TÔI ĐỌC :

HIỂU THẾ NÀO VỀ « TỘI TỔ TÔNG »

Của Nguyễn Thùy

Trần Chung Ngọc

ngày 28 tháng 6, 2009

Có vẻ như bạn bè biết tôi dễ tính, nên thỉnh thoảng cứ muốn hành hạ tôi, làm phiền tôi, bằng cách gửi cho tôi những bài viết về những vấn đề trong Ca-tô Rô-maGiáo. Một trong những bài này là bài «Hiểu Thế Nào Về Tội Tổ Tông» của Nguyễn Thùy, không biết anh bạn lấy từ đâu, vì không cho tôi biết, nhưng tôi tin là bài này không phải là một tài liệu ma.

Đọc bài của những người trí thức Ca-tô Rô-maGiáo Việt Nam, kể cả các linh mục, tôi nhận ra một điều. Chẳng có người nào đáng mặt trong lãnh vực học thuật, vì tất cả những gì họ viết thường chỉ là dựa trên những niềm tin mù quáng và cũ kỹ, đã không còn giá trị trí thức trong thời đại này, hoặc diễn giải lệch lạc Thánh Kinh theo cảm tính, và tệ hơn cả là chẳng biết gì mấy về chính tôn giáo của mình, về các công cuộc nghiên cứu của các bậc lãnh đạo trong tôn giáo của mình, hay về các diễn biến trong giáo hội, và nhất là, không có mấy sự lương thiện trí thức. Hầu như ai cũng chỉ muốn «vinh danh Thiên Chúa trên trời» bằng cách «chống Cộng cho Chúa» cho nên bao giờ cũng gài vào ít điều ruồi bu chống Cộng tuy viết về những đề tài chẳng ăn nhằm gì đến Cộng sản, thí dụ như trong bài về «tội tổ tông» trong Ki-tô giáo của Nguyễn Thùy.

Gần đây, trước sự kiện là chính giáo hội Ca-tô Rô-maGiáo đã bác bỏ những tín điều cốt tủy của giáo hội vì đã lỗi thời, không còn giá trị trước sự tiến bộ trí thức của nhân loại, thí dụ như về «thuyết sáng tạo trong Cựu Ước», «tội tổ tông», «sự sống lại của Giê-su», «Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội» v…v… nhưng vẫn duy trì những điều mê tín hoang đường này trong đám con chiên thấp kém, một số người nghiện đạo trong Ki Tô Giáo, và cả một số người mang danh là trí thức Ca-tô Việt Nam, đã tìm cách giải thích lại những tín điều cốt tủy trong Ca-tô Rô-maGiáo để làm nhẹ bớt những sự vô lý trong những tín điều đó. Chiều hướng chung trong việc giải thích lại các tín điều của giáo hội là lờ đi những điều khó có thể chấp nhận trong Cựu Ước và thổi phồng vai trò của Giê-su trong Tân Ước. Nhưng nếu bỏ đi Cựu Ước thì tất cả những gì viết trong Tân Ước đều vô nghĩa. Cho nên sách lược giải thích lại một số tín điều chỉ để giữ các tín đồ thuộc loại «bảo sao nghe vậy», chứ không có giá trị thuyết phục đối với giới trí thức và người ngoại đạo.

Đối với những trí thức Ki-tô Giáo Việt Nam thì, vì không đủ kiến thức tổng quát, và vì vẫn mang nặng những niềm tin mù quáng của thế kỷ 17, nên họ càng viết càng sai, càng tỏ ra trình độ rất yếu kém của mình. Điều này chúng ta thấy rất rõ trong bài viết giải thích láo về «tội tổ tông» của Nguyễn Thùy. Nếu cái hiểu của Nguyễn Thùy về «tội tổ tông» là đúng thì tất cả nền tảng giáo lý của Ca-tô Rô-maGiáo về sự sáng tạo của Thượng đế và về vai trò «Chúa cứu thế» của Giê-su cần phải thẩy vào thùng rác. Nếu mục đích của ông Nguyễn Thùy là như vậy thì đó là một hồng phúc cho nhân loại. Nhưng qua nội dung của bài viết, chúng ta thấy rõ ông Nguyễn Thùy không có mục đích trí thức sâu sắc như vậy. Dựa trên một câu trong Tân Ước, xin Chúa, dù Chúa chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của dân tộc Do Thái, hãy tha tội cho ông ta, vì thực ra ông ta không biết là mình đã làm những gì.

Đọc bài «Hiểu Thế Nào Về Tội Tổ Tông» của Nguyễn Thùy chúng ta thấy ngay là Nguyễn Thùy chẳng biết gì mấy về nội dung Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước. Nhưng tệ hơn cả là Nguyễn Thùy cho rằng tất cả những công cuộc nghiên cứu về thực chất cuốn Thánh Kinh và Ca-tô Rô-maGiáo chỉ là một cuộc «tranh cãi» mà Nguyễn Thùy cho đó là thủ đoạn của Cộng sản, trong khi trên thực tế, tôi chưa hề thấy một cuộc «tranh cãi» nào về tôn giáo cả. Với «lý luận» cho rằng thảo luận hay tranh cãi tôn giáo là rơi vào âm mưu dùng tôn giáo để gây chia rẽ của Cộng sản, mục đích của Nguyễn Thùy là vừa chụp mũ CS với hi vọng có thể bịt miệng được thiên hạ, vừa né tránh vấn đề học thuật trong tôn giáo, đặc biệt là Ki Tô Giáo nói chung.

Tại sao lại né tránh? Vì đối thoại công khai về tôn giáo thì tất cả những sự thật về Ca-tô Rô-maGiáo sẽ được phơi bày và đây là điều mà từ giáo hội mẹ cho đến các giáo hội con đều không muốn cho xảy ra. Cũng vì vậy mà các tác phẩm và những bài nghiên cứu về Ca-tô Rô-maGiáo trên giaodiemonline.com và sachhiem.net đều rơi vào loại «đơn phương độc thoại» trước sự «im lặng là vàng» của giáo hội Ca-tô Rô-maGiáo Việt Nam và của các trí thức Ca-tô. Lác đác chúng ta chỉ thấy vài luận điệu vu vơ của những kẻ vô danh như «đọc Thánh kinh mà không hiểu» hay «chống, phỉ báng Thiên Chúa giáo» hay tệ hơn nữa là chụp mũ CS và «ám sát cá nhân các tác giả» bằng những danh từ rất hạ cấp, vô giáo dục. Những người này tuyệt đối không đưa ra bất cứ một lý luận phản bác nào trong lãnh vực học thuật, hay một bằng chứng nào để làm hậu thuẫn cho những thủ đoạn chụp mũ của mình. Đối với những người này thì viết ra những sự thật về Ca-tô Rô-maGiáo tất nhiên phải là «tay sai của CS», chẳng buồn để ý là trong số hàng trăm tài liệu nghiên cứu đã được trích dẫn không hề có một tài liệu nào của CS mà toàn của các hồng y, giám mục, linh mục, giáo sư thần học, giáo sư đại học và các học giả trong Ki Tô Giáo..

Với lý luận quanh co và vô căn cứ về một quan niệm khác thường về «tội tổ tông», ông Nguyễn Thùy viết:

Bài dưới đây chỉ là một đoạn rút ngắn nói về ‘Tội Tổ Tông’ mà người viết nghĩ rằng trước nay chưa mấy được hiểu thấu đáo. Bài nầy, cũng như các bài khác, nhằm ‘trả lời’ cho những kẻ chống đối, phỉ báng Ki-Tô giáo như Trần Chung Ngọc, Vương Vũ,…cho rằng Ki-Tô giáo chỉ nói những điều vu vơ, không có ‘chứng cứ tính’ cùng ‘lý luận tính’; đồng thời cũng muốn tỏ bày với người Ki-Tô giáo nhận ra Thánh Kinh và lời Chúa Jésus không chỉ nói về mặt Đức Tin mà bao hàm cả mặt Tri Thức luận (épistémologie).

Ông Nguyễn Thùy muốn nói là trong 2000 năm nay, trong giáo hội Ca-tô không có ai hiểu thấu đáo về “tội tổ tông” và nay phải nhờ đến ông Nguyễn Thùy tỏ bày để khai sáng cho họ. Tôi nghĩ rằng, ông Nguyễn Thùy muốn tỏ bày với người Ki Tô Giáo, lẽ dĩ nhiên là người Ki-tô giáo Việt Nam, như thế nào thì tỏ bày, nhưng tôi tin chắc là những người Ki Tô Giáo Việt Nam sẽ chẳng quan tâm đến cái hiểu về «tội tổ tông» của ông Nguyễn Thùy, vì theo niềm tin đã cấy vào đầu óc họ từ khi rửa tội thì họ sẽ bác bỏ những ý tưởng hoang đường của Nguyễn Thùy về «tội tổ tông» ngay lập tức.

Tại sao? Vì cốt tủy đức tin trong Ca-tô Rô-maGiáo là về «tội tổ tông», nghĩa là tội do Adam mà người Ki-Tô coi là thủy tổ của loài người, không nghe lời Thượng đế, ăn trái cây trên cây hiểu biết để mở mắt ra, biết phải biết trái, cho nên bị Thượng đế đày phạt tất cả loài người về sau. Vì ai nấy đều mang cái gọi là “tội tổ tông” đó truyền lại từ Adam. Tất cả giáo lý về khả năng chuộc tội và cứu rỗi của Giê-su đều dựa trên cái huyền thoại bán khai về “tội tổ tông này”. Vì không có «tội tổ tông» thì không có tín điều «Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội», không có tín điều Chúa giáng sinh để «chuộc tội» cho nhân loại trước Thượng đế, không có bí tích rửa tội v..v…và do đó, vai trò của Giê-su chẳng qua chỉ là chuyện hư cấu.

Cho nên, điều mà tín đồ Ki-tô cần là khả năng chuộc «tội tổ tông» cho họ và «cứu rỗi» họ chứ không phải là sự giải thích quanh co lạc lõng và ngớ ngẩn về «tội tổ tông» của ông Nguyễn Thùy mà chúng ta sẽ đọc trong một đoạn sau..

Nhưng đối với những người ngoại đạo như tôi thì ông Nguyễn Thùy làm sao có thể trả lời khi mà ông dùng «đức tin» để mà trả lời «lý trí». Theo những sự nghiên cứu bằng lý trí thì Ki Tô Giáo không những chỉ nói vu vơ mà còn nói nhảm nhí rất nhiều, nói nhảm từ đầu đến cuối, nói nhảm về thuyết sáng tạo, về tội tổ tông, về Giáo hội Ca-tô Rô-maGiáo do Chúa Giê-su thành lập, về giáo hoàng là đại diện của Chúa trên trần, về linh mục là «Chúa thứ hai», về Đức Mẹ đồng trinh và vô nhiễm nguyên tội v..v…, nghĩa là nói nhảm về những điều nay đã không còn giá trị trước sự tiến bộ trí thức của nhân loại, nhưng vẫn còn hấp dẫn đối với một lớp người đặc biệt được các giáo hội Ki-Tô giữ chặt trong gọng kìm của mình, không cho phép nằm trong quá trình tiến hóa của loài người.

Đọc Cựu Ước chúng ta thấy phần lớn là những chuyện độc ác, tàn bạo, bất công, loạn luân, và đọc suốt cuốn Tân Ước, ông Nguyễn Thùy thấy chỗ nào những lời nói của Chúa Giê-su của ông có thể cho vào loại «tri thức luận», hãy chỉ tôi coi? Sau đây là vài lời nói điển hình của Giê-su trong Tân Ước, ông Nguyễn Thùy hãy thử dùng loại «tri thức luận» nào để giảng những lời «Chúa phán» này:

Matthew 10: 34-36: Đừng tưởng rằng Ta xuống trần để mang lại hòa bình trên trái đất. Ta không xuống đây để mang lại hòa bình mà là gươm giáo. Vì Ta xuống đây để làm cho con chống lại cha, con gái chống lại mẹ, con dâu chống lại mẹ chồng, và kẻ thù của con người ở ngay trong nhà hắn.

Luke 12: 51-53: Đừng tưởng Ta đến để đem hòa bình cho thế giới. Không, Ta đến để chia loài người làm hai. Từ đây, một nhà có năm người sẽ chia rẽ chống đối nhau: hai chống ba, và ba chống hai. Mâu thuẫn sẽ diễn ra giữa con trai với cha, con gái với mẹ, con dâu với mẹ chồng.

Matthew 12: 34: Ôi thế hệ của những loài rắn độc, ác như các ngươi làm sao có thể nói những lời tốt lành?

Matthew 18:6: Nếu ai làm cho một trong những đứa trẻ đã tin Ta phạm tội, thì tốt hơn cho hắn là buộc một cối đá vào cổ hắn và ném hắn xuống đáy biển cho chết đuối.

Matthew 23: 13: Khốn cho giới dạy luật và Biệt Lập, hạng đạo đức giả;

Matthew 23:15: Khốn cho các ông, hạng giả nhân giả nghĩa;

Matthew 23: 16: Khốn cho các ông, hạng lãnh đạo mù quáng

Matthew 23: 33: Ngươi là loài rắn, ngươi là thế hệ của những rắn độc, làm sao các ngươi thoát khỏi hỏa ngục?

Luke 8: 24: Nếu ngươi không tin ta là con Thượng Đế, ngươi sẽ chết trong tội lỗi của ngươi.

Luke 14, 26: Nếu kẻ nào đến với ta mà không "căm ghét" cha mẹ, vợ con, anh chị em, và ngay cả đời sống của hắn, thì hắn không thể là môn đồ của Ta.

Luke 19:27 : Hãy mang những kẻ thù của Ta ra đây, những người không muốn Ta ngự trị trên họ, và giết chúng ngay trước mặt Ta.

John 6:35: Ta là thức ăn của đời sống.

John 8:12, 9:5: Ta là ánh sáng của thế gian

John 10: 11, 14: Ta là người chăn chiên chí thiện

John 11:25: Ta là Sự Sống Lại và là Sự Sống

John 14:6: Ta là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (I am the way, the truth, and the life)

John 10:30: Ta với Cha Ta là một.

John 10:36: Ta là Con Thiên Chúa

John 12:49: Ta không nói theo ý Ta; Chính người Cha sai Ta xuống đây đã cho lệnh Ta phải nói những gì và nói như thế nào.

Giê-su: một người thường sống với một ảo tưởng

Những lời nói ác ôn và những lời tự nhận khoác lác trên, và nhiều lời tự nhận khác về cái "Ta" của Giê-su trong Tân Ước, mà không có bất cứ một bằng chứng hay dấu hiệu nào chứng tỏ những lời tự nhận đó là đúng, rõ ràng là bắt nguồn từ một căn bệnh ảo tưởng, cho nên Russell Shorto đã viết trong cuốn Sự Thật Của Phúc Âm (Gospel Truth) như sau:

Các học giả đã biết rõ sự thật từ nhiều thập niên nay – rằng Giê-su chẳng gì khác hơn là một người thường sống với một ảo tưởng – họ đã dạy điều này cho nhiều thế hệ các linh mục và mục sư. Nhưng những vị này vẫn giữ kín không cho đám con chiên biết vì sợ gây ra những phản ứng xúc động dữ dội trong đám tín đồ. Do đó, những người còn sống trong bóng tối là những tín đồ Ki Tô bình thường.

[Scholars have known the truth – that Jesus was nothing more than a man with a vision – for decades; they have taught it to generations of priests and ministers, who do not pass it along to their flocks because they fear a backlash of anger. So the only ones left in the dark are ordinary Christians.]

Điều này rất phù hợp với nhận định của Tiến Sĩ Barnado: các tín đồ Ca-tô đang ở trong bóng tối dày đặc của giáo hội Ca-tô Rô-ma [in the thick darkness of Romanism]. Đọc Nguyễn Thùy chúng ta thấy ông ta không biết gì mấy về những diễn biến trong chính đạo của ông ta cho nên tôi nghĩ mà không sợ sai là ông ta đang sống trong “bóng tối dày đặc của Romanism”. Điều này tôi có thể chứng minh rất dễ dàng.

Thêm một tài liệu, trong cuốn Một Thời Để Cho Sự Ngay Thẳng Của Ki Tô Giáo [A Time For Christian Candor], Giám Mục Pike đã thảo luận về các niềm tin của tín đồ đối với Giê-su, và cũng chứng minh rằng Giê-su chỉ là một người thường, trang 109, như sau:

Giê-su có một đầu óc giới hạn – điều này cũng đúng cho mọi người. Thí dụ, giống như các thầy tu Do Thái cùng thời, Giê-su cho rằng David đã viết tất cả bộ Thi Thiên cho nên ông ta đã viện dẫn thi thiên số 110 mà ông ta cho là của Vua David (thực ra là bài thơ này được viết sau thời của David), khi tranh luận với người dân Pharisees. Và ông ta nghĩ, cũng như mọi người trong thời đó, là ngày tận thế đã sắp đến.

[He had a limited mind – as is true of every man. For example, like his fellow rabbis He thought that David wrote all the Psalms and hence He quotes as of Davidic authorship Psalm 110 (which in fact is of later date) in an argument with the Pharisees. And He thought, in accord with the apocalyptic temper of his day, that the end of the world is near].

Tội hái ăn trái Tri thức (trái Cấm)?

Bởi vậy, nói rằng Thánh Kinh hay «lời Chúa Jésus bao hàm cả mặt Tri Thức luận» là nói về «lông rùa, sừng thỏ», thực sự chỉ là loại «tri thức luận» vô tri thức của chính ông Nguyễn Thùy. Thật vậy, khi mà ông Nguyễn Thùy, trong thời buổi này, còn tin vào chuyện Moise là tác giả của 5 cuốn sách đầu (Ngũ Kinh) và còn tin thuyết Sáng Tạo trong Cựu Ước thì chúng ta không nên bàn đến «tri thức luận» làm gì cho mất thì giờ. Ông Nguyễn Thùy viết:

Trong 5 sách của Moise nơi Cựu Ước, chỉ riêng Xuất Ê-Díp-Tô ký (Exode) viết: ‘’Hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời’’ (Ê-Díp-Tô ký: 20-5; người viết xin không trích dẫn phần tiếng Pháp, tiếng Anh để tránh dài dòng). Trong ‘Sáng Thế Ký’, Moise không dùng thuật ngữ ‘Tội Tổ Tông’ và Jésus, qua bốn bản Phúc Âm cũng không nói đến Tội nầy. Nhưng căn cứ vào những điều Moise viết trong Sáng Thế Ký, hàng ngũ tu sĩ và tín đồ Ki-Tô giáo cho rằng mọi tội lỗi con người phạm phải đều do sự việc thủy tổ loài người –Adam, Eva- đã trái lời Thượng Đế hái ăn trái Tri thức (trái Cấm) nơi vườn Địa Đàng nên phải bị Thượng Đế đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng vào cõi Thế gian rồi đời đời phạm tội hầu chuộc lại tội lỗi nguyên sơ của Thủy Tổ.

Đời đời phạm tội hầu chuộc lại tội lỗi nguyên sơ của Thủy Tổ?? Tri thức luận của ông Nguyễn Thùy là như vậy đó. Nhưng không phải là «hàng ngũ tu sĩ và tín đồ Ki-Tô giáo cho rằng mọi tội lỗi con người phạm phải đều do sự việc thủy tổ loài người –Adam, Eva- đã trái lời Thượng Đế hái ăn trái Tri thức (trái Cấm) nơi vườn Địa Đàng» mà tất cả đều tin rằng mọi người đều mang cái tội của Adam – Eve, thường được biết là «tội tổ tông», chứ không phải là mọi tội lỗi con người phạm phải, thí dụ như tội ấu dâm của trên 5000 linh mục, hay 7 núi tội ác của Giáo hội Ca-tô Rô-maGiáo mà Giáo hoàng John Paul II cùng bộ tham mưu của ông đã xưng thú cùng thế giới tại Vatican ngày 12.3.2000. Một trí thức Ca-tô mà hiểu về «tội tổ tông» như vậy thì kể cũng là chuyện lạ.

Ai là tác giả của Ngũ Kinh (đạo thiên chúa)?

Mặt khác, bất kể là Moise có dùng thuật ngữ «tội tổ tông» hay không, và bất kể Jésus có nói đến tội này hay không, thì ngày nay các học giả, ở trong cũng như ở ngoài các giáo hội Ki-tô, đã chứng minh rõ rằng: 1) Moise tuyệt đối không phải là tác giả của Ngũ Kinh; và 2) Những chuyện trong Sáng Thế Ký chỉ là những huyền thoại của dân tộc Do Thái trong thời bán khai cho nên ngày nay từ Giáo hoàng trở xuống cho đến các nhà thần học Ki Tô Giáo đều đã bác bỏ thuyết Sáng Tạo trong Cựu Ước. Chứng minh?

Khi xưa, chính Chúa Giê-su và các tông đồ Paul và John đều tin rằng Moise là tác giả của 5 sách đầu trong Cựu Ước. Và ngày nay, những tín đồ như Nguyễn Thùy cũng đều tin như vậy. Nhưng phiền một điều là từ Chúa cho đến con chiên đều hết sức sai lầm vì kiến thức rất giới hạn của mình. Tại sao? Vì tất cả các học giả nghiên cứu Thánh Kinh, ở trong cũng như ở ngoài các giáo hội Ki Tô, đều đồng thuận ở một điểm: Ngũ Kinh (5 sách đầu trong Cựu Ước) không phải là do Môi-se viết mà là do nhiều người khác nhau, thuộc nhiều môn phái khác nhau, viết trong khoảng thời gian 400 năm, từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 6 trước thời đại thông thường ngày nay (B.C.E = Before Common Era), hay Trước Tây Lịch (TTL) trong khi Môi-se sống trong khoảng thế kỷ 13 TTL. Các môn phái khác nhau đó là :

- Môn phái Yahwistic (viết tắt là J) vì gọi Chúa là Jehovah.

- Môn phái Elohistic (viết tắt là E) vì gọi Chúa là Elohim.

- Môn phái Deuteronomic (viết tắt là D) viết sách Deuteronomy.

- Môn phái Priestly (viết tắt là P) viết sau khi dân Do Thái đi lưu đày (sau 500 TTL).

Về vấn đề này, Mục sư Rubem Alves đã đặt vấn đề trong cuốn Protestantism and Repression, trang 63:

Ai viết Ngũ Kinh? Câu trả lời của giáo hội Ki Tô lịch sử cho câu hỏi trên là khẳng định: "Moses viết". Nếu Moses không hề viết Ngũ Kinh (theo những kết quả nghiên cứu của các học giả. TCN) thì các tông đồ (Paul và John) đã sai lầm khi họ nói rằng Moses viết. Nếu họ sai lầm trong vấn đề này thì làm sao chúng ta có thể tin họ khi họ nói về những vấn đề như thiên đường và đời sau? Nếu Moses không viết Ngũ Kinh thì Giê-su đã nói láo hay sai lầm khi ông ta nói rằng Moses viết. (John 5:46 - Luke 24:27 - Luke 16:31). Nếu Giê-su thực sự không biết ai viết, tuy rằng ông ta nói rằng ông ta biết, làm sao chúng ta có thể tin ông ta được khi ông ta nói những chuyện trên trời?

[Who wrote the Pentateuch? The response of the historical Christian Church to that question is definite: “Moses wrote them”. If Moses did not write the Pentateuch, then the apostles (e.g., Paul and John) made a mistake when they said that he did. If they erred on this matter, how can we believe them when they deal with truths concerning heaven and the future life? If Moses did not write the Pentateuch, then Jesus lied or erred when he said Moses did. If Jesus did not know this, though he said he did know, how can we believe him when he talks about the thing of heaven?]

Cũng như Mục sư Rubem Alves, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, một tín đồ Ca-tô trong 30 năm, dựa trên Thánh Kinh, cũng viết rằng Giê-su tin và khẳng định rằng Moses (Môise) là tác giả của Ngũ Kinh trong khi thực sự thì Moses không viết. Bằng chứng? Tên các vị Vua xứ Edom viết trong Sáng Thế 36 là những vị Vua sống trong những thời kỳ sau khi Moses đã chết từ lâu, và trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 34: 5-7, Môi-se viết về cái chết của chính mình như sau: “Vậy Môi-se, tôi tớ Chúa qua đời trong đất Mô-Áp, như Chúa đã phán. Ngài (tức là Chúa) chôn ông ta (ngôi ba đấy nhé) tại một thung lũng đối ngang...Môi-se qua đời lúc ông ta (ngôi ba đấy) được 120 tuổi ...” Nếu đúng là Môi-se viết thì ông không thể dùng ngôi ba “ông ta” để chỉ chính ông. Mặt khác, Môi-se sống trong thế kỷ 13 TTL và chỉ sống có 120 tuổi, trong khi Cựu Ước chỉ được viết từ thế kỷ 9 TTL, vậy bằng cách nào mà Môi-se viết Ngũ Kinh? Như vậy, cũng như Chúa Giê-su, Nguyễn Thùy đã nói láo hay sai lầm khi cho rằng Moise là tác giả của Ngũ Kinh.

Tôi đề nghị ông Nguyễn Thùy hãy đọc ít nhất là cuốn Ai Viết Thánh Kinh? (Who wrote the Bible?, 1987) của Richard Elliott Friedman, và cuốn The Bible Unearthed: Archaelogy’s New Vision of Ancient Israel and The Origin of its Sacred Texts của Israel Filkelstein & Neil Asher Silberman, mới xuất bản năm 2002. Nhưng đề nghị này có vẻ như rơi vào những cặp tai nghễnh ngãng, vì tôi hiểu những người như Nguyễn Thùy thường phát dị ứng trước những tác phẩm nghiên cứu về Ki Tô Giáo mà ông ta cho là chống và phỉ báng Ki Tô Giáo dù rằng những tác phẩm này do chính những bậc lãnh đạo hoặc học giả trong Ki Tô Giáo viết, và chỉ viết ra những sự thật..

Tội vì “Tội Tổ Tông” hay “tội” do “tổ tông” làm?

Bây giờ chúng ta hãy thử xem ông Nguyễn Thùy hiểu thế nào về “tội tổ tông”. Chúng ta hãy trích vài đoạn trong bài của ông viết về “tội tổ tông”, tôi không tin rằng những người Ki-Tô Gíáo có thể hiểu ông Nguyễn Thùy muốn viết cái gì:

Theo người viết, Tội Tổ Tông lại là điều kiện tất yếu của cuộc sống. Tội nầy hằng có trong cuộc sống thường ngày của con người, của chung chủng loại người, ngay cả với cây cỏ, thú vật, chim chóc, cá tôm, nhưng không hẳn là những cái tội thường nói (trộm cắp, nói dối, phản bội, bất hiếu, tà dâm,…) mà là nguyên nhân gây ra bao tội lỗi trong cuộc sống thường ngày.

Tội Tổ Tông, do đó, là cái Tội nguyên sơ không riêng cho loài người mà cho chung tất cả mọi loài trong cuộc tranh đấu lo cho sự Sống. Một khi đã sinh ra, nghĩa là bắt đầu hiện hữu, dù với hình thức, cấu trúc nào thì đã mang lấy Tội Tổ Tông vì luôn luôn bị chi phối, bị vong thân bỡi Không gian, Thời gian bên trong và bên ngoài do trường tương tác bất tận giữa các dạng tồn tại phát sinh từ các yếu tính và yêu cầu của cuộc sống, cuộc đời.

Khi ông viết đến cụm từ “tội tổ tông” thì ông phải hiểu rằng có một cái “tội” do “tổ tông” của ông gây ra chứ không phải là “nguyên nhân gây ra bao tội lỗi trong cuộc sống thường ngày.” Nguyên nhân gây ra tội lỗi trong cuộc sống thường ngày tùy thuộc mức độ tham, sân, si và vô đạo đức của con người. Có người làm nhiều tội lỗi, có người làm ít, và có người không làm.

Theo ông Nguyễn Thùy thì tội tổ tông là nguyên nhân gây ra các vụ ấu dâm của trên 5000 “Chúa thứ hai”??, nguyên nhân của các vụ giết người, hiếp dâm, nguyên nhân của tội ăn cắp vặt v..v… trong xã hội?? Tôi cũng muốn tin cái lý luận hoang đường, ngớ ngẩn của ông Nguyễn Thùy về một “tội tổ tông” chung cho mọi loài, nhưng thật quả tôi chưa từng thấy một con chim, một con cá nào đưa con đến cho linh mục chim hay linh mục cá rửa tội, tôi cũng chưa từng thấy một cái cây, một ngọn cỏ nào mang con đến cho linh mục cây hay linh mục cỏ rửa tội, mà chỉ thấy con người mang những đứa con vô tội đến cho linh mục rửa tội.

Tôi tin chắc, ông Nguyễn Thùy là một tín đồ Ca-tô cho nên cũng đã được rửa tội. Vậy ông và những người đã được rửa tội, từ giáo hoàng trở xuống cho tới các con chiên, có cần thiết phải rửa cái nguyên nhân gây ra bao tội lỗi khác nhau, với mức độ và cường độ khác nhau trong cuộc sống hàng ngày, và có rửa được không? Nếu không thì bí tích rửa tội chỉ là một trò bịp của giáo hội, có phải như vậy không? Mặt khác, trên thế gian, không phải tất cả trên 6 tỷ người trên thế giới ai ai cũng đều gây ra bao tội lỗi trong cuộc sống hàng ngày, mà chỉ có một số nhỏ. Như vậy phải chăng tội tổ tông, theo định nghĩa trên của ông Nguyễn Thùy, không liên quan gì đến tuyệt đại đa số người dân trên thế giới, những người không hề gây ra bất cứ một tội lỗi nào? Nói tóm lại, “tội tổ tông” chỉ là tội của Adam và Eve mà những người Ki-tô giáo tin chính là tổ tông của họ. Bất cứ diễn giải nào khác cũng đương nhiên loại bỏ vai trò “chuộc tội” và “cứu rỗi” của Giê-su.

Giải thích quanh co và mù mờ về “tội tổ tông” như ông Nguyễn Thùy chẳng giải quyết được vấn đề mê tín trong sách lược “ngu dân dễ trị” của Ca-tô Rô-maGiáo, vì tôi tin chắc từ Giáo hoàng trở xuống, không ai trong Ca-tô Rô-maGiáo có thể chấp nhận luận điệu quái gở của ông Nguyễn Thùy về “tội tổ tông”. Nếu không tin, ông thử gửi lý thuyết về “tội tổ tông” của ông về Vatican và nói với giáo hoàng Benedict XVI và bộ tham mưu của ông ta là “mấy ông chẳng có ai hiểu thấu đáo về tội tổ tông nên đã dạy bậy bạ cho tín đồ về tội tổ tông. Đây! Tội tổ tông phải là như thế này cơ”, xem Tòa Thánh quyết định ra sao, nếu ông không sợ bị phạt vạ “tuyệt thông”.. Sự thật là Giáo hội đã từ bỏ tín điều về tội tổ tông và nhiều tín điều khác từ lâu rồi nhưng vẫn duy trì chúng trong đám con chiên ở dưới. Thay vì thẳng thắn từ bỏ những tín điều thuộc loại mê tín đã lỗi thời thì một số người Ca-tô như Nguyễn Thùy lại muốn giải thích lại nhưng tín điều vô giá trị đó. Vậy chúng ta hãy tìm hiểu thuyết thần học về “tội tổ tông” của Ca-tô Rô-maGiáo ra sao và chỗ đứng của thuyết đó trong thế giới ngày nay như thế nào.

Giáo hội Ca-tô dạy tín đồ là Chúa Giê-su là con duy nhất của Thượng đế, được phái xuống trần, chịu khổ nạn trên cây thập giá để cứu chuộc “tội tổ tông”, nghĩa là làm trung gian hòa giải giữa Thượng đế và nhân loại, vì trước đó, vì cái “tội tổ tông” do Adam – Eve gây ra nên Thượng đế đã phạt cả loài người về sau. Tín điều về nhân loại cần “ơn cứu chuộc” bắt nguồn từ huyền thoại về “tội tổ tông” trong Cựu Ước. Sách Giáo Lý Công Giáo (Katholischer Katechismus) do Hoài Chiên và Nguyễn Khắc Xuyên dịch sang tiếng Việt giảng, trang 51, 54, nguyên văn:

“Adong (Adam) và Evà (Eve) phạm tội kiêu ngạo muốn nên bằng Chúa cho nên đã ăn trái cấm. Họ đã lỗi phạm tới Chúa một cách nặng nề. Thứ tội mà Adong và Evà phạm đó, ta gọi là “tội tổ tông”. Bởi tội tổ tông đó nên Adong và Evà đã mất hết đời sống ân sủng và không thể vào thiên đàng được nữa. Bởi vì Adong là đầu đoàn thể nhân loại đã phạm tội, cho nên lỗi lầm của Adong lưu truyền cho hết thảy con cháu của ông sau này (tội tổ tông)…Sau khi Adong và Evà phạm tội, thì Chúa liền hứa [Đọc Thánh Kinh không có chỗ nào nói là “Chúa liền hứa” cả. Đây là điều giáo hội phịa ra]: Một Đấng Cứu Tinh sẽ từ nhân loại mà sinh ta. Ngài sẽ cứu chuộc loài người cho khỏi tội (tổ tông) và các hậu quả khốc liệt của nó.”

Hiển nhiên đấng cứu tinh này chính là Giê-su, nhưng thực chất Giê-su lại chỉ là một người thường sống với một ảo tưởng và đầu óc rất giới hạn, theo như kết luận của các công cuộc nghiên cứu về Giê-su của các học giả Ki-tô trong vòng 200 năm nay, được đưa ra bởi Russell Shorto trong cuốn “Gospels Truth”.. Tự điển bách khoa của Ca-tô Giáo cũng viết:

Tội tổ tông được hiểu như sau: (1) tội Adam phạm phải; (2) hậu quả của cái tội đầu tiên này, vết nhơ di truyền mà chúng ta đều sinh ra với nó vì nguồn gốc của chúng ta hoặc là hậu duệ của Adam. Từ thuở đầu, nghĩa thứ 2 này là thông thường hơn cả, như trong lời Thánh phán của Augustine: “Tội cố ý phạm của người đầu tiên (Adam) là nguyên nhân của tội tổ tông. Đó là vết nhơ di truyền mà chúng ta nói đến ở đây.

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Ca-tô viết: Giáo hội luôn luôn dạy rằng sự khổ sở tràn ngập trên con người và khuynh hướng của con người ngả về tội ác và cái chết không thể hiểu được ngoài mối liên hệ với tội của Adam và với sự kiện là Adam đã truyền xuống cho mọi người chúng ta một tội bẩm sinh, một tội là “cái chết của linh hồn”. Vì đức tin chắc chắn này mà Giáo hội rửa tội cho các đứa con nít chưa hề phạm tội cá nhân nào để cất bỏ tội (tổ tông) của chúng. [1]

Đó là lý thuyết thần học chính thức về “tội tổ tông” của Giáo hội Ca-tô Rô-maGiáo mà mọi tín đồ đều phải tin, trừ “nhà cách mạng thần học” Nguyễn Thùy. Nhưng trước những khám phá của khoa học về nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc loài người, thì thuyết về “tội tổ tông” ở trên trở nên một chuyện tiếu lâm, chẳng còn giá trị gì nữa.

Thật vậy, Malachi Martin, giáo sư tại viện nghiên cứu Thánh Kinh của giáo hoàng tại Rô-ma dưới triều đại giáo hoàng John XXIII (Professor at the Pontifical Biblical Institute of Rome, served in the Vatican under Pope John XXIII), đã viết trong cuốn “Sự Suy Thoái Và Sụp Đổ của Giáo Hội Rô-Ma” (The Decline and Fall of the Roman Church) như sau, trang 230:

Giáo Hoàng John XXIII nói trong buổi khai mạc Công Đồng Vatican II ngày 11 tháng 10, 1962, rằng “những giáo lý và quan niệm sai lầm vẫn còn tồn tại nhiều, nhưng ngày nay con người đã tự ý loại bỏ chúng… Nhưng nếu Roncalli (John XXIII) không thấy là điều giảng dạy mới của mình dẫn tới đâu, thì hàng trăm nhà thần học và giám mục đã thấy. Trong những thập niên 1960-70, sau khi Roncalli chết, họ đã từ bỏ niềm tin về tội tổ tông, về quỷ Satan, và về nhiều giáo lý căn bản khác. 7

[Martin, Malachi, The Decline and Fall of the Roman Church, p. 230: Pope John XXIII told the opening session of his council on October 11, 1962, that “false doctrines and opinions still abound,” but that “today men spntaneously reject” them… But if Roncalli did not see where his new teaching was leading, hundreds of theologians and bishops did. In the sixties and the seventies after Roncalli’s death, they drew these conclusions and abandoned belief in original sin, in the Devil, and in many other fundamental doctrines.]

Tại sao các nhà thần học và giám mục lại từ bỏ thuyết thần học về tội tổ tông, về quỷ Satan và về nhiều giáo lý khác như “ơn cứu chuộc của Chúa”, “Chúa sống lại”, hay “Đức Mẹ đồng trinh” v..v..? Vì ngày nay, những thuyết này không còn phù hợp với trình độ hiểu biết tiến bộ của nhân loại, hơn nữa lại còn chứa những mâu thuẫn mà không nhà thần học nào có thể biện minh được.

Nhận rõ được sự hoang đường của «tội tổ tông», và do đó sự vô hiệu, lỗi thời của “bí tích rửa tội”, của vai trò “chuộc tội” và “cứu rỗi” của Giê-su, cho nên trong cuốn Tại Sao Ki Tô Giáo Phải Thay Đổi Không Thì Chết (Why Christianity Must Change or Die), Giám mục John Shelby Spong đã dành riêng chương 6 để viết về đề tài Giê-su Như Là Đấng Cứu Thế: Một Hình Ảnh Cần Phải Dẹp Bỏ (Jesus as Rescuer: An Image That Has To Go). Trong chương này, Giám Mục Spong viết như sau, trang 98-99:

“Nhân loại chúng ta không sống trong tội lỗi. Chúng ta không sinh ra trong tội lỗi. Chúng ta không cần phải rửa sạch cái tì vết tội tổ tông trong lễ rửa tội. Chúng ta không phải là những tạo vật sa ngã, mất đi sự cứu rỗi nếu chúng ta không rửa tội. Do đó, một đấng cứu thế có nhiệm vụ khôi phục tình trạng trước khi sa ngã của chúng ta chỉ là một sự mê tín trước thời Darwin và một sự vô nghĩa sau thời Darwin.

[We human beings do not live in sin. We are not born in sin. We do not need to have the stain of our original sin washed away in baptism. We are not fallen creatures who will lose salvation if we are not baptized… A savior who restores us to our prefallen status is therefore pre-Darwinian superstition and post-Darwinian nonsense.]

Sự từ bỏ những niềm tin về tội tổ tông, về quỷ Satan, và về nhiều giáo lý căn bản khác không đâu rõ hơn trong những thú nhận của Vatican trong vài thập niên qua. Thật vậy, từ năm 1981, tòa thánh Vatican đã mời một số chuyên gia đến để cố vấn cho tòa thánh về vũ trụ học. Cuối cuộc hội thảo, các chuyên gia được giáo hoàng John Paul II tiếp kiến. Ông ta nói với các khoa học gia là “cứ tự nhiên nghiên cứu sự tiến hóa của vũ trụ sau sự nổ lớn (big bang), nhưng không nên tìm hiểu về chính lúc nổ vì đó là lúc sáng tạo, do đó là tác phẩm của Thượng đế.” (Stephen Hawking, A Brief History of Time, p. 116: He told us that it was all right to study the evolution of the universe after the big bang, but we should not inquire into the big bang itself because that was the moment of Creation and therefore the work of God).

Thuyết Big Bang và "Sáng Thế Ký"

Chúng ta nên để ý, trong khoa học, Big Bang là hiện tượng nổ bùng của một dị điểm (singularity) vô cùng đặc, vô cùng nóng, nguồn gốc của vũ trụ ngày nay, và đã xảy ra cách đây khoảng 13.7 tỷ năm chứ không phải là chỉ có từ 6000-10000 năm do sự “sáng tạo” (sic) trong 6 ngày của Thượng đế Ki-tô giáo như được viết trong Kinh Thánh, được coi như những lời không thể sai lầm của Thượng đế. Và giáo hoàng nói câu trên chẳng qua chỉ để vớt vát phần nào mặt mũi của Thượng đế, Thượng đế của những khoảng trống (God of the Gaps), một mặt mũi đã không còn chỗ đứng trong thế giới tiến bộ trí thức và khoa học của nhân loại.

Rồi, trước những khám phá khoa học liên hệ đến thuyết Tiến Hóa bất khả phủ bác trong nhiều bộ môn của khoa học, năm 1996, Giáo hoàng John Paul II đã thú nhận trước thế giới là:

“thân xác con người có thể không phải là một sự sáng tạo tức thời của Thượng đế, mà là kết quả của một quá trình tiến hóa dần dần”. Ngài nói: “những kiến thức mới nhất dẫn đến việc phải chấp nhận thuyết tiến hóa hơn là một giả thuyết”.

(Pope John Paul II has put the teaching authority of the Roman Catholic Church firmly behind the view that “the human body may not have been the immediate creation of God, but is the product of a gradual process of evolution.. The pope said that “fresh knowledge leads to recognition of the theory of evolution as more than just a hypothesis”).

Còn nữa, tháng 7 năm 1999, trước những khám phá xác tín nhất của khoa vũ trụ học, và trước những hiểu biết của con người ngày nay về cấu trúc của trái đất, Giáo Hoàng đã bắt buộc phải tuyên bố:

“thiên đường không phải là một nơi trừu tượng mà cũng chẳng phải là một nơi cụ thể ở trên các tầng mây” (Heaven is neither an abstraction nor a physical place in the clouds), và “Hỏa ngục không phải là sự trừng phạt áp đặt từ bên ngoài bởi Thượng đế, mà là trạng thái hậu quả của những thái độ và hành động mà con người đã làm trong đời này” (Hell is not a punishment imposed externally by God, but the condition resulting from attitudes and actions which people adopt in this life).

Chấp nhận thuyết Big Bang, thuyết tiến hóa, chấp nhận con người không phải là do Thượng đế tạo ra tức thời mà chính là kết quả của một quá trình tiến hóa dần dần và lâu dài, thú nhận không làm gì có thiên đường (một cái bánh vẽ trên trời để dụ những người đầu óc mê mẩn, yếu kém), và hỏa ngục (một nơi để hù dọa những người không tin Chúa), Giáo hoàng đã chính thức bác bỏ thuyết “sáng tạo” của Ki Tô Giáo, phá tan huyền thoại về Adam và Eve là tổ tông loài người do Thượng đế tạo dựng từ đất sét, và kéo theo không làm gì có chuyện Adam và Eve sa ngã tạo thành tội tổ tông. Do đó, vai trò “chuộc tội” và “cứu rỗi” của Giê-su chỉ là những luận điệu thần học hư cấu của giới giáo sĩ Ki Tô Giáo khi xưa, được tiếp tục đưa ra không ngoài mục đích khai thác lòng mê tín của một số người, huyễn hoặc và khuyến dụ họ tin vào những điều không thực. Thật vậy, sự kiện là, Giáo hoàng đã bác bỏ đức tin quan trọng nhất trong Ki-tô giáo: Quyền năng “cứu chuộc”, “cứu rỗi” , “luận phạt” của Giê-su, và cũng bác bỏ sự hiện hữu của một thiên đường, do đó hi vọng của các tín đồ Ki-tô về một cuộc sống đời đời trên thiên đường cùng Giê-su chẳng qua chỉ là một ảo vọng, bắt nguồn từ một sự mù lòa tin bướng tin càn, và sự luận phạt của Giê-su đối với những người không tín Giê-su chẳng qua chỉ là một sự hù dọa đã không còn ý nghĩa.

Với những sự kiện như trên xảy ra ngay trong giữa lòng Giáo hội vậy mà ông Nguyễn Thùy vẫn còn u mê viết về sách Sáng Thế Ký như sau, làm như những gì viết trong Sáng Thế Ký là những chân lý mạc khải của Thượng đế nên không thể sai lầm:

"Đọc lại Sáng Thế Ký, ta thấy Thượng Đế dựng nên mọi thứ trong 6 ngày, trước tiên là các dạng tồn tại không cấu trúc hình thể: ánh sáng, trời (khoảng không), nước, đất, biển rồi đến ngày thứ 5 mới các dạng tồn tại có sự sống tức các vật sống rồi đến ngày thứ sáu mới ‘sáng tạo’ nên con người. Với dạng tồn tại người, Thượng Đế không tạo ra bằng một lời ‘phán’ mà ‘lấy đất có thấm hơi nước nặn nên hình con người giống hình Ngài rồi hà sinh khí vào mũi nên loài người trở nên một loài sinh linh’. Như thế, loài người được tạo bằng cách kêt hợp ba dạng tồn tại: đất, nước và khí. Có thể các dạng tồn tại sinh vật khác cũng được Thượng Đế tạo ra theo cách kết tập những dạng tồn tại khác nhưng Kinh Thánh không nói. Tiến trình sáng tạo của Thượng Đế, như thế, đã đi từ các dạng tồn tại vô cơ (không có sự sống) sang Hữu cơ (có sự sống) và mỗi ‘buớc sáng tạo’ phải qua từng thời gian dài (mỗi ngày trong STK không nhất thiết là 24 giờ mà có thể rất nhiều nhiều năm)."

Tôi chẳng buồn phê bình đoạn trên làm chi vì chẳng có người nào có đầu óc còn tin vào những chuyện hoang đường như vậy, nhưng tôi cảm thấy thật là tội nghiệp cho những đầu óc như của Nguyễn Thùy và tội nghiệp luôn cho cả giáo hội Ca-tô hoàn vũ nói chung, Việt Nam nói riêng, đã đào tạo được những bậc trí thức như vậy. Robert G. Ingersoll đã viết một câu rất chí lý: «Người nào còn tin vào những điều trên trong Sáng Thế Ký thì gõ vào trán họ ta sẽ nghe được một tiếng vang lớn». Mặt khác, hình Ngài là hình như thế nào, hình Bin Laden, hình Hitler, hình Ratzinger, hay hình một quái thai sinh ra ở bên Anh, hai thân dính liền nhau nhưng chỉ có một trái tim? Ngài vừa soi gương vừa nặn nên hình con người giống hình Ngài? Ngài nặn nên hình người bằng đất có thấm hơi nước, nghĩa là lượng đất nhiều hơn lượng nước, và tác phẩm sáng tạo của Ngài là một bức tượng bằng đất, nhưng bức tượng lại có hai lỗ mũi thủng tuốt vào khắp nơi trong toàn thể bức tượng nên Ngài có thể hà sinh khí vào để cho bức tượng thành một người sống như chúng ta, trong đó lượng nước lại nhiều hơn là lượng những chất rắn trong người. Chuyện hoang đường vớ vẩn như vậy mà cũng viết lên được thì kể cũng lạ. Nhưng chắc ông Nguyễn Thùy không biết là Sáng Thế Ký viết nhảm rất nhiều. Chứng minh?

Trong ba ngày đầu, khi Ngài chưa «sáng tạo» ra mặt trời, thế mà đều có buổi sáng và buổi chiều [Genesis 1: 5, 8, 13: So the evening and the morning were the fist day, the second day, the third day]. Thông thường thì chúng ta hiểu rằng buổi sáng là khi mặt trời mọc, và buổi chiều là khi mặt trời lặn [Vì vậy lời mạc khải không thể sai lầm của Thượng đế là trái đất đứng yên, mặt trời xoay quanh trái đất, đưa đến chuyện Bruno bị thiêu sống, và Galilei bị giam tại gia cho đến chết chỉ vì dám nói ngược với Thánh Kinh, rằng trái đất quay xung quanh mặt trời chứ không phải là ngược lại].. Không có mặt trời thì trái đất tối mò triền miên làm gì có sáng và chiều.

Khoan kể là tuổi của vũ trụ được mọi người, trừ đám con chiên mê mẩn, chấp nhận là khoảng 13.7 tỷ năm, và mặt trời mới chỉ hiện hữu cách đây 5 tỷ năm, và trái đất khoảng 4.5 tỷ năm. Ông Nguyễn Thùy còn đưa ra một luận điệu vô cùng ngớ ngẩn có tính cách ngụy biện của giáo hội dạy con chiên là «mỗi ngày trong Sáng Thế Ký không nhất thiết là 24 giờ mà có thể rất nhiều nhiều năm». Thế thì lấy cái gì để xác định buổi sáng và buổi chiều. Hơn nữa, ngày thứ ba, Thượng đế «sáng tạo» ra mọi thứ cây cỏ, nhưng đến ngày thứ tư, nghĩa là theo ông Nguyễn Thùy thì sau rất nhiều nhiều năm, Ngài mới sáng tạo ra, theo STK 1: 16, «hai thể sáng lớn(nghĩa là mặt trời và mặt trăng): thể sáng lớn hơn trị vì ban ngày (mặt trời), thể sáng nhỏ hơn cai quản ban đêm (mặt trăng).» Vậy thì cây cỏ làm sao sống trong rất nhiều nhiều năm mà không có ánh sáng mặt trời? Hơn nữa, rất nhiều nhiều năm là bao nhiêu năm??

Vũ trụ thành hình cách đây khoảng 14 tỷ năm và mặt trời mới có trước đây 5 tỷ năm. Vậy trước khi Thượng đế của ông Nguyễn Thùy sáng tạo ra mặt trời vào ngày thứ tư thì ba ngày trước đã kéo dài trong 9 tỷ năm, mỗi ngày của ông Nguyễn Thùy là 3 tỷ năm, trong 3 tỷ năm, từ ngày thứ ba đến ngày thứ tư, mà cây cối vẫn sống trong tối mò vì chưa có mặt trời?? Chắc ông Nguyễn Thùy cho rằng, Thượng đế là bậc toàn năng, làm gì chẳng được. Nhưng hãy để câu này nói với giáo dân chứ đừng nói với người ngoài đạo mà người ta cười cho. Hơn nữa, Thượng đế, và chắc chắn là ông Nguyễn Thùy cũng như hàng triệu tín đồ Ki Tô, đều không biết rằng mặt trời có trước, rồi khoảng 500 triệu năm sau mới văng ra trái đất, và ánh sáng trên mặt trăng tùy thuộc ở vị trí mặt trăng đối với mặt trời.. Ngoài ra, đêm 30 Tết thì «thể sáng nhỏ» nào quản lý và chiếu sáng ban đêm? Cho nên chuyện sáng tạo trong Sáng Thế Ký chỉ là chuyện hoang đường của dân tộc Do Thái trong thời bán khai khi mà sự hiểu biết của họ về vũ trụ nhân sinh còn rất thấp, hoàn toàn do sự tưởng tượng trong đầu óc của họ. Dựa vào đó mà giải biện thì chỉ là ngụy biện!

Thượng đế tạo ra con rắn xảo quyệt để gài bẩy vợ chồng Adam?

Ngoài ra, Sáng Thế Ký có nhiều chi tiết rất mâu thuẫn. Thí dụ trong chuyện về Adam và Eve trái lời Thượng đế. Sáng Thế Ký 3: 1: Trong các loài động vật Thượng đế tạo nên, rắn xảo quyệt hơn cả. Thượng đế tạo ra con rắn xảo quyệt để làm gì? Để dụ dỗ Eve ăn trái cấm là ăn vào thì Eve sẽ mở mắt ra và sẽ giống như Thượng đế, biết phân biệt thiện ác [STK 3:5]. Vậy nếu Adam và Eve nghe lời dụ dỗ của con rắn thì nguyên nhân từ đâu, và tội thuộc về ai? thuộc về Adam và Eve [khi đó chưa biết phân biệt thiện ác] hay thuộc về Thượng đế vì đã tạo ra con rắn để dụ dỗ Adam và Eve? Vậy tại sao Thượng đế không sám hối để «thanh tẩy ký ức» mà lại đi phạt Adam và cả con cháu của Adam, đời đời kiếp kiếp, cái tội phải chết?

Bởi vậy cho nên Lloyd M. Graham đã luận về trách nhiệm tội lỗi của con người như sau trong cuốn Deceptions & Myths of the Bible, The Citadel Press Book, New York, 1995, trang 425:

"Chúa Ki Tô cầu nguyện (Chúa Cha): "Cha hãy tha thứ cho họ vì họ không biết là họ đang làm gì". Người cha duy nhất của Chúa Ki Tô hay của con người không ý thức được những gì hắn tạo ra. Làm sao mà hắn có thể tha thứ những tội lỗi của con người? Đã làm cho con người man rợ và ngu đần, làm sao hắn có thể kết tội con người? Nếu cái tên Ki Tô không biết gì về siêu hình học này (Giê-su) mà có chút kiến thức nào về luật nhân quả, thì lời cầu nguyện của hắn phải đọc ngược lại - Con người, hãy tha thứ cho Thượng đế, vì hắn không biết là hắn đã làm gì. Tất cả cuộc sống đều chứng tỏ cái sự kiện thê thảm này, cho nên vấn đề không phải là Thượng đế có tha thứ tội lỗi của con người hay không, mà là con người có thể tha thứ cho Thượng đế về sự độc ác của ông ta hay không? Bảo rằng con người gây ra những sự đau khổ cho chính mình vì cái "nguyên tội" (hay tội tổ tông) là một sự xuyên tạc sự thật. Cái "tội" đó là tội của Thượng đế - tội tạo ra vật chất, nguồn gốc của những sự xấu ác. Nhưng Thượng đế lại không gánh chịu sự đau khổ bởi những tội lỗi do chính mình gây ra, hắn bắt con người phải gánh chịu sự đau khổ đó."

[Christ prayed: "Father forgive them for they know not what they do." The only father of Christ or man is not conscious of what it creates. How then can it forgive man for his sins? Having made man savage and ignorant, how can it hold him guilty? Had this metaphysically ignorant Christ possessed any knowledge of Causation, his prayer would read in reverse - Man, forgive God, for he knows not what he does. All life attests this tragic fact, so the question is not, Will God forgive man for his sins? but can man forgive God for his cruelty? That man caused his own suffering through an "original sin" is a perversion of the truth. That "sin" was God's - the creation of matter, the source of evil. But God does not suffer for his sins, he lets man do it."]

Mặt khác, trước khi ăn trái cấm thì Adam và Eve đang mù, nghĩa là không thể nhìn thấy gì. Vậy mà STK 3:6 lại viết: Người nữ (Eve) nhìn trái cây thèm thuồng, thấy vừa ngon vừa đẹp. Mắt mù thì làm sao mà nhìn và thấy? Rồi sau khi Adam và Eve ăn trái cấm, thì STK 3:7 lại viết: «Mắt hai người mở ra, biết mình trần truồng, liền kết lá vả che thân».

Đúng là toàn chuyện trẻ con, hoang đường, cực kỳ mâu thuẫn, câu trước chửi câu sau, thế mà vẫn có nhiều người như Nguyễn Thùy tin, cứ hay trích dẫn Sáng Thế Ký hay những điều vụn vặt ngoài ngữ cảnh trong Thánh Kinh, làm như đó là những chân lý mạc khải, đúng như sự thật, không thể sai lầm, không hề biết rằng thực ra đó chỉ là những lời láo lếu.

Thượng đế là linh mục.

Tôi không muốn tiếp tục phê bình ông Nguyễn Thùy nữa. Nhưng điều nhận xét của tôi ở trên: «người trí thức Ca-tô Rô-maGiáo Việt Nam càng viết thì càng sai, càng chứng tỏ trình độ quá thấp kém của mình» đã chứng tỏ là có căn bản thuyết phục qua vài điểm phê bình ông Nguyễn Thùy ở trên. Trong bài ông Nguyễn Thùy còn viết lăng nhăng về Thượng đế nhưng Thượng đế là cái chi chi, ông không hề biết. Cho nên tất cả những gì ông viết về Thượng đế chỉ là đoán mò. Tại sao? Khi mà không ai có thể chứng minh được là Thượng đế có thật thì Thượng đế chỉ có trong đầu của những người tin là có Thượng đế nhưng không biết Thượng đế đó là cái chi chi.

Thật vậy, sách National Catholic Almanac, 1968, trang 360, của Công Giáo có viết về Thượng đế với 23 thuộc tính (23 attributes):

“Phép tắc vô cùng, vĩnh hằng, thánh thiện, bất diệt, bao la mênh mông, không bao giờ thay đổi, không thể hiểu được, không thể mô tả được, vô tận, vô hình, công chính, thương yêu, nhân từ, cao nhất, khôn ngoan nhất, toàn năng, toàn trí, có mặt khắp nơi, nhẫn nại, toàn hảo, cung cấp tinh thần và vật chất cho con người, tối cao, chân thật”

(almighty, eternal, holy, immortal, immense, immutable, incomprehensible, ineffable, infinite, invisible, just, loving, merciful, most high, most wise, omnipotent, omniscient, omnipresent, patient, perfect, provident, supreme, true.)

Trong 23 thuộc tính trên có ba thuộc tính rất đặc biệt: vô hình (invisible), không ai có thể mô tả được (ineffable), nghĩa là không ai biết là như thế nào, và không ai có thể hiểu được (incomprehensible). Vậy thì khi ông Nguyễn Thùy hay bất cứ ai, quyền cao chức trọng gì trong Ki Tô Giáo, khi nói về một cái gì không ai thấy, không ai biết để mà mô tả, và không ai hiểu được, thì chúng ta phải hiểu đó chỉ là những lời đoán mò mà thôi? Bởi vậy cho nên Voltaire đã từng nhận định: “Lời của Thượng đế là lời của các linh mục; sự vinh quang của Thượng đế là sự hãnh diện của các linh mục; ý của Thượng đế là ý của các linh mục; xúc phạm Thượng đế là xúc phạm các linh mục; tin vào Thượng đế là tin vào mọi điều các linh mục bảo chúng ta (The word of God is the word of the priests; the glory of god is the pride of the priests; the will of god is the will of the priests; to offend god is to offend the priests; to believe in god is to believe in all that the priests tell us.)

Mà Linh mục là ai? Vì không biết Thượng đế là cái chi chi nên họ chỉ là những kẻ buôn thần bán thánh, đưa ra những lời đoán mò về Thượng đế.. Và từ những lời đoán mò đó mà con người đâm đầu vào tin vào một cái gì vô hình, không ai có thể mô tả được, và không ai có thể hiểu được thì phải chăng đó chỉ là mù lòa tin bướng tin càn? Tuy nhiên, mù lòa tin bướng tin càn là một quyền tuyệt đối của con người mà Thượng đế của Ki Tô Giáo ban cho các tín đồ Ki Tô Giáo, không ai có quyền ngăn cấm, cho nên các tín đồ Ki Tô Giáo cứ tự do tin với nhau. Nhưng mang đức tin này ra để thuyết phục người ngoài thì tôi nghĩ không bao giờ có thể thành công đối với những người có đôi chút đầu óc.

Phương pháp luận "Thần học" !

Thật vậy, trong cuốn "Những vị Thần cuối cùng của Huyền Thoại: GiaVê và Giêsu" ("Mythology's Last Gods: Yahweh and Jesus", p. 16), Tiến sĩ William Harwood, một tín đồ Ca-tô đã tỉnh ngộ và bỏ được một niềm tin sai lầm sau khi nghiên cứu lịch sử các tôn giáo trong đế quốc La Mã và khám phá ra rằng "bí tích" ăn thịt uống máu Chúa (Eucharist) mà ông đã tin và thọ hưởng cái bí tích rùng rợn này hàng tuần và trong nhiều năm, đã có từ 3000 năm trước khi Giêsu ra đời, và rằng các Thần hay Thượng Đế (Gods) chỉ là những sản phẩm tưởng tượng của con người (Dr. Harwood..discovered that the "god-eating" ritual in which he participated weekly as a believing Christian had existed three thousand years before Jesus' birth. Not for three years, however, could he fully abandon the disproved beliefs to which he had been emotionally committed, and acknowledge that gods are as imaginary as fairies), đã viết:

"Người ta đã khám phá ra rằng, từng quyển một trong Thánh Kinh đều chứa những sai lầm về sự kiện, những phỏng đoán không chính xác, những kỹ thuật làm hợp lý hóa, những điều tiên tri về những sự việc đã xảy ra, ghép với những điều tiên tri về tương lai đã được chứng tỏ là không chính xác, và không còn sai lầm gì nữa là chứa những lời nói láo cố ý. Nếu sự khám phá này được phổ biến tới đại chúng thì cái huyền thoại Do Thái - KiTô đã bị quật nhào bởi một cơn gió lốc khó có hi vọng phục hồi.

Trước nguy cơ bị loại bỏ này, Giáo Hoàng đương thời (John Paul II) bổ nhiệm một số sử gia của chính ông ta để khảo sát những kết luận về Thánh Kinh của những sử gia thế tục và tìm ra trong những bằng chứng của họ những sơ hở mà Giáo Hoàng tin rằng thể nào cũng phải có. Kết quả là những sử gia của Giáo Hoàng cũng phải xác nhận là Thánh Kinh của họ thực ra chỉ là một ảo tưởng sai sự thực. Họ phúc trình kết quả lên Giáo Hoàng, và khi Ngài lập tức dẹp bỏ cái phúc trình này đi thì họ không còn là tín đồ CaTô nữa. Rồi Giáo Hoàng ra lệnh cho bộ máy tuyên truyền của Ngài phát minh ra một phương pháp luận khác để đánh đổ phương pháp của những sử gia trên, một phương pháp luận được tạo ra với mục đích rõ rệt là phải đi đến kết luận là cuốn Thánh Kinh của Do Thái - KiTô không phải là một tác phẩm hoang đường, không cần để ý đến chuyện phải xuyên tạc những bằng chứng đến cỡ nào để đi tới mục đích trên. Cái phương pháp luận đó là "Thần học"...

Đó là quyền lực của chính trị Thần quyền của thế giới mà, mặc dù đã có hàng ngàn tác phẩm nghiên cứu và bài khảo cứu phủ bác toàn bộ Thánh Kinh Do Thái - KiTô, cho tới ngày nay, 90% dân chúng trong những xã hội mà tôn giáo chính là KiTô Giáo không hề biết đến sự hiện hữu của những bằng chứng bất khả phủ bác là quyển Thánh Kinh chỉ là một tác phẩm giả tưởng." [2]

Giáo Hoàng biết sai nhưng vẫn tiếp tục gạt tín đồ.

Thật là đáng buồn. Có bao nhiêu tín đồ Ca-tô Rô-maGiáo biết được điều này, và có bao nhiêu tín đồ tin được điều này? Có bao nhiêu tín đồ đã đọc những tác phẩm của những chuyên gia phê bình Thánh Kinh từng câu, từng chữ một và vạch ra những điều sai trái trong Thánh Kinh, trái ngược hẳn với những lời giảng lệch lạc, méo mó, ngoài toàn bộ vấn đề (out of context) của hàng giáo phẩm Ca-tô Rô-maGiáo, những kẻ làm nghề buôn thần bán thánh, bịp bợm, tự cho mình độc quyền hiểu và giảng giải Thánh Kinh, tự cho mình quyền thay Chúa, coi thường và hạ thấp trí tuệ của các tín đồ?

Có bao nhiêu tín đồ Ca-tô biết rằng chính Giáo Hoàng John Paul II của họ đã công nhận thuyết Big Bang và thuyết Tiến Hóa, và như vậy là Giáo hoàng mặc nhiên phủ nhận thuyết Sáng Tạo trong Thánh Kinh, phủ nhận huyền thoại Adam và Eve, căn bản của thuyết về tội tổ tông, và cuối cùng phơi bày sự vô nghĩa của vai trò Cứu Thế của Giê-su Ki-Tô. Nhưng, giáo hoàng và giới chăn chiên vẫn dùng những phương tiện không chính đáng về cách diễn giải Thánh Kinh để giữ đám đông tín đồ kém hiểu biết, dù rằng những diễn giải này không được chấp nhận trong giới khoa học và trí thức, và chính Giáo hoàng cũng không tin và tự biết rằng những diễn giải này không có giá trị thuyết phục trong những nước văn minh tiến bộ Âu Mỹ.

Nhưng chúng ta phải công nhận là "nghệ thuật" diễn giải Thánh Kinh để mê hoặc tín đồ của giáo hội đã rất có hiệu quả trong vấn đề duy trì một niềm tin không suy luận, không cần biết, không cần hiểu, nơi đa số tín đồ ít học, kém hiểu biết, nhất là ở trong các nước kém mở mang. Nhưng Nguyễn Thùy là một bậc trí thức trong Ca-tô Rô-maGiáo. Vậy mà ngày nay vẫn còn đưa lên diễn đàn thông tin công cộng những điều vô nghĩa trong Thánh Kinh để hòng thuyết phục độc giả khắp nơi trên thế giới. Như vậy có phải là đáng tội nghiệp không?

Quý độc giả hãy tìm đọc toàn bài «Hiểu Thế Nào Về Tội Tổ Tông» của Nguyễn Thùy và tự mình đánh giá trình độ hiểu biết của ông ta về những vấn đề ông ta viết trong bài



[1] [http://www.newadvent.org/cathen/11312a.htm]

Catholic Encyclopedia.

Original sin may be taken to mean: (1) the sin that Adam committed; (2) a consequence of this first sin, the hereditary stain with which we are born on account of our origin or descent from Adam.

From the earliest times the latter sense of the word was more common, as may be seen by St. Augustine's statement: "the deliberate sin of the first man is the cause of original sin" (De nupt. et concup., II, xxvi, 43). It is the hereditary stain that is dealt with here.

Original sin in Roman Catholicism:

The Catechism of the Catholic Church says: "The Church has always taught that the overwhelming misery which oppresses men and their inclination toward evil and death cannot be understood apart from their connection with Adam's sin and the fact that he has transmitted to us a sin with which we are all born afflicted, a sin which is the 'death of the soul.' Because of this certainty of faith, the Church baptizes for the remission of sins even tiny infants who have not committed personal sin" (403). ]

[2] [One by one the various books of the bible were discovered to contain errors of fact; inaccurate guesses; rationalizations; prophecies ex-post-facto, usually combined with prophecies of the future that proved inaccurate; and unmistakable, deliberate lies. Had this discovery been allowed to reach general public, Judeo-Christian mythology would have suffered a blow from which it could not have hoped to recover.

Facing elimination, the current Pope appointed his own historians to examine the secular historians' conclusions and find the flaw in their evidence that he believed must be there. The outcome was that the Papal historians confirmed that their bible really was falsifiable fantasy. They presented the Pope with their reports and, when he promptly suppressed them, they all ceased to be Catholics. So the Pope ordered his propaganda machine to invent an alternative methodology to combat that of the historians, a methodology created for the specific purpose of reaching the conclusion that the Judeo-Christian bible is nonfiction, no matter how severely the evidence had to be distorted in order to achieve that objective. That methodology was 'theology'.. ...Such was the power of the world's theocracies that, despite the publication of thousands of scholarly books and articles refuting every part of the Judeo-Christian bible, to this day the existence of unchallengeable proof that the bible is a work of fiction is unknown to ninety percent of the population of Christian-dominated societies.]

 

Trang Trần Chung Ngọc