●   Bản rời    

Trên Con Đường Văn Hóa Việt Nam, Em Theo Thầy Nhất Hạnh

Trên Con Đường Văn Hóa Việt Nam

Em Theo Thầy Nhất Hạnh

Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân

http://sachhiem.net/NDX/NDX025.php

05-May-2012

http://giaodiemonline.com/2014/12/images/ndx01.jpg

Chị ơi,

Em đi theo Thầy Nhất Hạnh có gì lạ và nguy hiểm đâu mà chị phải lo đến vây ?

Nếu chị hiểu những việc em làm từ thời còn ngồi trên ghế Đại học Sư phạm (1962) cho đến nay (2009) hẵn chị sẽ nhận ra em đang làm câu kết cho một bài thơ tứ tuyệt. Ba câu thơ trên có hay đến mấy mà thiếu câu kết cũng không bao giờ thành một bài thơ. Bài thơ đời em, câu một: kiếm sống và đi học; câu hai: tranh đấu đô thị và kháng chiến thống nhất đất nước; câu ba: sưu tầm nghiên cứu lịch sử văn hóa phục dựng lại cái hồn dân tộc sau chiến tranh, câu bốn: em đang phấn đấu đưa thành tựu lịch sử văn hóa của mình vào cuộc đời, góp phần xây dựng bản sắc Việt, bản sắc Huế cho tuổi trẻ thời hội nhập. Ba câu thơ trên hay mà câu kết dớ cũng làm hỏng mất bài thơ. Em đi theo Thầy Nhất Hạnh để hoàn thành câu thơ cuối của đời mình.

1. Ơn đức đầu đời

Chị ơi,

Đọc bản thảo hồi ký của em, chắc chị còn nhớ chuyện em đi thi Tiểu học chứ? Lúc nhỏ em không được đi học. Đến khi được đi học ở trường Đa Phước, anh của em phải khai cho em trụt 6 tuổi, được thầy Võ Quang Khương và thầy Nguyễn Tri Bật dạy cho em học băng. Do đó trường Đa Phước không ký học bạ lớp Nhất để cho em đi thi Tiểu học. Thầy Nguyễn Tri Bật - chắt nội của cụ Nguyễn Tri Phương rất thương em nên đưa em lên trường Tuệ Quang ở Cây số 4. Trường Tuệ Quang do các thanh niên tăng của Phật Giáo mới thành lập. Các vị tăng nầy phần lớn xuất thân ở các chùa Huế nên gặp thầy Bật là người Huế họ rất niềm nỡ. Thầy gặp vị tăng chủ chốt của trường trình bày về trường hợp em là con nhà nghèo, hiếu học nhưng vì học băng nên không có Học Bạ lớp Nhất để đi thi Tiểu học.Thầy Bật xin trường Tuệ Quang cấp cho em một Học Bạ lớp Nhất rồi mẹ em sẽ trả học phí cho trường xem như em học ở trường suốt niên khóa qua. Vị tăng trẻ bảo ngay:

- Thầy đã bỏ công dạy cho trò nầy thì trường Tuệ Quang cũng có thể cấp cho trò một Học Bạ chứ lấy tiền của mẹ trò làm gì. Nhưng, dù nhà trường tin thầy, theo nguyên tắc, nhà trường cũng phải kiểm tra học lực của trò nầy rồi mới cấp hay không.

http://giaodiemonline.com/2014/12/images/ndx02.jpg

Trường Tuệ Quang xưa, bị bom Mỹ san bằng hồi thang 1-1968, hiện chỉ còn một bãi đất hoang (2008)

Thầy Bật đồng ý. Thầy tin học lực của em. Thầy không ngại bất cứ cuộc kiểm tra nào. Sau đó em đi học Tuệ Quang được một tuần. Đầu tuần sau em được cấp một Học Bạ lớp Nhất do thầy Hiệu trưởng Thích Thiện Tấn ký. [Về sau thầy Bật cho em biết vị thanh niên tăng mà thầy Bậc gặp ở trường Tuệ Quang là Thiền sư Thích Nhất Hạnh và thầy Hiệu trưởng Thích Thiện Tấn là anh ruột của Thiền sư]. Nhờ cái Học bạ của Trường Tuệ Quang của thầy Thiện Tấn và thầy Nhất Hạnh em mới được đi thi Tiểu học và được lảnh phần thưởng Danh dự ở Rạp Ngọc Hiệp Đà Lạt năm đó (1954) với tư cách là học trò trường Tuệ Quang. Nhờ cái Học bạ của trường Tuệ Quang, cậu bé nông thôn Nguyễn Đắc Xuân bước qua được cái ngưỡng Tiểu học để có cơ hội học lên và có được học vấn Đại học như ngày nay. Thật em không ngờ, cuộc đời cầm bút của em đã được trợ duyên từ một Thiền sư nổi tiếng quốc tế sau nầy như thế.

2. Ước mơ hòa bình, nói với tuổi hai mươi

Và, chị có bất ngờ không, chính người học trò chỉ học trường Tuệ Quang có một tuần đó, mười một năm sau (1965) lại gặp lại Thầy Nhất Hạnh trong một hoạt động văn học để đời.

Chắc chị còn nhớ, sau cuộc đấu tranh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Sinh viên Huế chúng em nghĩ tình hình miền Nam sẽ khá hơn. Nhưng không ngờ sau đó Tổng thống John F.Kennedy bị ám sát, Phó Tổng thông Lyndon B. Johnson lên thay, Chính phủ Mỹ thực hiện nhiều toan tính leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 2-8-1964, chiến hạm Maddox của Hoa Kỳ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Chiến tranh của Mỹ mở rộng ra miền Bắc Việt Nam. Để phục vụ cho việc leo thang chiến tranh, người Mỹ dựng lên ở Sài Gòn nội các quân phiệt Nguyễn Khánh, ban hành Hiến chương Vũng Tàu thâu tóm mọi quyền lực cho quân đội dưới trướng ông Nguyễn Khánh, ban bố tình trạng khẩn trương trên toàn miền Nam, cấm ngặt việc nói, viết, bình luận hai chữ “hoà bình”. Cuộc đấu tranh của sinh viên học sinh và đồng bào Phật tử Huế nổ ra trong đêm 20-8-1964 (kỷ niệm một năm bị Kế hoạch nước lũ của gia đình họ Ngô tàn sát Phong trào đấu tranh chống Diệm ở các đô thị miền Nam Việt Nam), cũng chỉ dám nêu khẩu hiệu chống chế độ “quân phiệt” Nguyễn Khánh chứ không ai dám nói đến hai chữ “hoà bình”. Bởi vì hai từ “hoà bình” lúc ấy dưới mắt chính quyền Sài Gòn tương đương với hai từ “Việt Cộng”. Mà “Việt Cộng” là bị đặt ra “ngoài vòng pháp luật”. Người bị chụp mũ “Việt Cộng” có thể bị bắn bỏ bất cứ lúc nào. Lúc ấy Sinh viên Phật tử chúng em, phần lớn xuất thân trong các gia đình ở nông thôn, tận mắt nhìn thấy và hứng chịu sự dã man của bom đạn Mỹ gây ra cho người thân, cho làng xã mình mà không dám hé môi tố cáo, phản đối chiến tranh của Mỹ. Đầu năm 1965, đột nhiên một cánh chim hoà bình bay đến giữa các đô thiu miền Nam – thị phẩm Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của Thầy Nhất Hạnh - một nhà sư du học ở Âu Mỹ mới về Việt Nam từ sau ngày lật đổ chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo Ngô Đình Diệm. Qua thơ, Thầy Nhất Hạnh đã phát ngôn hộ khát vọng hòa bình của bọn em. Bọn em ngấu nghiến đọc và khóc với nhiều hình ảnh trong thơ. Nhân có tập thơ của Thầy Nhất Hạnh (do Nhà xuất bản Lá Bối ấn hành) trong tay, một số đoàn viên Sinh viên Phật tử - em còn nhớ có các bạn Nguyễn Thiết, Bửu Hồ, Phạm Thị Xuân Quế, Lê Minh Trường, Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Thế Côn…) bàn với anh Vĩnh Kha (Đoàn trưởng) và em (Đoàn Phó phụ trách nội vụ) xin lãnh đạo Giáo hội cho tổ chức triển lãm tranh của Hoạ sĩ Lê Minh Trường và nhân có đủ mặt quan khách (kể cả đại diện chính quyền và quân đội Vùng 1 chiến thuật) đến dự triển lãm bất ngờ giới thiệu tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của Thầy Nhất Hạnh để gióng lên “tiếng nói hoà bình”. Em và anh Vĩnh Kha trực tiếp xin phép và được các thầy lãnh đạo Giáo hội đồng ý cho tổ chức triển lãm tranh tai Nhà giảng chùa Từ Đàm Huế. Chuyện giới thiệu tập thơ thì giữ tuyệt mật không báo cho các thầy biết. Vào một buổi chiều mưa phùn lạnh lẽo cuối năm Giáp Thìn (đầu năm 1965), Phòng tranh Quê Nghèo của Lê Minh Trường tại nhà giảng chùa Từ Đàm được cắt băng khai mạc. Phòng tranh có khoảng 25 tấm. Ngoài một vài bức tranh sơn dầu vẽ trên toan (toile) phần lớn tác giả dùng phấn màu vẽ trên bố (bao gạo), giẻ rách, vải tận dụng từ áo quần rằn ri của lính biệt kích, lính dù quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Nội dung các bức tranh tả thực cảnh nông thôn nghèo bị chiến tranh tàn phá rất cơ cực. Em nhớ nhất là bức vẽ trên bao bố hình ảnh một bà mẹ với vẻ mặt quắt queo như một trái cau khô bên giàn bầu, giàn bí nghiêng đổ. Đây là cuộc triển lãm phản chiến đầu tiên ở miền Nam Việt Nam những năm sáu mươi. Người xem dù với tư cách gì, thuộc tầng lớp nào cũng đều rất xúc động. Sự xúc động đang lắng sâu thì đột nhiên Lê Minh Trường đến máy phóng thanh tuyên bố đại ý:

- “Thưa quý vị, cám ơn quý vị đã có những lời khen tặng cho các bức tranh nghèo của tôi. Nhưng sự thực, tôi đã lấy một phần cảm xúc từ trong tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi xin giới thiệu một vài bài trong tập thơ để quý vị thưởng thức và cảm nhận thêm thân phận làm người Việt Nam mà tôi đã gởi gắm trong các tranh”.

Trong lúc mọi người đang ngơ ngác, Lê Minh Trường giở tập thơ và đọc ngay bài đầu tiên:

Hoà Bình

“Sáng nay vừa thức dậy
nghe tin em gục ngã
nơi chiến trường
nhưng trong vườn tôi, vô tình
khóm tường vi vẫn nở thêm
một đoá
tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở
nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng
điều tôi ước mơ ?”

Bài thơ mang tựa đề Hoà bình, nội dung nói lên cái thực trạng chiến tranh đang sát hại con người một cách oan uổng. Hai từ “hoà bình” làm cho các quan chức chính quyền có mặt trong Phòng triển lãm phải nhíu mày. Nhưng vì tác giả bài thơ là một vị Thiền sư tốt nghiệp ở Đại học Princeton ở New Jersey, và đang dạy Đạo Phật tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ) mới về Việt Nam ít lâu nên không ai dám có ý kiến gì cả. Riêng anh chị em Sinh viên Phật tử thì quá “đã”. Nhờ bài thơ của Thầy Nhất Hạnh mà bọn em có thể nói lên được hai từ “hoà bình” ước mơ của mình.

http://giaodiemonline.com/2014/12/images/ndx03.jpg

Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện thơ Nhất Hạnh do Lá Bối xất bản đầu 1965

“Nổ súng khai hoả” rồi mà vẫn thấy được bình yên, Lê Minh Trường “thừa thắng” đọc tiếp các bài Đừng biến mảnh vườn xanh xưa thành mồi ngọn lửa dữ, Ruột đau chín khúc, Sàigòn ơi đập tan đi ảo ảnh…trong tập Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện. Không khí trong nhà giảng bắt đầu căng thẳng. Lê Minh Trường say sưa đọc, không cần biết quan khách và người xem tranh đang nghe thơ trước mặt mình là ai, đang phản ứng trên nét mặt như thế nào. Với cử chỉ khẩn trương, Trường lật vội các trang thơ, mắt liếc nhìn vào các sĩ quan cao cấp ở Vùng I chiến thuật và đọc tiếp bài Chiến tranh (tr. 19-20). Trong đó có câu “Kẻ thù chúng ta không phải con người - dù con người Việt Cộng - giết con người đi rồi, chúng ta ở với ai ?”

Một quan chức (em không còn nhớ tên) bước vội đến nhìn sát vào trang thơ trên tay Lê Minh Trường xem thử đó là lời thơ của Thầy Nhất Hạnh hay lời người đọc thơ “cương” thêm. Ông định nói gì đó nhưng rồi lại thôi. Thầy Thích Đức Tâm (Phụ trách các đoàn thể Thanh niên của Giáo hội Phật giáo) biết ý, khoát tay bảo:

-“Hôm nay khai mạc phòng tranh, đọc thơ như vậy là đủ rồi”.

Bọn em thấy được như vậy cũng đã đủ rồi. “Con người Việt Cộng” bị đặt ngoài vòng Pháp luật đi qua thơ Thầy Nhất Hạnh đã hiện diện hợp pháp giữa khuôn viên chùa Từ Đàm. Bọn em đã nói lên được “ước vọng hoà bình”, phản đối chiến tranh của Mỹ đang gieo rắt trên quê hương Việt Nam.

Lễ khai mạc Phòng tranh Quê Nghèo của Lê Minh Trường kết thúc. Sau đó chính quyền Thừa Thiên và An ninh quân đội cho người lên nghiên cứu tác giả và tác phẩm Phòng tranh Quê Nghèo, nghiên cứu ai là người tổ chức. Thầy Đức Tâm sợ bọn em bị bắt nên đứng ra nhận trách nhiệm: “Triển lãm và giới thiệu sách tại chùa thì chùa đứng ra tổ chức chứ ai?” Để đối phó với những bất trắc có thể xảy ra, sau mấy ngày triển lãm, bọn em giúp Lê Minh Trường thu tranh về và phân ra gởi vào nhà các bạn thân. Sau đó Minh Trường bị bắt và bị đưa ra toà (vì một hoạt động khác) và bị giam ở Ba Lòng (miền tây Tỉnh Quảng Trị). Lê Minh Trường bị bắt và bị tù nên hầu hết tranh và tài liệu liên quan đến anh đều bị hủy. Sau nầy tìm hiểu em được biết Lê Minh Trường gởi cho anh Hoàng Văn Giàu (Cựu Đoàn trưởng sáng lập đoàn Sinh viên Phật tử Huế) giữ được bức Hoang vu, và gởi ở nhà chị Thái Kim Lan ở đường Bạch Đằng Huế bức Thuyền trăng. May mắn sao bức Thuyền trăng đến nay em chị Lan là Thái Nguyên Hạnh vẫn còn giữ.

Tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của Thầy Nhất Hạnh có một tác dụng rất lớn. Không những trong giới sinh viên học sinh và trí thức, mà ngay cả giới sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng bị tác động. Trung úy Thái Luân (Nguyễn Phước Sông Hưong) ở Sư đoàn I sáng tác và cho lưu hành tập thơ Vùng Tủi Nhục tố cáo chiến tranh do Mỹ đạo diễn rất dữ dội. Bản thân em với tư cách là một sinh viên Phật tử, tranh đấu trong tinh thần bất bạo động cũng làm một loạt thơ chống bạo động, chống chiến tranh. Con người luôn nhân danh một lý tưởng gì đó để chém giết và cuối cùng cũng nhân danh một cái gì đó để giết luôn mình (bài Nhân Danh), anh em họ hàng giết nhau (bài Hai Người Lính); tất cả quá khứ để lại là tội lỗi, nghèo đói, nhọc nhằn, chiến tranh, tuổi trẻ phải biết thương nhau để cùng nhau tranh đấu cho hoà bình, làm sao “cho súng phải thở dài, cho tàu bay khóc với, cho lựu đạn im tiếng, cho đường vũ khí qua tim” (bài Tâm ca số 5 - Để lại cho em).

http://giaodiemonline.com/2014/12/images/ndx04.jpg

http://giaodiemonline.com/2014/12/images/ndx05.jpg

Tôi ước mơ (Tâm ca số 1) - Thơ Nhất Hạnh, Phạm Duy phổ nhạc.

Nhạc sĩ Phạm Duy rất nhạy cảm trước xu thế tranh đấu của tuổi trẻ đô thị lúc ấy cho nên ông đã cho ra các loạt bài Tâm ca, Tâm phẫn ca, trong đó có nhiều bài ông phổ thơ của bọn em. Mở đầu các loạt bài hát nầy là bài phổ thơ Hoà bình của Thầy Nhất Hạnh (đổi tựa đề thành Tôi ước mơ), sau đó là bài Để lại cho em, bài Nhân danh, bài Chuyện hai người lính (phổ thơ của Tâm Hằng - Nguyễn Đắc Xuân), Bi hài kịch (của Thái Luân). Nhưng nổi tiếng nhất là bài Kẻ thù ta với lời ca do nhạc sĩ Phạm Duy phát triển từ một câu thơ trong bài Chiến Tranh của Thầy Nhất Hạnh. Loạt bài Tâm Ca, Tâm Phẫn Ca được tuổi trẻ đô thị lúc đó rất hoan nghênh và hát vang trong các cuộc tụ tập mít-tin, biểu tình chống Mỹ, chống chiến tranh. Riêng Thầy Nhất Hạnh thì khi được nghe bài Để lại cho em, Thầy rất xúc động. Thầy đáp lại thế hệ của “Em” bằng cuốn sách nhỏ Nói Với Tuổi Hai Mươi.

Trong chưong mở đầu Nói với tuổi hai mươi, Thầy viết:

Chưa bao giờ tôi khóc khi nghe người ta hát. Thế mà tối hôm đó nước mắt tôi cứ chực trào xuống trong suốt thời gian tôi ngồi nghe nhạc sĩ Phạm Duy hát bài Tâm ca số năm của anh. Buổi họp mặt gồm có chừng ba trăm thanh niên nam nữ, phần lớn là những người đang theo học trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một số các vị giáo sư và thân hữu của trường. Bài tâm ca mang tên là “Để lại Cho Em”, những lời tự thú của một người anh bốn mươi tuổi nói với người em hai mươi tuổi. Phải, đúng là những lời tự thú. Những lời tự thú thẳng thắn, đầy ân hận, đầy đau thương; những lời tự thú làm cho xót thương dâng lên tràn ngập lòng người, người của thế hệ đi trước cũng như của thế hệ đi sau. Những lời tự thú khiến cho giận hờn và trách móc tan biến và khiến cho nguồn thông cảm được khơi mở. Trong ánh mắt của những người trẻ tuổi hôm ấy, tôi quả đã đọc thấy tha thứ và tin yêu.” (Thích Nhất Hạnh, Nói Với Tuổi Hai Mươi, Lá Bối, Sg 1965, tr. 3-

http://giaodiemonline.com/2014/12/images/ndx06.jpg

Để lại cho em (Tâm Ca số 5) Thơ Nguyễn Đắc Xuân, Phạm Duy phổ nhạc (Giữ Thơm Quê Mẹ, tập san Văn Nghệ, Lá Bối xb, số 5 / 26-10-1965, tr.57-59)

Chuyện cũ đã qua, không ngờ hơn bốn mươi năm sau, vào năm 2007 em được Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusett mời sang Boston (Hoa Kỳ) trình bày đề tài Phong trào văn thơ âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964-1966 tại miền Nam Việt Nam. Và, cũng qua chuyến đi này các Việt Kiều cho biết đúng 40 năm trước (1967), Mục sư Martin Luther King cũng đã sử dụng một câu thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được phổ nhạc trong Tâm ca làm khẩu hiệu cho một cuộc tuần hành vận động hòa bình ở Mỹ lúc ấy.

Báo Los Angeles Times, số ra ngày Chủ nhật 14-1-2007, số đặc biệt về Martin Luther King- nhà đấu tranh cho dân quyền người da đen Hoa Kỳ. Mẩu báo này có đăng tấm ảnh Mục sư Martin Luther King dẫn đầu cuộc tuần hành gồm trí thức và các nhà hoạt động chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đặc biệt, phía sau đoàn tuần hành là tấm biểu ngữ lớn giăng cao viết bằng hai thứ tiếng Anh và Việt.

http://giaodiemonline.com/2014/12/images/ndx08.jpg

"Men are not our ennemies
If we kill men, with whom shall we live
?",

và nguyên văn tiếng Việt (hai câu thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong Tâm ca số 7) :

« Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai

Cuộc tuần hành này diễn ra vào tháng 3-1967 tại thành phố Chicago - trung tâm thương mại và công nghiệp lớn thuộc Tiểu bang Illinois. Tấm ảnh nầy sau 40 năm mới được công bố và nó cũng nhắc em nhớ lại, cũng chính vào năm 1967 – cách đây đúng 42 năm, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được chính Mục sư Martin Luther King Jr. (Nobel Hòa bình 1964) đề cử giải Nobel Hòa bình.

Có lẽ hai sự kiện này có liên quan với nhau. Nhờ môi giới của văn thơ âm nhạc hoà bình mà sau đó em và nhiều Sinh viên Phật tử khác được gần gũi Thầy Nhất Hạnh. Mỗi lần về Huế thế nào Thầy cũng gặp sinh viên Phật tử chúng em. Gặp ở chùa Từ Đàm hay gặp ở chùa Từ Hiếu. Sinh viên Phật tử đi ấn tống các sách Đạo Phật ngày nay, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo Phật hiện đại hoá, Bông Hồng cài áo….của Thầy. Sách của Thầy do Lá Bối in đẹp, nội dung dễ hiểu, thích hợp với tuổi trẻ lúc ấy nên ai cũng mua một tập cầm trên tay. Một buổi trưa hồi cuối năm 1965, Thầy Nhất Hạnh ở lại chùa Từ Đàm với sinh viên Phật tử, nhân đó Thầy cho biết Thầy đang quyên góp tiền bạc để xây dựng Trường Thanh niên phụng sự xã hội, anh Vĩnh Kha (Đoàn trưởng Sinh viên Phật tử) biết rõ Thầy có quan hệ với nhiều tổ chức xã hội của Mỹ nên thưa với Thầy rằng:

- “Sao Thầy không xin các tổ chức xã hội của Mỹ ít đô-la để làm trường mà lại đi quyên góp đồng doi đồng mót của Phật tử làm gì cho mệt vậy ?”.

Thầy liền nghiêm sắc mặt nhìn bọn em và bảo:

- “Mình làm công tác xã hội mà lấy tiền của Mỹ để làm trường thì Mặt trận Giải phóng họ sẽ cho người về đốt trường ngay. Và, các em cũng nên thận trọng làm gì mà để người Mỹ họ nghi là Việt Cộng thì họ cũng sẽ bắt ngay. Cho nên muốn giúp dân, muốn đấu tranh lâu dài cho thống nhất đất nước, cho hòa bình dân tộc thì phải giữ sao cho được sự thuần túy của Phật giáo !”.

Tuổi trẻ, bọn em rất bồng bột, đem cái thân mình ra đặt cược cho các cuộc đấu tranh. Khi đấu tranh không tính đến hậu quả cho nên không có đường rút những khi đấu tranh không thành công. Lời dạy của Thầy Nhất Hạnh rất thấm thía. Em đã lấy ý kiến của Thầy làm châm ngôn hành động những tháng ngày còn đấu tranh ở các đô thị sau đó.

3. Bốn mưoi năm vẫn giữ trái tim vàng

Mùa hè năm 1966, Thầy ra nước ngoài vận động cho hòa bình Việt Nam, đi ngược lại với chủ trương leo thang chiến tranh của Mỹ và Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ, Thầy không được về nước. Cuộc đấu tranh của Phật tử và Sinh viên học sinh Đà Nẵng Huế và các đô thị miền Nam, bị dìm trong máu, em thoát ly theo kháng chiến. Sau chín năm đói khát, bệnh tật, bom đạn ác liệt, suýt chết hàng chục lần...em may mắn được đóng góp vào sự nghiệp chung giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị ạ. Nhưng Thầy thì phải đợi thêm 30 năm nữa mới được chính quyền xã hội chủ nghĩa hiểu và đồng ý để Giáo hội PGVN tỉnh Thừa Thiên Huế mời Thầy về thăm quê hương. Sáng sớm ngày 18-2-2005, Giáo hội và Phật tử tâp trung về chùa Từ Đàm chuẩn bị đi sân bay Phú Bài “Cung đón Sư ông Nhất Hạnh”. Em đến sớm, nhưng nghĩ mình không có chức phận gì, lại mặc Âu phục không giống ai giữa rừng tăng ni Phật tử rực rỡ màu vàng, màu nâu, màu lam nên em lặng lẽ đứng nép mình ở một góc cái phòng đầu tầng trệt Nhà giảng - nơi bốn mươi năm trước là trụ sở của Đoàn Sinh viên Phật tử đã từng gắn bó với em, chờ Giáo hội đi đón Thầy về chùa Từ Đàm để thăm Thầy. Không ngờ các thầy trong Ban Trị sự Giáo hội mời em lên xe của Ban Trị sự đi sân bay Phú Bài. Trừ những lễ Phật Đản, sau năm 1975, chưa bao giờ ở Huế có một cuộc nghinh đón các bậc tôn trưởng đông đảo uy nghi nhiệt tình như vậy. Hàng mấy chục ô-tô lớn nhỏ, hàng trăm Honda trật tự nối đuôi nhau trực chỉ hướng Nam. Xe dẫn đầu đã về đến An Cựu mà cái đuôi vẫn còn dùng dằn ở chân dốc Bến Ngự. Cho đến năm 2005, thế hệ Sinh viên Phật tử đã từng được gần gũi Thầy bốn mươi năm trước như em không còn mấy người. Các đoàn thể khác chắc cũng thế. Tự nhiên em thấy mình lạc lõng. Tàu bay đến, em không dám đứng vào bất cứ đoàn thể nào để ra chân cầu thang máy bay đón Thầy. Ban Trị sự, các Hòa thượng, Thượng tọa chức sắc phẩm phục vàng, lọng tàng rực rỡ cung nghinh Thầy. Em đứng nép bên đường, cầm chắc máy ảnh trên tay, chờ được chớp “những tấm ảnh lịch sử” giây phút Thầy về thăm quê hương sau bốn mươi năm lưu vong. Được đi đón Thầy, em cảm thấy sung sướng hết sức. Năm 1966, một mình Thầy lặng lẽ sang Pháp, âm thầm ra đi như đi trốn Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Em hân hạnh được làm người chiến sĩ trong công cuộc giành độc lập, thống nhất nước nhà để hôm nay đón Thầy về. Thầy ra đi một mình, giờ nầy Thầy trờ về với một Đoàn đệ tử Tăng thân Làng Mai trên dưới ba trăm người, trong đó có nhiều trí thức ngoại quốc. Tự hào làm sao! Máy ảnh áp sát vào mắt, hai tay nắm chặt nhưng em cảm thấy run. Vào khoảng 8g25, Thầy đi giữa hàng chức sắc và hai cái lọng vàng nhẹ bước ra gần cống sân bay. Bổng trong tai em vang lên hai tiếng “Anh Xuân! Anh Xuân”. Em không hiểu Thầy gọi ai nên vẫn tập trung tinh thần bấm máy lia lịa. Lại có tiêng kêu “Anh Xuân!”. Em hơi ngạc nhiên. Tiếp đến Hòa thương Thích Chơn Thiện, Hòa thượng Thích Giác Quang quay về phía em gọi: “Anh Xuân, Ôn kêu anh kìa!”. Em vội bước tới, Thầy ôm em vào người và bảo:

- “Bốn mươi năm vẫn giữ trái tim vàng!”.

Gặp lại Sư ông Thích Nhất Hạnh tại sân bay Phú Bài lúc 8g25 ngày 18-2-2005. Ảnh của một Phật tử nào đó gởi tặng tác giả

Chị ơi, người em được áp vào ngực Thầy, năng lượng tu tập của Thầy đã được chia sẻ cho tâm hồn em. Em đã có một trái tim vàng thực sao? Tất cả đoàn Ban Trị sự, các bậc tôn đức và tăng ni đi cung đón Thầy hoan hỉ cùng em. Thầy buông em ra, em cáo lui thì bị Thầy kéo em lại bên Thầy, cùng đi ra bãi đỗ xe cùng mọi người. Đi bên Thầy em vừa vui mừng, vừa ngại. Vì như thế làm cho hàng ngũ tăng ni và Phật tử cung nghinh Thầy trở nên lộn xộn, nhưng em không thể tháo lui được. Em có cảm giác như Thầy muốn em đi với Thầy để cho việc cung nghinh lọng tàng quá long trọng trở nên thân tình, vui vẻ hơn.

Đến chỗ ngồi nghỉ để chuẩn bị lên xe, Thầy kéo em ngồi vào cái ghế giữa Thầy và các Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Hòa thượng Thích Giác Quang, các Phật tử chen nhau đến cúi lạy Thầy, em thấy mình vô lễ quá nên nhổm khỏi ghế rồi ngồi sụp xuống đất làm cho moi người chú ý cười vui một lần nữa. Hòa thương Thích Chơn Thiện nói một vài câu giới thiệu em với Thầy. Thầy lại nói: “Bốn mươi năm...!”.

Chị ơi, hạnh phúc quá bất ngờ. Chờ đợi bốn mươi năm để được hưởng niềm vui như thế nầy thực quá sức tưởng tượng của em. Thầy về với tăng thân Làng Mai đông đảo, thân tình, vui vẻ hóa giải được bao nhiêu ngộ nhận về Thầy. Những ngộ nhận ấy làm sao không liên quan đến thời tranh đấu ở các đô thị của em? Không ai có thể hiểu được hạnh phúc của em từ sau ngày đón Thầy về thăm quê hương.

Ngày 25-2-2005, Thầy đến thuyết giảng và chia sẻ với Tăng ni sinh Học Viên PGVN tại Huế (chùa Hồng Đức), ngoài tăng ni sinh, nhiều Hòa thượng, Tôn đức, trí thức Huế cùng dự. Thầy đang thuyết giảng thì tự nhiên mất điện. Cả thính phòng rộng lớn tĩnh lặng chờ. Hòa thượng Thích Chơn Thiện- Viện trưởng Học viện, thấy em ngồi trầm ngâm không giấu được sự khó hiểu của dòng điện bị cắt mà không báo trước, liền vui vẻ bảo em: “Anh Xuân, điện bị cúp, anh có chuyện chi vui lên kể cho Sư ông nghe đi!”. Lại thêm một chuyện bất ngờ. Dù em chưa chuẩn bị gì trước, nhưng được gọi, em không thể từ chối. Em đi lên đảnh lễ Thầy và nói ngay những gì đang có sẵn trong tâm trí:

- “Kính bạch Thầy, sau cuộc tranh đấu cho hòa bình dân tộc mùa hè năm 1966 không thành, Thầy thoát được ra nước ngoài tiếp tục con đường tranh đấu cho Đạo pháp và dân tộc. Con ở lại, bị chính quyền VNCH truy bắt, không lối thoát, con phải lên rừng theo kháng chiến. Nhờ thế, con đã hân hạnh được góp sức mình vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày 30-4-1975, về lãnh thổ Việt Nam đã hoàn toàn thông nhất. Nhưng đối với con, mãi cho đến 8g45 phút sáng ngày 18 tháng 2 năm 2005 vừa rồi, Thầy về đến sân bay Phú Bài, được Thầy ôm con vào lòng, lòng người Việt Nam trong con mới thống nhất. Về nước lần nầy, Thầy đã cho con hạnh phúc Việt Nam hoàn toàn thống nhất.

Em định nói thêm nữa “Thưa Thầy, câu thơ trong bài Để lại cho em của con đã làm cho Thầy xúc động 40 năm trước “Để lại cho em một nước phân lìa, để lại cho em một giống nòi chia”, nay có thể xóa được. Nhưng dòng điện đã được nối và nhiều thính giả muốn được nghe Thầy thuyết giảng tiếp nên em cáo lui, dành lại ý nghĩ đó để kể lại với chị trong lá thư nầy.

Chi biết không, cũng lại thật bất ngờ, tối hôm đó trên các trang Web ở trong nước ngoài nước có nhắc lại câu nói của em và cho đây là một ý tưởng hay: “cho đến 8g45 phút sáng ngày 18 tháng 2 năm 2005 vừa rồi, Thầy về đến sân bay Phú Bài, được Thầy ôm con vào lòng, lòng người Việt Nam trong con mới thống nhất”. Từ đó một ý nghĩ nẩy ra trong tâm trí em “Phải sống thực và nói thực mới có ý tưởng hay”. Nhưng chị ơi, một đời người cầm bút có mấy khi có được ý tưởng hay đâu! Cuộc sống thực dụng ngày nay giết chết biết bao những ý tưởng hay.

4. Tấm ảnh quý

Một buổi chiều, vợ chồng em theo sau Thầy và tăng thân Làng Mai về thăm quê Thầy ở làng Thành Trung, huyện Quảng Điền. Gặp lại em, một Sư cô hỏi:

-“Sư ông về mấy hôm nay mà không thấy anh. Nghe anh viết nhiều sách về Huế mà Tủ sách Làng Mai chưa có sách của anh đó!”.

Em nghĩ rằng Thầy và Tăng thân có quan tâm đến em nên em rất hân hạnh:

- “A-di-đà Phật, mấy hôm nay con vẫn theo Thầy, nhưng thường đứng phía sau nên Sư cô không thấy. Con có viết một số sách giới thiệu lịch sử, văn hóa triều Nguyễn và Huế xưa, nhưng xa xôi quá nên chưa có dịp gởi vào Tủ sách Làng Mai!”

Trả lời xong em cảm thấy mình như có một bổn phận mà chưa hoàn thành. Về nhà em lục tìm những sách lưu tiêu biểu của em bỏ đầy một túi, chờ cơ hội để gởi vào Tủ sách Làng Mai.

Rồi lại một buổi chiều, em kết thúc được một bài gì đó sớm, thấy trong người phấn chấn, em gọi nhà

em :

- “Sửa soạn anh chở em đi thăm Thầy và gởi sách của anh vào Tủ sách Làng Mai.”

Ý kiến bất ngờ quá, và lạ quá, nhà em không tin:

- “Từ ngày Ôn về đến nay có ai được gặp riêng Ôn đâu mà anh lên thăm Ôn có cho phép và có cho hẹn anh không mà anh lên thăm?”

Đúng là chưa và không. Nhưng trong buổi chiều đó em nhớ đến Thầy, em quyết đi thăm Thầy. Em trả lời nhà em:

- “Chương trình về thăm quê nhà của Thầy đã được thiết kế từ nhiều tháng trước. Kín hết cả rồi. Anh làm gì mà được Thầy cho hẹn đến thăm. Mình cứ đến. Nếu may mắn được Thầy tiếp thì mình vô thăm Thầy, nếu không...,ta gởi sách nhờ các thị giả chuyển cho Tăng thân rồi về, xem như chiều nay vợ chồng mình đã có một buổi đi thăm Thầy!”

Nhà em nghe có lý nên vội vàng sửa soạn đi ngay. Chị ơi, lại thật bất ngờ. Không rõ chuẩn bị từ khi nào, hôm ấy nhà em sử dụng một bộ trang phục áo quần dài, áo khoát, khăn choàng đầu đều màu nâu - cái màu áo của Làng Mai. Em thấy nhà em đẹp và hiền như chưa bao giờ.

Chùa Từ Hiếu đối với em có quá nhiều mối quan hệ và kỷ niệm. Năm 1965, em đã nhiều lần được ngồi với Thầy bên cửa sổ nhìn về khu vườn chùa ở phía tây nghe Thầy nói chuyện Đạo Phật hiện đại hóa, Đạo Phật dấn thân, chuyện thơ văn và công tác xã hội. Trong thời gian ẩn trong chùa Tường Vân (tháng 6-1966), em đã được bí mật dẫn băng qua núi thăm các thầy chùa Từ Hiếu và ăn một vài bữa cơm chay trước khi đi kháng chiến. Và có lẽ ít ai biết: Ngài Minh Huệ-vị Tổ thứ tư của Tư Hiếu, người Dã Lê- em họ của ông nội em. Mỗi lần đi chùa Từ Hiếu em lại nhớ Thầy, dù không qui y ở đây, nhưng em luôn cảm thấy mình là một thành viên trong ngôi chùa nổi tiếng tiêu biểu của văn hóa Huế nầy.

Chiều hôm đó hai vợ chồng em xách túi sách đến đứng ở đầu hành lang dẫn vào cái cốc dành riêng cho Thầy ở phía đông nam vườn chùa Từ Hiếu. Một thị giả ra chào và em nói nguyện vọng:

-“ Tôi là Phật tử Nguyễn ..., xin được thăm Sư Ông và....”.

Vị thị giả trẻ, đẹp, đức hạnh ôn tồn bảo em:

- “Hôm nay Sư Ông nghỉ hoàn toàn, giữ sức khỏe để ngày mai dự lễ kỵ Ôn Tăng thống bên chùa Tường Vân. Sư Ông không tiếp ai hết. Quí vị vui lòng...”

Vợ chồng em không ngạc nhiên, không buồn gì cả. Em nâng túi sách lên trước mặt và nói với thị giả:

-“ Nhờ thầy chuyển túi sách nầy cho Tăng thân Làng Mai, trong túi đã có thư riêng của tôi nói rõ sách do tôi gởi tặng!”

Gởi được túi sách tặng Tủ sách Làng Mai vợ chồng em vui rồi. Ra về gần đến chỗ để xe thì găp thầy Pháp Ấn vừa đi đâu về. Thầy chào và hỏi chuyện. Thầy biết vợ chồng em muốn gặp thăm Sư Ông, thầy rất vui và mời vợ chồng em trở lại nơi Sư Ông đang nghỉ. Vợ chồng em lại đứng chờ ở đầu hành lang cũ. Không rõ thầy Pháp Ấn thưa với Thầy như thế nào, mà chỉ một phút sau, vợ chồng em thấy Thầy mở cửa ra tươi cười nhìn về phía vợ chồng em và ra dấu mời vợ chồng em vào phòng khách có bộ salon giả cổ nằm giữa phòng nghỉ với điện Phật. Thật là một may mắn hiếm có. Tưởng là không mà lại có. Chỉ trong mấy phút. Nhà em cảm động chỉ biết chắp tay đảnh lễ Thầy. Em được ngồi đối diện với Thầy kể chuyện những Sinh viên Phật tử Huế ngày ấy nay ai còn ai mất, ai đang ở nước ngoài. Em cũng kể sơ lược vể những năm tháng em xa Thầy đi kháng chiến gian khổ ác liệt khó khăn đến như thế nào và nỗi vui mừng đất nước thông nhất, được đón Thầy về thăm quê hương. Thầy thương tiếc những người đã mất, chúc mừng hạnh phúc của đất nước và dân tộc, chúc mừng những người được may mắn sống sót. Chuyện cũ đã qua, thầy khuyến khích em hoàn thành những gì em đang thực hiện trong hiện tại.

Thấy thầy không được khỏe, em sợ ngồi lâu bất tiện nên thưa với Thầy:

- “Kính bạch Thầy, con đã được hân hạnh chụp ảnh với Thầy, nhưng nhà con thì lân đầu tiên được đến gần Thầy...,.!”.

Vợ chồng em định đứng dậy chắp tay bước qua đứng sau lưng Thầy. Thầy khoát tay bảo vợ chồng em ngồi xuống. Thầy nhanh nhẹn đứng dậy đi qua phía sau lưng vợ chồng em và nói:

- “Nơi đây không phải là Giáo hội, mà là anh em...!”

Và, may sao nhà nhiếp anh Minh Thi (Tôn Thất Phú) ở đâu phía sau chùa đi trờ tới đúng lúc. Minh Thi đã giúp ghi lại cho vợ chồng em cái giờ phút hiếm có được ở trong vòng tay của Thầy. Kiểu ảnh quý, có cái đát 3-3-2005.

Chị ơi, lại cũng không ngờ. Minh Thi cho biết từ ngày Thầy về Huế đến nay, chưa có cặp Phật tử nào được chụp ảnh riêng với Thầy. Do đó, Minh Thi đã sang lớn và treo tấm ảnh đó ở Hiệu ảnh Minh Thi đường Hùng Vương suốt những ngày Thầy và Tăng thân Làng Mai còn lưu lại Huế trong chuyến về thăm ấy. Vốn là một người nghiên cứu lịch sử và rất thích kỷ niệm nên em rất quý tấm ảnh đó. Nhưng đối với nhà em thì nó có một giá trị khác. Lần đầu tiên cùng một lúc vợ chồng em được Thầy chia sẻ cho năng lượng của cái tâm thương yêu. Tâm tưởng của hai vợ chồng cùng quy về một hướng, cởi bỏ dần được sự cô đơn của tuổi tác, hoàn cảnh và chí hướng. Chỉ được gặp Thầy trong giây phút, không ngờ được hưởng hạnh phúc những năm tháng còn lại của cuộc đời mình. Thầy về thăm Huế đầu năm 2005 là một bước ngoặt của hạnh phúc gia đình em.

Là một người Phật tử ở Huế, lớn lên học hành, hoạt động thơ văn, tranh đấu ở đô thị em quen biết và quan hệ với quá nhiều người thuộc nhiều giới, nhiều xu hướng chính trị hiện đang định cư ở nước ngoài. Em biết nhiều người đến nay vẫn chống phá VN quyết liệt, họ chống cả em nhưng cũng có nhiều người biết ơn Cách mạng Việt Nam đã kháng chiến thống nhất đất nước, nhưng vì hoàn cảnh họ phải định cư ở nước ngoài. Khi bắc được một nhịp cầu với người trong nước họ sẵn sàng bắt tay. Em đã làm việc đó trải qua bao nhiêu năm nay. Do đó, khi Việt Nam có Nghi quyết 36 em mừng vô cùng, tin tưởng vô cùng. Nhờ có Nghị quyết 36 mà em được đón Thầy Nhất Hạnh, được đón nhạc sĩ Phạm Duy và biết bao người quen thân khác nữa. Việt Nam đã đổi mới thật sự (!). Đi đâu em cũng nghe chuyện Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc sĩ Phạm Duy hưởng ứng Nghị quyết 36 về lại quê nhà. Việt Nam được thế giới Tây phương xóa tên khỏi danh sách CPC- danh sách những nước có vấn đề tôn giáo cần phải quan tâm.

5. Có một ngôi làng Việt Nam rất Việt Nam trên đất Pháp

Đầu tháng 5-2005, em được mời theo Đoàn của Trung tâm Nghiên cứu quốc học - do GS Mai Quốc Liên dẫn đầu sang Pháp và một số nước Châu Âu. Đoàn đã gặp Hội người Yêu Huế, thăm viếng những nơi Bác Hồ đã từng sống qua, gặp Hội Người Việt Nam ở Pháp, thăm các nhân sĩ trí thức như GS Lê Thành Khôi, Kỷ sư Lê Huy Cận, Tiến sĩ Thu Trang Công Thị Nghĩa.v.v. Trong buổi lễ kỷ niệm Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nhà Việt Nam (23 Rue Cardinal Lemoine, 75005 Paris), em hân hạnh được gặp ông Nguyễn Đình Bin, Đại sứ Việt Nam tại Pháp. Trong lúc trao đổi chuyện đưa Nghị Quyết 36 vào cuộc sống, ông Đại sứ rất vui kể chuyện ông đã có dịp về thăm Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở 13 Martineau, 33580 Dieulivol (Bordeaux). Ông nói đại ý rằng:

- “Ở miền Tây nam nước Pháp nầy có một ngôi làng Việt Nam rất Việt Nam - Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đạo Phật ở Làng Mai là đạo Phật của Việt Nam. Thế mà bao nhiêu năm nay mình không hề biết. Vừa qua chúng tôi có dịp xuống thăm, tìm hiểu và khi trở lại Paris tôi viết ngay báo cáo gởi về nước bổ sung vào hồ sơ xét duyệt chấp thuận cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh TTH, mòi Thiền sư Thích Nhất Hạnh về thăm quê nhà”.

Tại Nhà Việt Nam (Paris, 5-2005), lắng nghe ông Nguyễn Đình Bin - Đại sứ VN tại Pháp kể chuyện ông đã về thăm Làng Mai ở miền Tây nam nước Pháp

Sau đó không lâu, em theo Trung tâm Nghiên cứu quốc học về Trúc Lâm Thiền Viện tại Villebon-sur-Yvette, thuộc vùng ngoại ô cách trung tâm Paris khoảng hơn 20 km về phía Nam, để dự lễ Phật đản và nói chuyện chuyên đề “Ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo trong Văn học Việt Nam” Trong bữa ăn trưa em được ngồi cùng bàn với Thượng tọa Phước Đường - bào đệ của Hòa thượng Thích Thiện Châu, hiện là Viện chủ Trúc Lâm Thiền viện và ông Nguyễn Cao Vân ... Khi được biết ông Nguyễn Cao Vân là Cố vấn ở bên cạnh ông Đại sứ Việt Nam tại Pháp, em vui miệng kể chuyện vừa qua em được hầu chuyện ông Đại sứ về Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Nhà Việt Nam. Ông Nguyễn Cao Vân rất vui, bảo cho em biết đại ý là :“Trong chuyến đi thăm Làng Mai đó, tôi có tháp tùng ông Đại sứ. Đúng là không ngờ trên đất Pháp có một ngôi làng Việt Nam mà bao lâu nay mình không hề biết. Làng Mai là một trung tâm Phật giáo thế giới, có nhiều ngôi chùa hoàn toàn được xây dựng theo kiến trúc chùa Việt Nam, nào là Pháp Vân, Từ Nghiêm, Cam Lộ ở các Xóm Thượng, Xóm Mới, Xóm Hạ.v.v..tôi không đi hết và cũng không thể nhớ hết nhưng rất ấn tượng. Lại đươc Thiền sư Thích Nhất Hạnh tiếp và nói chuyện Phật giáo Việt Nam. Thiền sư ở Pháp mà nói chuyện văn hóa Việt Nam còn hay hơn mình ở Việt Nam nữa. Phật giáo Việt Nam mà như thế là rất tuyệt. Sau nầy về hưu tôi sẽ vô Huế xin qui y theo Đạo Phật!”

Chị ơi,

Lần đầu tiên em được nghe ý kiến các quan chức cao cấp có trách nhiệm nhận xét về Thầy và Làng Mai như thế em rất vững tin. Những ngộ nhận mấy chục năm qua có thể được làm sáng tỏ. Em chưa về Làng Mai bao giờ nên trong lòng em lâu nay cũng có những áy náy. Như thế em có thể cởi bỏ những áy náy trong lòng em được rồi. Em cám ơn ông Đại sứ, cám ơn ông Cố vấn của Đại sứ - những người đã đưa Nghị quyết 36 vào cuộc đời một cách thiết thực.

Tại Trúc Lâm Thiền viện (ngoại ô Paris), cám ơn ông Nguyễn Cao Vân Cố vấn Tòa Đại sứ VN tại Pháp về những thông tin Phật giáo Làng Mai, 5-2005

Đầu tháng 6-2005, em tạm biệt Pháp, đi tàu tốc hành TGV qua Đức thăm gia đình người quen ở Stuttgart và được hướng dẫn đi chợ cũ. Em ngạc nhiên thấy giữa cuộc sống nhộn nhịp hối hả ở khu chợ Đức nổi lên nhiều gian hàng trưng bày tượng Phật rất đẹp. Gian nầy có đủ loại tượng, với nhiều phong cách (Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam...), bằng nhiều chất liệu (gỗ, đồng, đá quý...) khác nhau, gian kia chỉ đặt vài pho tượng lớn, hoặc chỉ một pho tượng cổ cao quá đầu người. Nhiều khách hàng Đức và các nước khác đứng vòng quanh chắp tay nhìn ngắm một cách nghiêm cẩn. Em giương máy ảnh lên chụp làm kỷ niệm thì bị nhân viên bán hàng khoát tay bảo cấm chụp. Người hướng dẫn hỏi lý do thì được biết những pho tượng cổ ấy mới khai quật được từ một nước ở Đông Nam Á, rất cổ. Người ta cấm chụp ảnh để bảo vệ chất liệu cổ của tượng trước tác động hủy diệt của ánh đèn phờ-lát. Em hỏi giá bán pho tượng ấy là bao nhiêu, người bán hàng lắc đầu “Không bán” - “Vậy trưng bày ở đây làm gì ?” - “Vì chuyện buôn bán bây giờ căng thẳng quá. Chợ phải trưng bày nhiều tượng Phật để thư giản” - “Căng thẳng vì chuyện gì ?” - “Vì phải cạnh tranh với hàng hoá của Trung quốc và Á châu tràn ngập thị trường châu Âu quá dữ dội”. Thật là bất ngờ. Em tự giới thiệu với họ em là người Việt Nam. Một cô chủ gian hàng với nét mặt rạng rỡ báo với em: “Việt Nam hả, đang có một Thiền sư Việt Nam đang giảng Đạo Phật ở đây. Nhưng vì ban ngày phải lo buôn bán chúng tôi không theo học được. Rất tiếc.” Em buột miệng hỏi “Thiền sư Thích Nhất Hạnh phải không?” Người bán vui vẻ “Đúng rồi. Ông Thiền sư Việt Nam Thích Nhất Hạnh có một trung tâm Phật giáo ở Pháp, có nhiều sách viết về Đạo Phật đó !” Ôi, chị ơi, được làm một Phật tử, một đồng hương với Thiền sư Thích Nhất Hạnh lúc nầy em cảm thấy vinh dự làm sao. Văn hoá Việt Nam qua Thiền sư - trưởng tử của Như Lai, đã đến được với người thường dân phương Tây như thế xưa nay em chưa từng nghe bao giờ.

6. Về một người tu theo pháp môn đạo Phật Làng Mai tìm được hạnh phúc

Qua sự việc ấy làm cho em nhớ lại cách đây gần mươi năm, gia đình em được đón ông bà Woong-Tâm ở San Francisco về thăm Huế. Ông Woong là bác sĩ gây mê hồi sức nổi tiếng của Mỹ, người gốc Trung Hoa sinh trưởng ở Hoa Kỳ, bà Tâm là chị con ông cậu ruột của bà xã em, du học Hoa Kỳ từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Đến Huế, ông bà nhờ em giới thiệu một người hướng dẫn để ông bà đi hành hương chùa Từ Hiếu. Em rất ngạc nhiên, thông thường khách du đến Huế thường đi thăm lăng tẩm, Cung điện nhà vua rồi sau đó mới đi chùa - mà ngôi chùa tiêu biểu là Thiên Mụ chứ không phải Từ Hiếu. Em hỏi lý do vì sao chỉ đi hành hương chùa Từ Hiếu thôi? Ông Woong giải thích :

- “Vì tôi muốn đến bái lạy ngôi chùa tổ của người Thầy đã làm thay đổi đời tôi !”

- “Thầy ông là ai ?”

Ông lặng lẽ lấy trong xắc ra một tấm ảnh trịnh trọng trưng lên trước mặt em và đáp:

- “Thiền sư Thích Nhất Hạnh” .

Nhìn tấm hình Thầy Nhất Hạnh trên tay một đệ tử trí thức ngoại quốc em vui làm sao! Em nhanh nhẩu tiếp lời:

- “Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng là người Thầy đã làm thay đổi đời tôi ?”.

Ông Woong trố mắt vô cùng ngạc nhiên ;

- “Thay đổi như thế nào ? Anh cũng là đệ tử của Thiền sư?”.

Em kể với ông Woong chuyện Trường Tuệ Quang của Thầy Nhất Hạnh đã cấp Học bạ lớp Nhất để em đi thi Tiểu học. Nhờ thế em đã bước qua được cái ngưỡng Tiểu học để học lên cao trở thành người sống bằng ngòi bút hôm nay và chuyện Thầy Nhất Hạnh xúc động khi nghe bài thơ được phổ nhạc Để lại cho em của em mà viết nên cuốn sách Nói Với Tuổi Hai Mươi - sách gối đầu giường của Sinh viên học sinh Phật tử Việt Nam một thời.

Nghe em kể chuyện, ông Woong rất bất ngờ, ông xúc động và tỏ ra thân thiết gấp nhiều lần so với tình anh em “cột chèo” với em trước đó. Ông cho biết ông vốn là Con chiên ngoan đạo Thiên chúa, ông có bằng cấp cao, có gia đình con cái hạnh phúc, có tiền bạc tài sản vào loại khá giả ở Hoa Kỳ nhưng hơn nửa đời người ông không tìm được sự an ổn tinh thần, nhiều lúc hạnh phúc tưởng đã có lúc bị đe doạ tan vỡ. Sau đó may mắn ông đọc được các sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông biết tìm hạnh phúc trong giây phút hiện tại, trong từng hơi thở, từng bước đi..., ông ngộ ra và đi theo Đạo Phật Làng Mai. Chùa Từ Hiếu trở thành ngôi nhà thờ tổ - nơi nương tựa của đời sống tâm linh của ông.

Sau cuộc gặp gỡ ấy ông Woong và em ngoài tình anh em “cột chèo” còn tình đồng đạo rất thắm thiết. Năm 2006, em sang Hoa Kỳ, và được gia đình ông Woong đón về nhà ở lại. Buổi sáng đầu tiên ông Woong giới thiệu với em bộ sưu tập về Thiền sư Thích Nhất Hạnh của ông. Tất cả những sách viết bằng tiếng Anh của Thiền sư Nhất Hạnh ông đều có đủ, nhiều đầu sách tái bản nhiều lần, ông đều mua để theo dõi sự bổ sung và sửa đổi trong từng lần tái bản. Đặc biệt nhất là bộ sưu tập tạp chí và báo chí có đăng bài và hình ảnh thầy Nhất Hạnh ở Âu Mỹ. Ông đưa cho em xem một mẩu báo mà ông đã nhuộm màu vàng câu văn: “Nếu trên cõi đời nầy có một vị Phật sống, thì vị Phật ấy chính là Thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Một sự đánh giá ngoài sức tưởng tượng của em. Biết em cũng có một sưu tập chuyên đề Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông Woong tặng em một số tạp chí viết về Thầy mà ông có hai bản.

Có một chuyện nhỏ nhưng có lẽ không bao giờ em có thể quên. Hôm đó về Quận Cam, em đi với mấy tăng sĩ đội nón lá mặc áo tràng màu nâu vào Nhà hàng ăn chay Âu Cơ. Có một đoàn khách người Mỹ cũng vào quán ăn và họ chắp tay cúi đầu chào chúng em. Anh bạn em hỏi nhỏ họ, và họ cho biết họ chào “những đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Anh bạn lại hỏi: “Vì sao biết chúng tôi là đệ tử Thiền sư Thích Nhất Hạnh?” Một người Mỹ đáp “Vì thấy các vị đội nón lá và mặc áo nâu của Thiền sư.” Chúng em vỡ lẽ là hình ảnh chiếc áo tràng màu nâu của Phật giáo Đại thừa Việt Nam trên người Thầy Nhất Hạnh và Đệ tử Phật giáo Làng Mai đã trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh của Việt Nam. Có lẽ vì thế mà Thầy Thích Nhất Hạnh cũng như toàn thể môn đồ Phật giáo Làng Mai không bao giờ mặc một chiếc áo nào khác, màu áo nào khác ngoài chiếc áo tràng màu nâu. Chiếc áo tràng màu nâu của truyền thống Việt Nam đã được thế giới quen thuộc như một biểu tượng của Văn hóa - Đạo Phật Việt Nam.

7. Trên kệ sách tôn giáo-tâm linh trong các siêu thị sách ở Hoa Kỳ

Chị ạ, như chị biết, em học ở các trường không được bao nhiều, muốn sống bằng nghề cầm bút em phải tự học trau dồi kiến thức qua thực tiễn cuộc đời và sách vở. Cho nên đến bất cứ thành phố nào em cũng tìm các hiệu sách. Qua bên Mỹ cũng vậy. Vào các hiệu sách hay siêu thị sách của người Mỹ ở kệ lịch sử và chiến tranh có vô số sách viết về chiến tranh Việt Nam của người Mỹ viết. Em ước chừng có hàng trăm cuốn, người bạn đưa em đi tìm sách bảo là từ trước đến nay có đến hàng ngàn cuốn. Nhiều cuốn lớn và nặng hơn cả cái Laptop HP em đeo trên vai. Ví dụ như cuốn Việt Nam toàn bộ lịch sử bằng hình ảnh (Viet Nam, A Complete Photographic History) của M. Maclear, có trên 2.000 tấm ảnh và bản đồ chiến tranh Việt Nam. Tự nhiên em hơi chạnh lòng khi không thấy có một công trình lịch sử chiến tranh nào của người Việt Nam được bày bán trong các nhà sách Mỹ cả. Sách chiến tranh Việt Nam với Mỹ của các tác giả Việt Nam mà không có trong các hiệu sách của Mỹ thì mơ gì có sách văn hoá Việt Nam của người Việt Nam có mặt trong các cửa hàng, siêu thị sách Mỹ ! Nhưng rồi một bất ngờ đột ngột hiện ra trước mắt em.

Nhiều đầu sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một hiệu sách tư nhân ở Houston (Texas).
Ảnh NĐX

Khi dạo qua kệ sách Tôn giáo và Tín ngưỡng em thấy có nguyên một tủ dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đức Đạt Lai Lạt Ma có năm bảy cuốn, còn Thích Nhất Hạnh có đến hàng trăm đầu sách. Và không chỉ có một siêu thị mà có thể nói tất cả những cửa hàng sách, siêu thị sách, hiệu sách mới, hiệu sách cũ đều có riêng một ngăn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như thế. Có một việc nhỏ mà rất ấn tượng đối với em là: Trong các siêu thị sách Mỹ, tất cả các sách mới in dù của bất cứ ai (kể cả Tổng thống Mỹ và người đứng đầu các nước) mà sau 3 đến 5 tháng bán không hết đều bị lùa ra quầy bán xôn, sách giá 25 USD hạ xuống có khi chỉ còn 1 USD. Rẻ như đất (sol). Em mua được nhiều bản sách quý từ các quầy sách xôn ấy. Nhưng chị biết không, trong các quầy sách xôn thỉnh thoảng em thấy có một vài tựa sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng thật lạ, chưa bao giờ em thấy một cuốn sách nào của Thiền sư Thích Nhất Hạnh nằm trong các quầy sách xôn của Mỹ cả. Một hôm một anh bạn vong niên của em ở Houston (Texas) đưa em đi tìm mua sách ở một hiệu sách Việt Nam - hiệu Thiên Nga. Chủ tiệm sách nầy là một người theo Đạo Thiên chúa nên tiệm sách của ông phát hành nhiều sách của các tác giả Thiên chúa giáo hoặc thân Thiên chúa giáo như Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Lý Tưởng, Lê Đình Bích, Trần Gia Phụng.v.v. (Bạn học sử cùng thế hệ với em ở Đại học Huế). Gần mười một giờ sáng rồi mà tiệm sách vắng hoe. Em hỏi ông chủ quán đang ngồi nhổ râu:

- “Sao giờ nầy mà chưa có khách, thưa ông?”

Ông chủ quán đáp với giọng buồn thiu:

- “Sách Việt xuất bản ở Mỹ bây giờ bảo hòa rồi. Rất ít người tìm mua. Phần lớn họ đi Việt Nam, hoặc gởi mua sách xuất bản ở Việt Nam. Sách Việt Nam bây giờ in đẹp, sách hay và giá quá sức rẻ. Ở đây chúng tôi chỉ còn sống được nhờ sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thôi!”.

Câu trả lời của ông chủ tiệm sách Thiên Nga rất chân thành và cho em một thông tin bất ngờ thú vị. Đáp lại thịnh tình của ông chủ quán, em mua một số sách của những tên tuổi quen biết của em trước đây vừa để kỷ niệm vừa để biết anh em họ đang viết gì và viết như thế nào ở Hoa Kỳ.

Những đầu sách của Thích Nhất Hạnh viết bằng tiếng Anh thuộc loại best seller ở các siêu thị sách Mỹ năm đó (2006) là các cuốn Anger(giận), Peace is Every Step (An lạc từng bước chân), Thundering Silence (Im lặng sấm sét), Taste of Earth (Hương vị của đất), và đặc biệt là cuốn Old Path White Cloud (Đường xưa mây trắng) đã được Nhà tỷ phú kiêm kỹ nghệ gia Bhupendra Kumar Modi của Đại công ty quốc tếMcorp Global chọn lựa ký hợp đồng đưa lên phim ở Hollywood với một kinh phí khổng lồ 120 triệu USD. Trong giới Việt Kiều, dù là người theo hay không theo Đạo Phật, đều rất tự hào Việt Nam có tác giả Thích Nhất Hạnh. Văn hoá Việt Nam qua ngòi bút của Thích Nhất Hạnh đã lan toả ra khắp các nước phương Tây. Chưa có nhà sư nào, một nhà văn hóa nào, một trí thức khoa bảng Việt Nam nào ở trong cũng như ở ngoài nước từ xưa đến nay đã có được một thành tựu đáng kể như thế.

HS Đinh Cường trước hàng trăm đầu sách của tác giả Thích Nhất Hạnh trên kệ sách siêu thị sách ở Thành phố Virginia Hoa Kỳ. Ảnh NĐX

Ra khỏi cửa một siêu thị sách ở gần Đại học Harvard (Boston), anh bạn đưa em đi xem sách bảo em:“Đối với Mỹ bây giờ, họ nghĩ về Việt Nam chỉ có hai vấn đề. Nói đến quá khứ là chiến tranh, người đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói về thời hiện tại là hoà bình - người tiêu biểu là Thiền sư Thích Nhất Hạnh.” Cái nhìn khái quát ấy làm cho em suy nghĩ hoài. Không ngờ sau đó vào tháng 11-2006, tạp chíTime Asia Magazine, trong số đặc biệt kỷ niệm 60 năm tạp chí xuất bản ở châu Á (ngày 13 tháng 11 năm 2006, bộ 168, số 20) dành để vinh danh “Những vị anh hùng châu Á đã xuất hiện trong vòng sáu mươi năm qua” - “đã góp phần tạo dựng xã hội chúng ta (châu Á) trong thời đại mới”. Trong danh sách những vị anh hùng châu Á được vinh danh, Việt Nam có hai người. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo chiến tranh đánh thắng thực dân xâm lược, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã “góp phần chấm dứt khổ đau của chiến tranh Việt Nam”. Chiến tranh rất anh hùng. Hoà bình rất nhân hậu.

8. Từ Đại lễ Vesak 2008 đến chùa Đình Quán

Qua thầy Lê Mạnh Thát và anh Nguyễn Chính (nguyên Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ) em được mời tham dự Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc 2008 (Vesak 2008) tại Hội trường Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, từ ngày 13 đến 17-5-2008. Em rất hân hạnh chứng kiến đoàn Tăng, Ni, Cư sĩ Phật giáo Làng Mai có trên 400 người dự Đại lễ Vesak 2008 tại Thủ đô Hà Nội. Bài thuyết trình chính do Thiền sư Thích Nhất Hạnh đảm trách được xếp thứ hai với nhan đề ”Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh”. Với giọng nói trong sáng, thân thiện, truyền cảm, thấm sâu vào lòng người, Thầy đã thu hút được sự chú ý của người nghe trong từng hơi thỏ. Việc ngăn ngừa chiến tranh bắt nguồn từ tự thân mỗi con người thông qua sự tỉnh thức trong hiện tại. Vì ”Chỉ có tỉnh thức, con người mới có thể sử dụng ái ngữ, biết lắng nghe để ngồi lại chuyển hóa hận thù và sự hiểu lầm lẫn nhau”.

Tăng, ni và cư sĩ Làng Mai tham dự Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc 2008 (Vesak 2008) tại Hội trường Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (từ ngày 13 đến 17-5-2008)

Thuyết trình chính thức thứ hai: Thiền sư Thích Nhất Hạnh trình bày "Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh”

Được tham dự Đại lễ Vesak 2008, Em được nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh thuyết giảng trên diễn đàn quốc tế, được gặp lại Bác sĩ Eric Wulf - vị ân nhân của cuộc vận động của Phật giáo Huế chống chế độ độc tài gia đình trị phân biệt tôn giáo năm 1963 ở Huế, gặp lại được nhiều Phật tử thân quen từ các nước về dự Đại lễ Vesak 2008. Và, cũng thật bất ngờ, người phiên dịch tiếng Anh trực tiếp cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh là cô Diệu Lan – thứ nữ của nhà văn Tô Nhuận Vỹ bạn em. Diệu Lan làm việc ở Bộ Ngoại giao. Em đã nghe Diệu Lan dịch cho các cán bộ cao cấp trong Chính phủ, cho nên việc dịch tiếng Anh trong một Hội thảo như thế nầy không có gì lạ. Điều lạ đối với em là không ngờ Diệu Lan rất hiểu Đạo Phật Pháp môn Làng Mai của Thiền sư Nhất Hạnh. Diệu Lan sử dụng từ của Đạo Phật Làng Mai rất chuẩn. Những tăng, ni, Cư sĩ chuyên gia tiếng Anh trong tăng thân Làng Mai đều khen Diệu Lan giỏi. Không ngờ trí thức trẻ am hiểu Đạo Phật Làng Mai nhanh đến như vậy. Các thầy bảo em: Nếu quan tâm nghiên cứu, không những trí thức trẻ Việt Nam mà sự thưc trí thức trẻ (và cả người lớn tuổi) các nước Âu, Mỹ đã gặp được Đạo Phật Làng Mai cả chục năm trước rồi. Có lẽ vì thế GS Mai Quốc Liên – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học kiêm Tổng biên tập báo Hồn Việt gọi điện cho em ”Anh đang dự Vesak 2008, tranh thủ cố gắng hết mình làm sao thực hiện cho kỳ được một cuộc phỏng vấn Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho Hồn Việt”.

Thực hiện yêu cầu của báo Hồn Việt, em lấy Taxi đi tìm tăng thân Làng Mai để được gặp Thầy Nhất Hạnh. Trước tiên chạy đến Khách sạn Kim Liên tại số 5 - 7, Đào Duy Anh, Phương Mai, Đống Đa – nơi ở được đăng ký lưu trú chính thức của Đoàn Làng Mai. Khách sạn Kim Liên cho biết đoàn Làng Mai đi giảng pháp tối mới về. Sau một hồi hỏi thăm mới biết được trưa hôm ấy Sư ông Làng Mai và đoàn có cuộc pháp thoại ở chùa Đình Quán. Em chưa hề biết chùa Đình Quán ở đâu cả nhưng biết được thông tin cụ thể về Thầy như thế em rất mừng. Em lấy Taxi đi tiếp. Chùa Đình Quán ở xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, xe chạy lên hướng Tây Bắc bằng Quốc lộ 32 đi Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 12 km.

Chùa Đình Quán. Ảnh tl

Bước vào cổng chùa em thấy Phật tử nằm nghỉ trưa la liệt từ ngoài sân đến chánh điện. Hỏi thăm không ai biết Thầy ở đâu cả. Em không hy vọng được gặp Thầy lúc nầy nên lang thang ra trước chánh điện rồi vòng qua vườn chùa bên phải. Lúc nầy vừa mệt vừa đói bụng, bắt gặp được một cái đình có dựng tấm bia cổ đứng giữa khu vườn cây lá lúp xúp mát mẻ, em lách mình vào đó ngồi nghỉ. Không ngờ lại gặp một phật tử áo lam cũng đang đi tìm một nơi yên tĩnh để nghỉ trưa. Nghe anh nói giọng Huế, em vui quá. Đó là kỷ sư hóa học Nguyễn Đạt – người gốc Huế, hiện ở Mỹ (8 Camly Lane, Chadds Ford, PA 19317 USA), anh đi theo tăng thân Làng Mai về dự Đại lễ Vesak 2008. Em tâm sự với anh: mục đích em đến đây để thăm Thầy Thích Nhất Hạnh và thực hiện một cuộc phỏng vấn cho báo Hồn Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Anh thấy việc đó hơi khó vào lúc nầy, anh chúc em may mắn. Đứng bên tấm bia cổ, Kỷ sư Đạt và em tò mò tìm hiểu bài văn khắc trên bia. Chị ơi, một tài liệu hết sức thú vị: Bài văn bia nói về lịch sử chùa Đình Quán và phong tục tập quán tốt đẹp của người dân địa phương ngày xưa. Tác giả bài văn bia là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1527 – 1613). Đang bình luận về một thông tin lịch sử quý thì bỗng có tiếng cành lá xào xạc như thử một làn gió đang luồn qua vườn chùa. Em nhìn ra thì ... chị ơi, em không tưởng tượng được khi thấy Thầy cầm chiếc nón lá thanh thản dạo qua, đi theo sau là Sư cô Đàm Nguyện – trú trì chùa Đình Quán và mấy thị giả. Như một phép lạ, em có cảm tưởng như Thầy vừa ở trên trời giáng xuống vậy. Em chấp tay vái: ”Kính lạy Thầy...!”.

Với Sư ông TNH cạnh bia chùa Bái Đính của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
Với Sư ông TNH bên cạnh tấm bia lịch sử chùa Bái Đính của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội).

Thầy cũng ngạc nhiên hỏi:

- ”Ôi, sao anh Xuân lại ở đây?” - Rồi Thầy trách em - ”Mùa đông năm rồi sao không qua tu ở Làng Mai? Năm nay qua nhé!”.

Em xúc động quá chưa trả lời kịp thì Phật tử Nguyễn Đạt – người thân của tăng đoàn Làng Mai, trả lời giúp em:

- ”Anh Xuân từ Huế ra dự lễ Vesak, chờ để được gặp Sư Ông phỏng vấn cho báo Hồn Việt”.

Thầy xoa đầu em rồi bảo:

- ”Tôi bận lắm, chuyện gì đó về Huế sẽ trả lời”.

Được một lời hẹn như thế là phúc lắm rồi. Chưa được hỏi chuyện, em xin phép được chụp ảnh với Thầy để ghi lại cái kỷ niệm kỳ diệu nầy, Anh Nguyễn Đạt, Sư cô Đàm Nguyện cũng được chụp ảnh chung với Thầy.

Sư cô Đàm Nguyện và Kỷ sư Nguyễn Đạt đi theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Sư cô Đàm Nguyện và Kỷ sư Nguyễn Đạt đi theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong vườn chùa Đình Quán (Hà Nội).Ảnh NĐX

9. Tiếng nói đi xây tình người

Về Huế, sáng ngày 20-5-2008, em lên chùa Từ Hiếu để theo xe của chùa về sân bay Phú Bài đón Thầy. Nhưng em đến nơi thì xe vừa chạy mất. Vào chùa gặp nhà văn Trần Thùy Mai đến chờ để chuyển nhuận bútAm Mây Ngủ của Thầy do Nxb Thuận Hóa ấn hành cho Làng Mai. Nhiều văn nghệ sĩ trí thức như nhà văn dịch giả Bửu Ý, bác sĩ Dương Đình Châu.v.v. cũng đến chờ đón Thầy. Đợi mãi đần gần 12g thì xe rước Thầy về đến chùa Từ Hiếu trong tiếng vỗ tay hân hoan, trìu mến của bốn chúng. Buổi ngọ trai hôm ấy thật đông vui. Đặc biệt có món chè Huế do bà xã em nấu đãi Phật tử và Tăng thân Làng Mai, ai ăn cũng khen ngon. Chỉ riêng em thì đang lo công việc nên ăn không thấy ngon. Trông thấy Thầy đi ngang có vẻ mệt nhọc, quý tôn đức tăng ni bao quanh lấy Thầy, em nghĩ khó lòng được chen vào để hỏi chuyện Thầy. Em lo không thực hiện được bài phỏng vấn, không hoàn thành được nhiệm vụ báo Hồn Việt giao. Buổi trưa về nhà em chỉ chợp mắt được một chút rồi lại rú xe chạy lên Từ Hiếu.

Buổi chiều, sau buổi Thiền trà, Thầy vừa vào nằm võng nghỉ trong cái cốc dành tiêng cho Thầy ở gần khu lăng mộ các Thài Giám, may quá thầy Chí Mậu – trú trì Tổ đình Từ Hiếu, dẫn em vào gặp Thầy. Thấy em, Thầy ngồi dậy bắt tay mừng gặp lại em, những mệt nhọc của Thầy được giấu kín dưới nụ cười hiền hòa vốn có trên môi Thầy.

Bên Thầy Nhất Hạnh sau cuộc phỏng vấn

Em xin Thầy cho biết ý kiến ba nội dung:

1. Đối với việc chùa Diệu Nghiêm không thực hiện lời cam kết tổ chức tu theo Pháp môn Làng Mai, lại có hành động đuổi các sư cô Làng Mai ra khỏi chùa, Thầy bảo con phải làm gì?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh.- Làm thinh. Im lặng là vàng.

2. Kính bạch Thầy, ở Huế có nên lập một tăng thân trí thức tu học theo Pháp môn Làng Mai không?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh.- Rất cần. Có tăng thân trí thức để giúp việc văn hóa giáo dục.

3. Kính bạch xin Thầy trả lời một số vấn đề về việc hoằng dương đạo pháp theo pháp môn Làng Mai ở Âu, Mỹ.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh.- Trả lời [....]

(Chị xem phần Phụ lục ở cuối bài). (SH - xem link http://sachhiem.net/NDX/NDX002.php)

Được Thầy trả lời một cách rõ ràng, sâu sắc, thực tế. Em mừng như ngày thi đỗ Tú Tài vậy. Đêm hôm đó em thức đến hai giờ sáng mởi tháo xong cuộc phỏng vấn Thầy Nhất Hạnh ra khỏi băng cát-xét. Nhiều đoạn Thầy nói nhỏ quá, em phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới ghi ra giấy được. Sáng hôm sau em đưa bài lên nhờ Thầy xem lại và chỉ giáo cho những chỗ bất cập. May quá, Thầy chỉ sửa một vài câu chưa rõ ràng, bài trả lời phỏng vấn của Thầy được Thầy vừa ý. Lúc nầy Thầy trò mới có thời gian nói chuyện tiếp. Thầy hỏi cuộc sống của Phạm Duy sau ngày về nước ra sao. Em kể chuyện hoạt động âm nhạc của Phạm Duy, đặc biệt là hai đêm nhạc Con Đường Tình Ta Đi vào ngày 9 và 10 tháng 5 vừa qua ở Tp Hồ Chí Minh. Thầy nhờ em chuyển lời chúc sức khỏe nhạc sĩ Phạm Duy. Thầy mong có dịp mời nhạc sĩ về dự một khóa tu ở chùa Từ Hiếu để có thêm năng lượng cho những sáng tác mới, những ca khúc phụ đề của ca khúc Việt Nam Việt Nam.

Lúc chia tay, bất ngờ Thầy bảo em (đại ý): Về phương diện chính trị của nước mình còn nhiều vấn đề cần phải cải tổ, nhưng rồi ra chính trị của Việt Nam cũng sẽ đứng đầu Đông Nam Á. Về phương diện kinh tế đang bị tham nhũng gây thất thoát nhiều nhưng rồi kinh tế Việt Nam cũng sẽ đứng đầu Đông Nam Á. Nhưng văn hóa Việt Nam thì ... không là gì đối với thế giới cả. Do đó chúng ta phải có trách nhiệm phải hoạt động đưa văn hóa Việt Nam vươn lên ít nhất cũng phải ngang tầm với vị thế chính trị và kinh tế của Việt Nam. Tôi và Làng Mai đang thực hiện nhiệm vụ đó ở các nước Âu Mỹ, ở trong nước giới trí thức văn nghệ sĩ các anh phải phấn đấu cho nhiệm vụ ấy!

Chị ơi, nhiệm vụ Thầy giao cho bọn em quá ý nghĩa. Em cúi đầu nhận lảnh lời Thầy dạy, trong lòng vừa mừng vừa lo. Mừng là không ngờ mấy chục năm qua em theo đuổi việc nghiên cứu lịch sử văn hóa, đưa những giá trị của văn hóa Việt Nam vào cuộc đời, có thể xem là những hành trang đi cùng đường với cuộc vận động cho văn hóa Việt Nam của Thầy. Ở nước ngoài gần 30 năm qua Thầy đã tạo được cho Làng Mai một thế đứng vững chắc để hoạt đông cho Phật giáo, cho văn hóa Việt Nam. Và đã được cả thế giới ngưỡng mộ. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay ở trong nước có chỗ đứng nào dành cho trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam để họ có thể đem hết tài năng và trí tuệ góp phần đưa văn hóa Việt Nam lên vị thế đứng đầu Đông Nam Á đâu?

Thời chiến tranh Thầy là sứ giả hòa bình

Thời hòa bình, đất nước hội nhập quốc tế, Thầy – người xây dựng nên Trung tâm Phật giáo Việt Nam quốc tế - Đạo Phật Làng Mai - trở nên lãnh tụ văn hóa Việt Nam toàn cầu.

Được ánh sáng trí tuệ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chiếu rọi, từ nay em mới hiểu ý nghĩa những gì em đã làm và em phải tiếp tục con đường mình đã chọn như thế nào để xứng đáng là một trí thức Phật tử của thời đại mới.

Mỗi lần gặp nhạc sĩ Phạm Duy em lại nhớ đến Thầy và hôm nay gặp lại Thầy em lại nhớ Phạm Duy. Trên đường về em lẫm nhẫm mấy câu mà em còn nhớ trong ca khúc Việt Nam Việt Nam kết thúc Trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy ngày xưa:

Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người

Lá thư hơi dài, chị có mệt lắm không ? Chị có tin văn hóa Việt Nam một ngày kia có thể soi toàn thế giới được không? Thiền sư với Đạo Phật Làng Mai đã bước đầu làm được, Việt Nam tại sao không?.

Huế Mùa Thu năm 2008

Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân

 

Các bài cùng tác giả Nguyễn Đắc Xuân


Trang Lịch Sử




Đó đây


2024-03-28 - 25: Khắc Phục Hậu Quả Sau Khi Ông VVT Rời Ghế CTN - Ông Võ Văn Thưởng ra đi có chấm dứt mọi chuyện chưa?

2024-03-28 - Chấn động người Việt ở #Thailand: Thiếu tướng GĐ CA tỉnh Gia Lai … xuất hiện … chuyện gì xảy ra …? -

2024-03-24 - Thiếu tướng Hoàng Kiền _BUỒN, VUI, "GIẢI OAN" VẤN ĐỀ CHỐNG LẬT SỬ - Đôi lời với ông Võ Văn Thưởng

2024-03-22 - Thật là buồn khi một người mình đặt nhiều kỳ vọng lại làm mình thất vọng -

2024-03-22 - Tá hoả tịch thu! Tòa án NY bắt đầu kê biên tài sản sân golf, dinh thự Seven Springs -

2024-03-21 - VKSND TP HCM: Bị cáo Trương Mỹ Lan không ăn năn - VKSND TP HCM nêu quan điểm bị cáo Lan phạm tội nhiều lần, phạm tội có tổ chức, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn cho nhà nước

2024-03-21 - NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TÚY Ở VIỆT NAM -

2024-03-20 - Toàn cảnh đề nghị mức án với vợ chồng Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân và đồng phạm -

2024-03-20 - Lý do đồng chí Võ Văn Thưởng có đơn xin thôi các chức vụ -

2024-03-20 - Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước - Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân



▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 >>>




Thư, ý kiến ngắn
● 2024-03-21 - CHỐNG CỘNG: Chuyện cười ra nước mắt ở Sở Học Chánh Tacoma, Wa - Lý Thái Xuân -

● 2024-03-09 - Tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc thông điệp gửi Quốc hội Liên bang (29/2/2024) - Gò Vấp -

● 2024-03-09 - Các hoạt động của Mặt Trận Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc trong những năm 1942-1954 - trích Hồi ký Nguyễn Đình Minh -

● 2024-03-08 - Hồi ký lịch sử 1942-1954 - Liên Quan đến Giám mục Lê Hữu Từ, Khu tự trị Phát Diệm, Công Giáo Cứu Quốc - VNTQ/ Khôi Nguyên Nguyễn Đình Thư -

● 2024-02-15 - Trương vĩnh Ký dưới con mắt của người dân - Trần Alu Ngơ -

● 2024-02-14 - Các nhà hoạt động ẤN ĐỘ GIÁO phản đối chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II - FB An Thanh Dang -

● 2024-02-09 - “KHÁT VỌNG NON SÔNG” của VTV1 và chuyện Trương Vĩnh Ký - Nguyễn Ran -

● 2024-02-05 - Góc kể công - Đồng bào Rô ma giáo cũng có người yêu nước vậy! Đúng. - Lý Thái Xuân -

● 2024-02-01 - Câu Lạc Bộ Satan Sau Giờ Học Dành Cho Trẻ 5-12 Tuổi Sắp Được Khai Trương Ở Cali, Hoa Kỳ - Anh Nguyen -

● 2024-01-29 - Giáo hội Rô ma giáo Đức "chết đau đớn" khi 520.000 người rời bỏ trong một năm - The Guardian -

● 2024-01-29 - Một tên Thượng Đế-Chúa ngu dốt về vũ trụ, nhưng thích bốc phét là tạo ra vũ trụ - Ri Nguyễn gửi Phaolo Thai & John Tornado -

● 2024-01-29 - Kinh "Thánh" dạy Con Chiên Giết Tất Cả Ai Theo Tôn Giáo Khác - Ri Nguyễn vs John Tomado -

● 2024-01-29 - Nhân Quyền Ở Nước Mỹ: Vụ Án Oan, 70 Năm Sau Khi Tử Hình Bé George Stinney - - Giác Hạnh sưu tầm -

● 2024-01-29 - NOEL - Ba Giáo Hoàng John Paul II, Benedict XVI, Francis I Thú Nhận Đã Bịp Chiên- Cừu Chuyện Jesus Ra Đời - Ri Nguyen -

● 2024-01-29 - Một dàn đồng ca, ngày càng đặt câu hỏi về quyền lực của Giáo hoàng - John L. Allen Jr. -

● 2024-01-29 - Tỷ lệ phá thai nơi người công giáo lại cao hơn nơi người ngoài công giáo! - Lê Hải Nam -

● 2024-01-29 - Kinh Khải Huyền Cho Biết Jesus Là Một Tên Ác Qủy Đê Tiện, Man Rợ - Ri Nguyễn -

● 2024-01-29 - Vatican Cho Phép Linh Mục Hiếp Dâm Trẻ Con - Đó là chính sách! - Ri Nguyen -

● 2024-01-28 - Quận Utah cấm Kinh Thánh ở các trường tiểu học và trung học cơ sở - Ri Nguyen -

● 2024-01-26 - Chiên Hô Hào Các Bạn Chiên Đừng Đọc Sachhiem.net: "Nhận Diện!" - SH vs Nguyễn Trọng Nghĩa -


▪ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 >>>