HÀ NỘI BỂ DÂU

- truyện ký -

BS Nguyễn Văn Thịnh

TIẾNG HÁT TUỔI HAI MƯƠI

Nếu là chim tôi sẽ là lòai bồ câu trắng

Nếu là hoa tôi sẽ là một đoá hướng dương

Nếu là mây tôi sẽ là một dòng mây ấm

Là người tôi thà chết cho quê hương

Trương Quốc Khánh

Nhà tôi ở phố Phó Đức Chính sát bên bờ sông Cái, ngay cửa vào của ô Yên Phụ. Cả một khu phố đêm ngày tắm trong bụi than từ nhà máy điện phả ra dòng dã mấy chục năm trời. Nhiều hộ nghèo ven hồ Trúc Bạch lấy bùn từ dưới lòng hồ lên, phơi khô, nặn thành những cục than quả bàng thay củi. Vậy mà con gái phố tôi vẫn trắng đẹp nõn nà.

Ngày cách mạng tháng Tám vui lắm. Lúc ấy tôi 17 tuổi, vừa hết thành chung, tôi xung phong vào Đội văn nghệ tuyên truyền. “Ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng” mà đám trẻ chúng tôi cứ nôn nao náo nức như ngày nào cũng có hội hè. Cha tôi là ông quan tri phủ, về vườn từ dạo Nhật đảo chính Tây, gặp lúc thời buổi rối ren tây – tàu – quốc gia – cộng sản – độc lập – liên hiệp… rối tinh rối mù lên, lại vốn ghét loại xướng ca, bảo mãi con không chăm vào sự học, cụ đập nát cây đàn violon vào thời đó không dễ có tiền mua được. Nhưng tôi có khiếu âm nhạc, không có đàn nhị thì tôi chơi đàn thùng hay là thổi các loại kèn, hát xướng.

Pháo đài Láng, nơi bắn phát pháo lệnh mở đầu Toàn quốc kháng chiến ẢNH TƯ LIỆU - NGUỒN TẠP CHÍ LỊCH SỬ QUÂN SỰ 11.2016

Khi tòan quốc kháng chiến, tôi gia nhập Đội văn nghệ tuyên truyền Liên khu Ba. Ngày Trung đoàn Thủ đô rời kinh thành bốc cháy ra đi, trên bến Chèm nhìn qua đất Phúc Yên, chúng tôi hát mừng chào đón các anh Vệ quốc quân cảm tử cho tổ quốc quyết sinh, rút lui mà như người chiến thắng trở về.Nhạc sỹ Lương Ngọc Trác ôm theo hai cây đàn violon đã tặng lại cho tôi một cây. Như chàng hiệp sỹ Don Quichote tay giáo tay khiên, tôi theo đoàn tung hòanh ngang dọc, vào biểu diễn mãi trong Liên khu Bốn.

Năm 1948, một hôm ra chợ tình cờ gặp bà bạn của mẹ tôi cùng ở chung một phố, ra vùng tự do đón gọi con về. Cơn nhớ nhà, nhớ Hà Nội nổi lên, sẵn người đưa đường dẫn lối và có bạn đồng hành, thuận chân tôi theo luôn vào thành, nghĩ rằng về nhà chơi ít ngày rồi lại tìm đường ra, chẳng có điều gì quan trọng cả. Dạo ấy, người đổ vào thành công khai đi theo các ngả, cả hai bên tuy có kiểm tra nhưng không làm điều gì gay gắt. Tôi đột ngột trở về trước sự ngạc nhiên của cả nhà. Cha tôi nghi tôi được đánh lộn xòng vào. Tôi nói thật. Cụ bảo:

- Cái máu giang hồ lãng tử bốc đồng mau vui chóng chán thất thường của mấy đứa đàn địch xướng ca dễ mang vạ vào mình. Bây giờ mày có trở ra ai thèm nhận?

Tôi hiểu ra thì hối không kịp nữa. Tôi xin vào trường Chu Văn An tiếp tục học năm đầu của hệ Đệ nhất cấp. Thương con, mẹ tôi lại mua cho cây đàn violon làm bạn. Tôi tích cực tham gia các phong trào học sinh trong trường nên dần được anh em tin tưởng kết nạp làm đoàn viên của tổ chức Học sinh kháng chiến thành. Một hôm anh Tư Koóng – người phụ trách phong trào học sinh, sinh viên thành chủ động gặp, khuyến khích tôi:

- Em hãy phát huy khả năng văn nghệ vốn có đóng góp cho phong trào thanh niên học sinh không chỉ của trường mà cho cả thành phố nữa.

Tôi không từ chối việc gì khi đoàn thể yêu cầu.         

Ở tuổi đôi mươi, lời ca tiếng đàn vừa thay lời tự sự vừa như tiếng gọi bầy, đặc biệt với học sinh, sinh viên. Ban phụ trách luôn chú ý xây dựng phong trào văn nghệ hội đoàn bạn trẻ và qua lời ca tiếng hát khơi gợi tinh thần yêu nước, ý chí quật cường trong truyền thống chống xâm lăng của ông cha ta.

Anh chị em học sinh Hà Nội lứa tuổi chúng tôi ngày ấy đến nay dù đang ở phân tán nhiều nơi trong nước hay ở nước ngòai vẫn nhớ hai buổi văn nghệ để lại cho mỗi người những ấn tượng vô cùng sâu sắc. 

Năm tôi học tú tài đôi, vào một ngày chủ nhật, tổ chức học sinh phối hợp với giới chức tôn giáo và phụ nữ thủ đô thành lập Tổ chức úy lạo nạn nhân chiến tranh, xin phép nhà cầm quyền cho được vào những nơi giam giữ để thăm hỏi úy lạo tinh thần là chủ yếu. Thực ra tổ chức này mang tính ô hợp, tốt xấu lẫn lộn. Một số phần tử cơ hội muốn lợi dụng dịp này để phô trương thanh thế tranh giành ảnh hưởng phục vụ ý đồ riêng của họ. Như linh mục Bửu Dưỡng dòng Dominicain, mặc áo chùng tu trắng thường nhân các dịp này cho người tác động tinh thần lung lạc ý chí một số anh chị em còn non yếu, lôi kéo họ quay lưng lại với kháng chiến, thậm chí biến họ thành tín đồ của đạo.

Sau này vào miền Nam, vị linh mục này vẫn tích cực hợp tác với các triều đại cầm quyền, phục vụ lợi ích ngoại bang. Những người bị giặc giam giữ trong các nhà tù Hoả Lò, Nhà Tiền, Hàng Vôi, sân bay Bạch Mai… cũng rất đa dạng, lẫn lộn các chiến sỹ vệ quốc quân, du kích, dân quân, cán bộ hoạt động trong các vùng địch chiếm và không ít thường dân bị chúng nghi ngờ trong các cuộc càn quét vây ráp từ thành thị đến nông thôn. Có người cứng cỏi kiên cường. Có người mềm yếu dễ xiêu lòng. Không ít người nghĩ đoàn là một tổ chức phản động nhằm mục đích mua chuộc, chia rẽ nội bộ ta nên có thái độ hằn học, bất hợp tác, thậm chí còn hô khẩu hiệu “Đả đảo lũ tay sai thực dân bán nước”! Tuy nhiên đoàn đến đâu có nghĩa là nơi giam cầm những người yêu nước đã được công khai biết đến thì sự đối xử dã man tùy tiện của bọn cai ngục cũng bị hạn chế phần nào.

Khi đoàn qua sân bay Bạch Mai, dấu tích cuộc tiến công của quân kháng chiến bí mật theo hệ thống cống ngầm tiến vào đốt hàng vạn lít xăng chỉ còn trơ những chiếc bồn cháy dở, phá hủy hàng chục máy bay còn nằm phơi xác đó và trên khuôn mặt tím bầm của những người tù bị đánh trả thù. Cảm giác vừa thương vừa giận dấm dứt trong lòng. Khi quay ra, qua một bãi trống với những nấm đất cũ mới nám khói nằm lộn xộn – đó là nơi vùi thây những chiến sỹ và đồng bào bị địch hành hạ trong lao tù cho đến chết. Tôi tiến đến gần những nấm mồ đứng lặng, xúc cảm nâng cây đàn violon cử lên bài Hồn tử sỹ. Cả đoàn tự động dàn hàng ngang cùng đứng bên tôi cúi đầu kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những người yêu nước. Trong giá rét căm căm, gió đông vi vút, tiếng đàn rền rĩ nỉ non thay tiếng lòng khóc thương những người nằm đó. Nhiều người nước mắt rơi lã chã .

Đoàn chúng tôi đi lên trại giam Nhà Tiền (sau này là nhà máy in Tiến Bộ). Thời đó vùng này còn hoang vắng lắm, ở ngoại thành rồi. Sau khi trình giấy tờ hợp lệ với viên trưởng  trại, chúng tôi nối đuôi nhau mang qùa bánh qua trước mặt tên lính gác để vào trong. Mới qua khỏi một bức tường đã thấy không khí tù đầy chết chóc lảng vảng khắp nơi. Mùi hơi người nặng nề nồng nặc xộc lên. Chúng tôi tưởng tượng ra không khí mệt mỏi, chết chóc, nghi ngờ, sợ sệt, thờ ơ chờ đón mình. Nhưng mọi điều trái ngược hẳn. Trong khuôn viên một cái sân nhỏ có rào kẽm gai bao quanh, nhiều người tù đã đứng túm tụm nhìn chúng tôi với vẻ vừa dò ý vừa muốn thử thách. Vị giáo trưởng vừa nói mấy câu về mục đích của đoàn thì một người tù lớn tiếng như thách đố:

- Đánh được Bài ca chiến sỹ Việt Nam không?

Tiếp theo là nhiều tiếng vỗ tay hưởng ứng. 

Mấy anh em chơi đàn hơi lúng túng vì bài này không trong chương trình chuẩn bị. Nhưng ở lứa tuổi chúng tôi lúc đó, mấy bài ca tháng Tám hào hứng khí thế mấy ai không biết. Anh Phạm Đức, người chỉ huy của ban nhạc hợp thành vội vã lèo tèo có mấy đứa thôi, đưa mắt nhìn tôi. Rất tự tin, cùng lúc anh búng vào cây đàn guitar, tôi nâng đàn lên tỳ trên vai… Tức thì phát ra những âm điệu hào hùng quen thuộc… Mọi người nhìn theo tay đàn của tôi miệng lẩm nhẩm hát theo “Bao chiến sỹ anh hùng / Lạnh lùng vung gươm ra sa trường / Quân xung phong nước Nam đang chờ mong tay ngươi / Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời”… Tiếng hát to và mạnh dần lên như lời thúc giục càng tiếp thêm khí thế. Những người tù và những người đến thăm họ đều đứng sát vào nhau nghiêng ngả theo tiếng nhạc lời ca. Khi bài hát kết thúc với câu: “Việt Nam… tranh đấu… chống quân ngoại xâm” thì mọi người như bừng tỉnh nhìn nhau tin tưởng. Không khí trộn rộn hẳn lên. Có nhiều tiếng hô to cùng một lúc :

- Diệt phát xít… Diệt phát xít đi !

Đó là đề một bài hát mà cũng là khẩu hiệu tiến công. Không chần chừ, anh Đông búng mạnh dây guitar bắt giọng. Mọi người đồng thanh hát rất to: “Việt Nam bao năm dòng rên xiết lầm than / Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang”… Bài hát vừa tố cáo tội ác của giặc vừa thôi thúc đồng bào chiến sỹ mạnh bước tiến lên: “Lòai phát xít cướp thóc lúa cướp đời sống dân mình / Nào nhà tù nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình / Đồng bào tuốt gươm vùng lên / Đã đến ngày trả mối thù chung”… Tôi dạo đàn nhịp nhàng tung hứng càng làm cho mọi người thêm phấn chấn. Bên kia hàng rào kẽm gai mấy tên lính lê dương da trắng da đen súng khoác trên vai cũng toét miệng cười, đung đưa nhún nhảy theo điệu nhạc. Mọi người trong đoàn đều bất ngờ về sự độc đáo của buổi viếng thăm không biết ai úy lạo ai. Chúng tôi phấn chấn như vừa được tiếp sức thêm vừa cảm thấy nghẹn ngào chứng kiến bao nhiêu đồng bào chiến sỹ của ta đang bị gian lao vất vả trong tù.

Rời Nhà Tiền về trại giam Hỏa Lò. Đây là nơi giam giữ những tù nhân đã được chọn lọc nghĩa là những người gây nguy hại nhiều cho bộ máy cầm quyền. Trước khi được vào thăm các tù nhân, Đoàn phải vào phòng viên giám thị trưởng để kiểm tra giấy tờ và nhận diện từng người đối chứng theo danh sách và giấy tờ tùy thân, để nghe phổ biến điều quy định tuyệt đối không được truyện trò trao đổi riêng tư với bất cứ ai. Sau đó Đoàn chia thành nhiều nhóm nhỏ đi vào các phòng giam. Thương nhất là các chị chỉ được mặc chiếc quần đùi giữa những ngày cuối đông giá rét. Có bạn nhận ra mấy chị quen ở phố Hàng Sắt nữa. Tôi được ưu tiên mang theo cây đàn violon vinh dự vào thăm phòng giam giữ tử tù. Phải để lại thùng đàn, tôi vội vã ôm cây đàn cập rập đi theo một viên giám thị qua cái sân hẹp bước vào một hành lang hun hút.

Dừng lại trước tấm cửa sắt sơn đen, viên giám thị tra thìa vào ổ khóa, mở hé cánh cửa cho tôi đủ lọt vào rồi đóng sầm ngay lại. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn từ trên trần cao tỏa xuống, tôi nhận ra một người đàn ông tuổi chạc trên dưới ba mươi ngồi ở góc phòng. Trông anh gầy yếu hiền lành vậy mà nguy hiểm tới mức phải lãnh bản án nặng nhất của quân thù sao?! Tôi nghĩ tới chiến công của anh đã làm cho chúng tổn thất to lớn lắm, trong lòng dâng lên niềm kính phục. Anh nhìn tôi vẻ thờ ơ xa lạ. Chắc anh nghĩ rằng đây lại thêm một trò hề do bọn cướp nước và bán nước bày ra. Tôi đứng im lúng túng suy nghĩ chưa biết đàn bài gì cho phù hợp. Không là người chơi đàn khó hiểu nỗi băn khoăn của tôi lúc này. Cây đàn violon kén bài, kén người nghe lắm. Muốn chơi bài gì phải hiểu ý, tập nhiều lần vì nó thiên về những bản nhạc trữ tình cổ điển. Trước mặt tôi là một thính giả đặc biệt. Có thể trong đêm nay, sáng mai hay một thời khắc không xa nữa anh vĩnh viễn không còn ở trên cõi đời này! Anh hy sinh vì một mục tiêu cao cả mà lớp trẻ chúng tôi luôn hướng tới. Anh như một thánh nhân tử đạo! Tôi tần ngần chưa biết chọn bài gì. Vĩnh biệt anh bằng bản Khúc nhạc chiều? hay là một bản Sonate? Liệu có xa lạ với anh không? Hay là chơi bản Thiên Thai? Liệu chừng anh có chấp nhận không? Tôi đang do dự chần chừ thì anh cất tiếng vừa như ra lệnh vừa như thách thức:

- Đàn nghe bài Tiến quân ca đi!

Tôi như người đang mơ chợt tỉnh. Đúng rồi… Tiến quân ca! Tiến quân ca! Bài hát của anh, của tôi và của mọi người! Lập tức tôi đặt đàn lên vai và cây thanh vĩ trên tay nhẹ nhàng đung đưa cùng lúc phát ra những âm thanh dìu dặt bổng trầm như lời kêu gọi, như bàn tay nâng mọi người mạnh bước cùng đi trong đoàn quân chung một lòng cứu quốc, cùng chiến đấu và sẽ chiến thắng. Tôi thấy miệng anh lẩm bẩm hát theo: “Đoàn quân Việt Nam đi / Chung lòng cứu quốc / Bước chân dồn vang trên đường gập gềnh xa”… Tôi như hóa thân trong tiếng đàn để đến với người chiến sỹ anh hùng trước mặt tôi đây, đến với bao chiến sỹ bị cầm tù trong các phòng giam bên cạnh, vượt không gian đến với bao chiến sỹ chốn sa trường: “Đường vinh quang xây xác quân thù / Tiến mau ra sa trường / Tiến lên cùng thét lên / Chí trai là đây nơi ước nguyền”… Tôi say xưa đàn tới hai lần vẫn chưa muốn dứt. Anh giơ tay ra hiệu, nét mặt anh rạng rỡ hẳn lên, giọng anh đầm ấm hỏi:

- Đồng chí học trường nào?

Lại một vinh dự qúa đặc biệt với tôi. Anh nhận tôi đứng trong đội ngũ của đoàn quân yêu nước cùng anh! Tôi bỗng thấy anh thật gần gũi và thân thiết qúa. Không còn nhớ tới nội quy nghiêm ngặt của nhà tù khét tiếng tàn bạo này, tôi nghiêng mình kính cẩn nhìn anh và nói nhanh, rành rọt ba tiếng:

- Chu Văn An!

Vừa lúc viên giám thị mở toang cánh cửa giục tôi ra. Tôi cố ngóai lại nhìn anh. Trong ánh lờ mờ tối sáng, tôi nhận ra đôi mắt anh trìu mến nhìn tôi và nơi khoé mắt long lanh.

Suốt bao lâu sau đó, tôi luôn tự hỏi: Anh từng là học sinh trường Bưởi hay sao mà mắt anh long lanh khi tôi gợi lại chốn kỷ niệm xưa?

Trong tôi vẫn vang lên âm hưởng thân thiết thiêng liêng của ba từ Chu Văn An tôi nói với lớp đàn anh vào cảnh ngộ có một không hai trong đời tôi như thế!

Ngày nay lớp học sinh trung học Hà Nội đúng vào năm chia đôi thế kỷ 1950, một lúc nào chợt nhớ những kỷ niệm của tuổi đôi mươi ngợp trong cánh phượng đỏ, tiếng ve ran đều khó quên ngày Đại hội văn nghệ học sinh vào dịp tết Canh Dần (1952) năm ấy. Sau phong trào truy điệu trò Ơn bị sát hại ở Sài Gòn, giới học sinh Hà Nội rầm rộ công khai bày tỏ chính kiến của mình: “Yêu nước là truyền thống của cha ông, là nghĩa vụ và quyền lợi của học sinh”! Điều đó không ai bắt bẻ được. Trong khi chính quyền chiếm đóng muốn an dân, phô trương về sự ổn định trong khu vực họ cai quản nên khi Đại diện học sinh xin phép được tổ chức những đêm văn nghệ ngay tại Nhà hát lớn thì họ tỏ ra hài lòng đắc ý, cho rằng bọn trẻ đã ham chuyện hát hò nhảy nhót. Lực lượng nòng cốt văn nghệ chủ yếu ở trường Chu Văn An, Albert Sarraut và trường nữ Trưng Vương.

Cổng trường Chu Văn An ngày nay

Tôi đang học Tú tài hai, anh Phạm Đức gọi tôi cùng xây dựng chương trình văn nghệ của trường. Tuy sống trong sự kiểm sóat của địch nhưng nhiều bài hát phổ biến ngòai kháng chiến, học sinh trong thành chúng tôi vẫn truyền tụng cho nhau như: Đàn chim Việt, Nhớ người ra đi, Mùa đông binh sỹ, Tiếng hát quay tơ, Tiếng chuông nhà thờ, Hận sông Gianh, Du kích sông Thao, Tiến về Hà Nội. Lúc này chúng tôi nhận được mấy bài từ hậu phương mới gửi vào như Trường chinh ca của Lương Ngọc Trác, Trường ca sông Lô của Văn Cao. Chúng tôi phải dàn dựng và tập gấp rút trong mấy ngày thôi và vở kịch Nửa đêm truyền hịch kể chuyện Trần Quốc Toản phá cường địch – báo hòang ân phối hợp với các vở kịch có đề tài chống ngoại xâm trong lịch sử như Tiếng trống Mê Linh, Quán Thăng Long… của các trường bạn. Khi đưa chương trình đi kiểm duyệt, thấy anh Nhân trong Ban tổ chức tỏ ra bối rối, tôi góp ý khéo lách bằng cách đổi tên mấy bài qúa quen ngòai kháng chiến như bài Trường chinh ca đổi thành Tiếng hát đường xa, bài Trường ca sông Lô đổi thành Bài ca sông Ô… Ban kiểm duyệt sơ sài vô tình không để ý, cho qua.

Buổi biểu diễn vào ngày 24 tháng Chạp cuối năm. Mở màn là bản hợp ca dàn nữ đứng trước với áo dài một màu đỏ rực, ngực gắn nơ vàng gây ấn tượng mạnh cho khán giả. Các bài hát Tiếng chuông nhà thờ, Đoàn quân đi… anh Nguyễn Tô ngâm thơ Đêm lửa rừng của Hòang Cầm đầy xúc động. Lúc này nhân viên kiểm duyệt và đám mật thám ngồi trà trộn dưới các hàng ghế mới phát hiện ra bị lỡ trớn, ngơ ngác nhìn nhau, tìm cách đối phó, phá thối bằng cách ra lệnh rất ngây ngô: Hát đồng ca không được có người bắt nhịp quay lưng ra khán giả! Anh em chấp hành khôn khéo. Bản hợp ca Tiếng hát đường xa, tôi cùng cây đàn Contrebasse to tướng đứng cao lên, bằng những động tác búng tay vào dây đàn thay cho hiệu lệnh chỉ huy. Lời ca điệu nhạc của bài hát vút lên: “Có bao người hăng hái băng mình trong đêm mưa rét / Có bao người hăng hái băng mình trong cát nắng thiêu”… gợi trong lòng người những bước chân đi của các chiến sỹ lội suối băng rừng vượt bao khó khăn gian khổ trong cuộc trường chinh. Sang Bài ca sông Ô, anh Trần Quốc Ái đứng nép một bên cánh gà bắt nhịp trong khi bên cánh gà đối diện tôi nhìn theo tay người chỉ huy nhịp theo hỗ trợ. Cô nữ sinh tú tài xinh xẻo Trịnh Thị An lĩnh xướng tự nhiên, trôi chảy… Lời hát: “Sông Lô… gió ngàn Việt Bắc bãi ngàn lau thưa”… và kết thúc bằng giai điệu chậm dãi mượt mà: “Dòng sông Lô… ô… ố… trôi… Dòng sông Lô… ô… ố… trôi”… Người nghe tưởng như từ con sông ngọn nguồn nơi chiến khu xa xăm bao thây quân xâm lược theo dòng trôi xuôi về đây…

Phụ huynh học sinh và giới trí thức hưởng ứng nhiệt tình. Trong số khán giả có một số học sinh trái nết cũng đến coi nhưng rồi họ bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của từng tiết mục. Ban trật tự chỉ lo việc xếp chỗ ngồi chứ không phải lo chuyện đối phó. Chúng tôi hứng lên xổ luôn tiết mục cương tam tấu Ba chàng say ngòai chương trình, càng gây xôn xao phấn kích. Tôi lẵng nhẵng đeo chiếc guitar cùng anh Hải, anh Phong lảo đảo bước ra sân khấu, nửa tỉnh nửa say thay nhau cùng hát nói:

- Hôm nay chúng tôi say… Say vì tiêu diệt được đồn tây! Hôm nay chúng tôi say… Say vì súng… Say vì đạn… Say vì chiến công…

Tiếp theo là từng người tấu cương:

- Tôi vớ được một khẩu thompson và một khẩu colt bạt!

- Còn tôi… năm lựu đạn và một F.M!

- Còn mình tôi… xui qúa… vớ trần được mỗi chú lính… tây đen!

Rõ là khẩu khí anh bộ đội Cụ Hồ trên sân khấu Nhà hát lớn giữa lòng giặc chiếm đóng. Khán giả càng hào hứng phấn kích bao nhiêu thì đám mật thám càng bầm gan tức khí bấy nhiêu. Đây là bài tấu hài tôi học được ở đoàn văn nghệ Quân khu Bốn của tướng Nguyễn Sơn, mấy năm rồi vẫn không quên.

Buổi biểu diễn có lúc đột ngột tắt đèn, truyền đơn từ các lô chuồng gà được tung ra… Đèn bật lên còn thấy truyền đơn bay phấp phới. Hai người con trai của ông đương kim thị trưởng Dược sỹ Thẩm Hòang Tín cùng tham gia vào việc này.

Đại hội diễn ra ba buổi: Một buổi trước Tết và hai buổi sau Tết. Buổi thứ hai, một số tiết mục buộc phải bỏ hoặc cắt xén. Tuy nhiên trong chương mục vẫn ghi và nêu rõ vì lý do kiểm duyệt. Nhưng buổi thứ ba, các nhà kiểm duyệt cũng bận vui chơi tết nên không có mặt, Ban tổ chức lại điền vào đầy đủ các tiết mục như buổi đầu khai mạc. Các buổi biểu diễn đều bán vé. Ngòai giá vé theo lô còn tùy hảo tâm khán giả đóng góp cho phong trào và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Sau khi trang trải những khoản cần thiết, số dư sẽ dùng làm qũi đi uý lạo tương tế đồng bào và chiến sỹ ta bị địch cầm tù.

Ít lâu sau, nghe xầm xì một scandal cảm động: Chị Lâm Yên, học sinh lớp Tú tài một, nhà ở gần chợ Châu Long, được giao nhiệm vụ làm thủ qũi giữ số tiền bán vé trong mấy ngày Đại hội. Chị qúa cẩn thận luôn giữ bất ly thân, cả lúc ở nhà cũng khư khư nó trong mình… Khi qua chợ lớ ngớ thế nào bị kẻ cắp nẫng gọn cả túi tiền! Về nhà chị ngơ ngẩn không biết làm sao. Bà mẹ thấy con gái tự nhiên bỏ ăn, bỏ ngủ, chỉ khóc ròng. Truy mãi con gái mới dám nói thật ra. Bà thật não lòng! Nhà cũng chẳng giàu có gì nhưng suy đi nghĩ lại những đồng tiền này dùng vào việc nghĩa việc tình không thể để con sống chết mặc bay, mang điều tai tiếng. Bà mẹ gom hết tiền có trong nhà và đưa ra cả những đồ tế nhuyễn, của riêng tây như: kiềng, dây truyền, xuyến, nhẫn vàng… đem bán đủ bù vào số tiền đã mất. Lúc ấy chúng tôi chỉ nghĩ  đơn giản là việc phải làm của một gia đình nền nếp để giữ được thể diện và danh giá nhưng sau này suy ngẫm sâu xa mới thấy đó là biểu hiện của lòng yêu nước. Lòng yêu nước tiềm ẩn ở mọi người dân và khi cần được biểu hiện ra bằng muôn hình vạn trạng. Sự mất mát hy sinh ở mỗi người một khác. Một khi dân tình thờ ơ với việc nước, chỉ lo thu vén riêng việc nhà mình là lúc dân nước suy vi.

Tưởng rằng nhà cầm quyền thẳng tay trấn áp công khai nhưng họ chỉ ngấm ngầm bắt đi một số người lãnh đạo phong trào và kết thúc mùa thi năm ấy, một thông cáo được đăng trên các báo hàng ngày ra lệnh cho học sinh và sinh viên phải đến trình diện tại các cơ quan đặc trách để tập trung vào học trong các trường quân sự.

Sau khi châm ngòi gây cuộc chiến tranh tái chiếm Việt Nam, giới cầm quyền Pháp thấy rằng chủ trương tốc chiến tốc thắng bằng binh hoả lực áp đảo đã thất bại. Chiến tranh kéo dài buộc chúng phải thay đổi chiến lược lấy chiến tranh nuôi chiến tranh nghĩa là dùng người Việt đánh người Việt. Dựng cựu hòang bù nhìn Bảo Đại làm bộ mặt quốc gia giả hiệu. Y dẫn xác ra Hà Nội dự lễ diễu binh tại vườn hoa Chí Linh – Bờ Hồ (Nay là công viên Lý Thái Tổ), tuyên bố thành lập Quân đội quốc gia Việt Nam và ra lệnh tổng động viên. Chính quyền bù nhìn một lúc mở ra ba trường võ bị: Trường Võ bị Đà Lạt nhận nguồn từ những viên chưc trẻ và những học sinh tình nguyện để đào tạo thành những sỹ quan chuyên nghiệp. Hai trường gọi là sỹ quan trù bị (officier de réserve) đặt ở Nam Định và Thủ Đức – Sài Gòn, lấy người từ những học sinh tú tài, sinh viên ngành Y và Luật, coi như chỉ thực hiện nghĩa vụ sỹ quan một thời gian nhất định rồi lại được trả về cuộc sống bình thường.

Từ đấy học sinh chúng tôi bị phân hóa, lôi kéo vào cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt bởi giới thực dân Pháp bày ra hòng thôn tính lại một thuộc địa xưa mà máu xương của chúng không phải đổ ra!

Không ai ngờ rằng cuộc chiến tranh phân ly ấy kéo dài tới một phần tư thế kỷ!

Để khỏi bị bắt lính, tôi ít lộ diện ra đường khi không cần thiết và thường thay đổi nơi ngủ. Một đêm tôi đang ngủ khò bên nhà hàng xóm bỗng bị dựng dậy. Mở mắt ra đã thấy cảnh sát và lính nhăm nhăm chĩa họng súng vào người. Chị tôi khóc nức nở như chịu lỗi với thằng em. Thì ra tụi nó rình lúc khuya đi chộp lính từng nhà. Không tìm được tôi, tụi nó dọa nếu không khai ra thằng em đang trốn chỗ nào thì chúng sẽ bắt anh rể tôi thay thế. Chị tôi đành phải dẫn lính tìm tôi. Tới nay, tôi vẫn không mảy may có ý giận hay trách chị trong hòan cảnh ấy. Tôi bị lôi đi ngay trong đêm và sáng hôm sau chúng tống lên xe cam nhông (camion) chở một đám học sinh, sinh viên trốn lính ra bến Phà Đen, đẩy xuống tàu thủy đưa xuống trường sỹ quan Nam Định. Lúc đầu chúng tôi bày đủ kiểu phá ngang nhưng không chống nổi cường quyền. Chúng dùng các biện pháp vừa đấm vừa xoa để cưỡng bức và phân hóa anh em. Vào dịp tết, chúng cho xe chở học sinh sĩ quan về Hà Nội nghỉ phép năm ngày nhưng dọa sẽ thẳng tay trừng trị những ai cứng cổ. Tôi mới về nhà hôm trước, hôm sau đã có mấy tên mật thám mò đến nhà hạch hỏi những ai cầm đầu rủ rê anh em học sinh sĩ  quan sẽ trốn trở lại trường. Dù rất muốn tìm về với phong trào nhưng đã bị đứt liên lạc rồi không ai dám liên hệ với mình nữa. Tôi lần khân lánh né mãi không chịu xuống trường trả phép. Cuối cùng bị ghép vào tội đào ngũ, chúng cho quân cảnh đi bắt hơn ba chục anh em đem về nhốt ở trại Quang Trung (trước cửa rạp Tháng Tám bây giờ), rồi đưa xuống sân bay Bạch Mai, đẩy lên ba  chiếc máy bay có quân cảnh và chó berger hộ tống bay thẳng vào Sài Gòn. Chúng tôi bị đưa vào Khám lớn (Thư viện quốc gia bây giờ) rồi chuyển sang nhà lao Chí Hòa. Do phong trào phụ huynh ở Hà Nội đấu tranh với chính phủ bù nhìn tay sai lúc đó, phải trả lại chúng tôi về trường sỹ quan Thủ Đức nhưng ghép vào một lớp học riêng như trại cải huấn.

Ngày mãn khoá, chúng tôi cũng được ra trường, gắn lon sỹ quan và đưa thẳng lên vùng cao Tây nguyên. Ngày ấy rừng xanh núi đỏ còn là điều bí hiểm đầy chết chóc. Vùng cao nguyên nắng gió không khác gì xứ Châu Phi xích đạo xa lạ và bệnh tật. Người Pháp dành cho Bảo Đại các vùng núi rừng xa xôi hiểm trở khỉ ho cò gáy gọi là Hòang triều cương thổ. Mấy chục viên sỹ quan có mầm phản loạn bị phân tán và cô lập giữa núi rừng hoang vu và chung quanh là những thổ dân không đồng ngôn ngữ luôn nhìn mình với những cặp mắt vừa khuất phục, vừa xa lạ, vừa ẩn chứa lòng phản kháng bất thường. 

Chúng tôi sống trong tâm trạng thấp thỏm phập phồng, không biết lúc nào nhận một mũi tên thuốc độc từ những bàn tay bí mật của những tên lính duới quyền kia… Tuy nhiên có một thú tiêu khiển khá hấp dẫn với những người có sẵn sàng trong tay là đi săn thú rừng. Ngày đó Tây nguyên còn hoang sơ và đầy rãy những loại thú rừng, là địa bàn lý tưởng cho những tay ham săn bắn. Cái thú tận mắt nhìn thấy con mồi rãy đành đạch sau phát súng từ tay mình bắn ra kích thích tột cùng người sạ thủ. Hèn chi cựu hòang Bảo Đại chẳng thèm ham hố cái ghế Quốc trưởng bù nhìn mà yên lòng chìm trong quên lãng với cái thú đi săn trên núi rừng Tây nguyên hùng vĩ. Một hôm mấy tên lính thổ dân lên mách với tôi: Ông Hai ơi! Có bầy nai ngựa mới về… đông lắm! Tôi hí hửng dẫn một tiểu đội lính đi. Trời Tây nguyên đầy gió nhưng mà nắng nóng. Tôi mặc chiếc quần soọc lửng, áo mayô, chiếc áo sỹ quan dày cộp vắt một bên vai, hông đeo súng ngắn, tay lăm lăm khẩu súng carbine. Lòai nai ngựa này thường đi từng đàn, tuy chạy nhanh nhưng to xác nên đã gặp thế nào cũng hạ được ít là một con cho lính trong đồn và dân quanh vùng chia nhau xả thịt. Mới ra khỏi đồn chưa đầy nửa giờ, chưa kịp thấy con nai con thỏ nào đâu đã nghe mấy tiếng súng nổ lốp bốp và tiếng mõ, tiếng tù và vang lên bốn phía. Đám lính người Thượng lẩn nhanh như ma. Còn trơ trọi một mình, tôi vừa tạt sang một bên đường định tìm một gốc cây to tránh đạn thì từ phía sau đã có mấy người phăm phăm chạy tới. Người giơ mác, người giương nỏ, người cầm dao… lao thẳng đến tôi như người đi săn lao tới con mồi. Tôi nhanh nhảu quẳng chiếc áo vắt trên vai và khẩu súng xuống đất, tháo vội dây nịt khẩu súng ngắn ném theo, giơ cao hai tay lên và như một phản xạ buột ra lời âm ỉ trong lòng muốn nói từ lâu: Tôi là người mình! Thật tình lúc ấy tôi không thấy sợ. Bao lâu nay tôi vẫn mong đợi có một ngày được trở lại đội ngũ những người kháng chiến mà lòng tôi chưa bao giờ phản bội. Bây giờ được như mong muốn mình lại trong huống cảnh thật trớ trêu!

Cho đến nay tôi vẫn không hiểu tôi bị bắt vì một sự tình cờ hay có sự tổ chức kín đáo bên trong. Trước một tên sỹ quan tù binh chịu quy hàng ngay từ phát súng đầu tiên với vẻ hiền lành ngoan ngõan, những người chiến thắng đối xử không có điều gì qúa đáng. Tôi không bị trói, không bị cởi giày, không bị bỏ đói khát một bữa nào. Tôi khai thật hết tình cảnh của mình rất trơn chu không có vẻ gì là bịa đặt hay phi lý. Tôi mau chóng lấy được lòng tin và được giao làm nhiệm vụ thông ngôn cho đám tù binh quan lính Âu–Phi. Anh cán bộ phụ trách dường như thông cảm và thành thật khuyên tôi: “Bây giờ chúng tôi không có cơ sở nào để nhận anh là người đằng mình cả. Tuy nhiên chúng tôi coi anh như một tù binh đặc biệt, dễ cho anh mà chúng tôi cũng được việc”! Thực ra cũng là may. Mang tiếng là tù binh sỹ quan ngụy quân nhưng tôi lại được xếp ăn ở chung với đám tù binh Pháp nên không đến nỗi kham khổ ngay cả so với cán bộ, bộ đội, du kích và nhân dân kháng chiến. Sau đó tôi trong đám tù binh Âu–Phi tập trung về Quảng Ngãi rồi theo đường Trường Sơn ra Bắc, về trại tù ở Thái Nguyên. Trên đường đi, có lúc dừng chân, ngồi bên bờ suối, tôi chợt nhận ra bây giờ vào dịp tháng năm. Ngày 19 là sinh nhật Bác. Cũng vào dịp này hồi đầu kháng chiến, theo đoàn văn công Liên khu Ba, tôi tập phổ nhạc bài thơ xuân của Bác Hồ. Dù bài hát ít người biết đến chắc vì nó không hay nhưng như một tấm lòng thành của tôi mừng thọ Bác. Cuộc sống đưa đẩy thế nào, bây giờ đây chính thân xác của tôi lại như một chiến tích của anh em dâng lên mừng Bác dịp này! Nghĩ cảnh phận mình thật trớ trêu, tôi tự hỏỉ: Ta là ai? Là ta hay là địch? Ta được giải phóng hay bị cầm tù? Cảm nỗi cay đắng xót xa thân phận, tôi cười chua chát. Điều ấy không ngờ gây cho tôi rắc rối vì anh bộ đội áp giải thấy tôi trầm ngâm, cười gì bí hiểm, càng để ý nghi ngờ và theo dõi xem tôi có ý coi thường kháng chiến hay tính bài chuồn? Sau này nghĩ lại còn giật mình bởi cái mạng mình giữ được là may lắm.

Ngày hai bên trao trả tù binh theo Hiệp định Genève, tôi cũng có tên trong danh sách sỹ quan bên quân đội Liên hiệp Pháp đòi nhưng tôi thẳng thừng tuyên bố mình là công dân của nước Việt Nam độc lập bị cưỡng bức khóac áo sỹ quan quân đội ngụy quyền và tự nguyện ở lại quê hương miền Bắc của tôi.

Về Hà Nội, sẵn có chứng chỉ P.C.B, tôi được đào tạo gấp và làm nghề dạy học. Tôi có chút khiếu âm nhạc, lẽ ra đeo đuổi từ đầu kháng chiến biết đâu sẽ thành duyên nghiệp. Tôi có thể trở thành người sáng tác nhạc như một số bè bạn cùng phố của tôi như các anh Huy Du, Phong Nhã. Âu mỗi người một phận.

Tôi lại được đứng trên bục giảng của nhiều trường lớp mà thời niên thiếu tôi từng theo học. Cảm giác bâng khuâng rung động khi tôi ngồi trên ghế thầy tra bài học trò đúng tại lớp mình học ngày xưa không dẽ mấy người làm thầy có được duyên may ấy như tôi. Tuy nhiên một thời gian dài tôi cũng bị liệt vào số công dân hạng hai phải thường xuyên trình diện, bị hạch hỏi và nghi hoặc! Tự biết thân mình phải lo âu / Dường gần rừng tía dường xa bụi hồng khác nào thân phận nàng Kiều lúc giữ chùa tụng kinh nơi Quan âm các.

Nhưng tôi không có điều chi phải hận đời vì tôi được hưởng cảnh vui đất nước ta xóa nhòa ranh giới phân chia, non sông thống nhất và uẩn khúc xưa được giải. Tôi được nhận những sự ưu ái như các đồng đội của tôi và hậu vận của tôi xuôi chèo mát mái.

Cuộc đời tôi như một giấc mơ tiền hung hậu cát. Lúc như chàng trai vốn dòng hào kiệt, sôi lên trong lòng tình yêu nước, chẳng ngại ngần gì xếp bút cầm gươm đi diệt giặc trời. Bỗng chốc lại bị xô sang hàng ngũ giặc. Mang danh ngụy quân mà vẫn bị liệt vào hàng phản loạn! Trở về được với ta lại trong thân phận thằng tù. Từng cắn răng ngậm miệng để khỏi sa vào cảnh hang hùm nọc rắn, mãi cuối đời mới được giải oan.

Tuy nhiên tới hôm nay, dư âm tiếng hát tuổi hai mươi ngày ấy còn  là niềm an ủi tự hào vẫn lung linh sâu thẳm trong lòng tôi và trong lòng nhiều bạn.

 

(đón đọc Chương 7: TƯƠNG LAI MUÔN SỰ BẤT NGỜ)

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_HNBDe.php

11-Nov-2017

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học