●   Bản rời    

Cùng Một Lúc Không Thể Vừa Là Tay Sai, Vừa Là Đồng Minh

Cùng Một Lúc Không Thể Vừa Là Tay Sai, Vừa Là Đồng Minh

Gửi Tác Giả Lữ Giang

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/NMQ58.php

25-Nov-2015

Quan hệ chủ tớ hoàn toàn khác biệt với quan hệ bạn bè, đồng minh. Thời Việt Nam Cộng Hòa, từ Đệ Nhất đến Đệ Nhị, chưa hề là đồng minh của Hoa Kỳ. Ai ký kết đồng minh với VNCH lúc nào? Trong lịch sử thế giới này, ai cũng chỉ biết có các khối Đồng Minh thời Thế Chiến II, Anh - Pháp - Nga - Mỹ,.. mà thôi, không ai biết khối Đồng Minh Mỹ-Việt lúc nào cả. (NMQ)

Ngày 20/10/2015, ông Lữ Giang cho phổ biến trên các diễn đàn điện tử bài viết có nhan đề là “Thi Hành Lệnh Truất Phế Bảo Đai”, trong đó, ông khẳng định rằng, ông Ngô Đình Diệm thực sự là tay sai của Mỹ, được Mỹ sử dụng đưa về Việt Nam cầm quyền để “thi hành lệnh truất phế Bảo Đai” do Mỹ đã sắp đặt sẵn. Sự kiện đó có khác gì làm tay sai cho Mỹ? Dù rằng đã khẳng định sự thực lịch sử là như vậy, nhưng trong phần kết luận, ông Lữ Giang lại dấm dớ, mớm cho người đọc hai chữ "đồng minh" trong câu: “Làm “Đồng Minh” của Mỹ quả thật vừa phức tạp vừa nghiệt ngã, vì Mỹ thường coi những người được họ yểm trợ hay xử dụng chỉ là công cụ từng giai đoạn, xài xong rồi bỏ” thay vì dùng cụm từ “nhân viên thừa hành của nhà nước Hoa Kỳ”.

Dùng chữ "đồng minh" khi đã biết ông Diệm chỉ là thân phận "tay sai", ông Lữ Giang vẫn còn có chủ tâm muốn chạy tội cho ông Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông ta, thói quen mà từ mấy chục năm nay chính ông Lữ Giang và những giới con chiên cầm bút người Việt thường làm. Chẳng hạn như họ luôn luôn phủ nhận và chạy tội cho chính sách bách hại Phật Giáo mà điển hình là vụ thảm sát Phật tử ở Huế vào chiều tối ngày 8/5/1963 bằng cách đổ vấy cho Việt Cộng ném lựu đạn vào đám đông Phật tử đang biểu tình, (điều oái oăm là họ lại cứ luôn miệng cho rằng Việt Cộng đã đội lốt Phật tử) và đồ vấy cho Mỹ đã sắp đặt việc làm đại gian đại ác của họ. Thế rồi họ cho phổ biến những tin tức sai lạc đó theo kế sách “Tăng Sâm giết người” (nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho quen tai thành sự thật) và kế sách "cả vú lấp miệng em”. Chúng tôi xin có vài nhận xét (nền trắng) trong bài viết của ông Lữ Giang (nền xám) như sau.

Ngô Đình Diệm hôn nhẫn Hồng Y Spellman

LG: 1.- Như chúng tôi đã nói nhiều lần, khi các tài liệu căn bản về chiến tranh Việt Nam đã được công bố gần hết, chúng ta không còn có thể ngồi viết hay nói theo cảm tính, tức theo ý muốn của mình được nữa, vì các thế hệ tới, nhất là các sử gia, sẽ không viết lịch sử chiến tranh Việt Nam theo như chúng ta nghĩ hay muốn, mà viết căn cứ vào các tài liệu lịch sử đã được công bố. Mọi cố gắng tô hồng hay bôi đen theo cảm tính trong suốt 40 qua sẽ trở thành vô nghĩa.

NMQ: Đúng lắm.

LG: 2.- Về vai trò của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng vậy, thời kỳ biểu hiện cảm tính bằng cách hoan hô hay đả đảo Ngô Tổng Thống đã qua rồi, bây giờ đến giai đoạn phải làm sáng tỏ lịch sử. Các huyền thoại phải bỏ lại đàng sau.

3.- Trong bài này chúng tôi chỉ xin trình bày một sự kiện lịch sử thường hay được nêu lên mỗi khi đến ngày lễ giỗ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đó là việc truất phế Bảo Đại. Một câu hỏi đã được đặr ra: Quốc Trưởng Bảo Đại là người đã đưa ông Diệm về lãnh đạo đất nước với sự tin tưởng rằng ông Diệm có thể giúp ông giữ ngôi báu và đưa đất nước qua những ngày đen tối, tại sao ông Diệm lại tổ chức truất phế Bảo Đại?

NMQ: Đoạn văn trên đây cho thấy rõ ông Ngô Đình Diệm là tên phản thần. Hành động nảy của ông Diệm là bản chất phản trắc của ông. “Giang sơn dị cải, bản chất nan di”. Cũng vì thế mà trong cuộc đời của ông Diệm, từ khi bước vào chốn quan trường làm tay sai cho cả Vatican và Pháp vào cuối thập tiên 1910 cho đến khi bị quân dân miền Nam lôi ra đập chết vào lúc khoảng 7 giờ sáng ngày 2/11/1963, ông ta luôn luôn chạy theo bất kỳ cá nhân hay thế lực nào mà ông ta hy vọng mang lại danh lợi cho ông ta, và không ngần ngại phản lại họ khi thấy rằng những cá nhân hay thế lực đó trở thành bất lợi cho ông ta. Vấn đề này đã được chúng tôi nói rõ trong tiểu mục IX với tựa đề là Một Số Những Việc Làm Tàn Ngược Của Ông Diệm.” (http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH63_1a.php )

LG: 4.- Vấn đề có lẽ không chỉ đơn giản như vậy. Ngày 29.4.1955 Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng gồm đại diện các đoàn thể và giáo phái đã họp tại Dinh Độc Lập và ra nghị quyết truất phế Bảo Đại, và ngày 30.4.1955 họ đã kéo nhau ra Tòa Đô Chánh Sài Gòn công bố nghị quyết này và hạ hình Bảo Đại xuống. Dân chúng reo hò đá đảo Bảo Đại và ủng hộ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Nhưng sau đó Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lại phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23.10.1955 để truất phế Bảo Đại một lần nữa. Tại sao có chuyện lạ như vậy?

Quốc Trưởng Bảo Đại đang duyệt binh tại Hòa Bình ngày 28.12.1951

5.- Đây là một vấn đề khá phức tạp, chúng tôi sẽ trình bày đầy đủ trong cuốn “Người Mỹ đã xây dựng rồi phá sập chế độ Ngô Đình Diệm như thế nào?”. Ở đây chúng tôi chỉ xin trình bày một số tài liệu chính để đọc giả có thể thấy: Lệnh truất phế Bảo Đại xuất phát từ đâu và tại sao Bảo Đại lại bị truất phế đến hai lần?

NMQ: Câu văn Người Mỹ đã xây dựng rồi phá sập chế độ Ngô Đình Diệm như thế nào? cho chúng ta thấy rõ, (1) phương cách mà người Mỹ dựng nên hay “đẻ ra” hoặc “cho ra đời” chế độ Ngô Đình Diệm (ngầm hiểu là để làm tay sai phục vụ cho quyền lợi của người Mỹ), (2) rồi sau đó Ngô Đình Diệm sinh chứng phản lại người Mỹ bằng hành động thi hành chính sách Ki-tô hóa miền Nam bằng bạo lực) cho nên người Mỹ lại phải tìm phương cách “phá sập” chế độ phản tiến hóa và bạo ngược này của ông Diệm.

LG:

“CHÍNH SÁCH TIỀN ĐỊNH”

6.- Trong cuốn “Gọng kìm lịch sử, hồi ký chính trị”, ông Bùi Diễm có viết về việc truất phế Bảo Đại năm 1955 như sau:

Không ai rõ tại sao ông Diệm phải có thái độ quyết liệt như vậy. Vì dầu sao ông cũng là người phải “trung quân, ái quốc”, trọng đạo quân thần, từng làm quan to trong triều đình Huế, nên không ai cho rằng ông muốn lật đổ Cựu Hoàng. Trái lại, mọi sự nghi ngờ đều đổ vào đầu ông Nhu cả, người được coi là có đủ mọi thủ đoạn đối phó và ứng biến (trong một buổi hàn huyên chuyện cũ với tôi năm 1991, cựu Quốc Trưởng không hề tỏ ý oán hận ông Diện và chỉ nói là ông Diệm đã bị gia đình ảnh hưởng).” (tr. 155).

7.- Ông Bùi Diễm đã từng là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng dưới thời chính phủ Phan Huy Quát và là một viên chức ngoại giao cao cấp của VNCH, nghe nói ông còn là một “agent” của CIA, nhưng cũng như nhiều viên chức cao cấp khác của VNCH, ông biết rất ít Mỹ đã làm gì trên đất nước và cũng không đọc tài liệu lịch sử để biết chính xác những chuyện Mỹ đã làm, nên ông mới viết như vậy.

NMQ: Trong hai đoạn 6 và 7 trên đây, ông Lữ Giang đã nhận xét rất đúng về trình độ hiểu biết lịch sử và kiến thức tổng quát quá ư hữu hạn của ông Bùi Diễm. Thực ra, ông Bùi Diễm là một trong những trí thức khoa bảng (trong xã hội miền Nam thời 1954-1975) với mớ kiến thức bất quân bình, nghĩa là ông ta rất dốt về (a) lịch sử thế giới, (b) lịch sử Giáo Hội La Mã, (c) lịch sử Việt Nam thời cận và hiện đại, và rất yếu kém về kiến thức tổng quát. Vì thế cho nên ông Diễm mới đặt ra vấn đề “trung quân, ái quốc”, “trọng đạo quân thần”, v.v… với một con chiên Ca-tô siêu cuồng tín như ông Ngô Đình Diệm.

LG: 8.- Ngày 25.6.1954 ông Diệm về nước giữa cảnh hoang tàn. Ngày 6.7.1954 ông lập chính phủ và ngày 7.7.1954 ông ra mắt chính phủ nên ngày đó thường được gọi là “Ngày Song Thất”.

Thủ Tướng Ngô Đình Diệm

9.- Chỉ hơn một tháng sau, hôm 12.8.1954, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã họp và đưa ra Nghị Quyết số NSC 5029 với đầu đề “Duyệt xét lại chính sách của Hoa Kỳ ở Viễn Đông”, nhận xét về những hậu quả của Hiệp Định Genève và đưa ra một số biện pháp để đối phó. Nghị Quyết cũng đồng ý rằng ông Diệm phải mở rộng căn bản chính trị, soạn thảo hiên pháp và truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp.

10.- Hôm 20.8.1954, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia lại họp và đưa ra Nghị Quyết số NSC 5429/2 ấn định chính sách của Hoa Kỳ sau Hiệp Định Genève. Nghị Quyết nhận định rằng Pháp đã mất ý chí chiến đấu tại Việt Nam và đưa ra kế hoạch để đảm đương vai trò của Pháp trên đất nước này. Nghị Quyết ghi:

11.- “Pháp phải trao trả hoàn toàn độc lập (kể cả quyền rút lui khỏi Liên Hiệp Pháp) cho Việt Nam và ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh. Diệm phải mở rộng căn bản chính phủ, bầu cử quốc hội, soạn thảo hiến pháp và truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp.”(France must grant total independence (including right to withdraw from French Union) to South Vietnam and support a strong indigenous government. Diem must broaden the governmental base, elect an assembly, draft a constitution and legally dethrone Bao Dai). [Gravel Edition, The Pentagol Papers, Volume I, Beacon Press, Boston 1971, tr. 303]

12.- Pháp cũng đồng ý với Mỹ như vậy. Ngày 31.7.1954, ông Guy La Chambre, Bộ Trưởng Các Quốc Gia Liên Hiệp của Pháp, tuyên bố cần phải thực hiện ba việc sau đây:

- Thành lập một chính phủ đại diện cho toàn Miền Nam.

- Thực hiện cải cách ruộng đất

- Truất phế Bảo Đại và thành lập chế độ cộng hòa.

13.- Chúng tôi gọi đây là “Chính Sách Tiền Định”, vì nó đã được chính quyền Eisenhower phác họa ngay từ khi ông Diệm mới trở về cầm quyền và được áp dụng một cách chặt chẽ, đẩy chính phủ Ngô Đình Diệm đi theo. Chính sách đó được thu gọn trong những chữ vắn tắt được ghi trong Nghị quyết số NSC 5429/2:

1.- Truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp (legally dethrone Bao Dai).

2.- Bầu cử quốc hội và soạn thảo hiến pháp (elect an assembly, draft a constitution).

3.- Mở rộng căn bản chính phủ (broaden the governmental base).

4.- Ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh (a strong indigenous government).

14.- Về việc hình thành “một chính phủ bản xứ mạnh”, tài liệu cho biết chính quyền Eisenhower muốn ông Diệm thành lập một chế độ độc đảng theo mô thức Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch để đối đầu với Cộng Sản. Ông Ngô Đình Nhu đã thành lập tổ chức đó và đặt tên cho nó là “Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng” (Revolutionary Personalist Labor Party). Hai chữ “Nhân Vịchỉ mới là một ý niệm được dùng để đối với hai chữ "Cộng Sản", nó chưa được xây dựng thành một chủ nghĩa nên không có giá trị thực dụng như chủ nghĩa cộng sản, mặc dầu sau này có nhiều người đã thêm râu ria vào để biến nó thành huyền thoại.

15.- Năm 1955, Đại tá Edward Lansdale rồi Tướng Joseph Lawton Collins đã được Tổng Thống Eisenhower lần lượt đưa qua Việt Nam để thực hiện các kế hoạch nói trên. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ nói đến kế hoạch truất phế Bảo Đại. Sở dĩ cả Mỹ lẫn Pháp đã quyết định như vậy vì Bảo Đại lúc đó chỉ lo ăn chơi, không quan tâm gì đến việc nước.

NMQ: Trong toàn bộ từ đoạn văn từ số 9 cho đến đoạn văn số 15 trên đây, ông Lữ Giang cũng nhận thấy rằng Hoa Kỳ đã hoạch định sẵn một kế hoạch với nhiều chi tiết và chỉ định cho Đại tá Edward Lansdale rồi Tướng Joseph Lawton Collins đến Sàigòn để đôn đốc chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành. Vấn đề này đã được tôi nói rõ trong Mục “D” có tựa đề là đề “Vatican Cấu Kết Với Mỹ Đưa Ngô Đình Diệm Về Việt Nam Cầm Quyền Làm Tay Sai Cho Cả Mỹ Và Vatican”, Phần Hai “Sơ Lược Một Số Biến Cố Lịch Sử Quan Trọng”, tập sách “Một Số Điều Gian Dối Trong Cuốn Công Và Tội Của CT Hồ Chí Minh Và ĐCSVN 1945-2006 Của Tác Giả Hoàng Ngọc Thành”. Phần Hai này có thể đọc online trên sachhiem.net. (http://sachhiem.net/NMQ/HGNGTH/NMQ02.php)

Trong đoan văn 15, ông Lữ Giang viết rằng, “Sở dĩ cả Mỹ lẫn Pháp đã quyết định như vậy vì Bảo Đại lúc đó chỉ lo ăn chơi, không quan tâm gì đến việc nước”. Viết như vậy là ông Lữ Giang giả bộ không biết rằng người ta đã rõ cái bản chất “ăn chơi đàng điếm của ông Bảo Đại” từ mấy chục năm trước, chứ đâu phải mới "lúc đó." Các nhà viết sử đã phải ghi nhận ông ta là “playboy” và ”một tay ăn chơi trác tang, một kẻ phàm ăn”:

Đòi hỏi của Bảo Đại làm cho người Pháp ngạc nhiên. Họ coi ông ta chỉ là một tên ăn chơi đàng điếm.” “Bao Dai’s demands came as a surprise to the Frenchmen who looked upon him as nothing but a playboy.” (1)

Vào thời điểm đó, Ngô Đình Diệm là Thủ Tướng, làm việc dưới sự chỉ đạo của một con bù nhìn chính trị khác là Bảo Đại, người từng nhiều năm phục vụ cho người Pháp với tư cách là “hoàng đế”. Tuy nhiên, Bảo Đại là một tay ăn chơi trác táng, một kẻ phàm ăn. Ông đã đốt một phần lớn cuộc đời mình trong các buổi tiệc tùng ở Pháp trong khi tổ quốc ông quằn quại trong loạn lạc và đói kém.” (2)

Sư kiện này cả Mỹ và Vatican đều biết cả. Còn kế hoạch truất phế Bảo Đại là do cả Mỹ và Vatican đều chủ trương như vậy. Đối với Mỹ, việc ông Bảo Đại nhất định sống ở Pháp là một trở ngại, gây khó khăn cho việc trực tiếp ra lệnh cho ông ta thi hành những lệnh truyền của họ. Đối với Vatican thì việc truất phê Bảo Đại để đưa Ngô Đình Diệm (một con chiên cuồng tín) là một việc làm cần thiết. Có như vậy thì mới dễ dàng ra lệnh cho ông Diệm tổ chức đại lễ dâng nước Việt Nam cho Vatican và tiến hành kế hoạch Ki-tô hóa bằng bạo lực theo chỉ tiêu trong vòng mười năm toàn thể nhân dân miền Nam phải theo đạo Ki-tô như ông Ngô Đình Nhu đã tuyến bố:

Tôi có cả một chương trình đã bàn kỹ với Đức Giám Mục sẽ lần hồi tiến chố mà Hội Truyền Giáo hoạt động một thế kỷ mới đạt tới, còn chúng ta chỉ cầm quyền mười năm thôi là cả miền Nam này sẽ theo Công Giáo hết.” (3)

LG:

CÁC GIÁO PHÁI VÀ ĐOÀN THỂ TRUẤT PHẾ BẢO ĐẠI

16.- Tháng 4/1955, với sự đồng tình của Bảo Đại và sự yểm trợ của Pháp, lực lượng Bình Xuyên nổi lên đánh chiếm các vùng quanh và trong Sài Gòn. Trong khi tiếng súng đang nổ ở khu trường Petrus Ký, đường Trần Hưng Đạo, khu Bàn Cờ, cầu Ông Lãnh, v.v., ngày 29.4.1955 đại diện 18 đảng phái, đoàn thể và 29 nhân sĩ có tên tuổi đã đến dự cuộc họp tại Phòng Khánh Tiết của Dinh Độc Lập vào lúc 10 giờ. Ba Tướng Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Giác Ngộ và Trình Minh Thế cũng có mặt. Trong số các nhân sĩ, người ta chú ý đến các nhân vật sau đây: Luật sư Hoàng Cơ Thụy, Luật sư Vũ Văn Mẫu, Giáo sư Vũ Quốc Thông, Giáo sư Vũ Quốc Thúc, Luật sư Trần Thanh Hiệp, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn (Tịnh Độ Cư Sĩ), Giáo Sư Phạm Việt Tuyền, ông Bùi Quang Nga, ông Nguyễn Hữu Khai, ông Huỳnh Minh Ý, v.v.

17.- Luật Sư Vũ Minh Trân có mặt tại cuộc họp cho biết ông không thấy ông Diệm mà chỉ thấy ông Bùi Văn Thinh, Tổng Trưởng Tư Pháp. Luật sư Hoàng Cơ Thụy liền nói với ông Bùi Văn Thinh rằng để tránh mọi dị nghị, ông không nên có mặt. Ông Thinh liền bỏ đi.

18.- Cuộc thảo luận rất gay cấn, kéo dài từ 10 giờ 30 sáng đến 4 giờ chiều mới biểu quyết xong bản tuyên cáo nguyên văn như sau:

1.- Tuyên bố truất phế Bảo Đại kể từ ngày 29.4.1955.

2.- Tuyên bố Bình Xuyên là phiến loạn.

3.- Giải tán chính phủ Ngô Đình Diệm do Bảo Đại lập ra, cũng kể từ ngày 29.4.1955.

4.- Do sự đòi hỏi của tình thế nghiêm trọng hiện tại, tuyên bố ủy nhiệm chí sĩ Ngô Đình Diệm thành lập một chính phủ lâm thời quốc gia Việt Nam kể từ ngày 29.4.1955 với ba nhiệm vụ:

a) Dẹp phiến loạn Bình Xuyên để duy trì an ninh trật tự;

b) Buộc Quân Đội Viễn Chinh Pháp lập tức triệt thoái khỏi lãnh thổ Việt Nam để kiện toàn độc lập.

c) Tổ chức tổng tuyển cử Quốc Hội để trao trả chính quyền cho quốc dân.

19.- Mặc dầu chưa có ý kiến của ông Diệm, ngày 30.4.1955 Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng đã tổ chức một cuộc họp tại Phòng Khánh Tiết Tòa Đô Chánh Sài Gòn, trình bày diễn biến cuộc họp ngày hôm trước. Có khoảng 200 người tham dự. Ba tướng Nguyển Thành Phương, Nguyễn Giác Ngộ và Trình Minh Thế xuất hiện cùng một lúc đã được dân chúng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Các đại diện đã thay nhau lên diễn đàn tố cáo Bảo Đại là bù nhìn, không xứng đáng đại diện cho Việt Nam. Sau đó, Hội Đồng công bố bản tuyên cáo đã đọc hôm qua.

20.- Trong không khí sôi sùng sục, một số người đã trèo lên Tòa Đô Chánh gỡ chân dung Bảo Đại ném xuống đường giữa trời mưa.

NMQ: Tất cả các đoạn văn trên cho thấy rõ ý đồ của nhà Ngô là giao phó cho bọn xu thời trình diễn tấn tuồng truất phế Bảo Đại mà tường rằng người Mỹ sẽ cho là tuyệt chiêu, khiến cho người ngoài lầm tưởng rằng đây là phong trào tự phát của nhân dân Miền Nam đứng truất phế ông Bảo Đại và tự động đưa ông Ngô Đình Diệm lên thay thế làm “quốc trưởng”.

LG:

MỸ RA LỆNH PHẢI LÀM LẠI

21.- Trong khi Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng đang bàn cải về việc phân chia chính quyền, ngày 3.5.1955 Tướng Joshep Lowton Collin, Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền của Tổng Thống Eisenhower tại Sài Gòn, đến gặp ông Diệm lúc 20 giờ và cho biết: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng nếu truất phế Bảo Đại theo yêu cầu của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia, tình hình sẽ rất nguy hiểm. (FRUS, 1955 – 1957, Vulume I, trang 359 – 360). Nói một cách khác, Bộ Ngoại Giao muốn truất phế Bảo Đại bằng con đường hợp pháp chứ không phải bằng đảo chánh như Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng đã làm, vì Nghị Quyết số NSC 5429/2 ngày 20.8.1954 đòi hỏi phải truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp (legally dethrone Bao Dai). Ông Ngô Đình Nhu đã lưu ý các thành viên trong Hội Đồng về vấn đề này, nhưng phe Tướng Nguyễn Thành Phương và ông Nguyễn Bảo Toàn không tán đồng.

NMQ: Đoạn này cho thấy, tuy Mỹ dẫn dắt ông Diệm từng bước đi, nhưng ông Diệm vẫn đi tầm bậy, do bản chất ham hố, tham lam mà ra. Chính quyền Mỹ không hài lòng với tấn tuồng truất phế ông Bảo Đại như vậy và họ cho rằng, (1) “hoàn toàn không hợp pháp”, và (2) cũng có thể họ cho rằng cung cách tôn vinh ông Ngô Đình Diệm như vậy quá lộ liễu và hết sức trơ trẽn. Vi thế mà ông Đại Sứ Mỹ ở Sàigòn mới ra lệnh cho chính quyền phải làm lại, che chắn lại, để thiên hạ "trông" có vẻ hợp pháp hơn.

LG: 22.- Để đối phó với phe nảy, ông Ngô Đình Nhu đã trình ông Diệm triệu tập hội nghị đại biểu các hội đồng thành phố và thị xã để quyết định. Hội nghị đã họp tại Dinh Độc Lập ngày 6.5.1955, thảo luận và đưa ra một kiến nghị yêu cầu Bảo Đại trao toàn quyền cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ổn định tình thế và triệu tập Quốc Dân Đại Hội trong vòng 6 tháng.

23.- Cuộc tranh luận về việc nên thực hiện nghị quyết của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng hay thi hành lời khuyến cáo của Mỹ đã trở nên rất gay cấn và kéo dài. Mãi đến ngày 4.10.1955, một Ủy Ban Trưng Cầu Dân Ý gồm đại diện 15 đoàn thể mới được thành lập. Ủy Ban đưa ra kiến nghị yêu cầu truất phế Bảo Đại và suy tôn Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Ngày 6.10.1955, Hội Đồng Chính Phủ quyết định tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại vào ngày 23.10.1955.

NMQ: Trong phần này ông Lữ Giang cũng thấy rõ, anh em Ngô Đình Diệm và bọn tay sai lúng túng không biết phải làm thế nào để truất phê ông Bảo Đại cho hợp pháp đúng theo ý muốn ông chủ người Mỹ. Và cuối cùng (đoạn văn 24) người Mỹ (Đại-tá Edward Lansdale) phải trực tiếp ra chỉ thị từng điểm một cho anh em ông Diệm thi hành. Cũng nên biết những lời ông Đại-tá Lansdale chỉ dạy ông Diệm rõ ràng đến mức trắng trợn, vì sợ ông Diệm "không biết ngượng" là gì:

“Trong lúc tôi vắng mặt, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin ông đắc cử với tỉ số 99.99 phần trăm số phiếu,”[MCC, Trg 62.] Ông Diệm đắc của với tỉ lệ 98.2&, và kết quả này cho phép ông chính thức truất phế Bảo Đai.” (4)

LG: 24.- Vì lúc đó số người mù chữ còn đông, tài liệu cho biết chính Đại Tá Edward Lansdale là người đã gợi ý dùng hai là phiếu có màu khác nhau để bầu cử, lá đỏ cho ông Diệm, lá xanh cho Bảo Đại. (Colonel Edward Lansdale suggested that Diem should provide two ballot papers, red for Diem and green for Bao Dai). Dựa vào màu sắc của hai lá phiếu này, các vận động viên của ông Diệm đã đưa ra lời hướng dẫn “xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì” để những người không biết chữ làm theo và dồn phiếu tối đa cho ông Diệm. Kết quả, có 5.838.907 cử tri đã đi bầu trong đó có đến 5.721.735 phiếu truất phế Bảo Đại.

Bảng kết quả trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại

25.- Năm 1982, khi đến thăm California, ông Cao Xuân Vỹ có hỏi Bảo Đại: “Ngài nghĩ thế nào về việc ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế Ngài?” Bảo Đại trả lời: “Việc thế thì phải thế thôi. Pháp đã quyết định trước rồi!”. Bảo Đại không hay biết gì việc Mỹ cũng quyết định truất phế ông. Trong cuốn hồi ký “Con Rồng Annam”, Bảo Đại không hề trách ông Diệm về chuyện này. Giả như lúc đó Quốc Trưởng Bảo Đại năng nổ và quan tâm đến đất nước hơn như Quốc Vương Sihanouk của Cambodia chẳng hạn, nước Việt Nam có thể đã xoay theo một chiều hướng khác.

LÀM “ĐỒNG MINH” MỸ RẤT NGHIỆT NGÃ!

26.- Qua những sự kiện được trình bày trên, chúng ta thấy quyết định truất phế Bảo Đại là do Mỹ và Pháp đã đưa ra khi ông Diệm mới về nước. Thể thức truất phế cũng phải được thi hành theo đúng sự chỉ đạo của Mỹ.

27.- Kết quả thu được tuy đúng với sự chỉ đạo của Mỹ nhưng đã tạo ra những sự mâu thuẩn giữa chính phủ Ngô Đình Diệm với đa số thành phần thuộc Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng. Họ cho rằng họ đã bị phản bội nên liên kết với nhau để chống ông Diệm. Mỹ lại biến họ thành một tổ chức xã hội dân sự”, nuôi dưỡng nó, để khi ông Diệm không làm theo ý muốn của Mỹ, dùng nhóm này để quậy phá. Những thành phần chủ chốt của nhóm này đã tham gia cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960. Khi cuộc đảo chánh thất bại, một số đã bị bắt, riêng Luật sư Hoàng Cơ Thụy được Mỹ cho ngồi bó gối trong một bao bố đựng thư lớn, chở ra phi trường Tân Sơn Nhất, đưa lên một máy quân sự và đem ra khỏi Việt Nam hôm 6.12.1960.(Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo luận, Nam Á, Paris, Quyển 5, tr. 2861).

28.- Làm “Đồng Minh” của Mỹ quả thật vừa phức tạp vừa nghiệt ngã, vì Mỹ thường coi những người được họ yểm trợ hay xử dụng chỉ là công cụ từng giai đoạn, xài xong rồi bỏ.

Lữ Giang

Ngày 23.10.2015

Ghi nhớ 60 năm ngày truất phế Bảo Đại.

NMQ: Nếu ông Lữ Giang dùng cụm từ “viên chức thừa hành của nhà nước Hoa Kỳ” thay cho từ kép “Đồng Minh”, thì hợp lý hơn. Dùng chữ “Đồng Minh” trong câu văn này trong hoàn cảnh của miền Nam Việt Nam đối với Hoa Kỳ lúc bấy giờ là sai 100%, nếu không muốn nói là có chủ tâm xuyên tạc lịch sử.

Thực ra, cái lối sử dụng từ ngữ lươn lẹo như trên chỉ là xảo thuật sử dụng ngôn từ do các Linh-mục Dòng Tên Alexander de Rhodes du nhập vào Việt Nam. Thủ đoạn sử dụng những thuật ngữ xảo ngôn của Dòng Tên, các nhà viết sử ghi nhận như sau:

“Mọi tự điển trên thế giới đều có chung một định nghĩa về danh từ Jesuit (tu sĩ dòng Tên) là: người ngụy biện, giả nhân giả nghĩa, kẻ xảo trá phản phúc. Ngoài ra, trong tác phẩm "German Thesaurus" xuất bản năm 1954, tác giả Đức Dornseif đã viết: "Jesuit contains a long list of synonyms, including: two faced, false, insidious, dissembling perfidious, mendacious, sanctimonious, dishonarable, incincere, dishonest, untruthful..." (Danh từ Jesuit - tu sĩ dòng Tên - bao gồm một danh sách dài của những tiếng đồng nghĩa: hai mặt phản trắc, gian trá, gieo rắc độc hại, gây chia rẽ, lừa lọc, nói dối, thương xót giả tạo, không biết trọng danh dự, thiếu thành thật, bất lương, chẳng bao giờ nói thật...) Người Pháp có câu cách ngôn rất hay: "Khi nào có hai tu sĩ dòng Tên đi với nhau, luôn luôn tạo thành ba thằng quỉ sứ" (Where two Jesuits come together, the devil always makes three).” (5)

Trong cuốn Những Bí Ẩn Lịch Sử Đàng Sau Cuộc Chiến Việt Nam – Quyển I (Gargen Grove, CA: TXB, 1999), tác giả Lữ Giang cũng viết nước đôi về con chiên Ngô Đình Khả như sau:

1.- “Khâm Sứ Pháp ra lệnh cho triều đình Huế đem quân đánh dẹp. Cuộc chiến kéo dài từ 1893 đến 1895 vẫn chưa dứt. Triều đình Huế phải sai Nguyễn Thân, Tổng Đốc Bình Định, là Khâm Mạng Tiết Chế Quân Vụ, đem binh đi đánh dẹp. Cụ Ngô Đình Khả bị chỉ định đi phụ tá Nguyễn Thân….” (trang 394.)

2.- “Khi đưa cụ Ngô Đình Khả vào làm Phụ Đạo cho vua Thành Thái, người Pháp muốn cụ theo dõi các hoạt động của vua và báo cáo cho Pháp biết những ý định phản nghịch của vua để có biên pháp kịp thời. Nhưng cụ Ngô Đình Khả đã hướng Thành Thái đi một hướng khác” (trang 395),

Hai đoạn văn trên đây cho chúng ta thấy rõ Ngô Đình Khả chỉ là một thứ tay sai tai mắt cho bọn giặc cướp Liên Minh Đế Quốc Thực Dân Vatican-Pháp và được giặc giao phó cho trách vụ thứ nhất là đàn áp các lực lượng nghĩa quân kháng chiến của nhân dân ta, và thứ hai là theo dõi các hoạt động của vua (Thành Thái) và báo cáo cho Pháp biết những ý định phản nghịch của vua để có biên pháp kịp thời”,Ấy thế mà trong trang 396, ông Lữ Giang lại viết một cách ngon lành như sau:

Cuộc đời tham chánh của cụ Ngô Đình Khả có hai thành tích nổi bật nhất. Thành tích thứ nhất là thành lập trường Quốc Học Huế và thành tích thứ hai là chống lại việc phế bỏ vua Thành Thái

Xin hỏi ông Lữ Giang, ở các trang 394 và 395, chính ông nói rằng, ông con chiên Ngô Đình Khả bị giặc bắt phải đem quân đi tiêu diệt nghĩa quân kháng chiến của nhân dân ta, bị giặc bắt phải làm mật thám dò xét Vua Thành Thái. Ấy thế mà nơi trang 396, ông lại sử dụng từ “tham chánh” là làm sao? Có phải là để bốc thơm tên con chiên Việt gian Ngô Đình Khả khốn nạn này? Rõ ràng là ông hết sức lươn lẹo trong cách dùng cách thuật ngữ.

Bây giờ, chúng ta lại thấy, ông Lữ Giang sử dụng thuật ngử xảo ngôn “đồng minh” thay vì phải nói là "tay sai" hay “nhân viên thừa hành của nhà nước Hoa Kỳ” trong câu văn:

Làm “Đồng Minh” của Mỹ quả thật vừa phức tạp vừa nghiệt ngã, vì Mỹ thường coi những người được họ yểm trợ hay xử dụng chỉ là công cụ từng giai đoạn, xài xong rồi bỏ. “

Chế độ gia đình trị: anh, em, dâu

Vấn đề đặt ra là, NẾU chính quyền Ngô Đình Diệm thực sự là “đồng minh “ của Hoa Kỳ, THÌ hà tất ông Ngô Đình Diệm phải nhờ đến Tòa Thánh Vatican cho người dẫn sang tới tận Hoa Kỳ nằm chầu chực cả mấy năm trời để van xin được chính quyền Hoa Kỳ đưa về Việt Nam cầm quyền làm tay sai cho họ? Tiếu lâm nhất là khi được đưa đến trình diện để được “interviewed” và bị các nhân vật có thế lực ướm hỏi một vài lời để thăm dò khả năng làm việc, thì ông Diệm trả lời họ bằng một câu nói lịch sử, thiếu hẳn tư cách của một lãnh đạo rằng, ông "tin tưởng vào quyền lực của Vatican và ông chống Cộng một cách cực lực!” Lời tuyên bố siêu ngu xuẩn như vậy của ông Diệm đã khiến cho các nhân vật có thế lực trong chính quyền Hoa Kỳ phải đặt vấn đề với Tổng Thống Eisenhower về:

kinh nghiệm và khả năng chính trị của ông Ngô Đình Diệm? Tổng Thống Eisenhower cũng chỉ có thể trấn an Hội Đồng Chính Phủ bằng câu nói, “Trong đám mù, thằng chột làm vua,”.[HER]. Điều này cho thấy: một là ông Diệm không có một thành tích chính trị nào đáng kể, hai là ông Diệm không có khả năng lãnh đạo, hoặc ba là người Mỹ hoàn toàn không biết gì về ông Diệm.” (6) .

Trong những đoạn văn đầu tiên, ông Lữ Giang đã giả bộ là một người trí thức biết tôn trọng "sự thực" dù đã đi sau thiên hạ mấy chục năm. Nhưng rồi ông lại có gian ý ngay ở các đoạn dươi. Dùng từ kép “Đồng Minh” thay vì “tay sai” hay “đầy tớ” (không khác gì các ông Vua Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định và Bảo Đại tại triều đình Huế đối với người Pháp trong những năm 1889-1945) ông Lữ Giang vẫn có ý đồ tô son điểm phấn cho cá nhân ông Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông ta.

Trong thực tế, chính quyền Ngô Đình Diệm là do Hoa Kỳ dựng nên (do sự vận động của Vatican) để làm tay sai cho cả Hoa Kỳ và Vatican. Chính quyền của ông Diệm chỉ được Hoa Kỳ giao cho cái quyền lo việc nội chính để ổn định xã hội, còn mọi việc tài chánh, kinh tế, ngoại giao, quân sự, quân đội, quốc phòng, v.v…, tất cả đều do Hoa Kỳ bao giàn hết. Thế nhưng, bản chất của con chiên Ca-tô nào cũng các đặc tính vơ vào, bốc hốt, chộp giật, háo thắng, háo sát, khát máu và gian tham. Vì thế mà khi quyền hành lọt vào trong tay, thì anh em con chiên Ngô Đình Diệm và đảng Cần Lao Công Giáo mới lạm quyền (do Hoa Kỳ ban cho) để phóng tay tham nhũng: cướp đoạt tài sản quốc gia, ăn chặn tiền viện trợ, bóc lột nhân dân đến tận xương tận tủy, tác oai tác quái, đem nước Việt Nam dâng cho Vatican và tiến hành kế hoạch Ki-tô bằng bạo lực, tàn sát tới hơn 300 ngàn lương dân vô tội. Nguyễn Mạnh Quang, Nói Chuyện Với Tổ Chức Việt Nam Cộng Hòa Foundation(Houston, TX: Đa Nguyên, 2004), tr 127-131.

Riêng về vấn đề tham nhũng của chế độ Ngô Đình Diệm, xin đọc:

1.- Chương XIII với tựa đề là “Tệ Nạn Tham Nhũng” gồm các trang 403- 446, sách Việt Nam Máy Lửa Quê Hương Tôi (Wesminster, CA: Văn Nghệ, 1993) của cựu Thiếu Tướng Đỗ Mậu.

2.- Chương III với tựa đề là “Giáo Hội Trong Cơn Bão Bùng”, gồm các trang 118-186, sách Thập Giá Lưỡi Gươm (TP Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ, 1978) của Linh-mục Trần Tam Tỉnh.

3.- Các trang 33-93, sách Việt Nam: Một Trời Tâm Sự (Los Alamitos, CA: Xuân Thu, 1987) của cựu Tướng Nguyễn Chánh Thi. Trong những trang sách này, nơi trang 79, có một câu nói mà tác giả ghi lại với nguyên văn như sau:

Tôi còn nhớ mãi Đức Cha Ngô Đình Thục nói với các tai to mặt lớn và các con chiên của đức cha tợ hội tụ tại nhà thờ Vĩnh Long mới xây cất xong là “Các con chớ đem hoa quả đến mà chỉ nên đêm phương tiện “hiện kim” đến cho nhà thờ sử dụng thì phải hơn, hợp lý hơn!" (7)  

4.- Chương 19 gồm các trang 399-432, sách Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư 1954-1963 (Houston, TX: Văn Hóa, 2000) của tác giả Nguyễn Mạnh Quang.

5.- Chương 91 với tựa đề là “Vấn Nạn Buốn Bán Ma Túy”, sách Lịch Sử Và Hồ Sơ Tội Ác Của Giáo Hội La Mã: (http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH91.php).

6.- Chương 92 với tựa đề là “Vấn Nạn Giáo Hội La Mã”, sách Lịch Sử Và Hồ Sơ Tội Ác Của Giáo Hội La Mã: (http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH92_1.php),

Những hành động gian tham và tàn ngược như trên cho thấy rõ là anh em nhà Ngô đã quá trớn khiến cho Hoa Kỳ không thể ngồi yên khoanh tay để mặc cho anh em ông Diệm tiếp tục ngang tàng tác oai tác quái, gây nên hàng rừng tôi ác như sách sử đã ghi nhận. Ông Diệm không nhận thức được cái thân phận làm đầy tớ cho ông chủ Hoa Kỳ mà lại dám qua mặt Hoa Kỳ, dám ngang nhiên biến tập thể con chiên người Việt thành một thứ “Kiêu Dân Công Giáo Thời Ngô Đình Diệm” (sachhiem.net/LICHSU/TR/TranLam3.php). Bọn người này đã bị súc vật hóa, giúp cho triều đại nhà Ngô gây nên hàng rừng tôi ác man rợ đến độ sách sử đã phải nhận rằng “Ngô Đình Diệm là một trong 100 tên bạo chúa ác độc nhất trong lịch sử nhân loại” Nigel Cawthorn, Tyrants History’s 100 Most Evil Despots & Dictators (London: Arcturus, 2004), tr 167-168. Tất cả đã làm cho nhân dân Việt Nam thù ghét đến tận xương tân tủy và gọi Ngô Dình Diệm là “thằng bạo chúa phản thân tam đại Việt gian”. Nhận dân thế giới cực kỳ ghê tởm và quy trách nhiệm cho Hoa Kỳ đã dựng nên cái chế độ khốn nạn của anh em nhà Ngô, cho nên mới nên nông nỗi như vậy! Chính vị thế mà Tổng Thống Kennedy mới phải quyết định cử phái đoàn McNamara đến tận Dinh Gia Long vào ngày 29/9/1963 để ra lệnh cho ông Diệm phải từ bỏ chính sách bách hại Phật Giáo, thả hết học sinh và sinh viên đang bị cầm tù, dân chủ hóa chính quyền, và giải quyết vấn đề bà Nhu phát ngôn bừa bãi thiếu văn hóa, v.v… Chúng ta hãy đọc những lời do chính ông McNamara kể lại:

Tôi bảo ông Diệm rằng Hoa Kỳ thật tâm muốn giúp miền Nam Việt Nam đánh bại Việt Cộng. Và tôi nhấn mạnh đến bản chất cuộc chiến là của người Việt Nam; Hoa Kỳ chỉ đến trợ giúp. Tôi đồng ý với ông rằng có tiến bộ về mặt quân sự, nhưng tôi cố tình và mạnh mẽ nhắc đến sự bất ổn chính trị của miền Nam Việt Nam, và rằng sự bất ổn cùng sự đàn áp đã gây nguy hại không nhỏ cho nỗ lực chiến tranh và cho sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ. Do đó cần phải chấm dứt mọi sự đàn áp và tái lập sự ổn định chính trị.

Ông Diệm thẳng thừng bác bỏ lời đề nghị của tôi. Ông nói những công kích của báo chí vào chính phủ và gia đình ông là do sự hiểu lầm về thực trạng của miền Nam Việt Nam.

Mặc dầu tôi nhìn nhận báo giới có sai lầm, nhưng không thể phủ nhận sự khủng hoảng nghiêm trọng về niềm tin vào chính phủ miền Nam và vào chính phủ Hoa Kỳ. Ông ta lại phủ nhận. Ông cáo buộc những sinh viên ”thiếu trách nhiệm, thiếu rèn luyện và chưa chín chắn” bị bắt trong các đợt ruồng bố gần đây. Đáng kính (sợ) thay! Ông còn nói ông chịu trách nhiệm về sự bất ổn, về vụ Phật Giáo, và làm như vậy là ông ”quá nhân từ” với họ.

Tôi cũng ép ông về vụ Bà Nhu, rằng lời tuyên bố không hay và thiếu suy nghĩ của bà ta gây cho công chúng Hoa Kỳ phẫn nộ. Tôi liền rút trong túi ra một bài báo trích đăng lời tuyên bố của bà nói về các sĩ quan cấp thấp của Hoa Kỳ tại Việt Nam có ”hành động như những tên lính cầu may”. Tôi cho ông Diệm biết, nói vậy, tức là lăng nhục công chúng Hoa Kỳ.

Lối ông nhìn và thái độ ông lúc ấy cho thấy lần đầu tiên ông tỏ ra thông cảm với tôi, nhưng rồi, ông lại lên tiếng bênh vực cho bà Nhu. Tôi tiếp: ”Như vậy chưa đủ”. Vấn đề này rất nghiêm trọng và phải được giải quyết trước khi cuộc chiến chấm dứt. Max nhắc lại ý kiến của tôi. Ông ta nhấn mạnh cho ông Diệm thấy sự cần thiết phải có đáp ứng để xoa dịu nỗi bất bình mỗi lúc một gia tăng tại Hoa Kỳ trước những biến cố gần đây. ..” (8)

Thế nhưng, vi cuồng tín quá (http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH63_1a.php), ông Diệm khống có đủ khả năng nhận thức được cái vai trò thực sự của ông chỉ là thằng đầy tớ đã từng đến tận Hoa Kỳ van xin lạy lục cả mấy năm trời mới được chính quyền Hoa Kỳ sử dụng đưa về Việt Nam làm tay sai cho họ. Ấy thế mà bây giờ lại mưu đồ phản lại Hoa Kỳ, thì tất nhiên là phải lãnh nhận cái hậu quả của hành động “phản trắc” này của ông ta. (http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH63_1a.php). Giáo-sư Lý Chánh Trung viết:

“Nhìn lại chín năm cầm quyền, tôi thành thực nghĩ rằng, ông chỉ là một huyền thoại lớn do người Mỹ và một số tay chân bộ hạ tạo ra để lợi dụng. Người Mỹ lợi dụng ông để thực hiện mưu đồ của họ, một số tay chân bộ hạ đã lợi dụng ông để bòn rút những nguồn lợi béo bở của đất nước này và của viện trợ Mỹ.

Cái lỗi căn bản của ông là chính ông đã tin nơi cái huyền thoại “cứu tinh dân tộc, lãnh tụ anh minh” đó. Ông đã tin nơi sứ mạng cứu nước của mình đến nỗi không còn chấp nhận được bất cứ tiếng nói nào khác tiếng nói của ông, ngay cả những tiếng nói thật ôn hòa và “xây dựng” như bức thơ trần tình của nhóm nhân sĩ Caravelle.

Cái lỗi căn bản của ông là đã xem người Mỹ cũng như tay chân bộ hạ của ông là những phương tiện để hoàn thành sứ mạng cứu nước trong khi chính ông mới là phương tiện của người Mỹ và một số tay chân bộ hạ.

Và sứ mạng cứu nước đã được ông đồng hóa sứ mạng chống Cộng, vì đối với ông, Cộng Sản là sư xấu tuyệt đối phải tiêu diệt bằng mọi giá, kể cả cái giá lệ thuộc người Mỹ. Đó là một lỗi căn bản khác và tất cả sự mâu thuẫn của chính sách chống Cộng nằm ở chỗ này.

Tôi được biết ông đã suy nghĩ và do dự rất lâu khi chính chánh phủ Kennedy đề nghị gửi sang đây 14 ngàn quân để thí nghiệm cuộc “chiến tranh đặc biệt”, vì ông thấy rõ nguy cơ mất chủ quyền. Nhưng cuối cùng ông đã nhận vì sự chống cộng đã được ông xem như một cứu cánh tuyệt đối mà đó là cái giá phải trả để chống cộng, một cái giá thật đăt đối với ông vì tôi tin ông yêu nước, dầu yêu nước theo cách của ông.

Ông đã tưởng mình có thể lệ thuộc Mỹ một phần nào thôi, còn phần kia thì vẫn “độc lập”, ông đã tưởng mình có thể nhẩy vào vòng tay người Mỹ trong một giai đoạn ngặt nghèo rồi thoát khỏi vòng tay đó khi tình hình sáng sủa hơn, ông đã tưởng có thể chấp nhận làm con cờ trong một ván cờ rồi ngay trong ván cờ đó, có thể tự động đi một nước cờ riêng của ông. Khi ông nhìn thấy đó chỉ là ảo tưởng thì đã quá trễ: Ông đã chết vì ảo tưởng đó. Và cái chết bi thảm của ông cho thấy một sự thật hết sức tầm thường: Không một con cờ nào có thể tự động đi một nước cờ cho riêng nó, dầu con cờ đó mang tên Ngô Đình Diệm, và không một nước nhỏ nào có thể lợi dụng một nước lớn, nhất là nước đó mang tên Hoa Kỳ.

Bẩy năm đã qua và ngày nay, dư luận quần chúng có vẻ khoan hồng hơn đối với ông Diệm và chế độ cũ của ông, ngay cả những nơi nạn nhân của chế độ ấy.. Lý do giản dị: với thời gian, kỷ niệm đã mờ nhạt, hận thù được xoa dịu, những ẩn ức dồn nén được giải tỏa. Trong khi đó, cái thực trạng của xã hội miền Nam mỗi ngày thêm xấu xa tệ hại, khiến cho người ta có khuynh hướng chỉ nhớ tới những nét tương đối dễ coi của chế độ Ngô Đình Diệm, mỗi khi so sánh thời này với thời trước.

Nhưng từ đó mà cho rằng chế độ ông Diệm là một thời đại hoàng kim và chỉ cần bắt chước ông Diệm là có thể giải quyết những vấn đề đất nước, như một số chân tay bộ hạ của ông đang tuyên bố rùm beng thì thật là lố bịch và vô liêm sỉ.

Những người đang hò hét khóc lóc chung quanh cái tên Ngô Đình Diệm như bầy quạ trên một xác chết. Với cái âm mưu tái lập một chế độ Diệm không Diệm trong đó họ sẽ phè phỡn bòn rút như xưa, xin họ nhớ cho rằng giòng lịch sử không bao giờ chẩy ngược chiều.

Và nếu họ không còn một chút tự trọng, xin họ dầu sao cũng thương dùm ông Diệm, Tội nghiệp ông! Tôi ứa nước mắt mà viết câu này, xin họ hiểu cho."(9)

Sự thực là như vậy.

Kết luận:

Bài viết của ông Lữ Giang chỉ đúng có một nửa. Đó là phần chứng minh Hoa-kỳ đã sắp xếp con đường chính trị, trao quyền cho các tay sai dễ bảo ở miền Nam, bắt đầu từ ông Diệm. Ông Lữ Giang đã chứng minh vai trò chủ tớ giữa Mỹ và ông Diệm, nhưng lại lươn lẹo than thở cho mối tình "đồng minh".

Quan hệ chủ tớ hoàn toàn khác biệt với quan hệ bạn bè, đồng minh. Thời Việt Nam Cộng Hòa, từ Đệ Nhất đến Đệ Nhị, chưa hề là đồng minh của Hoa Kỳ. Ai ký kết đồng minh với VNCH lúc nào? Trong lịch sử thế giới này, ai cũng chỉ biết có các khối Đồng Minh thời Thế Chiến II, Anh - Pháp - Nga - Mỹ mà thôi, không ai biết khối Đồng Minh Mỹ-VNCH lúc nào cả, vì nó không hề hiện hữu.

Ba lãnh tụ đại diện Đồng Minh, Nga Mỹ Anh

Ba lãnh tụ đại diện Đồng Minh: Iosif Vissarionovich Stalin (Liên Xô), Franklin Roosevelt (Hoa Kỳ) và Winston Churchill (Liên hiệp Anh) - tại cuộc họp mặt ở Tehran năm 1943

Vả lại, ngay cả khối đồng minh thực sự đó cũng không hề có hiện tượng "tha thiết" với tình đồng minh "muôn năm" bằng cách xây tượng để "tôn thờ" như một số người Việt hải ngoại. Những người Việt này mắc bệnh "thiếu thông tin" (TTT), thì thụp tôn thờ cái tình đồng minh mà thế giới không ai biết.

Một số người Việt TTT làm tượng "đồng minh Mỹ Việt", và mỗi năm kỷ niệm ngày tôi tớ Ngô Đình Diệm bị "đồng minh" bỏ lơ cho chết thảm khốc.

Trên đời, chỉ có lòng trung thành của chủ tớ, hay cha con, mẹ con, mới kéo dài như thế!

Được Mỹ ban cho quyền chức, ông Diệm chẳng những đã lạm quyền tối đa mà còn lo làm tôi tớ cho ông chủ khác - "tôi tớ Chúa". Chẳng những điều đó đã biến ông ta thành kẻ độc ác và tàn bạo, mà còn là nguyên nhân gây nên bao cảnh rắc rối với các giáo phái khác. Đã làm tay sai cho chủ Mỹ mà lại đèo bồng làm thêm việc Ki-tô hóa miền Nam, điều này chỉ có lợi cho chủ Vatican, và có hại cho chương trình của ông chủ Hoa-kỳ. Ông Lữ Giang không thể than "làm đồng minh với Mỹ rất nghiệt ngã" mà phải nói "Làm tôi hai chủ thật là nguy hiểm." Đó là lời kết luận của bài viết này vậy.

Trân trọng,

Ngày 21/10/2015

Nguyễn Mạnh Quang 


CHÚ THÍCH

(1) Joseph Buttinger, Vietnam: A Political History (New York: Frederick A. Praeger, 1969), p. 289.

(2) Bradley S. O’ Leary & Edward Lee, Vụ Ám Sát Ngô Đình Diệm & J.F Kennedy – Phạm Viên Phương & Mai Sơn dịch (Nhà Xuất Bản Tư Do, 2000), tr. 26.

(3) Hoàng Trọng Miên, Đệ Nhất Phu Nhân – Tập I(Los Alamitos, CA: Nhà Xuất Bản Việt Nam, 1989), tr. 428.

(4) Lê Hữu Dản, Sự Thật - Đặc San Xuân Đinh Sửu 1997 (Fremont, CA: TXB, 1997), trang 27.

(5) Charlie Nguyễn, Công Giáo Trên Bờ Vực Thẳm (Garden Grove, CA: Giao Điểm, 2001), tr. 299.

(6) Lê Hữu Dản, sdd., tr. 23-24.

(7) Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam: Một Trời Tâm Sự (Los Alamitos, CA: Xuân Thu,  1987), tr. 79.

(8) Robert McNamara. Hồi Ký Robert S. McNamara – Duy Nguyên dịc (San Jose: Nhà Xuất Bản Thế Giới, 1995) tr100-101). Xin xem thêm. Nguyễn Mạnh Quang, Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư 1954-1963 (Houston, TX: Văn Hóa, 2000), tr.433-444.

(9) Lý Chánh Trung, Những Ngày Buồn Nôn (Sàigòn: Đối Diện,1972), trang 133-138.