HÀ NỘI BỂ DÂU

- truyện ký -

BS Nguyễn Văn Thịnh

VIẾT TỪ ANGOLA

Phiêu phiêu hà sở tự

                   Thiên địa nhất sa âu

Đỗ Phủ

(Lênh đênh nào biết chi đâu

              Giữa vùng trời đất chim âu một mình

Hoàng Tạo dịch)

X uân Đinh Mão – 1987

Angola – Benza Congo

Em và các con yêu thương!

Liền ba cái Tết bố xa mẹ và các con. Bố cũng nhớ nhưng chắc mẹ và các con nhớ nhiều hơn. Nỗi buồn bao giờ cũng kèm theo nỗi nhớ. Bố chỉ buồn ít thôi! Ở đây ngoài mấy anh em mình bồn chồn dấm dứt còn người ta thì dửng dưng!

Chưa sáng đã ơi ới tiếng người gọi nhau lấy nước vì nước máy chưa tới từng nhà nên dân chúng thường đến lấy nước ở những vòi công cộng hoặc xin từ một công sở nào gần đó. Người ta không quen gánh như mình mà đội trên đầu. Họ đội tài lắm. Đàn ông, đàn bà, già, trẻ, quấn cái khăn đệm trên đầu cho êm, tùy sức mà mang cái chậu, cái bình, cái can… Chân bước thoăn thoắt, vừa nói chuyện vừa cười đùa vui vẻ lắm mà không một giọt nước sánh ra!

Tiếng còi xe bệnh viện hối thúc mời đi hội chẩn. Một ca song sinh cần mổ gấp. Bác sỹ Ngoại kiêm thêm Phụ – Sản. Bác sỹ Nội – Nhi kiêm thêm việc gây mê – hồi sức. Có những lúc người thầy thuốc cần sự đa năng nhưng phải trên cơ sở có tinh thần trách nhiệm và chịu học. Thời buổi phát triển thông tin thì việc học không mấy khó khăn nếu như mình chịu khó. Tuy nhiên dù chịu khó bao nhiêu cũng không thể “cái gì cũng biết”. Người thầy thuốc không tự biết sức mình sẽ là điều tai họa! Công việc cuốn hút làm mình quên đi. Đầu năm được đón hai đứa bé xông đất tin là gặp nhiều may mắn!

Tối về, mấy anh em quay lại chúc tết lẫn nhau. Mỗi người một cảnh, một tâm trạng nhưng giống nhau một điều là cùng đi… cứu đói! Bao nhiêu sinh mạng, ước vọng ngong ngóng vào một người nên cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện bày vẽ ra làm gì. Tuy nhiên để có được một chai rượu tây là điều không khó, lại chẳng mất tiền mua! Rượu vào gan ruột dễ phô ra. Thế là tưởng vui thành buồn, nỗi mừng thành nỗi nhớ. Không cầm lòng được, mấy cô khóc tu tu khiến đám mày râu mủi lòng… giải tán.  Rượu chưa cạn tiệc đã tàn!

Bây giờ mới là lúc nhớ nhà, nhớ những phong tục quê hương. Bố chỉ có một bình hoa nhưng có hai bát hương. Từ lâu rồi, ngày đầu năm, thắp nén hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên, bao giờ bố cũng thắp một nén nữa dành cho một người. Mẹ và các con đã biết lơ mơ nhưng chuyện cụ thể thế nào chưa bao giờ bố kể vì đó là một chuyện buồn khó có dịp nói ra. Quá khứ càng xa càng không muốn nhắc dù vẫn in đậm trong lòng. Buột đọc lên mấy câu thơ Hòang Cầm :

     Em đi một thoáng trăm năm

  Nơi đâu em ngủ tôi nằm lênh đênh

     Đầu nghiêng gối nặng tay mình

  Chợt rung mắc áo dáng hình cheo leo         

mà lòng trằn trọc. Mênh mông nỗi nhớ quê, nhớ cảnh, nhớ người... Nhớ lại chuyện xưa... 

Thời kháng chiến, những người hoạt động nội thành thường có nhiều bí danh. Bạn cũ mỗi người gọi một tên từng liên quan với họ. Cái tên Hòa nhiều bạn biết chính là bí danh của một người con gái. Không phải là bạn học thời niên thiếu, cũng không phải là kỷ niệm một mối tình dang dở. Nhưng người con gái ấy để lại những kỷ niệm không thể phai mờ một thời trai trẻ đầy sôi động và đặc biệt đã gây nên nỗi xúc cảm tột cùng đau đớn trong tôi.

Ngày ấy tôi vừa bước qua tuổi đôi mươi, còn ít tuổi hơn con trai tôi bây giờ, công tác ở đơn vị quân báo mặt trận Hà Nội, làm nhiệm vụ trinh sát nửa bí mật nửa công khai. Đơn vị đóng ở đâu cũng đùm đề máy móc thông tin tè tè tạch tạch góc nhà. Cán bộ chiến sỹ đi về lúc đôn đáo tất tả, kín kín hở hở, chẳng chào hỏi ai; lúc vắng hoe mấy người đủng đỉnh ru rú trong nhà. Đàn ông, đàn bả, người già, người trẻ, người dáng sang trọng, người vẻ dãi dàu, nam thanh, nữ tú, ăn mặc lộn xộn nửa quê nửa tỉnh càng dễ làm người ta để ý, nhất là những cô gái trẻ. Quy định của đơn vị là hạn chế quan hệ với dân. Nhưng vẫn phải dựa vào dân để sống, để hoạt động có hiệu quả! Thiếu ăn cũng phải bám vào dân. Cần chỗ ở kín đáo cũng phải nhờ dân. Giữ bí mật cho mình cũng là dân mà phát hiện ra địch cũng từ dân. Đơn vị thường xuyên di chuyển nhưng cũng chỉ loanh quanh một địa bàn tả–hữu con sông Hồng quẩn quanh mấy huyện thuộc tỉnh Hưng Yên và Hà Nam giáp ranh thành phố. Dần dần dân cũng nhận ra mình là ai nhưng địch vẫn không biết rõ mình ở đâu! Con đường vào thành thường đi theo hai quốc lộ số Năm và số Một thuộc các huyện Mỹ Hào, Khóai Châu và Phủ Lý, Duy Tiên – cách nhau con sông Hồng dù mùa khô cạn hay mùa nước lũ đều là cản trở không dễ vượt qua. Ở mỗi chốt đều có giao thông viên và cơ sở được tuyển chọn kỹ càng. Bên tỉnh Đông có cô Hòa thường đi với tổ tôi theo ngả Mễ Trì. Cô em nhanh nhẹn, tháo vát, gan dạ nhưng hay tò mò. Có lần cô phàn nàn:

- Chúng em không biết mình là người của ai? Đội du kích bảo giao cho các anh làm giao thông. Chỉ có mỗi việc là đưa với đón. Nhưng có phải ngày nào cũng có việc đâu. Thế là cứ ngong ngóng chờ. Chẳng ai giao việc cho mình. Buồn muốn chết! Thế mà mấy đứa nó lại tỵ mình được phục vụ quân chủ lực. Bộ đội gì lạ ghê? Sống với dân cứ kín kín hở hở, tối ngày ở trong nhà kiêng cữ như gái đẻ, hát cũng chỉ lí nhí mình nghe. Nói chuyện với nhau cứ thì thào như bán bạc giả. Thế mà lại có anh ra dáng xúng xính đồng hồ Wiler, bút máy Parker, khi lại đeo cái kính gọng to dị tướng chẳng nhìn rõ mặt!    

Chúng tôi lảng đi:                                

- Mỗi người một việc, hơi đâu để ý làm gì. Như em đưa đường, các anh có bao giờ hỏi chỗ này chỗ nọ là đâu không?                                          

- Ối giời ơi, “Oai oái như phủ Khóai xin cơm”! Cái phủ Khóai Châu này ai mà chẳng biết!       

- Thế em làm được gì nào?                   

- Nữ du kích Hòang Ngân làm gì cũng được!

- Thế em có biết Hòang Ngân là ai không đã? – Tôi truy.          

Cô trả lời vanh vách:                                                  

- Là một nữ chiến sỹ cách mạng dũng cảm kiên cường từng vào tù ra khám. Chị là người lãnh đạo Hội phụ nữ cứu quốc đấy.

Là chiến sỹ của Mặt trận Hà Nội, chúng tôi còn biết chị đã đính hôn với nhà cách mạng Hòang Văn Thụ và sau Cách mạng tháng Tám, chị là người trẻ nhất trong số những cán bộ lãnh đạo quan trọng của Thủ đô. Tiếc thay hai anh chị đều hy sinh để lại tấm gương trung trinh bất khuất; đồng chí, đồng bào đều cảm phục mến thương.

Từ đấy, chúng tôi nghĩ ra chuyện dạy thêm chữ cho các cô vào những thời gian trống. Chủ yếu là chép chính tả và mấy phép tóan cơ bản thôi. Bài thơ Bên kia sông Đuống của Hòang Cầm dài thế mà Hòa thuộc và ví von tài lắm. Có lần đang đi cô ấy khóat tay bảo: 

- Xanh xanh bãi mía bờ dâu ngô khoai biêng biếc / Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ… Các anh thấy có đúng không này?        

Trời tối, một bên là triền sông, một bên lao xao trong gió tiếng lá cọ vào nhau xột xoạt. Chúng tôi cảm thấy cái thần của câu thơ lay động trong lòng.

Một hôm tôi nhận lệnh phải bắt một “cái lưỡi” quan trọng để khai thác thông tin. “Cái lưỡi” này là thằng tây đồn trưởng mới điều về. Tất nhiên phải bàn với anh em du kích. Bàn bạc mãi cuối cùng thống nhất phải dùng mỹ nhân kế. Chúng tôi giao nhiệm vụ cho Hòa. Cô giãy nảy lên:

- Eo ôi… Đi cặp kè với con khỉ lông lá xồm xòam ấy em sợ lắm!

Chả là thằng trung uý trẻ này có bộ râu quai nón tỉa tót bảnh chọe lắm. Nhưng sau một lúc nghĩ thế nào, cô lại thanh minh:

- Thầy u em với bà con làng xóm mà trông thấy thì chỉ có chết thôi, em chịu!

Biết dỗ được cô cũng khó, tôi hỏi một câu:

- Sao em bảo nữ du kích Hòang Ngân làm việc gì cũng được?

Cô ngồi thừ ra, nước mắt rơm rớm. Tôi động viên:

- Chỉ cần nó nhận ra em để có thể nhờ được một việc nhỏ thôi.

Mấy hôm sau đã thấy cô quanh quẩn ở nhà dấu cha tô điểm và le te đi chợ mỗi ngày. Khi qua cái đồn tây cô lại bỏ nón ra tung tăng ngoe nguẩy cười duyên. Chỉ vài lần cả quan lẫn lính đều quen mặt biết tên. Cái máu gái thì đám lính tẩy thằng nào chẳng thế. Cô chẳng khó làm quen, chuyện trò mắt liếc hông đưa. Viên trung úy trẻ như mèo thấy mỡ, đám lính phải giãn ra. Bà con thôn xóm thấy cô nhiều người ngoảnh mặt đi. Hàng xóm nghe tiếng ông la mắng con:

- Con Chải vác cái mặt về nhà này không sợ bà con làng xóm người ta chửi cho à? Cái mặt dày như mo cau của mày không rát chứ cái mặt tao thì nó chín dừ, không dám nhìn thẳng vào ai nữa!

Bà mẹ một lần ra chợ thấy con gái cười toe toét với đám lính tây trắng tây đen trước cửa đồn, bà giận run lên, để rơi cái thúng hàng. Bao nhiêu rau, quả, trứng, ốc, tôm, cua… lăn ra long lóc vỡ be bét! Bà bỏ mặc đấy, tay gạt nước mắt quay quảy bỏ đi. Mấy thằng tây cười hô hố xì xồ:

- Oh… C’est de la folie! (Ô… Đồ điên!)

Cô ôm mặt khóc nấc lên nhưng khi bỏ tay ra, ngước nhìn đám lính cô lại cười sằng sặc. Chúng vỗ tay reo hò ầm ĩ ! 

Tên sếp tây trẻ tỏ vẻ hào hoa với những món qùa nhố nhăng tình tứ tưởng dễ chinh phục được cô gái quê phương đông nghèo khổ…

Chúng tôi thông báo về trên hợp đồng hành động.

Qui luật của mấy thằng sỹ quan là trưa thứ bảy tót về thành phố nhảy nhót ăn chơi tới sáng thứ hai mới mò về điểm binh. Vậy hành sự vào chiều chủ nhật là tạo cho nó có cớ vắng trại công khai và ta dễ dàng đào thóat.

Trưa thứ bảy, trên đường từ phố huyện lên thành phố, cô gái quê lễ mễ cắp cái thúng nặng đi bên một tiểu thư dáng dấp tỉnh thành đủng đỉnh. Hai người vừa đi vừa ngóng ra đường. Nhiều xe vẫy gọi họ tảng lờ đi. Xa xa bóng chiếc xe jeep nhà binh quen thuộc lao tới. Hai cô từ vệ đường đi lấn ra. Chiếc xe gần tới, cô gái quê dừng lại, bỏ nón ra vẫy vẫy. Viên trung uý đồn trưởng nhận ra người quen, dừng xe lại, bập bẹ lơ lớ mấy câu tiếng Việt:

- Oh! Chao… co gai… đi đao?

Cô gái chỉ lung tung vào mình, thúng gạo, tiểu thư và hướng về thành phố, tay huơ huơ ra hiệu:

- Moa (moi = tôi)… ma sờ (ma soeur = chị tôi)… alê (aller = đi) mông đu me (Pont Doumère = cầu Long Biên)… Hà Nội!   

Chàng sỹ quan Pháp nhảy xuống, đỡ thúng gạo đặt lên xe, không quên vọc tay rà sâu đáy thúng rồi vui vẻ cười :

- Xin moi… hai co!                              

Không ngờ tiểu thư nói tiếng Pháp lưu lóat cười tươi chủ động bước lên ngồi bên tay lái. Cô gái quê ngồi sau, đội nón sùm sụp khư khư ôm thúng gạo. Chàng sỹ quan tây bắt chuyện tiểu thư nói cười vui vẻ quên béng người quen. Tới bên kia cầu Long Biên, cô gái quê kêu ơi ới. Xe dừng lại. Cô gái nhảy tót xuống kéo theo thúng gạo, chàng sỹ quan si tình mới chợt nhớ ra:

- Oh! Oh!

Tiểu thư ngăn lại. Hai người nói gì với nhau rồi tiểu thư phẩy tay ra hiệu cho cô em đi. Viên sỹ quan Pháp lịch sự đưa tay chào kiểu nhà binh. Chiếc xe vọt đi.

Coi như nhiệm vụ của Hòa đã hòan thành.

Chiều hôm sau chủ nhật. Chập tối, tôi dẫn một tổ du kích ra phục sẵn bên đê con sông chảy qua phố chợ. Dọc bên đây sông là bãi mía um tùm. Một chiếc thuyền dân đậu sẵn sát bờ. Trời tối mịt. Có ánh đèn nhỏ lờ mờ phía bên kia. Đúng ám hiệu! Tôi xuống thuyền qua sông. Trong bóng tối nhập nhoạng nghe tiếng người thở hồng hộc rồi nhận ra mấy người quần áo súng ống như là lính ngụy từ một quán hoang nhô ra, lôi xềnh xệch một người to lớn và đẩy vội y xuống thuyền, giục:

- Khẩn trương lên!

Tôi ngồi sát tên tù binh Pháp, nắm chặt hai cánh tay y, ra lệnh:

- Écoute moi si tu veut vivre… Ne pas bouger! (Nghe tôi nếu anh muốn sống… Không được động đậy!).

Chiếc thuyền rời nhanh khỏi bờ chỉ vang lên tiếng khua nước nhẹ. Sang bờ, mấy du kích ào xuống kéo tên tù binh vượt lên đê lủi nhanh vào bãi mía. Chiếc thuyền lướt đi nhanh. Công việc coi như hòan thành. Chúng tôi làm ám hiệu an tòan. Mọi sự lại trở về yên tĩnh.

Hòa nhanh nhẹn tháo băng bịt mắt tên tù binh và cô ngồi xuống tháo luôn đôi giày treo lên cổ nó:

- Cho nó mở mắt nhìn đường mà đi chứ không chạy được!

Tôi nói cảnh cáo:

- Tu es arrête! (Anh đã bị bắt!)             

- Hắn run lên cầm cập ngoan ngõan đi theo người con gái một tay dắt một tay lõng thõng xách theo đôi giày của nó.

Tôi và tổ du kích bốn người suốt đêm luồn lách ậm ạch đưa «cái lưỡi» ra khỏi vùng tề lúc trời vừa sáng.

Khi rút cái khăn ra khỏi miệng, thằng tây lăn kềnh ra, hai chân nó xưng vù. Nó nhận ra Hòa, hai hàng nước mắt chảy xuống, giọng nó óan trách:

- Tôi không làm điều gì xúc phạm tới cô mà sao cô nỡ lòng đối xử với tôi thế này?

Nghe tôi thông dịch lại, Hòa đang ngồi thở bật đứng dậy, vơ khẩu súng dí vào tai nó, mắt quắc lên, nói to như muốn hét:                                            

- Ai bảo mày sang cướp nước tao?       

Thằng tây sợ quá run rẩy giơ cao hai tay lên trời.

Tôi cùng Hòa áp giải tù binh về hậu cứ. Tôi tranh thủ lấy khẩu cung. Thằng này học Saint Cyr mới ra thì bị đưa sang Đông Dương và tống về đây. Hòa lo hậu cần. Chiều chiều dừng chân tạm nghỉ, cô lại chạy vào nhà dân mượn nồi nấu nước, giã gừng, xin muối pha vào cho nó ngâm chân, mua thuốc cho nó hút. May mà cô giữ lại đôi giày của nó. Nhìn thằng tù binh chân giày rảo cẳng phì phèo điếu thuốc trong khi cô du kích dẫn giải te te chân đất nhễ nhại mồ hôi, thấy cảnh trái khóay thế nào! Thế mà nó nhiều lần năn nỉ:

- Xin các ông đừng giết tôi! – Nó nhìn Hòa xin xỏ:… Nhờ cô nói với các ông sỹ quan tha mạng cho tôi!

Có lần Hòa mắng nó:

- Ai thèm giết mày tốn thêm viên đạn. Thả mày về nước để con vợ mày nó… thiến đi cái của nợ ấy đã mang họa cho mày!

Thằng tây cười khùng khục xua tay lắc đầu lia lịa:

- Không... Không! Bên nước tôi không có chuyện ấy đâu! Xa nhau chẳng chịu chờ lâu. Gần nhau mà không thích nữa cũng chia tay thôi… Tôi mới qua đây mấy tháng, con vợ ở nhà đã cặp với thằng khác rồi!

- Cái giống tây nó bạc! – Cô nhận xét thế.

Khi bàn giao tù binh quay về căn cứ, Hòa nắm tay anh tình nhân tây hờ căn dặn:

- Muốn sống về với cha mẹ phải khai thật hết ra đấy nhé!

Chúng tôi về căn cứ đúng lúc gặp trận càn. Đơn vị tôi đã rút đi. Du kích chia nhau gài mìn rồi phân tán.

Bên đối phương, mấy ngày sau từ chỉ huy tới đơn vị mới xác định viên trung úy đồn trưởng bị mất tích. Chúng truy tìm Chải thì cô gái đã lặn biệt tăm! Chúng bắt cha mẹ cô lên đồn tra khảo. Dỗ dành dọa dẫm không xong, chúng diễn trò đánh đập hành hạ thể xác ngay với người già cũng không nương tay. Các cụ cứng cỏi cãi lý:

- Người của các ông mất tích, con gái tôi cũng mất tích. Sao các ông cứ đổ riệt cho tôi? Tôi kiện sỹ quan các ông dụ dỗ con gái nhà người ta hành cho đến chết rồi phi tang mất xác, bỏ trốn đi có được không?

- Vì con gái ông là du kích!

- Con cái làm du kích theo Cụ Hồ hay làm “lính dõng” theo ông Bảo Đại cũng là quyền của nó. Ở bên tây, có người chịu đi lính sang đây bắn giết dân chúng tôi, cũng có người không chịu làm như thế, các ông có bảo được họ không?        

Đuối lý,  chúng phải thả ra và mở cuộc càn này lùng sục. Ông bà nhắn ra với anh em:            

- Bảo cho Chải… Thầy u hiểu con rồi! Đừng lo gì cho thầy u nữa. Cứ yên tâm đánh giặc cho đến ngày nó phải cút đi!                                        

Nhiều lần chúng tôi phải chui xuống hầm bí mật. Có lúc chỉ có hai người trong khi địch la hét đi lại rầm rập săm soi ở trên. Hòa trấn an tôi:

- Anh yên tâm. Hầm này có hai ngăn. Nếu lộ, anh xuống ngăn dưới, em ở lại đối phó với chúng nó. Lỡ có chuyện gì em chịu!

Lúc ấy không kịp nghĩ mình là con trai trước một người con gái. Tôi đáp lại như một phản xạ tức thì:

- Em xuống đi. Để đó cho anh!            

- Không được đâu! – Giọng cô dứt khóat:… Các anh cần cho kháng chiến hơn em!                  

Tôi rất xúc động trước sự quên mình cao cả ấy, nắm chặt tay em. Bên trên nghe im ắng dần, nỗi căng thẳng qua đi. Hòa hỏi tôi có ý trách:

- Sao anh giỏi tiếng tây thế mà giấu mãi? Nhiều lúc em cứ nghi nghi. Trông anh có vẻ học sinh qúa. Thì ra anh là “lính cậu”!

Tôi cười, thầm nghĩ: Vâng, tôi là “lính cậu”! Người ta quen nhìn anh “lính cậu” với con mắt vừa thương yêu quí mến vừa chê trách nghi ngờ. Còn riêng em?!

Tôi phải trở về đơn vị. Hòa ở lại bám cơ sở giữ đường dây liên lạc. Buổi chia tay bịn rịn lắm. Hòa nuối tiếc những buổi học và còn đòi tôi dạy thêm cả tiếng tây nữa. Tôi dặn Hòa cứ tự nghĩ ra các con số để làm thành thạo bốn phép tính đi. Ngoài ra đọc hết mấy cuốn truyện và các tờ báo chúng tôi để lại. Cô gật đầu mà nước mắt rưng rưng. 

Khoảng cuối năm 1953, một tổ năm người chúng tôi do anh Đỗ trực tiếp chỉ huy xuống làm việc khẩn với nội tuyến trong thành ra. Tới Khóai Châu trời đã về chiều. Gặp “điểm” để nắm tình hình. Địch mới thay một trung đội Âu – Phi vừa rút chạy từ mạn ngược về. Bọn này bị mất mạng nhiều nên cảnh giác lắm, thường thay đổi qui luật tuần phòng và nơi phục kích. Chúng tôi yêu cầu đêm mai phải qua đường Năm bằng được để gặp người mình. Hòa đi thăm dò về báo cáo phải đổi tuyến đường sang huyện Mỹ Hào. Chúng tôi hành quân tới điểm hẹn lúc trời vừa tối. Cơ sở cho biết qua lộ càng khuya càng an tòan hơn vì thường đến nửa đêm về sáng, trời lạnh đám lính tuần chán nản rút về đồn. Nhưng yêu cầu công việc phải kết thúc ngay trong đêm. Để trời sáng nguy hiểm cho cả hai bên. Hòa suy tính lui xuống chỗ định vượt qua chừng vài trăm mét tuy rằng đường đi xa và vất vả hơn, phải lội qua mấy cái ao bèo và vũng trâu đầm trong lúc đang vào mùa rét. Chúng tôi chấp nhận theo phương án của Hòa.

Chờ khoảng 9 – 10 giờ tối, lúc ấy xe cộ dân sự không còn dám đi, lựa khoảng thời gian xe lính chểnh mảng tuần phòng chúng tôi sẽ tranh thủ vượt qua. Lúc này Hòa với tôi mới có chút thời gian nói chuyện riêng. Cô khoe:

- Số sách báo các anh để lại chúng em thay nhau đọc hết mấy lần, đứa nào cũng thuộc. Đọc cuốn Xung kích em thấy nhớ anh qúa. Anh Kha thương nhỉ! Anh Sản cụt tay mà vẫn chỉ huy đánh giặc được. Tài ghê!

Tôi động viên :

- Em ham học lắm. Giá mà được học thì cũng chẳng thua ai đâu!

- Người nhà quê chúng em nghèo lắm, làm sao đi học được!

Lòng tôi trào lên niềm thương cảm, nắm lấy tay em :

- Giá như đến lúc ấy vẫn còn sống, anh sẽ đón em lên thành phố lo cho em học!

Bàn tay ấy run lẩy bảy trong tay tôi, giọng Hòa buồn thế:

- Về thành thiếu gì con gái học cao, nhà giàu lại đẹp nữa. Như em là các anh quên ngay!

Tôi nắm chặt hơn bàn tay ấy, nâng lên, kéo lại gần mình. Lời nói như buột ra từ gan ruột:

- Không đâu. Anh sẽ không bao giờ quên em!

Anh Đỗ ngồi dựa bụi cây bên kia giục:

- Giờ này xuất phát được rồi!

Chúng tôi bật dậy bước lại gần anh. Hòa phổ biến mật khẩu:

- Hỏi “Hai ba”, đáp “Cá chép”, các anh nhớ nhé!

Ai đó hỏi đùa:

- Tại sao không là cá trắm, cá chuối, cá quả, cá trê, cá mè?

Hòa cười rúc rích:

- Cuối năm ông Công, ông Táo chả ngồi trên lưng con cá chép lên chầu trời là gì? Bất ngờ, dễ nhớ!

Ai đó bật cười nhưng im bặt ngay.

Hòa xoay mình xăm xăm tiến ra phía lộ. Năm người chúng tôi men theo bờ ruộng giữ đúng cự ly đi theo cái bóng nhập nhoạng phía trước. Cách lộ chừng vài chục mét, Hòa dừng lại dặn chúng tôi nằm chờ để cô vượt lên quan sát. Con đường tối đen. Lâu lâu có chiếc quân xa tuần phòng bắn vãi đạn vu vơ. Thời gian chờ đợi thật căng thẳng và hồi hộp. Tôi chợt nhớ tới câu mật khẩu “cá chép” mà trong lòng có cảm giác nôn nao vơ vẩn. Lúc lâu sau, Hòa quay lại nói rất nhanh:

- Các anh bám sát bên này bờ. Em vượt sang bên kia đường cái. Nghe tiếng hòn đất em ném lại các anh vọt qua ngay!                          

Chúng tôi có cảm giác xuôi chèo, đều trong tư thế sẵn sàng. Bóng Hòa nhấp nhô lên khỏi mặt đường, cao dần và cô lao về phía trước. Tôi nhổm người lên cũng vừa lúc những loạt đạn từ phía bên kia bắn chéo cánh xẻ lên mặt đường. Trong ánh đạn đỏ lừ, tôi thấy rõ bóng Hòa đổ sụp xuống. Như một cái máy bật dậy, tôi lao lên giữa đường. Khẩu AK47 báng gấp trong tay nhả đạn xối xả hết băng này tới băng khác. Đồng đội tôi cùng lao lên tiếp ứng. Năm khẩu AK bắn liên hồi. Đám lính la lên hốt hoảng: “Bỏ mẹ rồi… Chủ lực chúng mày ơi!”. Những tiếng chân người tháo chạy. Tôi xông tới ôm thốc Hòa đang nằm úp sấp bên vệ đường và quay đầu chạy với một mãnh lực phi thường. Tới bờ tre đầu thôn trước đó vừa ngồi đợi, tôi đặt Hòa xuống. Người em mềm nhũn, những dòng máu vẫn còn ri rỉ. Anh em vừa tụ đến, tôi lại vác xác người con gái lên đi không định hướng. Có ai đó đỡ tôi mang khẩu súng và vượt lên trước dẫn đường. Chân vẫn bước đi mà đầu óc tôi tăm tối ong ong như muốn nổ tung ra. Mãi tới khi có người nắm tay giữ lại, tôi mới tỉnh ra và nhận thấy đang đứng giữa một sân chùa lạ. Đồng đội đỡ xác Hòa đặt nằm ngay ngắn giữa sân. Chúng tôi ngồi quây quanh xác người nữ du kích ấy. Ai cũng rã rời buồn bã. Tôi cởi chiếc áo ngòai phủ lên xác Hòa. Dù trời đã khuya mà tôi không cảm thấy cái gió lạnh giữa đêm đông. Bỗng từ phía sau chùa có tiếng chân người. Chúng tôi đứng bật dậy tản ra. Một sư ông đi tới chỗ Hòa nằm. Chúng tôi đứng dậy. Sư ông chắp tay cúi đầu nhìn người đang nằm đấy:

- Nam mô A di đà Phật! Nghe tiếng súng nổ, bản chùa biết là có sự chẳng lành. Cầu cho vong hồn chúng sinh siêu thóat phiêu diêu miền cực lạc!

Anh Đỗ tiến đến sát bên nhà sư:

- Bạch thầy! Chúng tôi qua lộ bị giặc phục kích. Một đồng chí hy sinh!

Nhà sư quay vào chùa, lát sau cầm theo cây đèn dầu hoa kỳ, bình nhang và một thẻ hương. Nhà sư đặt cây đèn bên đầu người chết và châm mấy nén hương. Tôi lấy từ trong túi ra chiếc khăn, lau mặt em còn đẫm mãu và bùn đất. Nhà sư cúi xuống nhìn kỹ mặt người nằm đó rồi quay lại nói với chúng tôi:

- Tha nhân này người bên xã Vĩnh Long, con ông bà cả Chải. Nghe đâu như cô ấy bỏ du kích về nhà rồi tư tình với tên quan tây đồn trưởng? Hai người dẫn nhau đi đâu biệt tích!             

Tôi càng đau đớn trong lòng, chỉ ngồi lặng thinh mà nước mắt tuôn rơi lã chã…

Lúc ấy anh Đỗ chỉ kịp thanh minh:

- Bạch thầy! Đồng chí này là chiến sỹ thuộc đơn vị chúng tôi. Đang trên đường công tác gấp, xin để tử sỹ nương dựa cửa chùa!

Anh kéo tôi ra góc sân dặn nhỏ:

- Đồng chí cần bình tĩnh và tỉnh táo. Tưởng lỳ lắm mà sao xúc động mạnh thế?! Cậu ở lại kết hợp làm công tác tử sỹ, sau đó về điểm hẹn. Dù sao vẫn phải cảnh giác. Đừng để bị bám đuôi!

Sư ông bảo tôi ra phía sau chùa, cùng tháo gỡ mấy cánh cửa đóng thành một chiếc áo quan sơ sài. Dù sao người chết cũng không phải phong phanh nằm sâu dưới lòng đất lạnh. Chỉ có tôi với nhà sư tay cuốc tay xẻng liêu xiêu khiêng chiếc quan tài ra đồng. Tìm được một nơi thấp cho khuất và đất dễ đào…

Hòa đã nằm yên dưới một nấm mồ đơn sơ. Thầy chùa an ủi tôi:

- Tha nhân qua cõi tạm được tòan thây yên mộ thế này là có Quan âm Bồ tát đỡ cho đây. Bao nhiêu người qua đường bỏ mạng đều bị lòai yêu quỉ bêu đầu trên cọc dọa người sống, còn phần thân thể tứ chi bị dòng vào xe chạy kéo lê dọc đường cái quan này cả mấy cây số đến khi thân thể nát nhừ chúng còn cho xe cán qua bẹp dí để phơi giữa đường.

Tôi cầm cây súng giơ lên định bắn loạt đạn như lời tiễn biệt với một người lính nhưng kịp nghĩ không nên làm gì kinh động lúc này. Tôi nói mấy lời cảm ơn, xin gửi gắm đồng đội ở đây nhờ nhà chùa hương khói và cúi áp sát xuống vỗ về trên nấm mộ như lần cuối cùng nắm tay em tiễn biệt.

Tôi đi loanh quanh vòng vo cảnh giác đề phòng trong tâm trạng thẫn thờ. Mấy ánh sao khuya mờ trong đêm đen dày đặc tưởng như mấy ngọn nến lắt lay trên nấm mồ chơ vơ lạnh giá giữa đồng. Khi tới điểm hẹn, anh em thấy tôi bơ phờ thất sắc đều im lặng chia sẻ nỗi đau với tôi.     

Sau này từ cơ sở báo lên đêm đó chúng tôi gặp điều xúi quẩy. Nơi đụng không phải là ổ phục chính. Một sự tình cờ, hai đội tuần tây và ngụy cùng tới điểm. Lính tây chiếm ổ dọn sẵn rồi. Đám lính ngụy hậm hực kéo nhau lui xuống nằm khểnh chiếu lệ và đang định rút quân. Nghe tiếng AK nổ chúng biết không phải là du kích nên bỏ chạy tán loạn. Bọn tây nằm im mặc xác.

Dù thời bình hay thời chiến vẫn có sự may rủi với từng sinh mạng.

Bí danh Hòa gắn với đời tôi từ đấy!

Mấy năm sau, tôi có dịp về Hưng Yên. Hòa bình rồi mà làng quê không yên ả chút nào. Người người nhìn nhau sợ hãi, nghi ngờ, thù hận?! Tôi tìm đến gia đình Hòa lúc đó đang mắc nạn. Trong cải cách ruộng đất, địa phương quy gia đình ông Chải vào loại phản động vì có con gái phải lòng thằng quan tây rồi bỏ đi theo giặc. Nỗi oan Thị Kính trớ trêu! Tôi về gặp đơn vị cũ làm giấy xác minh trường hợp của cô và đề nghị truy phong liệt sỹ.

 Đầu năm kể chuyện buồn nhưng nếu không có những ngày tha hương vô vị thế này chưa biết đến lúc nào bố mới có dịp nói ra. Các con sẽ đọc vào dịp khác. Điều vui có thể quên đi song chuyện buồn cần nhớ!

 Với mọi người ở đây, những ngày này chẳng có ý nghĩa gì vì lẽ đơn giản địa dư, khí hậu, con người và tập quán khác xa mình. Angola ở miền nam Châu Phi. Là thuộc địa của Bồ Đào Nha, đến năm 1975 mới giành được độc lập nhưng chiến tranh vẫn liên miên chưa biết bao giờ chấm dứt. Hình như thế giới này vẫn hỗn mang. Các nước nghèo khổ luôn bị giằng xé bởi nhiều thế lực, nội tình chia rẽ tranh giành chém giết lẫn nhau. Người dân mặc nhiên bị lôi kéo theo bên này bên nọ, cứ thế đào sâu mãi hận thù! Không hẳn vì là nước nhỏ bởi Bồ Đào Nha (Portugal) diện tích chưa bằng 1/10 thuộc địa này dù rằng dân số như nhau, cũng như nước ta với Pháp – diện tích và dân số chênh lệch chẳng bao nhiêu, nhưng cái đầu thì khác! So với Angola, Việt Nam ta dân số đông hơn 7 lần trong khi diện tích chỉ bằng 1/4 nước họ với 1600 kilômét dọc bờ tây của Đại tây dương. Bố không là nhà địa lý chính trị học để đi sâu tìm hiểu đặc điểm dân tộc, tiềm năng kinh tế và thực trạng đời sống dân dã thế nào nhưng không thấy người rách rưới, dù quần áo đẹp vẫn chân trần. Nước họ có nhiều dầu mỏ và người dân được hưởng dư dả của cải ấy. Khi ốm đau, tới bệnh viện không phải đóng tiền, không phải cầu cạnh kẻ này người khác, thuốc chưa hết hạn đã hủy đi rồi chứ đừng nói chuyện quá “date” còn tận dụng! Tuy nhiên sự cách biệt xã hội còn xa vời lắm. Họ thân cận với Cuba và cũng tuyên bố là một nước xã hội chủ nghĩa, tất nhiên là theo kiểu riêng của họ. Trong khi chỉ có một chủ nghĩa tư bản dù là ở phương tây hay phương đông thì chủ nghĩa xã hội có nhiều kiểu qúa. Polpot, Khieu Samphan cũng là một thứ xã hội chủ nghĩa, lại được kẻ khai sáng hậu thuẫn và dung dưỡng! Trong khi người ta coi chuyện biên giới đã lỗi thời, tiến tới dùng chung một đồng tiền thì bạn bè đồng chí vẫn  còn quyết liệt tranh nhau cái cột mốc trên đất liền, cái phao ranh trên biển! Người ta chính kiến bất đồng mặc lòng tranh cãi công khai, võ khẩu chán lại võ tứ chi, chốn nghị trường như giữa chợ trời chứ không công khai nhất chí một lòng nhưng ngầm đặt điều vu oan tạo án diệt nhau!

Mấy người từ các nước phương tây qua đây phần lớn thuộc các tổ chức phi chính phủ đi làm từ thiện, tất nhiên lẫn trong đó có người nhà nước đi làm việc riêng của họ. Trong khi nhiều nước xã hội chủ nghĩa đưa sang đủ thứ chuyên gia, để tuyên truyền cho một thiên đường hạ giới hay là cùng cảnh rủ nhau đi tha phương cầu thực?!             

Cuối năm nay hết hạn ba năm, bố sẽ về, chấm dứt cái thân phận đi bán sức làm thuê. Gọi là chuyên gia để sỹ với người thôi vì từ chuyên gia đúng nghĩa là những người có chuyên môn cao mang thể diện quốc gia đi khai hóa cho người. Nhưng với ta từ già đến trẻ, từ thấp đến cao cầy cục xin xỏ có khi phải trả bằng mọi giá mới được hưởng ân huệ ấy! Bố tới làm việc ở bệnh viện của một tỉnh biên giới phía bắc khỉ ho cò gáy còn thua tỉnh Cao Bằng. Họ trọng chuyên môn, giao việc cho mình làm, không cần họp hành bộ tứ bộ tam gì cả. Nhưng cầm đồng tiền của người ta ai cũng biết phải làm cho tử tế kẻo lỡ bị cắt hợp đồng là “mộng vàng tan vỡ” dù chỉ là chút bụi vàng thôi! Như bố, hai bên nhà nước ký hợp đồng trả 1200USD / tháng. Nhưng nhà nước ta thu 1000USD – Quản lý thế nào? Chưa nghe một cơ quan nào công bố! 100USD mẹ con ở nhà lên Bộ nhận thay vì đồng lương của bố. Ở đây mỗi tháng người ta phát cho bố 100USD. Ăn người nuôi cũng như ta cho Bác sỹ trực ăn một bữa thì người ta cho mình ăn ba bữa. Ăn trực mà được vậy là phủ phê chán rồi! 100USD ấy không mấy ai dám chi tiêu cho mình, chỉ quanh quẩn gom nhặt, nhờ vả tìm mua hàng gì có thể gửi về và nhận qùa gửi sang hàng đống những… bàn chải đánh răng để tăng thêm thu nhập! Vậy làm sao bình đẳng với người được trong khi mình sống cảnh xa nhà?! Bàn tay giơ ra nắm trong chốc lát chứ ai giữ nổi tối ngày. Những gương đẹp ẩn đâu khó thấy nhưng những điều nhơ nhuốc khó giấu nổi ai! Bố chẳng thể nói ra mà cứ ấm ức trong lòng vì những việc làm của không ít đồng bào đồng giới mình nơi xứ người xa lạ này! Nó nảy nòi từ đâu ra?! Từ một số người, rồi đến một bộ phận người, giới nào cũng có. Cái bộ phận ấy cứ trương phình ra... Cỏ dại mọc nhanh hơn lúa! Túng quẫn - Nghèo hèn - Quan tham - Dân gian như điều nhân quả! Khi tràn lan cả xã hội rồi thì càng khó sửa vì nó sẽ không còn giới hạn của sự nghèo – túng – gian – tham!

Bố giảng dạy lâu năm nên quen kết hợp công việc hàng ngày với làm nghiên cứu. Bố thu thập được hàng trăm tiêu bản máu có ký sinh trùng Trypanosomia gây bệnh ngủ rất đặc biệt của xứ Châu Phi mà nhiều người sợ lắm. Mấy chuyên viên của tổ chức WHO (Ytế thế giới) mê lắm. Họ yêu cầu bố cộng tác và sẽ trả lương 2000USD mỗi tháng. Bố xin ý kiến bên nhà không cho. Để tránh mang tiếng ham tiền, bố chỉ xin được hợp tác khoa học vô tư nhưng cũng không được chấp thuận! Hồi còn ở nhà, bố cộng tác với chuyên gia Liên Xô viết sách, báo bằng tiếng Nga, đồng nghiệp bạn quý lắm vì bệnh học nhiệt đới với họ còn xa lạ, nhưng lại bị nghi ngờ có động cơ chính trị nào không? Không ít người làm khoa học, văn nhân bị phiền hà rắc rối lao đao!

Bố sẽ về thôi vì thực ra so với nhiều người, gia cảnh nhà mình cũng còn dễ thở. Tuy nhiên cái đói thì không nhưng cái túng còn dài. Bao giờ thoát được cảnh túng thiếu vẫn là điều mong mỏi. Nhưng túng thiếu theo thời. Biết thế nào gọi là đủ được. Bố vẫn nhớ lời bà dạy: “Ăn cơm với mắm phải ngắm về sau / Ăn cơm với rau ngắm sau ngắm trước”. Đời bố chưa phải là mất hết, còn nhiều điều may. Trước kia bố được sống trong hòan cảnh gia đình khá giả nhưng ông bà vẫn luôn dạy bố phải biết ngắm trước nhìn sau. Ông thường bảo: “Trông lên thấy chẳng bằng ai / Trông xuống ít ai bằng mình”. Thời trai trẻ, chưa hiểu hết ý cha, có lúc bố cũng tung tăng tung tẩy viển vông. Nhưng bố lớn lên trong hòan cảnh đặc biệt, sớm nhận ra hoang phí là có tội, viển vông cũng vô ích. Bố cần mẫn chắt chiu.

Ngày xưa ông bà làm nên cũng phải dựa vào các cụ. “Có bột mới gột nên hồ”. Tằn tiện căn cơ mỗi đời một chút, dần gây nên cơ nghiệp. Sốt ruột làm giàu chỉ có cách buôn chui bán lủi, lừa gạt, giật giọc, làm ra cái của bất chính trước sau cũng “của thiên trả địa – mình trần vẫn mảnh da” thôi!

Những  ngày đầu xuân trên đất lạ xứ người, bố uống rượu không nhiều, chỉ cà phê và hút thuốc nhớ quê thôi.

Cuộc đời thật trớ trêu. Dù không xa lạ nhưng bố vẫn không thể vô cảm trước cảnh những người đói ăn, rách mặc, vai bị, tay gậy lang thang giữa đường mưa nắng xin chút tình thương để có miếng ăn độ nhật. Bố từng âm thầm trăn trở xót xa “mục sở thị” những người trong đầu đầy chữ mà dạ dày trống rỗng đành mang từng quyển sách vẫn coi như vật báu của mình ra chợ bán rao, miễn có người mua bất kể gía nào, độ nhật qua ngày. Nhưng bây giờ nghĩ cho cùng tuy chưa như kẻ ăn mày, chưa là người bán rong sách qúy nhưng có khác chi kẻ đi bán rong chất xám của mình ở đất Châu Phi này với bất kể gía nào đâu?! Chỉ khác ở cái mỹ từ được gọi là chuyên gia!

Bố đang mong từng ngày để về với mẹ và các con đây!

Thân quý tặng Bác sỹ Nguyễn Phúc Nghị

Nguyên chiến sỹ quân báo Mặt trận Hà Nội

 

 

 

(đón đọc Chương 5: CÁI THUỞ BAN ĐẦU LƯU LUYẾN ẤY)

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_HNBDc.php

11-Nov-2017

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học