●   Bản rời    

NTKDV - Những Chiếc Cầu, Câu Sấu (Lý Thái Xuân)

Nửa Thế Kỷ Đi Về

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH08.php

22 tháng 3, 2009

Toàn tập:  1   2  3  4  5  6  7  8  9  10

Những Chiếc Cầu, Câu Sấu

Tiện đường, chúng tôi ghé thăm Tư Ngô, cậu học trò của Tinh đang bị tai nạn xe, chân băng bột còn nằm giường ở nhà gần xóm với cô Nga. Ở quê ta, giường nằm đặt ở phía trước nhà là cảnh rất tự nhiên. Trên chiếc bàn nhỏ góc giường, con của Ngô bày bánh rau câu, chôm chôm, và nước dừa để đãi khách, có lẽ Ngô đã bắt con chuẩn bị từ lúc nghe điện thoại của chúng tôi. Nghe Ngô nói sắp về hưu, Tinh hỏi thăm lương hưu sẽ được bao nhiêu. Ngô bảo: "khoảng ba triệu rưỡi, xài một mình chắc chắn đủ." Ý Ngô nói không đủ nuôi thêm con cái.

Đi bộ từ nhà của Ngô ra xe, Tinh bảo tôi:

- "Thế thì cũng bằng với số lương mấy ông bạn giáo viên ở Tân Châu mới nói hôm trước với chúng mình." Tinh vừa nói vừa nhìn tôi như muốn tôi xác nhận như thế. Tôi hoang mang:

- "Nhưng Đô và Tài nói một cách thoải mái lắm. Hai ông bạn này đều hài lòng với tiền hưu của họ ."

- "Có lẽ vật giá ở Tây Đô khác hơn ở Tân Châu, cũng có thể sự đòi hỏi của mỗi người mỗi khác." Tinh phát biểu qua loa theo tâm lý thường tình.

*

Lầu nội trú

Qua bắc Cần Thơ, vào địa phận Vĩnh Long, xe chạy trên quốc lộ 1A. Một đỗi lâu, tôi nói cho cả xe để ý xem có thể thấy lại ngôi trường Sư Phạm Vĩnh Long hay chăng. Quả nhiên, tôi đã nhìn thấy nó khi xe lướt đến ngả ba, nhưng cả ngôi trường dường như bị thu nhỏ lại đến phân nửa. Kỳ lạ thật, tất cả những gì tôi thấy trước kia đều như bị thu nhỏ lại rất nhiều. Cái sân trường ngày xưa bao la biết mấy, mấy đứa bạn dắt tôi đi loanh quanh hát nghêu ngao vớ vẩn mấy bài ca được phát thanh vào thời đó. Ngoài đường cái mà xe đang chạy đây, đêm đêm vắng tanh và thênh thang, tiếng rao bánh mì nóng của một em bé trai đã đủ đánh thức hết các cô gái trên lầu nội trú, tràn ra mua hết bao của nó.

Cái thênh thang và mênh mông ngày xưa rõ ràng được minh chứng thêm bằng hiện tượng "cầu cơ" của các bạn gái. 

Chẳng biết bắt đầu từ lúc nào, phong trào "cầu cơ" đã bộc phát vào năm thứ hai của tôi. Họ nói trường này cất trên một bãi tha ma, oan hồn của các chiến binh chết trận thường hiện về trên các bàn cơ, nói chuyện với các cô gái. Lúc đầu, các chị bạn Công Giáo không dám tham dự, vì cảm thấy "có tội" khi tin vào ma quỷ. Nhưng những tâm hồn trẻ lúc nào cũng gắn liền với mạo hiểm và tò mò, rốt cuộc đứa nào cũng tham gia hăng say, chẳng cần biết có tội hay không, chỉ cần đừng thú tội với mấy ông Cha là an toàn chứ gì. 

Còn nhớ có lần Nguyệt và tôi mạo hiểm xa hơn, để xem có thật hay không, bằng cách ngồi thử vào bàn, hai đứa để ngón tay trỏ vào cơ. Lẽ dĩ nhiên hai đứa tôi không biết cầu làm sao, nên nhờ chị Khanh cầu dùm, và học theo. Chị Khanh hỏi có đứa nào biết ai là người quen mới chết, thì nói tên cho chị cầu. Quanh chúng tôi có cả 5, 6 đứa tò mò khác. Đứa nào cũng cố gắng suy nghỉ, tôi bảo cầu thử "anh Năng", Phạm văn Năng, vì anh ấy mới chết 2 năm trước, còn trẻ lắm, chỉ mới hai mươi mấy. Khi cơ bắt đầu nhúc nhích, tôi hỏi: "Ê mày có đẩy không vậy?" Nguyệt cũng hỏi tôi y hệt. Tôi chưa kịp lên tiếng thì mấy đứa chung quanh đã hỏi lung tung: 

-"Em là Lài đây anh Năng ơi, anh cho em biết ra trường em về đâu không?", 

-"Em là Tươi, ba của em bây giờ ra sao?" (chả là ba của chị Tươi bị VC bắt), 

-"Em là Lệ, chừng nào thì em có người yêu vậy?",… 

Bao nhiêu câu hỏi phóng ra một lượt, chiếc cơ vẫn quay tròn dưới hai ngón tay của Nguyệt và tôi, và trên bàn chữ mà tôi vẽ lúc sáng. 

Bỗng cơ bắt đầu ngừng lại chỉ từng mẫu tự, ráp lại như sau:

- "Xuân sang đây học hồi nào vậy?"

Tóc trên đầu tôi có lẽ dựng đứng, gáy tôi lạnh, và mặt nổi cả da gà. Các bạn tôi cũng tỏ ra kinh ngạc, vì các câu hỏi trên chưa trả lời, nhưng cơ lại hỏi thăm tôi, là người duy nhất mà hồn anh Năng biết trước. Tôi không nói thêm với các bạn rằng anh tốt nghiệp quốc gia hành chánh, chưa làm việc bao lâu thì bị bệnh thương hàn chết, vợ anh goá chồng lúc tuổi còn xuân. 

- "Dà, được hơn năm rồi. Chị Năng giờ ra sao hở anh?"

- "Thôi để chị ấy yên!" cơ (anh Năng) trả lời như thế.

Anh Năng trả lời mấy đứa bạn một hồi lâu, có chừng 15 phút đồng hồ, bỗng cơ bị "cà lăm" ở một chữ, cơ chỉ "T, H, U, ?" Chúng tôi đọc "THỦ". Cơ lại chỉ "T, H, U, ?", chúng tôi đọc "THỦ", cơ lại chỉ như thế lần thứ ba. Đột nhiên chị Tươi đọc ra là "THƯ", lúc đó cơ mới tiếp tục sang chữ khác. Thì ra trong lúc vẽ bàn chữ, tôi đã quên vẽ chữ Ư, và hồn anh Năng phải mượn dấu ? để móc vào chữ U. Chúng tôi lại rạo rực thầm phục trí thông minh của anh Năng, vì tự nãy giờ anh đã viết đúng chính tả từng chữ một, lại chỉ rất nhanh. Mấy đứa chúng tôi hỏi chức vụ của anh Năng "ở dưới", thì anh bảo:

- "Thiên cơ bất khả tiết lộ." 

Kế đó anh bảo rằng anh đã mệt. Thật ra chiếc ngón tay của tôi không hề mệt chút nào. Chúng tôi đều lưu luyến và đồng thanh dặn anh phải tìm cho một "con ma" khác thế chỗ để chúng tôi có người "chọc phá".

Mà thật, sau khi cái cơ yên lặng được 5 phút thì tự động nó nhúc nhích trở lại. Chúng tôi đã bắt đầu quen với "thủ tục", hỏi 

- "Xin cho biết đó là Thánh, Thần, hay Ma, Quỉ" 

Thường thì câu trả lời là Ma, một lần chúng tôi gặp Thần, và một lần gặp Quỉ, và cách chạy cơ, hay câu nói, câu trả lời đều phản ảnh đúng tư cách của mỗi giai cấp bên cõi vô hình. Lần này là "Ma", con ma dốt, hay say rượu chi đó. Cũng là ngón tay trỏ của Nguyệt và tôi, lúc nãy thì cơ minh mẫn vô cùng, nhưng bây giờ cơ lại uể oải mò mẫm trên bàn chữ, không tìm ra các mẫu tự nhanh như anh Năng. Chữ lại sai chính tả rất nhiều, câu văn bất thành cú. Chán quá, chúng tôi tìm cách good bye "ông ma" cho nhanh, và xếp bàn cơ giải tán. Các bạn tôi đều chỉa vào tôi và nhắc: 

- "Nhớ thêm chữ Ư nhe mậy !"

Kỳ thật tôi không phải là người dễ tin, nhưng tôi không có khả năng tìm hiểu những nguyên nhân tâm lý khoa học nào để giải thích cho các hiện tượng mà chúng tôi đã kinh nghiệm lúc đó. Chuyện cầu cơ xảy ra là có thật, những việc làm của cái cơ thật là dễ sợ như có sức mạnh của cõi vô hình, nhưng tin vào những điều cơ nói hay không là vấn đề khác. Tiếc rằng tôi chưa hỏi câu nào để có thể kiểm nhận xem có đúng hay không

Những chiếc cầu

Tiếng cậu tôi hỏi đã giật tôi trở về hiện tại. Cậu bảo nghe nói nhưng chưa được thấy cầu Mỹ Thuận, vừa khi ông cất tiếng hỏi thì xe cũng sắp đến cầu. Cậu nói:

- "Cao quá., mà đẹp quá hén!"

Qua cầu, xe lại bắt vào quốc lộ số 1A° trực chỉ lên Sài Gòn. Chẳng mấy chốc, xe đã chạy ngang cầu băng ngang sông Vàm Cỏ Đông, tỉnh Long An, Tinh nhắc ngay đến anh hùng Nguyễn Trung Trực đã cùng nghĩa quân phục kích đốt tàu L'Espérance của giặc Pháp đang đậu trên Vàm Nhật Tảo, chép miệng đọc :

“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”

(hai câu đối nổi tiếng trong bài thơ khóc Nguyễn Trung Trực của chí sĩ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt). Cậu mợ và các em tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì. Đa số dân quê miền Nam đều không biết nhiều đến lịch sử. Một phần cũng là vì ngày xưa chưa có giáo dục cưỡng bách, đa số dân quê chỉ biết đi cày ruộng, nuôi heo nuôi bò. Trường học là xa xỉ, là vô ích vì đi học chữ vài năm về cũng lại cày ruộng.

Về đến Sài Gòn trời đã khuya, chúng tôi lại về khách sạn Peace Hotel, mướn hai phòng, một cho Cậu Mợ Diên, và một cho chúng tôi. Trung và Liên về nhà trọ ở chợ Bà Chiểu. Chương trình dẫn cậu mợ tôi đi Nha Trang phải thay đổi đôi chút vì thời giờ và vì cái nợ đời đeo bên chân trái tôi. Tinh đề nghị đi Bình Dương cho gần, nghe nói có người đã đến đó thăm một trung tâm du lịch rất đồ sộ. Công ty Du lịch tuy không rành nơi này, nhưng cũng đánh bạo nói với chúng tôi rằng tài xế của họ biết tất cả. Chúng tôi đặt một chiếc xe van 14 chỗ, trả trước 500 nghìn (độ 32 đô) và hẹn sáng sớm hôm sau.

 

Ngày thứ hai mươi ba -

Bến Cát, Bình Dương

Chúng tôi dẫn cậu, mợ, và Diên ra góc phố ăn hủ tiếu bánh canh, cậu khen nước dùng rất ngọt. Trung và Liên cũng có mặt 20 phút trước khi xe Van đến rước tất cả chúng tôi khoảng 7:15 sáng. Chúng tôi hỏi anh tài xế để xác nhận xem anh ấy biết trung tâm du lịch Đại Nam. Người tài xế, tên Thọ, gật đầu lia lịa, nói biết. Nhưng khi đến Bình Dương, anh này hỏi rất nhiều người mới biết được Đại Nam nằm ở Bến Cát.

Đến nơi người gác cổng mặc đồng phục cảnh sát, không cho vào vì công trình còn đang xây cất chưa xong. Nhưng khi nghe chúng tôi giải bày, ông ấy bảo phải liên hệ trước. Tôi liền hỏi: "Nếu liên hệ thì liên hệ với ai thưa anh?" Người cảnh sát chỉ vào cửa trong, và cho xe tiến qua cổng. Câu đối thoại lại diễn ra lần nữa. Lúc đó cô hướng dẫn viên thấy chúng tôi, hỏi tự sự, tôi trình bày:

- "Chúng tôi đường xa lặn lội đến đây chỉ vì thấy đã có người được vào xem công trình đồ sộ và một huyền thoại về chủ nhân của nó. Thế thôi."

- "Thường thì chúng tôi không có chương trình cho du khách vì trung tâm này chưa hoàn thành, chỉ đón các phái đoàn đặc biệt, liên hệ trước với chúng tôi." Cô hướng dẫn viên giải thích vội vàng như thế.

- "Xin lỗi cô, chúng tôi không biết điều đó."

Nhưng rồi cô liền hướng dẫn cho chúng tôi được vào thăm như đã làm cho những "phái đoàn" có liên hệ trước. Cậu mợ và các em chúng tôi đều nhìn nhau trong ánh mắt sung sướng.

Cô hướng dẫn tên là Bình, nói giọng Hà Nội, giống như giọng của cô tiếp viên ở khách sạn Camelia, giọng của Thanh, của Huyền, của những cô gái Hà Nội ngày nay, nhanh, êm và lướt. Người Bắc nói chung, nói chuyện thường rất mạch lạc, trơn tru hơn người Nam. Cô nói thông suốt liên tục, "không rớt chữ nào xuống đất" ! Thật là thích thú khi nghe cô nói về tình dân tộc của chủ nhân, Huỳnh Phi Dũng, và ý nguyện dùng tài sản kết sù của ông xây cất một nơi trứ danh cống hiến cho tổ quốc, một kế hoạch vĩ đại. Chẳng những thiết kế đã chu đáo cho từng số viên gạch, ý nghĩa tỉ mỉ cho từng kích thước, từng chất lượng (tiêu biểu như dùng vàng 24 carat trát lên các phủ thờ trong chánh điện) mà còn tính chất dân tộc, những trang lịch sử, những nét tinh hoa của văn hóa nước nhà, đã chạm trổ vào từng khung cửa hay trên trần, trên mái, cho đến các bậc thang, vân vân,...

Tất cả chúng tôi, kể cả anh tài xế Thọ, rất hài lòng chuyến thăm này mặc dù trung tâm còn chưa hoàn thành. Cô hướng dẫn nói: "Kế hoạch xây cất trung tâm này là 11 năm, đã bắt đầu từ năm 1999, và tiếp tục xây cất cho đến năm 2010 mới xong." Cậu Mợ và các em tôi đều ngẩn ngơ như vào cung điện thực sự. Cậu tôi từ đầu không biết nói gì, lúc ra đến cửa, ông lẩm rẩm: "Mình có phước lớn quá, đi được cái này rồi chắc chắn không còn gì hơn."

Anh Tinh nhận xét: "Nghe những giải thích tỉ mỉ như thế thì công trình này thật là cao cả. Cái cao cả của nó không phải chỉ là kích thước lớn lao, mà chính là cái tinh thần dân tộc, cái tình yêu quê hương thể hiện vào từng mảnh hình hài, vật chất trong đó. Về điều này thì chắc chắn đã hơn tất cả các kiến trúc vĩ đại xưa nay, kể cả các lăng tẩm nhà Nguyễn trong nước, hay các đền đài cung điện như Kim Tự Tháp ở Ai Cập cũng khó thể so sánh được. Những kiến trúc đó dù có mỹ thuật đến đâu, có kỷ thuật tân tiến đến mấy cũng chỉ nói lên cái tham vọng và lợi ích cá nhân của các vì vua chúa mà thôi."

Ghé Suối Tiên

Ra khỏi Đại Nam chỉ mới hơn 10 giờ sáng. Chúng tôi hỏi ông tài xế xem chương trình có thể du di bằng cách ghé Suối Tiên để chuyến đi Thành Phố của gia đình Cậu Mợ khỏi bị hụt hẩng. Nơi đây là trung tâm du lịch đã nổi tiếng từ lâu. Cổng vào được xây trên thềm cao, trông rất đồ sộ. Nơi đây có các giàn đu, các trò chơi như trong Disney Land ở Mỹ, nhưng các kiến trúc mang nét Á Đông. Chúng tôi sợ mỏi chân bèn mua vé lên xe đưa khách đi du lãm vòng quanh trung tâm. Giáp vòng, chúng tôi vào quán ăn trưa. Thấy vẫn còn sớm, chúng tôi xem bản đồ và dạo bộ đi trở lại tìm Vương Quốc Cá Sấu xem thử. Cá nhân tôi thích những kiến trúc trên mặt nước, nên rất thưởng thức những cây cầu đi vào giữa hồ sấu.

Câu Sấu

Thấy các "tượng" sấu bên bãi hồ, tôi hỏi thử các cậy thanh niên mặc đồng phục xem nơi nào là sấu thật và nơi nào là giả. Cậu này trả lời nhanh: "Trong này không có con nào giả cả!" Tôi cho là anh ấy không chính xác lắm vì bên trong miệng cái "tượng đá" mà tôi thấy rõ ràng là màu gạch sơn màu vàng nhạt. Nhìn trong tấm bích chương thấy hình người ta câu sấu trong hồ, tôi hỏi những người ngồi bàn vé, họ bảo mỗi miếng mồi là 2 ngàn đồng (nhằm khoảng 13 cents). Tôi mua hai cần. Mồi là những mảnh đồ lòng bò hay heo để đầy hai thau. Một cậu mang đồng phục xanh cột miếng mồi vào dây gân đầu cần câu trao cho tôi và Trung. Thì ra cần câu không có lưỡi. Trận đấu trí giữa người và vật diễn ra, các con sấu tụ lại. Tôi cầm cự quơ qua quơ lại miếng mồi trên cao cách mặt nước độ 1 mét trước sự im lặng quan sát và chờ đợi của sấu.

Im lặng mãi sẽ chán, tôi hạ thấp hơn tí xíu nữa và rồi nhấc lên nhanh. Chỉ được có hai phút phù du trước khi con vật khôn lanh và đầy kinh nghiệm với các du khách, nhắm đúng lúc, nhảy lên vồ đứt ngay miếng phổi bò to tướng trên đầu cần. Trung còn cầm cự một hơi lâu hơn, nhưng bao lâu rồi rốt cuộc cũng đến lúc phải thua. Chúng tôi tiếp tục quan sát các người khác cũng đang ào đến câu. Rõ ràng bên trong miệng của sấu màu trắng, hơi vàng nhạt. Lúc này tôi mới rùng mình và nhận rằng người mặc đồng phục lúc nãy nói thật. Hỏi thăm mới biết trong hồ có độ hơn 8 nghìn con sấu. Họ bảo cũng có nhiều người đến mua thường.

Trên lối trở ra cổng, chúng tôi đi trên những con đường đất dọc theo con suối, đi dưới các tàng cây bóng mát, bên đường có nhiều cây mang trái xanh như bưởi, bằng lòng bàn tay, tròn như trái banh, người ở đây gọi là đào tiên, dưới chân là mặt đất mềm mại và ngọt ngào. Không biết những người đã quen với cảnh đường quê như câụ mợ tôi có cảm giác hay không. Riêng tôi rất quí những lúc đi như thế, cảm giác cho tôi một hương vị của quê hương mặc dù nơi đây tôi chưa hề đến.

Tôi cố tình đi chậm lại để kéo dài giờ phút đó, và không quên chụp vài tấm ảnh. Liên và Trung cũng bắt chước chụp hình trong dáng điệu hai người cùng nhón lên và tay với chạm trái đào. Rời Suối Tiên hãy còn sớm, chúng tôi ghé ngang chợ Bà Chiểu, Trung chỉ vào quán Hoa Tèo ăn ốc len, sò huyết, khá ngon. Dọc đường đi ngang cầu Võ Di Nguy nhìn xuống Rạch Thị Nghè không còn thấy những mùi rác rưởi ô uế mà lần về trước chúng tôi vẫn còn thấy. Một niềm sung sướng lại dâng lên nhè nhẹ trong lòng.

Về đến khách sạn, tôi trả thêm 300 ngàn cho đủ tiền mướn xe đã đồng ý trên giấy tờ. Nhưng người chủ công ty du lịch đòi chúng tôi cho thêm người tài xế vì chương trình đã có thay đổi. Vì thấy rằng chuyến đi không xa hơn từ Thành phố đến Bình Dương, cũng vì đã có nói với anh tài xế mỗi lần ghé một nơi khác, anh tài xế cũng nói cho chúng tôi rằng người chủ chỉ giao cho anh bằng một phần ba tiền chúng tôi đóng, chúng tôi nhất định không giao thêm, và bảo ông chủ phải đưa cho thêm người tài xế.

Bên trong cửa vào Đại Nam Quốc Tự