LẠI CHUYỆN [BẤT ĐẮC DĨ] VỀ TÚ GÀN

(Phần 2)

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNdt/TCNdt007a.php

28 tháng 5, 2007

Thực chất của hai cuộc chiến ở Việt Nam như vậy, vậy thì sự tranh chấp giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản ở đâu mà ra, ở trong đầu Tú Gàn?  Hơn nữa, Tú Gàn còn viết: “Việt Nam trở thành một nước nghèo nhất thế giới.”  Không biết Tú Gàn đã có dịp về Việt Nam để quan sát xã hội Việt Nam ngày nay và so sánh với xã hội Việt Nam dưới thời VNCH xem Việt Nam đã trở thành một nước nghèo nhất trên thế giới như thế nào.  Việt Nam vốn là một nước nghèo, nặng về nông nghiệp, nhưng không phải là một nước nghèo nhất trên thế giới. Theo một tài liệu cũ trên Internet thì nếu chỉ dựa trên những con số và không kể đến sự khác biệt về giá sinh hoạt thì tính theo Per Capita Income, Việt Nam xếp hạng 139/178 [trên 39 nước], tính theo GDP PPP (Purchasing Power Parity) thì Việt Nam xếp hạng 131/192 [trên 61 nước, bây giờ còn khá hơn nữa]. Theo tài liệu của CIA Factbook (Aneki.com) thì trong số 20 nước nghèo nhất trên thế giới (Poorest countries in the world), không có tên Việt Nam trong đó.  Trong số những nước giầu nhất ờ Á Châu (Richest countries in Asia) thì lại có tên Việt nam trong đó, tuy xếp hạng 19/20.    

Tôi biết rằng viết lếu láo bậy bạ như trên chỉ là của Tú Gàn viết chứ không phải là của chánh án Nguyễn Cần của VNCH viết, vậy Nguyễn Cần khỏi lo về chuyện người ta vạch ra cái mớ kiến thức ăn đong của mình.  Nhưng thật ra thì dân Việt Nam, một nước nghèo nhất trên thế giới, theo Tú Gàn, sinh hoạt như thế nào?  Tôi tình cờ, tình cờ thôi, vì không có bỏ tiền ra mua, đọc được trên tờ Ngày Nay ở Minnesota, số 417, ngày 15 tháng 10, 2006, trang B1, trong mục Sổ Tay Du Lịch, bài “Du Lịch Hà Nội: Khách Hàng Là Thượng Đế” của Hoàng Sơn Long vài đoạn như sau:  “Trên con đường Cổ Ngư…, du khách sẽ không thể nào tìm được: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”.  Mà chỉ thấy toàn xe gắn máy, xe du lịch bốn bánh, rất hiếm xe đạp.  Phương tiện di chuyển ngày nay tại thủ đô Hà Nội là xe gắn máy, thời xe đạp đã đi vào dĩ vãng..”;  “Nhìn những người đứng sắp hàng dài chờ để mua kem Tràng Tiền….”; “Tại một cửa hàng bán phở không đủ chỗ cho khách, khách ngồi tràn ra vỉa hè…”, tôi cảm thấy thật tội nghiệp cho người dân của một nước, mà theo Tú Gàn, nghèo nhất thế giới: không có cả xe đạp mà đi, không có cơm gạo mà ăn.  Cũng may mà họ còn có xe gắn máy, xe du lịch bốn bánh để đi, có kem có phở để ăn, nếu không chắc là sẽ phải ngồi nhà chờ chết đói thôi.  Ngoài ra, vì là một nước nghèo nhất thế giới, theo Tú Gàn, nên Hoàng Sơn Long than phiền: “Hà Nội vẫn còn khép kín khiêm nhường với 4 vũ trường hạng sang trong khi Sài Gòn quay cuồng trên các sàn nhảy nhiều ánh đèn màu, nhạc hội hàng đêm.”   

Cuối cùng trong đoạn trích dẫn Tú Gàn, chúng ta có thể đọc: “mặc dầu cuộc chiến đã chấm dứt hơn 30 năm, hận thù vẫn còn chồng chất!” Một câu hỏi được đặt ra là: hận thù từ phía nào?  Chỉ cần đọc báo chí cũng như những website từ bên nhà và đối chiếu với báo chí và website ở hải ngoại, chúng ta ta thấy rõ hận thù rất ít có ở trong nước.  Điều tệ hại nhất ở hải ngoại là các bậc cha mẹ đã truyền lại cho bọn con em trẻ mối hận thù của lớp trước, làm ô nhiễm đầu óc của chúng trong khi một trang sử đã lật qua, và người Việt Nam cần phải hướng về tương lai.  Nhiều luận điệu còn tỏ ra là hận thù cả nước chứ không riêng một lớp người nào.  Cái gì ở Việt Nam cũng xấu bất kể đến sự thật, đó là luận điệu quen thuộc trên diễn đàn hải ngoại, kể cả của các bậc gọi là trí thức.  Chúng ta nên đọc Chương 5 trong cuốn “Người Việt Cao Quý” trong đó có nói về một lớp trí thức vọng ngoại.

Bây giờ chúng ta hãy đọc tiếp ông Tú Gàn “Ziết sử”:

1. Thành lập Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa: Bằng những mánh khóe xảo quyệt, ngày 17.8.1945, Việt Minh đã cướp được chính quyền tại Hà Nội. Ngày 23.8.1945, Hồ Chí Minh công bố thành phần chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và ngày 25.8.1945 Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại vườn hoa Ba Đình.    Tuy nhiên, ngày 17.8.1945 Tướng De Gaulle đã cử Đô Đốc Thierry d’Argenlieu làm Cao Ủy Pháp kiêm Tổng Tư Lệnh tại Đông Dương để đưa quân tái chiếm Đông Dương, ngăn chận sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản. Không kháng cự nổi Pháp, ngày 6.3.1946, Hồ Chí Minh phải ký với Pháp Hiệp Định Sơ Bộ (Accords Préliminaires). Theo hiệp định này, Pháp chỉ công nhận “Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), tự trị trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp”. Nhưng sau đó Pháp đuổi Việt Minh chạy có cờ. Phải đến tháng 10 năm 1959 [1949??] khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc thắng ở Trung Hoa, Việt Minh mới được Mao Trạch Đông huấn luyện và viện trợ để đánh bật Pháp ra khỏi Đông Dương. Ngày 20.7.1954, Pháp phải ký Hiệp Định Genève, trao phần đất từ vĩ tuyến 17 trở ra cho Hồ Chí Minh. Lúc đó Đảng CSVN mới thật sự có nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. “Ziết sử” như vậy thật là hết xẩy. Trước hết, câu Nhưng sau đó Pháp đuổi Việt Minh chạy có cờ chứng tỏ Tú Gàn rất hồ hởi, hi vọng Pháp sẽ trở lại và “thế lực đen đã nổi tiếng là phi dân tộc thì thế nào cũng phản dân tộc” lại có dịp làm tay sai cho Pháp để phát triển.  Nhưng hi vọng này tan thành mây khói khi Pháp bị đánh bật ra khỏi Đông Dương.  Buồn năm phút!   Thứ đến, bằng những mánh khóe xảo quyệt nào mà ngày 17.8.1945, Việt Minh đã cướp được chính quyền tại Hà Nội?  Ông Tú Gàn không cho độc giả biết. Đây là luận điệu quen thuộc của những kẻ chống Cộng ấu trĩ, cố tình phủ nhận những sự thật lịch sử. Một câu hỏi cần được đặt ra là, Việt Minh cướp được chính quyền từ đâu, cướp như thế nào, chính quyền đó đang nằm trong tay ai và thực chất chính quyền đó như thế nào?  Tài liệu về Việt Minh đứng ra nắm lấy chính quyền (seize power) vào tháng 8/1945 trong kế hoạch tổng khởi nghĩa khi thời cơ thuận tiện, thường được biết là cuộc cách mạng tháng 8, hiện nay không thiếu, và chỉ có những kẻ chống Cộng thiếu moron trong óc mới có thể viết là “Việt Minh cướp chính quyền bằng những mánh khóe xảo quyệt.”   Muốn biết tại sao Việt Minh có thể đứng ra nắm chính quyền và được tuyệt đại đa số người dân ba miền ủng hộ vào khi đó, chúng ta cần phải biết Việt Minh đã được thành lập từ năm nào, đã có những hoạt động gì chống Pháp và Nhật, những bậc lãnh đạo trong Việt Minh là những ai, có những thành tích gì đối với dân tộc Việt Nam v..v.. và đối chiếu với những tổ chức, hoạt động và thành tựu của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội thì mới có thể có một nhận định chính xác được.    

Đây là một bài học lịch sử khá dài mà tôi không muốn dạy cho Tú Gàn.  Sau đây là một chi tiết Tú Gàn cần biết. Duiker viết trong cuốn “The Communist Road To Power In Vietnam”, 1981,  trang 110: “Ngay cả Giáo hội Công Giáo La Mã ở Việt Nam cũng công khai công nhận chính phủ mới trong một bức thư phụng vụ gửi cho 2 triệu tín đồ Công Giáo…Một giám mục Pháp ở Saigon đã thốt lên lời than phiền trong cơn bối rối: “Người ta đã thay đổi những người A-na-mít của chúng tôi”.  Ngày 23 tháng 9, 1945, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam khẩn cầu Giáo hoàng cầu nguyện cho nền độc lập của Việt Nam”. (Even the Roman Catholic hierarchy noted its open approval of the new government in a pastoral letter to the 2 million Vietnamese Catholics, and many Vietnamese Catholics joined the new Vietminh-sponsored Catholic National Salvation Association.  At one point, the French bishop of Saigon was brought to exclaim in frustration: “On nous a changé nos Annamites!”  On September 23 the Vietnamese Catholic hierarchy requested the Pope in Rome to pray for Vietnamese independence)  

Về vấn đề này, chúng ta có thể đọc được nhiều chi tiết hơn trong cuốn Dieu et Cesar của Linh Mục Trần Tam Tĩnh:      

"Cuối năm 1945, Việt Nam giành lại được độc lập từ tay  người Pháp,  lòng yêu nước  của người  Công giáo VN bùng lóe lên với những cuộc biểu tình của hàng chục ngàn giáo dân mang biểu ngữ và hô khẩu hiệu "Giáo Hoàng Muôn Năm",  "Giáo Hội Việt Nam của Người Việt Nam", "Việt Nam Độc Lập Muôn Năm" (Vive le Pape, L'Église Vietnamienne aux Vietnamiens, Vive le Vietnam Indépendant.) 

    Nhưng rồi  Linh mục Tĩnh viết:

    "Vậy, với các giám mục và linh mục dẫn đầu, tín đồ Công Giáo muốn phá bỏ hình ảnh của một giáo hội đã cộng tác với quân xâm lăng, một giáo hội phục vụ nước Pháp, một giáo hội đã sống ngoài lề sự tranh đấu cho chủ quyền và tự do của dân tộc.  Một trang sử đã lật qua nhưng khốn thay chẳng được bao lâu"    (Ainsi, avec les évêques et les prêtres en tête, les catholiques voulaient détruire l'image d'une église collaboratrice avec les agresseurs, d'une église au service de la France, d'une église qui avait vécu en marge d'un peuple en lutte pour sa souvenaineté et sa liberté.  Une page est tournée.  Mais, malheureusement pas pour longtemps.)     Cùng một nhận xét, dựa trên những sự kiện lịch sử, Cao Huy Thuần viết trong cuốn Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam, trg. 547-548:    "Sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập vào tháng 8-1945, những tín đồ Thiên Chúa, trong một tình yêu nước nồng nhiệt mới mẻ hoàn toàn, đã xác định rõ rệt và long trọng lòng tha thiết với độc lập và quyền lợi dân tộc.

   "Các con chiên Việt Nam, tờ Kỷ Yếu các phái bộ viết, biết rằng tương lai của tôn giáo họ được nêu lên.  Nếu họ chứng tỏ được lòng yêu nước ra dưới mắt của cả nước, chắc chắn họ sẽ lấp được cái hố còn ngăn cách họ với đồng bào phi-Thiên Chúa của họ.  Nếu họ khước từ, họ làm cho cái hố đó không vượt qua được.  Vì thế không còn gì phải nghi ngờ về bổn phận nữa, chỉ còn phải theo đó mà hành động.  Đa số con chiên đã lựa chọn.  Được các giám mục của giống nòi họ soi sáng và ủng hộ, họ không còn muốn phạm lỗi lầm của những người trước trong thế kỷ vừa qua.  Họ cương quyết không chịu làm lại tín ngưỡng mình bằng cách dính líu với chính quốc.  Họ muốn bảo vệ sự độc lập của đạo Thiên Chúa bằng cách cùng làm việc với đồng bào phi-Thiên Chúa  của  họ cho xứng nghĩa của nền độc lập của tổ quốc." (Giibal, Les Catholiques en Vietnam.  Buổi diễn thuyết tại Trung Tâm Nghiên Cứu Á-Phi, Paris, 1953.)

   Và vì thế bốn Giám mục Việt Nam lập tức lựa chọn lấy mấy lập trường vào ngày 23-9-1945, họ đã viết thư cho Giáo hoàng Piô XII nhân danh "dân tộc Việt Nam" để yêu cầu "sự ban phước lành, lòng đại lượng cùng các lời cầu nguyện để ủng hộ nền độc lập mà nó vừa mới thu hồi được và bảo vệ bằng mọi giá." (Ibid.)

   Đó là lần đầu tiên mà đạo Thiên Chúa Việt Nam chịu hòa mình trong cộng đồng dân tộc và gắn liền quyền lợi của họ vào quyền lợi đất nước.  Nhưng than ôi!  Tia lửa yêu nước vụt tắt ngay mấy tháng sau, Pháp đổ quân vào Việt Nam, chiến tranh Đông Dương bùng nổ và tín đồ Thiên Chúa lại hợp tác với ngoại bang."

    Tại sao?  Vì theo một sắc lệnh của Giáo Hoàng Pie XII ban hành ngày 1 tháng 7 năm 1949, tuyên bố "tuyệt  thông", một tín điều thuộc loại mê tín nhất trần gian của Giáo hội đưa ra để mê hoặc và nắm giữ những đầu óc thấp kém của đám tín đồ ở dưới, bất cứ người nào cộng tác với Cộng sản, tuyên truyền cho CS, đọc sách báo CS v...v.. nên giáo hội Gia Tô Việt Nam  lại hợp tác với quân đội Pháp,  được  Pháp trang bị vũ khí để lập những chiến khu "tự trị" như Bùi Chu, Phát Diệm..., lại đứng ngoài lề công cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập mới thu hồi của dân tộc Việt Nam.  Đó là sự độc hại của ý thức hệ Thiên Chúa Giáo trên đầu óc của các tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Việt Nam bắt đầu từ ngày giáo sĩ thừa sai đầu tiên vào Việt Nam để truyền cái đạo mà ngày nay hầu hết Âu Châu đang từ bỏ dần dần.  Sự độc hại này cũng đưa đến sự phá nát miền Nam Việt Nam của chính quyền Ngô Đình Diệm sau này, một chính quyền mà Bernard Fall gọi là “Spanish-style absolute monarch” và gọi Ngô Đình Diệm là “the Grand Inquisitor” giống như Tormequada ở Tây Ban Nha.   

Tôi nghĩ rằng, Tú Gàn và những người có cùng luận điệu “ziết sử” chống Cộng ấu trĩ như trên, nên đọc ít nhất là hai cuốn sách rất đáng tin cậy viết về tình hình Việt Nam vào năm 1945: Cuốn “Why Viet Nam”, 1980, của Archimedes L. A. Patti, một Thiếu Tá của OSS đã từng hoạt động cùng với Việt Minh, và cuốn “The Communist Road To Power In Vietnam”, 1981, của Sử Gia William J. Duiker.  Nếu muốn bổ túc thêm chi tiết thì có thể đọc thêm hai cuốn khác: “Backfire:  Vietnam – The Myths That Made Us Fight, The Illusion That Helped Us Lose, The Legacy That Haunts Us Today”, 1985, của Giáo sư Sử  Loren Baritz, và “The Endless War: Vietnam’s Struggle For Independence”,  1989, của Giáo sư Sử James P. Harrison.  Tất cả những cuốn này đều viết sau 1975.Sau phần viết về sự Thành lập Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Tú Gàn viết sang phần Thành lập Việt Nam Cộng Hòa.  2. Thành lập Việt Nam Cộng Hòa: Năm 1945, sau khi Việt Minh cướp chính quyền, một cuộc tranh chấp đã xẩy ra giữa phe theo Cộng Sản và phe không theo. Qua áp lực của chính quyền Tưởng Giới Thạch, cả hai phe đã hợp tác với nhau một thời gian. Nhưng sau khi quân đội Trung Hoa rút khỏi Việt Nam, hai phe đã tàn sát lẫn nhau để tranh quyền làm bá chủ đất nước. Phe chống Cộng đã vận động đưa Cựu Hoàng Bảo Đại trở về hợp tác với Pháp để đánh bại Việt Minh và dần dần thu hồi độc lập như các nước Á Châu khác.   

Ngày 5.6.1948, tại vịnh Hạ Long, trên chiến hạm Duguay-Trouin, Cao Ủy Pháp tại Đông Dương là Émile Bollaert, người thay thế Thierry d’Argenlieu, đã cùng với Cựu Hoàng Bảo Đại ký Tuyên Ngôn Chung (declaration commune) gồm ba điểm, trong đó điều 1 xác định: “Nước Pháp long trọng nhìn nhận sự độc lập của nước Việt Nam.” (La France reconnait solennement l’indépendance du Vietnam). .. Tuy nhiên, chủ quyền vẫn nằm nơi tay người Pháp vì người Pháp vẫn nắm trọn quyền cả về quân sự lẫn tài chánh.   Năm 1954, khi biết chắc Việt Nam sẽ bị chia đôi, Cựu Hoàng Bảo Đại đã quyết định đưa ông Ngô Đình Diệm về để cứu vãn tình thế, nhất là bảo vệ ngôi của nhà Nguyễn, vì ông ta vốn là cựu thần của nhà Nguyễn.

Thật là một điều thú vị khi phân tích đoạn trên của Tú Gàn.  Tôi có cảm tưởng là Tú Gàn viết mà không biết mình viết cái gì.  Thứ nhất, phe không theo Cộng Sản là phe nào?  Đó là phe của Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh, theo chân quân Tàu ô giải giới Nhật của Tưởng Giới Thạch về Việt Nam .  Khi đó, VNQDĐ và Đồng Minh Hội, Phục Quốc v..v.. đều  không có mấy quần chúng hậu thuẫn và không có thành tích gì đặc biệt trong công cuộc chống Pháp và Nhật.  Tổ chức lỏng lẻo, không có lãnh tụ tài năng.  Hai phe tàn sát lẫn nhau chẳng qua chỉ là một số cán bộ hai phe giết nhau lẻ tẻ mà thôi, thí dụ vụ Ôn Như Hầu.  Chỉ có một cuộc chống đối nhau bằng vũ lực giữa Việt Minh và VNQDĐ ở Vĩnh Yên và Việt Minh đã nhanh chóng dẹp tan VNQDĐ.

Chuyện “Phe chống Cộng đã vận động đưa Cựu Hoàng Bảo Đại trở về hợp tác với Pháp để đánh bại Việt Minh và dần dần thu hồi độc lập như các nước Á Châu khác.” là chuyện hoang đường của Tú Gàn phịa ra.  Ai cũng biết Bảo Đại đã thoái vị và làm cố vấn tối cao trong chính phủ của Việt Minh.  Nhưng ông cựu Hoàng playboy này chẳng lý gì đến quốc gia dân tộc, suốt từ lúc đầu chỉ đóng vai một ông Vua bù nhìn của Pháp, rồi Nhật.  Rồi ông đi sang Pháp, sống phè phỡn ở Cannes, và năm 1949 được Pháp bưng về làm bung xung chống Cộng.  Và một lần nữa, ông ta lại đóng vai bù nhìn của Pháp.  Về chuyện “Nước Pháp long trọng nhìn nhận sự độc lập của nước Việt Nam.” cũng vậy, đó chỉ là một trò hề.  Patti viết, trang 388:

“Nước Pháp long trọng nhìn nhận sự độc lập của nước Việt Nam.”  được tuyên bố vào ngày 2 tháng 2.  Khi khảo sát cặn kẽ, cái “độc lập” này chỉ là lớp trang trí mà đàng sau, cấu trúc thuộc địa vẫn còn y nguyên.” (Formal French ratification of Vietnamese “independence” was announced on the second of February.  This “independence” when carefully examined is revealed as largely new window dressing  behind which the colonial structure remains intact.)

Và Giáo sư Sử James P. Harrison cũng viết, trang 120:

   “Ngay trước khi Pháp thất trận cuối cùng, và đầu tháng 6, 1954, một hiệp ước khác (cái thứ 5) cho nền “độc lập hoàn toàn” của Việt Nam được ký kết.  Không bao lâu sự thành lập chính thức của Quốc Gia Việt Nam vào tháng 7, 1949, chính Bảo Đại đã phải thú nhận là, đó không phải là “giải pháp Bảo Đại.. mà chỉ là giải pháp của Pháp”, nghĩa là, một chiêu bài mới để mở rộng hơn sự ủng hộ Pháp tuy rằng Pháp vẫn giữ nguyên những đặc quyền.”  [On the very eve of the final French defeat, in early June 1954, yet another [the fifth] treaty for “total independence” was signed.  Not long after the official creation of his State of Vietnam in July 1949, Bao Dai himself was forced to admit, it is not a “Bao Dai solution…but just a French solution, that is, another ploy to try to broaden France’s base of support while nonetheless retaining its privileges.]

   Đó là thực chất chính phủ Bảo Đại chống Cộng cho Pháp.  Điều này còn rõ ràng hơn nữa qua chính câu sau đây của Tú Gàn: Tuy nhiên, chủ quyền vẫn nằm nơi tay người Pháp vì người Pháp vẫn nắm trọn quyền cả về quân sự lẫn tài chánh.  Vậy thì rõ ràng chính phủ Bảo Đại là một chính phủ bù nhìn, bởi vậy cho nên quần chúng Việt Nam mới không ủng hộ ông ta.

   Bây giờ chúng ta hãy sang tới vấn đề mà Tú Gàn gọi là việc Thành lập Việt Nam Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm.  Trước khi bàn đến chuyện có thật là Ngô Đình Diệm đã thành lập Việt Nam Cộng Hòa hay không, tưởng chúng ta cũng nên biết Ngô Đình Diệm là người như thế nào.  Nói ngắn gọn, trong khi Việt Minh tổ chức chống Pháp thì Ngô Đình Diệm làm quan cho Pháp và dùng đèn cầy đốt hậu môn những người yêu nước chống Pháp.  Tại sao?  Vì ông ta cho rằng họ đều là Cộng Sản, mà Cộng Sản là kẻ thù không đội trời chung với Công Giáo.  Đối với những người Công Giáo thuộc loại cuồng tín và nghiện đạo như Ngô Đình Diệm thì bổn phận của họ là cần phải tiêu diệt những người Cộng Sản bất kể  là họ có yêu nước hay không. Ngô Đình Diệm đã nổi tiếng là một quan án đạo Tây Ban Nha (Spanish Inquisitor).

   Trên thực tế, ý thức hệ Cộng Sản đã phá vỡ nền tảng ý thức hệ Công Giáo, cho nên những kẻ cuồng tín Công Giáo rất thù hận Cộng Sản.  Cũng vì vậy mà Giáo hội Công Giáo đã phải phịa ra chuyện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, truyền cho mấy đứa con nít mù chữ những thông điệp như “Giáo hoàng  phải hiến dâng cho thế giới trái tim vô nhiễm của mẹ”; “phải hiến dâng Nga Sô Viết cho mẹ” và mẹ tiên đoán “Nga sô sẽ cải đạo theo Công Giáo La Mã” và rồi “Đức Thánh Cha sẽ dâng hiến Nga sô cho mẹ.”  Trò bịp này chẳng lừa dối được ai vì sau khi Cộng Sản sập tiệm vào năm 1989 thì Nga lại coi Công Giáo La Mã như một đạo bất hợp pháp ở Nga, ra luật cấm Công Giáo truyền đạo ở Nga. 

     Thứ đến, trong khi cả nước kháng chiến chống Pháp trở lại Việt Nam thì năm 1950 Ngô Đình Diệm xuất ngoại, làm “chí sĩ” nằm trong Tu Viện Công Giáo Marykoll ở Lakeland, New Jersey, Hoa Kỳ suốt trong 2 năm 1951-1952, và rồi ở tu viện công giáo Benedict ở Bỉ cho đến 1954, trước khi về nước làm Thủ Tướng do Bảo Đại bổ nhiệm, rồi âm mưu bày trò trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại, lên làm cái gọi là Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa, tạo dựng nên một nền chính trị toàn trị, gia đình trị và Công Giáo trị..  Cuộc trưng cầu dân ý này là một trò hề chiếm đoạt và phản bội.  Marilyn B. Young viết trong cuốn The Vietnam Wars: 1945-1990, 1991, trang 53:

   “Diệm thắng (cuộc trưng cầu dân ý) với 98.2 phần trăm số phiếu.  Ở Saigon, có 450,000 cử tri đi bầu phiếu, có tới 605,025 phiếu bỏ cho Diệm” [Diem rolled to victory with 98.2 percent of the vote.   In Saigon, out of a total of 450000 registered voters, an astonishing 605025 voted for Diem.].

   Thật là đẹp mặt ông Tổng Thống của nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa.

   Nhưng thực chất Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam là gì?  Chúng ta hãy nghe Thượng Nghị Sĩ John F. Kennedy phát biểu ngày 1 tháng 1, 1956, Loren Baritz, trang 210:

   “Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của (Nam) Việt Nam nhỏ bé, thì chắc chắn chúng ta là những cha mẹ đỡ đầu của nó.  Chúng ta chủ tọa khi khai sinh ra nó, chúng ta giúp cho nó sống, và chúng ta đã giúp để hoạch định cho tương lai của nó”.  Và ít lâu trước khi bị ám sát ở Dallas, Tổng Thống Kennedy phát biểu: “Không có Hoa Kỳ, Nam Việt Nam sẽ sụp đổ chỉ qua đêm.”      (John F. Kennedy on June 1, 1956: If we are not the parents of little Vietnam, then surely we are the godparents.  We presided at its birth, we gave assistance to its life, we have helped to shape its future.  And in 1963: “Without the U.S., South Vietnam would collapse overnight.”). 

   Nam Việt Nam chẳng qua chỉ là một sản phẩm của Mỹ tạo ra để chống Cộng cho Mỹ.  Giáo sư Baritz đã viết nguyên một chương về Sự Phát Minh Ra Nam Việt Nam, (The Invention of South Vietnam), Chương 3, trong cuốn Backfire của ông.

   Tôi không muốn phê bình tiếp Tú Gàn, vì bài “Chuyện 50 Năm VNCH” của ổng không có một giá trị lịch sử nào.  Sắp đến ngày 1/11 nên người Công Giáo ở hải ngoại lại tập trung vào chiến dịch “phục hồi tinh thần tam đại Việt gian của Ngô Đình Diệm”.  Điều này thể hiện trong câu cuối của Tú Gàn, hàm ý còn ông Diệm thì không mất nước:

   “Năm 1955, khi Tướng Collins đòi thay ông Diệm bằng Phan Huy Quát hay Trần Văn Đỗ, Thượng Nghị Sĩ Mansfield đã nói: "Nếu ông Diệm bỏ đi hay bị lật đổ... Hồ Chí Minh có thể đi bộ vào và chiếm đất nước không có bất cứ khó khăn nào." Lời tiên tri đó đến năm 1975 đã thành hiện thực.”      Nhưng Tú Gàn khôn mà không ngoan, vì năm 1955 là năm Mỹ vừa mới dựng lên chế độ Ngô Đình Diệm để chống Cộng cho Mỹ và phá Hiệp Định Genève, ngăn chận sự thống nhất đất nước quy định bởi cuộc Tổng Tuyển Cử năm 1956 trên toàn quốc.  Không lạ gì khi đó Mỹ hết lời ca tụng Diệm, và sau này Phó Tổng Thống Johnson còn gọi Diệm là Winston Churchill của Á Đông trong khi trả lời câu hỏi của Stanley Karnow là có thực ông ta nhận định như vậy không thì Johnson đã trả lời “Cục cứt, đó là tên nhóc duy nhất chúng ta có ở đó” (Shit!  He is the only boy we got there).  Tú Gàn cũng không biết rằng , năm 1962, sau khi đi quan sát tình hình Đông Nam Á, Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield đã phúc trình cho Tổng Thống Kennedy vào ngày 18 tháng 12, 1962, nội dung có thể tóm tắt như sau, Gareth Porter, Vietnam: A History In Documents, 1981, trang 235: 

   “Sau một chuyến tham quan Đông Nam Á, THượng Nghị Sĩ Mike Mansfield, một người có nhiều ảnh hưởng lúc đầu đã ủng hộ Ngô Đình Diệm, khuyến cáo Tổng Thống Kennedy là Hoa Kỳ đang ở trong nguy cơ bị thu hút  vào cuộc chiến tranh toàn diện chống du kích Cộng sản và dựng lên “một dạng cai trị thuộc địa” ở Nam Việt Nam.  Ông ta ghi chú rằng ít có ai để ý đến khả năng tình hình sẽ  trở nên tệ hại hơn nhiều và khuyên Tổng Thống hãy bắt đầu nghĩ đến giải pháp ngoại giao để giảm thiểu sự dính líu của Mỹ vào lục địa Đông Nam Á” [qua chính sách cai trị của Ngô Đình Diệm].  (After a visit to Southeast Asia, Senator Mike Mansfield, an early and influential supporter of Ngo Dinh Diem. warned president Kennedy that the U.S. was in the danger of being sucked into full-scale war against the Communist guerillas and of setting up “some form of neocolonial rule” in South Vietnam.  He noted that little thought had been given to the possibility of a serious worsening of the situation and advised the President to begin to think in terms of a diplomatic solution that would minimize U.S. inviolvement on the mainland Southeast Asia)

 

    Điều này có nghĩa là Mike Mansfield đã nhìn thấy viễn tượng chiến thắng của Cộng Sản và khuyên Kennedy nên rút lui kịp thời.  Và chúng ta đã biết, Tổng Thống Kennedy đã nói với phụ tá của ông là nếu ông tái cử thì sẽ rút ra khỏi Việt Nam.  Đây mới là chính sử, ông Tú Gàn ạ!

 

(Xin xem tiếp Phần 1/2  >>>)