HÀ NỘI BỂ DÂU

- truyện ký -

BS Nguyễn Văn Thịnh

CÁI THUỞ BAN ĐẦU LƯU LUYẾN ẤY

Trên trống trận tuổi thơ tôi nằm ngủ

Nước thánh dành cho tôi chứa trong chiếc mũ

Người lính xếp quanh tôi một đống súng gươm

Làm tã lót trong nôi những mảnh cờ đã cũ

(Tuổi thơ tôi – Victor Hugo)

Tuổi thơ của chúng tôi, tuổi trẻ của chúng tôi lớn lên như thế.

Chúng tôi không được lựa chọn Hòa bình hay Chiến tranh. Không ai có thể vô cảm khi quanh mình dưới gót giày của đội quân xâm lược là súng nổ, người chết, nhà cháy và dân chúng điêu linh thống khổ. Chúng tôi chấp nhận sự đối đầu quyết liệt rất tự nhiên và rất hồn nhiên. Chúng tôi tay trong tay, lòng bên lòng suốt chặng đường dù nguy hiểm. Bộ “ba chàng ngự lâm pháo thủ” chúng tôi cứ quấn quýt với nhau bàn chuyện nổi loạn mà lòng phơi phới vui vẻ lạc quan chẳng sợ gì. Đang ở tuổi tú tài, chúng tôi đồng lòng với nhau không mấy khó khăn vì trong ký ức còn nhớ như in cảnh từng đoàn người thất thểu lê la chết đói đầy đường, nỗi hoang mang căm giận trước đám lính Phù tang ngang ngược hung bạo, cảnh vui náo nức như được bay lên của những ngày đầu độc lập, nỗi uất ức trước đám Tàu phù dơ dáy nghênh ngang cướp bóc giữa đường, lòng uất hận trước cảnh đội quân lê dương đê hèn khốn kiếp khi mạt vận nhưng qua lúc thất thế rồi lại quen thói côn đồ bức hại một dân tộc vừa thoát cảnh đọa đày đứng dậy trên đôi chân vẫn run lên vì đói. Lòng tự ái dân tộc, lòng tự trọng của kẻ bút nghiên, sâu sa hơn là lòng yêu nước từ trong tiềm thức đã dễ dàng nối kết cả một thế hệ chúng tôi do hòan cảnh gia đình mỗi đứa khác nhau. Đầu những năm 1950, trong lòng Hà Nội bị giặc chiếm, các trường trung học công tư mở lại, những thanh thiếu niên cắp sách tới trường là dịp chia sẻ cùng nhau nỗi lòng bức bối. Trong các trường học, cờ đỏ sao vàng, truyền đơn chống Pháp, chống ngụy quyền dán ở các gốc cây, góc tường, bảng lớp với đủ mọi hình thức. Việc rải truyền đơn không ai tinh ma sáng tạo bằng giới học trò. Gặp cảnh binh khám xét dọc đường thường chỉ lục sóat cặp vở và nắn túi quần thôi. Trò ta có mẹo buộc truyền đơn nơi bụng dưới, tháo đường chỉ dọc trong túi quần. Khi cần thọc tay vào túi, luồn lên bụng, móc ra tờ truyền đơn để cho nó lọt theo ống quần rơi ra ngay dưới chân người đứng cạnh mình. Có lần thầy vừa vào lớp, học trò đứng lên chào, chiếc quạt trần vừa quay thì truyền đơn giấu từ sau cánh quạt tung ra bay phấp phới, cả lớp nhao nhao lên giành nhau đọc các lời kêu gọi tòan dân kháng chiến, vạch mặt chính quyền thực dân cướp nước và lũ bù nhìn tay sai.

Cố vấn Vĩnh Thụy phản bội lời hứa “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ” quay về theo chủ cũ, vác mặt ra Hà Nội. Đám ăn theo bắt học sinh các trường đi diễu quanh Bờ Hồ để hoan nghênh “quốc trưởng bù nhìn” nhưng học sinh đi đứng lộn sộn, hỗn loạn như là phá đám, không chịu hô khẩu hiệu, cờ ba que không cầm trên tay mà cắm xuống giày lết thết dưới chân. Có ai đó nghĩ ra trò tinh quái đeo mặt nạ Bảo Đại vào đầu chó thả rông chạy ngòai đường…

Phế đế tẽn tò phải bỏ dở chuyến vi hành, chuồn vội lên Đà Lạt, chúi đầu vào các cuộc đi săn và gái gú trên núi rừng Tây nguyên! Cuối năm 1949, trường Chu Văn An (lúc đó còn ở phố Hàng Bài) mở đầu cuộc bãi khóa sau đó lan sang các trường trung học tòan thành. Lúc đầu có một số học sinh muốn đứng trung lập sợ bị đuổi học nên vẫn cắp sách tới trường. Học sinh trường Kỹ nghệ Quang Trung nghĩ ra cách phạt cắt tóc những ai nhát gan không hưởng ứng phong trào. Vài vụ xảy ra được đồn thổi ầm lên. Các trường vẫn mở toang cổng nhưng sân trường vắng lặng, thầy trò không ai tới, ngọn gió cuối thu cuốn tung bay lả tả những chiếc lá vàng trước sự ngơ ngác của mấy viên cảnh sát đứng chơ vơ nghiêng ngó. Thủ hiến, Giám đốc Nha học chính, Giám đốc Nha cảnh sát Bắc phần phải đứng ra tiếp xúc và nhận giải quyết các yêu sách của Ban đại diện học sinh là: Chấm dứt khủng bố, đàn áp, bắt bớ học sinh – Thả ngay các học sinh bị bắt – Đảm bảo an ninh và quyền lợi của học sinh! Cuộc bãi khóa thành công càng kích thích tinh thần chống đối với chính quyền chiếm đóng. Tôi trong Ban cán sự Học sinh kháng chiến (HSKC) thành, học trường Chu Văn An nhưng thường la cà tới các trường khác nắm tình hình và xây dựng cơ sở. Học sinh tú tài thường tìm tới các trường tư thục có giáo sư hay để học thêm. Trường Văn Lang có giáo sư Ngô Duy Cầu và Khúc Ngọc Khảm dạy tóan nổi danh. Tôi và Đỗ Đại Khoa gặp nhau ở đấy. Anh bạn học trường Nguyễn Trãi, dáng thư sinh, trắng trẻo, nhu mì, điềm đạm, thường cùng đi về trên đường phố Phùng Hưng nên dễ làm quen. Lúc đầu tôi đưa bạn xem lẫn lộn những truyện của Tự lực văn đoàn với những truyện của ta in ngồi kháng chiến như Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Ký sự Cao – Lạng của Nguyễn Huy Tưởng… bạn đón nhận say mê lắm. Sau tôi đưa bạn xem các bức ảnh tố cáo tội ác của quân Pháp và chiến thắng của ta trên Sông Lô – Việt Bắc… bạn xem có vẻ thích thú và mượn về sao chụp lại. Tôi phát hiện ra bạn có năng khiếu làm ảnh đẹp lắm. Bạn là người chăm học, kín đáo, lời nói và việc làm chắc chắn… Thấy hợp nhau, tin nhau và chúng tôi thực lòng hợp tác cùng nhau. Nhà Hộ sinh số 4 phố Quan Thánh rộng lắm. Cơ sở làm việc là tòa nhà lớn, cách một cái sân là dãy nhà ở có vườn rộng rãi. Cha bạn làm việc dưới tỉnh xa, tháng về đôi lần. Hai anh em ở với người mẹ kế làm chủ Nhà Hộ Sinh. Nhà thường vắng vẻ nên chúng tôi dễ dàng triển khai công việc sao chụp và in ấn tài liệu, sau đó đem giấu ở ngòai vườn rồi chuyển giao tới các cơ sở. Cô em gái tên Tố Như, học Đệ nhị cấp trường Trưng Vương. Cô bé ngoan, hiền, hơi có nét buồn – Dường như người con gái nào sớm mồ côi mẹ thường có nét buồn riêng, tuy nhiên rất qúy bạn của anh. Tình cảm bạn bè, anh em của chúng tôi ngày một thân thiết gắn bó. Nhà Hộ sinh là nơi nhiều người ra vào bất kể giờ giấc nên người của chúng tôi đến đi ít ai để ý. Cô em biết các anh làm việc gì kín đáo nhưng không tò mò và có ý bảo vệ chúng tôi. Lúc đầu anh Nguyễn Bắc thường đến đây làm việc. Nhưng tuổi anh hơn chúng tôi cả con giáp nên mỗi khi anh ra về, cô em lại hỏi trêu: “Bạn của các anh sao già thế?… Chắc các anh thích làm ông cụ”! Khó giải thích thật. Sau này anh Dương Linh thường đến với chúng tôi hơn. Tuy là bộ ba nhưng bạn Quách Tất Đắc có hòan cảnh khó khăn hơn, ngoài giờ học phải phụ trông cửa hàng, ít có thì giờ đi lại với nhau nên công việc chỉ có tôi với Đỗ Đại Khoa cùng bàn và cùng làm với nhau thôi. Bà mẹ kế thấy hai đứa khắng khít cứ như cặp vợ chồng mới cưới nên mỗi khi thấy tôi, bà vui vẻ gióng lên: “Có vợ anh ở nhà kìa”! Tôi vào nhà, có khi không có bạn, chỉ có cô em ở đấy, tôi cười tủm tỉm quay ra. Tố Như không biết tôi cười chuyện gì cũng cười theo. Mỗi lần nhìn em cười tôi thấy mắt em sao đẹp thế. Tôi thường kiếm chuyện trêu để em cười. Tiếng cười hồn nhiên của cô gái mới lớn với người bạn trai thân thiết của anh mình trong trẻo mà quyến rũ làm sao. Tôi kể chuyện bị giáo sư Vật lý Hòang Cơ Nghị chửi là ngu do không trả lời được một câu hỏi mẹo của ông trong kỳ thi vấn đáp Tú tài phần một. Ông thầy này có vợ đầm, khét tiếng khó tính. Đứa nào vô phúc gặp ông hỏi thi đúng khi cơn đói thuốc phiện nổi lên thì khó thóat. Em ấm ức mãi cứ như là em bị ông ấy chửi. 

Công việc cuốn hút chúng tôi mải miết. Sang năm 1950, học sinh, sinh viên  tòan thành tổ chức lễ tưởng niệm học sinh Trần Văn Ơn bị sát hại ở Sài Gòn. Ngày 20 tháng giêng, tiếng chuông Nhà Thờ Lớn rung lên vang khắp thành phố mở đầu lễ cầu hồn cùng lúc với tiếng chuông tiếng mõ ở chùa Quán sứ ngân lên trong lễ cầu siêu càng làm rung động tâm tư nhiều người. Nhiều giáo sư nổi tiếng người Việt, người Pháp cùng hưởng ứng. Tờ báo ảnh của Học sinh – Sinh viên kháng chiến ra đời có sự đóng góp tích cực của chúng tôi trong việc in ấn và phát tán. Có thời kỳ tôi thường xuyên tới quán ăn sinh viên ở phố Hàng Cân mục đích để nắm tình hình. Ngày ăn hai bữa chuyện trò với học sinh lớn và sinh viên ở các trường, tôi nắm được nhiều chuyện lắm. Phụ trách quán là người của Đại Việt cộng tác đắc lực với Phòng Nhì, biết nhà tôi buôn bán lớn ở phố Hàng Đào mà lại tới đây ăn liền sinh nghi, tôi phải bịa chuyện là mâu thuẫn với gia đình đi lang thang một thời gian cho ông bà hối hận, thành ra họ nể. Khách ăn cũng nể tôi hơn nên dễ moi chuyện lắm. Thật tình là sức trẻ 18 – 20, ăn ở nhà đầy đủ quen rồi, đến quán ăn của các thầy khóa nghèo một thời gian tôi thấy mình xuống sức. Tiền mẹ giúi cho thường phải dè sẻn để mua sắm đủ các thứ trang bị cần thiết cho công việc còn đâu để thỏa cái dạ dày, tôi lại không dám làm phiền đến mẹ. Ở quán có chị Châu H. – sinh viên Dược khoa, khá sinh, là người của ta gài vào Ban quản trị. Bạn Đỗ Đại Khoa của tôi mê lắm nên cũng hay đến đấy. Tố Như thường nói dối bà mẹ kế là hai anh rủ nhau đi ăn hiệu. Bà nghĩ là thật vì biết nhà tôi khá giả. Có hôm bạn tôi đi vắng, bà bảo: Vợ anh không có ở nhà, ăn hiệu mãi cũng xót ruột, ở lại đây em Tố Như nấu canh cua, đậu rán cho anh ăn đi! Tôi nhìn em cười lặng lẽ. Em có vẻ giận tôi. Có lần em phản đối: Vì sao cứ phải đến quán ăn sinh viên mới được? Hay là anh mê ai ở đó? Không hiểu là em móc ông anh ruột ngồi đấy hay là em trách tôi?

Mùa hè năm ấy, bạn rủ tôi xuống dưới Hải Dương chơi. Lúc đó tôi mới biết ông thân sinh bạn đang làm tỉnh trưởng ở đấy và ông có nhiều bà, nhiều con. Bạn bảo: Ngòai mẹ và hai anh em tớ ra không biết ông có bao nhiêu bà và con nữa! Tôi nghĩ thầm: Chắc mấy cô cậu ở chung nhà trên Hà Nội cũng là của các bà nào đấy? Hồi đó tìm đối tượng hợp tác chủ yếu nhằm vào thái độ và tinh thần của họ với kháng chiến thể hiện ra như thế nào thôi chứ không đặt vấn đề lý lịch lên hàng đầu như sau này đâu. Mà nếu căn cứ vào lý lịch thì kiếm đâu ra thành phần cơ bản ở đất Hà thành chứ! Thực tế nhiều anh chị em hòan cảnh gia đình tưởng như là phức tạp nhưng tham gia, ủng hộ phong trào rất nhiệt tình, chí cốt. Thậm chí vì hòan cảnh gia đình và xã hội, anh chị em phải bỏ vào Nam, sau này di tản sang nước ngòai nhưng sâu sa trong lòng vẫn nặng tình với đất nước, thể hiện bằng những sự thành tâm thiện chí lắm. Lúc ấy tôi để ý ông cụ sống cũng giản dị, ngày vào dinh tỉnh trưởng làm việc, ngòai giờ về ở thuê một căn hộ nhỏ giữa thị xã, bữa ăn cũng thanh đạm, không có vẻ gì là xa hoa kiểu cách. Xem ra cụ đa tình nhưng có trách nhiệm với các con. Sau này từng trải, tôi nhận ra rằng: Thái độ chính trị và nhân cách là hai điều khác hẳn nhau.

Năm 1951 địch bắt học sinh Tú tài sinh năm 1931 đi học lớp sỹ quan trù bị ở Nam Định. Tôi thoát được vì chưa đến tuổi. Đỗ Đại Khoa đã vào Đại học Y khoa nên cũng thóat. Tuy nhiên chúng tôi vẫn liên hệ với số anh em không may bị bắt lính để làm nhân mối cho ta về sau. Tháng 7 năm 1952, tôi và bạn nhận lệnh mang gấp một vali tài liệu xuống trường Sỹ quan Nam Định để phá lễ tuyên thệ tốt nghiệp (Baptyme de feu) của lớp sỹ quan Khóa Một. Hàng đã tập kết ở nhà số 4 Quan Thánh rồi. Lúc đầu chúng tôi tính đi máy bay sau thấy nó kiểm tra khắt khe qúa, mình cồng kềnh khó lọt. Phải đi theo đường ô tô thôi. Hai đứa ra bến xe Cửa Nam thăm dò. Tình cờ làm quen với thằng tây lai lái chiếc xe Jeep chở khách. Nó tên là Paul, rất thạo tiếng Việt. Để gây tình cảm, chúng tôi nói chuyện bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Nó nói có vợ và hai con ở Ngọc Hà. Vì bị ốm nên xin ra khỏi quân đội, tạm làm nghề lái xe kiếm sống chờ có dịp sẽ đưa vợ con về Pháp. Chúng tôi nói muốn xuống thăm người anh học sỹ quan Nam Định. Nó vui vẻ khuyên nên đi xe Jeep của nó gọn và nhanh hơn, đi xe khách phải chờ đợi và qua mỗi bốt gác phải kiểm tra lâu. Về nhà bàn, chúng tôi quyết định chỉ đi một người bằng xe của Paul. Tôi nhận làm chuyện này. Chúng tôi lặng lẽ chuẩn bị. Bạn tiễn tôi ra xe. Tôi dặn bạn đừng hở ra cho em biết vì thời đó xe đi đường gặp nhiều nguy hiểm lắm. Không ngờ đi xe của Paul xuôi xả qúa. Qua mỗi trạm gác có cả lính ngụy và lính tây, Paul giơ tay chào kiểu nhà binh, đưa ra tờ nhật báo Tia sáng kèm theo bao thuốc, hai bên cười vui vẻ cứ thế là đi. Anh chàng tây lai này chắc có học, vui chuyện lắm, nói đủ thứ chuyện văn chương như Sans famille (Không gia đình của Hector Malo) lẫn truyện Kiều, cả chuyện ngụ ngôn La Fontaine lẫn chuyện tiếu lâm nhưng không đả động gì tới chuyện thời sự chính trị. Thỉnh thoảng hắn lại chỉ cho tôi những hố mìn bên đường, xe còn nằm chỏng chơ ra đó… Tôi cảm thấy nó rất yêu vợ con và tự hỏi tại sao nó lại chọn một nghề nguy hiểm thế này? Bỗng tôi nghĩ tới phim Đồng lương khủng khiếp… Cũng vì sinh nhai mà anh tài xế phải nhận lái xe chứa đầy chất nổ đặc biệt nguy hiểm. Trong khi xe vẫn phải chạy theo tốc độ nhanh quy định cho đúng hợp đồng giờ giấc, chỉ cần đi vào một ổ xốc nhỏ, một sự va quẹt đơn sơ hoặc một khúc quanh để xe nghiêng đi sẽ là thảm họa không sao lường nổi. Cả con đường dài gần trăm kilômét này biết có bao nhiu ổ mìn trên mặt đường đây? Tôi không dám hình dung ra một điều gì, cứ ngồi nhấp nha nhấp nhổm. Tới bến xe Nam Định an tòan, Paul vui vẻ lấy vali cho tôi và hẹn khi nào trở về sẽ lại đi xe của hắn nhé! Tôi bắt tay cảm ơn và lớn tiếng gọi xích lô (cyclo) cho về trường sỹ quan Nam Định. Nhưng khi xe đi được một khúc xa, tôi nói nhỏ anh xe cho về phố Khách. Xe dừng trước một hiệu bán vải. Chủ nhân là người Ấn Độ, vợ là chị người bạn của tôi. Chị đưa tôi lên gác gặp người em Lê Hồng Ngãi. Tôi giật mình vì khắp người bạn cuốn đầy băng trắng, mặt nám đen khói đạn. Anh bạn nhận ra tôi mếu máo than: Ác qúa… tao mới bị hai hôm nay… không chết nhưng mà đau lắm! Thì ra vào dịp quatorze juillet (14 tháng 7 – Quốc khánh Pháp), lính Pháp được phép 24 giờ “xả cản”. Chúng lợi dụng thời gian đó ra phố hãm hiếp phụ nữ hoặc cướp bóc phá phách. Chúng cướp tiệm vàng, anh bạn xông ra quần nhau với nó và bị chúng tung lựu đạn rồi tháo chạy. Hàng ngày bà chị đón bác sỹ tới nhà chữa vết thương cho em. Tôi thấy ở đây không tiện, nói vài câu thăm hỏi rồi xách vali tìm nơi khác. Tôi ghé vào một quán nước chè, ngồi quan sát xem có cái đuôi nào bám không, sau đó gọi xe đi Chợ Rồng, lại chuyển xe về phố Hàng Tiện, đến nhà anh Hà là bạn của Đỗ Đại Khoa. Bạn niềm nở đỡ vali đón tôi hỏi: Có gì nặng thế? Tôi ghé tai bạn nói thẳng: Tòan bướm cả đấy! Bạn mang vali lên gác để nơi kín đáo. Chúng tôi vừa ăn vừa bàn cách móc nối với anh em trong trường sỹ quan. Sáng hôm sau tôi đi lững thững qua nhà máy dệt, lảng qua trước cổng trường thấy Nguyễn Tô mặc đồ patigiăng (partisan) quần lửng đang đứng gác. Chúng tôi trao đổi ám hiệu cho nhau, tôi lại quay về Hàng Tiện. Sau đó các anh em nội tuyến trong trường lần lượt tới nhà anh Hà nhận bướm mang về. Xong việc, tôi định về bằng máy bay, nhưng ba ngày mới có một chuyến nên đành phải đi trên xe bus Con Thỏ trở về cho sớm. Đến gần Phủ Lý, một xe khách bị trúng mìn, lật nghiêng, có người chết. Lính kéo tới phong toả hai đầu đường, bắn xả đạn sang hai bên đồng ruộng và làng mạc quạnh hiu. Chúng bắt tất cả khách xuống xe làm việc lấp đường. Công việc mất chừng hai giờ lại khai thông, xe đi tiếp… Qúa tam ba bận! Anh tài xế tây lai qua gấp bao nhiêu bận rồi? Mấy tháng sau, nghe tin anh bạn Paul dễ mến ấy không thóat khỏi tai họa trên con đường khủng khiếp này!

Tôi trở về trong sự mong đợi của bạn và em. Em ra mặt giận nhưng vẫn lo cho tôi một bữa ăn giải mệt. Tuy nhiên chuyến đi công phu, nguy hiểm nhưng kết quả không đáng là bao vì không có người lãnh đạo, không có tổ chức và đặc biệt là tinh thần anh em sa sút, phân hóa không còn được như trước nữa.

Ngày ấy tôi mới 20 tuổi, mải mê công việc, luôn lo đối phó với những bất trắc mà vẫn đến các rạp chiếu bóng đều hàng tuần vì nhớ các thần tượng là những cô đào xi nê nổi tiếng. Trong mớ tài liệu của tôi lẫn cả ảnh các tài tử đẹp lộng lẫy một thời: Barbara, Stanwich, Jane Powel, Elizabet Taylor, Vivieu Leign… Quanh tôi lại có nhiều bạn gái rất vui vẻ, hồn nhiên và tình cảm. Các bạn thường khoe nhau: Công tử có cái cười tít mắt! Không hiểu là chê hay khen nữa? Có lần mẹ nói với bố tôi: Thằng này con mắt đa tình! Bố tôi cười bảo: Con trai phải đĩ! Sau ngày cưới, vợ tôi đe: Từ nay không được cười tít mắt với ai nữa nhé! Trời ơi! Khi cười tôi có muốn tít mắt đâu? Cái tật trời buộc vào tôi đấy! Tuy nhiên đôi mắt của Tố Như khác hẳn. Đôi mắt ấy đen, to và sáng như gương với hàng mi dài dưới cái trán thông minh cứ thóang hiện lên trong lúc tôi ngồi học, cả trong lúc chở hàng đi phân phát cho các cơ sở và trong lúc ngủ. Nghĩ tới đôi mắt ấy lòng tôi xôn xao lay động. Nhưng tôi chưa một lần nói với em điều ấy.

Ngày tôi bị địch truy đuổi, muốn giấu em mà không được. Em lo lắm. Biết tôi phải chạy ra hậu cứ, em bảo:

- Tại sao không chịu đi Pháp mà cứ lao vào những chuyện này?

Tôi giận, nhưng nhìn em đẫm nước mắt biết chỉ vì thương tôi.

- Ở ngòai ấy khổ lắm, anh không chịu được đâu. Hay là cho em theo anh với!

Không hiểu tại sao tôi nổi tính cục lên, hỏi em cộc lốc:

- Tại sao cô lại đòi đi theo tôi trong lúc nguy hiểm thế này?

Em gục xuống bàn nghẹn ngào thổn thức nói thật lòng:

- Vì em yêu anh… Anh có biết không?

Tôi bần thần đứng ngây ra. Đó là điều tôi thầm mong ước mà chưa dám nói ra ngay cả với chính mình, vậy mà em đột ngột bộc bạch ra trong tình thế này làm tôi luống cuống không biết phải làm gì. Tôi rón rén lui ra, kéo bạn tôi lên xe phóng vội như chạy trốn.

Khi đã yên ổn ngòai hậu cứ rồi mới hồi nhớ lại. Tôi tự trách mình cộc cằn nông nổi. Liệu em có hiểu rằng tôi không muốn em dấn thân vào con đường gai góc như tôi? Bây giờ biết rằng mình được em yêu tôi lại tiếc. Giá như được quay lại nơi ấy, những ngày tháng êm ấm tràn đầy tình thương. Thật đẹp biết bao.

Sau gần nửa năm xa Hà Nội, tôi lại được trở về thành phố thân yêu nhưng lúc này với nhiệm vụ mới và kỷ luật gắt gao của người quân báo. Tôi chỉ dám liên hệ với bạn Đỗ Đại Khoa tại nhà anh tôi ở phố Hàng Bồ. Bạn biết tình cảm của chúng tôi, chỉ nói:

- Nó nhớ mày lắm đấy!

Nhưng tôi không được phép tự do muốn quan hệ với ai cũng được. Một hôm tôi đóng vai một công tử đạp xe bát phố. Vừa tới chợ Hàng Da, thóang thấy em lái chiếc Peugeot – 203 phóng lướt qua. Tôi không tự chủ được mình, phóng xe vọt đuổi theo. Tới phố Hàng Bông xuýt đụng vào thằng tây say. Nó tóm ghiđông (guidon) xe nhấc bổng lên trừng trừng nhìn tôi. Tôi chợt tỉnh vội vàng xin lỗi nó. May mà tôi nói được tiếng Pháp nó có phần nể. Tôi vừa rạo rực nhớ em vừa chột dạ về ý thức kỷ luật của mình.

Cuối năm, tôi lại được gọi ra căn cứ đặc khu Hà Nội ở Nho Quan nhận nhiệm vụ mới. Dù đã ở trong rừng sâu nhưng cán bộ hoạt động nội thành phải thực hiện chế độ sinh hoạt cách ly chặt chẽ. Chỉ một người đến ở nhờ một nhà dân. Giờ ăn, có người đem cơm canh đặt trong cái mâm tre đặt bên bờ suối gần nhà, vỗ tay to lên làm hiệu rồi bỏ đi. Mang về, một mình một mâm! Thỉnh thoảng có người đến rầm rì trao đổi công việc. Muốn đi dạo chỉ loanh quanh một góc rừng. Chủ nhà là người Mường thấy lạ, tưởng mình là tù giam lỏng, sau quen dần và nói chuyện vui vẻ.

Chiều 30 Tết, đơn vị tổ chức liên hoan đón xuân. Mấy nhân vật đặc biệt chúng tôi được lẻ tẻ đưa đến hội trường sớm nhất, trong đó giăng sẵn một loạt màn. Mỗi người vào một ô có để một mâm nhỏ qùa tết. Những người đến sau đông nghẹt hội trường thì trời tối mịt rồi. Lãnh đạo chúc tết và thông báo có quà tết từ Hà Nội gửi ra, cả hội trường náo nhiệt hẳn lên. Cảm động nhất là có một bó hoa ladơn (glaieul) trắng và một bó hoa thược dược còn tươi nguyên. Đúng là chỉ ở Hà Nội mới có loại hoa này nhưng làm sao nhanh vậy? Lòng tôi chợt cồn cào nhớ về thành phố. Nhớ em! Đêm giao thừa rừng sâu âm u mà bao nhiêu hình ảnh phố phường, rừng người, rừng hoa cứ hiện rõ lên mồn một. Nhớ tết năm nào, mấy anh em dạo rong chợ hoa Đồng Xuân. Thật ra tôi hân hoan trong lòng được đi diễu với em chứ có để ý gì đến hoa đâu. Chợt em nắm tay tôi chỉ bó hoa hồng:

- Anh thấy có đẹp không?

Tôi chỉ cười thôi. Em thích thì cái chi chẳng đẹp! Chợt em ghé sát tai tôi thì thầm:

- Hoa hồng này có gai! Nếu em được là hoa hồng thì em… không có gai đâu. Anh đừng sợ nhé!

Đấy là lời tỏ tình mà sao lúc ấy tôi ngây ngô qúa không nhận ra? Đến lúc em nói “Em yêu anh”! thì tôi lại ngớ ngẩn sợ qúa bỏ đi! Tôi tự trách lâu nay cứ tưởng mình ghê lắm mà ngu quá! Nhưng dù sao tôi vẫn là người hạnh phúc. Tôi được em yêu!

Sáng mồng một dậy sớm ra suối rửa mặt đã thấy gói quà và mấy phong thư. Tôi vồ ngay lấy. Thư mẹ, thư bạn và cả thư em. Tôi ngồi ngay bên bờ suối ngấu nghiến đọc thư. Đọc đi đọc lại không biết chán. Chợt có mấy bạn quen Hà Nội được phép tới chúc tết nhau. Tôi đem ra con gà cúng tết, khoe tài nấu nướng của mình. Các bạn phát hiện ra cái màng mỏ, màng móng chân chưa bóc và đặc biệt, cả cái phao câu với cái diều đầy cơm vẫn còn nguyên. Thế mà mọi thứ đồ ăn cũng bay vèo! Bao nhiêu chuyện về Hà Nội cứ tuôn ra kể mãi. Chính T. khóc rưng rức: “Em nhớ con qúa”! Hòan cảnh Chính T. thật trớ trêu: Còn trẻ, không đẹp sắc sảo nhưng có duyên. Làm tình báo bám đối tượng là một tên Phòng Nhì mà lại bị nó chinh phục và có con với nó. Tổ chức sợ bị vỡ lây cơ sở, gọi ra họp rồi không cho vào thành nữa! Không ai muốn nghe  chuyện buồn vào lúc này, mấy bạn lui về trước. Chính T. rủ tôi đi loanh quanh trong một xẻo rừng. Cô than thở về nỗi oan trái của mình và hỏi cách gỡ ra. Tôi không biết nói gì để an ủi cô, cũng không biết mách nước cho cô gỡ ra như thế nào. Cô đi sát như dựa vào tôi. Tôi không nỡ để bạn cảm thấy bị hờ hững lúc này. Bạn hỏi về tôi, trêu chọc tôi:

- Công tử Hà thành lại dày dạn phong sương thế này chẳng lẽ không có em nào chết mê chết mệt hay sao?

Tôi lại giở ra thói cộc cằn:

- Người như tôi khỉ cũng chẳng mê đâu!

Cô dừng lại hai tay bíu vào vai tôi, hỏi lửng lơ:

- Một người phụ nữ có con rồi mà yêu một chàng trai chưa vợ liệu có được không?

Sao lúc này tôi tỉnh thế. Tôi nhẹ nhàng gỡ tay em ra, thân mật:

- Mình chưa rơi vào cảnh ấy bao giờ nên không thể trả lời vu vơ được. Nhưng người ta bảo vợ chồng là duyên số. Chính T. thấy có đúng không?

Tiễn bạn về rồi, quay vào nhà, lại lôi thư ra đọc. Lúc này trong tôi, quanh tôi chỗ nào cũng chỉ có em thôi. Em không nói gì về em cả, chỉ trêu chọc tôi thôi: “Người như anh làm sao chịu được những vất vả, nhọc nhằn, thiếu thốn và bệnh tật? Đã định dấn thân vào chốn phong trần rồi không tập làm lụng, thổi cơm, giặt giũ dần cho quen đi. Bây giờ có bị mọi người chê bai thì đừng trách ai đó nhé”! Em lại kể ra có bao nhiêu cô luôn hỏi thăm anh, nói rằng nhớ anh lắm. Chứ em thấy có gì mà nhớ đâu nào? Em lại mách chuyện một nhà giàu có lắm quen thân với bố mẹ tôi, hứa sẽ gả cho cô con gái rượu đẹp nết na đang học trường Saint Marie rồi lo cho hai vợ chồng bay ngay qua Paris, muốn học lên cũng được, muốn buôn bán cũng có sẵn cửa hàng. Rồi em khuyên tôi: “To đầu rồi, đừng dại lâu mãi nhé!”. Tôi biết rằng tuy nói ra những điều ấy nhưng trong lòng em khác. Em luôn nghĩ về tôi vì em yêu tôi. Thư của bạn cùng hoạt động phong trào cho biết có tin đồn tôi đã bị bắt, gia đình bị nắn hầu bao nhiều lắm rồi đưa vào ở Sài Gòn nhưng không ai nghe cái tin vịt ấy. Các bạn tin tôi và luôn nhớ tôi, mong gặp tôi lắm. Tôi được yêu, được tin. Còn gì sung sướng hơn không? Tôi nghĩ trong đầu những điều sẽ viết cho em. Phải nói rằng mình có lỗi với em vì rất yêu em. Mình là người hạnh phúc nhất trên đời này vì được em yêu. Tôi vốn không có năng khiếu về văn chương nghệ thuật. Nhưng lúc này đọc mấy tập thơ chép tay của các bạn sao tôi mê thế. Nhà thơ nói thay lòng mình cả niềm vui lẫn nỗi đau lúc đang yêu. Đúng qúa! Thật qúa! Cứ như buột ra từ lòng mình, đọc một lần nhớ mãi. Đến bây giờ tôi vẫn thuộc một số thơ tình dạo ấy. Mở đầu bức thư tình đầu tin và cũng là cuối cùng gửi cho em, tôi ghi mấy câu thơ:

Tình yêu hỡi cho lòng ta yên tĩnh

Muốn xua người ra khỏi đáy tim này

Em yêu ơi đã bao lần ta cố lánh

Để cho lòng dang thẳng cánh tung bay

Nhưng em ạ có ngờ đâu đôi mắt

Khóa thân anh trong những cánh song tù

Mắt ở nơi nơi mắt ngời trước mắt

Phút yên lành tan giữa tối âm u

                                 Puskin

Đôi mắt to-đen-sáng rỡ của em luôn dõi nhìn tôi và tôi được soi mình trong đó. Em sống cho tôi và tôi sống vì em. Đời tôi qúa đủ rồi! Tôi viết và chụp trên vi film. Kỹ thuật rửa phóng bạn tôi giỏi lắm. Lỡ gặp bất trắc, mở ra chỉ là film trắng.

Học xong, tôi vào thành ngay. Công việc cuốn hút vì diễn biến chiến sự thay đổi nhanh chóng từng ngày. Khi có Hiệp định Genève, mọi công việc của chúng tơi là tập trung tìm người đánh vào Nam. Hòan cảnh gia đình em công khai có rất nhiều thuận lợi. Tôi báo cáo với trên gọi Đỗ Đại Khoa ra căn cứ giao nhiệm vụ. Tôi được gặp em. Vui lắm vì chiến thắng của ta lớn qúa. Buồn lắm vì lại phải xa nhau. Nhưng tin lắm vì thắng lợi cuối cùng tất đến. Chúng tôi còn trẻ. Khoảng thời gian trước mắt thóang rộng mênh mông. Em không muốn đi mà không dám trái lời tôi cũng vì em yêu tôi và tin tôi. Tuy nhiên trong lòng tôi day dứt lắm. Người ta đoàn tụ thì mình chia ly. Một năm qua đằng đẵng qúa rồi. Mấy hôm liền tôi không ăn, không ngủ, thuốc hút liên miên, lầm lỳ. Mọi người thấy tôi hốc hác.

Hôm tiễn đưa hai anh em, tôi được giao đọc lệnh đặc biệt cử Trung đội trưởng Đỗ Đại Khoa và Tiểu đội trưởng Đỗ Thị Tố Như cùng với bí số liên lạc, tiếp tục bám địch vào Nam. Đọc lệnh xong tôi đốt ngay. Đến lúc đó em còn đòi ở lại. Tôi phải nén lòng hết sức dỗ dành: Em đi trước rồi tôi sẽ đi sau, phân tích để em nhận ra: con viên chức ngụy quyền cao cấp mà anh bỏ đi còn em ở lại lấy chồng cộng sản, dễ bị bóc vỏ lắm? Tôi dựa vào cái mốc hai năm để thuyết phục em.

Em đi rồi tâm trạng tơi cũng rối bời và nhớ em da diết. Có lẽ đó là tâm trạng của người tương tư. Có phải là sự cố tình mà thủ trưởng lại cử tôi vào việc chuẩn bị tiếp quản Hải Phòng? Sáng hôm sau tôi lao đi tức tốc. Không để ý bảng tốc độ, tôi liên tục giục tài xế tăng tốc, cậu ta cũng chạc tuổi tôi phát bẳn lên: “Mới hòa bình, xin bố cho con an tòan lấy vợ”! Đôi mắt đen, to, sáng rỡ lúc nào cũng hiện ra trước mặt. Tôi bơi giữa dòng sông trong trẻo đó. Như người đang trong mơ tỉnh dậy khi tôi xuống tới nơi thì cả hai anh em bạn đã bay đi chuyến sớm!

Trở về Hà Nội, đứng ngồi không yên. Tôi liều lĩnh nghĩ ra kế rủ Châu H. xuống Hải Phòng rồi điện hai anh em bạn quay ra đó. Đúng gan ruột cả chị và anh. Châu H. không bỏ lỡ cơ hội giục tôi đi gấp. Bạn tôi nhất định sẽ ra. Đây là việc làm tối kỵ với người tình báo vì tôi không xin ý kiến cấp trên. Tôi sẽ giữ em ở lại vì em nhất định không chịu xa Hà Nội và đề cử Châu H. thay em. Sẽ không ai từ chối cả. Cấp trên phải chịu thôi!

Nhưng khôn không khỏi trời! Bạn tôi chỉ ra một mình vì em bị ốm do thời thiết hai miền mưa nắng khác thường! Tôi thất vọng bao nhiêu thì các bạn tôi vui vẻ bấy nhiêu. Tôi không quên được tâm trạng của mình ba ngày đêm trực chờ trong nhà trọ vào mùa mưa Ngâu năm ấy.  Đêm không ngủ được. Ngòai trời tối đen. Sấm chớp ở thành phố biển này nghe cũng khác. Gió thổi ào ào trong mưa dài rả rích. Tất cả dội vào lòng càng dâng lên nỗi nhớ mênh mang:

Gió gào thét trong rừng

Trên mái nhà mưa gió

Đêm nay nghĩ tới em

Tới nơi xa em trọ

Dù em ở nơi nao

Dù mưa gào gió thét

Không hạnh phúc nào hơn

Biết em trên trái đất !

                                          Sipasev

Em có biết tôi đang nghĩ tới em không?

Trên đường về, niềm an ủi của tôi là nhìn thấy nét mặt hân hoan của bạn!

Cấp trên hòan tòan không biết gì về việc tôi làm, lại chỉ thị tôi chuẩn bị vào Sài Gòn công tác trong phái đoàn liên lạc hai bên Quân đội nhân dân Việt Nam  với Quân đội liên hiệp Pháp. Hy vọng tưởng đã tắt lại bùng lên. Va ly sẵn sàng, chỉ cần giao tờ lệnh là tôi nhanh chân nhẹ bước. Thời gian chờ đợi, tôi tích cực ôn tiếng Pháp chắc chắn sẽ cần.

Đúng là mọi sự đều có trời ở trong. Thủ trưởng trực tiếp Nguyễn Đỗ của tôi gặp họa oan gia. Anh từ Sài Gòn trở ra với bộ mặt buồn thiu. Ông anh ruột của anh – nhạc sỹ Tử Phác mới vào tù! Anh phải bàn giao công việc ngay cho người khác. Tổ công tác của anh cũng giải tán theo… Không dưng tôi bị vạ lây!                    

Chỉ còn nguồn hy vọng duy nhất là chờ đợi thêm hơn năm nữa đến ngày tổng tuyển cử theo Hiệp định. Dần dần tôi càng vỡ ra cái ngày ấy còn nằm trong mơ. Luật đời không ai tránh khỏi và tôi ngộ ra duyên phận tại trời!

Ba năm sau ngày thống nhất đất nước, lần đầu tiên tôi đặt chân tới Sài Gòn. Lúc ấy những dư chấn lịch sử vẫn còn rúng động trong lòng mọi người và đặc biệt ở phía Nam, nhất là Sài Gòn. Không dễ hiểu để dễ tin nhau khi thế sự lôi cuốn hàng triệu triệu người vào một cuộc chiến quyết liệt lâu dài như thế. Sự mất mát của mỗi người không sao sánh được. Khi niềm vui của người này là nỗi đau của người khác lại càng khó nhận ra nhau. Tuy nhiên tự thâm tâm chúng tôi vẫn dành cho nhau những tình cảm đặc biệt. Trước hết chúng tôi vẫn nghĩ tốt về nhau. Tròn hai chục năm xa cách, một thời xuân trẻ đã qua, bây giờ đều ở tuổi nhi bất hoặc rồi. Chuyện đời biến đổi không gì lạ cả. Chúng tôi biết mình phải làm gì. Vậy mà khi em hiển hiện tôi vẫn không khỏi hồi hộp bàng hòang. Là em đó? Sau tròng kính trắng vẫn là đôi mắt to đen tuy không còn rỡ ràng sáng trong như trước nữa, tươi cười cho cuộc trùng phùng.

Giữa cuộc vui, em đứng dậy nhìn tôi nói khéo:

- Em nghe nói ngòai miền Bắc rất nghèo. Anh không có ô tô, tivi, tủ lạnh và thiếu nhiều thứ lắm. Chúng em đã sắm đủ cả để…

Tưởng đó là lẽ đời thường tình làm vui lòng tôi lắm. Nhưng mặt tôi nóng rực lên. Cái tính cộc cằn ương bướng làm tôi không tự chủ được, bật đứng dậy đùng đùng bỏ lên gác trước sự sững sờ yên lặng của những người thân ngồi đó...

Tôi biết chứ, Sài Gòn lúc đó rì rầm câu vè châm biếm chua cay “Miền Nam nhận họ / Miền Bắc nhận hàng”! Hệ quả của bao nhiêu năm quản lý ngặt nghèo khiên cưỡng đã sinh ra những con người mới đỏ vỏ xanh lòng?! Tôi tự hỏi: Bao lâu nay chúng ta lăn sả vào rừng bom biển lửa để giữ gìn phẩm giá con người hay chỉ để được mấy thứ vặt vãnh này?!

Gần hai chục năm sau, bạn Đỗ Đại Khoa của tôi từ Canada về nước, tìm người xưa cảnh cũ, lúc đầu thăm dò, sau về thường xuyên và tích cực làm từ thiện bằng nghề y của mình. Tôi có dịp kể lại chuyện đã qua:  

- Dù tình yêu của em với moa không trọn vẹn nhưng moa mãi cảm ơn em vì tình cảm ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho moa vượt qua mọi trắc trở trên đường đời vốn không bao giờ bằng phẳng. Moa luôn nghĩ mình phải thật xứng đáng với tình yêu của em. Ngày xưa, tình cảm của em giúp moa cứng cỏi, vững vàng, tự tin, tự hào. Mà bây giờ em hạ thấp moa, coi thường moa quá!

Bạn tôi bảo:

- En (elle) không kể chuyện ấy với moa. Nếu khôngquên rồi thì en cũng không muốn nhắc tới nữa đâu. Toa (toi) hãy quên đi! Dù sao en vẫn là nữ giới. Ngày xưa là con gái, bây giờ là đàn bà, khác chứ!

Bạn cũng như tôi. Dù đã vượt ngưỡng tuổi cổ lai hy rồi nhưng tình cảm Đỗ Đại Khoa với Châu H. dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Thời gian càng xa, những sợi tơ kéo dài ra lại càng mong manh. Sẽ đến lúc chỉ một cơn gió nhẹ cả ngó và tơ đều tan biến vào cõi vô cùng.

Những năm 1980, cuộc sống càng bất ổn. Cái ranh bên này–bên kia vẫn hằn sâu. Người ta nhìn nhau đố kỵ trong khi máu xương vẫn chưa ngừng đổ. Ai cũng nghĩ rằng mình khổ nhất. Một bên tìm lối thóat nơi miền đất hứa. Cái cột lèn mà “li lược” cũng “li”! Thà rằng thí mạng “Một là ăn cá / Hai là cá ăn”. Trong khi một bên nằm gọn giữa gọng kìm chiến tranh biên giới và bao vây kinh tế, lại cứ mê mải với ánh hào quang của “hai ngọn cờ chiến thắng”, tự hành mình bằng những “kế hoạch hóa” nông nổi vội vàng, bằng chính sách “ngăn sông cấm chợ” ngặt nghèo dớ dẩn. Bây giờ nghĩ lại vẫn rùng mình!

Em cùng gia đình rời bỏ quê hương trong hòan cảnh ấy và một đi không trở lại!

Ở Ottawa – Canada, trong khu phố Việt ngay giữa khoảng trống có tượng Thuyền nhân (Boat people) khá ấn tượng: Một bà mẹ quần áo sũng nước dính sát vào người, vẻ mặt ngơ ngác, tay ôm đứa con nhỏ chạy trốn đi đâu?

Hỏi nguyên cớ vì sao? Không phải mọi người đều trả lời trùng một ý nhưng đó là những ngày ảm đạm trong trang sử tổ quốc mình. Chỉ có thời gian mới hóa giải được thôi.

Với mỗi người, dù qúa khứ đau thương hay vui sướng cũng là một phần đời của mình, không thể nào quên.

Cũng như tôi không thể nào quên em.

 

(đón đọc Chương 6: TIẾNG HÁT TUỔI HAI MƯƠI)

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_HNBDd.php

11-Nov-2017

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

 

Trang Văn Học