VIỆT NAM : VESAK LIÊN HIỆP QUỐC 2008

Trần Chung Ngọc

ngày 08 tháng 5, 2008

Mậu Tý 2008, một niềm hân hoan vinh hạnh cho toàn dân Việt Nam: Việt Nam là quốc gia được vinh dự gánh trách nhiệm đứng ra tổ chức Đại Lễ Vesak Tam Hợp Liên Hiệp Quốc. Đây là một biến cố trọng đại cho lịch sử Việt Nam, xác định chỗ đứng của Việt Nam trong cộng đồng thế giới.

Chúng ta biết rằng, Đại Lễ Vesak Tam Hợp Liên Hiệp Quốc là một sinh hoạt văn hóa và tôn giáo của Liên Hiệp Quốc, đề ra cách đây 9 năm, để kỷ niệm cùng lúc ba biến cố trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật: Đản Sinh, Thành Đạo, và Nhập Niết Bàn. Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày Đức Phật Đản Sinh để tổ chức Đại Lễ Tam Hợp, và coi ngày đó là Ngày Văn Hóa và Tôn Giáo Thế Giới, để kỷ niệm và tôn vinh Đức Phật, một vĩ nhân văn hóa và tâm linh của nhân loại, một bậc Đại Giác đã để lại cho hậu thế một giáo lý nhân bản, vị tha, từ bi trong tinh thần hòa hợp, hòa bình, những điều mà thế giới vô minh hỗn loạn đầy tranh chấp ngày nay cần đến hơn bao giờ hết.

Ngày 29-5-2007, trong lễ bế mạc đại lễ Vesak LHQ ở Thái Lan, Hoà thượng Dharmakosajarn đã căn cứ vào Hiến chương đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, công bố trước hơn 500 đoàn đại biểu Phật giáo thuộc 62 quốc gia rằng Việt Nam là nước đăng cai Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008, và Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (viết tắt là IOC = International Organizing Committee). Đây là một sự kiện có nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam.

Trước hết, sự kiện trên đã khẳng định Việt Nam là một nước Phật Giáo. Bởi vì, chỉ có các nước Phật Giáo mới được cái vinh dự tổ chức Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc. Thử hỏi, nếu quốc gia Vatican, hay Ý, hay Pakistan đăng cai Đại Lễ Phật Đản thì có được hay không? Tuy nhiên, Việt Nam là nước Phật Giáo không có nghĩa Phật Giáo là tôn giáo duy nhất ở Việt Nam. Việt Nam là nước Phật Giáo vì Phật Giáo là tôn giáo chính ở Việt Nam và có đại đa số người dân theo, và vì truyền thống văn hóa Phật Giáo có thể nói cũng là truyền thống văn hóa của Việt Nam. Cũng như Ki Tô Giáo không phải là tôn giáo duy nhất ở Mỹ hay ở một số nước Tây phương, nhưng những nước này vẫn tự coi là những xứ Ki Tô Giáo. Nếu ngày “Lễ Tạ Ơn” của Mỹ được coi như là ngày Quốc Lễ, tuy rằng có nhiều người, nhất là dân da đỏ, không tạ ơn, thì Đại Lễ Phật Đản đối với người Việt nam có thể coi như là một Quốc Lễ của Việt Nam, tuy rằng không khỏi có những người vì vô minh, ghen tị ganh ghét, hay ngu ngơ chống Cộng đến chiều, sẽ phát dị ứng với Đại Lễ, và xuyên tạc ý nghĩa của Đại Lễ Vesak. Tại sao? Vì những người này không hiểu rằng Đại Lễ Vesak là ngày văn hóa và tôn giáo của Liên Hiệp Quốc, và chỉ có những quốc gia xứng đáng mới có thể đăng cai và được Phật Giáo thế giới chấp thuận để tổ chức Đại Lễ Vesak chung cho khối Phật Giáo thế giới. Họ cũng không hiểu rằng giáo lý của Đức Phật là một giáo lý vượt thời gian và không gian, và lẽ dĩ nhiên vượt ra ngoài phạm vi của một tôn giáo, hay phạm vi chính trị. Một giáo lý nhân bản, vị tha, từ bi, hòa bình, hòa hợp là của chung cho mọi người trên thế gian, chứ không là của riêng của Phật tử. Cũng vì vậy mà Liên Hiệp Quốc, trong tất cả các nhân vật tôn giáo lớn trên thế gian, không chọn ai khác mà lại chọn Đức Phật làm biểu tượng của văn hóa, tâm linh, và tinh thần hòa hợp, hòa bình của cả nhân loại.

Chúng ta nên hiểu rằng, Liên Hiệp Quốc tôn vinh Đức Phật không phải vì Phật Giáo có nhiều tín đồ như Ki Tô Giáo hay Hồi giáo hay Ấn Độ Giáo, cũng không phải vì Phật Giáo là một tổ chức tôn giáo giàu có như Ca-Tô Giáo Rô ma, bởi vì đó chỉ là những giá trị phiến diện thu hẹp, không phải là những giá trị phổ quát cho thế giới. Liên Hiệp Quốc tôn vinh Đức Phật vì những giáo lý nhân bản và những giá trị văn hóa và tâm linh có tính phổ quát của Người. Chúng ta có thể kể vài thí dụ để chứng minh điều này.

Bất cứ khi nào Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết Pháp ở đâu chúng ta đều thấy nhiều chục ngàn người đến nghe, và những người này hầu hết không phải là Phật tử, mà ở trong mọi tôn giáo khác. Gần đây Ngài thuyết Pháp ở Seattle có đến 50000 người đến nghe mà đa số là ở trong các tôn giáo khác. Khi xưa tôi còn dạy ở Đại học Wisconsin – Madison, mỗi khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được nhà trường mời đến thuyết Pháp, thì Ngài phải thuyết Pháp ở sân vận động (Stadium) vì nhà trường không có giảng đường nào đủ chỗ cho hàng ngàn sinh viên và dân chúng đến nghe. Chúng ta không thấy hiện tượng này đối với các bậc lãnh đạo tôn giáo khác.

Thiền sư Nhất Hạnh có đệ tử ở khắp năm châu và không phải tất cả đều là Phật tử. Các đệ tử đến với Thiền sư từ nhiều nền văn hóa, tôn giáo khác. Và trong một bài thuyết Pháp trước đây ở San Francisco, có cả những chính khách và nguyên thủ quốc gia thuộc nền văn hóa và tôn giáo khác đến nghe và học Thiền với Thiền sư. Sau vụ 9/11 Thiền sư thuyết Pháp ở New York cũng có rất đông người Mỹ đến nghe. Chúng ta cũng không thấy hiện tượng này đối với các bậc lãnh đạo tôn giáo khác, kể cả Giáo hoàng của Ca-Tô giáo Rô-ma, có nói gì thỉ chỉ có con chiên của ông ấy nghe mà thôi.

Vì vậy chúng ta thấy rõ ràng Phật Giáo thực sự có những giá trị nhân bản, văn hóa, tâm linh chung cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo, và đây chính là những giá trị mà thế giới ngày nay cần đến để giảm thiểu những xung đột chiến tranh, tranh chấp tôn giáo. Vì những giá trị này mà chúng ta không lấy làm lạ khi thấy Phật Giáo càng ngày càng phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới, nhất là trong thế giới văn minh tiến bộ Tây phương,.

Thật vậy, sự phát triển của Phật Giáo trong thế giới Tây phương có nhiều nguyên nhân, nhưng tất cả có thể thu về một mối. Đó là: nhân loại đã nằm trong một quá trình tiến hóa liên tục, một quá trình thiên nhiên trong vũ trụ, không một thế lực nào có thể ngăn chận được. Sự tiến hóa về mọi mặt của con người, nhất là về mặt trí tuệ, tất nhiên đưa đến sự thoái hóa của những quan niệm, lý thuyết và cả những niềm tin tôn giáo đã lỗi thời trong xã hội loài người. Điều này đã xảy ra rất rõ rệt trong thế giới Tây phương. Tây phương đã thức tỉnh, và càng ngày Tây phương càng nhận ra chân giá trị của Phật Giáo. Đây là một điểm rất đặc biệt mà chúng ta cần ghi nhận, vì nếu Phật Giáo không có chân giá trị thì không thể nào đi vào thế giới Tây phương, nơi đây sự tiến bộ trí thức đã tạo nên truyền thống đặt nặng tinh thần khoa học, thực dụng, lôgic, và quyền được thắc mắc, nghi ngờ và chất vấn, một truyền thống không xa lạ gì với Phật Giáo. Và nếu Phật Giáo không có chân giá trị thì Liên Hiệp Quốc không thể nào lại chọn Đức Phật làm tiêu biểu cho văn hóa, tâm linh và tinh thần hòa bình của cả thế giới.

Thật ra thì sự thức tỉnh của Tây phương không phải trong thời đại này mới xảy ra mà đã bắt nguồn từ sự tiến bộ trí thức của con người ít ra là từ cuộc Cách Mạng Khoa Học (The Scientific Revolution) vào đầu thế kỷ 17, từ Thời Đại Lý Trí (The Age of Reason) vào thế kỷ 18, Thời Đại Khai Sáng (The Age of Enlightenment) vào thế kỷ 19, và Thời Đại Phân Tích (The Age of Analysis) vào thế kỷ 20. Những thời đại này đã kéo con người Tây phương ra khỏi Thời Đại Của Đức Tin (The Age of Faith), một thời đại mà sự thống trị của Ca-Tô Giáo Rô-ma đã đưa Âu Châu vào 1000 tăm tối được biết dưới tên Thời Đại Trung Cổ (The Middle Ages), hay Thời Đại Tăm Tối (The Dark Ages), hay Thời Đại Của Sự Man Rợ Và Đen Tối Trí Thức (The Age of barbarism and intellectual darkness).

Tuy thức tỉnh ra khỏi những mê tín của thời bán khai, nhưng Tây phương không có cơ hội tiếp xúc với Phật Giáo cho nên chưa thể dứt hẳn, vẫn luẩn quẩn không có lối thoát trong những giá trị tâm linh đã ngự trị ở Tây phương qua mười mấy thế kỷ. Hơn nữa, ý thức hệ Ki-tô độc tôn của Âu Mỹ đồng hành với chính sách thực dân đã khiến cho Tây phương không cần tìm hiểu về Phật Giáo trừ một số nhỏ học giả. Tuy Phật Giáo đã được Tây phương biết đến từ hậu bán thế kỷ 19 với Paul Carus và người ông bảo trợ, Daisetz T. Suzuki, rồi sau đó với những bậc trí thức nổi danh trong xã hội Tây phương về những công cuộc nghiên cứu Phật Giáo như Edwin Arnold, Rhys Davids, Edward Conze, Christmas Humphreys, Theodore Stcherbatsky, Sangharakshita v..v.. nhưng Phật Giáo hầu như chỉ được biết tới trong giới trí thức có thể nói là rất giới hạn. Phải sang thế kỷ 20, biến cố Tây Tạng khiến cho Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng đoàn tùy tùng phải chọn con đường lưu vong, rồi chiến tranh Việt Nam với cuộc tranh đấu của Phật Giáo, đưa đến cao điểm là Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu để thức tỉnh lương tâm nhân loại và chính quyền Ngô Đình Diệm, thế giới mới biết nhiều đến Phật Giáo. Và từ đó Phật Giáo bắt đầu nở rộ và ngày nay đang phát triển mạnh mẽ khắp năm châu. Lý do phát triển rất đơn giản, vì ngoài những giáo lý nhân bản, từ bi đặc thù của Phật Giáo, trên bình diện cộng đồng thế giới, có một nhận xét ngắn của một học giả Ca-Tô về đạo Phật có thể nói lên phần nào lý do Phật Giáo đang phát triển mạnh trên thế giới:

Joseph L. Daleiden, trong cuốn Sự Mê Tín Cuối Cùng (The Final Superstition), xuất bản năm 1994, sau khi phân tích và đánh giá cái gia tài Do Thái - Ki Tô (A Critical and Evaluation of the Judeo-Christian Legacy), đã đề nghị những Tín Ngưỡng Khác Thay Cho Thần Giáo (Alternatives to Theism). Về Phật Giáo tác giả viết, trang 424:

Lời giới thiệu hay nhất về Phật Giáo là, giống như Khổng giáo, hệ thống tín ngưỡng này đã hiện hữu trong 25 thế kỷ mà không hề có một cuộc Thánh Chiến, một Tòa Án Xử Dị Giáo, hay một toan tính đế quốc nào nhằm xâm chiếm và phá hủy nền văn hóa của một dân tộc khác.

(The best recommendation for Buddhism is that, like Confucianism, this belief system has existed for twenty-five centuries without a single Crusade, Inquisition, or imperialist attempt to invade and destroy the culture of another people.)

Sự kiện Nhà Nước Việt Nam và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đăng cai Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008 không chỉ thu hẹp trong vai trò tổ chức, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới, nhất là trong xã hội Việt Nam ngày nay. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã xác định Việt Nam là một xứ Phật Giáo, có một thế đứng được tôn trọng trên thế giới, và có thể đóng góp vào nền tảng văn hóa và tâm linh cho nhân loại. Trên bình diện quốc nội thì đây là một bước đi ngoạn mục để nêu cao tinh thần hòa hợp, chủ trương hòa bình, đẩy mạnh sự cải tiến, xây dựng đất nước, và khôi phục giá trị tâm linh, đạo đức trong xã hội.

Sau bao năm chiến tranh, trong thời gian đó đau thương xảy ra trên khắp đất nước làm cho nhân tình chia rẽ, vết thương thù hận chưa lành trong đám người vô minh, nay đã đến lúc Việt Nam phải quên đi những sự thù nghịch trong quá khứ và đi đến sự hòa hợp dân tình. Mặt khác, đây là cơ hội để người dân Việt Nam nhìn lại cái gia tài văn hóa đạo đức của dân tộc mình mà trong vài thập niên gần đây, vì hoàn cảnh khắc nghiệt của đất nước, chúng ta đã phần nào lơi là, không tích cực vun đắp cái gia tài văn hóa quý báu của dân tộc này.

Sau cuộc chiến, đất nước kiệt quệ, vì nhu cầu mở mang đất nước để cho người dân đủ ăn đủ mặc, chính quyền coi chính sách mở mang kinh tế là ưu tiên, nhưng có phần nào lơi là trong việc vun đắp đạo đức xã hội và xây dựng truyền thống văn hóa tâm linh. Đi vào nền kinh tế thị trường thì tất nhiên không thể tránh được sự xâm nhập của những giá trị vật chất phiến diện. Từ đó sinh ra những tệ đoan xã hội, kéo theo sự suy thoái đạo đức. Và tình trạng xã hội ngày nay cho thấy đã đến lúc những nguy cơ trên cần phải đối trị để phục hưng quốc gia. Chắc chắn là Nhà Nước đã nhìn thấy như vậy. Nhưng Nhà Nước khó có thể đơn phương giải quyết. Cho nên Nhà Nước cần sự hỗ trợ của Phật Giáo, một tôn giáo mà trong suốt dòng lịch sử đã đóng góp cho đất nước không ít trong những vấn đề văn hóa xã hội như giáo dục, trau giồi đạo đức, tinh thần yêu nước v…v… Chúng tôi rất hi vọng Nhà Nước nhìn ra khả năng này của Phật Giáo để có thể có một chính sách hợp tác nhằm mục đích khôi phục những giá trị đạo đức và truyền thống tâm linh trong đất nước. Mặt khác, chúng tôi cũng hi vọng Nhà Nước hãy tiếp tay với Phật Giáo để thanh lọc những phần tử xấu, đạo đức thấp kém, hoặc liên kết với những tổ chức chống đối bên ngoài để phá Phật Giáo, hay lợi dụng Phật Giáo để hoạt động cho những mưu đồ chính trị đen tối.

Đại Lễ Vesak 2008 là một cơ hội không những để cho Việt Nam trao đổi những giá trị tâm linh với Phật Giáo thế giới, mà còn là cơ hội để chấn hưng tinh thần Phật Giáo Việt Nam. Trước sự phát triển của Phật Giáo vào các xã hội tân tiến Tây phương, và trước sự chấp nhận của Tây phương đối với những giá trị tinh thần, nhân bản của Phật Giáo, người Việt Nam nên hãnh diện về cái "đạo dân tộc" của mình. Đất nước của chúng ta quả thật đã may mắn vì đã được thấm nhuần tinh thần Phật Giáo, một tinh thần chủ lực xây dựng nước và giữ nước như đã được chứng minh trong nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Và do đó, chúng ta phải có bổn phận gìn giữ, phát huy tinh thần Phật Giáo trong mọi tầng lớp dân chúng ở trong nước. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nhìn lại và trân quý các di sản văn hóa Phật Giáo, xây dựng nền tảng đạo đức trong xã hội, tạo một thế đứng vững chắc trong cộng đồng thế giới cho Việt Nam.

Tôi có rất nhiều hi vọng là những mục đích xây dựng đất nước và phát huy tinh thần Phật Giáo nêu trên sẽ được thành tựu khi nhìn thấy hình ảnh bàn dân thiên hạ ở Việt Nam nô nức treo cờ, trang hoàng từ tư gia đến các nơi công cộng để sửa soạn đón mừng Đại lễ Phật Đản 2008,. Đây là một dấu hiệu khẳng định lại tinh thần Phật Giáo đã thấm nhuần trong lòng dân tộc Việt Nam. Tôi cũng có nhiều hi vọng là Đại Lễ Phật Đản 2008 sẽ thành công mỹ mãn trên mọi phương diện: giới thiệu với thế giới bên ngoài một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình và trân quý nền độc lập của mình, thấm nhuần từ giáo lý nhân bản, bình đẳng, từ bi v.. v.. của Đức Phật; thức tỉnh người dân tìm lại những giá trị truyền thống tâm linh của mình làm căn bản giữ nước; và phát huy đạo đức gia đình và xã hội để xây dựng một nước Việt Nam lành mạnh trên con đường phát triển đi đến thịnh vượng phú cường.

Để kết luận tôi xin thành thực chúc cho Đại Lễ Phật Đản 2008 ở Việt Nam được hoàn toàn thành công và có vài lời chúc đất nước Việt Nam như sau:

Địa Cửu Thiên Trường. Đoan Vi Việt Nam Chúc Hòa Bình

[To Last As Long As Heaven And Earth. Expressly For Việt Nam We Pray For Peace]


Các bài về tôn giáo cùng tác giả

Các bài về Vesak 2008

Trang Trần Chung Ngọc