●   Bản rời    

Bước Đường 150 Năm Và Một Giấc Mơ (LTX)

Bước Đường 150 Năm Và Một Giấc Mơ

Lý Thái

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH10.php

20-jan-13

 

Bức ảnh duy nhất của Abraham Lincoln tại Gettysburg (ngồi giữa), chụp vào giữa trưa, 3 giờ trước khi ông đọc diễn văn.

Martin Luther King, Jr. đọc bài diễn văn "Tôi Có một Giấc mơ" tại Washington, D.C.

B.Obama đắc cử tổng thống
Hoa kỳ
nhiệm kỳ I (2008-2012)

B.Obama đắc cử tổng thống
Hoa kỳ nhiệm kỳ I
I (2012-2016)

Con đường bình đẳng: A. Lincoln - M. Luther King - B. Obama.

Bài diễn văn của Lincoln đọc ở Gettysburg được viết một cách công phu đã được nhìn nhận là một trong những bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ Quốc. Trong bài diễn văn chưa tới 300 từ và dài từ hai đến ba phút này, Lincoln đã viện dẫn những nguyên tắc về bình đẳng được tuyên cáo bởi bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, và khẳng định rằng cuộc Nội chiến là một sự đấu tranh không chỉ cho Liên bang mà để “sản sinh một nền tự do mới”, sẽ mang đến cho mọi công dân một sự bình đẳng thật.

Một trăm năm sau, năm 1963, Martin Luther King, một mục sư da đen tranh đấu cho dân quyền Mỹ, đặc biệt là dân quyền của người da đen đã đọc bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ ”. Đó là giấc mơ cho người da đen được đi đứng ngồi làm như người da trắng, một giấc mơ bình đẳng mà tổng thống Abraham Lincoln đã mở cửa từ cả trăm năm trước. Và từ buổi diễn thuyết xúc động cả nước Mỹ, câu nói trong giấc mơ đó đã từng bước tiến dần ra hiện thực. “Chúng ta tin rằng bằng cách nào đó tình trạng này có thể và sẽ đươc thay đổi. Hãy đừng đắm mình trong nỗi tuyệt vọng”.

Ngày hôm nay, chỉ 47 năm sau, giấc mơ của M. Luther King không những đã được hiện thực từ lâu, nay còn bộc phát đến tột đỉnh của hiện thực.  Năm 2008, cuộc chiến thắng của Barack OBAMA trong kỳ tranh cử tổng thống đã hoàn tất trọn vẹn giấc mơ của Martin Luther King; cho người da đen ở Mỹ; và cho dân tộc Mỹ nói chung. Xin xem lại bài diễn văn nhận chức, cũng xúc động cả thế giới, của tổng thống Barrack Obama:
http://sachhiem.net/LTX/LyThaiTS01.php

Nhân ngày lễ  kỷ niệm Martin Luther King, xin ghi lại đây bài tóm lược thông tin về bài diễn văn gây xúc động của ông từ trang ttp://vi.wikipedia.org/wiki/Tôi_có_một_giấc_mơ:

Tôi có một giấc mơ

"Tôi có một giấc mơ" (I Have a Dream) là tên phổ biến của bài diễn văn nổi tiếng nhất của Martin Luther King, Jr., khi ông nói, với sức mạnh thuyết phục của tài hùng biện, về ước mơ của ông cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể sống chung hoà thuận như những con người bình đẳng. Ngày 28 tháng 8 năm 1963, King đọc bài diễn văn này từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln trong cuộc Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do. Ấy là thời điểm quyết định cho Phong trào Dân quyền Mỹ. Bài diễn văn, theo giới học giả về thuật hùng biện, là một trong những bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử và là bài diễn văn xuất sắc nhất thế kỷ 20.

Phong cách

Được ca tụng như là một kiệt tác của thuật hùng biện, bài diễn văn của King được định hình theo phong cách thuyết giáo của các mục sư da đen thuộc giáo phái Baptist, thường viện dẫn từ những nguồn có giá trị thiêng liêng và được mọi người tôn trọng như Kinh Thánh, Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ và Hiến pháp Hoa Kỳ.

Thông qua thủ thuật hùng biện để kiến tạo những liên tưởng (định nghĩa bởi Campell và Huxman (2003) như là "những trích dẫn gián tiếp từ kiến thức văn hoá chung của người Mỹ như Kinh Thánh, thần thoại Hi Lạp và La Mã, hoặc lịch sử nước Mỹ"), King sử dụng ngôn từ và các trích đoạn từ những áng văn thâm thuý và được yêu thích của văn hóa Hoa Kỳ để biến chúng thành sức mạnh thuyết phục cho bài diễn văn của ông. Ngay từ phần đầu của bài diễn văn, King đã mượn lời từ Diễn văn Gettysburg[4] của Abraham Lincoln khi ông nói "Five score years ago..." (Một trăm năm trước...). Những gợi ý đến từ Kinh Thánh chiếm vị trí vượt trội. King trích dẫn từ Thi thiên (Thánh vịnh) 30.5[5] trong đoạn thứ nhì của bài diễn văn, khi nhắc đến điều khoản bãi bỏ nô lệ được ghi trong bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ, ông nói "Nó đã đến như bình minh rộn rã để kết thúc đêm dài tăm tối của kiếp nô lệ". Một gợi ý khác đến từ Kinh Thánh được tìm thấy trong đoạn thứ mười của bài diễn văn: "Không, không, chúng ta không hài lòng, và chúng ta sẽ không hài lòng cho đến khi sự công chính đổ xuống như nước chảy và sự chính trực như một dòng sông", đến từ Amos 5.24[6]. King cũng trích dẫn từ Isaiah 40.4[7] khi ông nói "Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày mọi thung lũng sẽ được nâng cao, mọi đồi núi sẽ bị hạ thấp, chỗ lồi lõm sẽ được san bằng, chỗ quanh co sẽ thành ngay thẳng, và sự vinh hiển của Thiên Chúa sẽ hiển lộ để mọi loài xác thịt cùng nhau chiêm ngưỡng..."

Sử dụng những chữ đầu một câu hoặc một phân đoạn để nhấn mạnh, sắp xếp và đẩy một ý tưởng lên đỉnh điểm (Campbell & Huxman, 2002, p. 177) là phép hùng biện được King sử dụng suốt bài diễn văn. Một ví dụ được tìm thấy ngay từ đầu khi King dẫn đưa đám đông đến cao trào: "Nay là lúc..." được lặp lại bốn lần trong đoạn thứ sáu của bài diễn văn. Nổi tiếng nhất là câu nói "Tôi có một giấc mơ..." được lặp lại tám lần khi King phác hoạ bức tranh hoà hợp chủng tộc của một nước Mỹ hiệp nhất.

 


Chú thích

  1. ^ a b c U.S. Census Bureau; [1]; Data Set: 2007 American Community Survey; Survey: 2007 American Community Survey. Retrieved 2008-01-24
  2. ^ 12,1% dân số Hoa Kỳ năm 2005
  3. ^ “US Census Bureau, racial breakdown of the United States in 2005”. Truy cập 20 tháng 11 năm 2006.
  4. ^ "Four scores and seven years ago, our fathers brought forth..." Diễn văn Gettysburg
  5. ^ "Sự khóc lóc đến trọ ban đêm, Nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng" – Thi thiên 30.5
  6. ^ "Thà hãy làm cho sự chính trực chảy xuống như nước, và sự công bình như sông lớn cuồn cuộn" – Amos 5.24
  7. ^ "Mọi nơi sủng thấp sẽ được cao lên; mọi núi mọi gò sẽ bị hạ xuống; các nơi gập ghềnh sẽ làm cho bằng; các nơi dốc hãm sẽ làm thành đồng nội. Bấy giờ sự vinh hiển của Chúa sẽ hiện ra, và mọi xác thịt đều sẽ xem thấy" Isaiah 40.4