●   Bản rời    

Đầu Năm Nhâm Thìn - Gặp Lại Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Đắc Xuân

Đầu Năm Nhâm Thìn (2012)

Gặp Lại Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Đắc Xuân

Nguyễn Hồng Trân

http://sachhiem.net/NDX/NDX023.php

14-Mar-2012

 LTS: "Mở cửa" và "hội nhập" là những từ thông dụng và khái niệm cần thiết trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Nhưng làm thế nào để cho gia sản nhà ta chỉ được "thoáng", chứ không bị "tàn phá" hoặc thay thế hay biến mất vì gió lốc cuốn đi do việc "mở cửa"? Giữ gìn văn hóa trong thời đại này không phải là một việc dễ, nhưng lại là công việc sống còn của niềm tự hào dân tộc. Đó là công việc để con dân nước Việt mai hậu sẽ còn có thể khẳng định được giá trị của một nước Việt Nam có một nền văn hiến liên tục. Bởi khi những nét đặc thù của văn hóa bị biến mất, làm sao thế hệ tiếp nối có thể hãnh diện rằng họ có mấy ngàn năm văn hiến? Xin mời bạn đọc nghe tâm sự của những người quan tâm trong bài phỏng vấn dưới đây. (SH)


Tôi là Nguyễn  Hồng Trân [NHT] (cựu GV trường Đại học Khoa học Huế, nay là ủy viên Ban chấp hành Chi hội Lịch sử tp. Huế), năm nay, tôi lại muốn đến gặp anh Nguyễn Đắc Xuân [NĐX] để hỏi anh một số vấn đề mà tôi quan tâm và muốn được anh cho biết ý kiến dưới góc độ của một người có kinh nghiệm nghiên cứu các vấn đề văn hóa, lịch sử.

NHT: Chào anh Xuân! Năm Tân Mão đã qua, năm Nhâm Thìn đến, tôi đến thăm anh để chúc anh dồi dào sức khỏe, mọi sự an lành, thuận lợi và có thêm nhiều tác phẩm mới cho bạn đọc.

NĐX: Tôi rất hân hạnh được anh đến chơi.

NHT: Năm ngoái, tôi đã đến thăm anh sau khi anh đi bệnh viện về và cũng làm phiền anh phải trả lời nhiều câu hỏi của tôi quan tâm và được anh sẵn lòng trả lời rất thẳng thắn, trung thực các vấn đề từ đời sống riêng tư gia đình đến các vấn đề về văn hóa-xã hội… Điều đó đã được đa số bạn đọc khắp nơi theo dõi rất tâm đắc và thông hiểu về đức tính, tình cảm của anh.

Năm nay, tôi lại thích đến làm phiền anh một lần nữa và muốn hỏi anh một số vấn đề khác mà tôi rất quan tâm. Vì anh là một nhà nghiên cứu Văn hóa, Lịch sử và cũng là một nhà báo nên cho phép tôi được hỏi tự do nhiều chuyện với anh được không?

NĐX: Anh cứ tự nhiên. Anh hỏi, tôi xin trả lời, những gì chưa trả lời được thì xin hẹn sẽ trả lời sau. Nếu hẹn mà về sau vẫn không trả lời được thì xin anh cũng thông cảm cho, vì khả năng giải đáp của Xuân có hạn.

Xuân Nhâm Thìn-Ng Đắc Xuân - gs Ng Hồng Trân

PHẦN I

NHT: Xin anh cho biết Festival Huế nên như thế nào để duy trì và phát triển một cách hấp dẫn để khỏi nhàm chán và phải xứng đáng với một thành phố Festival của cả nước?

NĐX: Sau ngày thống nhất đất nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Huế, trong một cuộc gặp mặt trí thức Huế, Thủ tướng có nói: “Giải phóng xong may ra còn có Huế để đối ngoại về văn hóa”.  33 năm sau (2008), Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đến Huế công bố Quyết định của Chính phủ công nhận Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam với mong muốn thông qua hoạt động văn hóa dân tộc góp phần thúc đẩy hội nhập và phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn. Nghĩ về Festival Huế tôi nghĩ đến vị thế văn hóa của Huế được nhà nước giao nhiệm vụ đại diện cho nước Việt Nam hội nhập quốc tế bằng văn hóa, nói cách khác Thành phố Huế hội nhập thế giới bằng chính thế mạnh văn hóa đặc thù của mình.

Chưa khai thác hết tiềm năng di sản vật chất và phi vật chất của văn hóa Huế, bản sắc độc đáo của văn hóa Huế chưa được làm rõ. Đặc biệt, người dân Huế vẫn còn đứng ngoài. Có nhiều trí thức Huế bảo tôi: “Người ta làm hội diễn, tổ chức Festival  quốc gia và quốc tế trên đất Huế, chứ đâu phải Festival Huế, nên những chương trình, những tiết mục của Huế xem như phần phụ trong các Festival đó”.  Tôi đã giải thích với họ “Những năm đầu có hiện tượng đó thật, nhưng càng về sau các chương trình chính là của Huế cả đó chứ. Đang có chủ trương hạn chế các chương trình của nước ngoài, tỉnh ngoài không mang chủ đề với Festival Huế”. Tuy nhiên, muốn xóa cái cảm giác đó, chúng ta phải hiểu rõ: Tổ chức hội diễn, tổ chức Festival trên đất Huế khác với Huế Thành phố Festival như thế nào. Trong trường hợp thứ nhất người dân Huế là khán giả, là người đứng xem, trường hợp thứ hai, chính người Huế là “diễn viên” làm nên Festival Huế.

Diễn viên ở đây không chỉ diễn trong các “chương trình In”, “chương trình off”  đã có, mà ở đây “diễn” trong mọi hoạt động của xã hội Huế trong thời gian diễn ra Festival. Huế là quê hương của chiếc áo dài, phụ nữ Huế trong thời gian Festival ra đường phải mặc áo dài, Huế là “kinh đô của Phật giáo xứ Đàng trong”, trong thời gian Festival  các chùa chính phải có lễ bái dâng hương để khách đến thăm, Huế là nơi độc nhất ở Việt Nam có các Phủ, Phòng của các ông hoàng bà chúa, trong thời gian Festival, các phủ phòng chính phải mở cửa phục vụ khách tham quan, trong các di tích triều Nguyễn (Đại nội, các lăng vua), nơi thờ cúng phải luôn hương thơm, đén sáng, người phục vụ phải ăn mặc như xưa (áo dài, khăn đóng), phố xá trang hoàng theo phong cách Việt Nam, nhà hàng, quán ăn giới thiệu ẩm thực Huế, các văn nghệ sĩ có tên tuổi phải có những hoạt động tại nhà hay ở các Câu lạc bộ ca Huế, hội thơ, triển lãm tranh, trao đổi lịch sử văn hóa với khách tham quan…., sinh viên học sinh ra đường tiếp đón chào hỏi khách với tất cả sự thân thiện mến, khách, dân chúng tự bảo vệ an ninh trật tự cho mình. Rồi đò giang, chợ Đông Ba, phố cổ Gia Hội.v.v. và v.v.không thể nào kể hết ra đây được…. Chính người dân Huế mới thể hiện được bản sắc văn hóa độc đáo của Huế. Nếu có được sự tham gia của người dân Huế như thế khách tham quan mới thấy được “Ngoài Huế, không nơi nào có được”.

NHT: Anh có nhận xét gì về việc tổ chức các lễ hội đại trà khắp nơi trong tỉnh và trong nước?

NĐX: Tổ chức lễ hội mà không được dân chúng đóng góp thì lễ hội đó không bao giờ sống được. Vấn đề là ai thu? Thu như thế nào ? Thu để làm gi? Người đóng góp tiền sẽ được xác nhận “công đức” ra sao? Nhưng trước hết cần phải thống nhất quan điểm tổ chức lễ hội để làm gì? Lễ hội của nhà nước hay của dân chúng? Trách nhiệm của nhà nước đến đâu? Dân chúng đến đâu? Ai đại diện cho dân chúng? 

Huế ít nhất có 3 lễ hội mang tính quốc gia cần phải tổ chức. Đó là lễ hội tế Nam Giao (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa), tế Xã tắc (xin cho cuộc sống được bình yên, mùa màng tươi tốt), và lễ Tế Âm hồn (nhớ những người đã hy sinh, những người đã chết trong ngày Thất thủ Kinh đô Huế năm 1885). Ngày xưa vua hoặc người thay mặt vua đứng chủ tế, ngày nay người đại diện quốc gia đứng chủ tế. Tổ chức các lễ hội đó để thể hiện nếp sống văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người dân Việt. Nhưng ngày nay không thể không để cho dân chúng và khách du lịch đến Huế tham dự.

Trong cơ chế của chính quyền ta chỉ có Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chứ không có bộ lễ nghi, vì thế không có người lo những lễ lược ấy. Theo tôi để giúp cho nhà nước việc tế lễ và giúp cho dân được tham gia các lễ hội một cách trang trọng cần phải tổ chức một Hội lễ hội Cố đô Huế. Hội nầy gồm các thành viên tập thể như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sở Van hóa Thể thao và Du lịch, Đại diện MTTQVN tỉnh TTH, Hội Người Cao tuổi, đại diện các tộc họ (như Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Khoa, Thân Trọng, Hà Thúc, Hoàng Trọng, Võ Quang v.v.), chính quyền các Phường có di tich Nam Giao, Xã Tắc, Âm hồn nằm trên địa bàn,  và các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa tiêu biểu ở Huế. Hội nầy có hai nhiệm vu:

1. Tổ chức các lễ hội;

2. Nghiên cứu viết sách lịch sử văn hoá các lễ hội, đóng góp ý kiến cho việc trùng tu các di tích đàn Nam Giao, đàn Xã tắc, và đàn Âm hồn. Mỗi lần tế đại diện Nhà nước đến tế, phần nhà nước xong là đến phần dân chúng và khách du lịch đến bái lạy cầu nguyện. Nhà nước đóng góp tiền bạc cho lễ hội cũng giống như các đại gia.

Một hội quần chúng như thế với nhiệm vụ rõ ràng, có bộ máy thu, chi công khai, đặt ra tổ kiếm soát của đại diện dân chúng theo dõi việc thu chi. Nếu thực hiện rõ ràng, minh bạch như thế, tôi nghĩ các đại gia và dân chúng có tiếc gì tiền bạc mà không đóng góp để thực hiện đời sống tâm linh của họ. 

NHT: Anh nghĩ như thế nào về việc tổ chức hội thảo đại trà của nhiều ngành, nhiều nơi trong cả nước?

NĐX: Lịch sử Việt Nam còn quá nhiều bí ẩn, nhiều vấn đề chưa được làm rõ, nhiều vấn đề trước kia vì thiếu tài liệu, thiếu quan điểm khoa học nên nghiên cứu chưa tới, ngày nay đất nước mở cửa, nhiều kho tư liệu đã được mở, quan điểm lịch sử cởi mở hơn để hội nhập quốc tế, nên có nhiều hội thảo khoa học được tổ chức là việc đáng mừng.

Tuy nhiên cái gì tốt nhất thường cũng bị lợi dụng để phục vụ cho những yêu cầu riêng cả. Nhiều nhân vật lịch sử phản động nay được con cháu có chức có quyền, có tiền để tổ chức nhiều hội thảo gọi là “khoa học” để mượn tên tuổi các nhà nghiên cứu chạy tội và vinh danh kẻ có tội một cách xôm tụ như trường hợp nhân vật Nguyễn Hiển Dĩnh ở Quảng Nam. Tai hại hơn nữa, nhiều hội thảo gọi là hội thảo khoa học mà không có tài liệu khoa học, lại dựa vào lực lượng “ngoại cảm” chi phối các nhà khoa học để cố gắng có một “tiếng nói chung” có giá trị “khoa học” về một vấn đề phi khoa học.

Ví dụ như hội thảo chứng minh lăng mộ vua Quang Trung táng ở Nghệ An do Thành phố Vinh tổ chức ngày 31-5-2011 vừa qua. Thông tin chính được trình bày ở hội thảo không xuất phát từ nguồn tư liệu của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Đại Nam Liệt truyện mà do các nhà ngoại cảm không biết một chút gì về tư liệu khoa học lịch sử cả. Tôi không có cơ hội tham gia tất cả các hội thảo trên cả nước, hơn nữa có tham gia cũng không thể nhớ và kể ra hết ở đây được. Mỗi năm tôi tham gia chừng ba, bốn hội thảo. Tôi thấy thành tựu thì ít mà nhược điểm thì nhiều. Tôi có mấy nhận xét sau:

1. Nhiều báo cáo khoa học thiếu tài liệu khoa học, không phát hiện được vấn đề gì mới mà phần lớn sao chép, lắp ghép những đoạn, những bài viết đã có sẵn trên Internet hoặc trong sách sử đã xuất bản;

2. Nhiều tham luận viết theo yêu cầu của người chi tiền hội thảo, không có giá trị khoa học;

3. “Hội” thì nhiều mà “thảo” thì ít. Chỉ phát biểu một chiều, rất ít thời gian để tranh luận cho sáng tỏ vấn đề. Như thế thì làm sao có thể gọi là hội thảo?

4. Kết luận của các hội thảo do các tổ chức, cơ quan của nhà nước tổ chức thường bị bỏ vào ngăn kéo, ít khi được đưa vào cuộc sống.

Để tránh sự lợi dụng vừa tốn tiền, mất thời gian và gây nhiễu thông tin qua báo chí, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần đưa ra những tiêu chí cụ thể dành cho một hội thảo khoa học như: Mục tiêu hội thảo nhắm đến vấn đề gì phải rõ ràng, ai tổ chức, ai chi tiền, ai tham luận, ai phản biện, kết luận giải quyết được vấn đề gì, phát hiện tài liệu gì mới, phương pháp gì mới, sẽ phát huy kết luận của hội thảo như thế nào.v.v. Nếu thỏa mãn được các tiêu chí ấy mới cho phép tổ chức hội thảo.    

NHT: Còn vấn đề thành lập hàng loạt trường Đại học và Cao đẳng như hiện nay anh nghĩ thế nào?

NĐX: Như các Nghị quyết của Trung ương, 3 vấn đề cấp bách của VN hiện nay cần phải giải quyết là soạn thảo và thực hiện các chính sách thủ tục hành chính thật thông thoáng, xây dựng hạ tầng cơ sở vững mạnh và đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Muốn có nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, trước nhất cần phải có nhiều Đại học tiên tiến, ít ra cũng phải ngang tầm khu vực. Trước yêu cầu đó nhiều nhà giáo dục trong và ngoài nước đã đứng ra thành lập các Đại học và được nhà nước rất hoan nghênh.

Nhiều Đại học có chất lượng cao đã ra đời như Đại học RMIT ở TP HCM, Đại học Tân Tạo ở Long An, Đại học Thăng Long, Đại học FPT, Đại học Quốc tế ở miền Bắc VN.v.v.Tuy nhiên bên cạnh những Đại học có chất lượng cao ấy có rất nhiều trường  Đại học mang tiếng là “học đại” diễn ra tràn lan ở nhiều địa phương trên cả nước. Đại học mà chỉ có được một cái trụ sở Văn phòng để liên lạc chiêu sinh, nhận học phí, còn các phòng ốc để dạy dỗ đào tạo, thư viện, phòng thí nghiệm thì chạy lung tung nay mướn chỗ nầy, mai thuê chỗ nọ. Thầy giáo thì vay mượn khắp nơi chứ không có thầy giáo cơ hữu tối thiểu.

Với tư cách là một người quan tâm đến văn hóa xã hội, tôi thấy hậu quả của “nền Đại học học đại Việt Nam” hiện nay sẽ để lại một hậu quả vô cùng tai hại cho đất nước.

1. Hàng chục Đại học “học đại” hiện nay báo chí, quần chúng thấy quá tệ hại, nhưng nhà nước khó dẹp. Bởi vì theo những “người trong cuộc” cho tôi biết, muốn có một cái giấy phép mở Đại học thì ít nhất chủ đầu tư cũng phải bỏ ra  một số “tiền vô hình” vài ba hoặc bốn tỷ bạc. Nếu bây giờ đóng cửa thì ai thối lại số tiền đó để trả nợ? Cho nên dù đại trà ba láp như vậy cũng phải giữ lại thôi, cao tay ngăn chặn nhất cũng chỉ là “chưa cho chiêu sinh” là cùng.

2. Với hàng loạt Đại học “học đại” ấy sẽ đào tạo ra hàng triệu sinh viên được cấp bằng Đại học “dỏm”. Lớp sinh viên mang bằng Đại học “dỏm” ấy sẽ:

2.1. Nếu sinh viên tốt nghiệp Đại học “dỏm” ấy là công chức đi học, thì cái bằng Đại học “dỏm” đó hợp thức hoá cho chỗ ngồi quá khả năng của anh ta, anh ta giữ được cái ghế đáng ra phải giao cho một người học thật; cái bằng Đại học “dỏm” đó không quan hệ gì đến công việc của nhà nước anh ta đang giữ. Ví dụ như Chánh Văn phỏng một UBND Huyện cần cái bằng Quản lý hành chánh, Luật .v.v…mà lại đi học về lịch sử, chính trị cụ thể ở một địa phương nào đó, không quan hệ gì đến công việc quản lý hành chính của anh ta cả.  Thế nhưng có cái bằng “dỏm” nhà nước phải tăng lương cho anh ta, phải cân nhắc đưa anh lên vị trí ngang với những người có bằng Đại học thật; Cái bằng Đại học “dỏm” không giúp ích gì cho nhà nước mà chỉ làm hại nhà nước mà thôi;

2.2. Mang cái bằng Đại học “dỏm”, sinh viên không thể xin được việc làm mới (vì các công sở bây giờ đều kiểm tra trình độ, tay nghề, tuyển chọn hẳn hoi). Cậu sinh viên mang cái bằng “dỏm” đó chịu thất nghiệp chứ không chịu đi học bất kỳ một nhành nghề nào khác. Như vậy Đại học “dỏm” đã làm hư đời biết bao thanh niên;

2.3. Những người con nhà giàu, con nhà có chức quyền, sẽ đút lót để mua cho người có bằng Đại học “dỏm” một chỗ làm việc. Con người mang bằng “dỏm” đó chiếm chỗ làm của người có tay nghề có trình độ có bằng Đại học học thật, anh ta sẽ góp phần làm cho cơ quan đó nặng nề và đi thụt lùi. Khi anh ta có chỗ ngồi vững rồi, anh ta tìm cách tham nhũng để lấy lại số tiền đã bỏ ra để mua chỗ làm việc; Đại học “dỏm” đã tạo ra một nhân tố phá hoại chính quyền;

2.4. Nếu anh ta có quyền thu nhận người thì anh ta sẽ thu nhận những người kém hơn anh ta để phục vụ cho anh ta, nếu thu nhận người giỏi hơn thì sẽ làm lộ cái dốt của anh ta ra. Như thế anh ta đã góp phần phá hoại mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. v.v. và v.v…

Những tai hại nầy chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào ở VN thực hiện cả. Nếu không thấy được sự nguy hại nầy mà cứ nhắm mắt để cho mở Đại học tràn lan như hiện nay thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại, các vị đứng đầu các bộ chức năng hiện nay phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.  

NHT: Vấn đề chất lượng báo chí và phát thanh, truyền hình ngày nay có gì đáng nói không?

NĐX: Báo viết, báo điện tử, báo hình, phát thanh ngày nay về kỹ thuật, mỹ thuật tốt hơn thế hệ của chúng tôi rất nhiều. Truyền hình quốc gia phủ sóng toàn cầu, tin tức trực tiếp, nóng sốt, đẹp, ngắn gọn theo các tiêu chí của báo chí quốc tế. Người dân bây giờ ít theo dõi các Đài Phát thanh ngoại quốc như BBC, VOA, Úc Đại Lợi.v.v…mà chỉ cần xem VTV và báo chí VN là cảm thấy đủ tin tức. Báo chí là lực lượng chống tiêu cực, chống lạc hậu.

Tuy nhiên, sống trong môi trường còn nhiều tiêu cực, xã hội còn nhiều lĩnh vực lạc hậu nên báo chí cũng không tránh được tiêu cực lạc hậu. Tôi xin dẫn vài biểu hiện đáng buồn hiện có trong tâm trí tôi sau đây:

1. Nhiều nhà báo giàu lên không phải vì nhuận bút mà vì nhờ “xin được” quảng cáo ở các doanh nghiệp, mà khi đã nhận được quảng cáo hàng chục triệu đồng của các doanh nghiệp rồi thì sẽ “nhẹ tay” với những tiêu cực của các doanh nghiệp đó;

2. Cũng không thiếu nhà báo đi “trấn lột” các doanh nghiệp, các cơ quan, cá nhân, ăn hối lộ và một số đã sa lưới pháp luật;

3. Nơi nào có phong bì “tốt” thì ở đó có đông nhà báo đến và viết bài kỹ;

4. “Lăng-xê” những người có nhiều tiền bất chấp họ có tài, hay có công hay không;

5. Nhiều chương trình truyền hình lai căng, ảnh hưởng ngoại lai một cách lố lăng: ăn mặc lố lăng, nhảy nhót, để cho phụ nữ “lộ hàng” một cách phản cảm, đi ngược lại chủ trương của Nhà nước “xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”.v.v... Uy tín của báo chí ngày nay đã sút kém nhiều so với thời đất nước mới bước bào thời kỳ đổi mới cách đây trên dưới 15 năm. Nhiều ông chủ dám nói “đã nắm được đầu nhiều nhà báo” nên báo chí không còn là tiếng nói phản biện chân chính của quần chúng nữa. Tôi rất tiếc với những tình trạng như thế!

PHẦN II

NHT: Theo anh, vấn đề bảo tồn các di tích ở Huế cần được đi sâu và nâng cao vị trí của nó như thế nào để phù hợp với bản sắc, đặc điểm của dân tộc?

NĐX: Theo tôi trước tiên có hai vấn đề cần quan tâm:

Một là vấn đề bảo tồn, bảo tàng và hai là vấn đề phát huy các các giá trị văn hóa lịch sử của các di sản vật thể và phi vật thể.

Vấn đề bảo tồn, bảo tàng

Muốn bảo tồn thì phải giữ cái gốc, muốn thế phải tu sửa thay thế bằng chất liệu gốc, về hình dáng, màu sắc, kích thước gốc theo phương pháp khoa học mà các nước tiên tiến đang thực hiện. Hiện nay có xu hướng tu sửa làm cho di tích đẹp hơn, hoành tráng hơn, vững chắc hơn. Tôi được tin đã có kế hoạch làm mới Chùa Một cột ngoài Thủ đô Hà Nội. Tôi có phát biểu với một vài vị khoa bảng có trách nhiệm trong việc bảo tồn bảo tàng ở Trung ương là: Làm như thế là phá hoại đó! Một số nơi cố gắng tu sửa xây dựng mới theo phong cách dân tộc nhưng vì thiếu thận trọng, thiếu tài liệu tham khảo nên lại làm ra những thành phẩm giống bên Tàu. Nhiều ngôi chùa cổ được tu sửa thành chùa Tàu. Ở ngay Đại nội Huế, cái trường lan vừa xây dựng xong là hình ảnh thô, cứng của Tàu chứ không phải cái tinh tế của nhà Nguyễn.

Vấn đề phát huy di sản văn hóa dân tộc:

Hiện nay người ta đang nhập nhằng giữa bảo tồn và phát huy. Theo tôi phải hiểu hai lãnh vực đó một cách rạch ròi. Di sản là cái thành quả có giá trị cao nhất của người xưa để lại, bất di bất dịch. Phải bảo vệ cái nguyên gốc. Nhưng văn hóa thì luôn luôn động, luôn luôn biến hóa để thỏa mãn yêu cầu của con người trong từng hoàn cảnh mới.

Phát huy văn hóa dân tộc là sử dụng cái chất liệu gốc + với sự tiếp thu cái mới của nhân loại sáng tạo ra cái hiện đại phục vụ cho con người trong từng thời kỳ. Ví dụ như các bài ca Nam Ai, Nam Bình là những di sản vô giá của ca Huế dân tộc. Ngày nay các nhạc sĩ sử dụng những âm hưởng của các bài ca cổ ấy làm nên những bài tân nhạc, mới xướng lên là đã đi vào lòng người ngay như các bài Nước non ngàn dặm ra đi, Về miền Trung, Đêm tàn Bên ngự, v.v…

Trong các bảo tàng người ta giữ được các áo dài phụ nữ qua các thời kỳ, cái áo dài của phụ nữ ngày nay không giống áo dài phụ nữ đầu thế kỷ XX, nhưng nó luôn biến hóa để thích hợp với thời đại. Cái váy đầm dù có đẹp đến đâu cũng là một thứ ngoại lai. Bảo tồn và phát huy là như vậy.

Trong đội Nhã nhạc được UNESCO là di sản phi vật thể của nhân loại không có cây đàn bầu. Nay ta thêm cây đàn bầu thì không thể nói đó là đội Nhã nhạc mà phải giới thiệu là Đội Nhã nhạc cải cách. Phải phân biệt cái gốc và cái đã cải cách. Nếu nhầm giữa hai việc nầy thì vô tình đã phá hoại cái gốc mà đúng ra con cháu phải có trách nhiệm bảo tồn.

Trở lại câu hỏi của anh: Về bảo tồn thì tôi đã nói qua, tức là phải giữ cho được cái gốc. Những di tích tuy là vật thể hay phi vật thể được bảo tồn một cách nghiêm ngặt nhưng nó vẫn sống. Tức là nó có cái hồn của nó.

Hiện nay chúng ta mới lo bảo vệ cái phần cứng, cái xác của di tích chứ chưa quan tâm đúng mức đến cái hồn, cái phần mềm của nó. Ví dụ như Điện Thái Hòa là một tòa nhà cổ. So với thế giới tòa nhà đó không là gì cả. Ngay ở trong nước, điện thờ trong khu Truyền thống Sài Gòn Gia Định ở Củ Chi to lớn hơn, đẹp hơn, nguy nga hơn điện Thái Hòa nhiều. Nhưng cái hồn của điện Thái Hòa thì không nơi nào có được.

Cái hồn đó là gi? Là những bí ẩn trời nóng thì mát, trời lạnh thì ấm, ông vua ngồi trên ngai vàng ở giữa điện nói nhỏ mà mọi người có mặt trong buổi chầu đứng trong điện đều nghe rõ. Những thơ văn chạm khắc trong Điện nói lên tư tưởng, văn hóa VN đầu thế kỷ XIX, nơi đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử liên quan đến vận mạng dân tộc Việt, có liên quan đến thế giới như thế nào.v.v…

Muốn cho khách tham quan được thưởng thức (enjoy) cái hồn đó cần phải tái lập lại cái không gian cổ vốn có, cần phải có kỹ thuật phim, ảnh, ánh sáng, âm thanh cần thiết như thế giới đã thực hiện ở các di sản của nhân loại.  Hiện nay chúng ta mới giữ được cái nhà lớn mà thôi. Người ta ghé thăm và không bao giờ muốn trở lại nữa.

NHT: Xin anh cho biết những dự kiến và suy nghĩ của anh về vấn đề văn hóa phi vật thể ở Huế?

NĐX: Với tư cách một nhà nghiên cứu, một người dân đã 75 tuổi, tôi làm sao  dám có một dự kiến nào “về vấn đề văn hóa phi vật thể ở Huế” được! Cái đó anh nên hỏi các cơ quan chức năng và các vị lãnh đạo trong các nhiệm kỳ…Tuy nhiên, với tư cách một người hoạt động văn hóa, tôi không thể không thấy kho tàng “Văn hóa phi vật thể ở Huế” là rất phong phú, nên tôi đã giới thiệu một số trên báo chí và các hội thảo về văn hóa du lịch. Đó là ẩm thực Huế, áo dài xứ Huế, Huế với các phủ phòng của các ông hoàng bà chúa; Nghề đúc đồng ở Huế, thơ văn Hán Nôm+bản khắc gỗ lưu giữ trong các chùa, các Phủ phòng, các tư gia ở Huế.v.v. Tôi chưa thấy các cơ quan chức năng về văn hóa lịch sử và du lịch quan tâm đúng mức vấn đề nầy để sưu tập, nghiên cúu, làm hồ sơ xin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể của quốc gia trước khi đệ trình lên cơ quan UNESCO xin công nhận của quốc tế. 

NHT: Trong mấy năm nay, người ta đã báo động về sự kém hiểu biết, bàng quan về lịch sử nước nhà của nhiều tầng lớp trong xã hội, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vốn hiểu biết sử học quá ít ỏi, thậm chí còn bị sai lệch nữa, theo anh là vì sao?

NĐX: Đúng như nhận định của anh: hiện nay có một bộ phận dân chúng, đặc biệt  “thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên” kém hiểu biết” lịch sử. Theo tôi, ngay cả cán bộ các cấp trong bộ máy nhà nước cũng thế thôi. Thực tế thì dân chúng không “bàng quan” với lịch sử đâu. Nhiều người cầm bút sống được là nhờ viết sách sử đó chứ! Phim Tàu toàn chuyện lịch sử Tàu mà người Việt ta từ trẻ đến già ai ai cũng thích xem cả. Vấn đề là loại lịch sử nào, được viết, được trình bày, được giới thiệu ra sao và đặc biệt đó là lịch sử thật hay lịch sử giả. Muốn trả lời câu hỏi “Lý do vì sao ngày nay người Việt mình “bàng quan” với lịch sử nước mình như thế?”, cần phải có một cuộc khảo sát, nghiên cứu rồi tổ chức một hội thảo khoa học thảo luận kỹ rồi mới trả lời chính xác được. Với cách nghĩ chủ quan của tôi thì vì những lý do sau đây:

1. Dân chúng, trong đó một bộ phận quan trọng là học sinh sinh viên, chưa thấy được sự hấp dẫn của lịch sử dân tộc viết theo lối xuôi chiều thiếu khách quan của thời bao cấp.

2. Trong kho tàng văn học cổ điển VN không có nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử để ngày nay viết thành kịch bản phim lịch sử nên phim ảnh  về lịch sử của Tàu chế ngự thị trường phim ảnh lịch sử VN. Vì thế mà người VN hiểu và thích lịch sử Tàu hơn lịch sử VN;

3. Trình độ hiểu biết lịch sử VN của các  nhà văn VN (đặc biệt là các nhà văn xuất thân trong nền giáo dục thời bao cấp trước đây), các đạo diễn phim ảnh VN rất hạn chế nên tiểu thuyết lịch sử VN, phim ảnh lịch sử VN còn ấu trĩ không hấp dẫn người Việt;

4. Cả hệ thống chính trị, hành chính VN, người ta cho rằng chỉ cần biết lịch sử Đảng là đủ. Lịch sử dân tộc nhập nhằng giữa quan điểm xã hội chủ nghĩa với quan điểm dân tộc nên không thể sinh ra một cái gì tốt trong tình trạng nhập nhằng như thế. Cho đến nay chưa có một bộ thông sử VN nào có thể thay thế cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim đã viết cách đây bảy tám chục năm trong lòng người đọc. Bao giờ VN chưa có một cuốn lịch sử VN thật có giá trị lịch sử thì tình trạng “bàng quan” như anh hỏi vẫn còn kéo dài.

NHT: Theo anh, môi trường sinh thái ảnh hưởng đến văn hóa như thế nào và anh nghĩ gì về điểm nóng này trong thời đại ngày nay?

NĐX: Đây là một vấn đề quá lớn, vượt quá khả năng của tôi và cũng vượt quá dung lượng của một câu trả lời phỏng vấn. Xin anh cho tôi có vài ý kiến về sự xuống cấp của môi trường sinh thái ở TTH, đặc biệt là ở Huế đã tác động xấu đến di sản văn hóa Huế như thế nào mà thôi.

Không gian Cố đô Huế, từ thời Gia Long (đầu thế kỷ XIX) được quy hoạch rất hoàn chĩnh, đến cuối thế kỷ XIX qua đầu thế kỷ XX không gian ấy vẫn được người Pháp rất tôn trọng, không gian Huế được mở rộng chứ không phá vỡ không gian đã được quy hoạch. Huế được mệnh danh là một thành phố vườn, một “Bài thơ đô thị tuyệt tác”. Hệ thông thành quách, cung điện, nhà cửa các phủ, phòng chen giữa sân vườn, sông, hồ rất hài hòa, phương tiện đi lại đi bộ, đi xe tay, đi đò chèo không gây ô nhiễm. Sông lớn, sông nhỏ đều có nhiều tôm cá, nước sông Hương nơi nào cũng có thể uống được. Hằng năm mưa lũ tràn qua thành phố rồi rút ngay để lại một lớp phù sa giúp cho cây cỏ vườn tược xanh tốt.

Nhưng rồi trải qua hai cuộc kháng chiến, nhất là sau ngày VN bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc quản lý xây dựng ở Huế không được quy hoạch lại, trình độ quản lý đô thị thấp kém; việc xây dựng bừa bãi không tính đến hậu quả, sử dụng phương tiện di lại gây ô nhiểm môi trường, diện tích rừng đầu nguồn bị thu hẹp, nhiều khúc sông bị chặn lại tích nước làm thủy điện; nhiều đường bộ băng qua những cánh đồng phía bắc, phía nam Huế, ngăn dòng nước lũ trôi thoát về xuôi đã gây thêm ngập lụt một số vùng không đáng chịu lụt; nhiều hồ tích nước trong Thành Nội lâu năm không được nạo vét; nhiều khúc sông bị xói lở do nạn khai thác cát sạn trái phép, bờ sông Hương bị lấn chiếm làm khách sạn, nước sông Hương bị ô nhiễm bởi dầu chạy máy đò dọc đò ngang, nước thải các cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, rác thải đô thị; sỏi cát ở đáy sông bị hút sâu thùy tiện gây nên tình trạng sạt lỡ bờ sông, nhiều ao hồ trong thành phố có tác dụng chứa nước rút bớt khi mưa lụt thì nay hầu hết như bị san lấp để xây nhà cửa. do đó nước lũ khó rút khỏi thành phố Huế, “Đây thôn Vỹ Dạ” trở thành cái đầm suốt mùa mưa lũ, các di tích cổ bị ngâm nước lâu ngày,  nhiều công trình xây dựng các nền móng bị xuống cấp rất nhanh, nhiều vườn di tích, nhà rường cổ tiêu biểu của Huế bị chia nhỏ, cắt xén xây dựng nhà ở lộn xộn như Phủ Đức Quốc Công Từ ở Kim Long, Lạc Tịnh Viên ở Bến Ngự, Phủ Tuy Lý Vương ở Vỹ Dạ.v.v…môi trường sinh thái của Huế đã bị biến dạng, gây hậu quả cho việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Huế tai hại chưa thể tính hết được.  

Nhiều khu đô thị mới mọc lên đáp ứng nhu cầu hiện đại chứ không quan tâm đến văn hóa Huế, không quan tâm đến đời sống tâm linh của người dân Huế. Sự thay đổi quan trọng nhất là con người làm nên văn hóa Huế đã thưa dần. Người lớn tuổi thì gần đất xa trời, lớp trẻ thì đi dần vào phía Nam lập nghiệp, thay vào đó là lớp người ngụ cư phổ biến một loại văn hóa tạp-pí-lù. Ví dụ như “văn hóa ẩm thực” có món “cầy tơ”, lấy giọng Bắc làm MC trong các cuộc hội họp đông người, các đám cưới do người có giọng Bắc làm MC, múa lân theo Tàu, hát hỏng theo Tây, không thấy đám cưới Huế đâu cả.v.v. .

Tôi nghĩ nếu lãnh đạo và các cơ quan chức năng tiếp tục cho xây dựng bừa, không có quy hoạch thích đáng, dung dưỡng cho những hoạt động phi văn hóa Huế như thế, không có kế hoạch giữ người Huế và thu hút người Huế ở xa về thì chuyện “mất Huế” không còn xa nữa.

NHT: Tôi được biết năm vừa rồi, anh có gặp nhà nghiên cứu lão thành về văn hóa Huế - Thái Văn Kiểm từ nước ngoài về định cư tại VN. Anh có thể cho biết vài điều suy nghĩ của anh về ông Kiểm được không?

NĐX: Học giả Thái Văn Kiểm là nhà Huế học thế hệ thầy của tôi. Tôi rất quý bộ sưu tập nho nhỏ về các trước tác của ông. Ngoài chuyện tham khảo học hỏi các thông tin lịch sử trong trước tác của ông, tôi còn học ông ở tinh thần tự học và suốt đời không sao nhãng việc học Huế. Cách đây hơn mươi năm, khi sang Pháp tôi rất hạnh phúc được gặp ông (dù qua điện thoại). Hồi đầu năm 2011 khi được biết ông vừa về an dưỡng tuổi già ở TP HCM, tôi vào tìm thăm ông ngay. Sự có mặt của học giả họ Thái tại TP HCM trong lúc nầy giúp cho tôi có nhiều điều thú vị:

1. Tôi được tiếp xúc trực tiếp với học giả thế hệ thầy của mình;

2. Những trước tác của ông viết ở trong nước trước đây như Cố Đô Huế, Đất Việt Trời Nam .v.v. có hoàn cảnh tốt để lưu hành và có thể tái bản;

3. Ông về nước kéo theo gia đình, các con ông cùng về góp phần xây dựng đất nước, đặc biệt về phương diện văn hóa du lịch, và tôi có thêm những người bạn cầm bút cho xứ Huế của tôi. 

NHT: Những điều dự định thực hiện của anh nói với tôi năm trước, nay thế nào rồi? Tự truyện ký viết xong chưa? Ý định mở một phòng sách quý hiếm ở Huế cho bạn đọc tham khảo có gì trở ngại không?

NĐX: Tự truyện tôi mới viết được một nửa và đã ký hợp đồng với Nxb Trẻ, nếu không có gì thay đổi thì “chuyện một nửa đời tôi” (1937-1975) trên 800 trang (in thành 3 cuốn) sẽ ra mắt vào đầu tháng 3 năm nay. Đã trích 10 đoạn đăng thử trên báo Tuổi Trẻ từ ngày 5-1-2011 cho đến ngày 14-1-2012 vừa qua. Tôi đang viết “nửa đời còn lại” chưa biết đến bao giờ mới xong.

Về sách, trong năm qua tôi cho tái bản vài ba cuốn (trong đó có cuốn Trịnh Công Sơn có một thời như thế), sách mới có 3 cuốn Chuyện quý bà giữa đời thường và trong cung cấm (Nxb Phụ Nữ), Nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa tập I (Nxb Thuận Hóa, dày 840 tr.), và vào cuối năm vừa rồi đã ra mắt cuốn Để Còn Nhớ Mãi (Nxb Phụ Nữ, in 25 bài tôi đã phỏng vấn các nhân vật văn hóa, lịch sử, chính trị ở trong và ngoài nước).

Còn về chuyện “mở một phòng sách quý hiếm ở Huế cho bạn đọc tham khảo”, tôi mới có ý định thôi chứ chưa biết khi nào mới thực hiện được. Nhiều người bạn tôi đã làm thử và họ đã gặp không ít khó khăn, nhất là “bộ máy thủ thư” và phục vụ bạn đọc.

NHT: Cám ơn anh Xuân đã trả lời một số câu hỏi của tôi. Xin anh thông cảm cho tôi cũng hơi tham lam hỏi anh nhiều vấn đề làm mất thì giờ của anh. Chào anh! Chúc anh và gia đình năm mới có thêm nhiều niềm vui mới trong đời sống và công việc.

NĐX: Tôi cũng xin cám ơn anh đã quan tâm đến hỏi để tôi có cơ hội trả lời phục vụ bạn đọc. Mong sẽ còn nhiều dịp gặp lại anh.

                                                                     Huế, đầu năm Nhâm Thìn (2012)