VIẾT MÀ CHƠI VỀ “ĐỐI THOẠI”

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNdt/TCNdt025.php

10 tháng 01, 2009

 

LTS: Nếu có những người say mê đọc các bài viết đầy kiến thức với những luận chứng chặt chẽ của tác giả Trần Chung Ngọc, thì cũng có một số người ghét cay ghét đắng ông vì ông đã viết ra những sự thật nhưng không hợp ý họ. Cũng như một số tác giả mà sachhiem.net chọn đăng, ông viết rất thẳng thắn và nghiêm chỉnh. Nhưng ông Trần Chung Ngọc còn có thêm một thái độ hiếm có nữa, đó là "bất chấp", với tinh thần vô úy. Đó là vì ông được đào tạo trong môi trường đại học Mỹ, tự do viết theo tư tưởng và hiểu biết, và không lệ thuộc vào một chế độ hay thế lực nào. Khi cần phải phê bình một nhân vật chính trị, ông bất chấp những "thế lực" hay các "thời trang" chính trị của những người chung quanh có ủng hộ ông hay không. Đó là lý do ông bị những "quân xung kích" của những thế lực này ra những món đòn hạ cấp, tấn công cá nhân ông khi họ cảm thấy bị "chạm nọc". Những lối viết của những người này thường chú trọng đến việc thóa mạ cá nhân, thiếu bằng chứng, dữ kiện, và chứng tỏ tác giả thiếu khả năng lý luận. Trên bàn đối thoại ở một xứ văn minh, những loại người như thế không được mời vào cuộc. Xin mời quí bạn đọc nghe TS Trần Chung Ngọc bàn về đề tài "đối thoại". (SH)

 


Cái khổ nhất trong nghiệp viết của tôi là thỉnh thoảng đọc phải văn phong của hạng “côn đồ văn hóa” hay “đao phủ văn chương”, những từ của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang chỉ một hạng người đặc biệt trong xã hội: hạng người hạ cấp, cuồng tín, vô văn hóa, nhưng cứ tưởng rằng những lời văn hạ cấp thuộc loại côn đồ của mình chính là văn hóa. Đó cũng là hạng người không đủ khả năng đối thoại trí thức cho nên phải dùng đế những lý luận trá ngụy, lạc đề. Họ nghĩ như vậy là đối thoại, nhưng vì đã bỏ đi chữ “a” trong chữ “thoại”, cho nên “đối thoại” của họ trở thành “đối thọi” của đám côn đồ [chữ “a” có thể coi như chữ đầu của “analysis”, nghĩa là phân tích]. Trong một cuộc “đối thoại” mà không có sự phê bình phân tích những điểm cần phải thảo luận thì đó chỉ là “độc thoại”.

Đọc trên các diễn đàn thông tin điện tử ở hải ngoại chúng ta thấy hiện tượng này rất thông thường. Không mấy khi chúng ta thấy người phê bình đi vào sự phân tích những luận điểm trong một bài là đúng hay sai, sai ở chỗ nào, mà thường chỉ vì không đồng ý vì thiên kiến chính trị hay tôn giáo phe phái của mình nên tận dụng sách lược chụp mũ vô căn cứ, hoặc dùng những danh từ hạ cấp để nhục mạ đối phương.. Đây là thủ đoạn với mục đích “đối thọi” chứ không phải là “đối thoại”, nhưng thường thì chỉ đơn phương thọi vào hư không chứ chẳng có mấy ai có liêm sỉ và trình độ lại hạ mình đối thoại hay đối thọi với những hạng người này. Những hạng người này thực sự không đủ trình độ để hiểu rằng, càng dùng những thủ đoạn trên bao nhiêu thì lại càng tỏ lộ trình độ giáo dục, hiểu biết và tư cách của mình bấy nhiêu.

Tôi đã phải đối diện với một vài trường hợp như vậy. Tôi đã viết và xuất bản ba cuốn sách: “Công Giáo Chính Sử”, “Đức Tin Công Giáo” và “Chúa Giê-su Là Ai? Giảng Dạy Những Gì”, cũng đã viết chung với nhiều tác giả khác trong 17 cuốn sách khác, và viết cả trăm bài viết thuộc các loại đối thoại, tôn giáo, khoa học, thời sự v..v.., những bài này đều có đăng trên giaodiemonline.com hoặc sachhiem.net, nhưng tôi chưa thấy một bài phê bình trí thức nào theo đúng tinh thần đối thoại về những điều tôi viết: phân tích các luận điểm, phản bác với lý luận, bằng chứng thuyết phục và sự kiện v..v.. Lác đác đây đó có vài bài phê bình đầy cảm tính, thuộc loại vô văn hóa vì không đi vào các chủ đề mà chỉ nhằm vu khống, chụp mũ, bôi nhọ và mạ lị cá nhân.

Sau đây tôi sẽ điểm qua vài thủ đoạn đối thoại chúng ta thường thấy trên một số diễn đàn truyền thông hải ngoại.

Một kiểu lý luận, nếu có thể gọi là lý luận, thường được dùng nhiều nhất để hạ một đối phương của những người không có khả năng đối thoại, cộng với sự thiếu giáo dục và tâm cảnh cuồng tín của chính mình, là lý luận nhắm vào cá nhân, nghĩa là nhắm vào tác giả bài mà mình muốn chống chứ không nhắm vào những luận điểm của tác giả đó. Kiểu lý luận này, tiếng Latin gọi là “Argumentum Ad Hominem”.

Theo định nghĩa thì Argumentum Ad Hominem [to the man], là kiểu “lý luận” [sic] tấn công cá nhân chứ không phải tấn công luận điểm của cá nhân đó. Khi một người không đủ khả năng để bác bỏ lập trường của đối phương hay bảo vệ lập trường của mình với bằng chứng thuyết phục, sự kiện hay lý lẽ, thì họ thường sử dụng những thủ đoạn sau đây: gán cho đối phương một nhãn hiệu (labeling), dựng lên một người rơm (straw man) nghĩa là chụp mũ vô bằng chứng để rồi tự tay mình quật người rơm đó xuống, chửi rủa (name-calling), đưa ra những danh từ hạ cấp để mạ lỵ đối phương và biểu lộ sự giận dữ của mình [offensive remarks and anger]. Đây chính là thủ đoạn của những côn đồ văn hóa.

Một kiểu lý luận cũng rất hay được dùng là kiểu lý luận gọi là red herring [when the arguer diverts the attention by changing the subject], nghĩa là lái sang vấn đề khác, rất lạc đề, chẳng ăn nhằm gì đến chủ đề phê bình. Thí dụ, lái một chủ đề nghiên cứu văn hóa sang một chủ đề khác chẳng liên hệ gì đến chủ đề trong bài viết mà mình muốn phê bình. Một thí dụ khác là có người hỏi một điều gì đó trong cuốn Thánh Kinh, người đối thoại không trả lời mà lại lôi cuốn rác của Đặng Văn Nhâm ra để phê bình láo lếu Phật Giáo. Hay đang nghiên cứu phê bình về Ngô Đình Diệm thì lại quay sang tố khổ đảng CS.

Một kiểu lý luận khác là lạc dẫn dư luận dựa trên sự thiếu hiểu biết của quần chúng. Đây là kiểu lý luận argumentum ad ignorantiam, viện dẫn sự kiện mà mình là nhân chứng, hay kể một câu chuyện nào đó của chính mình, nhưng không có cách nào quần chúng có thể kiểm chứng, thí dụ như: tôi đã biết trong vụ việc sau đây ở địa phương so and so…, hoặc “nhiều người đồng ý với tôi rằng…” v…v…. Những kiểu lý luận này thường là vô giá trị vì ai cũng có thể bịa ra bất cứ chuyện nào và nhất là khi chuyện đó lại chẳng liên quan gì đến những vấn đề viết trong bài chủ..

Kiểu lý luận thứ tư được biết là argumentum ad populum, nghĩa là lý luận nhắm vào những tình cảm phe phái, lập trường chính trị của một số người, thường là cùng phe hoặc có cùng lập trường chính trị với mình chứ không dựa trên sự kiện và lý lẽ. Thí dụ như trong vụ trương cờ vàng ở Sydney nhân ngày Giới trẻ Công Giáo họp hành theo lệnh của Benedict XVI, hè nhau tố khổ HY Phạm Minh Mẫn bất kể đến sự thật mà HY nói lên. Kiểu lý luận này cũng còn được gọi là bandwagon fallacy, nghĩa là những luận điệu trá ngụy vô căn cứ nhưng có tác dụng làm những người cùng phe mình, đầu óc cũng yếu kém như mình, hả hê.

Kiểu lý luận thứ năm là xuyên tạc, không đếm xỉa gì đến bằng chứng, đưa ra một luận điệu để lạc dẫn dư luận. Thí dụ, khi tác giả phê bình cung cách chống Cộng của “một số” người Việt ở hải ngoại thì người phản bác lại xuyên tạc, cho rằng phê bình cả cộng đồng người Việt hải ngoại. Kiểu lý luận này gọi là half truths (suppressed evidence).

Có một câu chuyện tôi đọc được ở đâu đó trước đây: “Có một anh chàng ngoại đạo cưới được một người vợ Công giáo mà anh ta rất yêu. Một hôm, cô vợ hỏi: “Anh có tin là có Chúa Ba Ngôi không?.” Anh ta trả lời: “Em nói Chúa Ba Ngôi thì anh tin là Chúa Ba Ngôi, em nói Chúa bốn ngôi anh cũng tin là Chúa bốn ngôi, có vấn đề gì đâu?” Câu trả lời của anh ta có thể diễn giải theo nhiều cách, một là anh ta sợ vợ, hai là để làm cho vợ hài lòng, khỏi mất công tranh cãi lôi thôi, ba là trả lời cho qua chuyện, nhưng thực chất câu đó chứng tỏ là anh ta chẳng tin gì cả.

Dựa một cách rất lỏng lẻo vào câu chuyện trên thì, đối với tôi, ai bảo tôi thân Cộng hay làm tay sai cho Cộng v..v… thì tôi trả lời là “thật vậy sao? có vấn đề gì không?” Vì đối với họ có thể có vấn đề, chứ đối với tôi, tôi không thấy có vấn đề, vì tôi biết rõ là thời buổi này mà người nào còn lên án người khác là thân Cộng thì chỉ tự chứng tỏ mình là người ngu xuẩn và thiếu học vấn [theo OCRegister: ignorant and uneducated], có khi thiếu cả giáo dục.

Tôi có “thân Cộng” hay không, vấn đề không phải ở chỗ này mà là tôi viết đúng hay sai, sai ở chỗ nào, có phải là những điều tôi viết là bịa đặt vô căn cứ hay có cơ sở bằng chứng rõ ràng. Đây là những điểm cần phải để ý đến trong một cuộc phê bình trí thức. Tôi đã phê bình nhiều người qua các bài viết của họ: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Lục, Lữ Giang, Nguyễn Tường Tâm, Nguyễn Học Tập, Đinh Xuân Minh, Trần Trung Đạo v..v…. Trong bài phê bình bao giờ tôi cũng nêu lên những điểm trong bài mà tôi muốn phê bình rồi phân tích và đưa ra những lý lẽ, thường là dựa vào những tài liệu đã thành văn, để phản bác.. Đã có ai thấy tôi dùng những thủ đoạn như “labeling”, “name-calling”, “straw man” hay “offensive remarks” để tấn công cá nhân một người nào chưa?

Về phương diện lý luận, sống trên đất nước này (Mỹ), tôi có quyền “thân Cộng” không? nếu còn Cộng. Đối với tôi, CS chỉ là cái hồn ma và tôi không có đần độn đến độ đặt cuộc đời của tôi vào một cái hồn ma dù cái hồn ma đó có mang nhãn hiệu thánh đi chăng nữa. Giả thử tôi “thân Cộng” thật, như mấy người chống Cộng cực đoan hay chống Cộng cho Chúa thường rêu rao, nhưng tôi đã làm gì phương hại đến quốc gia mà hiện nay tôi là một công dân? Tuyệt đối không có. Tôi đã dạy khoa học ở Đại Học Wisconsin – Madison trên 20 năm, đóng thuế đầy đủ, trên người chưa từng có một bản án hình sự nào, chỉ 1, 2 lần lái xe quá tốc độ bị phạt vài chục đồng. Vậy thì dù tôi có “thân Cộng” đi chăng nữa, đó cũng là quyền tự do tư tưởng của tôi trên đất nước này, và không ai có quyền lên án hay phê phán cái quyền này của tôi. Mấy người có biết là mấy người đang sống ở đâu không. Có người viết: đã 30 năm mà một số người còn chưa mở mắt ra.

Tôi viết đoạn sau đây về cá nhân tôi, tuyệt đối không phải để cải chính hay biện bạch điều gì, tôi không có bổn phận phải làm như vậy đối với bất cứ ai. Đây chỉ là vấn đề lô-gíc trí thức. Mấy người nói tôi “thân Cộng” nhưng có bao giờ mấy người để tâm suy nghĩ rằng tôi “thân Cộng” để làm gì không? Chỉ có 3 lý do: Vì tiền, tình, hay danh vọng? Tiền? Lương hưu trí đại học, cộng với tiền An Sinh Xã Hội (social security), cộng với tiền lấy ra hàng năm từ quỹ tiết kiệm, chẳng thừa mà cũng chẳng thiếu, tri túc tiện túc, tuy không nhiều nhưng cũng đủ tiêu và hàng năm có đủ khả năng để làm vài chuyến ngao du sơn thủy thế giới, kể cả Việt Nam. Tình? Năm nay tôi đã 78 tuổi rồi, tóc bạc, răng long, chỉ còn đầu óc vẫn còn minh mẫn, vậy tôi cần thứ tình gì ngoài tình nghĩa vợ chồng và tình con cháu xum vầy? Ở tuổi này, chỉ có hai thái độ sống. Một là vui thú điền viên với gia đình, con cháu. Hai là thấy mình còn có thể làm việc gì giúp ích được cho hậu thế thì cứ làm, làm mà không truy cầu bất cứ điều gì. Que sera..sera ! Còn danh vọng? Thật là mơ ngủ, tuổi này mà còn nghĩ tới danh vọng thì không điên cũng khùng. Tiểu sử của tôi có trên sachhiem.net: http://sachhiem.net/TCN/Ndir.php, kể ra cũng tạm đủ và không có gì đáng phàn nàn và cũng chẳng ham muốn gì hơn.

Tôi có một câu chuyện bí mật cá nhân, xin kể cho quí bạn đọc nghe cho vui. Bao nhiêu năm nay tôi viết sách viết bài chống Công giáo và chống luôn Chúa. Đêm qua tôi nằm mơ không phải thấy “Bác Hồ” mà là thấy Chúa, Chúa bảo: “Ngươi chống Ta khá lắm, đúng boong, Ta không thấy những con chiên của Ta đủ khả năng để cãi lại ngươi, mà chính Ta cũng không cãi lại được. Để thưởng công sức của ngươi, Ta sẽ tăng tuổi thọ cho ngươi.” Tôi nhớ mang máng là tôi đã trả lời Chúa như sau: “Thưa Ngài, cám ơn Ngài đã không vật chết tôi vì tôi chống Ngài và chống luôn cả những đại diện của Ngài trên trần. Nhưng Ngài cũng khỏi lo cho tôi, tôi biết lo lấy, tuổi thọ của tôi nằm ở trong số tử vi của tôi và tôi đang cố gắng điều chỉnh tuổi thọ bằng cách ăn uống cẩn thận, bỏ ăn thịt đã 25 năm, hàng ngày tập đều Thái Cực Quyền, Phảy Tay 1000 cái (Đạt Ma Dịch Cân Kinh), tập 12 thế Thập Nhị Đoản Cầm, 8 thế Bát Đoạn Cẩm, 5 Thế Tây Tạng, đi Thiền Tốc Hành 35 phút, và giữ cho tâm luôn luôn an lạc

Nằm mơ thấy Chúa hay nói chuyện với Chúa thật ra không phải là chuyện lạ. Linh mục Don Camillo trong cuốn The Small World of Don Camillo thường xuyên, hầu như hàng ngày, nghe tiếng Chúa vẳng từ trên xuống và thường nói chuyện với Chúa. Hồng Tú Toàn, David Koresh, James Jones v..v… và nhiều Mục sư Mỹ cũng đã từng tự nhận là đã nói chuyện với Chúa. Và theo một chuyện của một người bạn thì chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng đã có lần nói chuyện với Chúa. Chuyện này tôi không biết là thực hay giả, hay chỉ là một chuyện tếu do anh bạn Trung Úy Phan Kế Ninh, con của Khâm Sai Đại Thần Phan Kế Toại, kể cho tôi nghe khi chúng tôi cùng làm việc ở Bộ Tham Mưu Quân Khu 2 ở Huế vào khoảng cuối năm 1955. Phan Kế Ninh và tôi thuộc loại cứng đầu, ở Huế khi đó mà nhất định không đi họp, không gia nhập đảng Cần Lao. Cũng may chúng tôi chỉ là sĩ quan cấp nhỏ, và chẳng phải là thương gia giầu có gì, cho nên “Cậu Út” không thèm để ý đến. Câu chuyện Phan Kế Ninh kể như sau:

Tổng Thống Ngô Đình Diệm mỗi ngày đều vào thánh đường riêng trong Dinh Độc Lập cầu nguyện Chúa. Một hôm, đang cầu nguyện, bỗng nhiên Tổng Thống nghe tiếng Chúa vẳng từ trên crucifix xuống: “Ta buồn lắm”. Tổng Thống hoảng sợ hỏi: “Có phải vì con không đủ đức tin nên Ngài buồn?” Chúa nói: “Không phải vậy”. Tổng Thống lại hỏi: “Có phải vì con chưa giết đủ Cộng Sản cho Chúa nên Ngài buồn?” Chúa trả lời: “Không phải vậy”. Tổng thống lại hỏi: “Có phải vì con chưa biến được miền Nam thành xứ Công giáo nên Ngài buồn"?” Chúa vẫn nói: “Không phải vậy”. Không biết làm sao, Tổng thống gặng hỏi: “Con đã làm hết sức để vinh danh Chúa, sao Ngài lại còn buồn"? Chúa thở dài đáp: “Ta buồn vì chân ta đã bị đóng đinh chặt vào cây thập giá, nếu không thì Ta đã đá vào đít nhà ngươi mấy cái rồi.”

Nếu Chúa đã có thể chuyện trò được với nhiều người như thế, xin Ngài "mạc khải" cho các con chiên của Ngài biết đôi chút về tư cách đối thoại. Amen