●   Bản rời    

Phản hồi bài viết “Phát Triển Và Truyền Giáo” của tác giả Minh Mẫn

Phản hồi bài viết

“Phát Triển Và Truyền Giáo” của tác giả Minh Mẫn

Minh Ngọc

http://sachhiem.net/TONGIAO/tgM/MinhNgoc02.php

18-Jun-2012

Dẫn bài: Phát Triển Và Truyền Giáo của tác giả Minh Mẫn,

link: http://sachhiem.net/MINHMAN/Tongiao/MinhManTG49.php

 

Thư gửi tác giả Minh Mẫn.

Từ lâu rồi, tôi rất quý bác vì tấm lòng của bác đối với Phật giáo qua những bài viết đầy ưu tư, tâm huyết. Tôi quý bác ở cách viết thẳng thắn, bộc trực. Tất cả bài viết của bác chỉ làm một việc như cái kính phản ảnh lại những gì đã và đang xảy ra, chỉ muốn những điều tốt cho đạo pháp và dân tộc, không thêm không bớt bất cứ loại gia vị nào.

Đây là lần thứ hai tôi có vài lời góp ý với bác (lần thứ nhất, tôi góp ý về “Nghi Lễ Phật Giáo - Cần được tìm hiểu và phát triển đúng chính pháp” trên phattuvietnam.net) và lần này là về bài viết các Đạo tràng, Ban Hộ Niệm Vãng Sanh tự phát.

Tôi vừa đọc bài viết của bác so sánh giữa Tin Lành và Thiên Chúa Giáo La Mã trên trang nhà sachhiem.net và chuabuuminh.vn.

Về nội dung, tôi hiểu và đồng ý với tinh thần chung của toàn bài, tuy có một số điểm nhỏ tôi muốn góp ý cùng bác .

Bác Minh Mẫn ạ, bài viết của bác sẽ hay hơn, thuyết phục hơn khi bác lấy ví dụ về Phật Giáo Hòa Hảo hình thành, phát triển, ly khai tu sĩ, và tách thành tôn giáo riêng như thế nào, như có lần bác đã có bài phân tích thay vì so sánh Tin Lành, Thiên Chúa Giáo; rồi nghĩ đến đạo Phật. Phật giáo khác với các tôn giáo độc thần. Một bên là đạo của trí tuệ, một bên là đạo của đức tin.

Tôi thật ngạc nhiên với việc bác nhận định “…Tóm lại, bất cứ ai, cần đến bất cứ vấn đề gì, chỉ cần tìm đếm các gia đình tín đồ Tin Lành sẽ được đáp ứng  vô điều kiện…”.

Có thật sự là vô điều kiện không, nếu như người được nhận giúp đỡ không trở thành tín hữu tân tòng và sau đó phải trích một phần thu nhập hàng tháng đóng góp lại cho Hội Thánh?

Có thật sự vô điều kiện không, khi người ta kiếm tiền trên số lượng tín đồ, rồi sau đó là một mùa gặt bội thu cả phần hồn lẫn phần xác kèm theo sự đóng góp hàng tháng từ thu nhập của các tín đồ? Bác nên biết các Mục sư Tin lành có lương tỷ lệ thuận theo theo số tín đồ mà họ đưa về với Chúa. Họ thu nhập và kiếm sống qua số lượng tín đồ, lợi dụng tín đồ để làm chính trị…

Có thật là vô điều kiện không, khi có người vì quá nghèo, phải nuốt nước mắt gạt bỏ bàn thờ Phật, bàn thờ Tổ tiên để có vài ký gạo và tờ Đô la kẹp cùng cuốn Thánh Kinh? Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên; tín đồ và thân tộc của các sư sãi K’hmer cũng đã theo Tin Lành phần lớn là do đâu? Những chuyện này lẽ nào bác không biết mà lại quảng cáo không công cho người ta!?

Trong thâm tâm, tôi không dám nghĩ xấu cho bác. Nhưng tôi vẫn không sao hiểu nổi: vì sao một người cư sĩ đã hy sinh mất 10 năm tuổi trẻ, ngậm đắng nuốt cay vì Phật giáo và cả đời thấm đẫm tương chao; trăn trở, ưu tư cho Phật giáo mà lại có nhận xét như vậy? Rồi bác lại còn cho là “…Với tinh thần luôn hy sinh và biết lắng nghe tha nhân, họ đã thành công và phát triển mạnh trong xã hội Việt Nam hiện nay…”??? Nếu với tinh thần luôn hy sinh và biết lắng nghe tha nhân thì làm gì có chuyện đổi chác, phải cải đạo người khác qua hôn nhân…hả bác ???

Là người Phật tử ai cũng mong muốn việc xiển dương Phật pháp có nhiều hiệu quả nhưng cũng đừng vì quá nóng vội mà đi vào vết xe đổ của người khác, mà tự hại chính mình...

Đạo Phật là đạo của trí tuệ, Ki tô giáo là đạo của đức tin. Hai đường đi rất khác nhau. Việc áp dụng không khéo léo sẽ hết sức nguy hại, phản tác dụng mà cụ thể là các Ban Hộ Niệm Vãng Sanh tự phát đã mắc phải.

Cũng không cần nói gì nhiều về Pháp môn Tịnh Độ và Đạo tràng niệm Phật, ai cũng đồng ý rằng: về mặt giáo lí, kinh điển, tu tập theo pháp môn này không có gì là sai.

Cái sai lớn nhất và là nguyên nhân chính dẫn đến cơ sự hôm nay ở chỗ các Phật tử trong quá trình thực hành đã giảng giải, đã hiểu và có một số hành động sai chính pháp. Chính điều này mới dẫn đến những phân hóa, hiểu lầm nguy hại cho cả Phật giáo nói chung và Pháp môn niệm Phật nói riêng.

Chúng ta cần phân biệt các Ban Hộ Niệm truyền thống lâu nay ở các chùa (BHN) các Ban Hộ Niệm Vãng Sanh tự phát (BHNVS). Phân biệt được rồi thì vấn đề sẽ sáng tỏ ngay thôi và cũng không cần mất nhiều thời giờ để tranh luận về Pháp môn Tịnh độ.

Vì sao suốt thời gian dài, Tịnh độ tông phát triển mạnh ở Việt Nam, nhất là thời kỳ Bắc thuộc và Pháp thuộc; chính Tịnh độ tông đã gắn bó với quần chúng tận cùng trong xã hội lúc bấy giờ mà bây giờ mới nảy sinh ra nhiều vấn đề? Vì sao ngày trước ở nông thôn miền bắc vắng bóng Tăng Ni, các vãi vẫn hộ niệm, tụng kinh thay mặt tăng ni, cầm phướn đi đưa người quá cố mà không ai báo động nguy cơ lập tôn giáo mới?

Tin Lành, Thiên Chúa Giáo luôn lấy “phép lạ” làm “phương tiện” truyền đạo. Họ tuyên truyền cho ngày tận thế, ngày đêm kêu gọi mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện, để cùng được lên Thiên đàng với Chúa. Ngày nay, chẳng mấy ai tin những chuyện phép lạ, mê tín nhảm nhí này nữa.

Phật giáo lấy câu “Duy tuệ thị nghiệp” làm đầu vậy mà cũng có một bộ phận đi theo vết xe đổ của Thiên Chúa Giáo, Tin Lành.

Một số vị theo pháp môn niệm Phật cũng tuyên truyền rằng “niệm Phật hết bệnh nan y”, cũng có vài vị “pháp sư” té nước theo mưa cho ngày tận thế nên Giáo hội và chính quyền không thể nhắm mắt làm ngơ. Đó là con dao hai lưỡi, một mặt quảng bá cho pháp môn niệm Phật, thu hút tín đồ và một mặt nó cũng gây nguy hại nghiêm trọng cho Pháp môn và cả đạo Phật.

Người ta đã khôn khéo lạm dụng, biến tướng, làm méo mó pháp môn niệm Phật để đánh phá chính pháp môn niệm Phật.

Người ta bảo nhau rằng HT Tịnh Không nói về “ngày tận thế”, mặc dù ngài khẳng định không nói vậy.

Người ta truyền tai nhau ngày đó, giờ đó phải niệm Phật đủ bao nhiêu biến để tránh họa “tận thế”, “hủy diệt”! Người ta đã gài bẫy cho các hành giả tu theo pháp môn niệm Phật mắc bẫy mê tín của “ngày tận thế” và rơi vào tầm ngắm của Chính quyền mà nhiều người không hề hay biết. Ở các nước phương Tây, người ta luôn đề phòng, lo sợ và giải tán các giáo phái tin vào “ngày  tận thế” đâu chỉ riêng Việt Nam.

Mọi chuyện bắt đầu từ đây. Mọi người không thể không đặt câu hỏi nghi vấn: Ai là người đứng sau những vụ việc này giật dây và với mục đích gì??? Giáo hội không thể không lên tiếng báo động, báo chí các giới không thể không can thiệp. Do đó, không thể trách các cấp Giáo hội, Chính quyền địa phương “quá nguyên tắc và ngờ vực”.

Ai là người được lợi nhất khi làm cho nội bộ Phật giáo phân hóa, chia rẽ Tăng Ni và Phật tử, chia rẽ pháp môn này pháp môn nọ? Có lẽ, bác đã có câu trả lời.

Việc tiên đoán, báo động hình thành Tôn giáo mới không phải là không có cơ sở và cũng không phải là điều đáng mừng như bác nghĩ trong bài “Hiện tượng tôn giáo mới”.

Hiện tượng tôn giáo mới là tiền đề để cải đạo, phân hóa, chia rẽ Phật giáo. Người ta đã đi một nước cờ cao cơ khi dùng chính Pháp môn niệm Phật đánh phá Pháp môn niệm Phật. Thực ra, những hành giả tu theo pháp môn niệm Phật và các BHNVS cũng chỉ là nạn nhân bị lợi dụng mà thôi. Bác có thấy như vậy không?

Phật giáo, tuy là một tôn giáo rất ư cởi mở, không ép buộc ai phải đi chùa, quy y hay chấp hành bất cứ một giáo điều nào. Nhưng việc BHNVS ra điều kiện gia chủ ký cam kết này nọ là không phù hợp với truyền thống tự do, cởi mở của Phật giáo, càng làm tăng sự nghi ngờ của Giáo hội và Chính quyền. Chỉ có các tôn giáo độc thần mới có chuyện ký cam kết cho con cái theo đạo, còn Phật giáo làm gì có truyền thống này.

Cũng mong rằng Tăng, Ni, Phật tử thấy được những nguy cơ tiềm tàng từ sự nghi kị, phân hóa, chia rẽ mà người ta cố tình dàn dựng, gài bẫy để đánh phá Phật giáo, để tự có những điều chỉnh kịp thời, giải quyết vấn đề theo tinh thần lục hòa của Phật giáo để tránh sa bẫy của người khác.

Cuối cùng, bác cũng nên biết rằng: những năm gần đây, Nhà nước và Giáo hội cũng linh động, dễ dãi trong việc mời các sư nước ngoài về hoằng pháp; thảm đỏ, lọng vàng long trọng đón tiếp nồng hậu các sư nước ngoài. Nhiều pháp môn, giáo phái được quần chúng biết đến. Có pháp môn do người đứng đầu không khéo léo, nên không có cơ duyên phát triển ở Việt Nam.

Bây giờ, các tà đạo như “Đạo sư” Duy Tuệ, Thanh Hải “Vô Thượng Sư” công khai truyền đạo mạnh mẽ. Tôi không phân tích kỹ về các “pháp môn” này vì đã có nhiều vị thiện tri thức làm rồi.

Phật tử lên tiếng báo động trên các trang mạng Phật giáo thường xuyên nhưng Giáo hội vẫn không làm gì được, không có một động thái tích cực nào. Vì sao? Bởi vì lý do Phật giáo có 84000 pháp môn, “Tinh thần cởi mở của Phật giáo thì không thể bảo pháp môn nầy đúng pháp môn kia sai khi cùng từ đại tạng, thế gian pháp tức Phật Pháp thì pháp môn làm gì có chính có tà” mà một số người đưa ra để bao biện.

Cũng vì tinh thần dễ dãi, linh động, không giáo điều khô cứng của Phật giáo nên có không ít trường hợp tu sĩ và cư sĩ Phật giáo viết bài ủng hộ, ca ngợi, quảng bá giúp “Đạo sư” Duy Tuệ, Thanh Hải “Vô Thượng Sư”… không công, miễn phí mặc cho người ta đả kích, đánh phá Phật giáo một cách trầm trọng, nguy hiểm. Các tôn giáo khác không có chuyện này, nếu có cũng bị tuyệt thông hay bị rút phép Thông công.

Vài dòng dông dài cùng bác, tôi xin dừng lại ở đây. Chúc bác có nhiều sức khỏe và cống hiến cho Phật giáo những bài viết đầy tâm huyết. 

 

TPHCM, ngày 15/6/2012

Chúc bác tinh tấn.

 

Minh Ngọc