●   Bản rời    

HÀ NỘI BỂ DÂU - Bài 2: Cụ Rùa Ơi… Thương Cháu Với!

HÀ NỘI BỂ DÂU

- truyện ký -

BS Nguyễn Văn Thịnh

CỤ RÙA ƠI… THƯƠNG CHÁU VỚI !

Trên chiến địa tim tôi nhỏ dòng máu trẻ

    Chính nơi đây người đến kiếm xương tôi

    Sẽ an táng trong một ngày long trọng

    Trong huyệt chung những chiến sỹ chung hàng

    Những người chết vì TỰ DO TỔ QUỐC

   Sandor Petófie

Thật bất ngờ, một nữ chiến sỹ mặt trận Sài Gòn–Gia Định từ những ngày Nam bộ nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, trong phút xúc cảm bột phát trước mấy đồng đội cựu chiến binh già, cất giọng hát:

Anh Bát sắt ơi / Tinh thần anh cao qúy thay / Anh là một người anh hùng thiếu niên / Anh là một người anh hùng vô danh / Anh đặt Tổ quốc lên trên gia đình / Anh từ phương Bắc vô Nam giết giặc / Quản gì mưa nắng dãi dàu tấm thân / Anh ăn cơm bằng bát sắt / Anh hay hé môi ra cười / Không ai biết tên anh là gì / Hỏi tên húy anh thì anh cứ dấu / Anh là một người anh hùng thiếu niên / Anh đặt Tổ quốc lên trên gia đình…”.

Tình báo Bát Sắt

Bài hát kể về những chiến sỹ trong đội “Thiếu niên trinh sát Bát sắt” ở mặt trận Hà Nội những năm đầu kháng chiến, đã theo chân những chiến sỹ Nam tiến vào chiến trường Nam bộ. Tôi thật may mắn được là lớp đàn em của hai chiến sỹ trong đội thiếu niên của Thủ đô ta ngày ấy: Một như người anh thân thiết thường cùng nhau chia sẻ những điều tâm đắc và một người đã thành liệt sỹ.

Người thứ nhất là anh Nguyễn Văn Hạnh, người cùng làng Lạc Trung, tổng Thanh Nhàn, Đại lý Hoàn Long, Hà Nội và cũng là người anh đồng môn lớp trên ở trường Nguyễn Trãi. Hồi ấy tôi chỉ biết anh là một trong mấy tay “judo” có tiếng của trường. Sau anh học khóa đầu trường Nhạc Hà Nội, cùng lứa với các ca sỹ nổi danh: Trần Hiếu, Quý Dương nhưng anh hát không hay nên học khoa sáng tác. Ra trường anh làm công tác văn hóa văn nghệ quần chúng cho đến lúc nghỉ hưu ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngày anh được mời ra Hà Nội dự lễ phong anh hùng cho đội “Thiếu niên Bát sắt” thì mấy chú công an Đồn phường ở tầng chệt một chung cư trên đường Trần Hưng Đạo giữa thành phố, mới biết đến ông già tuổi ngoại bát tuần, nhà ở sát vách tường, hàng ngày mấy lần vác chiếc xe đạp lên xuống lầu ba, là bậc tiền bối anh hùng một thuở. Riêng anh không muốn nhắc tới một thời đã qua. Chỉ người thân thiết mới biết anh từng bị giặc Pháp bắt và được “nếm” những trận đòn ở trại giam Hỏa Lò khét tiếng. Nhắc lại chuyện cũ, anh chỉ nói một điều đơn giản: Gặp thời thế ấy thế thời phải thế có gì lạ đâu!

Người thứ hai là anh Nguyễn Sỹ Vân. Tuy nhiên đến lúc anh bị bắt tôi chỉ “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”. Sau này được các bạn anh trong Hội học sinh kháng chiến thời ấy kể lại như sau:

Sau ngày 17 tháng 2 năm 1947, khi trung đoàn Thủ đô bí mật rút lui, Hà Nội coi như lọt vào vòng chiếm đóng của quân đội Pháp. Đến cuối năm, những người Hà Nội tản cư lục tục trở về ngày một nhiều. Muốn khuyến khích người hồi cư đông hơn, chính quyền chiếm đóng cho phục hồi những cơ quan công sở hành chính, sản xuất, các dịch vụ thương nghiệp và giáo dục. Lúc đầu là các trường tiểu học và hai trường trung học công lập Chu Văn An và Albert Sarraut được khai giảng sớm. Số dân hồi cư tăng dần lên và dân từ các tỉnh lân cận bất ổn vì chiến tranh nhập thị ngày càng đông, cùng với việc mở thêm hai trường trung học công lập là Nguyễn Trãi và Trưng Vương (dành riêng cho con gái), nhiều trường tư thục được mở ra. Tuy nhiên lòng người vẫn chưa quên hơn một năm hân hoan nao nức sống trong độc lập tự do sau gần một trăm năm nô lệ. Dạo ấy sao mà vui thế. Quanh Bờ Hồ, khắp các dãy phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Trống, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Dầu, Cầu Gỗ… cờ đỏ rực tươi vàng chói. Những ngày thê thảm của năm Ất Dậu cùng nỗi uất ức trước dã tâm cướp nước của quân xâm lược vẫn còn sâu đậm lắm trong ký ức nhiều người cả già lẫn trẻ. Trừ những kẻ sống vô tâm vô cảm thậm chí nhẫn tâm mới lựa thời té nước theo mưa, háo danh ham lợi, mau chóng nhảy ra hợp tác với chính quyền chiếm đóng và đàn áp những người yêu nước.

Gia đình mình (một người bạn thân của anh Vân) trở về thành sớm. Phố xá ngổn ngang, nhất là ở Liên khu Một, nhà cửa đổ nát xiêu vẹo tan hoang lắm. Mình còn nhặt được những lá cờ đỏ sao vàng vương vãi đó đây đem về nhà giấu đi. Bố mẹ biết được rầy mắng ngầm ghê lắm rồi phi tang luôn! Gia đình tạm ở nhờ nhà một người quen dưới phố Hàm Long.

Mình trong số học trò đầu tiên về lại trường Chu Văn An, vào học lớp Đệ Lục. Đến trường thường có xích lô (cyclo) chở đi. Khi nào có bạn rủ thì cùng đi bộ. Thằng Nguyễn Sỹ Vân nhà ở phố Hàng Bài thường đợi ở ngã tư gần đó. Trên đường, mỗi khi gặp mấy thằng lính tây, hai đứa bịt mũi lánh xa ra như sợ bị lây hủi! Cái giống gì mà lông lá xồm xòam như con bú dù, da trắng ởn đầy lỗ chân lông trông như lỗ đáo hoặc đen thui loằng ngoằng mấy vết sẹo dài trên má (gọi là tây rạch mặt) như loại du côn, mắt xanh như mắt mèo hoặc trắng dã như mắt lợn luộc, cái mũi dài khoằm như mỏ lòai cú vọ hoặc hếch lên như lỗ cống hứng nước mưa? Mà cái mùi mồ hôi lính thì eo ơi… xộc lên như mùi hôi rác! Chúng tôi hỏi nhau: Ngày trước cũng thấy tây nhưng sao không ghét như bây giờ nhỉ? Rồi lại tự trả lời: Vì bây giờ nó mới lộ rõ mặt ra là đồ đểu!

Trong lòng không ít học trò thấy ấm ức và muốn quậy lên một cái gì…

Một hôm trên đường đi học về, hai đứa rủ nhau vào mua kem ở hiệu Hồng Vân gần quán Mụ Béo rồi vừa đi vừa ăn, dắt nhau lang thang qua đền Bà Kiệu. Cái cây đa này ngày trước mình đã có lần thấy người ta thắt cổ tự tử… Eo ơi… Ghê lắm! Cái mặt nó tím ngăn ngắt trương phì ra. Cái lưỡi thè lè dài cả gang tay. Cái quần trễ ra dưới rốn phân với nước đái chảy ra tong tỏng… Mình về nhà bỏ cơm mấy bữa, sẩm tối không dám lên gác một mình, đêm ngủ lấy chăn chùm kín đầu, nghĩ đến vẫn sợ khiếp vía bò sang ngủ với bố. Ông anh biết mình nhát gan lấy cái áo đen hay trắng cột trên đầu màn cứ như người treo lúc lắc làm mình sợ xanh xám mặt mày la hét tóang lên. Bố mình bảo mấy lần không được, cụ phải dùng roi mây trị một trận quắn đít lên ông ấy mới chừa… Mình kéo thằng Vân chạy qua Tháp Bút. Chỗ ấy có cây gạo cao lắm, mùa hạ hoa đỏ chói rời cành rồi cứ xoay xoay rơi xuống, trông đẹp lắm! Chúng mình tha thẩn ra đứng trên cầu Thê Húc, nhìn ra Tháp Rùa… Bỗng thằng Vân ghé sát tai mình thì thầm:

- Mày có dám không?

- Mày bảo dám cái gì?

- Mà mày có sợ không?

- Mà sợ cái gì?

- Sợ ma!

- Ma ở đâu? – Tôi hơi nhột.

- Ma… chết đuối! – Nó trợn mắt nhìn tôi thách thức.

- Tao có liên can gì tới người chết đuối?

- Tao hỏi mày có dám lội xuống hồ này không?

Tưởng gì chớ chuyện ấy với tôi chẳng là gì: - Tao bơi giỏi lắm, mày chưa chắc hơn tao đâu!

- Được, hôm nào tao với mày lên Quảng Bá trổ tài xem!

- Quảng Bá xa và vắng người lắm. Xuống Ấu trĩ viên đi!

- Mày sợ rồi… Ấu trĩ viên đứng đến rốn, đứa nào chẳng dám!

Chạm tự ái, tôi đưa ngón tay ra ngoéo: - Được… Quảng Bá chơi liền!              

Ngày chủ nhật, tôi bảo gọi cyclo chở đi, nó nằng nặc không chịu, đòi đi bộ cho khoẻ người. Hai đứa vừa đi vừa chạy. Tới nơi cùng trổ tài, bất phân thắng bại! Nó bảo:

- Mày con nhà giàu mà cũng liều mạng ghê!

- Con trai phải đáng mặt nam nhi mới được!

- Đừng có lúc sun vòi vào đấy nhé!

Trên đường về, ghé vào rặng ổi Quảng Bá làm một bụng. Lúc ấy người ở thưa thớt lắm nhưng hai đứa vẫn phải chạy cho mau thóat ra khỏi khu vực nguy hiểm này vì đứa nào hai túi quần cũng phồng tướng lên, lỡ gặp người ta thì khó thóat… Mãi tới đường Cổ Ngư…

Anh dừng lại đột ngột hỏi chúng tôi:             

- Tôi hỏi các ông nhé: Cổ Ngư hay Cố Ngự nào? – Rồi anh giải thích luôn:… Thầy mình bảo ngày xưa đầm Tây hồ mênh mông lắm. Dân chài đắp cái đập gọi là Cố Ngự Uyển nối giữa hai làng để giữ cá lại. Sau này người ta biến âm đi! Ở đây có nghề mành nên trồng nhiều trúc. Đời nhà Trịnh chỗ này là lãnh cung an trí các cung nữ bị thất sủng. Các cô phải tự túc bằng cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa đẹp lắm nên mới có tên là Trúc Bạch…

Chúng tôi chợt giật mình vì xưa nay cứ nghĩ con đường ngăn giữa một cái hồ to với một cái hồ nhỏ thắt lại như là cổ con cá ấy! Thực ra có mấy ai chịu lục tìm cái đống kiến thức ngổn ngang ghi trong sử sách đâu! Chẳng qua bởi cái thói lười nghĩ, quen theo đã nhiễm thành nếp sống làm cho mình thành người dớ dẩn mà đâu có biết!

Anh quay về chuyện cũ:

… Đến đấy nó mới hỏi mình: - Mày có dám bơi ra Tháp Rùa không?

- Để làm gì?

Nó đi sát vào tôi nói thật nhỏ : - Cắm cờ!

- Cờ gì? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Ngốc ạ! Cờ ta, cờ độc lập chứ chẳng lẽ cờ đám ma?

Hiểu ra tôi hưởng ứng ngay: - Chơi liền! Nhưng cờ lấy đâu ra?

- Chuyện đó khỏi lo. Vội vàng hấp tấp qúa hỏng việc. Đầu tiên phải tìm hiểu, điều tra tình hình xung quanh và cụ thể lòng hồ ra sao đã, rồi sẽ bàn kế sau!

Nó rủ thêm thằng Khâm nhà ở hiệu nhuộm Tân Tân phố Hàng Trống, sát hiệu may Bùi Huy Nhượng nhìn sang hồ. Ba đứa cứ lúc nào nghỉ học là hẹn nhau xuống rặng ổi Lò Lợn – Lương Yên tắm ao cho quen và xin máu bò tươi uống để có sức chịu lạnh. Khi về lại khuấy động quanh hồ. Lúc đó người ta còn thưa vắng lắm. Chợ họp ngay chỗ Trại Hàng hoa dọc phố Hàng Khay. Lúc thì giả vờ đi câu cá mương quanh quẩn ven hồ. Lúc thì mang quả bóng ra quần… đá tung xuống nước, lại thay nhau lội xuống hồ vớt bóng – Anh cười hỏi trêu chúng tôi:

- Là dân mòn gót trên các phố phường, bờ đầm, bờ sông Hà Nội như các ông đây đố ai biết hồ Hòan Kiếm nông sâu tới đâu và dưới đáy nó thế nào chưa?

Chúng tôi lắc đầu chờ. Anh giải thích liền một mạch

- Không sâu như trên Quảng Bá – Nghi Tàm đâu. Lúc đó là mùa cạn, quanh hồ chỉ tới gối hoặc ra xa tới bẹn là cùng. Ngay dưới chân cầu cũng chỉ tới ngực thì ra tới gò chừng ngập đầu thôi! Mà dưới đáy hồ bùn lầy ghê lắm và lủng củng những gạch củ đậu. Thằng nào chân cũng bị xây xước mấy lần. Lúc lên bờ, lớp bùn rêu xanh bám đầy ống quyển. Chắc lục thủy là cái màu rêu đó mà ông Nguyễn Tuân gọi là màu nước rau muống luộc!

Chúng tôi vỡ thêm ra một điều: Bao lâu nay mình hời hợt qúa! Hà Nội như là một trầm tích còn rất nhiều điều mình chưa biết đến.

Anh vẫn miên man kể:

- Sau khi thám thính tình hình rồi thì bàn kế hoạch. Lúc này có thêm thằng Quang con ở Chợ Châu Long nữa. Cờ thì chị thằng Vân may rồi, nó giao cho mình xuống Chợ Đuổi mang về. Cán cờ lấy ở đâu ra? Thằng Khâm bảo lấy cái lao màn của nhà nó. Nhưng sợ bị lộ, thì ra chợ mua một cái sào, buổi chiều đem ra hồ vớt bóng rồi để lại cho những lần sau. Chẳng ai thèm để ý! Bỗng thằng Quang con bảo:

- Mình cắm cờ xong, sáng ra mấy thằng cảnh sát bót Hàng Trống phát hiện được ngay, nó cho người bơi ra nhổ phắt là hỏng bét! Dân sẽ không mấy ai biết có chuyện treo cờ.

Đúng thật! Chúng tôi bí kế. Thằng Quang con cười khì :

- Phải treo một quả lựu đạn vào thân cột cờ sẽ không đứa nào dám bén mảng đến đâu!

Tuyệt thật! Nhưng lấy đâu ra lựu đạn? Vẫn là nó:

- Chúng mày yên chí đi, tao có!

Mấy hôm sau nó nhắn tôi mua một hộp sơn đen mang lên nhà nó. Tôi mua hộp sơn to tướng. Nó nói sỏ:

- Đủ để bôi mấy thằng giả làm tây Marốc!

Nó dẫn tôi xuống bếp, lúi húi moi lên cái hộp sắt tây vùi dưới lớp tro than còn nóng. Nó loay hoay mở cái hộp và dốc ra… quả lựu đạn nặn bằng đất thó! Tôi trố mắt ra. Nó lui cui quét mấy nhát sơn. Quả lựu đạn đen thui trông giống quá chừng! Tôi phục lăn. Nó cười hì hì:

- Tụi nó không dám tự động gỡ đâu. Để xem chúng nó loay hoay tới bao giờ. Dân ta tha hồ ngắm cờ độc lập!

Tôi nôn nóng lắm. Đến khi bàn chuyện người bơi ra tháp cắm cờ. Tôi tranh phần ngay. Thằng Vân gạt đi. Thằng Quang, thằng Khâm chỉ lắc đầu. Tôi tự ái nghĩ chúng nó coi thường mình. Thằng Vân nửa kín nửa hở bảo cấp trên dặn không được bép xép rủ rê nhiều. Làm lẹ, rút mau. Nhỡ lộ chạy túa ra mỗi đứa một ngả! Chẳng may bị bắt thì khai là bạn tứ phương rủ nhau đêm mò ra tháp xem có gì cuỗm về đem đi bán! Tôi không biết cấp trên là ai nhưng nghe nói vậy thì không dám cãi nữa. Thằng Quang chu mỏ xuỵt:

- Chỉ cần hai thôi, đã định cả rồi!

Thằng Vân dỗ tôi:

- Mày con nhà giàu, lỡ sao thì khổ. Thôi làm dự bị!

Thằng Quang gật đầu. Tôi ấm ức mà đành chịu.

Hồi đó Hà Nội đèn đường thưa, mờ và chỉ có ở mấy phố chính thôi. 9 giờ tối thiết quân luật cho tới 5 giờ sáng. Tuy vậy lính tây với gái vẫn mò mẫm đi tìm nhau. Bọn ma cà bông cũng mò theo kiếm chác. Một tối chúng tôi tới nhà thằng Khâm. Nó và tôi trèo lên mái nhà quan sát. Thằng Vân, thằng Quang chia hai hướng lủi sang mé hồ dò dẫm xem sao. Lúc lâu sau, hai đứa chạy về, thở hổn hển, cười rúc rích:

- Tao vừa vớt cây sào lên thì nghe tiếng thở phì phì. Nhìn lên lờ mờ thấy thằng tây tồng ngỗng nằm đè lên con đĩ! Vừa sợ vừa tức tao cầm cây sào phang mạnh vào đít nó đánh bộp! Nó lại sợ mình, rống lên ông ổng như chó bị đòn! Tao quẳng sào đấy, hai đứa biến nhanh. Nhưng thằng Quang lại kéo tao chạy tọt vào bót Hàng Trống báo cho cảnh sát. Mấy đứa ngủ gà ngủ gật còn trêu:

- Sao chúng mày không đứng đấy chờ xin cái sái nhị?

Thằng Khâm trách chúng nó liều, lỡ lộ thì sao? Nhưng thằng Quang lại cười khì, bảo:

- Mình bắn một phát tên trúng hai đích đó! Một là biết quanh bờ hồ không có ai nghi ngờ rình rập. Hai là thử xem bọn cảnh sát có mẫn cán không. Thế mới hay đấy!

Dạo ấy vào năm 1948, thằng Vân bảo chọn đêm trước ngày 19 tháng 5 hành sự. Sáng hôm đó, lúc tan học về, thằng Quang con rủ cả đám nhảy tàu điện Bưởi lên dạo Tây hồ, rẽ vào đền Quan Thánh, vờ nhìn loanh quanh mà tay cứ xoa xoa vuốt ve tượng đồng… cầu may! Nó bảo :

- Mình làm việc nghĩa nhất định Quan Thánh đế phù hộ thôi!   

Chúng tôi yên tâm tin tưởng lắm…      

Chợt thằng Vân hỏi:

- Mặc quần gì?

Thằng Quang con bảo:

- Truông… huyền!

Thằng Vân le lưỡi:

- Tao sợ dính rêu… hắc lào, ngứa lắm!

Thằng Quang con gật gật cái đầu tóc lởm chởm nhưng vẫn suy nghĩ điều gì.  Lúc sau nó cười tinh quái bảo:

- Không được đâu! Bơi ra gò, mấy cụ rùa đang ngủ ngon nghe động mở mắt ra thấy cái gì… lúc la lúc lắc tưởng là con cháu, cụ yêu một cái là mất giống!

Thằng Vân cũng nhợn. Thằng Quang con cười:

- Nói vậy thôi, mặc một quần lót, một quần đùi chắc ăn!

Mới chập tối, cả bọn có mặt ở bến tàu điện – quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trà trộn trong đám vô công rồi nghề quan sát. Thằng Khâm tách ra, quay lại Cầu Gỗ, xuôi qua Nhà máy điện, Tòa thị chính, đứng chơi ở nhà Godard nghe ngóng xem sao, rồi về nhà canh bót Hàng Trống có động tĩnh gì không.

Ba đứa tôi ngược lên Hàng Gai, vòng lại Hàng Trống, men theo lối đường Bảo Khánh, chui vào chỗ đền vua Lê bên cạnh nhà Khai trí tiến đức.

Thằng Quang hỏi:

- Cờ đâu?

Thằng Vân nhìn tôi:                                        

- Đưa tao!

Thằng Quang bảo tôi:

- Mày giữ quần áo, chờ ở đây!

Thằng Vân thì thào:

- Cờ tao đội trên đầu và buộc thêm cục gạch này – Nó giơ cục gạch sần sùi cầm trong tay, cười tinh ranh:… Lỡ bị phát hiện, trụt khỏi đầu là cờ chìm nghỉm xuống đáy hồ ngay!

Chừng khuya rồi, hai đứa lẻn vào chỗ tối nhất, tuột quần ra, giao lại cho tôi. Thằng Quang dặn:

- Nếu có động, mày vừa chạy vừa kêu lên ôi ối như bị cướp giật. Chúng tao sẽ tùy cơ ứng biến!

Thằng Vân nói với thằng Quang:

- Tao xuống trước... Nhằm hai đầu gò, mỗi đứa theo một hướng... Bơi thật nhẹ, gian cách vừa phải thôi... Tao leo lên, mày nép dưới bờ quan sát.

Lần lượt hai đứa vượt qua đường, lẩn mình sau bóng cây bên hồ... Nghe tiếng khua nước lao xao, tôi ôm khư khư mớ quần áo, ngồi thu lu nép mình sau bóng tối bức tường, nhướng mắt lên nhìn ngược xuôi con đường đìu hiu ánh đèn điện vàng nhoè nhoẹt vắng tanh vắng ngắt rồi căng mắt ra nhìn vào khoảng tối mênh mông trên hồ... Im ắng quá, càng nghe rõ tiếng tim đập thình thịch, sao mà hồi hộp thế!

Không hiểu vì thời gian lâu thật hay vì quá sốt ruột lo xảy ra sự cố gì chăng mà ruột gan tôi bồn chồn không chịu được đến nỗi quên cả điều qui định. Tôi vọt qua đường, lọ mọ men xuống vệ hồ ngồi ngóng…

Khi nghe tiếng nước khuấy động rõ dần và từng đứa ngoi ngóp bơi vào bờ, tôi mừng quá sẽ kêu lên:

- Tao đây!

Chúng tôi băng về chỗ cũ. Tôi hỏi dồn ngay:

- Xong chưa? Sao lâu thế!

Thằng Vân thều thào:

- Không hiểu sao lúc gần tới gò tự nhiên thấy rờn rợn. Chẳng lẽ lại quay về. Vừa bơi, tao lầm rầm khấn: Cụ Rùa ơi, thương cháu với! Tới gò, tao nép vào bờ, hai chân quơ đạp tứ tung. Bỗng chạm vật gì dài dài cưng cứng, tao nhảy vọt lên. Lại thấy chênh vênh trống trải, vội nằm mọp xuống, bò vào tháp xem có đứa nào rình ở đó không, đứng đó tra cờ vào cán rồi mới trở ra. Tao nhằm đúng trước cửa Tòa Đốc lý nhìn ra trêu ngươi tụi nó! Đất gần hồ nhoét quá, mà sát chân tháp thì lại cứng. Tao phải đem hết sức cắm thật sâu cho chắc!

Tôi mừng quá. Thằng bạn thế mà được việc!

Lúc này tôi mới để ý thấy hai đứa run lẩy bẩy, hai hàm răng đập vào nhau lập cập! Thằng Quang hối hả:

- Phân tán ngay theo hai ngả xa hồ!

Và nó lẩn ngay vào bóng những gốc cây...

Mò về đến nhà tôi thì trời khuya lắm rồi. Ba đứa lẻn vào buồng, trải chiếu nằm lăn xuống đất ôm nhau. Mừng lắm nhưng mà sao cứ thấy tim đập thình thình không hiểu còn sợ cái gì nữa?! Gần sáng, thằng Vân người nóng hầm hập. Tôi với thằng Quang cầm chiếc quạt nan thay nhau quạt cho nó. Nhưng nó lại than lạnh! Mà ngưng quạt thì người nó lại nóng rực lên? Chúng tôi bảo ngủ đi cho khoẻ thì nó cứ trằn trọc như lo lắng điều gì. Cuối cùng cu cậu thì thào mếu máo:

- Chẳng hiểu tại sao lúc ấy tao run thế? Tay chân cứ lóng nga lóng ngóng, loanh quanh luẩn quẩn cắm hai ba chỗ mới xong! Tao chỉ sợ mình cắm cán cờ không chắc, đến khi gió thổi mạnh, cờ bay tung lên, lỡ đổ sụp xuống là coi như công toi mà chúng nó lại cười mình!

Nó bỗng lầm rầm như người khấn vong:

- Cụ Rùa ơi… thương cháu với!

Tôi hỏi:

- Sao không công kênh nhau lên cắm cao hơn?

Thằng Quang cự:

- Thằng nào quan sát? Thằng nào làm? Ướt như chuột, vừa rét vừa run, tháp gạch làm sao cắm được! Chủ yếu cán cờ dài là được. Chỉ lo lúc luống cuống cắm không chắc là toi!

Chúng tôi cùng chột dạ chung lo với nhau. Luýnh quýnh mãi chẳng biết phải làm gì nữa!

Sáng ra, mẹ tôi gọi mua bánh cuốn Thanh Trì mà không đứa nào chịu ăn, cứ khăng khăng đòi đi học sớm… Chúng tôi đi vòng ra ngã năm Lò Đúc, ngược lên Nhà hát lớn, qua vườn hoa Con Cóc, tới Nhà Kèn, nhìn ra Nhà Bưu điện đã thấy người ta chạy nháo nhào, xô đẩy nhau tụ thành từng đám bên hồ, cảnh binh tay khua matraque, miệng túyt còi toe toe, lính nhà binh lăm lăm tay súng đi lại dòm dỏ xăm xoi từng người. Chúng tôi chỉ thiếu nhảy cẫng lên thôi. Lá cờ đỏ phất phơ phơ phất trong gió và nắng mai tươi rói, có lúc phơi rộng ra trông rõ cả ngôi sao vàng năm cánh. Mặc lũ cảnh binh và đám lính quân cảnh đi lại dò xét loanh quanh, người ta hớn hở xì xào có lựu đạn treo ở cán cờ. Liệu có mìn gài dưới đất không?! Phải chờ gọi công binh tới mới dám nhổ bỏ cây cờ đi…

Chúng tôi quên cả đói mệt đi một vòng quanh hồ rồi mới về trường. Dọc đường, thấy thằng Vân đi khập khiễng, tôi níu lại, tuột dép nó ra và giơ chân lên: một vết xước dọc bàn chân, may mà không sâu lắm! Nó vịn vai tôi vừa đi vừa nhảy lò cò. Chợt nghĩ ra điều gì, nó ghì vai ghé sát tai tôi, vừa thở phì phò vừa nói :

- Mày ơi! Lúc đó chân tao như đạp vào… cái gì?

Thằng Quang trợn mắt lên:

- Coi chừng... đụng vào thanh kiếm?!

Nét mặt nó nghiêm lại, rồi lảng. Chúng tôi mỗi đứa rãn xa nhau ra.

Ở trường như đã biết chuyện rồi, học sinh túm tụm từng đám to nhỏ thì thào kín kín hở hở loanh quanh lẩn quẩn chưa muốn vào lớp nên tuy trễ giờ mà cổng vẫn mở toang! Chúng tôi chia nhau chạy từ đám này qua đám nọ nghe bình luận ra sao. Nhiều thầy và trò đến lớp muộn nhưng giám thị cũng không gay gắt như những ngày thường. Đến lúc tiếng trống hết giờ học đầu vang lên mới nhớ ra là đói, tôi chạy vội ra nói khó với ông gác cổng cho mua mấy gói sấu giầm mang vào giúi cho mỗi đứa. Ngồi trong lớp học bụng dạ càng cồn cào. Hình như thầy giảng bài cũng có vẻ gì khác thường. Buổi trưa tan học, trên đường về, mấy thằng bé bán báo chạy dọc phố rao váng lên:

Báo mới… báo mới đây! Việt Minh công khai treo cờ trên Tháp Rùa giữa Hồ Gươm linh thiêng kỷ niệm sinh nhật Cụ Hồ đây! Báo mới… báo mới đây! Chỉ một quả lựu đạn nặn bằng đất thó mà cả lực lượng cảnh binh và quân đội án binh bất động. Phải nhờ công binh nhà nghề tới tháo gỡ nửa ngày mới biết là bị mắc lỡm Việt Minh đây!

Rao báo hấp dẫn quá, người ta xô tới tranh nhau. Tôi với thằng Vân về cùng đường. Dù nhà có đặt báo tháng nhưng tôi cũng len vào. Thằng Vân nháy mắt kéo tôi đi thì thầm:

- Để nhường cho người khác!

Lúc này tôi mới thấy mặt nó tái mét bợt bạc, tóc tai bơ phờ, chân đi lệt xệt. Tôi thương qúa đưa nó về tận nhà. Nhà nó nghèo, ở thuê trong một ngõ nhỏ, cả nhà bận đi làm hết. Tôi chạy ra phố mua cho nó một ổ bánh mì giò chả với chai sôđa và không quên dặn mỗi tối nhớ pha nước muối ấm ngâm chân.

Câu chuyện làm chúng tôi không dứt ra được. Ai cũng muốn biết đến tận cùng. Nét mặt, giọng nói, cử chỉ của anh không còn vẻ thản nhiên vô tư nữa. Anh không nhìn chúng tôi mà như nói chuyện với người ở đâu:

- Kể từ ngày mất Hà Nội, đó là lần đầu ta cắm cờ ngay giữa hồ Gươm. Sau này nghe còn mấy lần nữa nhưng do ai tổ chức đến nay cũng chưa xác minh được hết. Từ đó mấy đứa ít gặp tôi. Có nhìn thấy nhau cũng tảng lờ như không quen biết. Ít lâu sau, thằng Vân, thằng Khâm bị cảnh binh xộc vào lớp bắt lúc đang ngồi học và tôi cũng không gặp lại thằng Quang nữa. Riêng tôi lúc ấy chưa tham gia tổ chức, là bạn bè thân thiết rủ rê thôi. Hòa bình rồi mới biết mấy đứa là đội viên “Thiếu niên Bát sắt”, thuộc tổ chức Công an thành.

Một hôm cảnh binh, mật thám kéo tới trường. Nó đề nghị thầy Hiệu trưởng Mai Phương tập họp thầy trò lại giữa sân và thông báo trong trường có nội gián mật của Việt Minh kháng chiến gài vào trà trộn dụ dỗ kích động học sinh làm loạn chống chính quyền. Nó nhắc các thầy hãy khuyên răn trò chuyên tâm vào việc học hành chứ đừng nghe theo ai học làm chính trị gây rối loạn quốc gia!          

Đến lượt tôi cũng bị cuốn hút vào cuộc chiến tranh. May mà còn sống. Sau năm 1954 tôi mới có dịp liên hệ với các tổ chức hoạt động nội thành để tìm các bạn.

Sau vụ cắm cờ, mấy đứa được gọi ra hậu cứ ở Cống Thần – Chợ Đại gì đó báo cáo thành tích, được tuyên dương khen thưởng và giao nhiệm vụ mới. Các cậu khóai trí rủ nhau ra phố chợ ăn uống và rì rầm to nhỏ khoe với nhau nên lọt vào tai mắt bọn mật thám gián điệp vòng ngòai. Chúng tôi lúc ấy đang ở tuổi nửa trẻ con nửa người lớn còn nhiều điều ngớ ngẩn ngây ngô lắm mà lại nhẩy vào cái chốn thiên la địa võng như thế thì thằng nào không chết mới là điều kỳ lạ! Khi trở vào thành các cậu bị chỉ điểm bắt ngay. Thằng Nguyễn Khâm bị nó giam ở Phùng rồi đem bắn bỏ trôi sông mất xác! Nhà nó không còn mở hiệu nhuộm ở phố Hàng Trống nữa, không biết dọn đi đâu?

Liệt sĩ Nguyễn Văn Khâm - ảnh trong bài: Người chiến sỹ công an treo cờ lên Tháp Rùa giữa vòng vây của địch

Còn Nguyễn Sỹ Vân, tôi vẫn có liên hệ với gia đình vì không hiểu sao nó có một mối giao cảm đặc biệt với tôi. Trong quá trình hoạt động có nhiều người gần gũi và đã hy sinh. Có những lúc nhớ từng người, từng khuôn mặt, cá tính và trường hợp hy sinh của họ. Nghề của tôi quen nhiều cảnh chết chóc. Dù xúc động bao nhiêu cũng không ai len vào tôi trong những giấc mơ ngay cả những người ruột thịt. Trường hợp của Vân là rất đặc biệt vì nhiều lần nó đến với tôi trong mơ. Có lần cười vui vẻ. Có lần buồn rười rượi. Nhưng lần nào cũng chỉ im lặng nhìn tôi rồi lặng lẽ ra đi. Có những lúc như nó nói điều gì đó nhưng nhỏ qúa tôi nghe không rõ hoặc là hai đứa có nói chuyện gì với nhau nhưng tỉnh dậy thì tôi quên hết ngòai hình bóng của nó lúc nào cũng âm thầm lặng lẽ. Tôi đem chuyện này nói với các bạn cùng học và cùng chiến đấu. Nhiều anh em còn nhiệt tình tâm huyết với đồng đội nhất là với những người đã hy sinh trong chiến đấu. Thời chiến tranh, người sống còn chưa yên nói chi đến việc đi tìm người chết. Nhưng đất nước hòa bình yên ổn rồi, không nghĩ tới những người đã nằm xuống cho hôm nay thì đến lúc qua thế giới bên kia làm sao dám nhìn mặt nhau nữa chứ!

Anh em liên hệ với đơn vị, tra tìm hồ sơ và biết: Sau khi bị bắt, Nguyễn Sỹ Vân kiên định lắm, không chịu khai báo gì cả dù bị tra khảo dã man. Nó đưa ra giam ở Ba Chẽ – Mống Cái. Sau đó Vân vượt ngục và bị bắn chết. Bao lâu nay gia đình vẫn đi tìm mộ dù cha mẹ Vân đã không còn. Mãi sau, nhờ gặp một người bạn chung tù mới biết chỗ nằm của Vân. Tuy nhiên để xác định rõ mộ phần cũng phải qua những khâu gọi là ngoại cảm mà xem ra không hợp với những người duy vật. Vì không dự vào mà chỉ được nghe thôi, tam sao thất bản, tôi không dám lạm bàn. Nhưng có một hiện tượng khiến tôi phải suy nghĩ  có sự giao cảm đặc biệt nào giữa người sống với người chết không?

Ngày 24 tháng 10 năm 2001, đơn vị phối hợp với gia đình cải táng hài cốt cho Vân. Lúc đó tôi đang ở thành phố Hồ Chí Minh, sức khoẻ không được bình thường nên tôi điện nhờ chị gái (người từng biết Vân là bạn tôi thời niên thiếu) cùng con trai tôi thay tôi tới thắp nén nhang trước hương hồn người bạn. Hơn nửa thế kỷ rồi, di cốt còn chẳng bao nhiêu! Trên đường từ Quảng Ninh về Hà Nội, anh em cho mở những bản nhạc và bài hát về Thủ đô là cách để tưởng nhớ người qúa cố. Cơ quan chủ quản, trường Chu Văn An cùng địa phương và gia đình phối hợp tổ chức tại trụ sở ở phố Hàng Bài vào buổi trưa hôm đó. Bỗng có con bướm trắng nhỏ ở đâu bay vào nhà và cứ lượn lờ chập chờn quanh quẩn mãi hồi lâu. Chị của Vân linh cảm sự bất thường, chắp tay khấn vái:

Vân ơi! Em sống vì tình, chết vì nghĩa. Mọi người vẫn nhớ thương em! Nay em về nằm nơi đất tổ, quây quần bên ông bà cha mẹ là người sống được an ủi và người thác thoả lòng. Việc đời vô tận, mỗi thời một việc. Phận sự em đã làm tròn, hồn em linh thiêng hãy thanh thản hòa vào trời đất núi sông phù trợ cho quốc thái dân an, cho các cháu em phương trưởng nên người”!

Bướm quanh quẩn mấy vòng rồi bay tít lên cao nhạt nhòa dần trong nắng! Điều này mọi người ở đó đều xác thực. Sau đó chuyển di cốt liệt sỹ về quê hương Chương Mỹ – Hà Đông vĩnh táng. Xe ngược đường đi một vòng quanh hồ Gươm để người thanh niên năm xưa nhớ lại một kỷ niệm mà ở đấy anh đã hiến dâng. Đi ngang chỗ đền Vua Lê thì xe nổ lốp! Chỗ này ngày ấy Vân xuất phát bơi ra gò tháp cắm cờ.

Một sự ngẫu nhiên trùng hợp đến lạ kỳ?! Cũng đúng thời khắc ấy, tôi đang ở quận Bình Thạnh, tuy mệt mà trong người cứ thấy bồn chồn. Tôi đến thăm một  người quen. Vừa bước vào nhà thì cũng có một con bướm trắng nhỏ bám theo. Căn nhà phố nhỏ mà bướm cứ bay lên xuống đảo lượn vòng quanh. Tôi đứng ngây ra xem bướm muốn gì. Có ai vô tình giơ tay đập mấy lần mà bướm vẫn nhởn nhơ chao đảo chợp chờn. Có người cản lại bảo chắc có điềm gì lạ đây. Bướm lượn lờ rồi vụt chao qua cửa lẫn vào trong nắng. Về nhà, tổng hợp tin từ Hà Nội với trong này, tôi giật mình nghĩ đúng là sự lạ! Ở thành phố, đâu dễ gì tìm ra con bướm. Lại cùng một thời điểm. Lại cùng một loại bướm trắng nho nhỏ mà dân gian quen gọi là bươm bướm ma, ta vẫn thường thấy ở ngòai đồng nội, nhất là những nơi nghĩa trang mồ mả.

Dù không mê tín dị đoan nhưng cũng không ai phủ định những điều huyễn hoặc về một cõi tâm linh có nhiều hay ít ở người này người nọ. Những con bướm ấy không phải là ma, nó biểu trưng cho một linh hồn lẫn thực lẫn hư. Nó là bướm linh của tôi, của bạn và của mọi nhà.  

Từ đó tôi còn gặp Vân vài lần thoảng qua như một cái bóng thôi. Chắc nó mãn nguyện rồi.

Thằng Khâm thì chưa biết trôi giạt nơi đâu!

Còn thằng Quang con nữa? Tôi đến chợ Châu Long tìm nhưng không nhớ nhà cụ thể. Nghe nói cả nhà nó di cư vào Nam và hình như nó được tổ chức đánh vào. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi vẫn lưu tâm tìm mà chưa biết nó lặn ở đâu. Tôi tin nó không bỏ cuộc đâu. Nó nhỏ con mà thông minh mưu mẹo lắm. Ngày Hội học sinh ở Nhà hát lớn, chính nó đầu têu nghĩ ra cái trò trộn bột tiêu bột ớt trong những ống lông ngỗng (ống thuỷ tinh nhỏ như lông ngỗng) giúi cho mấy đứa ngồi cao mãi trên tum. Khi lão Thủ hiến Bắc phần lên phát biểu thì mấy đứa mở cái ống ra vẩy xuống rồi phi tang luôn. Các vị quan khách tai to mặt lớn và diễn giả ở dưới tha hồ hắt hơi ào ào, nước mắt nước mũi chảy ra đầm đìa. Biết lũ qủy học trò phá đám nên đành bỏ cuộc! Đám cảnh binh mật thám lồng lộn lên mà không tìm ra thủ phạm! Mãi lâu sau, bạn tôi bên Bộ Công an cho biết cùng đợt ấy, Nguyễn Trọng Quang bị bắt tại nhà. Cảnh binh lục soát được khẩu súng ngắn giấu trên gác học. Bị truy vấn và tra tấn, Quang thể hiện khí phách kiên cường. Trong tù Quang còn kiếm phấn vẽ lên tường lá cờ tổ quốc. Không khuất phục được, bọn Phòng nhì đã hèn hạ ám hại một lúc mấy học sinh, chiến sỹ công an trẻ trung kiên!

Các bạn tôi chết lúc còn quá trẻ, mới chừng 15 – 17 tuổi, chưa có ý thức gì sâu sa lắm đâu. Sự hy sinh của các bạn thật hồn nhiên và âm thầm lặng lẽ. Chúng tôi yêu lá cờ tự nhiên như vui với cảnh nhiều nhà buôn hàng phố tíu tít rủ nhau tặng hàng xúc vải đỏ vải vàng cho các đoàn thể rộn rã may cờ để nhà nào dù nghèo cũng có lá cờ rạng rỡ tung bay trước cửa trong ngày độc lập, như được sẻ chia niềm vui sướng của những cụ già run rẩy trên chiếc ghế cao tự tay treo lá cờ ngay trước nhà mình với vẻ mặt hả hê, như lòng phơi phới nhìn dãy phố đỏ rực lên màu cờ lẫn với màu hoa phượng, như say trong đoàn thiếu niên đội mũ chào mào đánh trống ếch cà rùng rung rinh những lá cờ đỏ có riềm tua vàng óng, như mặt hồ sóng sánh long lanh màu hồng tươi vàng chói lẫn màu hoa, màu cờ, lung linh trong sắc nước mây trời. Tình cảm đó đầy lên mãi thành sâu sắc và thiêng liêng theo dặm dài những bước chân đi. Lúc ấy chưa đứa nào biết yêu đâu. Nghĩ tới một nụ hôn của người con gái vừa thèm vừa ngơ ngẩn mơ hồ không biết sẽ làm gì? Giống như người con gái nghĩ tới lần đầu được hưởng tình yêu vừa sướng run lên lại vừa sợ hãi!

Giá như các bạn tôi còn đến hôm nay. Trong chiến đấu, chuyện sinh–tử không sao tránh khỏi. Ai thoát được là mừng và mừng hơn nữa là đến chót đời mình vẫn nguyên vẹn là mình!

Tôi luôn mong mọi điều tốt đẹp ta dâng hiến cho đời và đời tặng lại cho ta!

    Tạo hóa ban cho ta tất cả:

    Sức mạnh–Tình yêu–Tiền bạc–Trí khôn

    Ta lại đem cho đi tất cả

    Chẳng còn gì khi về cõi thiên thu

    Thà là hạt phù sa theo nước cuốn

là hạt cát dưới chân người bước

là giọt nắng reo vui những sớm mai

là ngọn gió lành giữa trời nắng gắt

    Và cuộc sống sẽ không bao giờ tắt!

 

(đón đọc Chương 3: LÍNH CẬU VÀO ĐỜI)

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_HNBDa.php

11-Nov-2017

Trang Văn Học




Đó đây


2024-04-19 - HOÀNG NAM: DÂN TA ĐÃ QUÁ NHÂN TỪ VỚI HỌ NGÔ - Gửi Hoàng Nam, chủ kênh Challenge Me.

2024-04-18 - "THUẾ THUỘC ĐỊA" - 60 NĂM CHÂU PHI VẪN LÀ BÒ SỮA NUÔI BÉO NƯỚC PHÁP -

2024-04-18 - Ổi Xanh: 274. Ông Võ Văn Thưởng từ chức. Thái độ của HDH và một số YouTuber... bố đời. -

2024-04-17 - Sidney, Úc: 1 Giám mục bị đâm trong lúc làm lễ - Không biết Chúa làm gì mà bắt các giám mục của Chúa phải đổ vỏ! Các đây mấy năm, có viên chức chính phủ đề nghị treo bảng ở các nhà thờ "Đây là nơi nguy hiểm cho trẻ con"

2024-04-16 - Đọc báo QĐND - Bài viết: Không "chính trị hoá" các vụ án kinh tế -

2024-04-14 - Trực tiếp tại Ấp Chiến Lược Bolsa? Quê hương Nhà dâm chủ cuội Nguyễn Văn Đài Rè - Bạn có tin ở đây là Hưng Yên, gần Hà Nội? Cứ tưởng như một thành phố ở Châu Âu!

2024-04-13 - Nhận Diện Cách Mạng Màu Tại Việt Nam -

2024-04-12 - 326-2: Vì Sao Không Thể Đặt Tên Đường Lê Văn Duyệt Ở Quãng Ngãi? -

2024-04-12 - 326-1: Người Việt Theo Đạo Ki-tô La-mã Nhớ Ơn Lê Văn Duyệt -

2024-04-12 - Tại Sao Bộ Giáo Dục Chọn Ông Trùm Lật Sử Vũ Minh Giang Làm Tổng Chủ Biên - Xuyên Suốt Sách Giáo Khoa Lịch Sử.



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-04-16 - Bất bình trước sự san bằng, trộn lẫn CHÍNH /TÀ của những người mù sử: HOÀNG NAM - Chủ kênh Challenge Me - FB Lý Thái Xuân -

● 2024-04-01 - Phim ĐÀO PHỞ & PIANO -Tại sao không nên đánh dấu người yêu nước bằng biểu hiệu của một tập thể thiểu số - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -

● 2024-01-29 - Kinh Khải Huyền Cho Biết Jesus Là Một Tên Ác Qủy Đê Tiện, Man Rợ - Ri Nguyễn -

● 2024-01-29 - Vatican Cho Phép Linh Mục Hiếp Dâm Trẻ Con - Đó là chính sách! - Ri Nguyen -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 >>>