●   Bản rời    

GS Trần Chung Ngọc - Nhân Ngày Tiểu Tường

GS Trần Chung Ngọc

(Nhân Ngày Tiểu Tường)

Trần Trọng Sỹ

http://sachhiem.net/TTS/VH/TranTrongSy_vh2.php

30-Jan-2015

Mặc dù là một Phật tử, tôi không muốn kỷ niệm ngày tiểu tường của GS Trần Chung Ngọc theo thể cách một người theo Phật, mà với sự tôn kính thực sâu, thực chân thành của một người Việt Nam trước một tấm gương ái quốc vĩ đại. Ông không đánh phá một tín ngưỡng, mà đánh phá một nền văn minh thống trị, đúng hơn là một tập đoàn chính trị  bá quyền, xảo quyệt, đầy thế lực và mưu mô thâm độc, từng muốn nuốt chửng Việt Nam, vẫn tiếp tục còn lăm le ... (TTS)....

 

Ngày xưa, khi đọc Tam Quốc Chí, dù rất nhiều người thích Thường Sơn Triệu Tử Long với vụ đoạt ấu chúa ở Đơn Dương Trường Bản, với Trương Phi biết dùng mưu ngồi dưới núi uống ruợu để khích Trương Cáp, với Quan Vân Trường quá ngũ quan chém lục tướng, nhưng chắc không một nhân vật nào tài ba đến như là huyền thoại, ngồi lều cỏ chia ba thiên hạ, trên thông thiên văn, dưới suốt địa lý, dẫu Khương Tử Nha e cũng khó bì, trẻ con nghe chuyện cũng thích, người lớn đọc lại càng mê, không trận nào đánh không thắng, không chính sự nào không có kế sách để giải quyết. Nhân vật khét tiếng ấy hẳn ai cũng biết: Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Tượng Khổng Minh ở Trung Quốc. Ảnh http://nongnghiep.vn/

Nếu giả thiết nền văn hóa Thiên Chúa giáo là Tào Tháo của nhà Ngụy, đặc biệt văn hóa Thiên Chúa giáo VN, thì Trần Chung Ngọc chính là Khổng Minh của nhà Thục, khắc tinh ghê gớm nhất của họ Tào. Vị Giáo Sư họ Trần xứng đáng được nêu danh muôn thuở, trở nên là tượng đài đầu tiên đã làm cho giáo hội Catô Việt Nam phải nghiến răng nuốt mật chỉ muốn điên lên mỗi khi nghe tên ông.

Để tưởng niệm ngày giỗ giáp năm của cố Giáo Sư Trần, ta nên sơ lược đôi nét về hoàn cảnh xã hội, văn hóa và giáo dục của VN trước 1975 tại miền Nam như thế nào, để từ đó có thể so sánh cái công lao vĩ đại của Giáo Sư khi ông bắt đầu đưa ra những cuốn sách đầu tiên của ông lên giao điểm online hoặc sachiem.net, làm cho độc giả VN, những người từng quá e dè đầy mặc cảm với một tôn giáo mà từ lúc đột nhập vào VN luôn là tôn giáo của quan quyền, của súng đạn, của thế lực, của giàu sang, của những hành động bí mật, trở nên mạnh dạn và tự tin hơn khi phải đối mặt với đạo này, đạo Catô VN.

Phật giáo VN, hay đúng hơn là dân tộc VN, đã là nạn nhân của những trào lưu giáo phiệt Catô liên tục nắm quyền ở VN từ lúc Pháp theo chân các thừa sai vào xâm lăng VN. Sau 1954, miền Bắc tuy thoát được cây thập giá, vẫn không sáng sủa gì hơn dưới chế độ Marxist còn nguyên sơ dấu ấn ngoại lai chưa biết sử dụng lý thuyết này như là một thứ vũ khí hơn là một chủ thuyết chỉ đạo.

Trước hiệp định Genève, hay đúng hơn là trước chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Pháp nắm mọi quyền sinh sát ở VN, toàn dân đều phải sống nghèo đói nhục nhã dưới gót giày đế quốc trừ một số lèche-cul dày mặt bán nước luồn trôn cho giặc mới được ăn trên ngồi trước; trong số này, dĩ nhiên không thể thiếu tập đoàn cha cố mẹ sơ của Catô giáo Việt Nam.

Phật giáo, hay lương dân VN, phải chấp nhận sống với đạo dụ số 10 của ông vua chỉ biết ăn chơi gái gú sẵn sàng bán Gia Long để đổi lấy một người đàn bà.

Ngô Đình Diệm khi làm tổng thống, đã lợi dụng dụ số 10 của Bảo Đại mà tiếp tục chính sách kỳ thị tôn giáo để mưu đồ biến VNCH thành một quốc gia 100% Catô trong vòng 10 năm.

Mãi đến khi các tướng lãnh đảo chánh lật đổ Ngô Đình Diệm thì các tôn giáo khác mới được hưởng quy chế ngang hàng với Catô. Nhưng trên thực tế, khi Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền thì Catô giáo lại nắm ưu thế chi phối các nguồn viện trợ xã hội từ các quốc gia Tây phương để làm bàn đạp truyền giáo và xây dựng cơ sở hậu cần. Dương Văn Minh vì sao lại là ông tướng bị nguyền rủa nhiều nhất? Chỉ vì ông ấy là Phật tử và đã có công đứng lên lật đổ một chế độ giáo phiệt, đánh tan cái mộng dâng miền Nam cho đế quốc Vatican.

Sau Nho học, người lương dân VN và ngay cả hàng ngũ sư sãi Phật giáo đứng trước nền Tây học quá mới, hoàn toàn bỡ ngỡ xa lạ, nên các cơ quan giáo dục đều nằm trong tay Catô giáo vốn đã từng làm thầy thông thầy ký điềm chỉ mật thám cho Pháp, họ tha hồ làm mưa làm gió viết sách báo về Phật giáo, xem thường học vấn của các ông thầy chùa chỉ biết Như Thị Ngã Văn hoặc Tử Viết. Cũng vì vậy mà thời ấy người Catô trở nên một thứ kiêu binh, trịch thượng, nhờ biết được dăm ba câu tiếng Pháp để vinh thân phì da. Có người đã có thể làm luôn giáo sư đại học nhờ văn bằng Thần học. Ở đại học văn khoa mà họ ngang nhiên dạy Phúc Âm trong các chương trình triết học, xem dưới mắt chẳng có ai, mặc sức hú mưa gọi gió.

Phác họa vài nét để cho thấy cái mặc cảm của người Lương so với người Giáo, dù là cùng một dòng máu, nhưng tựa như hai giống dân khác nhau, hai lối sống và hai chế độ hoàn toàn tương phản.

Trí thức hàng đầu của đại học văn khoa và của Catô giáo vào thâp niên 60 là Nguyễn Văn Trung, với một luận án tiến sĩ viết về Phật giáo của trường đại học Catô Rôma Louvian ở Bỉ (Đại học Kitô giáo cấp bằng tiến sĩ về Phật giáo, hèn gì !). Tưởng đâu mình có thể múa gậy vườn hoang, nào ngờ trời bất dung gian đảng, xui sao cho có một chàng trai trẻ, cũng xuất thân từ đạo Catô, học lực xuất chúng thiên tài, tên là Phạm Công Thiện, bái Phật Thích Ca làm sư phụ, đánh chỉ một chưởng vào lưng họ Nguyễn, chỉ một chưởng thôi, là ông trí thức này im mồm chưa bao giờ dám bút chiến với họ Phạm về triết học và văn học cho đến ngày Phạm Công Thiện mất !

 

Phạm Công Thiện (1941 - 2011) - Trần Chung Ngọc (1931-2014)

Có thể nói người đầu tiên đánh vào trí thức Catô giáo VN là Phạm Công Thiện, giải tỏa mặc cảm chỉ có người Catô theo Pháp mới là trí thức Tây học.

Và người đầu tiên đánh vào cả văn hóa Catô Rôma là Trần Chung Ngọc, giải tỏa cho toàn khối dân tộc VN, nếu không khiêm tốn, cũng có thể nói là cho toàn khối các dân tộc Á Châu, cái mặc cảm rằng văn hóa ưu việt Tây phương là văn hóa Kitô giáo. Ngược lại, chính GS đã vạch rõ rằng văn hóa Kitô giáo là văn hóa tàn sát, diệt chủng, cướp đất, nô lệ, đi ngược với khoa học và văn minh nhân loại.  Công trình sáng tác của ông đồ sộ và mãnh liệt như tài cầm quân của Quang Trung, vị anh hùng chưa biết thế nào là bại trận.

Ở đây, trong mặt trận văn hóa này, ta không quên nghiêng mình trước một nhân vật tài ba không kém GS Trần Chung Ngọc, rất đáng cho chúng ta kính ngưỡng, đó là cố thẩm phán Charlie Nguyễn Bùi văn Chấn.

Sau khi Phạm Công Thiện ra mắt cuốn Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học, Phật giáo VN đã  hồi sinh mạnh mẽ, các sinh viên Phật tử đã bớt đi mặc cảm rằng chỉ có người Catô là trí thức, mà từ nay, phía Phật giáo đã có những người dám ngang nhiên trực diện nói chuyện triết học với trí thức Catô giáo. Phong trào này được phát triển khá xuất sắc trong và ngoài đại học Vạn Hạnh, các tu sĩ trẻ như Thích Tuệ Sỹ, Thích Nữ Trí Hải, Chân Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, các bực học giả như Bùi Giáng, Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Đăng Thục, Nghiêm Xuân Hồng và ngay cả một giáo sư triết học rất có cảm tình với Phật giáo dạy siêu hình học: ông Lê Tôn Nghiêm.

Tôi hoàn toàn không quen biết và không hề nghe tên tuổi của GS Trần Chung Ngọc trước năm 2014.

Do một tình cờ vào Internet truy cập một số dữ liệu cần thiết về Phật học, vô tình tôi thấy một cuộc đấu khẩu giữa những bình luận viên trên ''Yahoo hỏi và đáp'', phía Phật giáo lẻ tẻ chống lại rất nhiều con chiên, và anh chàng Phật tử này khuyên các con chiên vào sachhiem.net đọc bài của Trần Chung Ngọc, tôi qua loa thôi chứ hơi đâu mà vào sâu các tranh luận này.

Một dịp khác, trên youtube, tôi lại thấy các tranh luận về tôn giáo, và cũng nói đến sachhiem.net với Trần Chung Ngọc. Lần này tôi bị lôi cuốn vì đám chiên chưởi rủa Trần Chung Ngọc không còn một lời nào tồi tệ hơn, ngay hàng tôm cá cũng không thể mồm miệng như vậy được. Tôi bèn truy cập sachhiem.net, và tôi đã đọc say mê hai tác giả họ Trần và họ Nguyễn, và...tôi đã trở thành cây viết của sachhiem.net từ sau đó. Chỉ đáng buồn và xui cho tôi là cả hai bực đàn anh đáng kính này đã ra đi khi tôi vừa biết đến tên tuổi họ.

Từ quan điểm này, tôi nhận thấy một điều vô cùng quan trọng: Trần Chung Ngọc đã thắng, và thắng rất oanh liệt. Chưa một nhân vật văn hóa nào được chưởi rủa nặng nề như Trần Chung Ngọc, thậm chí những trí thức Catô như Chu Tất Tiến đã phải phun ra những cụm từ mà một người có học tối thiểu không thể tự cho phép phun ra được. Nếu họ Chu không thua đến mất cả lí trí thì việc gì lại phải đưa ra những lời lẽ mà đáng ra, theo kinh Thánh Mathieu, chúng phải được tiêu hóa ra ngã khác.

Nếu tôi không đọc được những giòng chưởi rủa kinh tợn mất tư cách kia, thì e rằng Trần Chung Ngọc vẫn tiếp tục là người vô danh đối với tôi, vì tranh luận về tôn giáo là điều mà tôi không mấy ưa thích trước đó.

Tôi tin rằng tôi không phải là người đầu tiên tìm đọc Trần Chung Ngọc ''nhờ'' những nguyền rủa chưởi mắng không thể lập lại được, mà chính những mạ lị càng vô học lại càng kích thích tính tò mò của người bàng quang.

Vậy thì chúng ta nên vui vẻ mà tưởng niệm vị học giả đáng kính của chúng ta nhân ngày tiểu tường của ông.

Ông đã bỏ cả nửa cuộc đời cho mục tiêu văn hóa này, và không cây thước nào có thể đo sự chiến thắng bằng những điên tiết rủa sả của con chiên, của trí thức Catô; và dĩ nhiên, đứng sau các lời lẽ kinh tởm này chắc chắn phải có bóng dáng của quý vị ''đạo đức khả kính'' mặc áo chùng đen, nếu không thì quý vị ấy ắt hẵn đã ra lệnh ngưng, và dĩ nhiên là với đức vâng lời được huân tập từ lúc mới đẻ với lời hăm dọa hỏa ngục, con chiên hay đám trí thức Kitô như ông Chu sẽ chẳng dám vác loa rao cùng khắp như vậy.

Tên tuổi của Trần Chung Ngọc càng được nêu ra trên Internet nhiều chừng nào, thì sự truyền bá văn hóa của ông càng sâu thấm trong lòng người chừng ấy. Ngày nay trên Internet, một người bình thường không cần nhiều trình độ cũng đã mạnh dạn biện luận rằng văn hóa Kitô là của Do Thái, chả ăn nhằm gì với dân tộc VN, rằng chính các thừa sai đã đưa Pháp vào thực dân VN, chính giáo dân đã nối giáo cho giặc để xâm lăng VN..., những sự thực hiển nhiên này trước kia chỉ là nghi ngờ, là tabou, ít ai dám bàn giữa thanh thiên bạch nhựt. Đó là chiến thắng của Trần Chung Ngọc và nhóm sachhiem.net.

Đừng nghĩ rằng Trần Chung Ngọc đi tiên phong trong mặt trận văn hóa này vì ông là Phật tử.

Charlie Nguyễn không phải là Phật tử, mà là một con chiên có 5 đời đạo dòng.

Trong số anh em chủ trương và các tác giả của sachhiem.net cũng có nhiều người tự xưng mình là gốc Công giáo như Cao Hữu Tâm chẳng hạn, anh ấy viết thẳng thừng là anh đã thoải mái bỏ đạo.

Trần Tiên Long là người từng học chủng viện và hiện nay là một trong những cây viết cột trụ của sachhiem.net.

Lý Thái đã thố lộ với tôi rằng mình là người gốc Công giáo. Lý Thái Xuân chứng tỏ mình là người Công Giáo trong bài viết "Tấm Thiệp Mùa Đông của Ma Soeur T.M"

Giáo sư sử học Nguyễn Mạnh Quang, cây viết đanh thép, vừa chống văn hóa Catô Rôma, vừa chống các liên minh chính trị mà Catô Rôma thành lập như Mỹ và Pháp trong lịch sử ngoại thuộc của VN cũng từng là người theo đạo.

Vậy mà con chiên luôn bô bô rằng sachhiem.net là của Phật giáo.

Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ và gọn nhân ngày tiểu tường của Giáo Sư Trần Chung Ngọc, nhắc qua những nhân vật của sachhiem.net cùng với mặt trận văn hóa rất quan trọng của đất nước và dân tộc trong quá trình tự vệ, xây dựng và phát triển là để ôn lại đường hướng mà họ đề nghị. Mong rằng khối lượng người Việt yêu nước, yêu những giá trị Việt, yêu bánh chưng bánh tét những ngày xuân, yêu truyện Kiều của Nguyễn Du, yêu văn hóa trung hiếu tiết nghĩa, yêu ngày giổ tổ Hùng Vương, yêu bụi chuối bờ tre, yêu quê hương vì có hoa có bướm, hãy biết xem chủ quyền đất nước là quan trọng. Không được đặt tôn giáo lên trên tổ quốc, vì tôn giáo không bao giờ mất, nhưng tổ quốc, một khi mất đi, đừng hòng gặp lại được.

Chính quyền hay chính sách có thể có khi sai sai lầm, vì đó là lịch sử của thế tục, tôn giáo không nên có quyền, dù là giáo quyền, vì quyền bính luôn đi đôi với lạm dụng dẫn đến mất chánh đạo. Quyền bính chỉ nên dành cho thế tục. Cho nên, dù là người lương hay giáo, chúng ta đều có thể cùng chia sẻ một tương lai chung, và tôi nghĩ rằng, đó chính là niềm ước ao lớn nhất của giáo sư Trần Chung Ngọc.

Mặc dù là một Phật tử, tôi không muốn kỷ niệm ngày tiểu tường của GS Trần Chung Ngọc theo thể cách một người theo Phật, mà với sự tôn kính thực sâu, thực chân thành của một người Việt Nam trước một tấm gương ái quốc vĩ đại. Ông không đánh phá một tín ngưỡng, mà đánh phá một nền văn minh thống trị, đúng hơn là một tập đoàn chính trị  bá quyền, xảo quyệt, đầy thế lực và mưu mô thâm độc, từng muốn nuốt chửng Việt Nam, vẫn tiếp tục còn lăm le chực nuốt mảnh đất nhỏ bé yếu đuối của chúng ta vào cái guồng máy đã nghiền nát cả Nam Mỹ, đã làm cho mảnh đất đáng thương của những dân tộc chất phác da đỏ đáng yêu trên vùng đất này bị diệt chủng.

Chúng tôi tưởng niệm ông, nhưng đất nước nên lập tượng đài của ông thay cho tượng đài của Alexandre de Rhodes, một người rất tầm thường, chỉ thừa hưởng công trình của các đồng nghiệp, nhờ may mắn mà sống dai, nên được tiếng là người khai sinh ra quốc ngữ. Vì đây là ngày giỗ của GS Trần, tôi không muốn nặng lời với tên gián điệp này.

Chỉ nhân tiện xin hỏi các nhà văn hóa đã làm sống lại Alexandre de Rhodes mà nhân dân miền Nam đã đạp đổ sau năm 1963 một điều như sau:

Nếu công lao một nhạc sĩ đã cao thì công lao người ca sĩ làm cho bài nhạc được nổi tiếng có cao không?

 

(trái) Alexandre De Rhodes - (phải) Toàn Quyền Martial Merlin

Alexandre có công tạo ra quốc ngữ và được nhà nước vinh danh. Tôi xin đề nghị nhà nước nên vinh danh luôn viên toàn quyền Pháp, đặt tượng đài người này bên cạnh tượng Alexandre de Rhodes với dòng chữ: người khai hóa cho dân tộc, đưa ''quốc ngữ'' làm chữ viết chính thức của Việt Nam vào ngày 18 tháng 9 năm 1924: Martial Merlin (xem Sự Ra Đời của Chữ Quốc Ngữ của Nguyễn Đình Đăng, 2004, và "Hành Trình Chữ Việt" của Hà Trọng Nghĩa)

Xin hồn thiêng sông núi cùng với anh linh khí phách của Giáo Sư phù trợ cho nền độc lập của dân tộc.

Xin nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của Giáo Sư.

Đêm Paris 29.01.2015

Trần Trọng Sỹ

___________________

Các bài của Trần Trọng Sỹ: link http://sachhiem.net/TTS/ListTTS.inc.php

Tác Giả Trần Trọng Sỹ

Thư Mục Trần Trọng Sỹ