GIÊ-SU NHƯ LÀ ĐẤNG “CỨU THẾ”

MỘT HÌNH ẢNH CẦN PHẢI DẸP BỎ

tác giả: Giám Mục John Shelby Spong

người dịch: Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN148_HMD.php

13 tháng 3, 2008

Vài Lời Nói Đầu Của người Dịch:

Tôi vừa đọc bài của Minh Nghị trên trang nhà Giao Điểm, phê bình Nguyễn Huệ Nhật, một “tu sĩ Phật Giáo” (sic) từ bỏ thân phận làm người, tự tu, tự chứng, để làm một con cừu (con chiên) Tin Lành, giới chăn chiên dạy sao nghe vậy rồi nhắc lại như vậy, dắt đi đâu đi đó. Nguyễn Huệ Nhật đã bỏ “Kinh Đức Tin” (Kinh Phật thuyết cho người dân Kalama) để theo “Kinh Tin Kính” của Ki Tô Giáo, quỳ dưới chân cây Thập Ác, một biểu tượng của cách hành hình tra tấn dã man nhất trong lịch sử loài người.. Mừng cho ông Nguyễn Huệ Nhật đã có một bước nhảy vọt trên con đường trở lại thời bán khai. Nguyễn Huệ Nhật muốn đi đường tắt: sự tu tập trong Phật Giáo khó khăn quá, chi bằng chỉ cần tin vào vai trò “cứu thế” của Giê-su là mọi vấn đề cá nhân sẽ được giải quyết. Đây là quyền tự do của Nguyễn Huệ Nhật, và tôi mừng cho ông ta đã kiếm được cái “bánh cứu rỗi” ở trên trời (Mục sư Ernie Bringas gọi sự “cứu rỗi” của Giê-su là “A Pie in the Sky”). Tôi cũng mừng cho Phật Giáo đã mất đi một “tu sĩ” (sic) như Nguyễn Huệ Nhật.

Nhưng thực chất vai trò “cứu thế” của Giê-su mà Nguyễn Huệ Nhật tin và hết lời ca tụng, quảng cáo, ra sao? Bản dịch sau đây sẽ làm sáng tỏ vấn đề. Chúng ta đã đọc bài “Huyền Thoại Cứu Rỗi” của Linh mục James Kavanaugh. Bây giờ tôi xin cống hiến quý độc giả bản dịch bài “Giê-su Như Là Đấng Cứu Thế: Một Hình Ảnh Cần Phải Dẹp Bỏ” (Jesus As Rescuer: An Image That Has To Go) của Giám mục Tin Lành John Shelby Spong. Bài dịch này tuyệt đối không phải để phê bình hay mở mang đầu óc của Nguyễn Huệ Nhật. Đây là một chuyện cực kỳ vô ích. Mục đích của bài dịch này là để phổ biến cùng đại chúng những tư tưởng tiến bộ nghĩ lại (rethinks) của một giám mục về cốt tủy đức tin trong Ki Tô Giáo: Vai trò “cứu thế” của Giê-su.

Nếu Linh mục James Kavanaugh là một nhân vật đặc biệt trong Ca Tô Giáo Rô Ma thì Giám mục John Shelby Spong cũng là một nhân vật rất đặc biệt trong hệ Tân Giáo (Episcopal hay Anglican) của Tin Lành. Giám mục John Shelby Spong hiện vẫn là Giám mục ở Newark, bang New Jersey, Hoa Kỳ. Ông ta là một Giám mục nổi tiếng nhất ở Mỹ vì đã xuất hiện trên TV nhiều lần để trình bày những quan điểm của ông ta trong những tác phẩm nghiên cứu với trình độ trí thức cao về Thánh Kinh và lịch sử Ki Tô Giáo, qua những cuốn sách trong đó ông trình bày sự suy nghĩ lại (rethink) của ông, nhân danh là một Giám Mục (A Bishop rethinks...) về những vấn nạn trong Ki Tô Giáo như “Sống Trong tội lỗi?” (Living in Sin?), “Sự Sống Lại (của Giê-su): Huyền Thoại Hay Sự Thực?” (Resurrection: Myth or Reality?), “(Giê-su) Sinh Ra Từ Một Người Đàn Bà” (Born Of A Woman), “Tại Sao Ki Tô Giáo Phải Thay Đổi Hay Chết” (Why Christianity Must Change or Die), “Một Ki Tô Giáo Mới Cho Một Thế Giới Mới” (A New Christianity For a New World) v..v...

Đây là bản dịch chương 6: “Giê-su Như Là Đấng Cứu Thế: Một Hình Ảnh Cần Phải Dẹp Bỏ” (Jesus As Rescuer: An Image That Has To Go) trong cuốn “Tại Sao Ki Tô Giáo Phải Thay Đổi Hay Chết” (Why Christianity Must Change or Die), xuất bản năm 1998, từ trang 83 đến trang 99, tôi tự ý bỏ bớt vài đoạn nhỏ hơi xa đề. Có thể nói, bài này bổ túc cho bài “Huyền Thoại “Cứu Rỗi”” (The Salvation Myth) của Linh mục James Kavanaugh. Nếu Linh mục Kavanaugh so sánh huyền thoại “cứu rỗi” của Ki Tô Giáo với những tục lệ tế thần trong dân gian và kết luận đó là một câu chuyện độc ác không thể tưởng tượng được của thời bán khai (It is a primitive tale of unbelievable cruelty) và không đi vào chi tiết về nguồn gốc của huyền thoại này thì trái lại, Giám mục John Shelby Spong đã dựa vào chính Thánh Kinh Ki Tô Giáo và cho chúng ta một phân tích khá đầy đủ về nguồn gốc của huyền thoại đã dựng Giê-su lên như là một đấng cứu thế, một vai trò mà Giám mục Spong nghĩ cần phải dẹp bỏ trong thời đại này trước sự tiến bộ trí thức của nhân loại và trước những bằng chứng khoa học bất khả phủ bác..

Tại sao một Giám mục lại đề nghị phải dẹp bỏ huyền thoại “cứu thế” trong Ki Tô Giáo? Bởi vì, huyền thoại này được xây dựng từ huyền thoại “sáng thế” trong Cựu Ước, nhưng với kiến thức của nhân loại ngày nay về vũ trụ, nhân sinh, đọc chương “Sáng Thế” trong Thánh Kinh về nguyên do con người cần đến sự “cứu rỗi” của Giê-su qua huyền thoại Adam và Eve với “tội tổ tông”, không một người trí thức nào mà không phì cười vì những chuyện hoang đường, mâu thuẫn, phản khoa học, phi lý trí v..v.. trong đó.

Xin mời quý độc giả hãy thưởng thức một bài phân tích và nhận định về nguồn gốc vai trò cứu thế của Giê-su của một vị giám mục lừng danh và hi vọng qua bài này có thể nhận ra tất cả những sự thật đàng sau nền thần học của Ki Tô Giáo, một nền thần học đã dựng lên vai trò “cứu thế” của Giê-su, và cứ tự nhiên cười cho thỏa thích, nếu muốn.


“Giê-su Như Là Đấng Cứu Thế:
Một Hình Ảnh Cần Phải Dẹp Bỏ”


(Jesus As Rescuer: An Image That Has To Go)

Giám Mục John Shelby Spong

ôi khi, cái cây chết cần phải đào xới lên và vứt bỏ nó đi để lấy chỗ cho cây mới có cơ hội mọc lên. Đối với câu chuyện về Giê-su, hành động trên (đào xới lên và vứt bỏ) thật là tối cần thiết và cấp bách (vital and urgent). Không có bất cứ một hình ảnh nào dùng để giải thích về nhân vật Giê-su đáng được tồn tại. Hình ảnh hiển nhiên nhất để loại bỏ trong đầu óc tôi có lẽ cũng là cái hình ảnh cổ xưa nhất về mọi diễn giải về Giê-su. Đó là cái hình ảnh của Giê-su như là “đấng thần linh cứu thế” (the divine rescuer).

Cái hình ảnh này đến với chúng ta dưới hai dạng. Thứ nhất, nó xuất hiện trong lối nói cường điệu hoa mỹ (rhetoric) của những nhà truyền giáo truyền thống mà đối với họ, vì giới hạn của thời giờ trong những bài giảng đạo, một vài hình ảnh (về Giê-su) đã trở thành tất cả và cốt yếu. [Đây chính là xảo thuật trích dẫn vụn vặt Thánh Kinh để truyền đạo. TCN] Trong những nhịp độ nói năng trơn tru từ bờ môi của những người truyền giáo, chúng ta thường nghe được những lời quen thuộc: “Giê-su chết cho tội lỗi của chúng ta. Ông ta đã đổ những giọt máu quý báu trên thập giá ở Calvary để cho chúng ta được “cứu”. Chúng ta đã được rửa sạch trong máu của con chiên Giê-su (Lamb). Với sự hi sinh của Giê-su, chúng ta đã được “cứu”. Tì vết nguyên tội (hay “tội tổ tông”) trên linh hồn của chúng ta đã được tẩy sạch”. Thật vậy, chúng ta đã nghe những lời như trên hàng ngàn lần.

Thứ nhì, qua nhiều thời đại, đã có những luận điệu hùng biện khoa trương của nền thần học Ki Tô Giáo. Những tư tưởng gia Ki Tô Giáo, trong tầm nhìn thế giới mà họ hiểu, đã mất nhiều thế kỷ để đưa ra cái gọi là “thần học của cây thập giá” (The theology of the cross) như là một yếu tố quan trọng trong câu chuyện về Giê-su. Quá trình này đưa đến nhiều diễn giải khác nhau xung quanh giáo lý chính yếu của Ki Tô Giáo: Giáo lý chuộc tội (The doctrine of atonement). Giáo lý này tin là thật những điều thuộc một quan điểm đặc biệt về ý nghĩa của sự sáng tạo, về sự sa ngã của con người xuống cái gọi là nguyên tội, và nhiệm vụ cứu chuộc của Giê-su, với kết quả là sự lấy lại tình thương của Chúa Cha đối với con người.

Những từ ngữ như “nguyên tội” (hay “tội tổ tông”) và “chuộc tội” đã được phổ biến trong những xứ Ki Tô Giáo từ lâu đến độ chúng đạt đến địa vị như là một thần chú thiêng liêng (a sacred mantra). Điều này có nghĩa là nó không thể bị chất vấn, và cấu trúc căn bản của nó không cần phải giải thích gì thêm. Trong ánh sáng của những kiến thức mới, nó chỉ cần phải điều chỉnh lại (adjusted), chứ không bao giờ phải xét lại (reconsidered). Tuy nhiên, nếu xét kỹ, những quan niệm thiêng liêng đó đã kéo chúng ta vào một cách nhìn về đời sống con người không còn áp dụng được, một lối hiểu thần thánh về Chúa Cha (God) khiến chúng ta ghê tởm, một cách nhìn ma thuật về Giê-su làm ô nhiễn đầu óc chúng ta, và sự thực hành cần thiết của giáo hội coi tội lỗi là điều tiên quyết để bước vào đạo. Không cần phải là một thần đồng mới có thể nhận thức được rằng, cách nhìn Chúa Cha và Chúa Con như trên, cũng như cái hiểu của giáo hội, sẽ không bao giờ tồn tại.

Cái trạng thái tâm lý về Giê-su như là đấng cứu thế đã tỏa khắp trong sự tự cho là mình hiểu biết của Ki Tô Giáo đến độ người ta không thể nhìn Ki Tô Giáo ngoài cái vai trò cứu thế của Giê-su. Có lẽ vì vậy mà tình trạng gần như sụp đổ của hệ thống tôn giáo này thật là hiển nhiên. Hầu hết nội dung của truyền thống đức tin này đã được tổ chức để phục vụ cho cái tâm lý Giê-su là đấng cứu thế đó. Lễ rửa tội mở đường cho công cuộc cứu chuộc. Lễ ban thánh thể (eucharist) [Nói nôm na là lễ ăn thịt và uống máu Chúa. TCN] đã lập lại quan điểm về sự cứu chuộc của Giê-su. Nhiều phần trong cuốn Kinh của Ki Tô Giáo (Bible) đã được diễn giải để củng cố sự hiểu biết đặc biệt về Giê-su này. Sự hiện diện của cây thập giá hay hình Giê-su bị đóng đinh trên cây thập giá như là một biểu tượng chính của Ki Tô Giáo cũng nói lên sự cứu chuộc của Giê-su. Đây là một kiểu lý luận vòng vo (circular argument) mà chúng ta khó có thể len vào. Và chính cái tính vòng vo (circularity) của nó đã đưa đến sự nhất quán cho toàn thể tấn bi kịch Ki Tô (the Christian drama) như là chúng ta đã biết. Thật là dể dàng vạch ra những yếu tố tạo nên quan điểm này. Tôi sẽ trình bày chúng rõ ràng và đặt chúng trước lương tâm của mọi người. Chỉ như vậy tôi nghĩ mới có thể nhổ bật gốc rễ của chúng để nhường chỗ cho một lối sống mới có thể nhô lên, không bị bóp nghẹt bởi những quan điểm đã quá lỗi thời.

Cuốn Kinh của Ki Tô Giáo (Bible) mở đầu bằng chuyện “Sáng Thế”. Cuốn Kinh viết rằng đó là một sự sáng tạo hoàn mỹ (perfect creation), và đúng là một sự sáng tạo hoàn tất, đầy đủ (a completed creation). Khi Chúa Cha thấy những gì mình đã tạo ra, ông ta tuyên bố rằng tất cả đều tốt đẹp (very good) và rồi nghỉ ngơi , không làm những việc lao động thần thánh (divine labors) nữa.

Điểm có ý nghĩa nhất trong cái hành động ban đầu này là Chúa Cha làm ra đàn ông và đàn bà và cho họ ngự trị trên mọi tạo vật khác của Chúa Cha. Cuốn Kinh viết tiếp, Adam và Eve sống trong cái thế giới hoàn mỹ của Chúa Cha, gọi là vườn Eden, ở đó họ có một mối liên hệ toàn hảo (perfect relation) với Chúa Cha đã tạo ra họ. Chúa Cha cung cấp cho họ đủ mọi thứ. Thức ăn và thức uống tràn trề... Nhưng rồi những giới hạn được đặt ra trong cái thiên đường đó. Cái gia đình đầu tiên của loài người đó có thể sử dụng bất cứ cái gì ở trong cái vườn đó trừ một thứ. Đó là cái cây hiểu biết phân biệt thiện và ác, trồng ở giữa vườn. Trái cây của cây đó là “trái cấm” (forbidden fruit). Con người do Chúa Cha tạo ra không được phép ăn trái cấm đó, vì ngày nào mà họ ăn thì họ sẽ mở mắt ra và biết phân biệt thiện ác. Đây là một huyền thoại hấp dẫn, và trong lịch sử Ki Tô Giáo, huyền thoại này được tin là thật, đúng như Cuốn Kinh viết (Gen 2:5 – 3:24).

[TCN xin phép được bàn ngang vài câu: Chương Sáng Thế trong cuốn Kinh của Ki-Tô Giáo viết, Genesis 3: 5: “Vì Chúa Cha biết là cái ngày mà ngươi ăn trái cấm dó, mắt ngươi sẽ mở ra, và ngươi sẽ như Chúa Cha, biết phân biệt thiện ác” (For God knows that in the day you eat of it your eyes will be opened, and you will be like God, knowing good and evil). Điều này chứng tỏ mục đích tiên khởi của Thần Cha khi tạo ra con người là chỉ tạo ra người mù và vô trí, vì chưa mở mắt và không biết phân biệt giữa thiện và ác. Thực tế cho thấy trong Ki Tô Giáo ngày nay không thiếu gì những người vẫn còn ở trong tình trạng ban đầu này. Họ có mắt cũng như mù, có đầu óc nhưng không có trí tuệ. Đó là những người rất hãnh diện làm đầy tớ, xiêng năng hầu việc Chúa, tin và sợ Chúa Cha, một vị Thần của dân Do Thái cổ xưa. Họ tin Chúa nhưng họ không hề nghĩ rằng Chúa chỉ muốn họ là những người mù và vô trí, vì vậy họ tin rằng cái hành động của Adam và Eve ăn trái cấm là tội tổ tông truyền đến đời họ và họ cần phải rửa sạch cái tội đó trong máu của Giê su. Vì vậy mà họ mang những đứa con nít sơ sinh vô tội của họ đi rửa tội. Một khi rửa sạch được cái tội tổ tông đó thì họ sẽ trở về tình trạng tiên khởi mà Chúa Cha tạo ra loài người, nghĩa là tình trạng tiền sa ngã của loài người, hay nói cho đúng hơn, trở lại tình trạng mù và vô trí. Nếu không phải họ muốn như vậy thì thực ra họ phải cám ơn Adam và Eve đã mở mắt cho loài người, để loài người biết phân biệt giữa thiện và ác. Chúng ta không nên lẫn lộn từ “mở mắt” trong Thánh Kinh với từ “mở mắt” mà chúng ta thường dùng hàng ngày, có nghĩa là vạch ra những sự thật để cho những người u mê thấy rõ. Vì sau khi ăn trái cấm, Adam và Eve mới mở mắt ra và mới cảm thấy xấu hổ là mình đang trần truồng, do đó mới lấy cái lá để che bộ sinh dục. Nếu không có Adam và Eve thì loài người vĩnh viễn vẫn là những người mù và vô trí. Theo một nghĩa nào đó, đây chính là tình trạng mà một số người đang sống trong đó ngày nay. Thật vậy, điều thê thảm là trên thế giới vẫn còn một số người đang sống trong mù lòa, không muốn mở mắt, tiếp tục tin bướng tin càn, và không biết thế nào là thiện là ác, nên đã phạm phải mọi thứ tội, như giáo dân vác búa, kìm và xà beng đi thắp nến cầu nguyện nơi không phải là chỗ cầu nguyện, hay như các linh mục can tội loạn dâm chẳng hạn. Cuốn Kinh Ki-Tô (Christian Bible) viết rằng một khi ăn trái cấm thì con người cũng giống như Chúa Cha, biết thế nào là thiện và ác. Điều này hoàn toàn sai vì đọc Cựu Ước chúng ta thấy Chúa Cha thực sự không biết thế nào là thiện, thế nào là ác. Đối với Chúa Cha thì không tin Chúa Cha là ác, còn giết người hàng loạt (mass destruction) như Chúa Cha làm thì là thiện, những tiêu chuẩn không thể chấp nhận trong thế giới văn minh tiến bộ ngày nay. Mặt khác, lịch sử loài người đã chứng tỏ rằng trí tuệ loài người đã vượt xa trí tuệ của Chúa Cha trong Cựu Ước, nếu Cựu Ước là những lời mạc khải của Chúa Cha. Đây là điều hết sức hiển nhiên, không có gì để bàn cãi nữa. TCN]

Lẽ dĩ nhiên, một trái cây mà bị cấm không được ăn thì rất có sức quyến rũ đối với con người. Và sự cám dỗ dần dần đi tới tình trạng không cưỡng được. Nghe tiếng của sự cám dỗ hiện thân trong con rắn xảo quyệt (incarnate in the wily snake), với sự thúc đẩy của ham muốn trong thâm tâm, Adam và Eve đã bất chấp điều cấm của Chúa và ăn trái cấm. Adam và Eve đã không vâng lời Chúa. Công cuộc sáng tạo hoàn mỹ của Chúa đã bị hư nát (ruined). Con người đã sa ngã trong cái gọi là “nguyên tội”.

Những ảnh hưởng tai hại của sự sa ngã này, theo cuốn Kinh, thì tức thời và vĩnh viễn. Mắt Adam và Eve mở ra. Hai người nhìn thấy họ đã lìa xa Chúa của họ, họ cảm thấy xấu hổ và tội lỗi. Họ che sự trần truồng của họ bằng lá cây sung. Chiều ngày đó, khi Chúa đi vào trong vườn, Adam và Eve nhận thức rằng “cái ông Thần này” (this God) không phải là đấng đã sáng tạo ra họ, nguồn gốc sự sống của họ, mà là một ông quan tòa đang moi móc tội lỗi của họ. (The elicitor of their guilt). Do đó họ trốn vào bụi cây trong vườn Eden. Sự hiệp thông (communion) của họ với Thần đã bị bẻ gẫy.

Khi Chúa Cha thấy Adam và Eve trốn trong bụi cây, sự thực về sự sa ngã của Adam và Eve là điều hiển nhiên. Một cuộc điều tra thần thánh (divine inquiry) bắt đầu và chứng tỏ con người thường hay đổ lỗi cho nhau. Trong sự sa ngã, con người không thể chấp nhận trách nhiệm về những hành động của mình. Adam đổ lỗi cho Eve và Chúa Cha. Hắn nói, Eve là nguyên nhân của sự sa ngã của hắn (vì Eve nghe lời con rắn nên đã xúi dục hắn ăn trái cấm), nhưng Chúa Cha là đấng đã tạo ra Eve như vậy. Đây là một lý luận rất hấp dẫn.

[Lý luận này là một cái gai đâm thẳng vào tim của nền Thần học Ki Tô Giáo, một nền Thần học đã dựng lên một Thần (God) với những thuộc tính toàn năng, nghĩa là làm gì cũng được, và toàn trí, nghĩa là cái gì cũng biết, quá khứ cũng như vị lai. Với thuộc tính toàn trí thì Thần phải biết là Eve sẽ xúi dục Adam ăn trái cấm nhưng Ngài vẫn tạo ra Eve, và với thuộc tính toàn năng thì Ngài có đủ cách để ngăn Eve không được xúi dục Adam ăn trái cấm. Vậy lỗi là chính ở Thần chứ không phải là ở Adam và việc xử phạt Adam và loài người vì lỗi của chính mình là một hành động “hiếp dâm công lý” mà con người ngày nay không thể chấp nhận. Giáo hội giải thích là khi Thần tạo ra con người là muốn cho con người có ý chí tự do (free will) chứ không phải là nô lệ. Nhưng giáo hội quên mất một điều là trước khi ăn trái cấm thì Adam là một người mù, vô lý trí, không làm gì có ý chí tự do, không thể biết phân biệt thiện ác, phải trái. Ý chí tự do chỉ có sau khi ăn trái cấm và biết phân biệt thiện ác, phải trái, và từ đó mới có sự tự do chọn lựa. TCN].

Đến lượt Eve, Eve đổ lỗi cho con rắn (cũng là một tạo vật của Thần. TCN). Nhưng sự trừng phạt được thi hành ngay.

Cái gia đình đầu tiên của loài người đó bị đuổi ra khỏi vườn Eden. Thiên đàng đã mất. Từ lúc đó, đời sống con người là một sự vật lộn với đời. Con rắn sẽ phải bò sát trên bụng và vĩnh viễn phải ăn đất. [Trước đó, phải chăng con rắn đi hai chân giống Chúa Cha khi Chúa Cha đi dạo trong vườn Eden? TCN]. Người Nữ sẽ bị đau đẻ. Người Nam sẽ phải kiếm sống bằng mồ hôi nước mắt và luôn luôn phải vật lộn với đời để sống còn. [Đây là sự giải thích của con người về những những thực tế ở ngoài đời, ở một thời đại mà họ chưa đủ kiến thức để biết về cấu trúc cơ thể con người. TCN]

Sau cùng, tất cả mọi người đều phải chết. Chết là số phận phổ quát (universal fate) của những người mang trên người cái tì vết tội nguyên thủy của Adam và Eve.

Một thiên thần với lưỡi gươm tuốt trần sẽ đứng gác cổng vào vườn Eden để ngăn không cho loài người vào trong cái thiên đường đó. Vì cái tội của con người đầu tiên, cả nhân loại về sau sẽ sinh ra trong tội lỗi và sẽ chết. Đó là nguyên tội. Mọi sự sống của con người đều phải cần đến sự chuộc tội. Mọi người đều phải cầu khẩn đến một đấng cứu thế. Những điều giải thích này đã trở thành những điểm chính yếu mà Ki Tô Giáo khẳng định.

Theo luận điệu thần học này, Chúa Cha sẽ khởi sự quá trình chuộc tội bằng cách chọn một dân tộc đặc biệt [dân tộc Do Thái. TCN]. Qua dân tộc này, Chúa Cha sẽ hoàn thành toàn thể quá trình cứu rỗi thần thánh (the divine process of salvation). Vấn đề tại sao Chúa Cha cần phải làm như vậy sau một thời gian nhiều ngàn năm không được đặt ra. Giáo hội dạy rằng nó là như vậy (that’s just the way it is).

Câu chuyện “chuộc tội” của Ki Tô Giáo được kể qua cái huyền thoại “cứu chuộc” này. Sự cứu chuộc khởi đầu rất hạn chế, ít ỏi, với Abraham (Gen. 12: 1-3). Hậu duệ của Abraham rút cuộc sẽ là một dân tộc đông nhiều hơn sao trên trời hay nhiều hơn số cát trên bờ biển (Gen. 22:17)

[Hiển nhiên là lời “hứa” của Thần Cha đối với dân Do Thái của Ngài như trên đã trở thành chuyện tiếu lâm trong môi trường trí thức ngày nay, vì cho tới ngày nay dân Do Thái cũng chưa lên tới 10 triệu người, trong khi dân Việt Nam vào khoảng 80 triệu, và dân Trung Quốc vào khoảng 1 ngàn 300 triệu. Hơn nữa trong vũ trụ hiện nay có nhiều tỷ thiên hà, mỗi thiên hà có nhiều tỷ ngôi sao, và theo sự tính toán của các khoa học gia thì trái đất của chúng ta chỉ tồn tại vào khoảng 5 tỷ năm nữa. Vậy tới bao giờ thì dân Do Thái nhiều như sao trên trời? Lẽ dĩ nhiên, Chúa Cha tạo ra vũ trụ, theo niềm tin của Ki Tô Giáo, nhưng chính Chúa Cha lại không biết là trong vũ trụ có bao nhiêu vì sao, cho nên Ngài mới hứa nhăng hứa cuội với dân Do Thái như vậy. Thế mà “người ta” vẫn tin rằng Kinh (Cựu Ước) là những lời mạc khải của Chúa Cha, không thể sai lầm. TCN]

Khi dân tộc đó phát triển thì lại bị Chúa Cha thanh trừng (purged) đều đều. Isaac được chọn thay vì Ishmael, Jacob thay vì Esau, Judah và Joseph được chọn thay vì đứa con đầu lòng là Reuben (1 Chron.5: 1,3) [TGM Nguyễn Văn Thuận, trong cuốn “Chứng Nhân Hi Vọng”, giải thích những việc “bỏ trưởng lập thứ” này đều là những “mầu nhiệm của Thiên Chúa”. Lẽ dĩ nhiên, ông ta không hề giải thích là mầu nhiệm ở chỗ nào. TCN] Joseph dẫn dân Do Thái đến Ai Cập để tránh một nạn đói. Với thời gian, dân Do Thái trở thành nô lệ của Ai Cập. [“Giáo Sư” Đỗ Mạnh Tri, trong cuốn “Ngón Tay Và Mặt Trăng” giải thích là Chúa Cha dùng Vua Ai Cập để dạy dỗ dân Do Thái, dân đã được Ngài chọn lựa. Lẽ dĩ nhiên, “Giáo sư” cũng không giải thích là tại sao phải dạy dỗ dân Do Thái, và cũng không hề nhắc đến những biện pháp tàn bạo mà Ai cập đối xử với dân Do Thái, dân cưng của Ngài, và cũng không giải thích tại sao sau đó Chúa Cha lại hành hạ dân Ai Cập đủ điều. TCN]

Câu chuyện cứu rỗi lại bắt đầu lại (với dân Do Thái) khoảng 400 năm sau, với Moses và cuộc “Xuất Ê-Díp-Tô” [chạy ra khỏi Ai Cập (Exodus)]. Một khi thoát khỏi vòng nô lệ, dân Do Thái được Chúa Cha, qua tay sai Moses, dẫn tới núi Sinai, ở đây, luật của Chúa Cha, gọi là Torah, được ban cho dân Do Thái. (Exod. 19-20) Luật đó hướng dẫn dân tộc Do Thái sa ngã trở lại tình trạng sống trong ân sủng của Chúa Cha. Hi vọng sau cùng sẽ được cứu chuộc ra khỏi sự sa ngã của dân tộc Do Thái được đặt trong quá trình cứu chuộc này, vì người Do Thái tin rằng nếu có một đứa trẻ Do Thái đặc biệt nào đó có thể giữ đúng mọi luật Torah trong 24 tiếng đồng hồ thì Vương Quốc của Thần (Kingdom of God) sẽ tới, và sẽ có một vườn Eden mới được thiết lập, trong đó luật của Thần luôn luôn được tuân theo. Vậy luật đó được thiết lập để mở đường cho dân Do Thái ra khỏi tình trạng tội lỗi của loài người. Không có một đứa trẻ Do Thái nào giữ được đúng những luật của Thần trong 24 tiếng đồng hồ, do đó, trong lịch sử, sự cứu rỗi vẫn phải được tiếp tục tìm kiếm.

Một hệ thống hi sinh tế thần được phát triển trong thế giới cổ xưa để giúp vượt qua được bức tường ngăn cách giữa những tạo vật sa ngã và ông Thần thánh thiện. Do Thái dự phần trong hệ thống hi sinh tế thần này. Do Thái đã để một ngày gọi là ngày chuộc tội (Yom Kippur) trong đời sống đầy lễ tiết của họ, để ghi nhớ ý niệm về tội lỗi của con người và là một cơ hội để cầu nguyện cho sự chuộc tội và phục hồi tình thương của Chúa. Hai lễ tiết được thi hành trong ngày này.

Một là công khai xưng tội trước quần chúng những tội lỗi của dân tộc, long trọng chất những tội lỗi này trên lưng của một con chiên. Con chiên này, với đầy tội lỗi của dân Do Thái trên lưng, gọi là “con chiên tế thần” (scapegoat), được thả cho chạy rông vào nơi hoang dã và được tin rằng nó đã mang theo tất cả tội lỗi của dân Do Thái (Lev. 16).

Cái lễ tiết thứ hai trong ngày chuộc tội là dùng “con chiên chuộc tội” (the lamb of atonement) để tế thần. Con chiên tế thần này được khám nghiệm cẩn thận để chắc rằng nó toàn hảo về phương diện vật chất, không bị xây xát, không tì vết, không bị gẫy xương. Loài người, đã quá xa lìa Chúa Cha, đã sa ngã vào tội lỗi, phải đến với Chúa Cha dưới một biểu tượng (con chiên) toàn hảo. Con chiên là sinh vật thấp hơn con người do đó không thể phi luân, vì luân lý đạo đức đòi hỏi phải có khả năng chọn lựa điều ác. Do đó, một con chiên tế Chúa Cha, hoàn toàn đạo đức (morally perfect), hoàn toàn khỏe mạnh (physically perfect), nhưng vẫn là một con vật thấp hơn loài người, được dâng lên Chúa Cha để chuộc tội cho, ngay cả để trả nợ cho (even to pay for), những tội lỗi của dân Do Thái. Người ta cho rằng sinh ra làm người là có tội. Phao Lồ viết ra thành lời: “Mọi người đều có tội, thiếu mất sự vinh hiển của Chúa Cha.” (Rom. 3:23). Là con người, theo định nghĩa, là xấu ác, sa ngã, cần phải cứu.

Chính cái niềm tin chắc vào tội lỗi ngay khi sinh ra làm người và cần phải chuộc tội đã cho phép tôn giáo và mặc cảm tội lỗi dính liền với nhau trong lịch sử Tây phương. Quyền lực của tôn giáo Tây phương luôn luôn đặt trên khả năng hiểu biết của những người lãnh đạo tôn giáo và khả năng xoay vần cái mặc cảm bất toàn của con người được diễn giải như là tội lỗi...Những nhà lãnh đạo tôn giáo, qua các thời đại, biết rõ là sự kiểm soát hành vi của quần chúng phải dựa trên sự làm trầm trọng hóa (exacerbating) những cảm giác tội lỗi đó trong con người. Do đó, các đế chế tôn giáo (religious empires) đã được dựng lên để giúp con người sống với, và tới một mức độ nào đó, vượt qua được mặc cảm tội lỗi. Xưng tội, ăn năn, những hành động quá sự đòi hỏi (acts of supererogation) v..v.. chỉ là vài cái đòn bẩy tội lỗi được xây dựng thành cái xí nghiệp Ki Tô Giáo thống trị thế giới Tây phương. (guilts levers built into the Christian enterprise, which dominated the Western world)...

Con người là những tạo vật sa ngã cần phải được cứu vớt. Đó là sự hiểu biết thông thường về sự sống đã đóng khung thông điệp của tôn giáo Tây phương nói chung, Ki Tô Giáo nói riêng. Làm sao có thể thắng được tội lỗi? Làm sao có thể hàn gắn được sự đổ vỡ của nhân loại? Làm sao sự sống của con người sa ngã có thể được cứu vớt? Đó là những câu hỏi mà Ki Tô Giáo tự tổ chức để trả lời. (Those were the questions that Christianity organized itself to answer.)

Kinh nghiệm về Giê-su đã được nắm bắt trong tâm cảnh này. Sự nối kết giữa ý niệm về sự bất toàn của con người và vai trò cứu chuộc của Giê-su xảy ra nhanh chóng và đã thành hình trước khi thế hệ đầu tiên của những người theo Giê-su chết đi. Bước đầu tiên trong quá trình này là nhìn cái chết của Giê-su trong bối cảnh của tội lỗi và cứu chuộc. Sau khi Giê-su chết khoảng 20 năm, vào năm 50 theo Thường Lịch, bước đầu tiên này đã đạt được. Phao Lồ (Paul) nói: Giê-su chết cho tội lỗi của chúng ta (1Cor. 15:3: Christ died for our sins). Tội lỗi của chúng ta, bằng cách nào đó, đòi hỏi cái chết của Giê-su.

Trong Phúc Âm đầu tiên, từ “món đồ chuộc” (ransom) được dùng. Cái mạng sống của Giê-su là “món đồ chuộc” để chuộc tội cho chúng ta. Trong Phúc Âm này, Mác-Cô (Mark) theo ý của Phao-Lồ, là tác giả đầu tiên kể lại chi tiết về cái chết của Giê-su trong bối cảnh của Lễ Vượt Qua (Passover) và Giê-su đã được đồng nhất hóa ngay lập tức với con chiên bị giết trong Lễ Vượt Qua (Paschal lamb) để bẻ gẫy quyền năng của cái chết. Câu chuyện hi sinh tế thần này ở trong sách Xuất Ê-Díp-Tô (Exodus) đã lập thành trung tâm điểm của nghi lễ lập quốc Do Thái.

Chúa Cha (God) làm cho dân Do Thái trốn thoát khỏi vòng nô lệ của Ai Cập bằng cách sai phái Thiên Thần Tạo Tử (Angel of death) đến giết chết mọi đứa con đầu lòng, người cũng như vật, trong khắp đất Ai Cập (God had enabled their escape from slavery by sending the Angel of Death to slay the first born in all the land of Egypt). [Nhưng theo Giáo sư Đỗ Mạnh Tri thì Chúa Cha đã dùng dân Ai Cập để giáo dục dân Do Thái. Và theo thuyết Chúa ba ngôi thì Chúa Cha hay Chúa Con (Giê-su) cũng như nhau, và đây là những hành động của “Thiên Chúa lòng lành vô cùng, quá thương yêu thế gian” mà những người Ki Tô Giáo thường ca tụng. TCN] Dân Do Thái sẽ tránh được sự tàn sát này khi họ giết con chiên tế thần (Paschal lamb) và rảy máu của nó trên ngưỡng cửa nhà họ. Trong sự diễn giải lại của Ki Tô Giáo về lúc giết con chiên tế thần này, máu của con chiên tế thần được thay thế bằng máu của Giê-su. Cái con chiên tế thần mới này (nghĩa là Giê-su) đã rải máu trên cây thập giá, và cây thập giá được coi như là ngưỡng cửa của thế giới, do đó đã bẻ gẫy quyền năng của cái chết. Nhìn Giê-su như là cứu tinh của loài người sa ngã đã có một bước đầu kích động (a rousing start).

[Đây là lý luận Thần Học để lừa bịp những kẻ ngu si, vì đóng đinh trên cây thập giá là hình phạt của người La Mã dùng để trị những kẻ phản loạn, ăn trộm ăn cướp. Giê-su bị đóng đinh cùng lúc với 2 tên ăn trộm ở hai bên. Về bản chất các cây thập giá đều có cấu trúc như nhau, nói cách khác, cây thập giá mà Giê-su bị đóng đinh trên đó về bản chất không có gì khác với những cây thập giá mà người La Mã đã từng đóng đinh những tội phạm khác. Một cây thập giá, tượng trưng cho một loại hình phạt dã man nhất của nhân loại, lại trở thành cái ngưỡng cửa của thế giới, hay “Thánh giá”, là một chuyện có tính cách sỉ nhục đầu óc con người ngày nay. Khoan kể là từ khi Giê-su chết đi trên cây thập giá, loài người vẫn tiếp tục chết đi đều đều, và chưa có một người nào sống lại để có thể chứng tỏ là máu của Giê-su đã bẻ gãy quyền năng của cái chết. TCN]

Vào thời gian những thư (của Paul) cho người Do Thái được viết, vào khoảng năm 80, cái niềm tin này đã hoàn thành. Niềm tin này đã được kết chặt vào trong suy tư của những người Ki Tô Giáo: Giê-su, trong cái chết, đã là con chiên tế thần toàn hảo (perfect paschal lamb) mà người Do Thái tìm kiếm đã lâu trong ngày lể chuộc tội (Yom Kippur). Trước hết, Giê-su hoàn toàn về phương diện thể chất. “Ông ta (Giê-su) biết rõ tất cả xương của ông ta, không có cái nào bị gẫy” (John 19: 36) [giống như những con chiên tế thần hoàn toàn như trong Cựu Ước (Exod. 12: 46; Ps. 34: 20). TCN]. Ông ta cũng là người vô nhiễm [vì sinh ra từ một trinh nữ, không do tình dục. Ki Tô Giáo quan niệm tình dục là tội lỗi vì truyền lại cái tội của Adam (Sex was evil. Holiness was defined as sexlessness), nhưng trong lịch sử Ki Tô Giáo lại không thiếu những giáo hoàng loạn dâm và linh mục loạn dâm. TCN] Ông ta là đứa con Do Thái đã tuân giữ đúng những luật Torah. Do đó sự hi sinh của ông ta làm cho mọi sự hi sinh khác không còn cần thiết nữa. Cái khoảng trống ngăn cách giữa loài người và Chúa Cha đã được vượt qua. Người Ki Tô nói: Chúa Cha đã gửi con mình xuống để “trả cái giá của nguyên tội” (pay the price of sin), đó là sự hi sinh hoàn toàn, bẻ gẫy sự cầm giữ của nguyên tội và quỷ trên con người. Paul nói về Giê-su: “Vì như trong Adam mọi người đều phải chết, nên trong Giê-su mọi người sẽ được sống (1 Cor. 15:22: For as in Adam all die, so also in Christ shall all be made alive.)

Khi cái hiểu như vậy về công cuộc cứu chuộc của Giê-su phát triển trong Ki Tô Giáo, Augustine, giám mục thành Hippo (354-430) và là một trong những bộ óc thần học vĩ đại của thế giới Tây phương, đã đưa ra một diễn giải về Giê-su, diễn giải này đã tồn tại hơn 1000 năm [trong giáo hội Ki Tô. TCN] Đối với Augustine, Adam và Eve là hai nhân vật lịch sử có thật và là nguyên tổ của loài người. Kết quả của việc Adam và Eve bị đuổi ra khỏi vườn Eden là chết, cái giá mà toàn thể nhân loại phải trả. Augustine lý luận: “Chết không phải là luật của thiên nhiên mà là sự trừng phạt. Cái tội của Adam được truyền lại cho hậu thế qua con đường tình dục.” Sự liên hệ giữa tình dục và nguyên tội đã được thành lập rõ ràng. Mọi người đều đã mất đi ân sủng của Chúa Cha, không thể tự cứu mình, và phải chết vì mang trên người cái nguyên tội. Cái nguyên tội đó của khắp loài người là cái mà Giê-su đã phá vỡ. Giê-su đã chịu gánh hậu quả đau đớn của nguyên tội, đã dùng mạng sống của mình làm “món đồ chuộc” cho tội lỗi của loài người. Ông ta đã bẻ gãy quyền lực của cái chết trên con người.

Trong luận cứ thần học về cái hiểu của Augustine về sự sống của con người, truyền thống sinh ra từ trinh nữ (virgin birth) trở nên rất quan trọng. Đối với Augustine, câu chuyện về Giê-su sinh ra từ một trinh nữ là có thật, và tuyệt đối cần cho vai trò chuộc tội của Giê-su. Thật vậy, đối với Augustine, sự cứu chuộc không thể tách rời khỏi sự sinh ra từ một nữ trinh.

Luận cứ của Augustine thật rõ ràng. Cái tội của Adam được truyền lại từ cha đến con qua tình dục. Mọi người đều sinh ra trong cái tội của Adam, và không ai thoát khỏi. Một đấng cứu thế có nhiệm vụ cứu chuộc thì không thể là nạn nhân của cái tội của Adam. Và Augustine đã tách Giê-su ra khỏi nguyên tội của con người qua câu chuyện sinh ra từ một trinh nữ. Tội của Adam không làm ô nhiễm nhân cách của Giê-su vì Thánh Linh là cha ông ta. Ông ta không phải là hậu duệ của Adam. Trong thời đại của Augustine, người phụ nữ được coi như là không góp phần gì trong quá trình truyền giống, sinh con đẻ cái, mà chỉ là môi trường nuôi dưỡng hạt giống của người đàn ông cho đến khi sinh nở.

Tuy nhiên, với thời gian, khi vai trò của người phụ nữ được biết là “di truyền đồng tạo” (genetic co-creator), vấn đề sinh ra từ một trinh nữ phải điều chỉnh lại, nếu không chính đấng cứu thế (Giê-su) cũng bị ô nhiễm bởi nguyên tội của Adam qua người mẹ, vì bà ta cũng là con cái của Adam [mang trên người nguyên tội qua tình dục. TCN]. Vấn đề này được giáo hội Ca-Tô giải quyết trong thế kỷ 19 bằng cách tuyên bố tín lý “thụ thai vô nhiễm nguyên tội” (Immaculate conception) của bà Mary [và bắt tín đồ phải tin, không tin thì không được giáo hoàng cho lên thiên đường. TCN] Cũng như Giê-su, bà Mary được giải thoát khỏi sự ô nhiễm của tội tổ tông [bằng một lời tuyên bố của giáo hội Ca-Tô. TCN]. Sự thụ thai của bà không bị dính tì vết nguyên tội của con người. Với sự tiếp viện quyền năng của Thánh Linh, trinh nữ Mary, do thụ thai vô nhiễm nguyên tội, đã bị ngăn, không cho truyền lại cho Giê-su tội của Adam. Vai trò cứu chuộc của Giê-su đã được bảo đảm. Giê-su vô nhiễm có đủ tư cách để làm con chiên tế thần hoàn hảo nhất. Máu của ông ta đã rửa sạch tội lỗi của nhân loại (Rom. 5:9; Heb. 9:12; Pet. 1:19). Đó là công cuộc cứu chuộc của Giê-su được hiểu trong những cộng đồng Ki Tô Giáo.

[Trên đây, giám mục John Shelby Spong đã cho chúng ta biết huyền thoại cứu chuộc và vai trò cứu thế của Giê-su đã được dựng lên như thế nào. Những điều mê tín cổ xưa của dân tộc Do Thái, chỉ của Do Thái mà thôi, theo sát với lịch sử Do Thái, đã được truyền bá trên thế giới bằng thập giá và lưỡi gươm, và sau này, bằng thực dân và súng đạn, biến đổi từ một con dê tế thần (paschal lamb) của người Do Thái (Giê-su) thành đấng cứu thế cho cả nhân loại.

Trước khi đi vào phần nhận định và kết luận của giám mục John Shelby Spong trong bài trên, tôi nghĩ tôi nên thêm chút tài liệu về “di truyền đồng tạo” với hi vọng là chúng ta có thể hiểu rõ hơn về chuyện “Giê-su sinh ra từ một nữ trinh” và tín lý “Đức Mẹ thụ thai vô nhiễm nguyên tội” của giáo hội Ca-Tô đưa ra.

Về chuyện Giê-su sinh ra từ một trinh nữ, giáo sư Uta Ranke-Heinemann, người phụ nữ đầu tiên chiếm được ngôi vị Giáo Sư Thần Học Ca-Tô, viết như sau:

Sự sinh ra của Giêsu không nói đến một khái niệm nào về sự truyền giống của con người. Không có sự dự phần nào của người đàn ông, hoàn toàn không có. Sự tạo nên Giêsu là tác phẩm sáng tạo đặc biệt của Thần Ki Tô, có thể so sánh với sự sáng tạo ra Adam từ một nắm đất sét. Tuy nhiên, người đàn bà không phải là một nắm đất sét. Tất cả câu chuyện về phép lạ sinh ra từ một trinh nữ được dựng lên ở một thời mà không ai biết gì về cái tế bào trứng của phái nữ. Câu chuyện về sự sinh ra từ một trinh nữ chỉ có thể nói lên ở một thời mà người đàn bà bị coi như là giữ một vai trò hoàn toàn thụ động. Cho đến khi tế bào trứng được khám phá ra năm 1827, các nhà Thần học, kể cả Luke và Matthew, nghĩ rằng đàn bà không hơn gì một chậu đất để trồng hoa mà người đàn ông đặt hạt giống của mình vào và từ đó sinh ra đứa trẻ. Lối suy nghĩ như vậy bắt nguồn từ quan niệm về sinh học của Aristotle, coi người đàn bà như là cái bình chứa trống rỗng để gây giống cho người đàn ông. Người đàn ông làm tất cả trong sự truyền giống....

Do đó, theo cái mẫu cổ xưa này, Matthew và Luke nghĩ rằng nếu loại bỏ một người cha trên trái đất sinh ra Giêsu thì chỉ có mình Thần Ki Tô là chủ lực tạo ra Giêsu. Họ không thể nghĩ rằng, để sinh ra một người, cần phải có hai cộng sự viên đồng đẳng, và dù cho con người được thay thế bằng Thần, thì Thần cũng không phải là nguyên lý duy nhất tạo ra con người.

Kể từ khi khám phá ra tế bào trứng của người đàn bà - và do đó người đàn bà phải dự phần trong việc truyền giống - ý tưởng truyền thống về chuyện Giê-su sinh ra từ một trinh nữ do hành động sáng tạo đơn độc của Thần đã trở thành không có cách nào có thể biện minh cho được.

Do đó, sự vô minh, thiếu hiểu biết, đã được dùng làm nền tảng cho ý tưởng là Giê-su được sinh ra từ một trinh nữ do quyền phép của Thánh Linh mà không cần đến giao hợp.

Ngoài ra, chúng ta cần phải xét đến điều này: Trong trường hợp một trinh nữ thụ thai thì tế bào đầu tiên của cơ thể Giê-su phải là một tế bào của phái nữ. Và nếu bằng một phép lạ nào đó mà cái tế bào này phân chia ra mà không cần đến sự tham dự của người đàn ông, và tiếp tục phân chia để hình thành một con người, thì cái sự thụ thai đồng trinh này, khi sinh đứa bé ra, bắt buộc phải là một đứa bé gái.

(Uta Ranke-Heinemann, Putting Away Childish Things, pp. 43-44: The birth of Jesus was not supposed to imply any notion whatsoever of human generation. There was no male contribution here, there was no human contribution at all. The making of Jesus was to be exclusively God's creative work. comparable to the creation of Adam from a lump of clay. A woman, however, is not a clump of clay. The whole miraculous narrative of the virgin birth was composed at a time when nothing was known of the female ovum..The story of the virgin birth could be composed only at a time when the woman was thought to play a wholly passive role. Until the discovery of the ovum, in 1827, theologians, including Luke and Matthew, thought that women were nothing more than something like the soil, the flower pot, the petri dish into which the man placed the seed, out of which the child then grew. Such thinking was rooted in Aristotelian biology, which viewed the woman as an empty vessel for the masculine principle. Males did all the work of generation...

Thus, following this ancient model, Matthew and Luke could think that if an eartly father was excluded from the begetting of Jesus, the God alone would be the active force. They had no idea that to generate a person, two equally active partners were needed, so that even if the man was replaced by God, God would still not be the only active principle..

Ever since the discovery of the ovum - and with it of the woman's share in reproduction - the traditional idea of the virgin birth as an image of God's lonely creative action has become indefensible...

Thus ignorance served as the foundation for the idea of a virgin birth from the Holy Spirit in a sex-free domain. After the discovery of the ovum, any further claim that Mary gave birth virginally reduces God's role to that of a mere male substitute...

In addition, we have to consider the following: In the case of a virginal conception the first cell in Jesus' organism would have to be a female cell. And if this female cell miraculously were to begin to divide without the intervention of a man, so that a human being came into existence through furthert cellular division, then such a virginal pregnancy must inevitably issue in the birth of a female person.)

Giáo sư Uta Ranke-Heinemann không giải thích tại sao sự thụ thai dồng trinh chỉ có thể sinh ra một đứa con gái trong cuốn sách của bà. Có lẽ bà cho rằng độc giả đều cập nhật hóa những kiến thức ngày nay về sinh học, cho nên không cần giải thích. Tôi không nghĩ vậy, nhất là đối với những tín đồ Ca-Tô Việt Nam, cho nên tôi xin có vài lời giải thích để vấn đề thêm rõ ràng.

Khoa học ngày nay đã chứng minh rằng: bộ “gien” đầy đủ (complete set of genes) của con người, danh từ khoa học gọi là “genome”, gồm có 23 sắc tố (chromosome) thuộc cha và 23 sắc tố thuộc mẹ, cặp với nhau thành 23 cặp riêng rẽ sắc tố. Các khoa học gia đã xếp các cặp sắc tố này từ cỡ lớn nhất (số 1) cho tới cỡ nhỏ nhất (số 22), còn cặp sắc tố sau cùng chính là cặp “sắc tố định giống” (sex chromosome) gồm có: 2 sắc tố X trong cơ thể của đàn bà, và 1 sắc tố X và 1 sắc tố Y nhỏ hơn trong cơ thể của người đàn ông. Về kích thước thì sắc tố X vào khoảng giữa hai cặp sắc tố 7 và 8, còn sắc tố Y thì nhỏ nhất. Chính cặp sắc tố sau cùng này sẽ quyết định đứa bé sinh ra là con trai hay con gái, tóc vàng hay tóc đen, mắt nâu hay mắt xanh v..v..

Cơ thể con người có vào khoảng 100 ngàn tỷ (Trillion) tế bào (cell). Trong mỗi tế bào có một nhân (nucleus). Trong nhân tế bào có 2 bộ đầy đủ genome: một bộ genome của người cha và một bộ genome của người mẹ. Mỗi bộ genome có vào khoảng từ 60000 đến 80000 “gien” (Genes).

Như trên đã nói, cặp sắc tố quyết định giống của đàn bà là 2 sắc tố X (X,X), và của đàn ông là 1 X và 1 Y (X,Y). Trong quá trình truyền giống, nếu sắc tố X của đàn ông kết hợp với sắc tố X của người đàn bà thì đứa trẻ sinh ra sẽ là con gái. Còn nếu sắc tố Y của người đàn ông kết hợp với sắc tố X của người đàn bà thì đứa trẻ sinh ra sẽ là con trai. Do đó, một mình Mary, nếu thực sự thụ thai mà không do giao hợp với đàn ông và không có tinh khí của đàn ông thì không thể nào sinh ra con trai được.

Đến đây tưởng chúng ta cũng nên biết một chuyện: năm 1995, tại một làng bên Ý, hàng ngàn người kéo đến xem bức tượng Mary khóc ra máu. Hiện tượng này được giới “chăn chiên” giải thích là Đức Mẹ quá thương xót thế gian tội lỗi (phần lớn thuộc 7 núi tội lỗi của giáo hội Ca-Tô. TCN) nên khóc đến chảy máu mắt. Các tín đồ cũng đều tin vậy, và càng sùng tín thêm lòng thương yêu bao la của Đức Mẹ, không buồn để ý đến chuyện Mẹ là mẹ của Chúa “quyền phép vô cùng” mà cũng bất lực trước những sự đau khổ của con người, chỉ biết khóc thôi. Nhưng chuyện đáng nói nhất ở đây là người ta đã lấy máu mắt này mang đi thử DNA và khám phá ra rằng máu đó là của đàn ông, không thể là của đàn bà, vì chứa những sắc tố X và Y (của đàn ông) chứ không phải là X và X (của đàn bà). (Gospel Truth, p. 35: ..as recently as 1995, a statue of the Virgin “weeping tears of blood” drew thousands to a village in Italy, despite DNA analysis that proved the blood to be from a man).

Người ta đã làm đủ trò để nhốt tín đồ vào trong vòng mê tín, thật là đáng buồn, nhưng khoa học đã làm bớt đi phần nào mê tín.. Không chịu nhận là mê tín và phi khoa học, phản lý trí, người Ca-Tô thường đưa ra kiểu “lý luận” như của linh mục Thiện Cẩm chẳng hạn: “Chúa Cha toàn năng đã sáng tạo ra cả vũ trụ, vậy chuyện làm cho bà Mary thụ thai vô nhiễm nguyên tội thì có khó khăn gì.”. Họ dùng cái mê tín “toàn năng” để giải thích cái mê tín “thụ thai vô nhiễm nguyên tội.”

Sau đây chúng ta sẽ đi vào phần kết của giám mục Spong. TCN]

Rất hiếm khi mà người Ki Tô bình tâm nghĩ lại để nhận ra điều là họ đã biến Chúa Cha của họ thành con yêu tinh (ogre). Một người cha mà đóng đinh con mình trên thập giá, bất kể với lý do nào, cần phải bắt giam vì tội hành hạ trẻ con (child abuse). Nhưng người ta vẫn tiếp tục nói về Chúa Cha như vậy, làm như ông ta sẽ trở nên thánh thiện hơn và đáng để thờ phụng hơn.

Cái quan niệm về cứu chuộc của Ki Tô Giáo như trên càng ngày càng khiến cho phần đông chúng ta khó chấp nhận hay tin. Tôi chọn sự ghê tởm (loathe) thay vì thờ phụng một đấng thần linh đòi hỏi sự hi sinh của con mình. Nhưng trên nhiều khía cạnh khác, toàn thể cái hệ thống thần học này, với những điều mà họ tin, đã bị tan ra thành từng mảnh trong thế giới hậu hiện đại (post-modern) của chúng ta. Hệ thống thần học này cần phải vứt bỏ ra khỏi đầu óc con người.

Sự tan ra từng mảnh này bắt đầu với nhận định là Adam và Eve không phải là hai tổ đầu tiên của nhân loại và rằng tất cả sự sống của con người không xuất phát từ hai người trên. Thuyết Tiến Hóa đã làm cho câu chuyện về Adam và Eve nhiều nhất là một truyền thuyết. Thuyết Tiến Hóa không dễ cho các tổ chức tôn giáo chấp nhận, và ngày nay, nhiều tiếng nói vẫn cất lên từ những ốc đảo xa xôi trong thế giới để chống đối. Những tiếng nói này không bao giờ có thể thành công.

Điều rõ ràng là sự sống của con người đã nằm trong một quá trình tiến hóa trải dài từ 4 tỷ rưỡi đến 5 tỷ năm. Không làm gì có 2 người đầu tiên, do đó cái hành động không vâng lời lúc ban đầu của 2 người đầu tiên đó không thể nào có ảnh hưởng gì đến nhân loại. Huyền thoại cứu chuộc đã bị một đòn nặng khai tử (death blow), và cái câu chuyện vững chắc về cứu chuộc, xây dựng bởi giáo hội qua nhiều thời đại, bắt đầu chao đảo.

Hầu hết chúng ta không ý thức được rằng Darwin đã gây khó khăn lớn hơn nữa cho nền thần học Ki Tô Giáo khi những kết quả nghiên cứu của ông đã thành công thách đố quan niệm về một sự sáng tạo rất tốt đẹp của Chúa Cha. Bảo rằng sự sáng tạo của Chúa Cha rất tốt đẹp uẩn hàm là công cuộc sáng tạo đã hoàn tất. Tuy nhiên, Darwin cho chúng ta thấy sự sáng tạo chưa hề chấm dứt. Các thiên hà vẫn tiếp tục được tạo ra. Sự sống của con người vẫn đang tiến hóa. Đột nhiên, toàn thể cái khung huyền thoại trong đó vai trò của Giê-su được dựng lên (như là đấng cứu thế) sụp đổ. Cái gì là nguyên tội? Nó không phải và không bao giờ là sự xa lìa sự hoàn mỹ mà Chúa Cha, trong công cuộc sáng tạo, dự định ban cho chúng ta, vì không có cái gì là sự sáng tạo hoàn mỹ.

Do đó, không làm gì có sự sa ngã vào nguyên tội. Loài người chúng ta đã từ từ xuất hiện, nhưng chắc chắn là từ một quá trình tiến hóa trong nhiều tỷ năm. Chúng ta không được tạo ra như hình ảnh của Chúa Cha như được viết trong cuốn Kinh Ki-Tô. Chúng ta chỉ đơn giản tiến hóa từ những dạng sống thấp hơn và cuối cùng đã phát triển một tâm thức cao hơn. Mục đích của sự “sáng tạo” không hẳn là đã hoàn thành với sự xuất hiện của loài người, vì sự sống của loài người, như chúng ta đã biết, mới chỉ vào trong lịch sử của trái đất rất gần đây. [Tổ tiên xa của loài người mới chỉ xuất hiện trên trái đất khoảng vài triệu năm nay, trong khi tuổi của trái đất đã là 4 tỷ rưỡi năm, và tuổi của vũ trụ là khoảng 13.7 tỷ năm (kết quả mới nhất). TCN] Ngày nay, có rất nhiều lý do để tin rằng nhân loại như chúng ta (Homo sapiens) không phải là tồn tại vĩnh viễn. [Các khoa học gia đã ước tính là trái đất chỉ có thể tồn tại khoảng 5 tỷ năm nữa. TCN]

Quan niệm về người đầu tiên (Adam) sa ngã vào tội lỗi thì có nghĩa gì đối với những tạo vật chỉ mới tiến hóa vào thế giới gần đây, và không có một bằng chứng nào chứng tỏ là loài người sẽ tồn tại vĩnh viễn. Làm sao có thể sa ngã vào tội lỗi khi không có một cái gì hoàn mỹ để mà sa ngã từ đó? Cái thứ Chúa gì mà lại đòi hỏi chúng ta một sự hi sinh tế thần để vượt qua bức tường ngăn cách mà ngày nay chúng ta biết rằng không hề hiện hữu. Tại sao chúng ta phải tin vào hình ảnh của một đấng thần linh cứu thế, tự hi sinh để trả cái giá nguyên tội (không hề có) cho chúng ta? Ở thời điểm này, những hiểu biết truyền thống về lịch sử “cứu rỗi” và những lý thuyết về “chuộc tội”, tất cả đều sụp đổ, kể cả những diễn giải truyền thống mà chúng ta áp đặt trên cây thập giá ở Calvary. Tất cả những diễn giải này làm cho chúng ta dính vào những hình ảnh của một ông Thần ở ngoài thế gian, xử sự như là một con người đồng bóng, tính khí thất thường, có quyền lực, không hài lòng với cung cách ăn ở của con người và đòi hỏi một loại phục hồi. Chúng làm cho chúng ta dính vào một định nghĩa về đời sống của con người như là mang tội và sa ngã.

Tuy vậy, đơn giản thì cái vị Thần ở ngoài thế gian này đã chết, và những định nghĩa về sự sống của con người đã từng bắt chúng ta phải mơ ước những hành động chuộc tội, hi sinh, và những chuyện về sự can thiệp của thần thánh, ngày nay thật là vô nghĩa. Do đó, tuyệt đại đa số (the vast majority) những ngôn ngữ truyền thống về Giê-su đã trở nên không còn tác dụng gì. Giê-su, như là sứ giả của chương trình cứu chuộc thần thánh của Thần Cha, không còn là Giê-su có thể hấp dẫn hay làm cho con người tin trong thế kỷ này.

Nhân loại chúng ta không sống trong tội lỗi. Chúng ta không sinh ra trong nguyên tội. Chúng ta không cần phải rửa sạch cái tì vết của tội tổ tông trong lễ rửa tội. Chúng ta không phải là những tạo vật sa ngã, mất đi sự cứu rỗi nếu không đi rửa tội.

Chúng ta xuất hiện từ một quá khứ tiến hóa, và chúng ta vẫn còn đang được tạo thành. Sự bất toàn của con người là một dấu hiệu của bộ hành lý mà chúng ta mang trên mình như là những kẻ sống sót của cái quá khứ lâu dài và khó khăn đó. [Giám mục Spong muốn nói về thuyết “Chọn Lọc Thiên Nhiên” (Natural Selection) và “Thích Ứng Nhất Với Hoàn Cảnh Xung Quanh” (Best Fit) để sống còn của Darwin. TCN] Chúng ta là những kẻ mang trên mình “hạt giống di truyền ích kỷ” (the selfish gene), theo lời của nhà Sinh Học Anh Quốc Richard Dawkins. Đây chính là sự mô tả đơn giản con người. Đó là đặc tính của con người.

Một đấng “cứu thế” có nhiệm vụ khôi phục chúng ta trở về tình trạng tiền sa ngã [nghĩa là mù và vô trí. TCN] chỉ là sự mê tín trước thời Darwin (Pre-Darwin superstition) và là sự vô nghĩa sau thời Darwin (Post-Darwin nonsense). Một đấng siêu nhiên cứu chuộc đi vào trong thế giới sa ngã của chúng ta để khôi phục sự sáng tạo chỉ là một huyền thoại của đạo thờ Thần (a theistic myth). Do đó, chúng ta phải vứt bỏ cái vai trò “cứu thế” của Giê-su đi. Cái hình ảnh Giê-su trong câu nói “như là một đấng, từ thiên đường xuống để cứu vớt chúng ta” không còn một giá trị nào trong thế giới của chúng ta. Những quan niệm này cần phải nhổ bật chúng lên từ gốc rễ, và vứt bỏ.