●   Bản rời    

“ĐUỐC SỐNG” – Ngọn Lửa Bất Diệt Của Tinh Thần Yêu Nước Việt Nam

“ĐUỐC SỐNG” – Ngọn Lửa Bất Diệt Của Tinh Thần Yêu Nước Việt Nam

Nguyễn Văn Thịnh

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_25.php

17-Oct-2018

LTS (Tuần báo Văn nghệ TPHCM): Sự kiện về ngọn “Đuốc sống” Lê Văn Tám tạo nên mối nghi ngờ không đáng có trong dư luận cả nước bởi chính giới sử học đầu têu mà những luồng tin rác rưởi lộng hành! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương hành động dũng cảm phi thường ấy“tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao đến bậc ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được”. Nhiều cán bộ chiến sỹ của mặt trận Sài Gòn-Gia Định năm xưa từng chiến đấu với tinh thần “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ!” đã lên tiếng cùng bạn đọc “đi đến ngọn nguồn của vấn đề”. Nhân kỷ niệm năm thứ 73 ngày giỗ liệt sỹ (17/10/1945 – 17/10/2018), TBVNTPHCM giúp bạn đọc hệ thống lại sự kiện trên, như nén tâm nhang tưởng niệm người anh hùng “vị quốc vong thân”.

I/ NGỌN LỬA THIÊNG :

Sau hàng trăm năm mất nước, Cách mạng tháng Tám 1945 giành lại chủ quyền về tay nhân dân. Tổ quốc ta độc lập, nhân dân ta tự do gây dựng nền Dân chủ Cộng hòa. Nhưng đế quốc Pháp dựa vào Đồng minh vừa thoát khỏi sự xâm chiếm của phát xít Đức lại muốn khôi phục địa vị chủ cũ trên xứ thuộc địa họ gọi là Đông Pháp.

Trong tình thế buổi đầu trứng nước, Chính phủ Việt Nam kiên trì tìm giải pháp hòa hoãn, nhưng bọn thực dân hiếu chiến không từ bỏ dã tâm gây cuộc chiến tranh tái xâm lược nước ta. Hồ Chủ tịch nói trong một cuộc họp báo: “Cuộc chiến tranh ấy nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Khi cần phải giữ chủ quyền của tổ quốc, cần hy sinh cũng phải kiên quyết hy sinh!”.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, dựa vào quân Đồng minh Anh và đám hàng binh Nhật, lính Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn sau chưa đầy một tháng được về với tổ quốc Việt Nam thống nhất.

Tức thì, cùng với những tiếng súng kháng cự ran lên khắp phố phường xóm hẻm, người ta thấy dán đầy tường, trên các gốc cây, rải trắng đường phố, theo những chuyến xe đò lan về vùng phụ cận và lục tỉnh là những khẩu hiệu:

Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ!”

Chừng nào Sài Gòn hóa tro tàn quân háp mới chiếm được Sài Gòn!”

Chừng nào Nam bộ biến thành sa mạc quân Pháp mới chiếm được Nam Bộ!”

Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ:

Đồng bào Nam bộ!

Nhân dân thành phố Sài Gòn!

Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sỹ!

Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn.

Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc: “Độc lập hay là chết?!

Hôm nay Ủy ban kháng chiến kêu gọi:

Tất cả đồng bào già trẻ gái trai hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược.

Ai không có phận sự do Ủy ban kháng chiến giao phó thì hãy lập tức rời khỏi thành phố. Những người còn ở lại thì:

- Không làm việc, không đi lính cho Pháp.

- Không đưa đường không báo tin cho Pháp.

- Không bán lương thực cho Pháp.

- Hãy tìm thực dân Pháp mà giết.

- Hãy đốt sạch tất cả các sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp.

Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng.

Hỡi đồng bào! Từ giờ phút này nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng.

Hỡi anh em binh sỹ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt võ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước.

            Cuộc kháng chiến bắt đầu!

                                                   Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945

                                                Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ

TRẦN VĂN GIÀU

biểu tình chống pháp biểu tình chống pháp

biểu tình chống pháp biểu tình chống pháp

Đồng bào Sài Gòn cùng với đồng bào Nam bộ “nóp với giáo mang trên vai mà người người giàu lòng vì nước”. Khí thế bừng bừng, muôn lòng một ý trả hận nước, báo thù nhà, tìm giặc mà diệt, quyết bảo vệ độc lập tự do.

Ngày 17/10/1945, một thiếu niên tay không dũng cảm đốt kho xăng Thị Nghè. Hình ảnh cậu bé chìm trong ngọn lửa xăng bốc cao lên ngùn ngụt khác chi ngọn “Đuốc sống” biểu tượng cho tinh thần yêu nước của nhân dân bừng sáng lên.

Trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 23/10/1945, Hồ Chủ tịch nói: “Sự hy sinh của đồng bào ta trong cuộc chiến đấu oanh liệt trong Nam bộ bây giờ, cái cử chỉ phi thường của một chiến sỹ tự tẩm dầu xăng vào mình để vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao đến bậc ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được” (Báo Cứu quốc số 74).

Cùng lúc, nhiều báo ở Sài Gòn, Hà Nội đều đưa tin về sự kiện ấy: 

- Báo Độc Lập (cơ quan ngôn luận của chính phủ Việt Nam DCCH) ngày 20/10/1945 đưa tin: “Ngày 16, quân ta đốt cháy 2 kho hàng của Pháp thiệt hại tới mấy triệu đồng. Lửa to quá, giặc Pháp không thể cứu được (Tin Đê-li ngày 18-10)”.

- Báo La République ở Hà Nội (tiếng Pháp) số 2, ra ngày 21/10/1945 và số 5 ra ngày 4/11/1945 đều nói sự kiện này. Đặc biệt bài “Đuốc sống” có đoạn: “Ngày 16-10, một người lính đã biến thân mình thành đuốc sống, bằng cách thiêu thân mình sau khi tẩm xăng để đốt cháy kho dầu Simon Piétri ở Sài Gòn. Đám cháy đã kéo dài 2 ngày 2 đêm. Vị anh hùng vô danh, người đã đốt sáng ngọn đuốc chủng tộc (race) đã chiếu sáng tất cả chúng tôi trên con đường bổn phận”.

- Báo Cứu quốc (cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh – Hà Nội) số 71, ngày 19/10/1945 có bài “Một gương hy sinh dũng cảm oanh liệt” với nội dung: “Tin điện từ Mỹ Tho đánh ra ngày 17.10 cho hay rằng: một chiến sĩ Việt Nam đã tẩm dầu vào mình, tự làm mồi lửa hy sinh thân mình, chạy vào kho dầu Simon Piétri của địch. Lập tức kho dầu bị bắt lửa. Và lửa đã bốc cháy dữ dội suốt hai ngày hai đêm…”.

Ở trang 2 báo này còn đăng bài thơ LỬA THIÊNG: “Kính tặng hương hồn một chiến sĩ Việt Nam tự thiêu mình để đốt một vị trí quân địch (tin Nam bộ)” của tác giả Đông Hà, ca ngợi hành động tự thiêu dũng cảm.

- Báo Cờ giải phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động của trung ương Đảng CSĐD ngày 25/10/1945 có đăng bài thơ LỬA BẤT DIỆT của tác giả Gió Hồng (Thép Mới) tả khí thế lẫm liệt của người anh hùng gây xúc động lòng người “…Anh châm lửa, người anh mang cánh lửa / Anh băng xông vào giữa kho dầu / Cánh lửa hồng mỗi lúc một dâng cao / Bay loang loáng, khắp kho dầu, loang mãi…”.

Ảnh của http://lyhoclythuyet.blogspot.com

- Báo Kèn gọi lính ở Sài Gòn ngày 18/10/1945 đưa tin: “Một thiếu niên 16 tuổi nhất định không nói tên, họ, làng, tình nguyện lấy thân mình làm mồi dẫn hoả. Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa, miệng tung hô “Việt Nam vạn tuế”, chân chạy đâm xầm vào kho đạn”.

Chính phủ kịp thời phát động “phong trào Nam tiến”. Hàng vạn thanh niên nam nữ hưởng ứng xung phong “băng mình tới phương Nam giết hết quân tham tàn”, ngăn cản bước tiến quân của giặc.

Hơn một năm sau, giặc Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước ta. Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”

Hình ảnh “Đuốc sống” như “ngọn lửa bất diệt” của lòng yêu nước đã kích động tinh thần đánh giặc cứu nước của nhân dân cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Lứa tuổi thiếu niên nhi đồng những năm nửa sau thế kỷ XX không ít người còn ghi tâm bài ca yêu nước. Ở phía Nam là Em bé tẩm dầu: “Cuộc kháng chiến Việt Nam có biết bao nhi đồng / Đã hiến thân liều mình vì nước / Em bé tẩm dầu xông vào kho xăng lửa bốc bùng lên / Hình hài em nát thiêu trong lửa hồng / Thiêu đốt quân thù chung…” và ở phía Bắc là Anh Bát Sắt: “Anh Bát Sắt ơi / Tinh thần anh cao qúy thay / Anh là một người anh hùng thiếu niên / Anh đặt Tổ quốc lên trên gia đình…”.

Theo hiệp định Geneva 1954 về vấn đề phục hồi hoà bình tại Đông Dương, đất nước Việt Nam tạm chia làm hai khu vực đóng quân, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời: phía Bắc là Việt Minh (những người VN kháng chiến) và phía Nam là Liên hiệp Pháp (gồm quân đội viễn chinh Pháp và số binh sỹ ngụy  quân, nhân viên ngụy quyền), sau hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đường ranh quân sự sẽ không cách nào được giải thích như sự thiết lập một biên giới lãnh thổ và chính trị (Điều ghi nhớ: Khoản 6)

Thực hiện mục đích bá chủ toàn cầu, với chiến lược “chiến tranh lạnh” ngăn chặn làn sóng đỏ, đế quốc Mỹ chủ trương hất cẳng thực dân Pháp, dựng chính quyền tay sai ở miền Nam âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Khi cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược càng vào những thời điểm gay go quyết liệt, hình ảnh “ngọn đuốc sống” cùng những tấm gương oanh liệt của lớp thiếu niên “dũng sỹ diệt Mỹ”, như một dòng chảy tự nhiên từ cậu bé Gióng “sọ dừa” qua lớp nghĩa sỹ trẻ “Phá cường địch báo hoàng ân”… tới ngày thắng lợi hoàn toàn.

Bước vào thời đại mới, đất nước thay đổi, từng bước đi lên hướng tới tương lai tốt đẹp. Nhưng không ai được phép quên sự hy sinh to lớn của những anh hùng liệt sỹ bao nhiêu thế hệ đã tự nguyện hiến dâng đời mình cho tổ quốc và dân tộc trường tồn.

II/ AI NGƯỜI DẬP “NGỌN LỬA THIÊNG” ?

Vô tư mà nói, đó không phải là ý muốn nảy sinh từ một cá nhân, mà nó là trào lưu thời cuộc. Cách mạng Việt Nam không thể tách rời khỏi khung cảnh cách mạng thế giới. Đang lúc cách mạng XHCN gặp lúc thoái trào thì CMVN cũng không tránh được những tác động nội công ngoại kích của nhiều thế lực đối kháng. Thực tế, dù CMVN vượt qua từng bước khó đi lên, vẫn không khi nào hết lực cản. Thời điểm hiện nay, lĩnh vực văn hóa tư tưởng đang là khâu trống nhất, yếu nhất, để bị tấn công đa dạng, đa chiều. Âm mưu xóa bỏ những ấn tượng tốt đẹp về các thành quả và biểu tượng cách mạng, thậm chí không trừ cả các thần tượng từng tồn tại trong lòng dân tộc, là việc làm rất đơn giản trên không gian mạng. Một lời nói hư thực không biết thế nào nhưng lại được nhiều người nghe. Mà tác động của nó thì không nhỏ, tạo ra trong xã hội một bộ phận dân chúng dễ xiêu lòng trước những lời xuyên tạc, đâm hông làm mờ nhòa những hình ảnh được tôn vinh bấy lâu, sẽ chẳng tin ai, chẳng nghe ai, vô tổ chức, vô chính phủ, để có những lời nói, hành động bất phục tùng, quá trớn dễ thành manh động. Đầy rẫy những chuyện đại loại như thế cứ râm ran rỉ rả lan ra khắp chợ cùng quê. Các sự kiện gọi là “cách mạng nhung”, “cách mạng hoa hồng”, “cách mạng xanh”, “mùa xuân A rập”… đều đươc châm ngòi từ đó.

A - Châm ngòi nổ tạo cơn sóng ngầm sâu độc:

Câu chuyện về “ngọn đuốc sống”, khởi đầu từ báo Người Việt (Cali) / Khôi Nguyên đưa tin như sau: “Tại cuộc họp mặt của Hãng phim truyền hình Việt Nam vào cuối tháng 2/2005 tại Hà Nội, Gs Phan Huy Lê là một trong hai nhà sử học (ông Dương Trung Quốc) được mời dự, đã tiết lộ: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám là hoàn toàn không có thật”.

Trong phần phát biểu về tính chân thực lịch sử, đột nhiên Gs. Phan Huy Lê nhớ lại: “Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Đó là lúc anh Liệu làm Bộ trưởng Thông tin – cổ động, anh Trần Huy Liệu “tự viết” về nhân vật Lê Văn Tám – một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè”. Gs.Phan Huy Lê nói thêm về lời nhắn gửi của ông Trần Huy Liệu: “Lúc “sáng tác” ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu nói với tôi rằng: Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này. Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”.

Tại cuộc họp, Gs. Phan Huy Lê cũng “đề cập đến chi tiết phi lý” trong câu chuyện “ngọn đuốc sống” Lê Văn Tám: “Cậu bé Lê Văn Tám sau khi tẩm xăng vào người và tự châm lửa đốt, vẫn còn khả năng chạy từ ngoài vào kho xăng với quãng đường 50 mét. Tôi đã hỏi một số bác sỹ và họ cho rằng với sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy được xa như vậy”.

Đây là lần đầu tiên “câu chuyện không có thật” này được chính thức công nhận từ một người có trách nhiệm cao nhất của giới sử học tại Việt Nam hiện nay – Gs. Phan Huy Lê!

Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại của nhật báo Người Việt hôm thứ sáu ngày 10/3/2005, GS Phan Huy Lê xác nhận việc ông công bố sự thật về nhân vật Lê Văn Tám và nói: “Là nhà sử học, chúng tôi phải giữ một thái độ trung thực và phải tiếp cận với sự việc càng rõ ràng càng tốt và vì thế, tôi đã công bố lời nhắn nhủ của anh Trần Huy Liệu”. Khi được hỏi Gs Trần Huy Liệu nói điều ấy với ông vào thời gian nào? Gs. Phan Huy Lê trả lời: … trống (??)… Ông Lê còn nói thêm: “Câu chuyện Lê Văn Tám đã được giới sử học mang ra bàn luận trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có công bố nào cụ thể và chính thức trên các phương tiện truyền thông nhà nước… Riêng về bản thân tôi, là một nhà sử học, tôi đã và đang viết bài để công bố sự thật về nhân vật này (?) một cách chi tiết và thấu đáo nhất là dưới góc nhìn của lịch sử và tôi dự định trong thời gian sớm nhất”. Phóng viên hỏi tại sao không công bố sớm hơn sự kiện này? Gs. Phan Huy Lê trả lời: “Trong năm nay (2005 – NV), Nhà nước đang chuẩn bị rất nhiều ngày lễ lớn, trong đó có ngày 30 tháng 4 (30 ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước – NV). Tôi muốn công bố bài viết của mình trong một điều kiện bình thản hơn và không muốn việc của mình bị cuốn vào các sự kiện lớn khác. Tôi đang chờ đợi một dịp thuận lợi và nhất định tôi sẽ làm”.   

Đọc qua bản tin trên, nhiều bạn đọc tin ngay rằng “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám là hoàn toàn không có thật”. Nhưng bình tâm đọc lại, bạn đọc dễ nhận ra  mấy điều phi lý:

Một là ông THL sinh năm 1901, ông PHL sinh năm 1934, sự việc xảy ra vào năm 1945 ở Sài Gòn, lúc đó ông THL đang là một yếu nhân của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, trụ tại thủ đô Hà Nội, trong khi PHL mới là thằng bé con 11 tuổi ở xó quê Hà Tĩnh thì làm sao có chuyện “Lúc tự viết ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu nói với tôi (PHL) rằng…”?!

Khi toàn quốc kháng chiến (12/1946), ông Trần lên chiến khu Việt Bắc, cuối năm 1954 ông cùng các cơ quan trung ương về Hà Nội. Trong khi cậu học trò xứ Nghệ  học trung học kháng chiến chương trình 9 năm ở vùng tự do Khu IV, sau 1954 mới ra Hà Nội học khóa Đại học đầu tiên sau giải phóng. Đến lúc này ông THL đã biết PHL là ai đâu?!

Hai là câu chuyện em bé đốt kho xăng, đã xuất hiện trên các mặt báo ngay sau đó dưới các hình thức tin nhanh, phóng sự, thơ ca, tranh cổ động…, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết và lấy đó làm biểu tượng khích lệ đồng bào cả nước: “Một dân tộc đã có tinh thần cao đến bậc ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được! Trong tình thế nước sôi lửa bỏng lúc bấy giờ, còn bao nhiêu việc cần làm, ông Bộ trưởng Thông tin – cổ động đâu dư thì giờ mất công ngồi nặn óc bịa (sáng tác) ra một tác phẩm thừa, lại ở mãi đâu?!

Ba là với cương vị đứng đầu ngành thông tin, báo chí, tất nhiên bài viết của ông phải được đưa lên trang nhất của một tờ báo chính. Thời gian qua mới hai-ba chục năm thôi (sau ngày giải phóng miền Bắc 1954), hẳn tư liệu còn được lưu trong thư khố, sao không tìm cách đưa ra cho bạn đọc biết bài viết của ông Bộ trưởng đăng trên báo nào? thể loại và bút danh gì? mà ông chủ tịch hội Khoa học lịch sử PHL chỉ nói suông, không bằng cớ!

Bốn là để trả lời câu hỏi của phóng viên: “Gs.THL nói điều ấy với ông vào thời gian nào?”. Bản tin bỏ trống. Bốn năm sau ông PHL mới phân bua: “Trong những năm 1954-1958, khi tôi đang học ở Khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội, GsTHL có đến giảng một số bài về CMVN. Vào những năm của thập kỷ 1960 lúc đang làm Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, vài năm trước khi mất, ông nói câu chuyện này rất nhiều lần với tôi (PHL), có cả mấy người khác cùng nghe”! Nghĩa là gần 20 năm sau sự kiện xảy ra (1945 - >1960), trò PHAN mới được thầy TRẦN kể cho nghe chuyện ấy. Và kể từ khi Gs.THL qua đời, bẵng đi 36 năm sau (1969-2005), khi trò PHL đã có sừng có mỏ, mới tung ra câu chuyện giật gân này!

Ấy vậy mà cũng làm cho dư luận xôn xao, tạo những cơn sóng ngầm tai hại. Không ít người vội tỏ thái độ bất bình bởi một “sự kiện lịch sử cố tình tạo dựng” để bấy lâu dân chúng bị lừa! Xin nêu vài ví dụ:

a/ Ông Trần Văn Chánh không giữ nổi tính điềm đạm chin chắn của một nhà Hán học hiếm hoi, rêu rao hoài: “Lê Văn Tám là một nhân vật ảo, từ tên tuổi cho đến đầu mình và tay chân đều do bộ máy tuyên truyền CSVN nặn ra. Sự kiện này do chính Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ tuyên truyền CSVN thú nhận và được Phan Huy Lê, một trong nhà sử học hàng đầu của chế độ tiết lộ… Bản chất của sử học, nếu đã có chữ “học” trong đó rồi thì phải tôn trọng sự thật. Nghĩ cũng có chỗ đáng thương cảm cho cố giáo sư Trần Huy Liệu, cho đến phút lâm từ mới “dám” trối trăng lại sự thật”. Và nói toạc ra  điều bấy lâu ông ta mong mỏi: “Với cái đà này rồi đây người ta cũng phải nghĩ đến việc đổi tên các công viên, trường học mang tên Lê Văn Tám thành công viên Gia Long, trường Trương Vĩnh Ký”... (Tạp chí “Nghiên cứu và phát triển” – Thừa Thiên Huế).

b/ Ở nửa vòng trái đất bên kia, Gs. sử học Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine, Hoa Kỳ) lộng ngôn: “Trước hết là chuyện Lê Văn Tám ấy, khi dạy lịch sử mình phải lập lại tại sao người ta đã lập lên chuyện Lê Văn Tám, bởi vì cái này nó trở thành vấn đề lịch sử của Việt Nam. Nếu mà một đất nước, một dân tộc mà nói láo thì phải hiểu tại sao mình nói láo? Mình nói láo là vì mình yêu nước phải không? Nếu mà yêu nước mà nói láo như vậy có thể là không đúng thì mình phải học được bài học lịch sử này. Vấn đề này tôi đã nói không phải là vấn đề lịch sử nữa, mà nó là vấn đề xã hội, vấn đề luân lý, vấn đề con người”… Được biết ông Long từng là bạn học với người anh hùng Nguyễn Thái Bình, bởi lòng yêu nước thương dân nồng cháy mà bị giặc Mỹ sát hại dã man!

c/ Bạn Hoàng Xuân – TPHCM bộc bạch nỗi ưu tư vì thế hệ tương lai: Hãy để tâm hồn trẻ thơ khỏi bị đầu độc bằng những sự dối trá và đề nghị thành phố hãy tìm những cái tên có ý nghĩa khuyến học hoặc ca ngợi cuộc sống thanh bình thay vào cái tên Lê Văn Tám và tượng đài “Đuốc Sống” nghe quá dữ dội mà không có thật! (Bản tin BBC tiếng Việt đưa tin)?! Mời bạn hãy dẫn con em vào Nhà bào tàng, sẽ thấy ảnh những rọ đầu lâu người yêu nước đặt giữa chỗ đông người! còn đó hình những người tù nam nữ bị đóng gông trên cổ, chân xiềng giòng lại với nhau! sẽ thấy những cụ già, đàn bà, trẻ con từng cụm hàng chục người thây phơi dọc bờ kênh, góc ruộng! có cả hình chiến sỹ vệ quốc quân nhỏ bé hiên ngang cầm bom ba càng cản mũi chiếc xe tăng hùng hổ lù lù xông tới như con quỷ dữ! Để hiểu rằng “ngọn đuốc sống” ấy đã thiêu rụi lũ giặc cướp nước một thời trên tổ quốc ta! Bạn sẽ hiểu ra thế nào là dữ dội.

d/ Ông Dương Trung Quốc quen nói nước đôi lắt léo: “Nhân vật Lê Văn Tám rõ ràng là một truyền thuyết của thời hiện đại. Có những người muốn tin nó là thật, nhưng có những người cảm thấy khó tin”! Chẳng hiểu ông nghĩ sao về chuyện thánh nữ Jeanne d’Arc từ cô gái mới lớn, bị quân Anh thiêu sống vì tội dị giáo, 500 năm sau lại được con cháu người Gaulois sùng kính dựng tượng hoành tráng giữa “thủ đô ánh sáng” như vị anh hùng và là niềm tự hào dân tộc?!

B - Ông Phan Huy Lê tiền hậu bất nhất :

Bởi còn “mang nợ” với thầy, ông PHL hứa: “là một nhà sử học, tôi đã và đang viết bài để công bố sự thật về nhân vật này một cách chi tiết và thấu đáo nhất dưới góc nhìn của lịch sử và tôi dự định trong thời gian sớm nhất” “Tôi đang chờ một dịp thuận lợi và nhất định là tôi sẽ làm”. Nghĩa nặng tình sâu thế mà nói rồi để đấy?! Mặc cho  câu chuyện lan rộng ra cả nước, làm xôn xao dư luận, tới khi những chiến sỹ mặt trận Sài Gòn – Gia Định năm ấy tỏ thái độ bất bình công phẫn, thì ông PHL mới bình thản công bố bài viết của mình! Bằng những lập luận loanh quanh, mơ hồ, rối rắm, ông trùm ngành sử học Việt Nam đương đại đã nói ra những điều trái ngược hẳn với thông tin ông đã tung ra bốn năm về trước!

Xin tóm lược những lời ông PHL thuật lại về những lần hai thầy trò ông nói chuyện với nhau:

- Lúc đầu trước các nhà báo thì ông PHL nói:  “Anh THL “tự viết” về nhân vật Lê Văn Tám – một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè… Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi (THL) viết tài liệu này”. Nhưng bốn năm sau, trên Tạp chí Xưa và Nay số 340 tháng 9/2009 thì ông PHL lại viết: “Nhân vụ kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10/1945 và loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh, nhưng không biết ai là người tổ chức và  trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GsTHL) đã dựng lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách  đấy mấy chục mét…”, nghĩa là chỉ nghe được dư luận về một vụ đốt kho xăng, để tăng hiệu quả tuyên truyền, ông THL bịa thêm nhân vật với hành động cụ thể đưa vào để người đọc tin là thật!

- Trò Lê còn dẫn lời thầy THL: “Sau đó đài BBC bình luận là một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì gục ngay tại chỗ hay nhiều lắm chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được quãng đường 50mét đến kho xăng”. Nghĩa là nhà báo lão làng nhận ra chỗ hớ hênh bịa vội của mình, đã “tự trách là vì thiếu cân nhắc và khoa học nên có chỗ chưa hợp lý”, thì ông trò cần gì phải đi tìm “hỏi một số bác sỹ và họ cho rằng với sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như vậy!”, và liệu có ông bác sỹ nào ngớ ngẩn trả lời được câu hỏi oái oăm đó?! Ông PHL giải thích rối rắm thêm: “GsTHL không hề hư cấu sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy mà trên sự kiện có thật đó, chỉ dựng lên theo cách nói của GS chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch”.

- Ông PHL sa đà tán dóc: “GS (THL) dựng chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng(Phù Đổng Thiên Vương). Tám là nghĩ đến cách mạng tháng Támvà họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta!”. Ông Cao Đức Trường rất khôi hài phản biện khoa học bằng số liệu cụ thể chứng minh các dòng họ phổ biến ở nước ta thì họ Lê đứng thứ ba sau họ Nguyễn và Trần (Tuần báo VNTPHCM số 478).

- Ông PHL gia cố lòng tin của người đọc với mình bằng lời trăng trối chỉn chu của nhà cách mạng tiền bối:GS(THL) còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng”. Thời điểm những năm 1960, Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Cuộc kháng chiến càng gay go quyết liệt. Nội bộ ta không ít người hoang mang và phân hóa. Là một trong số những người lãnh đạo cao nhất của Ủy ban Khoa học xã hội, Viện sỹ Trần Huy Liệu chẳng thể lạc quan, lạc lõng nghĩ viển vông đến ngày thắng lợi sẽ có những người đi “nhận vơ” công lao thành tích của người đã ngã xuống trên đường tranh đấu?! “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý truyền thống Việt Nam. Trước khi Cụ Hồ đề xuất “ngày thương binh liệt sỹ 27 tháng 7” hàng năm, thì bà con ta ở Huế đã có lệ “ngày 23 tháng 5 ÂL cúng âm hồn”, tưởng nhớ những nghĩa binh bỏ mình khi Kinh đô thất thủ. Hiện nay cả xã hội đang gắng sức làm công việc “đền ơn đáp nghĩa” và rất mong tìm được thân nhân “ngọn đuốc sống” đặng xác minh chính danh gốc tích người anh hùng. Thực tế, cướp công nhau thì có nhưng “cướp công liệt sỹ” thì chưa.

Ông PHL thề: “Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học”! Ông một mực đòi phảiTrả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám” vì rằng “tìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học”.

Quanh co, lươn lẹo, cuối cùng ông cũng phải thừa nhận sự thật là: “Lê Văn Tám không phải là tên nhân vật lịch sử có thật nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hy sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng”. Và ông “đánh trống lấp” bằng lập luận mơ hồ: “Mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan chân thực!”, làm người đọc rối mù lên! Rồi ông giả nhân giả nghĩa lấy làm thoả mãn vì đã “làm tròn trách nhiệm với cố Gs.THL (!)” và hùng hồn dạy người ta hãy ứng sử với biểu tượng ấy thế nào sau khi ông dùng búa tạ “táng” không thương tiếc vào cái “biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng” ấy!

Ngài chánh sử quan của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nghĩ sao về lời ông đã xuất ngôn ra: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám là hoàn toàn không có thật!”? Bàn dân thiên hạ không quên.

Thực tế, đánh một trạm xăng, một đồn bót… là nhiệm vụ của đơn vị cơ sở trực tiếp, thậm chí có thể là tự phát, như Gs.Trần Văn Giàu – nhà cách mạng, người anh hùng chính danh, là người chỉ huy cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 25 tháng 8 và chưa đầy một tháng sau, ông cũng là người phát lệnh nổ súng kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, nói đúng tinh thần một sử gia cách mạng: “Không có, tôi không có chỉ huy. Nhưng mà theo tôi thì trận đánh đó là có thực, phải không? Tôi nghĩ rằng ta đánh giá không hết lòng yêu nước nồng nàn, dám làm việc lớn của thanh niên và cán bộ lúc bấy giờ. Cái chuyện đó không thể nói là không có. Nhưng nó có ở đâu, có như thế nào mới là cái khó cắt nghĩa. Khó cắt nghĩa lắm. Người viết sử phải ghi nhận lòng yêu nước nồng nàn ở trong lòng người Việt Nam, mà có khi không biết là ai làm. Khi gặp được cơ hội, làm được việc gì, gặp cơ hội đánh được bọn thực dân xâm lăng thì không bao giờ từ chối, không việc gì không dám làm… Không có Lê Văn Tám làm chuyện đó thì có người khác làm chuyện đó” (Xưa & Nay số 490 tháng 12/2017).Chẳng lẽnhà viết sử hàng đầu của nước Việt Nam đương đại PHL không hiểu rằngcuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta vừa qua là một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, đâu cũng là chiến trường, mỗi người dân là một chiến sỹ, tay không cũng thành vũ khí. Mọi người làm nên chiến công, cùng vui mừng chia sẻ chiến công. Không ai tính phần chiến công cho mình. Những người được tuyên dương công trạng chỉ là biểu tượng trong từng hoàn cảnh cụ thể. Công lao lớn nhất thuộc về những người anh hùng âm thầm lặng lẽ, không ai biết đến. Người anh hùng vô danh hoặc ẩn danh trong trường hợp đó, được coi như chuyện bình thường.

III/ TIẾP CẬN SỰ THẬT LỊCH SỬ:

A - Sử liệu:

1/ Cần phân biệt rõ hai trận đánh Kho đạn Pyrotechnicque kế bên Sở thú và Kho xăng Simon Piétri bên chợ Thị Nghè. Về nguyên tắc thì kho xăng và kho đạn không được để chung một chỗ. Hai điểm này cách nhau (con rạch?) chừng vài trăm mét. Kho đạn Sở thú – thường gọi như vậy, nằm trên đường Docteur Angier (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngang với Bảo tàng lịch sử thành phố trong Thảo cầm viên) là kho dự trữ cho cả chiến trường nam Đông Dương, quy mô lớn như một doanh trại, lại gần Tổng hành dinh của tướng Le Clerc – chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, được bố phòng cẩn mật, toàn lính lê dương canh gác. Vụ đánh kho đạn xảy ra ngày 8/4/1946, đạn nổ dậy đất, tóe lửa sáng trời, kéo dài cả tuần, địch tổn thất nặng, chấn động nhân tâm rất lớn. Là một địa điểm trọng yếu, nên đánh kho đạn phải có sự điều nghiên rất kỹ và hợp đồng chặt chẽ, lâu sau mới được công bố (Hồi ký Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồi ký của nhà cách mạng Dương Quang Đông, Hồi ký của ký giả Nam Đình tức Nguyễn Kỳ Nam rất phù hợp với nhau). Kho xăng dầu Thị Nghè thực ra là một trạm trung chuyển của hãng dầu Shell, không lớn lắm, cháy khoảng nửa đêm về sáng ngày 17-18/10/1945, dư luận sớm đồn người đốt là một thiếu niên tên TÁM, nhà ở khu Đa Kao kế đó, gây xúc động lòng người lớn lắm.

Hai sự kiện xảy ra cách nhau chừng dăm tháng. Vì những ngày đầu chiến tranh quá nhiều sự kiện, nguồn thông tin chính thống thiếu chuẩn xác. Trải thời gian quá lâu, sau này nhiều chứng nhân lầm tưởng hai vụ trùng nhau.

2/ Lịch sử Đảng bộ TPHCM xác nhận sự việc thiếu niên Lê Văn Tám đốt cháy kho xăng Simon Piétry vào những ngày đầu Nam bộ kháng chiến và còn ghi rõ “người tổ chức là đồng chí Lê Văn Châu ở Gò Vấp, sau này hy sinh ở Cây Thị năm 1947”. Trong hồi ký của nhiều cán bộ lãnh đạo kháng chiến ở Sài Gòn lúc đó như Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Mai Chí Thọ (Năm Xuân), Dương Đình Thảo (Chính trị viên tiểu đoàn 924 thuộc trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh)…  đều nhắc đến vụ đánh cháy kho xăng này với tình cảm yêu thương, trân trọng.

B - Gặp các chứng nhân:

1/ Đại tá Võ Thanh Kiết (Báo Cựu chiến binh TPHCM số 269 ngày 20/10/2008) chính là anh Hai của người anh hùng với “nụ cười chiến thắng” nổi danh, kể: Tôi sinh năm 1929, quê ở xã Tân Bửu, Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc địa bàn huyện Bình Chánh và Bến Lức). Năm 1940 tôi lên học ở Sài Gòn, trường Pétrus Ký. Điểm chính hiện nay là trường PTTH Lê Hồng Phong thì quân Nhật đã biến thành trại lính. Trường tôi chuyển về học tại trường Trưng Vương ngày nay, sát ngay Sở thú, kế bên là Thị Nghè. Đám học sinh nội trú chúng tôi thường ra đó chơi, đá banh rồi nhảy xuống tắm ở cái hồ kế đó, nước trong và mát. Bởi thế vùng này tôi rành lắm. Trạm xăng Thị Nghè không lớn lắm, là Đại lý xăng dầu của hãng Shell tư nhân. Nó nằm kề bên bờ con rạch gần chợ, khách hàng mua sỉ thường đến nhận hàng bằng xe tải hay ghe thuyền. Tôi còn nhớ rõ đó là một căn nhà thấp, nền đất, không rộng lắm, mái tôn xập xệ, vách là những tấm gỗ mảnh đóng thưa, trong nhà chứa nhiều thùng phuy, tới nơi sặc hơi dầu. Chung quanh có một lớp rào kẽm gai sơ sài.

Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 9/3/1945, tôi về quê, tham gia Thanh niên tiền phong. Ngày 24/8/1945, tham gia cướp chính quyền ở tòa Bố tỉnh Chợ Lớn. Sau đó làm liên lạc cho báo “Kèn gọi lính” của ta. Sau ngày 23/9,  Ủy ban kháng chiến Sài gòn rút ra đóng tại xã tôi thì tôi làm liên lạc cho Ủy ban, thường xuyên ra vào thành phố lấy tin tức. Lúc đó vùng Thị Nghè còn là ngoại đô, là nơi tranh giành quyết liệt giữa ta và địch, có cả lính Vệ quốc đoàn Nam tiến cùng chiến đấu với các lực lượng võ trang của địa phương. Khoảng tháng 10 năm đó, khi quân của Le Clerc tăng viện cho mặt trận Sài gòn thì quân ta rút khỏi Thị Nghè. Năm 1947, tôi vào du kích Hạ Trung Huyện, rồi lên trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh do anh Huỳnh Văn Một chỉ huy, liên tục chiến đấu ở vùng Chợ Lớn cho đến năm 1950 thì được đi học Trường Quân chính Khu VII đóng ở Bời Lời, Trảng Bàng, Tây Ninh…

Cần nhớ là những năm đầu kháng chiến, ở Sài Gòn ngoài những kho xăng đạn còn có rất nhiều trạm xăng lẻ, với chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” trong khi tinh thần chống Pháp rất cao, các kho lớn nhỏ bị các lực lượng của ta đánh cháy nổ rất nhiều, gần như liên tục. Thời gian quá lâu rồi, không mấy người còn nhớ. Hình ảnh “hộp diêm và chai xăng đốt kho” ghi trong hồi ký củaGs. Trần Văn Giàu gợi lại một thời như thế. Trạm xăng Thị Nghè dù không lớn nhưng chứa cả trăm phuy xăng dầu dung lượng 200 lít cùng cháy, khói lửa rần rần thì toàn thành phố đều biết, gây sự phấn chấn trong lòng người lúc đó đang căm thù quân xâm lược. Vùng này lúc đó phức tạp, cả ta và tây đều không làm chủ được, tập trung rất nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ và có tinh thần đánh tây hăng lắm. Mà vũ khí chỉ cần một que diêm hay cái hộp quẹt thôi. Khi lửa phật lên, xăng phụt ra bắt cháy, ai cũng phải có phản xạ vọt chạy thoát ra. Gọi là “ngọn đuốc sống” cũng không có gì là qúa. Ngay hôm sau, báo chí đã lên tít lớn và còn mô tả khá là chi tiết.           Thời gian đó cơ quan Ủy ban còn đóng sát nách Sài Gòn, tôi ra vào nội đô thường xuyên. Trận nào hôm sau đồn rầm lên những tin truyền khẩu rồi mới là trên báo chí, nó cũng chỉ nói là bị Việt Minh đánh. Do đơn vị nào đánh thì không biết nhưng thiệt hại của nó và tâm lý địch, ta thì biết. Vụ cháy trạm xăng, qua tin tức nội bộ nói là do một em bé ở xóm Đa Kao, tên TÁM, đốt. Em Tám chứ không nêu đủ họ danh LÊ VĂN TÁM như sau này đâu. Còn tiến hành thế nào thì làm sao biết được. Gương anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ của bạn TÁM đã động viên chúng tôi rất nhiều trong chiến đấu lúc bấy giờ.

Đó là chuyện có thật 100%, không phải hư cấu như người ta nói.

2/ Ông Hồ Thanh Điền (Hai Điền 1926-2014), lão thành Cách mạng, đội viên Thanh niên Tiền phong đoàn Trần Cao Vân, sau thuộc Chi đội 13 (tiền thân của trung đoàn 300). Năm 1952 ra Việt Bắc, qua Trung quốc học. Từ 1956 làm Tiểu đoàn trưởng bảo vệ bờ bắc cầu Hiền Lương. Sau 1975 chuyển sang ngành công an, làm bí thư Đảng ủy công an tỉnh Đồng Nai, nghỉ hưu tại TP.Biên Hòa. Qua báo chí, biết có chuyện xuyên tạc về LÊ VĂN TÁM, ông rất bất bình. Người viết tìm đến ông, được nghe ông kể: “Tôi không phải là chứng nhân trực tiếp nhưng là người biết rất sớm chuyện này. Lúc đó đơn vị tôi đóng quân ở Trung Chánh. Ngay sớm hôm sau khi cháy kho xăng Thị Nghè, Nguyễn Thanh Hùng là chiến sỹ của tiểu đội tôi, nhà ở Đa Kao, chạy về báo tin: Thằng Tám trong xóm nhà tui là người đốt kho xăng hồi hôm đó! Thanh Hùng đã hy sinh thời kháng chiến chống Pháp”!        

Liệt danh Thằng Tám, Em Tám, Bạn Tám xuất hiện ngay sau vụ việc xảy ra, được nhân dân địa phương, chiến sỹ mặt trận Sài Gòn – Gia Định và cả lục tỉnh Nam kỳ qua nhiều thế hệ nhắc tới với lòng thương yêu, cảm phục.

3/  Ông Trần Thắng Minh (nguyên UVTƯ Đoàn TNCSVN) viết trong Hồi ký “Đứng lên đáp lời sông núi – tập II” (NXB Thanh niên – 1995):  “Lớp đội viên thiếu nhi Sài Gòn chúng tôi lúc đó cũng bước theo cha anh đáp lại tiếng gọi của non sông “Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”. Đầu năm 1946 tôi nghe tin Lê Văn Tám tẩm dầu đốt kho xăng giặc. Có ngờ đâu người bạn cùng lứa tuổi thiếu nhi của mùa thu năm 1945 lại là người đội viên ở Đa Kao đã ở lại trong lòng địch làm rạng danh thiếu nhi Việt Nam anh hùng…”. Cần lưu ý bạn đọc là cuốn sách được viết ra mười năm trước khi nhà sử học PHL tung ra điều thất thiệt!

4/ Ông Lý Châu Hoàn sinh 1935, kể: Khoảng cuối năm 1945, quân Pháp trên đường đánh tới Mỹ Tho, mọi người chuẩn bị đối phó như tập quân sự, báo động giả… Được một đêm yên tĩnh, nhà ông ngoại tôi ở một vùng sâu huyện Chợ Gạo đang ăn cơm tối thì cậu Hai là cán bộ Việt Minh đọc cho mọi người nghe một tin quan trọng: Có một thiếu niên tẩm dầu vào mình đốt kho xăng giặc Pháp ở Sài Gòn cháy mấy ngày đêm liền. Cậu bé ấy đã bị thiêu cháy cùng lũ giặc gác kho. Tôi có ấn tượng rất mạnh mẽ. Từ ấy, tôi cùng nhiều bạn nhỏ trong xóm hăng hái tham gia đội Nhi đồng cứu quốc, hoạt động rất sôi nổi như tập võ, múa hát, nhất là những bài hát cách mạng… Một hôm chúng tôi được dạy bài hát “Em bé tẩm dầu” của nhạc sỹ Lê Minh Quốc, tâm hồn chúng tôi như bay bổng theo lời bài hát… Chiến tranh nổ ra, tôi cùng nhiều bạn tham gia hoạt động cách mạng tại chỗ (báo tin địch hoặc giúp đỡ Việt Minh việc này việc nọ), rồi thoát ly kháng chiến khi tuổi ngang tuổi “Em bé tẩm dầu”. “Đuốc sống” đã thành linh hồn và máu thịt của chúng tôi suốt dọc dài hai cuộc chiến tranh. Năm 1954 tập kết ra Bắc, học Khoa Điêu khắc trường Mỹ thuật Hà Nội, năm 1964 về Ban tuyên huấn Khu V; sau 1975, làm Bí thư Đảng ủy khối cơ sở Bộ VHTTDL tại TPHCM, nghỉ hưu ở Củ Chi.

Ông dẫn thêm mấy nhân chứng sau đây:

5/Trịnh Ngọc Hạnh, lúc 13 tuổi nhà ở Giồng ông Tố, có biết chuyện kho xăng cháy. Rồi ra bưng biền kháng chiến. Sau 1975 phụ trách Thư viện quốc gia Sài gòn, cho biết trong kho tư liệu còn giữ nhiều báo chí nói về vụ đốt cháy kho xăng Simon Piétry. Ai cần tra cứu có thể đến đó tìm đọc.

6/ Ông Mai Bá Hui, sinh 1929, địa chỉ 37/3, Huỳnh Tấn Phát, KP6, thị trấn Nhà Bè, kể: Trước khi vào nghề tài xế lúc đầu tôi làm lơ xe khi mới 15-16 tuổi ở kho dầu Thị Nghè. Kho nhỏ gần cầu Dầu – Phú An. Khu vực bồn xăng cách đó chừng trăm mét thì có 5 bồn xăng cao to. Đến năm 25 tuổi, có giấy phép ba dấu mới chính thức lái xe bồn cho ở hãng Shell ở kho lớn Nhà Bè. Chủ kho Thị Nghè là thầy Ba Có. Người Pháp thường chạy xe jeep đến đây kiểm tra và lấy xăng. Kho có lính Chà gác, công nhân ra vào được kiểm tra chặt chẽ. Kho xăng bị đốt cháy khoảng 10giờ đêm, còn ngày tháng thì không nhớ. Lúc ấy tôi cùng các bạn làm chung đi chơi ở Sở thú vừa về. Hơi lửa nóng quá, bọn tôi vội ôm đồ để ở phòng trọ rồi bỏ chạy ra xa. Tới sáng hết cháy mới trở lại và về nhà luôn. Sau một tháng mới tới nhận lương rồi nghỉ luôn vì kho không khôi phục lại. Còn ai đốt thì tôi không biết. 

7/ Ông Nguyễn Văn Lượng, sinh năm 1928, địa chỉ 48/10, Huỳnh Tấn Phát, KP6, thị trấn Nhà Bè, cho biết ông là thuyền viên tàu chở dầu hãng Shell ở Nhà Bè, bạn anh Mai Bá Hui; tôi có biết kho dầu Thị Nghè, vì có người anh rể tên Trần Văn Sáng (đã mất, nếu còn sống cũng trên 100 tuổi), là kỹ sư phụ trách kỹ thuật sửa chữa bảo dưỡng xe bồn kho Thị Nghè, tôi từng đến kho này thăm anh. Lúc kho bị cháy, tôi theo tàu lên Nông-Pênh, vài ngày sau mới về, thấy kho bị cháy rồi. Thời gian sau, tôi có theo tàu kéo bồn dầu không ở Thị Nghè về Nhà Bè.

Vậy, kho xăng dầu Thị Nghè là có thật và bị ta đốt cháy cũng là có thật! (Văn nghệ TPHCM số 383)   

C – “Ngọn đuốc sống” rực sáng lên dưới ngòi bút tâm huyết của người nghệ sỹ:

Khi toàn quốc kháng chiến, chiến trường chia cắt, rất nhiều tấm gương oanh liệt ở khắp mọi nơi. Nhà thơ, họa sỹ Phan Vũ kể:

Tôi sinh 1926, người Hải Phòng, Vệ quốc quân Nam tiến. Những năm ở chiến trường tây Nam bộ tôi có nghe chuyện một thiếu niên Sài Gòn, dũng cảm xông vào đốt cháy một kho xăng. Chuyện chỉ có thế nhưng cái chết của em cứ lởn vởn trong tâm não tôi. Năm 1955, tập kết ra Bắc, niềm thương nỗi nhớ miền Nam làm cho hình ảnh em bé đốt kho xăng sống dậy, tôi dồn tâm sức viết vở kịch “Lửa cháy lên rồi”. Không nhớ được vì sao tôi đặt cho nhân vật cái tên Lê Văn Tám hay chỉ là sự ngẫu nhiên. Thật ra cái tên không quan trọng mà sự kiện mới là nguồn cảm hứng cho người viết. Không ngờ vở kịch thành công lớn quá, sôi động một thời, trước hết là từ các trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng sau lên Hà Nội rồi lan xa. Nhiều buổi diễn, từ trên cánh gà nhìn xuống, tôi thấy những bàn tay nâng khăn lên chấm mắt ở những tiểu cảnh cảm động. Tôi sung sướng quá cũng trào ra nước mắt. Ông Thế Lữ  khen và nhận tôi làm con nuôi để dạy thêm nghề. Vở kịch được đưa vào Phủ Chủ tịch diễn Bác Hồ xem. Tôi cùng đi trong đoàn. Bác hỏi tôi chuyện này có thật không? Tôi thưa thật rằng chỉ được nghe kể rồi sáng tác ra. Bác khen và động viên tôi. Trong vở kịch này, tôi không dựng chi tiết em Tám châm lửa chạy vào đốt kho xăng mà tạo tình huống cho em làm quen tới mức kết thân với một tên lính coi kho để được ra vào tự nhiên trước sự mất cảnh giác của giặc. Cuối cùng thì… ngọn lửa LÊ VĂN TÁM đã thành bất tử”! Năm 1982, xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu TPHCM dựng bộ phim “Ngọn lửa thành đồng” dựa trên kịch bản của tôi do anh Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Tổ chức Đoàn thanh niên có bàn với tôi lập hồ sơ truy phong anh hùng cho Lê Văn Tám nhưng tôi không biết gì hơn những điều tôi đã viết về con người ấy”.

Người viết hỏi ông về việc có tin đồn sử gia Trần Huy Liệu viết chuyện chú bé Lê Văn Tám tẩm dầu? Ông ngạc nhiên đáp: Chuyện ấy nghe anh nói ra tôi mới biết!

D – Miếu thờ Lê Văn Tám còn đây:

Tuần báo Văn nghệ TPHCM số 508 ngày 26/7/2018 đưa tin, kèm hình: Dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27 tháng 7 (1947-2018), đoàn đại diện Tuần báo cùng một số cán bộ địa phương, đến thắp hương kính cẩn viếng anh linh người thiếu niên dũng cảm đốt kho xăng Thị Nghè, tại miếu thờ liệt sỹ LÊ VĂN TÁM ở Đa Kao.

Ảnh của http://tuanbaovannghetphcm.vn

Theo ông Phan Tư, bí thư chi bộ đầu tiên phường Đa Kao sau 1975 (trước là phường Tự Đức), lúc đó chỉ là cái am nhỏ, đơn sơ, khoảng 40x40x40cm đặt dưới gốc cây bồ đề, bà con thường đến thắp hương và nói là am thờ ông Lê Văn Tám đốt kho xăng Thị Nghè, nhưng cũng không biết am lập từ lúc nào. Am cách bờ kênh Thị Nghè chừng 200mét, đối diện Sở thú qua con lộ chính dẫn qua cầu. Bên kia kênh là chợ Thị Nghè. Vùng này chính là quê hương của liệt sỹ, anh hy sinh lúc 13 tuổi, gây xúc động lòng người lớn lắm.

Am thờ Anh hùng Liệt sĩ Lê Văn Tám do người dân lập từ thời Pháp thuộc. Ảnh TBVNTPHCM

Trước 1975, khu này là trụ sở của Đài phát thanh quân đội Sài Gòn, Đài Gươm thiêng ái quốc, Đài Châu Á tự do... Sau 1975 thuộc khu vực quân đội quản lý. Hiện am nằm trong khuôn viên của công ty Minh Thành, địa chỉ cụ thể: 2Bis Nguyễn Thị Minh Khai. Năm 2000, sát bên am, Tướng Tư lệnh Quân khu VII Phan Trung Kiên cho xây một miếu thờ chừng 3x4x3,5mét ghi danh LÊ VĂN TÁM, nằm lọt giữa hai cây bồ đề và cây me tây cổ thụ. Trên bệ thờ có tượng cao khoảng 40cm, chất liệu polyme, mô tả người nam, thân bốc lửa chạy hướng về phía trước, cao nữa có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.

IV/ ÔNG TRẦN HUY LIỆU NÓI GÌ ?

Trong bài Mấy tư liệu về Lê Văn Tám (Tạp chí Xưa & Nay, số 490 tháng 12/2017), ông Nguyễn Huy giới thiệu bức thư của cố Gs.THL gửi ông Trần Quang Huy – Trưởng Ban Khoa Giáo trung ương lúc đó. Thư viết trước khi ông qua đời hai năm, bốn trang, nội dung góp ý về bản “Dự thảo 35 năm đấu tranh của Đảng” nên vị sử gia cách mạng lão thành còn thận trọng ghi “Để anh (TQH) chuyển đến anh Trường Chinh tham khảo”. Tác giả trích phần có liên quan đến nhân vật Lê Văn Tám như sau:

Hà Nội ngày 14/4/1967

Kính gửi anh Huy

Chuyện em Lê Văn Tám, tôi cho đến nay vẫn không tin có việc này, vì nó vô lý quá. Ai cũng biết kho thuốc đạn của giặc bố trí cẩn mật và khoa học thế nào, vậy thì làm sao một em bé có thể xông thẳng vào đốt cháy một cách dễ dàng và đã xông thẳng vào được thì việc gì phải tự tẩm xăng vào mình thì mới đốt cháy được. Câu chuyện này đồn lên chính xác vào hồi tôi làm bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, nhưng hồi ấy là đốt kho dầu xăng ở Khánh Hội, chớ không nói là đốt kho thuốc đạn ở giữa thành phố Sài Gòn. Tôi còn nhớ một bài báo của địch lúc đó đã chế riễu chuyện này và liên hệ với đôi chân khập khiễng của tôi và cái chân thọt của anh Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt). Thế rồi chuyện đó êm đi, trên báo chí của ta cũng không hề chính thức một lần nào nói về chuyện đó và trong câu chuyện đồn thổi cũng chỉ nói có một thiếu nhi tẩm dầu xăng, chớ không hề nói tên là Lê Văn Tám. Mãi đến năm gần đây thì kịch Lê Văn Tám mới xuất hiện như một sự thật đã xảy ra. Tôi nghĩ nếu nó chỉ thuộc loại truyền thuyết hay giai thoại thì ta cũng không cần thiết phải cải chính nhưng nếu dùng làm sử liệu, viết vào lịch sử của Đảng thì rất không nên”.

Dù bản chụp bức thư nói là của GsTHL, lưu tại Viện Sử học, hộp 29, tếp 1032, nhưng không phải là di bút, mà chỉ là bản sao viết tay của người thư ký tên Lê Vũ Hiển. Thời đó chưa có máy photocopy nhưng máy đánh chữ “gõ” một lần cũng cho ra năm ba bản. Bản sao có đóng dấu mộc “Viện Sử Học” nhưng lại thiếu cái cốt yếu là chữ ký xác thực của người thủ bút (là ông THL)! Tài liệu chưa thể có giá trị pháp lý nhưng vì ta đi lên từ không đến có, làm việc lại thiếu tính chuyên nghiệp, có thể châm chước được. Một đoạn trích chưa tới 250 từ cũng đủ làm rõ ra mấy điều chính yếu mà người viết trình bày ra đây để quý bạn đọc suy xét:

1/ Gs.THL viết: “Chuyện em Lê Văn Tám, tôi cho đến nay vẫn không tin có việc này, vì nó vô lý quáCâu chuyện này đồn lên chính xác vào hồi tôi làm bộ trưởng Bộ Tuyên truyền… Tôi còn nhớ một bài báo của địch lúc đó đã chế riễu chuyện này và liên hệ với đôi chân khập khiễng của tôi và cái chân thọt của anh Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)”. Rõ ràng là chuyện về em Lê Văn Tám ông THL chỉ biết qua các phương tiện thông tin báo, đài và dư luận chớ không do ông tự viết ra!

Trao đổi một vấn đề rất nghiêm túc liên quan tới lịch sử của Đảng với những vị lãnh đạo quan trọng cấp trên, lại là đồng chí thân tình kể cho nhau câu chuyện xảy ra quá lâu rồi mà sao nhà sử học không nói thẳng ra chuyện đuốc sống Lê Văn Tám do tôi (THL) sáng tác ra để phục vụ yêu cầu cách mạng lúc đó”, trong khi ông lại dễ dãi trải lòng ra nhiều lần với những học trò vào hàng con cháu câu chuyện mà ông thấy rằng “không cần thiết phải cải chính”?!

2/ Gs.THL nói: “Ai cũng biết kho thuốc đạn của giặc bố trí cẩn mật và khoa học thế nào, vậy thì làm sao một em bé có thể xông thẳng vào đốt cháy một cách dễ dàng và đã xông thẳng vào được thì việc gì phải tự tẩm xăng vào mình thì mới đốt cháy được”… Chẳng lẽ nhà nho, nhà văn,nhà báo lão làng quá dễ dãi dựng lên một câu chuyện với những tình tiết mà chính ông cũng biết là “nó vô lý quá” để rồi cứ ân hận suốt đời?

3/ Gs.THL viết: “Trong câu chuyện đồn thổi cũng chỉ nói có một thiếu nhi tẩm dầu xăng, chớ không hề nói tên là Lê Văn Tám. Mãi đến năm gần đây thì kịch Lê Văn Tám mới xuất hiện”. Ông Trần nói rõ là “mãi đến năm gần đây” mới xuất hiện kịch Lê văn Tám, chớ ông có nói cái tên Lê Văn Tám là do ông đặt ra đâu? Nếu đúng do ông đặt ra thì nó đã xuất hiện từ năm 1945, làm sao ông quên được?! Ông Trần vào Sài Gòn từ năm 1924, làm báo và làm cách mạng. Năm 1935, ở tù Côn Đảo ra, bị chính quyền thực dân trục xuất về Bắc kỳ, cho tới lúc chết ông chưa có dịp trở lại miền Nam. Khi có chuyện đốt kho xăng, báo, đài cũng chỉ ca ngợi chiến công với những tình tiết khó tin, chứ đâu có nêu tên người dũng sỹ. Mãi năm 1955, vở kịch “Lửa cháy lên rồi” được trình diễn rộng rãi ở miền Bắc thì ngọn lửa Lê Văn Tám mới gây tiếng vang trong dư luận, như một chất xúc tác với lòng yêu nước.

4/ Ông PHL nói: “Trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sỹ tẩm xăng thời đó, Gs.THL tạo dựng nên biểu tượng “Ngọn đuốc sống” gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám” cũng là cách vòng vo chối lỗi. Mời nhà sử học bậc thầy hãy “tiếp cận” thời quá khứ chưa xa: cặp từ “Đuốc sống” đã là tiêu đề một bài báo tôn vinh tinh thần hiến dâng của người anh hùng trên báo La République ở Hà Nội số 5 ngày 4/11/1945, hẳn lúc đó cậu bé PHL không thể biết!

5/ Cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược phương tây của dân tộc ta được cả nhân loại coi như một cuộc “chiến tranh thần thánh”. Truyền thống yêu nước quật cường là gốc rễ nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần ấy. Đảng Cộng sản Việt Nam phát động, bền bỉ đứng mũi chịu sào suốt cuộc đấu tranh, tổ chức đoàn kết toàn dân, nhân lên và phát huy tinh thần xả thân vì nghĩa lớn. Lịch sử Đảng ghi nhận những sự kiện và những con người liên quan đến sự khai sinh và phát triển của Đảng. Còn biết bao con người trong giây phút làm nên lịch sử và cái chết của họ hóa thành bất tử như: Lý Tự Trọng, Kym Đồng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Thái Bình… bất kỳ là danh thật hay không thật, kể cả những người nằm xuống âm thầm lặng lẽ chỉ để lại truyền thuyết đẹp thì tên tuổi, chiến tích anh hùng của họ đều đáng được tôn vinh tại nơi họ ghi dấu ấn. Là nhà cách mạng từng trải, trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, ông THL đặt vấn đề với tổ chức: “không cần thiết phải cải chính nhưng nếu dùng làm sử liệu, viết vào lịch sử của Đảng thì rất không nên”, là chí lý, chí tình và rất có trách nhiệm trên cương vị một sử gia chân chính.

V. VĨ THANH:

Hà Văn Tấn – một trong bộ tứ sử gia đương đại “Lâm-Lê-Tấn-Vượng” viết: “Người viết sử trước hết phải là người trung thực chứ không phải là tên cơ hội”. Sự kiện về ngọn “Đuốc sống” Lê Văn Tám tạo nên mối nghi ngờ không đáng có trong dư luận cả nước, nó kéo dài cả chục năm mà không được giải tỏa bởi chính giới sử học đầu têu chuyện này mà các phương tiện truyền thông chính thống để mặc cho những luồng tin rác rưởi lộng hành và các cơ quan có trách nhiệm thì đều im lặng! Dù các chiến sỹ lứa U30-40 thuở ấy ngày một hiếm hoi, nhưng quyết “làm cho ra lẽ”. Sự thật dần sáng ra:  

1/- Vụ đốt kho xăng Thị Nghè đêm 17 rạng ngày 18/10/1945 là một chiến công vang dội của tinh thần “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ!” của người dân Nam Bộ đi đầu “tay không giết giặc” trong cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh của dân tộc ta.

2-/ Chiến sỹ cảm tử là thiếu niên tên TÁM, nhà ở khu vực Đa Kao, Sài Gòn, được  sự chỉ đạo của tổ chức tại địa phương, tiến hành đơn phương bí mật bất ngờ, và chiến sỹ đã hy sinh anh dũng, để lại niềm cảm phụcyêu thương vô hạn trong lòngđồng đội, đồng bào. Trong điều kiện ấy làm sao có thể đòi hỏi sự chính xác của các nguồn thông tin đa dạng?

3/- Nói rằng Gs. Trần Huy Liệu tự viết ra câu chuyện Lê Văn Tám hoàn toàn là sự đặt điều. Cũng không có căn cứ nào để nói Gs.THL là người đặt ra cái tên Lê Văn Tám và cặp từ “Đuốc sống”. Những tư liệu nêu trên đã chứng minh điều đó.

4/- LÊ VĂN TÁM không có tên trong danh sách những anh hùng thời kháng chiến chống Pháp. Chuyện đơn giản vậy mà sao các nhà sử học chính danh không tra cứu? Hành động cảm tử đó rất đáng được truy phong anh hùng nhưng vì hồ sơ Lê Văn Tám còn để trống bởi lý do khách quan, tuy nhiên vẫn là nỗi niềm canh cánh bên lòng đồng bào, đồng đội cùng thời. Bà con ta quen gọi “Anh hùng Lê Văn Tám” là sự tôn vinh người thiếu niên nêu tấm gương anh hùng bất tử. Am và miếu thờ là di tích thiêng liêng để các thế hệ đến đây tưởng niệm.  

5/- Người thiếu niên “vị quốc vong thân” trọn tấm lòng son trung trinh với dân, với nước cùng thế hệ “thành đồng tổ quốc” tồn tại mãi với nước non này. Mọi bằng chứng đưa ra đều chống lại những lời nói “khẩu thiệt vô bằng” vô trách nhiệm hoặc với ý đồ bất minh, hoàn toàn không có giá trị và không tin được.

Daniel Granin – nhà văn Nga nổi tiếng, nói: “Bất cứ xã hội nào cũng có những người anh hùng của mình lừng danh hay thầm lặng, được vinh danh, tôn sùngvề lòng nhân từ, bác ái, vị tha, quên mình vì lợi ích của tổ quốc, nhân dân, như một tấm gương khơi gợi sự noi theo, tạo cho xã hội một chỗ dựa đạo đức, tinh thần”. “Đuốc sống” LÊ VĂN TÁM như ngọn lửa thiêng bất tử, biểu tượng cho tinh thần yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, còn sáng mãi. Nó thiêu cháy mọi mưu toan tính toán hòng làm hoen ố lịch sử kiên cường chống ngoại xâm rất đáng tự hào của nhân dân ta.

Tuần báo Văn nghệ TPHCM

Số 519+520 Thứ năm ngày 11+18 tháng 10 năm 2018 

Nguyễn Văn Thịnh

____________

Bài đọc thêm:

- Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt- http://www.sachhiem.net (Trần Vân Hạc)

- Sự thật về "đuốc sống" Lê văn Tám, http://tuanbaovannghetphcm.vn (Lý Châu Hoàn)