●   Bản rời    

Hệ Lụy Của Phán Quyết Ngày 12 Tháng 7 Năm 2016 Của Tòa Án PCA về Vụ Kiện Của Philippines

Hệ Lụy Của Phán Quyết 12 Tháng 7, 2016 Của Tòa Trọng Tài Thường Trực ở LaHaye về Vụ Kiện Của Philippines

TS. Nguyễn Nhã

http://sachhiem.net//THOISU_CT/ChuN/NguyenNha_02.php

16-Jul-2016

Tôi cũng tin Việt Nam đủ khôn ngoan, học những bài học của tiền nhân, nhất là triết lý sống của người Việt Nam có thể quảng bá cho triết lý giáo dục tại các trường đại học trên thế giới để cứu nhân loại. (SH)

tòa trọng tài thường trực

Phán Quyết ngày 12 Tháng 7, 2016 của The Permanent Court of Arbitration (PCA), Tòa Trọng Tài Thường Trực ở LaHaye về vụ kiện của Philippines là phán quyết mang tính lịch sử của nhân loại. Thế chiến lần thứ 2, 1945 kết thúc với hai quả bom nguyên tử và đến nay thế giới có hàng ngàn quả bom nguyên tử, hạt nhân cùng vũ khí hủy diệt hàng loạt, liệu thế giới, nhân loại trước nguy cơ diệt vong, hủy diệt có cách nào tránh được thảm họa chiến tranh thế giới lần thứ ba?

Không có cách nào khác, thế giới phải có luật pháp quốc tế như Hiến chương Liên Hiệp Quốc hay luât pháp quốc tế hoặc Công ước Liện Hiệp Quốc về luật biển 1982 với sự tham gia ký kết của hàng trăm quốc gia trên thế giới trong đó có các nước lớn, nước nhỏ, phải được các quốc gia ký kết tuân thủ.

Nếu vì bất cứ lý do nào, các nước đã ký kết thấy nước mình bất lợi, nhất là các nước lớn đang có tham vọng bành trướng, muốn xử ép bắt nạt các nước nhỏ, nhất định không tuân thủ dù biết chắc tính hợp pháp, có thẩm quyền mà luật pháp quốc tế công nhận tính pháp lý của các phán quyết của toàn án quốc tế trong đó có Toà Án Trọng Tài Thường Trực PCA ở LaHaye ngày 12 tháng 7 năm 2016.

Dư luận quốc tế rất đồng tình vế phán quyết của Toán Án PCA ở LaHaye ngày 12 tháng 7 năm 2016 là rất nghiêm chỉnh, rất khách quan, rất sắc sảo...

Trước hết hệ lụy đối với Việt Nam ra sao? Tôi còn nhớ hồi hội thảo về Biển Đông do Trường Phạm văn Đồng tổ chức tại Quảng Ngãi, GS Ngô Vĩnh Long có phát biểu nếu Philippines thắng kiện, Việt Nam sẽ có lợi.

Bây giờ chuyện đã xảy ra, Phán quyết của Tòa án Luật Biển LaHaye ngày 12 tháng 7 vừa qua đã tuyên án đường Lưỡi Bò là không có cơ sở pháp lý. Như thế việc cấm đánh bắt cá của Trung quốc cũng như các tầu Trung Quốc đâm húc tầu cá của Việt Nam bị chìm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay vùng hải phận quốc tế là vi phạm pháp luật quốc tế.

Nên chăng người Việt Nam nhanh chóng thành lập Hiệp hội bảo vệ ngư dân Việt Nam ở Biển Đông ở trong và ngoài nước, trong đó có hàng chục hay hàng trăm vụ đã hay sẽ bị tầu đâm thủng chìm và có cả ngư dân chết phải được bồi tường thiệt hại.

ngư dân ở đảo Lý Sơn

Trong Hội thảo quốc tế về lịch sử chủ quyền tại Đà Nẵng năm 2014, luật gia nổi tiếng người Mỹ Jerom Cohen đã phát biểu nếu Trung Quốc phải đối diện với tố tụng quốc tế, thế nào Trung Quốc cũng phải suy nghĩ.

Có người nói Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam, nhất là đánh chiếm các đảo ở Trường Sa. Điều này rất khó xảy ra vì chẳng có lợi cho ai cả kể cả Trung Quốc vì Việt Nam đã đề phòng kể cả việc trang bị vũ khí cùng cách đối phó và lực lượng quân sự quốc tế từ M , Nhật, Úc không để yên và chỉ đẩy Việt Nam vuột khỏi vòng kiểm chế của Trung Quốc một cách toàn diện.

Về hệ lụy với thế giới và các nước Đông Nam Á, như trên đã nói chiến tranh khó có thể xảy ra thì tất nhiên rồi đây cả thế giới cũng như Trung Quốc phải tìm cách hạ nhiệt bằng cách thương thuyết đa phương hay song phương. Cách của Trung Quốc thì mọi người đã biết, luôn luôn tỏ ra vẻ cứng rắn do nhiều lý do trong đó có lý do phải đoàn kết nội bộ quá nhiều khó khăn và Trung Quốc cho hiện nay là thời cơ thuận lợi cho Trung Quốc: các cường quốc Phương Tây đang gặp nhiều khó khăn lại đang cộng sinh với Trung Quốc, còn Việt Nam lại đang yếu thế nhất là sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, Trung Quốc đã không còn giấu giếm tuyên truyền cho người dân Trung Quốc Việt Nam là thuộc quốc nhất là từ Hà Tĩnh trở ra làđất của Trung Quốc, bây giờ Trung Quốc trỗi dậy phải lấy lại. Song người Trung Trung Quốc không chịu tìm hiểu lịch sử Việt Nam; lịch sử Việt Nam có nhiều nghịch lý, ngay trong thời đấu tranh giành độc lập cũng như sau khi giành độc lập từ thế kỷ thế X đến thời vua Bảo Đại luôn tự xưng là hoàng đế. Chính vì thế, Trung Quốc biết thế nào sau Phán quyết, đàng nào Trung Quốc cũng vẫn được thế giới chấp nhận tình trạng Trung Quốc vẫn chiếm đóng Hoàng Sa và 9 đá ở Trường Sa cùng với Đài Loan đang chiếm đảo lớn nhất ở Trường Sa. Chắc chắn bất cứ chính quyền nào ở Việt Nam sẽ không bao giờ rời bỏ chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa vì sự thật chủ quyền của Việt Nam đã quá rõ ràng rồi.

Chắc chắn các nước ASEAN đang tranh chấp hoặc không mà lại có chung bờ biển ở Biển Đông sẽ khai thác Phán quyết và khẳng định lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của mình theo Luật biển mà Trung Quốc không thể sử dụng vùng Lưỡi bò quyền lịch sử của mình nữa.

Còn hệ lụy cho thế giới về việc Trung Quốc không chấp hành Phán Quyết mặc dù Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 với phụ lục VII mà Trung quốc đã ký kết thì luật pháp quốc tế, trật tự thế giới sau này sẽ ra sao? Chả lẽ sẽ sinh ra tiền lệ hễ khi nào thấy phán quyết không có lợi cho mình thì các nước nhất là các nước lớn cậy mình có sức mạnh sẽ không tuân thủ, không thừa nhận có Luật pháp quốc tế nữa.

Tôi đã từng đọc kết luận của một luận án tiến sĩ về tranh chấp ở Biển Đông ở Đại Học Sorbonne của một người Đài Loan cho rằng không khi nào Trung Quốc chịu tham gia vào tòa án quốc tế về Biển Đông vì Trung Quốc không có cơ sở nào về lịch sử, còn nói Trung Quốc có quyền lịch sử từ thời cổ đại. Thế thì trật tự thế giới này sẽ ra sao, và thật buồn cười khi Hy Lạp, La Mã, Anh, Pháp... rồi đây sẽ dùng luận điểm lịch sử như thế! Chúng ta cũng thừa biết thời kỳ cá lớn nuốt cá bé đã qua rồi. Những nước rất nhỏ như Thụy Sỹ, các nước Bắc Âu vẫn có tiếng nói rất được nể trọng và không có chuyện các nước nhỏ này lại bị xóa tên trên bản đồ thế giới trong đó có Việt Nam vốn có lịch sử hàng ngàn năm nay như thế nào rồi!

Và như thế chắc chắn rồi đây thế giới sẽ có cách khiến Trung Quốc phải suy nghĩ. Ta cũng không cần căng với Trung Quốc để xảy ra chiến tranh hủy diệt thế giới. Ngay bây giờ và tương lai, Mỹ vẫn có khả năng cấm vận từng phần hay toàn diện khiến Trung Quốc phải sụp đổ.

Tôi cũng tin Việt Nam đủ khôn ngoan, học những bài học của tiền nhân, nhất là triết lý sống của người Việt Nam có thể quảng bá cho triết lý giáo dục tại các trường đại học trên thế giới để cứu nhân loại. Bài học đó là:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Giàn đây là giàn trái đất, giàn nhân loại và có khi cả giàn vũ trụ. nếu nhân lọai một ngày nào đó sẽ di dân lên một hành tinh khác như sao hỏa chẳng hạn. Thế giới này có thể bị diệt vong vì có các vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng lọat và nhất là mặt trái tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đó có sự biến đổi khí hậu.

Hãn Nguyên Nguyễn Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học

(Trưởng Đề án bếp Việt- Bếp của Thế giới)