●   Bản rời    

Gửi Hội Xuân Việt Bắc (Trần Thị Vĩnh Tường/Vietsciences)

Gửi Hội Xuân Việt Bắc

Trần Thị Vĩnh-Tường/ Vietsciences

http://sachhiem.net/TRTVT/TTVT_XH03.php

30 tháng 4, 2011

 

Mùa xuân, khi hoa đào nhuộm hồng sông suối, hoa mai hoa lê hoa ban nở trắng núi đồi là lúc Việt Bắc sửa soạn đón hội xuân.  Từ Pản Phố đến Lũng Pưởn, từ Bắc Kạn đến Thái Nguyên, từ hồ Ba Bể đến Na Rì, từ Kỳ Lừa  đến Tuyên Quang, chan hoà sắc hoa mầu áo môi cuời chúm chím. Hội đền Hùng ở Phú Thọ, Hội Trùm Chăn ở Huyện Bát Xát (Lào Cai). Hội Hoa Ban ở Sơn La (Lai Châu), huyện Mai Châu (Hoà Bình). Hội Ksai Sà típ của người Xinh Mun. Hội Roóng Poọc của người Giáy ở Tả Vạn chung cho cả vùng thung lũng Mường Hoa …

Tất cả những hội hè ấy, đều mang môt ý nghĩa giống nhau: tưởng nhớ tổ tiên, thờ cúng thần linh, ước mơ một cuộc sống bình yên, no đủ, ngô lúa đầy nhà, cây quả trĩu cành, dâu được xanh tằm được lá và trai gái nên duyên.

 

Trải làng ta… 

 Tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng yên, cả tám làng cùng rước thần thành hoàng về chầu đức Chử Đồng Tử (1). Thần hoàng của tổng Mễ Sở là đàn bà, nên một đoàn bốn “con đĩ đánh bồng” được hân hạnh đi đầu vừa đi vừa vỗ trống cơm.

Theo nghĩa cổ, từ con đĩ có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất chỉ một bé gái, vì vậy hay gọi con là “thằng cu, con đĩ”. Nghĩa thứ hai, chỉ cô gái nhỏ còn trong trắng, như trong “con đĩ đánh bồng”. Không biết tại sao và từ bao giờ, một từ cổ rất ngây thơ lại bị hiểu lầm đến thế.

 Người Hưng Yên cũng cầu gió mưa hoà thuận, làng xóm bình yên. Ngày hội này, có thi bơi trải ba năm một lần. Trải, tiếng Việt cổ, là cái thuyền rất hẹp, mỗi bên có bốn hoặc sáu nguời chèo. Một ngưòi đứng sau cùng vừa chèo vừa hò điều khiển: 

Trải làng ta, 

nghe ta hò,

gò lưng xuống,

uống nước sông,

trông lên bờ,

bơi thờ thánh,

chấp cánh vào,

xoè cánh ra. 

 

Theo tác giả Nguyễn Chu Hậu (2) ngưòi Hưng Yên, sau 1940 không còn bơi trải nữa, có lẽ do chiến tranh. Trải ngày ấy được gác ở nhà thảo bạt, thuộc đền chính Đa Hoà. Nhà thảo bạt chứa đồ tế tự kiệu, cờ, giáo mác, trống kèn, trải…  Hy vọng những nguời Hưng Yên lưu lạc khắp thế giới có lúc ngồi lại tiếp tay phục hồi tục bơi trải trước khi vĩnh viễn thất truyền.  

 

Hội Thẩm Lệ…

Tác giả Nguyễn Đức Hiệp dẫn Henri Maspero (3):

"Ngày hội ấy mở vào tháng ba, tháng tư, trước khi có hạt mưa rào và bắt đầu vào công việc đồng áng. Chỗ hội họp là động Thẩm Lệ, có tiếng là nơi linh thiêng, ngày thường không ai dám lai vãng, sợ đông chạm đến quỷ thần. Nhưng đến ngày hội thì trai thanh gái lịch tự do kéo nhau lũ lượt vào động để hát đối, giao duyên... Bên trai thắp các ngọn đuốc lên, tay cầm đuốc đi diễu qua trước mặt các cô nàng, cố soi vào tận mặt để xem mặt. Khi một chàng đã tìm thấy ý trung nhân rồi, anh ta bèn đứng trước mặt nàng rồi cất tiếng hát. Nghe anh chàng xướng, hát xong, nếu cô nàng ưng ý thì liền ngồi xụp xuống đất để tỏ ý bằng lòng. Nếu sau khi đã xướng hát rồi, chờ mãi không thấy nàng ngồi xuống, ấy là anh ta biết cô nàng không bằng lòng, chỉ còn cách đi khỏi. Ở trường hợp chàng được nàng ưng ý ngồi xuống rồi thì chàng liền tắt đuốc đi và cùng ngồi xuống bên cạnh nàng. Bây giờ hai bên vịn vai nhau mà hát đối, câu hát trao tình, càng ngày càng thân mật. " 

Ông Nguyễn Đăng Thục và ông Henri Maspero trong "Les religions Chinoises" còn viết:

"Những hội hè ấy, nếu thiếu thì mùa màng không tốt, lúa không mọc. Chính vào lúc người ta vừa xua đuổi khí độc của mùa đông đi rồi mới có cuộc phối hợp giữa thanh niên thiếu nữ.”

 

Hội Lim

Núi Lim và hai bờ sông Tiêu Tương mỗi năm đều có Hội Lim. Nhiều trò chơi như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm, và nhất là hát đối. Như nhũng hội hè khác, các liền anh liền chị hát tứ sáng tinh mơ cho đến chiều sương sớm. Hát nhớ người xa, hát thương ngưòi gần, hát mời trầu cho đỏ môi mình môi ta, hát đêm rằm nằm một mình, hát tuơng ngộ tương phùng đứng hai mình…Khi các liền anh liền chị kết bạn hát với nhau, coi như kết tình lân lý anh em một nhà, họ giữ lời thề không bao giờ kết duyên với nhau nữa. Có phải như vậy khiến lời ca quan họ lúc nào cũng đượm buồn kín đáo vì trong khi hát làm gì không thấp thoáng yêu đương, “Ôi bạn oanh ý a ôi bạn oanh, ngồi tựa trăng thanh, thương nhớ sầu oanh, lẻ loi chim nhạn hỡi bạn tình chung tình. Trước không phải sau đền nợ sinh ba sinh”. Thật khó có nền văn hoá dân gian nào vừa đa tình  vừa nghĩa tình đến thế. Điều này chắc chắn không thể kết tinh một ngày một buổi, mà là nhu cầu tâm linh gạn đục khơi trong tự đáy lòng người Kinh Bắc từ hàng ngàn năm.

 

Những người phên dậu

Việt Bắc là một vùng văn hoá còn giữ được nhiều nét huyền bí và sơ khai của buổi bình minh trên vùng đất bây giờ gọi là Việt Bắc.

Vị trí địa lý của sắc tộc Tày/Nùng cho thấy liên hệ hết sức chặt chẽ với lịch sử, nguồn  gốc, tiếng nói và phong tục với người Việt đồng bằng, tức Lạc. Nguời Tày thuộc tộc Thái cổ, tức Âu, hậu duệ của An Dương Vương. Hàng ngàn năm chung sống với nhau, không thể tách bạch rạch ròi thành phần Âu trong Lạc, hay Lạc trong Âu. Vì cả người Tày-Nùng và Lạc Việt đều cùng thuộc chủng Bách Việt, tên bây giờ là Austronesian (4) nguời châu Á phương Nam, khác với chủng Mongoloid tức châu Á phương Bắc.

 Ở Việt Nam, người Tày-Nùng sống tập trung nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái.  Bên kia biên giới, là vùng Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam họ được gọi là dân tộc Zhuang. Dân tộc Tày-Nùng, thuộc ngôn ngữ Thái, dân tộc Dao. Người Tày (sách sử gọi là Thổ) và người Nùng, cùng tiếng nói và văn hoá. Ngươì Tày gần với người Việt. Người Nùng gần với văn hoá Trung Hoa.  Sau 1954, một số người Nùng di cư vào miền Nam. Đa số cận vệ ở cơ quan quan trọng trong chính phủ VN Cộng Hoà hay tình báo ngoaị quốc tuyển người Nùng, vì tính trung thành và kín đáo của họ.

 

Hội Lồng Tồng

Còn có tên gọi khác là hội Cầu Mưa, hội Cầu Mùa. Hội Lồng Tồng thường được các làng bản Tày/Nùng tổ chức sau ngày mùng 10 thàng giêng âm lịch, thường tại một cánh đồng vừa gặt hái xong. Nhưng đồng bào các sắc tộc khác như Hmong, Yao, Hoa… lũ lượt vượt đồi núi về dự hội.

 Lễ vật có thịt lợn quay, gà trống thiến, hai cặp bánh “mon hua” tức bánh chưng, bánh khảo, bánh bỏng, xôi đỏ cho mặt trời, xôi vàng cho mặt trăng, mỗi đĩa có hai con chim én. Màu đỏ và vàng tượng trưng cho lửa và mặt trời. Chim én là biểu tượng của mùa xuân. Nơi làng của nguời Giáy ở Sapa, hiên nhà nào cũng có chỗ cho chim én làm tổ, hễ đưa tay lên chim sà xuống đậu. Nguời Giáy yêu chim và cho đó là điềm lành nên chim mới đậu. Họ không bao giờ bắt nhốt chim hay ăn thịt. Cho thấy sự giao tiếp với thiên nhiên, với sinh vật và lòng tin tưởng nơi đấng vô hình không chỉ đẩy óc sáng tạo nơi người miền núi lên rất cao, giúp niềm tin họ không bị rạn vỡ trước tàn phá của chiến tranh mà còn khiến họ đời đời ràng buộc với núi đồi, từ lúc sinh ra đến khi về với mường trời.

Lồng tồng còn có nghĩa nữa là “cái trống”. Một cái trống treo giữa làng chủ, là làng được chọn khai hội. Từ xưa, tiếng trống vẫn biểu hiện cho uy quyền, là phương tiện liên lạc, báo tin giữa bản này với bản khác. Tùy địa phương, trống có thể là trồng đồng hay trống da trâu. Trong suốt những ngày hội, trai gái tìm nhau, say mê chúm chím môi xinh lượn khúc sơn ca, gọi là hát Lượn.

Sơn nữ chơi đàn tính, sơn nam thổi sáo. In hệt như quan họ, từ lượn mời lượn đón đến luợn mừng lượn tạm biệt. Bài “Đợi” của nguời Nùng, một loại lượn nhớ nhung :

“Nàng ơi ni chim mà mà pi hơi

nàng ơi, hà tang bay

Hà này chia tình theo hà nàng ơi

Đợi nàng có hay bao tháng bao ngày

đã qua rồi à nàng ơi

Mùa xuân nay vắng ai để ai héo hon nàng ơi.

Nàng ơi nàng nàng ơi ơi… (5)

 

Từ áo dài đen đến xà tích bạc

Nam nữ Tày/Nùng đều mặc áo dài truyền thống năm thân in hệt áo dài năm thân của ngưòi Việt. Áo nam ngắn hơn áo nữ. Màu áo truyền thống là màu chàm. Lá chàm màu xanh, nhưng cho cao chàm đen kịt, nhuộm vải vóc quần áo cho nhiều sắc tôc Việt Bắc. Riêng người Việt đồng bằng lại nhuộm váy áo bằng bùn. Phụ nữ Tày cũng chít khăn vuông đen, chân đi hài vải thêu tay.  Áo dài Tày may in hệt áo dài Việt. Chỉ khác có thắt một mảnh thắt lưng màu xanh, hồng hay tím để gài xà tích.  Một tấm ảnh và lời giải thích của Bách Khoa Toàn Thư (6) cho thấy áo dài cô em Tày gài nút bên trái, một biệt sắc của người Việt cổ, trước thời bị Hán đô hộ.

Ngày xưa các cô mặc áo dài với váy đen, gấu thêu tay công phu. Bây giờ các cô mặc với quần đen. Điều …văn minh nhất, là áo dài Tày không tô vẽ tứ tung hay bị gắn kim tuyến lấp lánh lung tung beeng. Trên tất cả các trang web về người Tày, hình ảnh người phụ nữ Tày nền nếp, trang nhã, quí phái trong tấm áo dài đen, chít khăn mỏ quạ, vòng cổ bạc rộng, đeo xà tích bạc ở thắt lưng, và chơi đàn tính.

Không khỏi nhớ đến rất nhiều ảnh trong album chụp trước 1954: phụ nữ Hà Nội (đã lập gia đình) luôn mơ ước một áo dài nhung đen cổ đeo kiềng vàng hay bạc. Các cô gái trẻ không mặc áo đen bao giờ.  Ước mơ trong tiềm thức ấy mãnh liệt đến nỗi ở hải ngoại, nhiều bà nhiều cô cũng có một áo dài nhung đen và kiềng vàng kiềng bạc.  Phải chăng đó là tiếng goị thầm về một quá khứ xa xôi. Ca sĩ Ngọc Minh, mắt đen tóc dài da trắng, là người Thái trắng. Ngọc Minh cho biết áo dài đen của người Thái và áo dài đen Tày, là áo vô cùng truyền thống dành cho phụ nữ đã có gia đình mặc trong những ngày lễ quan trọng. Điều hơi lạ, các bài viết về áo dài Việt, không hề thấy nhắc nhở đến tà áo Tày/Nùng. Chúng khẩu đồng từ chỉ nhắc áo dài đươc ông Cát Tường Le Mur cải tiến thế nào, nhưng cải tiến từ cái gì? Các “học giả” cũng luôn nhắc “Âu-Lạc”, nhưng chẳng nhắc nhở ngó ngàng đến Âu Tày/Nùng, phân nửa nguồn cội của dân Việt.

 Xà tích là một giây xích bằng bạc. Hai đầu buộc bình vôi hoặc những hình chạm khắc đừơng nét mạnh bạo, hình kỷ hà đối xứng, tinh vi và tỉ mỉ. Thợ nữ trang của hoàng gia Anh không dễ làm được. Các noọng HMong, Thái, Tày... đeo ở thắt lưng trang điểm cho tấm váy đen bó chặt.

Tiếng Hmong:  Xauv ncais = vòng cổ

Tiếng Thái: Saawy = đọc là xâu như trong “xâu chuỗi”, [saawy] hay [saawy thee]=xà tích.

Xà tích Việt (từ Bắc đến Nam đều gọi là xà tích) thường chạm rồng, phuợng hay hoa sen hoa cúc. Các cô Kinh Bắc mặc áo tứ thân ngày hội mới lấy ra đeo như một món nữ trang. Trước 1954, chị tôi học nghề hàng vàng ở Hưng Yên, chứng kiến những người nghèo ở mãi tận trong quê mang xà tích rất đẹp đem bán, rơi nuớc mắt vì phải xa lìa một lưu vật đã truyền lại từ mấy đời. Cho thấy lúc đó nghề thợ vàng bạc chạm khắc đã rất tinh xảo. Ở trong Nam, cô gái đeo xà tích trên cổ, xéo qua một bên rất độc đáo. Điều này cho thấy có một thống nhất từ Bắc đến Nam trong việc dùng một món nữ trang có tên chung “xà tích” (7).

Khăn mỏ quạ/kiềng/xà tích/váy/áo dài đen, những vật thiết thân của phụ nữ cho thấy xuất xứ ban đầu ở vào thời điểm trong quá khứ. 

Nguời bạn mới về thăm Hà Nội cho hay một xà tích chạm trổ khéo léo, nặng 4 lạng bạc, giá 100 đô la Mỹ.  Còn xà tích bạc ngày xưa đã trở thành đồ cổ. Chị cho biết người Hà Nội ngày nay cỡ 50 tuổi không biết xà tích là gì, tưởng là cái…ấm tích.

 

Tiếng nói/âm nhạc

Hội Lồng Tồng, tiếng Tày/Nùng “lồng tồng” hay “lổng tồng”, tiếng Yao là “lồng tộng”, cò một nghĩa nữa là “xuống đồng". Lồng/lổng  = xuống/gieo,  lồng chả= gieo mạ. Nhưng “lổng lảng”, lại có nghĩa “lấy chồng”, lảng là chồng. Tiếng Việt xưa lang là chồng, như trong “lang quân”.

  Trước thời chữ Việt được ký âm abc, có thể người Việt cũng phát âm cả hai âm [t] và [đ] ai muốn nói sao cũng được và cũng đúng. Tiếng Mường: “cải ti no”, có nghĩa “con đi đâu”.  Chỉ sau khi có quốc ngữ abc, mới phân biệt âm [t] và [đ].  

  Một nhận xét khác là dấu hỏi trong tiếng Tày/Nùng/Mường là dấu sắc trong tiếng Việt: Hõ nhà tôi chăng cỏ ai là vua quan chi = Họ nhà tôi chẳng có ai là vua quan chi. (Vì vậy, người Nam Bộ ít phân biệt dấu hỏi/ngã trong nói/viết, chưa chắc đã là sai, như một số “học giả” miệng có gang có thép đoan chắc thế và cho rằng phải phát âm Hà Nội mới đúng, dù không giải thích “giọng Hà Nội” là những pha trộn nào, từ đâu mà có?)

Điều này cũng nhận thấy ngay trong cách phát âm dân ca Bắc Ninh. Bắc Ninh là quê hương của nhà Lý, triều đại rực rỡ đầu tiên của nứơc Việt với chính sự hết sức khôn ngoan.  Một trong kế sách khôn khéo, là gả các vị công chúa cho các tù trưởng vùng cao, thật ra cũng chẳng xa xôi gì vì Kinh Bắc lúc đó phía Bắc lên tới Lạng Sơn.  Trong hàng ngàn năm, vùng thượng du Tây Bắc, nơi quần cư của người Tày/Nùng đã là phên dậu cho Đại Việt. Vết tích của sự giao tiếp ấy vẫn còn dù qua các triều đại, biên địa Bắc Ninh cứ bị dời đổỉ. Ngay mãi đến thời vua Gia Long, Bắc Ninh là trấn Kinh Bắc, vẫn gồm cả Bắc Giang, một phần các tỉnh Hưng Yên, Lạng Sơn và thành phố Hà Nội. Liền anh liền chị 49 làng quan họ Bắc Ninh hát dân ca lả lướt chính nhờ bảo lưu đựoc phát âm địa phương từ quá khứ ngàn năm nhiều sắc tộc sống với nhau tại một địa bàn. Ca sĩ tân nhạc dùng giọng Hà Nội hát dân ca, sẽ giống như quít mọc nhằm đất lạ, kém ngọt. Nếu quan họ lại được hát bè, thì gần bằng một… cơn ác mộng.

 Tác giả Vi Văn Hồng (3) thầy giáo người Tày nhận xét trong “Vài suy nghĩ về hát Quan Lang, Lượn” 

"Trong nền dân ca Việt nam, dân ca quan họ Bắc Ninh là một loại dân ca rất đẹp về mặt trữ tình, chủ yếu là tình yêu trai gái, điều này đã được các nhà nghiên cứu nhận định thống nhất. Đọc và tìm hiểu Quan họ, chúng tôi thấy ở loại dân ca ưu tú này có khá nhiều điểm gần gũi với dân ca Tày, Nùng nói chung với Lượn và Phong Slư nói riêng, gần gũi về "nội dung đậm tính chất trữ tình", về thể cách xây dựng hình tượng, về đề tài và cả về lối ca hát nữa. Sự gần gũi này chứng tỏ rằng Lượn và Phong Slư đứng về mặt dân ca mà nói có nhiều điểm rất đặc sắc, không kém Quan họ Bắc Ninh….đó là tiếng nói của một tình yêu chung thuỷ sắt son, chung thuỷ cả trong "kiếp sau" nữa. "(Vi Hồng - Vài suy nghĩ về hát Quan Lang, Lượn, Phong Lư, Tạp chí Văn Học, 3/1976, trang 50-61, Viện Văn học, Uỷ ban KHXH).

 Nguồn gốc hát quan họ nơi các tác giả người Việt từ trước tới này vẫn chỉ là phỏng đoán. Những bài nghiên cứu không đưa ra điều mới.  Là người nằm giữa địa bàn, để cả đời nghiên cứu văn hoá Tày, điều tác giả Vi Văn Hồng hé mở xứng đáng mời gọi các nhà  nghiên cứu lịch sử dân nhạc lưu tâm.


Sự phóng khoáng

Theo Vi V. Hồng, tục hát quan họ đã có ít nhất là từ thời Lý-Trần và xưa hơn nữa từ tục lệ cổ của dân tộc Việt ở Kinh Bắc và các dân tộc khác ở miền trung du. Hát quan họ có liên hệ mật thiết với cách hát Lang, Lượn của dân tộc Tày. Và có thể có sự liên hệ xa hơn nữa với lối hát giữa trai gái của dân tộc Châu Ro ở Đồng Nai phía Nam. Hát quan họ cũng có sự đóng góp của cộng đồng tù binh Chàm định cư ở Kinh Bắc thời Lý-Trần. Nói chung tất cả các lối hát có nguồn gốc chung ở các dân tộc xưa cổ Đông Nam Á xa xưa ở tục lệ dân tộc là sự liên hệ trai gái, trao đổi tán tỉnh nhau trước khi đi đến quan hệ tình dục, khác hẳn văn hoá Trung Hoa.  Sự giao phối vào mùa xuân được tin tưởng như tặng vật mà nam nữ, một kết hợp âm dương toàn vẹn nhất,  dâng lên thần đất, thần sông, thần lúa, thần núi… Những đứa trẻ sinh ra từ những phối hợp ấy đựoc coi là món quà của thần linh, được cả làng yêu quí.  Về sau, bị ảnh hưởng văn hoá phụ hệ Trung Hoa không coi phụ nữ có ký lô nào, mới có những tục lệ ngăn cấm lỉnh kỉnh nghiệt ngã ràng buộc phụ nữ, nhưng không hề trói buộc … phụ nam.  Tuy vậy, trên thực tế, chỉ những gia đình quan cách, chịu ảnh hưởng Nho học mới thật sự gò bó phụ nữ.  Cụ Nguyễn Du khoác cho Kiều một tâm lý rất lạ: cho Kiều lao mình vào sương gió chuộc cha khi chưa cần phải bán mình, nhưng với Kim Trọng lúc nào nàng cũng chỉ trăng chỉ đèn thề thốt phân minh, có lẽ cũng để tả cái thân phận dùng dằng “nửa Việt nửa Hoa” cùa phụ nữ Việt dưới sức trĩu nặng của Nho học thời ấy, nên ăn cơm gạo Việt nhưng phải lẩm bẩm thờ hồn ma cụ Khổng.

Còn dân chúng làng thôn, vẫn sinh hoạt theo văn hoá phóng khoáng. Theo Nguyễn Chu Hậu  khi lên So Sở, Sơn Tây dạy học những năm 1940, ông bị một phen khiếp vía khi thấy các cô thôn nữ nom rất hiền lành đang cấy mạ, trêu ghẹo một thanh niên, anh ta lỡ dại ứng tiếng trả lời câu hò, liền bị các cô xúm lại, cho …quần anh ta bay xuống ruộng.

Nguời Hoa Hạ (khi chưa gọi là Trung Hoa) từ trước thời Xuân Thu Chiến Quốc đã rất xốn mắt trước việc trai gáì chủng Việt cổ hát đối nhau. Trong Kiều có câu “Ra tuồng trên Bộc trong dâu. Thì con người ấy ai cầu làm chi” khi Kim Trọng rì rào đòi nắm tay nắm chân Kiều. Sông Bộc,  tại thành phố Bộc Dương ngày nay, nơi dân Man di nước Trịnh/nước Vệ thuộc chủng Việt cổ, chiều chiều trai gái dẫn nhau xuống chơi bãi sông Bộc, hát hò thoả thích xong dắt nhau vào ruộng dâu tình tự. Vì vậy người Hoa Hạ dè bỉu, cấm đoán người Việt cổ đủ điều. Các cụ đồ Ta cũng theo đồ Tàu, thi nhau những cấm cùng đoán.

Hoàng Cầm, nguời Kinh Bắc - mẹ là liền chị quan họ - quen với những ý tình phóng khoáng khiến thơ ông nóng bỏng nếu không đốt cháy cũng có thể làm độc giả chóng mặt, nhưng không thể nhăn mày, vì chữ nghĩa quá đẹp.

Hương ngát em lồng kín cõi anh

Yếm đào trút lại phía vô linh

Đung đưa gác lửng nghênh xuân ấy

Đôi núm hồng em nở hết mình

(Hội Yếm Bay)

Tục chơi xuân trong các hội hè đầu năm như tục hát đối, hát ví, hát dặm hay trống quân không phải chỉ riêng dân tộc Việt Nam, mà là chung cho tất cả dân tộc nông nghiệp miền Đông Á, từ phía Nam sông Dương Tử trở xuống và từ Tây Tạng cho đến Nhật Bản, nơi nào người người cũng sẵn sàng ngưng cầy ngưng cuốc say sưa hát.  Bây giờ ngưòi Nhật chế ra máy karaoke cũng do nhu cầu hát hò ấy.

Trong ảnh, hai cô sơn nữ người Thái (có vẻ sơn nữ … nhà nước) đội tấm khăn piêu thêu tay chỉ hồng chỉ đỏ, món trang điểm ngày hội. Bài hát “Chiếc Khăn Piêu” hay “Chiếc Khăn Rơi” dân ca Xá (8), mang âm hưỏng rừng núi nghe rất yêu. Con chim cúc cu líu lo hớt lẻo, rừng đằng kia có cô nàng đang kiếm khăn piêu. Sơn nam núi bên này nhặt được khăn vướng trên cây, đợi hoài đợi mãi, nhắn cả tin theo chiều gió, khăn đây rồi đừng tìm làm chi mà lạc mà nát cả hoa rừng…Chàng hú vang rừng núi mong có người tới nhận khăn, ngộ nhỡ phải duyên thì trước là trả khăn sau là …đòi nợ.

A chi ơi có phải thắm thiết duyên nhau

Chiếc khăn đây là mối nối duyên nhau thời tôi chờ

Nhắn tin theo cùng gió.. Khăn còn đây đợi người.

Tiếng tôi vang rừng núi…Sao không ai trả lời?

Từ hàng trăm năm hàng ngàn năm, mùa xuân Việt Bắc trôi đi duới lớp hoa đào hoa ban và môi cuời khúc khích. Vốn được sinh ra bên một giòng suối quanh co giữa những cội đào hoa hồng hoa ban trắng Cao Bằng áo chàm líu lo leeng keeng vòng bạc, tôi cũng được mẹ nhúng xuống suối như những bé sơ sinh Tày Nùng nơi đó, được một sợi chỉ đỏ buộc cổ tay nhận nhau suốt đời là anh em. Từ nơi xa, cho tôi gửi một cái hôn về những đôi má sữa. Cầu cho phân nửa giòng sinh mệnh quí giá, phên dậu của dân tộc, được tổ tiên gìn giữ từ những tai ương. 

Khăn piêu ơi, xin đợi.

 

Trần Thị Vĩnh-Tường- California,

 

Xin gửi tới Phạm Lệ Hương/Viện Việt Học/Orange County, lờì cảm ơn. Dù chưa hề biết mặt, đã đi khắp Hà Nội tìm mua giùm xà tích bạc xưa, nhưng hoài công. Vật quí như người ngọc,  khó tìm?

 


Chú thích

 

(1) Chử Đồng Tử, một trong Tứ Bất Tử: Sơn thần Tản Viên, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa

(2)  Sổ Tay Về Nguồn/Nguyễn Chu Hậu, đang in

(3) Việt Bắc : Lịch Sử và Con Người/ Vietsciences-Nguyễn Đức Hiệp
http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/vietbacvalichsu.htm 

(4)   Nhóm người chiếm tới 57% vòng tròn quả đất tính từ Đông sang Tây, tổng cộng 206°, từ 44° Đông/Madagascar đến 110° Tây/Easter Island

(5) Một hãn hữu được nghe hai nghệ sĩ Lãng Minh/Nga My hát bài lượn Tày Nùng nói trên tại Viện Việt Học/Orange County 9/2007. Những tape nhạc Sli, Lượn của Tày/Nùng  tìm mòn con mắt phương trời đăm đăm không ra. Mong đừng thất truyền.

(6) http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/default.aspx?

param=1341aWQ9NTEzMyZncm91cGlkPTUma2luZD0ma2V5d29yZD0=&page=1

(7) Tạp chí Xưa và Nay/Xuân Mậu Tý 2008, Saigon, Trang Phục Phụ Nữ Xưa/Đào Bích Phượng. Bức ảnh ghi chú:

”Cô gái đeo vòng đầy cổ và dây xà tích, lối trang sức phổ biến cuả phụ nữ Nam bộ”. Rất tiếc không thể đăng hết tất cả hình ảnh trong bài.

(8) http://www.youtube.com/watch?v=1TUfreootBE,

Ca sĩ Anh Thơ

 

©   http://vietsciences.org/ 15/04/2011


Bài cùng tác giả: