CD, lúc mẹ của Thùy đọc và nhớ lại kỷ niệm xưa. Trong mỗi giai đọan này, Thùy đã sống lại để đóng vai tuồng của mình.

Lẽ ra người đóng vai cô em của Thùy, Kim Trâm, phải xúc động nhiều hơn đã thể hiện trong phim khi Ted Englemann trao cho quyển nhật ký. Sự thật, theo bà Dõan Ngọc Trâm, Ted không đến thẳng nhà, mà qua cơ quan. Ngòai ra, dường như cuốn phim không kể thêm giai đọan Fred rước gia đình Trâm sang Hoa kỳ để chứng kiến quyển nhật ký thật đã nằm trong thư viện Lubbock ở Texas. Lẽ ra cũng nên chiếu luôn ảnh cuốn nhật ký trong thư viện đã được đặt trong hộp kiến trang trọng trên một chiếc bàn riêng.

Tim tôi bị lỗi nhịp và nặng nề ở đọan Thùy ngả xuống. Đạo diễn đã nhân thêm nỗi đọan trường trong lòng khán giả khi cố ý dành riêng giây phút đó cho Mẹ Thùy lúc đọc lời trăn trối của con mình: “Mẹ ơi trong ngày khải hòan sẽ không có con của mẹ đâu.”

Có thể cảnh Thùy ngã xuống trong phim không mấy phũ phàng như trong thực tế (đạo diễn không cho thấy viên đạn bay hay người bắn), nhưng khúc phim thành công ở chỗ nó kéo dài giây phút hoang mang lơ lửng của hồn phách cô gái trẻ khi nhận ra rằng tình yêu nước, tình yêu người, và lòng kiên trì, quả cảm của mình đã đến lúc ngậm ngùi thua cuộc trước vận tốc vô cảm của chiến tranh. Và đó là cái thông điệp cuối cùng của bác sĩ Thùy mà đạo diễn muốn để lại trong cuốn phim.

9/29/2010

Lý Thái Xuân

 

Chú thích:

(1) Bài đọc "Don’t Burn” highlights Dang Thuy Tram’s spirit"

http://english.vietnamnet.vn/lifestyle/2009/04/841161/ 10/04/2009

(2) Tên thật là "Nguyễn Trung Hiếu" trong tài liệu của Vietnam Center tại đại học Texas Tech University: "A Wartime Diary Touches Vietnamese"

http://www.npr.org/templates/story/story.php?storyId=6492819

 

Video clips:

 http://www.afmfilms.org/catalog/FilmDetail.php?id=7254

 

http://www.youtube.com/watch?v=kURQNHMuxeA&feature=related

 

Tài liệu đọc thêm:

http://www.npr.org/templates/story/story.php?storyId=6492819

 

Những bài về Nhật Ký Đặng Thùy Trâm

- Nhật ký Đặng Thùy Trâm được đón nhận nồng nhiệt tại Pháp (Tin VOV)

- Ngày Xem "Đừng Đốt" (Lý Thái Xuân)

- "Đừng đốt" gây xúc động ở Mỹ  (Lê Quang/Thanh Niên)