Tản mạn xung quanh chuyện

Đại Trai đàn Chẩn tế Giải oan ở Việt Nam

Trần Chung Ngọc

đăng ngày 20 tháng 5, 2007

 

T hế là Thầy Nhất Hạnh cùng Tăng thânđạotràngMai thônvà Đoàn Phật tử Quốc tế đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất – Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, vào lúc 15 giờ ngày mùng 04 Tết, năm Đinh Hợi (20 tháng 02 năm 2007). Phái đoàn của Thầy Nhất Hạnh sẽ phối hợp với Phật Giáo trong nước, lẽ dĩ nhiên với sự thỏa thuận của chính quyền, để tổ chức ba Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Đây chỉ là một lễ tiết rất đơn giản, thuộc truyền thống Phật Giáo, phù hợp với tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam về cầu siêu, cúng cô hồn v..v.. Nhưng có vẻ như có một số người trong đầu óc không có loại “gen” thích hợp để có thể hiểu như vậy nên sinh ra nhiều chuyện ngộ nghĩnh.

Có một chuyện rất ngộ nghĩnh là trước khi Thầy Nhất Hạnh đưa ra ý kiến Phật Giáo Việt Nam đứng ra tổ chức ba Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan ở ba miền Bắc Trung Nam thì chẳng có ai đưa ra ý kiến này, nhưng sau khi ý kiến này được Làng Mai phối hợp với Phật Giáo trong nước đưa ra thì những ý kiến về những Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan này không biết ở đâu mà mọc ra lắm thế. Nhưng đặc biệt là những ý kiến này đều thuộc loại không phải là ý kiến, vì chẳng có mấy ai hiểu về ý nghĩa của Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan, mục đích không ngoài việc siêu độ vong linh cho những người đã chết trong cuộc chiến tranh vừa qua và làm nhẹ bớt sự đau khổ của những người còn sống, mà hầu như những cái gọi là “ý kiến” mới mọc này đều phát xuất từ đám con chiên cuồng tín và những người chống Cộng đến chiều. Cho nên những “ý kiến” cất lên từ trong những hàng rào bên đường, hoặc từ những miền hoang mạc, phần lớn là thuộc loại liên kết tôn giáo với chính trị chống Cộng thời thượng một cách ấu trĩ, đã trở thành ngộ nghĩnh tức cười trước những hình ảnh Phật tử Việt Nam, từ các cụ già đến các em còn để tóc trái đào, tay cầm cờ Phật Giáo, hân hoan đón phái đoàn của Thầy Nhất Hạnh ở phi cảng Tân Sơn Nhất.

Cái “ý kiến” ngộ nghĩnh nhất là của ông con chiên Vũ Quang Ninh, viết rằng trong Công Giáo cũng có lập Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan, vì thế cho nên ông viết để tranh công đầu cho một người đã chết từ lâu rồi, cho nên phải chờ đến ngày phán xét, nếu có, mới có thể sống lại để mà cải chính có thực là như vậy hay không: “Đã từ lâu, Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận .. đã nêu rõ ý định cầu nguyện và lập Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan, không phải đợi đến bây giờ thiền sư Nhất Hạnh mới về nước tổ chức.” Bỏ qua câu văn trên viết tiếng Việt không ra tiếng Việt vì vô nghĩa, có điều, ông con chiên Vũ Quang Ninh quên rằng ông và Lữ Giang, và những bậc trí thức Công Giáo nổi danh ngày nay, đã sống trong một định chế cha truyền con nối, hơn 400 năm dẹp bỏ bàn thờ tổ tiên [từ 1533 khi Công Giáo bắt đầu xâm nhập Việt Nam cho đến công đồng Vatican II vào thập niên 1960, khi được Vatican cho phép thờ cúng lại], hàng ngày đọc kinh nhật khóa [Xin đọc “Công Giáo Trên Bờ Vực Thẳm” của Charlie Nguyễn] để cầu được về quê thật, hiệp làm một với Vua David trong huyền sử Do Thái mà thực chất chỉ là một tên tướng cướp gian dâm vô độ, giết thuộc hạ để cướp vợ v..v.. [Xin đọc Cựu Ước: 1 Samuel và 2 Samuel], và tin thờ một người Do Thái khác có tên là Giê-su, đã coi những người không phải là người Do Thái là đồ chó [Xin đọc tân ước: Matthew 15: 21-28], và đã chết cách đây 2000 năm nhưng lại có khả năng làm cho xác chết của mình sống lại, tái hợp với linh hồn của mình đang được giữ trong một kho chứa, để cho một số nhỏ, vô cùng nhỏ (Xin đọc sách Khải Huyền), được lên thiên đường trong ngày phán xét mà không ai biết bao giờ mới đến, để sống cùng ông ta trong vinh quang vĩnh cửu.. Vũ Quang Ninh viết lấy được, vừa viết vừa phá bỏ chính đạo của mình vì kém hiểu biết mà không biết là mình kém hiểu biết.

Không kém hiểu biết sao được vì đồng đạo Lữ Giang của ông đã cho chúng ta biết, theo lời giải thích của Thư Viện Hoa Sen thì Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan hay còn gọi là Trai Đàn Thủy Lục là một pháp hội cúng chay và cầu siêu cho những vong hồn người chết không có ai thờ tự, không có nơi nương tựa, đang sống vất vưởng ở dưới nước và ở trên cạn.“ Viết như Vũ Quang Ninh thì rõ ràng là linh hồn những người Công Giáo đã chết đang sống vất vưởng, không có nơi nương tựa [điều này trái với giáo lý Công Giáo], do đó gây khó khăn cho Chúa, vì Chúa biết đi đâu mà kiếm những linh hồn của giáo dân trong ngày phán xét, giả thử là có Chúa và có ngày phán xét. Cho nên Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận mới phải nhờ Phật Giáo lập Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan, một truyền thống của Phật Giáo, để giải oan cho những người Công Giáo đã chết mà linh hồn còn đang sống vất vưởng, không có nơi nương tựa. Dù ông Vũ Quang Ninh không nói rõ là Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã nêu rõ ý định lập Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan khi nào, trong trường hợp nào, và ở đâu mà không bị Tòa Thánh ra vạ tuyệt thông, nhưng chuyện ông Vũ Quang Ninh viết về Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cũng là một chuyện vui, cũng đáng đọc tuy hơi lố bịch.

Một chuyện ngộ nghĩnh khác trong bài nói về cuộc phỏng vấn Sư Bà Chân Không của đài BBC tôi đọc được câu: Từ khi có tin về sự kiện này đã có nhiều ý kiến ở hải ngoại đặt câu hỏi vì sao chỉ có Làng Mai được nhà nước cho về làm lễ, trong khi chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống (GHPGVNTN) nhất hiện ở trong nước, lại không được. Và Sư Bà đã trả lời là có mời tất cả nhưng mấy ông Thống Nhất ở hải ngoại không dám ra mặt đi chính thức, có lẽ vì với tinh thần vô úy của Nhà Phật nên úy kỵ mấy ông chống Cộng ở hải ngoại. Nhưng thật ra, câu hỏi này hỏi chỉ để mà hỏi bởi vì đối với người hiểu biết thì không ai hỏi như vậy. Tại sao? Thứ nhất, thực chất vị thế, uy tín hiện nay của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Việt Nam là như thế nào. Thứ hai, nghe nói Hòa Thượng Huyền Quang năm 2000 cũng đã đưa ra ý kiến tổ chức Đại Trai Đàn Giải Oan với chính quyền nhưng không được chấp thuận. Lẽ dĩ nhiên vì GHPGVNTN đang chống chính quyền và đang tích cực tranh đấu để cho Giáo Hội được phục hoạt dưới sự chỉ đạo của Võ Văn Ái ở Paris. Thứ ba, tại sao chỉ có Làng Mai được Nhà Nước cho về làm lễ? Vậy thì ở hải ngoại, ngoài Làng Mai, đã có bao nhiêu tổ chức nào khác đã công khai lên tiếng đề nghị lập các Đại Trai Đàn Giải Oan ở Việt Nam. Thứ tư, Làng Mai về làm lễ thì có vấn đề gì, vấn đề với ai, tại sao phải đặt một câu hỏi có tính cách chụp mũ và chia rẽ như vậy?. Ký giả này còn hỏi một câu ngớ ngẩn khác là Các Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan tạo chia rẽ hay đoàn kết. Tôi xin giải đáp câu hỏi này trong phần cuối, lẽ dĩ nhiên, theo ý kiến riêng.

“Ý kiến” năng nổ, hơi ít giáo dục nhất về các Đại Trai Đàn Giải Oan là của Lữ Giang trong bài “Mượn Trai Đàn Giải Oan” để mạ lỵ, xuyên tạc và chụp mũ Thầy Nhất Hạnh bằng những luận điệu cũ kỹ ngớ ngẩn mà giới độc giả đã cho rằng không có một giá trị trí thức nào vì đều thuộc loại “phịa”, một thủ đoạn quen thuộc của Lữ Giang mà Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang, tôi, cũng như một số độc giả khác đã vạch ra từ lâu. Cho nên, tôi nghĩ không nên mất thì giờ để phê bình một bài viết rất lếu láo này của Lữ Giang, alias Tú Gàn, alias Nguyễn Cần. Duy có một điều rất rõ trong bài là có vẻ như Lữ Giang không chỉ đánh phá Thầy Nhất Hạnh mà còn đánh phá cả Phật Giáo bằng những luận điệu cũ kỹ vô giá trị. Để làm gì? Để chạy cái tội bán nước, làm tay sai cho ngoại nhân của Công Giáo từ ngày đầu cho đến ngày cuối [Xin đọc cuốn “Công Giáo Trên Bờ Vực Thẳm” của một trí thức Công Giáo: Charlie Nguyễn]. Ngày nay mà Lữ Giang và một số người có đầu mà không có óc, thuộc loại CCCĐ, CCCB, CCCC v..v.. còn lôi những chuyện gọi là “phản chiến” của Thầy Nhất Hạnh ra mà tố khổ. Có muốn chống thì cũng phải chống cho thông minh một chút chứ? Ai phản chiến và phản chiến thì sao? Đâu có phải chỉ có mình Thầy Nhất Hạnh mới phản chiến. Tôi đã mấy lần nêu rõ những ai là phản chiến mà Lữ Giang et al.. vẫn không chịu mở mắt ra. Đây này, những ai là người phản chiến? Tôi nhắc lại:

Đó là giáo hoàng Paul VI, người đã tuyên bố ở giữa hội trường Liên Hiệp Quốc:

Hãy ngưng ngay cuộc chiến (ở Việt Nam). Đừng có chiến tranh nữa, không bao giờ có chiến tranh nữa (Stop the war. No more war, never again war)

Đó cũng là Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant, sau khi quan sát tình hình, đã tuyên bố:

Cuộc chiến chênh lệch giữa kỹ thuật Hoa Kỳ và một nước nhỏ kém mở mang (VN) là một trong những cuộc chiến "man rợ nhất" của lịch sử.

(The Secretary of the United Nations, U Thant, was driven by his observations to call this mismatch between the United States and a small underdeveloped nation one of the "most barbarous" wars in history)

Đó cũng là 2700 mục sư, linh mục, tu sĩ Do Thái (Rabbi) đã ký tên dưới một bức thư gửi Tổng Thống Johnson, đăng trên tờ The New York Times ngày 4 tháng 4 năm 1965 kêu gọi: "Nhân danh Thiên Chúa, Hãy ngưng ngay chiến tranh" (In the Name of God, STOP IT).

Đó cũng là 65 giáo sư đại học Saigon, ngày 16 tháng 1, 1968, với bản tuyên ngôn kêu gọi "Các phe hiếu chiến hãy kéo dài vô thời hạn cuộc ngưng chiến vào dịp Tết và đàm phán với nhau ngay để có một dàn xếp hòa bình." (We appeal to all the belligerent parties to extend indefinitely the Tet cease fire and to negotiate immediately a peaceful settlement).

Và đó cũng là những bậc trí thức vang danh thế giới như Bertrand Russel, Jean Paul Sartre, hàng trăm giáo sư đại học trên khắp thế giới, hai anh em cùng là linh mục Công giáo Daniel và Philip Berrigan, chưa kể đến hàng trăm ngàn sinh viên đại học Mỹ đã thường xuyên xuống đường "phản chiến". Vậy "phản chiến" thì sao? Ai có quyền "kết tội" những người "phản chiến"? Chỉ có những kẻ cuồng tín tôn giáo khát máu mới muốn kéo dài một cuộc chiến “man rợ nhất” của lịch sử.

Nhưng chuyện đáng tức cười hơn cả là Lữ Giang mang cái đầu óc con chiên mụ mị của mình ra để phê bình những tác phẩm của Thầy Nhất Hạnh: “Chúng tôi đã đọc khá nhiều sách do Thiền sư Nhất Hạnh viết, chúng tôi thấy đa số lấy cảm hứng trong bộ thiền luận của Daisetz Teitotaro Suzuki, nhưng mỗi nơi mỗi mãnh, chưa hệ thống hóa được nên chưa có thể trở trành môn phái. Đọc các bài thuyết pháp của Hòa Thượng Thích Thanh Từ ở Việt Nam hay của Hòa Thượng Thích Chơn Thành ở Garden Grove, chúng tôi thấy có căn bản vũng vàng hơn và sâu sắc hơn.”

Tôi có thể nói ngay rằng Lữ Giang chưa bao giờ đọc bộ Thiền Luận của Suzuki cũng như chưa bao giờ đọc “khá nhiều sách” của Thầy Nhất Hạnh, vì đã đọc rồi thì không thể viết bậy như trên. Tôi cũng có thể nói ngay rằng, Lữ Giang viết để mà viết với mục đích hạ thấp uy tín của Thầy Nhất Hạnh, một thủ đoạn thuộc loại đội đá vá trời, vì ánh sáng lập lòe của một con đom đóm trong bóng tối tâm linh làm sao có thể so được với ánh sáng của vầng Thái Dương. Ngoài Lữ Giang ra không ai có đủ khả năng đánh giá những tác phẩm của Thầy Nhất Hạnh hay sao? Thầy Nhất Hạnh đã viết bao nhiêu cuốn sách, và sách của Thầy đã được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng, tại sao vậy, vì nội dung của sách hay chỉ vì tên Nhất Hạnh? Hay vì sách viết không hợp với đầu óc thuộc loại khuyết tật của Lữ Giang? Hỏi tức là đã trả lời. Nói cho vui mà nghe, bao giờ trong người Lữ Giang không còn cái “gen” của Thượng đế nữa, thì Lữ Giang hãy đọc sách Thầy Nhất Hạnh và may ra, nhờ hồng ân thiên chúa, mới hiểu được..

Rồi lại có một tên phản đồ ở Paris mà tôi không muốn nêu tên ở đây, sợ làm bẩn mắt độc giả. Nhưng ai cũng biết tư cách của hắn, hàng năm lãnh tiền của CIA/NED để dựng đứng những sự kiện, ngụy tạo những bản văn, thông điệp nói từ trong nước gửi ra nhưng chỉ có hắn là nhận được, có nghĩa là hắn ngụy tạo xong rồi tự gửi cho hắn, chỉ để xuyên tạc, bịa đặt, chống phá chính quyền cũng như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nằm ngoài sự thao túng của hắn ở hải ngoại trước đám người ngây thơ, vô minh. Chuyện hắn phản Thầy Nhất Hạnh trước đây thì ai cũng biết nhưng vô liêm sỉ đến độ xuyên tạc láo lếu dòng tu Tiếp Hiện cũng như chuyến về Việt Nam hoằng Pháp của Thầy Nhất Hạnh năm 2005 thì không có lời nào thích hợp để mà tả nữa. Những hình ảnh xung quanh chuyến về Việt Nam năm 2005 của Thầy Nhất Hạnh cũng như cảnh đón tiếp Thầy vừa qua ở phi cảng Tân Sơn Nhất đã như là một cái tát vào mặt những người cố tình xuyên tạc mục đích của Thấy Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai và phái đoàn Phật Giáo Quốc tế.

Sau khi bị vạch trần bộ mặt gian manh, quỷ quyệt, bịa đặt, xuyên tạc, vu khống v..v.. trong một cuốn sách xuất bản năm 2005 bởi Đông Dương Thời Báo, cái con người vô liêm sỉ này không biết hối cải mà ngày nay còn trơ tráo nói bậy y như hồi 2005, trước khi Thầy Nhất Hạnh về hoằng Pháp ở Quê Hương lần đầu tiên:

“Tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền Hà Nội điều khiển chuyến đi của Sư ông Thích Nhất Hạnh nhằm che giấu các cuộc đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và cố tạo ra ảo ảnh tự do tôn giáo tại Việt Nam.”

Cái xảo trá của tên này, nhưng lừa bịp được những người kém đầu óc như hắn, là cho rằng vài bậc lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất khi xưa, nay có thể đang gặp khó khăn ở bên nhà vì lý do chính trị, chính là Phật Giáo, còn bao nhiêu triệu người dân hàng ngày, hàng tuần tự do đi lễ Chùa, tự do làm Phật sự, tự do đón tiếp phái đoàn của Thầy Nhất Hạnh v..v.. thì không phải là Phật Giáo và không phải là tự do tôn giáo. Nhưng người dân trong nước cũng như mỗi năm có hàng trăm ngàn người ở nước ngoài về thăm quê hương thì đã biết thế nào là tự do tôn giáo và thế nào là chính trị thời thượng của bọn đầu cơ chính trị, tay sai của ngoại quốc, hay cuồng tín tôn giáo.

Cuối cùng, trong bài phỏng vấn Sư Bà Chân Không, ký giả đài BBC Việt Nam đã đặt một câu hỏi khá ngớ ngẩn là Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan gây ra chia rẽ hay đoàn kết. Một lễ tiết theo truyền thống Phật Giáo và phù hợp với tín ngưỡng dân gian mà có tính chất chia rẽ hay đoàn kết hay sao? Tại sao lại khoác cho truyền thống vị tha này một bộ áo chính trị thời thượng. Chẳng hiểu ký giả này trình độ hiểu biết ra sao và có đọc Thông Bạch của Đạo Tràng Mai Thôn hay không. Tinh thần đoàn kết không phân biệt đã thể hiện rõ trong đoạn văn sau đây:

“Xin kính mời đồng bào Công Giáo và Tin Lành cũng thiết lập bàn thờ, và thay vì văn bản Tam Quy và Ngũ Giới, quí vị có thể sử dụng văn bản Mười Điều Răn (the Ten Commandments) và bài Thuyết Giảng Trên Núi (the Sermon on the Mountain). Đồng bào Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo nếu không sử dụng văn bản Tam Quy Ngũ Giới thì xin sử dụng những văn bản tương đương trong truyền thống mình. Đồng bào tin theo chủ nghĩa Mác Xít cũng xin thiết lập một bàn thờ như thế và sử dụng một văn bản tương đương trong truyền thống Mác Lê-nin.” Đoạn văn trên thật là tuyệt hảo, hô hào sự đoàn kết của mọi tôn giáo trước một lễ tiết hợp với tâm tư của người Việt Nam. Vậy tôi xin khai triển một chút để quý độc giả thấy rõ hơn vấn đề.

Làng Mai biết rõ rằng, sau hơn 400 năm bị cấm không được thờ cúng tổ tiên, Công Giáo hoàn vũ đã đổi mới và cho phép Công Giáo Việt Nam được thờ cúng tổ tiên trở lại, nên ngày nay, có lẽ trong nhà hầu hết người Công Giáo cũng có một bàn thờ cúng vong linh, và nếu chưa có thì hãy thiết lập một cái, cho nên mới hô hào đoàn kết như trên. Thú thực là tôi mù tịt về các truyền thống Cao Đài, Hòa Hảo, và Mác Lê-nin, nên không thể nói gì về những truyền thống này. Nhưng về Phật Giáo và Ki Tô Giáo thì thật quả tôi có biết chút đỉnh. E rằng có nhiều người theo Phật nhưng chưa hề Quy Y, và có nhiều người theo Chúa nhưng chưa hề đọc Mười Điều Răn hay Bài Giảng Trên Núi, khoan nói đến chuyện áp dụng những điều trong đó, tôi xin phép được nhắc lại Tam Quy, Ngũ Giới và vài điều trong Mười Điều Răn và Bài Giảng Trên Núi để giúp số người trên.

Về Phật Giáo thì Tam Quy là:

- Con nương theo Phật, cầu cho chúng sanh, tin chắc Đạo cả, phát lòng vô thượng.

- Con nương theo Pháp, cầu cho chúng sanh, thấu rõ Kinh Tạng, trí huệ như biển.

- Con nương theo Tăng, cầu cho chúng sanh, kính tín hòa hợp, tất cả không ngại.

Và Ngũ Giới là:

- Con xin giữ giới không sát sinh

- Con xin giữ giới không trộm cắp

- Con xin giữ giới không tà dục

- Con xin giữ giới không nói sai sự thật

- Con xin giữ giới không uống rượu say sưa, không dùng các chất ma túy.

Về Công Giáo cũng như Tin Lành thì trong Thánh Kinh, Cựu Ước, có 10 điều răn, trong đó có vài điều giống như ngũ giới của Phật Giáo như “chớ giết người” [giết súc vật, nhất là chó ở Việt Nam, thì được], chớ phạm tội tà dâm, chớ trộm cướp, chớ làm chứng dối. Nhưng có vài điều khác rất tuyệt vời để đọc trước bàn thờ cúng vong linh những người chết như sau, trích từ cuốn Bible, King James Version, Exodus 20, và bản dịch sang tiếng Việt của tôi, nếu có dịch sai xin quý độc giả sửa lại:

- You shall have no other gods before me.. You shall not bow down to them nor serve them. For I, the Lord your God, am a jealous God, visiting the iniquity of the fathers on the children to the third and fourth generations of those who hate Me, but showing mercy to thousands, to those who love Me and keep My commandments.

[Trước mặt ta ngươi chớ có thần khác.. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó. Vì Ta, Thiên Chúa của các ngươi, là một Thiên Chúa ghen tuông, nhân tội của ông cha sẽ mang sự độc ác và bất công [iniquity] đến ba bốn đời con cháu những kẻ nào ghét Ta, nhưng sẽ tỏ lòng khoan dung nhân từ cho đến ngàn đời những kẻ nào yêu mến Ta và giữ các điều răn của Ta.]

- Remember the Sabbath day, to keep it holy. Six days you shall labor and do all your work, but the seventh day is the Sabbath of the Lord your God. In it you shall do no work: you, nor your son, your daughter, nor your manservant, nor your maidservant, nor your cattle, nor your stranger who is within your gates. For in six days the Lord made the heavens and the earth, the sea, and all that is in them, and rested the seventh day. Therefore the Lord blessed the Sabbath day and hallowed it.

[Hãy nhớ ngày Sa-bát và coi như là ngày Thánh. Ngươi hãy làm hết công việc của ngươi trong sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Thiên Chúa các ngươi. Trong ngày này, ngươi, con trai con gái ngươi, tôi tớ trai gái của ngươi, trâu bò của ngươi, khách lạ trong nhà ngươi, đều không được làm gì hết. Vì trong sáu ngày Chúa các ngươi đã dựng lên trời đất, biển cả, và tất cả những gì ở trong đó, và nghỉ ngày thứ bảy. Do đó Chúa các ngươi ban phúc cho ngày thứ bảy và thiêng liêng hóa ngày đó.]

Tôi nghĩ trong 10 điều răn, để tiết kiệm thì giờ, và để khỏi trùng hợp với Ngũ Giới bên Phật Giáo, chỉ cần đọc hai điều đặc biệt này cũng đủ rồi. Bây giờ chúng ta hãy sang đến Bài Giảng Trên Núi. Bài Giảng Trên Núi còn tuyệt vời hơn nữa, tuyệt vời vì đó là lời của Chúa. Lời của Chúa thì chỉ có thể bình luận ở một nơi khác, thí dụ như trong cuốn “Chúa Giê-su Là Ai? Giảng Dạy Những Gì”, Giao Điểm xuất bản trước đây, năm 2002, chứ không thể bình luận ở đây, vì được dùng trong các tư gia Ki Tô Giáo nhân dịp các Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan được tổ chức ở ba miền. Cho nên tôi chỉ có thể liệt kê vài điều tuyệt vời trong Bài Giảng Trên Núi, còn có tên là Phúc Thật Tám Mối, để cống hiến quý độc giả, và để giúp các đồng bào Ki Tô của tôi đọc trước bàn thờ của họ nếu họ chưa biết đến những câu này:

1. Mathhew 5:3: Phúc cho kẻ có tinh thần yếu kém, vì nước thiên đàng thuộc về họ. (Blessed are the poor in spirit, For theirs is the kingdom of heaven).

2. Luke 6: 20: "Phúc cho các con đang nghèo khổ, vì Nước Trời thuộc về các con" (Blessed are you poor, For yours is the kingdom of God); Luke 6: 24: "Nhưng khốn cho các con đang giàu có, vì các con đã được an ủi rồi" (But voe to you who are rich, For you have received your consolation)

3. Luke 6: 21: "Phúc cho các con đang đói, rồi các con sẽ no" (Blessed are you who hunger now, For you shall be filled.); Luke 6:25: "Khốn cho những kẻ đang no, Vì các ngươi sẽ bị đói" (Voe to you who are full, For you shall hunger)

4. Luke 6: 21: "Phúc cho các con đang than khóc, rồi các con sẽ vui cười" .(Blessed are you who weep now, for you shall laugh.); Luke 6:25: "Khốn cho những kẻ đang cười, vì các ngươi sẽ than khóc." (Woe to you who laugh now, For you shall mourn and weep).

Viết bài này, tôi không biết nên khóc hay nên cười. CHẤM HẾT.


Các bài về tôn giáo cùng tác giả

Trang Trần Chung Ngọc