HÀ NỘI BỂ DÂU

- truyện ký -

BS Nguyễn Văn Thịnh

THIỆN CĂN Ở TẠI LÒNG TA

Chuyện cũ cứ chìm sâu vào dĩ vãng

            Và bạn bè cũng theo bước khuất xa

            Chỉ dòng sông vẫn như xưa bận rộn

                        Cứ miệt mài nặng chở tháng năm xuôi

Lứa chúng tôi trải qua nửa thế kỷ đầy biến động. May rủi, hay dở, sang hèn… mỗi người một phận. Cuối đời, ai còn cũng đã ở quanh ngưỡng tuổi “cổ lai hy”. Lục thập nhi tòng tâm – Thất thập nhi nhĩ thuận sở dục, bất du củ (Sáu mươi biết làm theo ý mình – Bảy mươi nghe biết điều sai đúng không sợ sai). Gặp lại nhau là qúy. Tay bắt mặt mừng vượt qua mọi điều ân óan là phúc. Chuyện xưa ấp ủ trong lòng mãi không quên. Duới bóng hòang lan vẫn ngọt ngào chuyện tình một thuở…

Ngày 7 tháng 11 năm 1950, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga và chào mừng chiến thắng Cao – Bắc – Lạng, học sinh trường nữ Trung học Trưng Vương tổ chức rải truyền đơn và ảnh chiến thắng, treo cờ đỏ sao vàng, đốt pháo, ngang nhiên hát bài Tiến quân ca. Cảnh sát ập đến bắt 15 học sinh đem đi, đánh đập khai thác người chủ mưu. Chị Hiệu đoàn trưởng học sinh Đỗ Hồng Phấn can đảm nhận hết trách nhiệm về mình để các bạn được thả ra. Sau đó chị dùng dao lame cứa đứt mạch máu cổ tay… Lấy máu viết lên tường khẩu hiệu phản đối thực dân Pháp và tố cáo sự tra tấn hành hạ học sinh. Tin đồn nữ sinh tự sát trong tù lan ra nhanh chóng gây sự phẫn nộ và xúc động trong học sinh và nhân dân thành phố. Học sinh đứng giữa lớp hỏi thầy cô giáo chuyện đó có không và phải làm gì? Thầy cô lẳng lặng quay đi, có người lấy khăn lau nước mắt. Học sinh các trường bỏ học túm tụm nhau nháo nhào tỏa đi thăm dò tin tức. Có tin đồn nữ sinh tự sát chết rồi! Nhà đương cục dấu diếm đưa xác xuống Viện Giải phẫu cạnh Viện Pasteur! Hư thực chưa biết thế nào nhưng học sinh thành phố xôn xao công phẫn. Đau và hận nhất là anh bạn Nguyễn Xuân Phát – một học sinh rất hăng hái tham gia phong trào và có cảm tình đặc biệt với Hồng Phấn từ lâu. Anh bàn với bạn bè lập kế hoạch đột nhập vào nhà xác tìm người bạn gái mến thân. Và táo bạo hơn là sẽ cướp xác! Chị An, chị Tâm nhiệt tình hưởng ứng. Lợi dụng lúc chập tối vắng vẻ, hai bạn gái đứng gác bên ngòai, thám tử Phát trèo tường đột nhập vào trong. Kiểm tra các xác nằm trên bàn không thấy, cu cậu liều lĩnh lộ diện nói khó với người gác xác được tận mắt xem mấy xác mới đang ngâm trong bể ướp formol. Mất một buổi tối ra công tìm kiếm, công tử si tình thất vọng ra về tưởng lòng ôm mối tình sầu muôn thuở.

Ngày hôm sau, báo Tia Sáng đăng tin nữ sinh Hồng Phấn được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện Phủ Dõan. Hầu như đại diện học sinh kháng chiến các trường đều cử đoàn đại biểu tới thăm. Phát ta quần áo bảnh bao mang hoa vào tặng bạn. Nghe đâu anh chàng có cài mẩu giấy nhỏ vào ruột một bông hoa. Nhưng nội dung nói gì đến nay vẫn còn là điều bí ẩn vì sau đó cô nàng bí mật trốn ra kháng chiến. Nguyễn Xuân Phát ở lại trong thành rồi theo gia đình vào Nam, rồi cũng mang áo lính quân đội quốc gia! Anh là con trai ông bác sỹ Nguyễn Xuân Chữ, trùm đảng Đại Việt – một tổ chức chống phá quyết liệt cách mạng Việt Nam. Khi quân Pháp chuẩn bị rút khỏi Hà Nội, đảng này còn âm mưu thành lập một trung đoàn quân tử thủ ngăn quân kháng chiến về Thủ đô nhưng việc không thành!

Bây giờ cả bốn nhân vật đồng thời ấy vẫn còn. Chị Hồng Phấn ở Hà Nội, chị An ở Sài Gòn, chị Tâm ở Canada, anh Phát ở Mỹ đã về thăm lại Hà Nội mấy lần. Bạn bè Chu Văn An cũ tiếp đón thân tình.

Anh Trịnh Văn Bảo là con trai duy nhất của cụ Phong Thịnh, ở cùng dãy phố nhà tôi, cách nhau chỉ mấy căn thôi. Chính anh là người đưa tôi tới phong trào. Tôi còn nhớ lần đầu tiên anh dặn tôi đến một hàng phở trên phố Thụy Khuê. Nếu có ai tới ngồi bên nói ra ám hiệu là một số đơn thì tôi nói thêm một con số hợp thành số chục trùng với số nhà anh: 47 (7… 4 hoặc 4… 7). Tôi thấy ly kỳ như trong trinh thám nên hăm hở lắm… Anh là người lớn tiếngtrước sân trường công khai kêu gọi học sinh bãi khóa và nêu ra yêu sách với nhà cầm quyền. Đội sếp tây xông vào bắt anh nhưng nhờ hai bạn Nguyễn Trung Đĩnh và Trần Hồi Loan đều có trong tổ chức Học sinh kháng chiến, nhanh trí vung cặp đập vào tay viên cảnh sát làm văng ra cây súng, học sinh xúm lại bảo vệ đánh tháo cho. Anh vọt ra phố, lẻn về trốn ở nhà thầy Hiệu trưởng Mai Phương rồi ra vùng hậu phương kháng chiến.

Khi bị bắt đi học sỹ quan, Đĩnh vọt ra vùng tự do, vào bộ đội trưởng thành sỹ quan cao xạ pháo và suốt đời đeo đuổi nghiệp binh. Loan không thoát được, thôi đành nhắm mắt đưa chân. Anh bảo: Đằng nào cũng là sỹ quan, chi bằng chọn trường sỹ quan Đà Lạt oai hơn. Học ba năm thay vì chỉ học một năm, lại có một năm cuối được hứa sẽ cho qua học ở Hoa Kỳ như một dịp được đi du lịch. Khi ra trường chưa chắc gì còn phải mang áo lính. Anh chọn ngành công binh, lỡ có phải hành quân cũng tránh trực diện với mũi tên hòn đạn. Nào ngờ cuộc đời đưa đẩy, người ta điều anh về Ban An ninh quân đội, đương nhiên là phải làm việc thường xuyên với CIA. Đường hoạn lộ từng bước vinh thăng, vừa thêm một bông mai nhận hàm đại tá thì tan tác chim muông! Chậm chân xính vính làm sao rớt lại? Với cấp hàm ấy lại ở ngạch ấy, bao giờ cũng là thâm trầm nguy hiểm nhất cho đối phương nào cũng vậy. Anh đi bóc lịch ở Sơn La dòng dã 14 năm. Tới khi được giải phóng thì trại giam cũng giải thể luôn! Anh cười khì:

- Nhất nhật tại tù – Thiên thu tại ngoại. Làm một phép tính số học thông thường 365 ngày x 14 năm x 1000 mùa lá vàng rơi thì ông Bành Tổ bị xếp ở hàng hậu duệ thứ bao nhiêu của mình?

Và anh thanh minh:

- Nhờ cái tính lếu tếu bơ đời ấy mà tôi sống được. Bao nhiêu thằng không gượng lên nổi là bởi vì không dẹp đi được những hận thù hoặc là vẩn vơ luyến tiếc cái quá khứ đã tan thành mây khói để rồi cứ sống trong hờn giận, nuối tiếc, u uất, bi quan, khắc khoải lo âu sợ sệt là không thể nào chịu nổi. Khi được giao việc chăn trâu bò thằng nào cũng sỹ diện kiếm cớ lảng ra, nhận việc tiều phu để được tự do tư tưởng. Đến nỗi khi ra tù có thằng vẫn nghĩ rằng Mỹ không thể nào thua Việt cộng, chẳng qua là có sự móc ngoặc ngầm (!) đâu đó nên đi xuất cảnh vẫn còn ôm mộng kê vàng! Tôi có sức bền là nhờ an phận mục đồng, không ngồi trên mình trâu, đội nón mê, phơ phất cành tre, mà tôi biết cách giả làm con nghé con bê… bú ghẹ! Thật ra những ngày đầu hết được cảm giác xót ruột cồn cào dai dẳng của cái đói thường xuyên túc trực nhưng sau một giấc ngủ say, đêm khuya chợt tỉnh, giật mình ngồi dậy quờ quoạng khắp người xem có… mọc lông không?! Nghĩ đến cùng thì mọi con vật sinh ra trên đời này đều phải bú vừa để sống vừa như một trò chơi. Coi như là mình trao đi vật chủ. Tuy thô vậy mà tinh! Ngày tôi ra đời trùng dịp vua Bảo Đại du học ở Pháp về. Cái sự hồi loan của ông vua lãng tử, bài bạc, điếm đàng, tán gia bại quốc ấy mà lại vận vào mình như dự báo một cuộc đời lên voi xuống chó… Về lại với đời thường, vợ đã không chờ mãi được, còn ít của hùn hạp kinh doanh thì duyên chẳng mặn, bồ cũ nhạt tình. Anh sống nhởn nhơ một mình. Vài lần về thăm Hà Nội cố hương, chẳng còn mấy ai biết đến chàng trai một thuở. Con cái ở Mỹ thành đạt thường về thăm cha. Anh bảo con có phận con, cha có phận cha, tôi bây giờ chỉ muốn sống yên, chẳng chọc ghẹo ai thì người ta động tới tôi để làm gì?

Cuộc đời ai cũng có góc khuất riêng, không nên dòm dỏ khơi gợi ra, chẳng mang lại tích sự gì. Bây giờ đất nước yên bình, không còn bị chia cắt nữa và đã là của người Việt Nam thật sự. Chuyện nhà nỗi lo không bao giờ hết. Suy ra chuyện đời cũng vậy. Cầu cho đại hồng phúc giang sơn cháu con mình hưởng.

Lâu lâu chúng tôi gặp nhau, kiểm lại bạn bè ngày càng thưa vắng, một chút bùi ngùi rồi qua chuyện phiếm, không quên những chuyện phố phường một thời trai trẻ, những bạn trai và gái, moi ra từng việc ngớ ngẩn hay từng cố tật của nhau để cùng cười ra nước mắt. Ngẫm lại sự đời như áng phù vân, qua được những nỗi thăng trầm là mừng cho nhau lắm, cảm hồi mấy câu thơ cổ: Than chi thế sự phù trầm /  Kìa xem vơ vẩn trên đầu… bạch vân!

Người đầu tiên tôi được giới thiệu đến tiếp xúc để nhận nhiệm vụ ngày ấy sau này mới biết là anh Tư Koóng tức anh Phạm Hướng – nguyên là thầy giáo dạy trường École Normale, quê ở Thanh Trì, sớm đi theo cách mạng. Anh là người đầu tiên được lãnh đạo thành phố giao việc phụ trách Phong trào thanh niên học sinh sinh viên Thủ đô. Cuối năm 1949, từ một vụ học sinh dụ dỗ ba lính lê dương đào ngũ chạy theo kháng chiến bị lộ. Giặc bắt một số trong đó có anh, đưa ra tòa. Anh nhận hết trách nhiệm về mình để gỡ tội cho anh em. Bị kết án tù chung thân đày ra Côn Đảo. Sau năm 1954, một số anh em tù Côn Đảo trở về thuật lại có gặp anh. Sau đó anh tham gia vượt đảo bằng thuyền. Gia đình và bạn bè hy vọng anh về được đất liền nhưng còn ở lại trong Nam tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, sau 1975 vẫn không có thông tin gì nữa. Có lẽ anh đã hy sinh trong chuyến vượt ngục ấy. Mấy năm trước, nhân dịp họp truyền thống kháng chiến Thủ đô, anh em đề nghị Nhà nước truy phong danh hiệu cao qúy Anh hùng lực lượng vũ trang cho anh Phạm Hướng nhưng không có hồi âm. Nghe nói “vướng” vì anh xuất thân gia đình địa chủ!

Theo ai chỉ vì miếng cơm manh áo khác nào phường giá áo túi cơm! Dám từ bỏ mọi cám dỗ vinh hoa đi theo cái đẹp của lẽ phải và tình người thì lúc nào cũng biết giữ gìn phẩm giá. Chẳng phải mất nhiều công để nhìn ra điều ấy.

Mấy thế hệ chúng tôi sống vào thời buổi thật trớ trêu, mỗi người một nghịch cảnh!

Ngày mới ký Hiệp định hòa bình, tôi đang học năm đầu của trường trung học Nguyễn Trãi ở phố Hàng Bài. Thầy Hiệu trưởng Đào Văn Trinh phong thái lúc nào cũng chuẩn mực mô phạm lắm. Lúc đầu ai cũng mừng. Nhưng rồi nhận ra sự thật oái oăm: Tôi trung không thờ hai chủ! Ai hiểu được lòng mình? Phận hàng thần lơ láo sẽ ra sao? Lòng những hoang mang trăn trở.

Qua 300 ngày tự do di chuyển đã báo hiệu những sự bất an mà cứ dùng dằng bởi nỗi lòng riêng riêng những kính yêu nhưng sống chung liệu có mãi chiều được nhau?

Nhà chỉ có cha tôi và người anh lớn chủ trì hai phái. Cha là trưởng tộc, không nỡ bỏ mồ mả ông bà, quê cha đất tổ mà đi. Nghĩ mình là người lương thiện, tay làm hàm nhai, đã hết thời tham phú với mộng công hầu, sống đâu chẳng được? Anh cả tôi vừa đậu tú tài mơ vào đại học. Trong khi hầu hết sinh viên và giáo sư đại học tây ta đều bỏ vào Nam. Kháng chiến về, cái chí theo đuổi đến cùng sự học liệu có thành? Chi bằng trước mắt cứ vào Nam, chịu khó vừa học vừa làm, cho qua hai năm nước nhà thống nhất. Anh đi rồi cha tôi ra vào thơ thẩn trong khi mẹ tôi suy sụp tinh thần. Cả người đi và người ở lại đều trong tâm trạng “cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần ra sao”?

Cha tôi thường nghiêm cẩn răn dạy các con: “Người ta sinh ra ở chốn làng quê thành người nhà quê, ở nơi phố phường thành người đô thị, sinh vào cửa nghèo thì khổ, cửa giàu thì sang. Thực ra ai cũng là người, chưa biết ai đã hơn ai. Mọi sự thành cứ có chí thì nên. Chớ vội kênh kiệu, khinh bạc người. Sa cơ lỡ vận, thuận gió gặp thời xuống chó lên voi thế sự thường tình. Của mấy ăn tiêu rồi cũng hết, chỉ cái đức thương người để mãi cho con cháu đời sau”.

Thế rồi bao nhiêu biến cố ào ạt đổ dồn vào gia đình tôi. Cha tôi thừa tự mấy mẫu ruộng ở quê, bấy lâu vẫn giao cho bà con họ hàng làng xóm cấy cày. Bây giờ bỗng thành địa chủ phát canh thu tô. Ruộng đất mất đi đã đành nhưng cái ách địa chủ quàng lên cổ cha, các con cũng chịu vạ lây! Anh tôi thành kẻ bỏ chạy vào Nam theo giặc, là cái tội bầy em phải gánh! Cha mẹ tôi điêu đứng và chúng tôi như bị đá đeo chân, chìm nghỉm dần đi trước những con mắt kỳ thị cay nghiệt của người đời!

Trước đây, trường Nguyễn Trãi thuần nhất là con em các gia đình sống trong thành phố, không kể giàu nghèo dù là quan quyền, viên chức, thương nhân, dân dã hay ông đội, ông cò. Khoảng 1956, khu học xá Nam Ninh bên Trung Quốc giải thể, một số khá đông con em cán bộ kháng chiến và miền Nam tập kết nhập vào, hình thành một tiểu khu học xá đặc biệt. Các bạn được ưu ái đào tạo thành cốt cán của nhà nước mới. Sau này không ít bạn trở thành trụ cột của chính quyền từ  tỉnh tới trung ương.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi không được vào đại học nhưng cũng không được học nghề. Làm thợ cũng cần phải có lý lịch trong sạch kẻo làm hoen ố giai cấp công nhân! Tôi tự cải tạo mình bằng cách tham gia tích cực những việc của phố phường. Được chiếu cố cho làm thanh niên cờ đỏ đã là điều vinh dự. Khi cần thì ra đứng đường giữ gìn trật tự nhất là vào các ngày lễ lộc, hô hào mọi người ra đường làm tổng vệ sinh, trong đó mình phải xăng xái làm gương, đốc thúc bà con đi dự các cuộc họp ở tổ ở phường và mình phải là người lo việc chuẩn bị và thu dọn. Nghĩa là làm những việc của thằng mõ làng thời xưa !

Chẳng lẽ cứ đeo mãi nghiệp chướng này, tôi xin vào làm tạp dịch trong các công trường thanh niên lúc đó như nghĩa trang Mai Dịch, hồ Bảy Mẫu, đường Thanh Niên. Điều làm tôi khổ tâm là ở đâu cũng gặp các bạn học thời phổ thông với mình nay đang là sinh viên các trường đại học đi tham gia lao động ngày thứ bảy cộng sản chủ nghĩa mỗi tuần. Tuổi trẻ nhiều sỹ diện. Gặp bạn cũ tôi thường tránh xa. Nếu bất ngờ đối diện, tôi quay mặt đi tảng lờ không thấy. Có đứa nào nhận ra gọi tên, tôi tái mặt đi ngượng ngạo ỡm ờ, không bao giờ nhìn thẳng vào người đối diện vì nghĩ rằng nó muốn trêu ngươi!

Không chịu nổi cảnh như là bị hắt hủi mà anh em ngày một lớn cứ quanh quẩn nhìn nhau, cha mẹ càng nẫu ruột, tôi thử làm cuộc đổi đời, theo mấy người cùng phố rủ đi làm công nhân nông trường chè mãi trên Đoan Hùng – Phú Thọ, xứ rừng cọ đồi chè hẳn không như người làm ruộng chân lấm tay bùn. Tôi từng xem điệu múa Hái chè bắt bướm đẹp qúa, lại được tới nơi “núi rừng âm u, bãi dài lau thưa, sóng vàng sông Lô, xóm làng mờ biếc một màu khói thu”… là nhẹ bước lên đường. Ở đây đằng đẵng một năm trời cùng với những tháng năm về sau, tôi nhận ra một điều là ở nước mình làm nghề nông khổ nhất! Cuộc sống vui ít buồn nhiều với những trăn trở về tương lai bất định, tôi dốc ra trên những trang nhật ký. Đây là chuyện đời riêng, người khác tình cờ bắt được cũng không nên tọc mạch và những dòng chữ ấy cũng như tôi chẳng có tội tình gì. Nhưng sao mọi người cố ý xa lánh như tôi mắc một bệnh lây nguy hiểm dù tôi chẳng là kẻ chây lười hoặc hay gây gổ mà anh em sống chung một đội, cùng làm một công việc, cùng ngủ chung trong một căn nhà lá tuềnh tòang mùa đông gió hun hút lạnh? Tôi càng thấy lẻ loi cô đơn và nghĩ đời mình thật là vô vị! Một buổi chiều, anh đội phó bảo tôi cùng đi ra xóm dân mua mấy thứ cần. Nhưng anh dắt tôi đi mãi trên con đường mòn dần tối, hỏi tôi nhiều chuyện gần xa rồi cuối cùng anh nói thẳng ra: “Anh biết em có nhiều tâm tư u ẩn thôi thúc lắm nhưng không nên viết nó ra để lọt vào tai mắt người khác. Ở chỗ đông người tứ xứ, xuất thân từ nhiều hòan cảnh khác nhau, làm sao có được sự thông cảm ở mọi người. Điều mình tưởng rằng khổ vẫn còn là điều ước của nhiều người khác, trong khi em lại là người thành phố, gia đình đặc biệt nên người ta nhìn em như người lạc hậu, thậm chí còn nặng nề hơn. Dù có hiểu em nhưng một mình anh không thể nào đỡ được! Anh không dám khuyên em trở về nhà vì mình đã lớn, phải tự lực. Có đội Thanh niên xung phong làm đường ở gần đây, anh quen với mấy người phụ trách, nếu em muốn anh có thể giới thiệu cho. Cơ sự là như thế, có cái gì níu chân ở lại đây đâu và tôi nhờ anh giúp.

Ở các công trường đường sắt, đường bộ trên những miền núi rừng heo hút người làm lúc nào cũng thiếu vì đây chỉ là chỗ tạm dừng chân mà người có văn hóa hết bậc trung học phổ thông như tôi lúc đó còn hiếm lắm. Được giao việc dạy bổ túc văn hóa cho công nhân cũng là hợp với sức mình. Tôi không ngại khó khăn, lăn vào công việc, không quản ngày nắng đêm mưa, xen giữa các ca, đến từng tổ lao động đưa cái chữ cho những người không may không được cắp sách tới trường. Dù chỉ là anh giáo tay ngang, tôi vẫn nhận được sự quý mến, tôn trọng và được kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động, rồi lại được cử đi học Đại học ngành Sư phạm. Học xong, tôi về dạy ở một trường Bổ túc văn hóa công nông.

Ở đời có những sự tình cờ ngẫu nhiên giải thóat cho mình lúc rối. Giữa tôi và anh ấy không có mối quan hệ gì đặc biệt vì tuổi anh hơn tôi cả con giáp, là đảng viên lại kiệm lời nên tôi ít gần và không hiểu mấy về anh. Bây giờ gặp lại chưa chắc tôi đã nhận ra vì ngay tên anh tôi cũng không nhớ nữa nhưng mỗi khi nghĩ tới anh tôi ghi nhận một điều là lòng tốt không chỉ dành cho những người thân.

Nhà tôi ở gần phố chợ Khâm Thiên. Hàng chục năm bố mẹ tôi không dám bén mảng về quê. Khi chuyện cũ nhạt rồi, vài năm một lần các cụ mới đáo về thắp hương trên mộ ông bà rồi vội vã đi. Ngày Mỹ đánh B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, tôi đang ở nơi sơ tán của trường. Cha mẹ tôi nhất định không chịu sơ tán về làng vì quê hương không còn là chỗ dựa tinh thần nữa, để đến nỗi bị vùi trong cả dãy phố nhà đổ nát! Anh em tôi tứ tán, lúc quay về không biết thi hài bố mẹ được đem đi chôn cất ở đâu?! Lúc sinh thời, cha  mẹ thường dạy bảo các con: “Đồng tiền bằng giấy, bằng kẽm mà nó có thần. Đến với người ngoan gây nên cơ nghiệp. Đến với kẻ gian lại làm sạt nghiệp!”. Khi thời thế đổi thay, điền sản không giữ được, các cụ chỉ buồn thói đời đen bạc chứ không vì tiếc của mất đi! Giờ thì anh em tôi mất sạch!

Một năm sau ngày giải phóng miền Nam, tôi vào Sài Gòn dò tìm anh tôi. Không nhớ được tâm trạng tôi lúc đó thế nào? Anh tôi học Đại học Y Khoa, ra trường làm bác sỹ quân y. Với cấp bậc trung tá, anh phải đi học tập trung ở trại Hàm Tân – Xuyên Mộc. Thấy tôi, bà chị dâu lúc đầu mừng lắm, nghĩ có chú em là “giáo sư” cách mạng ở ngòai Bắc chắc là to lắm, có thể bảo lãnh được cho anh. Nhưng khi thấy tôi bất lực, bà tỏ vẻ thờ ơ, lạnh nhạt, hình như bà cho rằng tôi cũng là một nguyên nhân khiến gia đình bà bỗng chốc mất đi tất cả! Các con bà tất nhiên cũng chẳng ưa gì những bà cô, ông chú trời ơi! Ông anh ở trại cải tạo bốn năm. Trở về, đưa vợ con xuất cảnh và người ra đi đầu không ngoảnh lại! Tôi ân hận vì ngày ấy không lên Trại thăm anh nên cũng chẳng thể trách anh không hiểu được những nỗi điêu đứng của bầy em.

Rồi tôi cưới vợ và xin chuyển về Hà Nội. Nơi đi sẵn sàng nhưng nơi đến thì không ai nhận. Thật tình thời đó người ta chưa biết ăn hối lộ đâu. Nhưng có lẽ do tôi đã không có thế thần lại không khéo sống, trong khi cái lý lịch như thế dù lúc đó có nhẹ đi rồi nhưng cũng không đáng để được ngó ngàng ưu ái vì xã hội đầy những người đáng được ưu tiên. Chúng tôi sinh con đầu, đời sống khó khăn lắm. Vốn là giáo viên dạy Lý, tôi xin vào làm thợ điện. Chỗ mát người ngồi chật cả rồi. Tôi được xếp vào đội thi công đường dây ngoại tuyến. Ngày ấy nghề điện cũng chưa biết làm tiền và cũng chưa đứa nào có gan ăn cắp vì có biển thủ dây dợ lằng nhằng cũng không tìm được mối nào tiêu thụ. Còng lưng dựng trụ, kéo dây bạc mặt ngồi đường mà vẫn đói dài. Lòng tự ái của thời mới lớn không còn nhưng làm sao để thóat cảnh này vì mình còn phải có trách nhiệm với vợ con. Tôi thật sự bi quan, bế tắc! Một lần Đội tôi vào thi công đường dây cho một Sở lớn. Tình cờ gặp thằng bạn học với nhau từ hồi tiểu học mà nó vẫn nhận ra vì tôi với nó cùng ngồi chung một bàn, có nhiều kỷ niệm nhớ đời. Bà giáo chúng tôi nghiêm lắm, đứa nào nghịch ngợm hoặc không thuộc bài, bà bắt đứng quay mặt vào tường, lấy cây thước lim dài bốn cạnh viền đồng quất vào đít. Một lần làm bài “luận” tả cánh đồng làng, tôi dùng cụm từ “cò bay thẳng cánh”, lại nhớ một thằng bạn từng sống ở quê ba Nam kỳ bảo: Người Nam thường nói “ngựa chạy cong đuôi” để tả quãng đường xa,  nghe thật lạ, tôi điền thêm câu đó vào, cứ tưởng là hay. Nào ngờ bà giáo nghĩ tôi có ý bậy bạ bắt đứng dậy đọc to lên trước lớp. Cả lớp cười ồ. Tôi cũng cười theo. Bà giận quá vẫy tay gọi lên bảng. Biết sẽ bị ăn đòn, nó giúi cho tôi mảnh mo cau thường trực giấu tít trong ngăn bàn để độn vào bên trong quần. Bà quất, nghe tiếng “bộp”, tôi giả vờ la tóang lên mà lại bật cười rúc rích. Bà phát hiện truy ra hai thằng nghịch tử, bắt cả hai đứa đứng quay mặt vào bảng, cho thằng lớp trưởng lên cầm thước quất mỗi đứa mấy cái quắn đít. Đau quá, nó khóc rống lên và tè ngay tại chỗ! Cả lớp được một mẻ cười trong khi bà giáo bỏ đi ra ngoài. Thằng lớp trưởng sau này là phi công lái MIG, đánh nhau trên trời, bị rơi xuống rừng không tìm thấy cả xác người lẫn xác máy bay! Thằng bạn bây giờ làm Chánh văn phòng Sở. Tôi cũng không muốn làm thân vì mỗi đứa lúc này một thế khác rồi. Nhưng nó ngày nào cũng chủ động tìm gặp, vồn vã săn đón lắm, rủ tôi đi uống bia hơi, dĩ nhiên là nó trả tiền. Xong việc, nó tìm đến nhà và nhận tôi về làm phụ tá trông coi về điện cho Sở nó. Rồi nó bố trí cho tôi đi học tại chức. Khi có bằng kỹ sư là lúc bắt đầu mở cửa, nền kinh tế thị trường bung ra mạnh lắm, tôi xin nghỉ việc ra ngòai… đi buôn! Lúc đầu cũng phơi mặt ra ở các chợ trời, sau dần có vốn kinh doanh. Người xưa dạy trong xã hội khi nào cả bốn thứ dân Sỹ–Công–Nông–Thương được yên thì nước mới mạnh. Khi những điều Lễ–Nghĩa–Liêm–Sỉ được trọng thì xã hội mới yên. Sự thành công của mỗi người dù thuộc vào thiên ý nhưng mỗi cá nhân phải biết chuẩn bị cho mình để xứng với ơn Trời!

Hay dở mỗi thời một khác. Họa phúc ở Trời. Cứ ôm ấp tâm niệm rằng: Nó mắng chửi tôi! Nó nhục mạ tôi! Nó hành hạ tôi! Nó chiếm đoạt của tôi!… Thì óan hận không bao giờ hết. Hận thù không dập tắt được hận thù… Phật dạy sống tâm vô lượng – dĩ ân báo óan mới giải thoát được cho mình. Khuấy đục lên chum nước đã lắng cặn rồi, mình vẫn phải dùng. Coi như Trời thử sức mình. Suốt đời tôi chẳng hại ai, cuối đời thanh thản

Lúc đất nước còn chia cắt, nhiều lần tôi qua khu chợ Hàng Da, cái tên cửa hiệu Nhà thuốc tân dược VŨ THỊ SỬU chữ nổi vẫn còn dù bị phủ lên nhiều rêu mốc. Có lần tôi dừng lại trước cửa, chẳng để làm gì, bần thần một lúc rồi đi. Dấu tích còn đây mà người xưa đâu tá?! Chị thuộc lứa anh chị lớn của tôi. Ngày nước nhà mới độc lập, Tây dựa vào Đồng minh đánh chiếm lại Nam bộ, nghe nói chị xung phong Nam tiến, sau rồi không hiểu sao chị lại về thành? Tuy nhiên tôi vẫn tin tưởng, lấy đó làm cơ sở và được chị che chở tận tình. Ngòai việc bán buôn, chị rất khéo tay nấu nướng và nhờ đó tôi mau lại sức, chỉ việc ăn và lo công việc. Đến nay chị vẫn sống độc thân và dù lớn tuổi nhưng rất chăm sự học. Với tôi lúc nào chị cũng ân cần rộng lượng bao dung và tuyệt nhiên không bao giờ chị kể ra những việc đã làm nên tôi cũng không hiểu chị có mối quan hệ thế nào với kháng chiến nhưng không dám hỏi vì chúng tôi vẫn quen nếp cũ không ai tò mò tọc mạch công việc của nhau dù là thật bụng tôi rất muốn biết chị có tác động gì tới ông anh cả Vũ Văn Mẫu trong những hoạt động xã hội ở miền Nam trước ngày giải phóng? Người học vấn như ông mà giữ trọn nghiệp thầy thì thật là đáng quý!

Hai bà mẹ tôi và mẹ chị quen nhau từ lâu. Mẹ tôi thường kể cho các con như một tấm gương: “Cùng trong vận nước mà mỗi nhà một phận. Hà thành mình có bà Phúc Thái. Dưới cảng Phòng có bà Cát Hanh Long. Đều là góa phụ mà đảm đang tần tảo, một tay gây dựng cơ đồ đình đám, nuôi con thành đạt. Bỗng dưng một bà mất cả của lẫn người. Một bà thì tha phương tứ tán. Mất của còn có cơ tạo dựng lại được chứ mất người thì vô phương” !

Cụ Phúc Thái quê ở Ứng Hòa, Hà Đông nhưng hai cụ sớm bỏ nghề nông, lên Hà thành phát triển nghề thêu. Cụ ông mất sớm, cụ bà không biết chữ mà đảm đang, buôn bán và dạy con đều giỏi. Người Hà nội xưa kể lại ngày vua Bảo Đại hồi loan, ra kinh lý Hà thành, con đường dọc phố Hàng Nón trải thảm đỏ rực, hương án bày trước mỗi nhà, rước ngài ngự thăm cửa hàng thêu nổi tiếng ở nhà số 24. Mấy người con trai đều được cho qua Pháp học, đỗ đạt thành danh cả.

Năm 1950, giữa lúc chiến sự đang ngả chiều sang kháng chiến, ông con trai út Vũ Như Canh nhận bằng Tiến sỹ vật lý quốc gia xuất sắc của trường Đại học Montpellier danh giá đã bỏ lại cái ghế giáo sư đại học ở Paris trở về Hà Nội trước sự ngạc nhiên của bà con họ tộc bạn bè. Ngày Pháp thua liểng xiểng ở Điện Biên Phủ nhấp nhổm bỏ miền Bắc chạy vào Nam, và khi cả gia đình di cư vào Sài Gòn đi thì ông Tiến sỹ Vật lý Vũ Như Canh nặng lòng với kháng chiến, khăng khăng ở lại. Có người khuyên cộng sản khó lắm, “dân tây” không chịu nổi đâu! Nhưng ông cười bảo: Ông Nguyễn Ái Quốc cũng “dân tây”! Vả khó chi bằng cụ Phúc Thái nhà tôi? – Thân mẫu ông nghiêm huấn lắm. Không hiểu ông giáo sư đã phải chịu những gì nhưng tôi được biết một số chuyện quanh ông. Các bạn sinh viên Khoa Vật lý trường Đại học Sư phạm hồi ấy đều nhớ mãi ông thầy dáng dấp trí thức, đẹp người tốt tính, miệng không cười mà tươi roi rói, cao sang và đôi mắt sâu thẳm vừa lơ đãng vừa chăm chú, đặc biệt hấp dẫn bởi những giờ giảng “chay” không giáo án giáo trình. Ông thường ngồi trên bục quay mặt vào bảng tay viết miên man, miệng nói thao thao không thừa một lời, không trùng một ý. Tuy nhiên ngòai chuyên môn học thuật ra ông không bàn luận gì về chuyện nhân tình thế sự trong khi xã hội ví nhà trường như một khuôn máy cái sản xuất ra những cỗ máy con để cho ra nhiều sản phẩm là những con người vừa hồng vừa chuyên. Ông nói chuyện thoải mái theo phong cách tây “toa”, “moa” với mọi người. Có lúc ông buột miệng gọi “Frère Hồ”. Người nghe tái mặt. Bà Hoàng Thị Thế (con cụ Hoàng Hoa Thám cũng dân tây) thì cứ oang oang ngay cả ở chỗ đông người. Ông giải thích: Trong từ ngữ Pháp thì “Frère” (Anh) mới thật là thân thiết. Cũng như người Inđônêxia có từ “Bung” (người anh lớn). “Bung Hồ” cũng như “Bung Cácnô”, là người anh rất đáng quý trọng. Một thời ông như người lạc lõng chơi vơi giữa biển!

Vào những năm khó khăn, một hôm tôi tới thăm một người bạn, tình cờ bạn chỉ vào tấm bình phong khung được giát khảm bằng cẩm thạch, khoe nó vốn là của giáo sư Tiến sỹ Vũ Như Canh! Ngày đó không hiếm gì những nhà trí thức ôm cuốn sách thật dày đi dạo chợ trời và năn nỉ người mua. Thời gạo châu củi quế thì cổ vật cũng như là vật cổ! Bạn tôi không giàu, có chút tiền, thấy vật lạ là mua, để che chắn cho căn phòng tuyềnh tòang đỡ ngọn gió lạ chứ không có mục đích để trưng ra. Lúc ấy tôi cũng chỉ nghĩ qua loa về vật gia bảo của một gia đình danh tiếng. Bây giờ không biết bạn tôi với vật báu kia phiêu diêu nơi nào?! Khi nước nhà thống nhất, ông giáo sư vào sống ở Sài Gòn. Đôi lần tới thăm chị Sửu, tôi có gặp ông. Hai anh em ông đều qua ngưỡng tuổi đại thọ bát tuần rồi mà vẫn hồng hào, tươi vui, tỉnh táo tuy ông khá nặng tai, giao lưu bằng cách bút đàm. Có nhắc lại chuyện xưa nhưng là chuyện tình, chuyện nghĩa chứ chuyện đời đã sang trang. Dù sao tôi phân vân mãi một điều: Những người như anh chị muốn qua Pháp thì dễ quá mà sống vẫn đàng hòang. Vậy có cái chi giàng buộc? Tôi tự hỏi sống hướng thiệnkhoan thứ có phải là cốt cách của kẻ sỹ đất Hà thành? Người Paris mỗi khi đi qua điện Panthéon – nơi an nghỉ vĩnh hằng những người con vĩ đại của nước Pháp hẳn vẫn còn nghe lời của Victor Hugo nhắn lại: Đức tính cao thượng nhất của con người là lòng khoan dung!

Ông là thầy của nhiều thế hệ thầy và của nhiều nhà khoa học danh tiếng nước ta. Đến thời đổi mới dù đã về hưu ông cũng được phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo nhân dân” và thọ đến tuổi 95.

Trong khi người anh rể cả của ông là giáo sư của một trường trung học lớn, cũng là thầy tôi, số phận lại hẩm hiu nghiệt ngã. Ngày đầu kháng chiến, cả gia đình chạy tản cư về quê ngoại ở Ứng Hòa. Khi giặc càn tới làm những điều trái tai gai mắt, bà vợ ông chửi vỗ mặt. Giá như bà chửi bằng tiếng Việt có khi nó lại cười. Nhưng bà chửi bằng tiếng Pháp, nó đáp lại bằng loạt đạn liên thanh để biết thế nào là “tự do, bình đẳng, bác ái” của lũ lính lê dương! Ông chồng đã chẳng chịu theo chân lũ người cướp nước, tay sai nhưng ở lại với chính thể mới mà không biết thân hàng thần, thờ hai chủ để bỏ đi cái tật “ngang cành bứa” tất là mang họa. Năm 1960 ông bị đưa ra tòa kết cho cái tội gọi là “phản ứng giai cấp”! Hết hạn ba năm ở tù về nhà làm phu đội than công nhật ở Nhà máy điện kiếm cơm! Chả biết cái thằng giai cấp kia đã chịu đầu hàng chưa nhưng ông đã thành người an phận! Con gái ông là cô giáo dạy học ở ngoại thành, một hôm đang đứng lớp thì máy bay Mỹ tới thả bom đúng trường, cô và trò chết thảm! Đương nhiên gia đình ông được nhận tấm bằng “Tổ quốc ghi công”! Ông thành cha liệt sỹ và cựu nhà giáo chết lặng lẽ âm thầm ở tuổi bảy mươi lúc đất nước còn nặng nề u ám! Đứa con trai lớn của ông là bạn học với tôi. Tính nó lại rất hiền. Lớn lên trong bối cảnh ấy tất nhiên chẳng thể vào Đại học. Nó chấp nhận cái thân anh giáo cấp II “quèn”, cặm cụi với nghề gõ đầu trẻ vùng quê. Trời bù cho nó hai đứa con trai qua được thời khắc nghiệt, học hành đến chốn đến nơi, nghề nghiệp vững vàng, vi vu đây đó. Cuối đời nó sống nhàn hạ ung dung. Tình bạn bè cố cựu vui vẻ vô tư. Quả là sông có khúc, người ta có lúc!

Sau ngày thống nhất đất nước, tôi định cư ở Sài Gòn và quen biết mấy anh em trí thức thiện cảm với kháng chiến. Phần lớn xuất thân từ gia đình giàu nhưng có truyền thống yêu nước. Dù đi du học tây về nhưng vẫn hướng về nguồn cội, hoặc là giúp đỡ về vật chất, hoặc làm cơ sở cho cán bộ ở chiến khu về. Ngày giải phóng Sài Gòn anh em phấn khởi lắm và rất mong muốn được góp phần tái thiết đất nước. Tuy nhiên hoàn cảnh xã hội lúc ấy không thể làm gì được. Họ thấy tương lai mờ mịt quá, buộc lòng phải ra đi. Ra nước ngoài, một số làm việc cho các cơ quan phát triển kinh tế của Liên hiệp quốc ở các nước châu Phi, họ vẫn dành một phần tâm trí nghĩ về đất nước. Sau thời gian dài trở về thăm quê hương, thấy đất nước thay da đổi thịt lòng anh em cũng thấy mừng và chia sẻ với những bê bối khó khăn hiện hữu. Trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, chỉ Trung Quốc mới có tầm và có lực thực hiện “một đất nước hai chế độ” khi thu hồi lại Hồng Kông và Ma Cao dù hạ hồi chưa biết sẽ là sao! Thế mà nhiều người anh hùng trong mắt chúng tôi thời ấy bây giờ lại ân hận với sự nghiệp chính đáng của mình?!

Cuộc sống lúc nào cũng có những điều khó hiểu. Thật sự là có những người được Nhà nước mới ưu ái mọi điều mà lại giở đủ trò, xoay đủ cách, nặn óc dàn bài dối trá lừa lọc, bôi đen quá khứ, thậm chí quay lưng lại với tổ quốc mình chỉ để được qua sống ở những miền họ coi là đất hứa! Trong khi có một bộ phận giới trẻ ở đó lại rủ nhau tìm cách thay đổi trật tự thế giới này?! Có đúng như người ta nói từ thỏa mãn vật chất con người càng mất ý nghĩa sống và trở nên bế tắc? Quả thật mỗi nơi có vấn đề xã hội đặc thù. Thích nghi được không là điều dễ, kẻo sẽ chẳng giống ai giữa những người xa lạ!

Đi một ngày đàng học một sàng khôn, tôi hiểu thêm ra là người Mỹ yêu nước tới mức cực đoan, không ngại trà đạp lên những giá trị gì không giống Mỹ nên dễ làm điều ác. Nhưng họ không giấu giếm sai lầm, phanh phui nó ra và quyết liệt rũ bỏ đi nên họ thấy sai là sửa được, không để dây dưa. Ở thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, người Mỹ da đen không được học chung lớp với người da trắng, không được ngồi trên xe bus với người da trắng. Nhưng bây giờ người da đen không còn là tốt đen nữa. Đã đến lúc người da trắng hiểu ra Black power (quyền của người da đen) là gì. Từ hạng tiểu tốt, người da đen đã có những đại diện quyền lực hàng đâù của nước Mỹ! Người Hợp chúng quốc luôn biết làm mới mình để có sức hấp dẫn tự nhiên. Bình đẳng với họ là sự tôn trọng giá trị của nhau chớ không phải là sự ưu tiên nhiều khi thành hài hước! Họ không lo chuyện ném chuột vỡ bình mà lo không để cái bình ấy thành ổ chuột! Dù sao thì văn hóa mỗi dân tộc đều có những nét riêng chẳng dễ vận vào mình.

Những người từng gửi nắm nhau cuống rốn nơi mảnh đất quê hương thóang nhói lên trong lòng nỗi nhớ vẩn vơ. Thiên thượng hà vân ảnh / Du tử hà thời quy (Mây trời bay đi đâu / Du tử lúc nào về) ?! Làm sao quên được vị chua của quả cà muối, vị ngọt của ngọn rau muống chấm tương thêm mát lòng với bát canh giầm sấu, vị cay hít hà của hạt tiêu nguyên hột lẫn với vị béo ngầy ngậy của con cá rô, cá kèo kho tộ và vị thơm của chén mắm rươi. Đến thế hệ thứ hai, thứ ba… cách nghĩ, cách nhìn về cố hương sẽ khác. Nhưng dù là ai hẳn vẫn mong một sự yên bình cho xứ sở.

Khi tôi được sinh ra, bố mẹ đã là một nhà buôn lớn ở phố Hàng Đào. Không có gì hãnh diện để khoe. Chẳng qua là một kế sinh nhai. Lớn lên, tôi theo các anh Vệ quốc quân đi kháng chiến. Cũng không có gì kiêu hãnh với đời vì giặc vào nhà đàn bà phải đánh huống chi mang tiếng nam nhi. Tôi may mắn vượt qua nửa thế kỷ chiến tranh trong chặng đường đời ba phần tư thế kỷ. Thuở thiếu thời học thơ cụ Nguyễn Công Trứ: Đã sinh ra đứng trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông mà lòng nôn nao. Kể ra chí trai không thẹn nhưng suy cho cùng nhân sinh tự cổ mấy người theo được cụ?! Thôi đành hài lòng với những việc mình làm và những gì mình có. Tuy danh phận chẳng là gì và tâm tư còn nhiều trăn trở nhưng lòng thanh thản, sống theo lời dạy của tiền nhân: Tri túc tâm thường lạc / Vô cầu phẩm tự cao.

Mỗi lần qua phố cũ, dội lên những kỷ niệm trái ngược nhau lẫn lộn: Một thời ấu thơ và niên thiếu ấm áp ngọt ngào. Những ngày phố phường dập dìu kẻ bán người mua mà vẫn âm ỷ lòng phản kháng và ấp ủ một niềm tin. Những ngày phố xá tiêu điều, người người ngơ ngẩn, tất bật lo miếng ăn từng ngày, cuộc sống từng giờ. Trước những điều ngang trái, chẳng a tòng với lũ nói theo nhưng cũng đành ngậm miệng. Con đường này, những mái nhà này là chứng nhân một sự đổi thay đau đớn! Bây giờ phố phường rộn rã tấp nập hơn xưa nhiều nhưng chủ nhân của những cửa hàng cửa hiệu kia đều là những người xa lạ! Tôi chạnh lòng nhớ thương cha mẹ, nhớ thương lớp người muôn năm cũ lương thiện tâm huyết mà sống vào thời buổi nhiễu nhương. Cũng là buôn to bán lớn mà lúc này bị coi là kẻ ăn bám, bóc lột cần lên án và cải tạo, chịu bao điều điêu đứng; lúc nọ được gọi là… doanh nhân thành đạt góp phần to lớn cho sự hồi sinh của đất nước nhưng trước hết là những kẻ thức thời?! Những doanh nhân, chủ trại thời mở cửa giàu sụ lên nhanh lắm, không biết bằng cách nào và của cải không biết nguồn gốc từ đâu mà không bị ai hạch hỏi tra xét truy nguyên, lại còn được tung hô! Ngày xưa kẻ thừa cơ phất lên như diều gặp gió gọi là giàu sổi, không ai trọng cả. Một ông nhà văn kịp mở ra cái dịch vụ gọi là văn hóa doanh nhân và phồng mang thổi họ lên thành dũng sỹ đi buôn! Bây giờ buôn bán nước bọt mà dễ kiếm được tiền, xoay được ghế. Dũng sỹ là danh hiệu cao qúy dành cho những người quả cảm xả thân vô tư vì nghĩa lớn. Với thương nhân, chỉ kẻ điên mới chịu hao của mất người để vơ vào điều chẳng lợi lộc gì. Dù làm việc thiện cũng là mong thu về “một vốn bốn lời”! Từ xưa, ông bà ta đã dạy rồi: Buôn ngay bán thẳng là đạo đức, là văn hóa truyền thống của những người bán buôn lương thiện. Chẳng cần phải nghe tán dóc! Nghề nào cũng có hai mặt cả. Thiện căn ở tại lòng ta. Nhân quả nhãn tiền, chẳng là điều ngạc nhiên một ngày nào thấy ông nhà văn thân hình rũ rượi, bộ mặt vô hồn, mắt ướt kèm nhèm, miệng méo xệch khóc tu tu không còn chút “sỹ” giữa đám đông người khi chữ ông không còn nghĩa nữa!

Đường đời muôn nẻo. Không ai định trước được đời mình. Nhưng khi đã thành thân, mỗi người tòan quyền tự chọn một hướng đi tới đích của mình mà không dẫm đạp lên nhau! Tự xây cho mình một tổ ấm – ở đâu là bởi cơ trời. Tự đến với một niềm tin cũng như tín ngưỡng lòng mình nhẹ nhõm. Nhưng ai cũng chỉ có một quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn của mình, là nơi giữ mãi những kỷ niệm buồn vui một thuở, là nơi thiêng liêng nương bóng các tiền nhân. Quê hương mãi nặng trong lòng, không thể nào quên. Tôi cũng nhiều lần day dứt nhưng không bỏ được. Nhà thơ Nga Êxênhin trong giây phút bức xúc không chế ngự nổi mình mà quyên sinh nhưng ông không chối bỏ tổ quốc của mình. Tôi cùng một ý như ông :

      Nếu một ngày thiên thần lên tiếng gọi :

      Bỏ quê hương lên sống ở… Thiên đường .

      Quê hương ơi… Làm sao tôi bỏ được ?                          Giận nghìn lần… nhưng thương vẫn cứ thương!

 

(đón đọc Chương 10: HOA NGỌC HÀ)

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_HNBDh.php

11-Nov-2017

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học