LỊCH SỬ HOA KỲ

(3 tác giả)

Nguyễn Mạnh Quang dịch

http://sachhiem.net/NMQ/LSHK/LSHK19.php

| bản rời | «  Xem Mục Lục » | 02 tháng 3, 2010

(tiếp theo Chương mười tám)

pypypy

CHƯƠNG XIX

CHIẾN TRANH GIỮA MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM

Trong tất cả các loại chiến tranh thì cuộc chiến tranh giữa những người cùng một dân tộc, cùng một quốc gia là bi đát hơn cả. Và thường thì người ta cảm thấy đau đớn não nề chua chát nhất. Dân trong một nước đánh nhau, giết hại lẫn nhau, người cùng trong một tỉnh thù nghịch chém giết lẫn nhau. Đôi khi có người trong cùng một gia đình lại chiến đấu trong cả hai hàng ngũ đối nghịch nhau. Trong những năm từ 1861 đến năm 1865, Hoa Kỳ bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh như vậy. Lúc đó, chiến tranh bùng nổ giữa miền Bắc và miền Nam, cuộc chiến tranh này còn gọi là trận chiến tranh giữa các tiểu bang hay cuộc nội chiến. Trận đánh đầu tiên của cuộc chiến xảy ra ở đồn Sumter thuộc tiểu bang South Carolina.

Trận chiến tranh bi đát này bộc phát và bành trướng ra ngoài hoàn cảnh và điều kiện đã nói ở trong các chương trước đây trong sách này. Như các bạn đã biết, hai miền Nam Bắc đã phát triển những lối sinh sống khác biệt nhau. Rất nhiều người miền Bắc sinh nhai bằng nghề buôn bán, thủy vận và sản xuất hàng hóa kỹ nghệ. Về phần miền nam thì dân chúng sinh nhai bằng nghề trồng trọt, đặc biệt là họ trồng rất nhiều bông vải. Vì sự khác biệt về lối sinh sống cho nên hai miền thường không đồng ý với nhau về những vấn đề quan trọng như vấn đề thuế mậu dịch và vấn đề ngoại thương. Mỗi khi có những vấn đề như vậy được nêu lên ở Quốc hội là hai miền Nam Bắc thường chống đối nhau. Trong một quốc gia rộng lớn như Hoa Kỳ thì sự bất đồng chính kiến với nhau là một việc hoàn toàn tự nhiên,và những vấn đề bất đồng ý kiến với nhau như vậy thường thì có thể giải quyết với nhau một cách êm đẹp.

Tuy nhiên, vào thời kỳ tiền bán thế kỷ thứ XIX, sự bất đồng chính kiến về vấn đề nô lệ đã làm cho miền Bắc và miền Nam phải phân ly tách rời nhau. Hẳn các bạn còn nhớ các tiểu bang miền Bắc đã từ bỏ chế độ nô lệ vì rằng chế độ nô lệ không còn cần thiết và thích hợp ở đây. Ngược lại, các tiểu bang miền Nam vẫn còn duy trì chế độ nô lệ, vì rằng dân miền Nam rất cần nô lệ để trông coi làm lụng trong các đồn điền trồng bông của họ. Đúng ra, sự bất đồng chính kiến về vấn đề nô lệ vào lúc nào đó nếu không xảy ra một biến chuyển khác thì vẫn có thể giải quyết ổn thỏa với nhau được. Sự bành trướng lãnh thổ về phía Tây một cách mau chóng, một lần nữa lại gây ra sự tranh chấp giữa miền Bắc và miền Nam về vấn đề cho phép hay không cho phép duy trì chế độ nô lệ ở các tiểu bang mới được thiết lập ở miền Tây. Trong nhiều năm, sự tranh chấp này đã được giải quyết bằng nhiều thỏa hiệp, trong đó mỗi miền nhượng bộ một ít. Nhưng lúc này là lúc mà sự tranh chấp dữ dội đến nỗi không còn thể nào giải quyết bằng một thỏa hiệp nào nữa. Đất nước dần dần rơi vào vực thẳm chiến tranh.

Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu về chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc đã xảy ra như thế nào. Dưới đây là những câu hỏi có thể giúp các bạn hiểu biết về những biến cố đưa đến cuộc nội chiến này.

1. Trong nhiều năm, miền Bắc và miền Nam đã giải quyết những dị biệt như thế nào?

2. Hai miền Nam Bắc đã tiến dần đến chiến tranh ra làm sao?

3. Những biến cố nào đã trực tiếp đưa đến chiến tranh giữa miền Bắc và miền Nam?

¨

PHẦN MỘT

TRONG NHIỀU NĂM, MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM
ĐÃ GIẢI QUYẾT NHỮNG DỊ BIỆT NHƯ THẾ NÀO?

Trong chương trước, các bạn đã được biết, Hoa Kỳ đã chiếm từng vùng đất một dần dần cho tới khi lãnh thổ vươn ra bao trùm kín cả vùng đồng bằng và miền núi ở bên bờ Thái bình dương. Dân chúng ở cả hai miền Nam Bắc đều tiến đến vùng đất mới này để lập nghiệp. Dĩ nhiên là khi đi lập nghiệp, họ mang theo tất cả những cách sinh sống và lối suy tư cố hữu cuả họ. Dần dần các làng định cư được khởi lập, và sau đó có những tiểu bang mới được thành hình. Cả hai miền Nam Bắc đều thấy rằng số phiếu của dân miền Tây ở trong Quốc hội rất là quan trọng. Liệu rằng những phiếu này sẽ làm thêm sức mạnh cho miền Bắc hay miền Nam? Liệu rằng những dân biểu của miền Tây ở Quốc hội sẽ ủng hộ hay chống đối chế độ nô lệ? Cả hai miền đều cảm thấy rằng họ cần phải có phiếu của các tiểu bang mới ở miền Tây này.

¨ MỘT THỎA HIỆP ĐÃ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ NÔ LỆ Ở LOUISIANA

- Việc thu nhận tiểu bang Missouri khởi đầu cho việc tranh chấp về vấn đề nô lệ

Vùng đất đầu tiên được sát nhập vào lãnh thổ Hoa Kỳ là vùng đất Louisiana do Tổng thống Jefferson mua, và tiểu bang đầu tiên được thành lập ở trong vùng đất mới mua này là tiểu bang Louisiana. Ở đây không có vấn đề tranh chấp về vấn đề nô lệ. Tiểu bang Louisiana rõ ràng là ở tận cùng miền Nam, và chế độ nô lệ đã có ở đây ngay từ những ngày đầu. Cho nên khi tiểu bang Louisiana được thâu nhận vào Cộng đồng Liên bang thì tiểu bang này là tiểu bang chấp nhận chế độ nô lệ. Tuy nhiên, năm 1819, khi Missouri xin gia nhập vào Cộng đồng Liên bang thì xảy ra việc tranh chấp dữ dội giữa miền Bắc và miền Nam. Missouri cũng là một phần đất của lãnh thổ Louisiana do Tổng thống Jefferson mua trước kia, nhưng tiểu bang này nằm xa hơn về phía Bắc chứ không như tiểu bang Louisiana ở xa hẳn về phía Nam.

Nhiều người có nô lệ đã đến định cư lập nghiệp ở Missouri. Khi Missouri nộp đơn xin phép để trở thành một tiểu bang thì dân chúng ở đây lại muốn rằng tiểu bang của họ phải được duy trì chế độ nô lệ. Nhưng khi đơn xin gia nhập vào Cộng đồng Liên bang đưa đến Quốc hội thì một số dân biểu của các tiểu bang miền Bắc yêu cầu rằng chỉ khi nào Missouri giải phóng hết nô lệ thì Quốc hội mới thu nhận Missouri vào cộng đồng liên bang. Lời yêu cầu này khiến cho dân miền Nam sợ rằng nếu chế độ nô lệ bị cấm ở tiểu bang Missouri thì rất có thể nô lệ cũng sẽ bị cấm ở những tiểu bang khác nếu được thành lập ở trong vùng lãnh thổ Louisiana do Tổng thống Jefferson mua trước kia. Miền Nam nêu lên thắc mắc là tại sao người miền Bắc không có nô lệ lại được phép đi miền Tây định cư và được thành lập các tiểu bang ở đây, trong khi đó thì người miền Nam có mang theo nô lệ lại bị cấm?

- Thỏa hiệp Missouri giải quyết vụ tranh chấp về nô lệ này

Khi vụ tranh chấp gay cấn này đi đến hồi quyết liệt thì lại xảy ra một điều may mắn. Maine vốn là một phần của tiểu bang Massachusetts nộp đơn xin gia nhập Cộng đồng Liên bang như là một tiểu bang riêng biệt. Dân chúng ở tiểu bang Maine không cần hay đúng hơn là không muốn duy trì chế độ nô lệ. Có một lúc người ta đã nói: “Đây là một cơ hội để giải quyết vụ tranh chấp gay cấn về tiểu bang Missouri”. Năm 1820, Quốc hội đạt được một thỏa hiệp mệnh danh là “Thỏa hiệp Missouri” hay còn gọi là “Thoả hiệp 1820” .

Theo thỏa hiệp này thì:

1. Missouri sẽ gia nhập Cộng đồng Liên bang như là một tiểu bang duy trì chế độ nô lệ.

2. Maine sẽ là một tiểu bang tự do (không chấp nhận chế độ nô lệ)

3. Hai miền Nam Bắc đồng thỏa thuận rằng sẽ dùng một đường ranh giới để giải quyết vấn đề tranh chấp về chế độ nô lệ ở trong các phần đất còn lại trong lãnh thổ Louisiana do Tổng thống Jefferson mua trước kia. Đường ranh này là đường biên giới ở phía Nam của tiểu bang Missouri cắt ngang lãnh thổ Louisiana chạy thẳng về phía Tây. Trong tương lai, trong phần lãnh thổ Louisiana, mỗi tiểu bang được thành lập nếu nằm ở phía Bắc lằn ranh này thì sẽ là tiểu bang tự do (không châp nhận chế độ nô lệ), nếu nằm ở phía Nam lằn ranh này thì sẽ được duy trì chế độ nô lệ.

Thỏa hiệp này coi như là êm đẹp. Miền Nam đã thỏa mãn được những gì họ mong muốn – duy trì chế độ nô lệ ở Missouri - miền Bắc có thể tin cậy vào số phiếu của tiểu bang Maine ở Quốc hội để giữ quân bình số phiếu khi tiểu bang Missouri đứng về phía miền Nam. Cả hai bên đều cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm, vì rằng Quốc hội đã thông qua một đạo luật để giải quyết vấn đề nô lệ ở trong phần lãnh thổ Louisiana mới tậu được. Miền Bắc đặc biệt đã hài lòng vì Quốc hội đã giữ địa vị của mình mà lấy quyền quyết định vấn đề nô lệ trong phần đất còn lại sẽ trở thành các tiểu bang sau này.

- Vụ tranh chấp này đã gây ra cảm nghĩ chua chát và đắng cay

Dù rằng cuộc tranh chấp này đã chấm dứt bằng thỏa hiệp Missouri, nhưng nó vẫn còn gây nên những chua chát và đắng cay trong lòng người. Nhìn vào tương lai, nhiều người sợ rằng sau này sẽ có những tranh chấp khác nữa về vấn đề nô lệ và những vụ tranh chấp sau này còn có thể nguy hiểm hơn cả cuộc tranh chấp vừa mới giải quyết xong. Ông Thomas Jefferson đã viết lên nỗi lo sợ này trong một đoạn văn: “Đây là vấn đề nhất thời giống như tiếng chuông kêu cứu hỏa trong đêm khuya, nó đã đánh thức mọi người dậy, và ai cũng khiếp sợ”. Ông còn viết thêm rằng “Trong những ngày giờ đen tối nhất của thời chiến tranh cách mạng ông cũng không lo sợ cho tổ quốc như vậy”

¨ MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM TRANH LUẬN VỀ CÁC QUYỀN TỰ DO CỦA CÁC TIỂU BANG

Việc tranh luận về việc thu nhận Missouri vào Cộng đồng Liên bang đã khiến cho người miền Nam nhận thức được mối lo sợ về lối sống của họ. Việc trồng bông vải đã làm cho đất đai ở miền Nam trở nên cằn cỗi. Dân miền Nam sợ rằng sẽ có một ngày họ sẽ không có thêm những đất mới để trồng bông. Họ cũng cảm thấy lo sợ vì những đạo luật về thuế mậu dịch sẽ làm cho giá cả các hàng hóa lên cao. Vì rằng miền Nam mua rất nhiều hàng hóa kỹ nghệ của Anh quốc, và ngược lại Anh quốc cũng mua rất nhiều bông vải của miền Nam cho nên nâng cao thuế mậu dịch có nghĩa là nền thịnh vượng của miền Nam bị đe dọa. Dân miền Nam trung thành với Cộng đồng quốc gia Hoa Kỳ, nhưng họ cũng bắt đầu tự hỏi: “Có cách nào mà chúng ta vẫn ở lại êm đẹp ở trong cộng đồng mà những điều kiện cần thiết cho lối sinh sống của chúng ta vẫn còn được bảo đảm?”.

- Ý niệm về quyền tự do của các tiểu bang phát triển ở miền Nam

Hình như các nhà lãnh đạo miền Nam muốn có một cách là ở lại trong Cộng Đồng Quốc Gia mà vẫn bảo vệ được quyền lợi của miền Nam. Hẳn các bạn còn nhớ rằng Hiến pháp Hoa Kỳ đã phân chia quyền hành cho chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang. Chính quyền liên bang chỉ có những quyền hành nào đã được ghi rõ trong Hiến pháp. Còn tất cả những quyền hành khác là thuộc về các tiểu bang. Người miền Nam cho rằng họ có thể duy trì được lối sinh sống của họ bằng cách khẳng định rằng chính quyền liên bang không được can thiệp vào tất cả các vấn đề không được Hiến pháp trao quyền cho chính quyền liên bang. Tư tưởng này là nền tảng cho điều mà người ta gọi là chủ nghĩa “quyền tự do của các tiểu bang”.

- Dân miền Nam bảo vệ quyền tự đo của các tiểu bang

Ông John Calhoun ở South Carolina là một người bảo vệ hăng say nhất các quyền tự do của các tiểu bang. Các bạn đã có dịp đọc qua về đoạn văn ông viết trong lời phản kháng mạnh mẽ để chống lại đạo luật nâng cao thuế mậu dịch vào năm 1828. Trong bản tuyên cáo phản kháng này, ông Calhoun tuyên bố rằng Quốc hội không có quyền đánh thuế mậu dịch cao theo đó mà một phần của đất nước phải gánh chịu thiệt hại. Ông nói lên tiếng nói bênh vực cho người miền Nam. Ông phản đối rằng thuế mậu dịch là “bất hợp hiến, áp bức và bất công”.

Một trong những cuộc tranh luận nổi tiếng nhất ở Thượng viện Hoa Kỳ xảy ra vào năm 1830 là vụ tranh luận về các quyền tự do của các tiểu bang. Cuộc tranh luận này kéo dài gần 2 tuần lễ. Vì lúc bấy giờ ông Calhoun là Phó Tổng thống nên ông không tham dự cuộc tranh luận này. Nhưng thượng nghị sĩ Robert Y. Hayne cũng là người của tiểu bang South Carolina, rất hăng say tranh luận, bênh vực cho miền Nam. Ông lý luận rằng khi chấp nhận Hiến pháp, các tiểu bang chỉ trao chính quyền trung ương một số quyền hành thôi. Ông tuyên bố rằng bất kỳ tiểu bang nào cũng có quyền hành động chống lại các đạo luật do Quốc hội thông qua, nếu tiểu bang đó thấy rằng các đạo luật này vi hiến.

- Ông Daniel Webster biện luận cho chính quyền trung ương mạnh

Thượng nghị sĩ Daniel Webster của tiểu bang Massachusetts đáp lại bài diễn văn của thượng nghị sĩ Hayne. Ông Webster là một người lùn, nhưng chiếc đầu to lớn và cặp mắt “sáng rực như hai cục than cháy trong đêm tối” của ông đã làm cho cái vẻ bề ngoài của ông lại càng thêm phần uy nghi oai vệ. Ngày nào có ý định đọc bài diễn văn, ông mặc bộ đồ lớn màu da bò và chiếc áo choàng kiểu xưa có nút bằng đồng. Lối ăn mặc này rất thịnh hành vào thời cách mạng, và cũng làm cho cái vẻ bề ngoài của ông càng thích hợp với hoàn cảnh. Ông không đồng ý với quan điểm của miền Nam về quyền tự do của các tiểu bang. Ông lên tiếng bênh vực cho những người Hoa Kỳ cho rằng nếu muốn Cộng đồng Liên bang tồn tại thì chính quyền liên bang phải có nhiều quyền hành hơn các tiểu bang.

Vào ngày mà ông Daniel Webster bắt đầu đáp lại bài diễn văn của ông Hayne, các hành lang của Thượng viện đông chật ních những người đến nghe ông nói. Khi đứng lên, ông Webster bắt đầu nói với giọng nói trầm trầm và sang sảng. Ông nói, nếu mọi tiểu bang đều khẳng định cái quyền tự do để quyết định xem một đạo luật có hợp hiến hay không thì những gì sẽ xảy ra? Câu trả lời của ông là Hoa Kỳ sẽ tan rã thành từng tiểu bang riêng rẽ hay là thành từng một nhóm của một vài tiểu bang. Ông viện dẫn những câu văn dài hoa mỹ của những bài diễn văn thời đó, ông đưa ra những lời lẽ rất khích động để biện hộ cho cộng đồng liên bang, và ông chấm dứt bài diễn văn của ông bằng những lời lẽ vô cùng cảm động:

“Vừa rồi khi tôi quay lại nhìn mặt trời, tôi thấy trời không chiếu sáng trên những mảnh vụn đã một thời ở trong tập thể (cộng đồng liên bang), trời sẽ không soi sáng lên những tiểu bang hiếu chiến, bất hòa, ly khai, trời sẽ không soi sáng lên những mảnh đất mà ở đây đầy rẫy những hận thù trong cảnh nồi da xáo thịt, tắm máu anh em. Hãy để cho tia sáng mong manh lóe lên một phần để nhìn màu cờ huy hoàng của đất nước đã từng vang danh khắp địa cầu và còn tiến cao hơn nữa. Nhưng vào khi mà những chiến công cuồn cuộn dâng lên trong ánh sáng rực rỡ của ngày xưa thì nhất định sẽ không có một lằn sọc nào trong quốc kỳ bị xóa bỏ hay bị làm ô uế, và nhất định cũng không có một ngôi sao nào trong quốc kỳ bị che lấp. Quốc kỳ đang mang những câu châm ngôn không giống như những câu hỏi đáng thương như “tất cả giá trị của nó đáng là bao nhiêu?”. Và cũng không phải như những lời lẽ lường gạt điên rồ như “Tự do trước và đoàn kết sau”mà là ở đâu đâu cũng tỏa ra ánh sáng sống động đốt sáng lòng người trong mọi gia đình và bao trùm hết cả bốn bể năm châu cuồn cuộn tung bay trong mọi làn gió ở thế gian này, và là tình cảm khác rất quý báu đối với những con tim của người dân đất nước Hoa Kỳ. Đó là tự do và đoàn kết ngày nay và mãi mãi, chỉ là một mà không thể nào tách rời chia rẽ được”.

Cuộc tranh luận giữa hai nghị sĩ Webster và Hayne chỉ là một trong hàng loạt cuộc tranh luận về quyền tự do của các tiểu bang. Các tiểu bang miền Nam mạnh mẽ tin tưởng vào quyền tự do của các tiểu bang đến độ họ bắt đầu đòi đến quyền tự do rút khỏi Cộng đồng quốc gia. Và cuối cùng đến khi họ hành động, chúng ta sẽ thấy rằng sẽ xảy ra thảm họa chiến tranh giữa các tiểu bang.

¨ NHỮNG TRANH CHẤP MỚI ĐƯA ĐẾN THỎA HIỆP 1850

Theo thỏa hiệp Missouri thì mỗi vùng trong lãnh thổ Hoa Kỳ đều được ghi rõ là “tự do” (đã giải phóng nô lệ) hay là “nô lệ” (còn duy trì chế độ nô lệ). Tuy nhiên, những vùng đất mới được sát nhập vào lãnh thổ chắc chắn lại xảy ra tranh chấp. Các bạn đã đọc qua chương XVIII và thấy rằng đã có những bất đồng chính kiến với nhau về vấn đề thâu nhận Texas như là một tiểu bang duy trì chế độ nô lệ.

- Cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ đưa đến một vụ tranh chấp mới về chế độ nô lệ

Cuộc chiến với Mễ Tây Cơ bùng nổ vào năm 1846 cho ta thấy rõ rằng Hoa Kỳ có thể chiếm một vùng đất vô cùng rộng lớn. Đã có một lần, người ta nêu lên câu hỏi là” Những vùng đất mới này sẽ là những vùng đất duy trì chế độ nô lệ hay giải phóng nô lệ”. Ngay khi chiến tranh bùng nổ, ông Davis Wilmot, dân biểu của tiểu bang Pennsylvania đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Ông Wilmot là người rất ghét chế độ nô lệ. Ông đề nghị với Quốc hội là hãy thỏa thuận với nhau trước rằng chế độ nô lệ sẽ không được du nhập vào bất kỳ phần đất nào trong những vùng đất sẽ chiếm được của Mễ Tây Cơ. Đề nghị này gọi là điều khoản Wilmot và được đưa ra Quốc hội nhiều lần, nhưng đều bị đánh bại cả. Đại biểu các tiểu bang miền Bắc ghét chế độ nô lệ bỏ phiếu ủng hộ đề nghị này. Nhưng các đại biểu miền Nam thì bỏ phiếu chống lại.

- Người miền Nam trở nên lo ngại]

Khi trận chiến với Mễ Tây Cơ chấm dứt vào năm 1848, cuộc tranh luận do ông Wilmot khởi xướng trở nên quyết liệt hơn. Khắp trong nước, ở đâu người ta cũng bàn về vấn đề nô lệ ở trong các vùng đất vừa mới chiếm được của Mễ Tây Cơ. Người miền Nam sợ rằng người miền Bắc có thể ngăn chặn không cho họ mang nô lệ vào các vùng đất mới này. Để hiểu rõ nỗi lo sợ của họ, chúng ta hãy lắng tai nghe cuộc nói chuyện xảy ra vào thời đó của một điền chủ giàu có ở miền Nam với ông bạn láng giềng. Ta hãy gọi hai người này là ông A và ông B đang ngồi nói chuyện với nhau trong phòng khách.

Ông A bắt đầu nói: “Tôi không thể nào lại không lo cho tương lai được. Không biết những gì sẽ xảy ra nếu các tiểu bang miền Bắc, nơi mà có quá nhiều người theo chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ, sẽ cố gắng ngăn chặn chúng ta mang nô lệ vào các vùng đất ở miền Tây, hay là họ sẽ cố gắng can thiệp vào lối sinh sống ở miền Nam”.

Ông B nói: “Tôi cũng đã nghĩ như vậy. Tôi cảm thấy vô cùng lo ngại rằng miền Bắc sẽ cố gắng hoạt động để quốc hội chống lại việc duy trì chế độ nô lệ”

Ông A hỏi lại: “Dịp nào khiến cho ông nghĩ rằng chính quyền liên bang có thể làm như vậy?”

- Số các tiểu bang duy trì nô lệ bằng với số các tiểu bang giải phóng nô lệ

Ông B trả lời rằng: “Đó là điều mà tôi đang nghĩ ra để giải quyết, tôi đã lập một danh sách những tiểu bang nguyên thủy và những tiểu bang mới gia nhập Cộng đồng Liên bang kể từ khi đất nước chúng ta giành được độc lập. Tôi cũng đã ghi rõ những năm mà các tiểu bang mới được thâu nhận vào Cộng đồng Quốc gia. Trong danh sách này tôi chia làm hai cột, một cột dành cho các tiểu bang được phép duy trì chế độ nô lệ, và cột kia dành cho các tiểu bang tự do:

MƯỜI BA TIỂU BANG NGUYÊN THỦY

Tiểu bang nô lệ Tiểu bang tự do

Delaware New Hamsphire

Maryland Massachusetts

Virginia Rhode Island

North Carolina Connecticut

South Carolina New York

Georgia New Jersey

Pennsylvania

NHỮNG TIỂU BANG MỚI

Tiểu bang nô lệ Tiểu bang tự do

Kentucky 1792 Vermont 1791

Tennessee 1796 Ohio 1803

Louisiana 1812 Indiana 1816

Mississippi 1817 Illinois 1818

Albama 1819 Maine 1820

Missouri 1821 Michigan 1837

Arkansas 1836 Iowa 1846

Florida 1845 Wiscosin 1848

Texas 1845

- Nếu các tiểu bang tự do trở nên mạnh hơn thì những gì sẽ xảy ra

Ông B nói tiếp: “Ông thấy là hầu hết thời gian và con số các tiểu bang nô lệ và các tiểu bang tự do đều bằng nhau. Các tiểu bang nô lệ mới và các tiểu bang tự do mới đều được thâu nhận một lượt. Việc thâu nhận các tiểu bang này hầu như đi từng cặp một. Mỗi tiểu bang có hai thượng nghị sĩ. Cho nên nếu vấn đề gì mà hai miền Nam, Bắc không đồng ý với nhau thì có những số phiếu bằng nhau bỏ cho mỗi bên. Hơn nữa, đa số các vị Tổng thống là người miền Nam, chúng ta cũng hy vọng là các ông ấy sẽ lo lắng quyền lợi của miền Nam”.

Ông A nói: “cho tới bây giờ thì mọi việc đều tốt đẹp. Trong Thượng viện, số thượng nghị sĩ của hai miền Nam Bắc đều bằng nhau và thường thì Tổng thống sẽ đứng về phía chúng ta”.

Ông B trông có vẻ suy nghĩ hơn bao giờ hết. Ông nói: “Vâng, đúng vậy, nhưng ở Hạ viện lại là một chuyện khác, cả hai chúng ta đều nhận thấy rằng trong 50 năm vừa qua, dân số ở miền Bắc đã gia tăng nhanh hơn miền Nam. Tại Hạ viện, dĩ nhiên là con số dân biểu của các tiểu bang tùy thuộc vào số dân của tiểu bang đó. Vì thế mà con số các vị dân biểu của các tiểu bang miền Bắc gia tăng nhanh chóng. Đây là bảng danh sách ghi những gì đã xảy ra ở Hạ viện từ năm 1800. bảng ghi này không những chỉ ghi con số các vị dân biểu của các tiểu bang miền Bắc cũng như của miền Nam, mà còn ghi con số phần trăm bao nhiêu dân biểu của miền Nam”

Năm

1800

1810

1820

1830

1840

1850

Số dân biểu của các tiểu bang tự do

76

96

123

141

135

142

Số dân biểu của các tiểu bang nô lệ

65

79

90

99

88

90

Số bách phân của các dân biểu miền Nam

46

45

42

41

39.5

38.8

Ông B kết luận rằng: “Bây giờ chúng ta đang mất dần sức mạnh đầu phiếu ở Hạ viện. Giả thử rằng Tổng thống là người của miền Bắc, nếu miền Bắc kiểm soát các vùng lãnh thổ và nếu các tiểu bang mới gia nhập Cộng đồng Quốc gia là những tiểu bang tự do, như vậy là chúng ta cũng sẽ bị thiểu số ở Hạ viện”.

Ông A trả lời với vẻ lo lắng: “Tôi đã thấy rõ, chúng ta là những người miền Nam phải làm tất cả những gì để ngăn chặn những vùng đất mới này khi gia nhập Cộng đồng Quốc gia không thể trở thành các tiểu bang tự do được. Tôi không thể để cho miền Bắc can thiệp vào lối sinh sống của chúng ta được”.

- California muốn trở thành một tiểu bang

Sau khi khám phá ra vàng ở California thì việc tranh luận nên làm gì đối với vấn đề nô lệ ở trong các vùng đất vừa mới chiếm được của Mễ Tây Cơ trở nên hàng đầu. Các bạn đã thấy trong chương XVIII rằng việc khám phá ra vàng ở California khiến cho nhiều người đổ xô đến vùng đất này. Dân định cư ở đây thành lập một chính quyền riêng cho họ và nộp đơn xin gia nhập Cộng đồng Quốc gia như là một tiểu bang tự do. Đối với dân miền Nam thì đây là một sự lăng nhục họ. Họ khẳng định rằng California không được cấm đoán chế độ nô lệ. Dân miền Bắc xác quyết rằng cần phải cấm.

Nếu vấn đề nô lệ ở California được đem ra Quốc hội để bàn cãi thì vấn đề nô lệ ở những vùng đất mới còn lại cũng cần phải được đưa ra Quốc hội để bàn cãi. Và nếu không có một thỏa hiệp nào để giải quyết được vấn đề này thì đất nước có thể chia ra làm hai phần. Viễn ảnh thật là đen tối.

- Những vĩ nhân đại diện cho các tiểu bang ở trong Quốc hội

Trong khi quốc hội đang phải đương đầu với những vấn đề rắc rối thì lại có những vĩ nhân xuất hiện. Đặc biệt là có ba người trở nên nổi tiếng. Ba ông này đã bước vào làm việc ở tòa nhà lập pháp từ 40 năm về trước, và gần như trọn đời phục vụ trong nghề dân biểu của họ. Trong đó có ông Daniel Webster, người của tiểu bang Massachusetts, một chính khách mà cũng là một nhà đại hùng biện. Dù là ông không thích chế độ nô lệ, nhưng ông ước vọng một cái gì khác hơn, đó là giữ cho đất nước được đoàn kết. Ông Henry Clay, người của tiểu bang Kentucky, được nổi tiếng là người “ôn hòa” (great compromiser). Ông Clay rất có tài trong việc tìm cách hòa giải giữa những người bất đồng chính kiến với nhau. Trong năm 1820, chính ông đã có công trợ giúp thỏa hiệp Missouri. Và bây giờ là đúng 30 năm sau, ông lại đem những cố gắng để kiến tạo một thỏa hiệp khác cho hai miền Nam Bắc. Ông John Calhoun thuộc tiểu bang Carolina, người chiếm giải quán quân về việc tranh đấu cho các quyền tự do của các tiểu bang. Mặc dầu là ông đã già yếu nhưng ông cũng vẫn cương quyết là South Carolina và chế độ nô lệ phải có tiếng nói của họ. Ông chống lại bất kỳ một thỏa hiệp nào.

Ngoài ra còn có những vị dân biểu nổi tiếng trong mấy năm sau này. một trong những người này là ông Stephen A. Douglas thuộc tiểu bang Illinois, ông cho rằng dân chúng trong các vùng lãnh thổ mới này phải giải quyết mọi vấn đề như vấn đề nô lệ cho chính họ. Người khác nữa là ông William H. Seward thuộc tiểu bang New York. Ông Seward tuyên bố rằng luật của Thượng đế là con người sinh ra là phải được tự do, và luật của thượng đế còn cao hơn cả Hiến pháp của Hiệp chủng quốc. Ngoài ra còn có những vị dân biểu trẻ xuất sắc bênh vực cho miền Nam. Trong đó có các ông Jefferson Davis thuộc tiểu bang Mississippi và ông Alexander H. Stephens thuộc tiểu bang Georgia. Sau này, khi miền Nam lập chính phủ riêng thì chính hai ông này trở thành Tổng thống và Phó Tổng thống.

- Quốc hội thông qua thỏa hiệp 1850

Sau những cuộc bàn cãi dài vô tận, Quốc hội đồng ý một thỏa hiệp mệnh danh là thỏa hiệp 1850. Thỏa hiệp này giải quyết vấn đề nô lệ ở các vùng đất vừa mới chiếm được của Mễ Tây Cơ và một vài vấn đề khác, dưới đây là những phần quan trọng của thỏa hiệp 1850.

1. California được thu nhận vào Cộng đồng Quốc Gia như là một tiểu bang tự do.

2. Những vùng đất còn lại vừa chiếm được của Mễ Tây Cơ được chia ra làm lãnh thổ Mexico và lãnh thổ Utah. Vấn đề nô lệ ở đây được trao cho dân chúng tự giải quyết lấy. Nói một cách khác là dân chúng ở đây sẽ phải tự quyết định xem có nên duy trì chế độ nô lệ hay không.

3. Sẽ không được buôn bán nô lệ ở quận Columbia

4. để làm cho nô lệ khó có thể giải thoát được bằng cách trốn từ các tiểu bang nô lệ sang các tiểu bang tự do, Quốc hội cho thông qua một đạo luật ngặt nghèo gọi là luật về nô lệ đào tẩu (Fugitive Slave Law). Luật này buộc dân chúng ở các tiểu bang tự do phải giúp đỡ để bắt các nô lệ chạy trốn.

Qua thỏa hiệp này, Quốc hội hy vọng sẽ mãi mãi giải quyết được vấn đề nô lệ. Các vị dân biểu trong Quốc hội không muốn có một cuộc tranh luận gay cấn nào khác nữa có thể gây nguy hiểm cho đất nước. Nhân dân Hoa Kỳ đã thở ra nhẹ nhõm. Chắc chắn là có nhiều người đã nghĩ rằng việc tranh chấp về vấn đề nô lệ đã rơi vào quên lãng.

¨

PHẦN HAI

HAI MIỀN NAM BẮC ĐÃ TIẾN DẦN ĐẾN CHIẾN TRANH

NHƯ THẾ NÀO?

Người Hoa Kỳ nào nghĩ rằng thỏa hiệp 1850 có thể giải quyết được vấn đề nô lệ và chấm dứt mọi tranh chấp giữa hai miền Nam Bắc thì tỏ ra rất hy vọng. Nhều biến cố xảy ra trong nhiều năm sau đó đã làm cho sự tranh chấp tái diễn thường hơn và còn gây thêm hận thù và dữ dội hơn nhiều.

- Tác phẩm “Chiếc lều của chú Tom” làm sôi nổi dư luận ở miền Bắc

Năm 1852, nữ sĩ Harriet Beacher Stowe viết một cuốn sách với tựa đề là “Chiếc lều của chú Tom”. Đây là cuốn sách nói lên sự đau khổ của dân nô lệ và sự tàn ác của các ông chủ. Tất cả quả là bức tranh rõ rệt nhất ở khắp các miền Nam. Những thảm trạng này đã khiến cho hàng trăm ngàn độc giả của tác phẩm này phải đau lòng. Đúng ra tác phẩm “Chiếc lều của chú Tom” không có gì khác hơn là gây ảnh hưởng với nhân dân miền Bắc trong vấn đề chống chế độ nô lệ. Người ta nói rằng trong những năm sau này, Tổng thống Abraham Lincoln đã ca tụng bà Stowe như “Người thiếu phụ nhỏ bé đã viết một tác phẩm gây nên một cuộc đại chiến”. Tuy nhiên, ở miền Nam, “Chiếc lều của chú Tom” đã gây nên những làn sóng phản kháng và khuấy động lòng căm thù đối với những người chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ.

- Đường xe lửa bí mật giúp đỡ những người nô lệ chạy trốn

Mặc dầu đã có đạo luật về những người nô lệ chạy trốn, dân miền Bắc vẫn tiếp tục giúp đỡ những người nô lệ có cơ hội chạy trốn được. Một cách mà họ sử dụng để giúp đỡ những nô lệ nào chạy trốn là đường xe lửa bí mật. Thực ra, đây không phải là một đường xe lửa thực sự mà chỉ là một cách giúp đỡ cho các nô lệ chạy trốn để tới những nơi an toàn. Những nô lệ tới được miền Bắc thì được những người chống lại chế độ nô lệ cho ăn ở. Những người này gọi là những người hướng dẫn, đêm đến thì họ mang nô lệ đi từ một căn nhà hay trạm đến một trạm khác xa dần về phía Bắc. Cuối cùng người nô lệ này đi tới Gia Nã Đại, và ở đây họ có thể sinh sống như những người tự do. Mặc dù không có nhiều nô lệ trốn đi theo cách này, nhưng đường xe lửa bí mật cũng đã làm cho tinh thần chống đối nhau giữa hai miền Nam Bắc càng gia tăng.

- Khi vấn đề nô lệ lại được đặt ra thì tranh chấp càng trở nên dữ dội

Những dị biệt giữa miền Nam và miền Bắc vẫn tiếp tục trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, đầu năm 1854, hàng loạt biến cố xảy ra khiến cho việc tranh chấp hai miền càng tiến dần đến điểm không thể nào hàn gắn được. Nếu chúng ta có thể ngồi xem một chương trình truyền hình của một vài biến cố quan trọng thì chắc chắn chúng ta có thể xem được một vài hoạt cảnh dưới đây:

¨ HOẠT CẢNH 1

- Luật Kansas- Nebraska làm tái diễn vụ tranh chấp về vấn đề nô lệ (1854)

Chúng ta đến xem phòng Thượng viện ở trong điện Capitol tại Hoa Thịnh Đốn. Các thượng nghị sĩ đang bàn cãi với nhau về dự luật Kansas – Nebraska, một dự luật để thiết lập hai chính quyền mới. Một ở lãnh thổ Kansas và một ở lãnh thổ Nebraska. Nếu dự luật này thành luật thì dân chúng ở hai vùng lãnh thổ sẽ tự quyết định có nên chấp nhận chế độ nô lệ hay không. Một thượng nghị sĩ thuộc miền Bắc đang đọc bài diễn văn với những lời lẽ sau đây:

“Thưa quý vị, hãy nhìn vào bản đồ, Kansas ở phía Bắc đường ranh giới do thỏa hiệp Missouri ấn định. Liệu rằng chúng ta có thể chấp nhận chế độ nô lệ ở đó được không? Không, dân chúng miền Bắc sẽ không chấp nhận như vậy”.

Và một thượng nghị sĩ miền Nam cãi lại:

“Thỏa hiệp Missouri đã nói rằng chế độ nô lệ không được phép du nhập vào vùng lãnh thổ này. nhưng dự luật này, dự luật Kansas – Nebraska sẽ khai tử thỏa hiệp Missouri. Nơi nào có ngọn cờ của Hiệp Chủng Quốc thì ở đó có thể đu nhập chế độ nô lệ vào. Nó phải như vậy. Nô lệ là của cải, là tiền bạc. Chúng tôi có quyền tự do mang tài sản nô lệ của chúng tôi đến bất cứ một nơi nào ở miền Tây cũng như các bạn ở miền Bắc có quyền mang tài sản như ngựa và bò của các bạn đến đó vậy. Dân chúng ở miền Nam sẽ khẳng định quyền tự do này”.

Dự luật được thông qua ở Thượng và Hạ viện và trở thành luật. Thỏa hiệp Missouri không còn nữa. Luật Kansas – Nebraska thay thế thỏa hiệp Missour. Dân chúng ở các vùng lãnh thổ Kansas và Nebraska có thể tự quyết định có nên chấp nhận chế độ nô lệ hay không.

¨ HOẠT CẢNH 2

- Bạo động bùng nổ về vấn đề nô lệ ở Kansas (1854-1857)

Chúng ta thấy có một người cao lớn, với chòm râu bạc đứng ở ngoài trời trong đêm tối. Ông ta nhìn xuống năm người đang hấp hối. Có người hỏi: “John Brown, tại sao anh lại bắn họ?” Hắn trả lời: “Những người chống lại chế độ nô lệ đã bị giết, cho nên những kẻ ủng hộ chế độ nô lệ cũng phải chết”.

Địa điểm xảy ra là Kansas, nơi được đặt ra vấn đề tự do hay nô lệ. Dân từ miền Bắc và miền Nam lũ lượt kéo đến đây lập nghiệp. Những người gốc miền Nam nói: “Chúng tôi sẽ mang nô lệ vào Kansas. Nếu cần, chúng tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ nô lệ của chúng tôi”. Những người gốc miền Bắc nói: “chúng tôi sẽ không để cho nô lệ tồn tại ở Kansas. Nếu cần chúng tôi sẽ chiến đấu để không cho đem nô lệ vào lãnh thổ này”.

Sự giết những người ủng hộ chế độ nô lệ của John Brown chỉ là một trong những hoạt cảnh báo động trong thời kỳ dân đi lập nghiệp kéo đến định cư ở Kansas. Lúc đầu, người ta nổi lửa tiêu hủy làng Lawence của những người chống chế độ nô lệ. Có cả đoàn người cưỡi ngựa đi lang thang trên khắp các nẻo đường. Họ mang theo súng trường và nhắm bắn bất kỳ những người nào khác. đây là những người ủng hộ và chống chế độ nô lệ đánh lẫn nhau để giành giật, nắm quyền kiểm soát Kansas. Bạo động ở Kansas dần dần cũng nguôi ngoai lắng dần, nhưng cuộc đấu tranh để dành quyền kiểm soát Kansas vẫn tiếp tục. Vì số người chống chế độ nô lệ đông hơn nên cuối cùng họ đã thắng cuộc. Năm 1861, Kansas gia nhập Cộng đồng Liên bang như là một tiểu bang tự do.

¨ HOẠT CẢNH 3

- Đảng Cộng Hòa ra đời (1854)

Chúng ta thấy có một nhóm người tụ tập ở ngoài trời tại một thị trấn ở Wisconsin. Một trong bọn họ nói: “chúng tôi không thể bầu cho những người thuộc các chính đảng cũ, tức là đảng Tự do và đảng Dân chủ nữa”. Những người khác vỗ tay hoan hô.

Diễn giả nói tiếp: “Vấn đề quan trọng hôm nay là chúng ta sẽ phải duy trì chế độ nô lệ hay chế độ tự do ở trong các vùng lãnh thổ mới? Các chính đảng cũ không thể đồng ý với nhau về câu trả lời cho câu hỏi này. Quốc hội đã thông qua đạo luật Kansas – Nebraska, định rằng dân chúng ở các vùng lãnh thổ này sẽ phải tự quyết định xem có nên chấp nhận chế độ nô lệ hay không. Nhưng chúng ta là những người có mặt trong cuộc họp này tin tưởng rằng Quốc hội sẽ có quyền và có bổn phận phải cấm đoán chế độ nô lệ ở các vùng lãnh thổ mới này. Chúng ta mạnh và chúng ta phải trở nên mạnh hơn. Chúng ta hãy thành lập một chánh đảng mới và tự gọi chúng ta là những người của đảng Cộng hòa. Chúng ta hãy chiến đấu để không cho chế độ nô lệ du nhập vào các vùng lãnh thổ mới”. Ở các tỉnh khác trong khắp miền Bắc đều có hoạt cảnh như vậy “Không chấp nhận chế độ nô lệ ở các vùng lãnh thổ mới. Hãy liên kết với những người của đảng Cộng hòa”.

Chính đảng mới này thâu nhận được nhiều đảng viên. Trong kỳ bầu cử năm 1856, những người của đảng Cộng hòa chiếm được 2/3 trong các tiểu bang miền Bắc và chọn ông John C. Fremont một quân nhân kiêm thám hiểm gia, làm ứng cử viên. Tuy nhiên, hầu như không có đảng viên đảng Cộng hòa nào ở miền Nam. Cho nên đảng Dân chủ ở cả miền Bắc lẫn miền Nam đủ mạnh để bầu ông James Buchanan lên làm Tổng thống. Dù rằng bị thất bại, đảng Cộng hòa cũng không chán nản. Họ biết rằng bước đầu của họ tiến hành tốt đẹp hơn và hy vọng vào năm 1860 họ sẽ bầu được người của đảng Cộng hòa lên làm Tổng thống.

¨ HOẠT CẢNH 4

- Trong vụ Dred Scott, thỏa hiệp Missouri bị tuyên bố là bất hợp hiến (1857)

Chúng ta thấy trong một căn phòng nhỏ hẹp im lặng, nơi đó Tối cao Pháp viện đang nhóm họp. Trên hàng ghế ở trên bục cao, các vị thẩm phán Hoa Kỳ mặc áo choàng đen ngồi sau dãy bàn dài có khảm trông rất là long trọng. Đây là tòa án tối cao của đất nước. Họ diễn giải ý nghĩa của Hiến pháp Hoa Kỳ và quyết định về một đạo luật do Quốc hội ban hành có vi hiến hay không.

Các vị thẩm phán này đang cứu xét vụ án của một người da đen tên là Dred Scott. Scott vốn là người nô lệ ở miền Nam được ông chủ mang đến một tiểu bang tự do, và tiểu bang này nằm ở phía Bắc đường ranh do thỏa hiệp Missouri ấn định. Thỏa hiệp Missouri quy định rằng trong lãnh thổ này sẽ không thể nào có chế độ nô lệ hay được phép duy trì nô lệ. Vì thế cho nên Scott đòi quyền là một người tự do. Ông ta cũng đã thỉnh cầu Tối cao Pháp viện buộc ông chủ của ông phải phóng thích ông. Một vị thẩm phán chậm rãi đọc những lời lẽ của Tối cao Pháp viện quyết định. Nô lệ là tài sản, là tiền bạc, và nô lệ không có quyền tự do của một công dân. Hiến pháp bảo vệ tài sản trong các vùng lãnh thổ cũng như ở trong các tiểu bang. Quốc hội không có quyền cấm đoán chế độ nô lệ ở trong bất cứ phần đất nào ở trong các vùng lãnh thổ. Vì vậy mà thỏa hiệp Missouri là bất hợp hiến.

Quốc hội đã ấn định trong luật Kansas – Nebraska rằng thỏa hiệp Missouri đã chết rồi, nhưng lại đề nghị rằng các cử tri trong một vùng lãnh thổ sẽ tự quyết định lấy về vấn đề nô lệ. Bây giờ trong vụ án Dred Scott, Tối cao Pháp viện lại quyết định rằng không thể không cho du nhập nô lệ vào trong các vùng lãnh thổ.

Dân miền Nam dĩ nhiên là rất hài lòng với quyết định của Tối cao Pháp viện, nhưng người miền Bắc thì hết sức kinh ngạc. Đặc biệt là các đảng viên đảng Cộng hòa, họ phản đối rằng Tối cao Pháp viện đã thiên vị ủng hộ miền Nam.

¨ HOẠT CẢNH 5

­ Một cuộc tranh luận dữ dội xảy ra ở Illinois (1858)

Chúng ta thấy tại một công viên ở trong một thị trấn nhỏ bé thuộc Illinois, trên một cái bục gỗ, có hai người đứng trước một đám đông chật ních cả công viên. Có cái gì trái ngược hẳn nhau giữa hai người này. Người này thì cao hơn người kia rất nhiều. Thật ra, nếu người cao kia mà vươn thẳng tay ra thì người lùn này có thể đi dưới cánh tay người cao. Người cao thì ăn mặc cẩu thả đến độ tay áo choàng của ông ta không tới háng, và ống quần của ông ta không tới giày. Người lùn kia thì trái ngược hẳn lại, ăn mặc rất chỉnh tề. Người cao lớn thì rất vụng về và mặt thì nhăn nhó buồn rầu. Người lùn thì tự tin, vui vẻ và niềm nở.

Người cao là ông Abraham Lincoln, đảng viên đảng Cộng hòa; người lùn là ông Stephen A. Douglas thuộc đảng Dân chủ. Người nào cũng hy vọng sẽ được dân chúng Illinois bầu làm Thượng nghị sĩ tại Thượng viện Hoa Kỳ. Muốn cho dân chúng biết họ sẽ bỏ phiếu ở thượng viện ra sao, họ tranh luận về vấn đề nô lệ ở trong các vùng lãnh thổ (chưa thành tiểu bang). Bất kể các quyết định của Tối cao Pháp viện trong vụ án Dred Scott, ông Douglas nói rằng dân chúng ở trong các vùng lãnh thổ sẽ phải quyết định xem có nên duy trì chế độ nô lệ ở trong lãnh thổ này hay không? (Tư tưởng này gọi là chủ quyền nhân dân). Không ai ngạc nhiên khi thấy ông Douglas nói như vậy, vì rằng chính ông là người đã soạn thảo luật Kansas – Nebraska.

Ông Lincoln nói rằng chế độ nô lệ là lầm lẫn, Ông tuyên bố rằng Quốc hội có quyền giải phóng nô lệ ở trong các vùng đất thuộc về toàn thể nhân dân Hoa Kỳ. Thế có nghĩa là trong tất cả các vùng lãnh thổ chứ không phải trong tất cả các tiểu bang. Ông nói tiếp rằng đảng Cộng hòa nghĩ rằng chế độ nô lệ là lầm lẫn. Vì lý do này mà đảng Cộng hòa muốn giới hạn chế độ nô lệ ở trong các tiểu bang đã có sẵn nô lệ từ trước, và ngăn chặn không cho nô lệ tràn sang các vùng lãnh thổ khác.

Tuy thế, nhưng trong thâm tâm của ông Lincoln lại sợ rằng không thể nào tránh được một cuộc tranh chấp giữa miền Bắc và miền Nam. Trong một bài diễn văn trước đó, ông đã cảnh cáo với nhân dân Hoa Kỳ rằng: “Một gia đình mà chia rẽ thì sẽ không tồn tại được. Tôi tin rằng chính phủ này sẽ không thể nào mãi mãi chịu đựng được cái cảnh một nửa là nô lệ và một nửa là tự do”.

Ông Stephen Douglas đã thắng kỳ bầu cử này. Nhưng ông Abraham Lincoln đã trở nên nổi tiếng về các vấn đề đã nêu ra, nhất là vấn đề nô lệ.

¨ HOẠT CẢNH 6

- John Brown tấn công kho vũ khí của chính phủ liên bang tại bến phà thuộc làng Harper, tiểu bang Virginia (1859)

Tại bến phà ở làng Harper trên bờ sông Potomac, chúng ta thấy căn nhà tạm giam với những bức tường dầy. Súng nổ, quân lính đổ xô tới cửa và chiếm giữ tòa nhà. Ở bên trong, người ta thấy John Brown và một số người. Phần lớn trong đám người này đã chết hay đã bị thương. Đấy chính là John Brown mà chúng ta đã thấy ở Kansas. Ông ta đang làm gì ở đấy bây giờ.

Ông Brown và một số đông bạn của ông đã tới Virginia với ý định giải phóng nô lệ. Sau khi chiếm đóng vũ khí của chính phủ Liên bang ở tại bến đò làng Harper để cướp vũ khí, ông kêu những người nô lệ ở gần đó “Chúng tôi có mặt ở đây để giải phóng các bạn! Hãy võ trang và bảo vệ tự do của các bạn”. Nhưng không có người nô lệ nào theo ông cả. Ông Brown bị bắt và bị xử về tội phản bội, ông bị xử giảo.

Mặc dù những người theo chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ coi ông Brown như là một vị thánh, nhưng nhiều người miền Bắc lại coi hành động của ông như là hành động của người điên. Tuy nhiên, dân miền Nam thì rất là sợ hãi. Họ sợ rằng những người theo chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ ở miền Bắc đang tiến hành khuyến khích dân da đen nổi loạn và dùng võ lực để giải phóng nô lệ. Người miền Nam bảo rằng: “Chúng ta không thể chịu đựng được hơn nữa”.

¨

PHẦN BA

NHỮNG BIẾN CỐ NÀO ĐÃ TRỰC TIẾP ĐƯA ĐẾN CHIẾN TRANH GIỮA MIỀN NAM VÀ MIỀN BẮC

¨ CUỘC BẦU CỬ ĐỊNH MẠNG

- Ông Abraham Lincoln đắc cử Tổng thống

Năm 1860, toàn thể đất nước lo sợ và căng thẳng như đang chờ đợi những biến cố trầm trọng nhất của mấy năm qua. Cuộc bầu cử Tổng thống được tổ chức vào năm này, vấn đề chính sẽ là vấn đề nô lệ. Kết quả sẽ như thế nào?

Trong kỳ bầu cử này có 4 đảng chính trị, không giống như trước kia chỉ có hai hay ba chính đảng thôi. Đảng Dân chủ cũ đã phân hóa ra làm hai nhóm. Một nhóm là đảng Dân chủ miền Nam muốn bầu ông John C. Breckinridge thuộc tiểu bang Kentucky. Đảng này tin tưởng ở quyền tự do của các tiểu bang và khẳng định rằng phải bảo vệ chế độ nô lệ ở trong các vùng lãnh thổ. Đảng Dân chủ miền Bắc tin tưởng rằng giải pháp tốt đẹp nhất cho vấn đề nô lệ là tư tưởng chủ quyền của nhân dân của ông Stephen Douglas. Hãy để cho dân chúng ở trong các vùng lãnh thổ tự quyết định. Đảng này chọn ông Douglas ra làm ứng cử viên. Một chính đảng thứ ba là đảng Đoàn kết Lập hiến (The Union Constitutional Paryt). Những người ở đảng này là những người yêu chuộng hòa bình và muốn cho quốc gia được đoàn kết. Họ hy vọng sẽ có một thỏa hiệp khác về vấn đề nô lệ. Họ chọn ông John Bell làm ứng cử viên Tổng thống.

Sau hết là đảng Cộng hòa. Đảng này nhắc lại những gì mà họ đã đòi hỏi vào năm 1854, rằng phải ngăn chặn không cho chế độ nô lệ du nhập vào các vùng lãnh thổ. Đảng Cộng hòa cũng cố gắng hoạt động để miền Bắc và miền Tây ủng hộ bằng cách:

1. Nâng cao thuế mậu dịch.

2. Phân phối ruộng đất miễn phí cho dân miền Tây.

3. Thiết lập các đường xe lửa chạy tới bờ biển Thái bình dương. Đảng này chọn ông Abraham Lincoln, một vị luật sư ở nơi xa xôi hẻo lánh thuộc tiểu bang Illinois ra làm ứng cử viên Tổng thống.

Chính đảng nào mà bị phân hóa vào những khi ra tranh cử thì thường thường là bị thất bại. Cho nên đảng Dân chủ đã bị thất bại vào năm 1860. Đảng Cộng hòa thắng trong kỳ bầu cử này, dù là ở hầu hết các tiểu bang miền Nam đảng này không có phiếu. Ông Abraham Lincoln trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 1861.

- Ông Abraham Lincoln là ai?

Người đắc cử trong kỳ bầu cử 1860 là một trong những người xuất sắc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Sinh trưởng trong sự cực nhọc khó khăn ở vùng biên cương, ông không có những may mắn mà nhiều vị Tổng thống khác có. Vì nghèo túng, ông đã phải xoay sở không biết bao nhiêu nghề để sinh nhai. Trước khi trở thành luật sư, ông đã từng đi phá rừng, đẵn cây, cày ruộng, bổ củi, làm việc cho tàu thuyền chạy trên sông Mississippi, và trông nom cửa tiệm. Vì có ít dịp đi đến trường học để học nên ông tự học trong những giờ nhàn rỗi trong ngày và trong những buổi chiều bên cạnh ánh lửa bập bùng của lò sưởi. Ngay cả thân hình và thể xác của ông cũng bất lợi cho ông – ông cao lêu nghêu, cử chỉ vụng về, giọng nói the thé.

Mặc dầu ông có những trở ngại này, nhưng dân chúng vẫn kính nể ông. Sự thành thật, ý nghĩ trong sáng, tính tình thân mật và tài kể chuyện của ông cũng như sự tín nhiệm ở những người dân tầm thường là những đặc tính khiến cho ông được mọi người quý mến. Ông đã làm việc trong cơ quan lập pháp ở Illinois trải qua nhiều nhiệm kỳ. Năm 1846, ông được dân chúng bầu vào Hạ nghị viện và phục vụ trong một nhiệm kỳ hai năm tại đây.

Khi nhiệm kỳ tại Quốc hội chấm dứt, ông lại trở về hành nghề luật sư. Ông cho rằng ông đã hoàn thành xong sự nghiệp chính trị. Nhưng lòng ưu tư về vấn đề nô lệ đã buộc ông phải trở lại cuộc đời chính trị. Ông không đề nghị can thiệp vào vấn đề nô lệ ở những tiểu bang nào vốn đã có nô lệ. Nhưng ông nhất quyết cho rằng chế độ nô lệ không thể nào tồn tại được ở trong các vùng lãnh thổ thuộc chính quyền trung ương. Niềm tin này đã khiến ông ra ứng cử làm thượng nghị sĩ của tiểu bang Illinois, và phải tham dự tranh luận với ông Douglas.

Mặc dầu ông rất nổi tiếng ở miền Tây, nhưng đối với dân chúng ở miền Đông thì ít người biết đến ông. Đầu năm 1860, ông được mời nói chuyện tại Cooper Union Hall thuộc thành phố Nữu Ước. Tại đây, nhiều người vì tò mò muốn đến xem và nghe nhân vật của miền Tây đang trở thành một nhân vật quan trọng của đảng Cộng hòa. Đối với dân Nữu Ước, ông Lincoln thật là vô cùng thô lỗ và nhà quê. Nhưng khi ông bắt đầu nói thì người ta quên hẳn cái bộ quần áo kỳ lạ và dáng người cao lêu nghêu của ông. Bài diễn văn của ông thật là hoa mỹ và sâu sắc. Cử chỉ của ông thật là trang trọng và lôi cuốn. Lý luận của ông chống lại chế độ nô lệ ở trong các vùng lãnh thổ thật là sâu sắc và trong sáng. Ông kết luận bằng những lời: “Chúng ta hãy tin tưởng rằng quyền tự do làm nên sức mạnh, và trong niềm tin này, khi mà chúng ta đã thấu hiểu thì chúng ta hãy mạnh bạo thi hành sứ mạng của chúng ta”. Khi bài diễn văn chấm dứt, toàn thể thính giả hoan hô vang lên như sấm gào rung chuyển cả đất trời.

Đó là con người mà mùa thu năm 1860 được đắc cử làm Tổng thống thứ 16 của Hiệp Chủng Quốc.

¨ CHIẾN TRANH BÙNG NỔ

- Các tiểu bang miền Nam ly khai

Các tiểu bang miền Nam đã tuyên bố rằng nếu ông Lincoln được bầu làm Tổng thống thì họ không còn muốn ở lại trong Cộng đồng Quốc gia nữa. Thật ra, miền Nam vẫn có quyền hành ở trong Quốc hội và ở trong Tối cao Pháp viện. Nhưng người miền Bắc mà lại là người của đảng Cộng hòa đắc cử Tổng thống thì miền Nam không còn cảm thấy an toàn được nữa. Họ không những sợ cho vấn đề nô lệ mà còn sợ cho cả công việc sinh sống của họ tùy thuộc vào vấn đề nô lệ.

Ngay trước khi ông Lincoln lên làm Tổng thống, các tiểu bang miền Nam đã hăm dọa sẽ rút lui khỏi Cộng đồng Quốc gia. Trước hết là tiểu bang South Carolina ly khai. Sau đó là các tiểu bang Mississippi, Florida, Alabama, rồi Georgia, Louisiana và Texas. Ngày mùng 1 tháng 2 năm 1861, có 7 tiểu bang đã ly khai. Tổng thống Buchanan lúc đó đã gần hết nhiệm kỳ nên không hành động gì hết để ngăn chặn các tiểu bang ly khai này. Ông nói: “Tôi không có quyền gì để hành động cả”.

- Liên minh các tiểu bang Mỹ châu được thành lập

Tháng 2 năm 1861, 7 tiểu bang ly khai gởi đại biểu đến Montgomery, Alabama để thành lập tân chính phủ. Các vị đại biểu này soạn thảo hiến pháp cho Quốc gia mới, đó là liên minh các tiểu bang Mỹ châu (còn được gọi là liên minh). Bản Hiến pháp này rất giống bản Hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng Hiến pháp này định rằng Quốc hội của Liên minh không thể can thiệp vào chế độ nô lệ. Hiến pháp này quy định rằng không đánh thuế mậu dịch vào các hàng hóa nhập cảng. Nhiệm kỳ của Tổng thống là 6 năm thay vì 4 năm, và không được tái cử nữa.

- Ông Jefferson Davis được bầu làm Tổng thống của Liên minh các tiểu bang

Ông Jefferson Davis thuộc tiểu bang Mississippi được bầu làm Tổng thống của chính phủ Liên minh các tiểu bang, và ông Alexander H. Stephens thuộc tiểu bang Georgia được tuyển chọn làm Phó Tổng thống. Ông Jefferson Davis cùng sinh ở tiểu bang Kentucky với ông Abraham Lincoln nhưng lớn hơn một tuổi. Ông Lincoln được song thân đem đi Indiana lập nghiệp rồi di chuyển đi Illinois, trong khi đó, gia đình ông Davis di chuyển xuống Mississippi. Thân phụ ông Davis là một nhà điền chủ có một đồn điền rất lớn và có nhiều nô lệ. Ông Jefferson Davis là người có trình độ văn hóa rất cao lại là người tốt nghiệp trường võ bị West Point. Trong thời chiến tranh với Mễ Tây Cơ, ông là vị sĩ quan ghi được nhiều chiến công xuất sắc, ông cũng đã từng phục vụ tại Hạ viện rồi Thượng viện tại Hoa Kỳ, và cũng đã từng làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh. Khi còn là thượng nghị sĩ tại Thượng viện, ông mạnh mẽ bảo vệ các quyền tự do của miền Nam.

Ông Davis là một người thông minh, nhiều nghị lực và có vẻ của con người chỉ huy. Ông đã ra gánh vác một trách nhiệm khó khăn là lãnh đạo Liên minh trong lúc còn phải tranh đấu gay go để thành lập một Quốc gia độc lập.

- Tổng thống Lincoln hy vọng hòa bình

Khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày mùng 4 tháng 3 năm 1861, ông Abraham Lincoln phải đương đầu với một vấn đề khó khăn. Bây giờ có 2 quốc gia và 2 vị Tổng thống. Ông phải làm gì đây?

Ông không muốn chiến tranh, khi tuyên thệ nhậm chức ông nói: “Giả sử các bạn tiến đến chiến tranh, các bạn cũng không phải chiến đấu mãi mãi. Sau khi cả hai bên cùng bị tổn thất nặng nề, các bạn phải ngưng chiến đấu, thì những vấn đề xưa cũ vẫn còn lại với các bạn”. Vấn đề nô lệ ở miền Nam không nguy hiểm, vì rằng Tổng thống Lincoln hứa rằng ông “Không có ý định, dù trực tiếp hay gián tiếp, can thiệp vào ... vấn đề nô lệ ở các tiểu bang vốn đã có nô lệ”. Ông nói tiếp “Hỡi những đồng bào bất mãn! Chính do nơi tay các bạn chứ không phải do nơi tay chúng tôi, đã tạo nên cuộc nội chiến này. Chính phủ sẽ không tấn công các bạn. Tuy nhiên, Tổng thống Lincoln đã làm sáng tỏ vấn đề khi ông long trọng thề phải “Duy trì , bảo vệ” chính quyền Hiệp Chủng Quốc. Sau hết, ông kêu gọi toàn dân hãy đoàn kết. Ông long trọng nói:

“Chúng ta không phải là kẻ thù mà là bạn. Chúng ta nhất định không phải là kẻ thù. Tiếng vọng huyền bí của trí nhớ bao trùm từ những nấm mồ của các nhà ái quốc cho đến hết thảy mọi trái tim của những người còn sống ở trong khắp đất nước này sẽ trở thành bài ca đồng điệu của toàn thể Quốc gia, và khi xúc động thì chắc chắn sẽ là những thiên thần lộng lẫy trong vũ trụ của chúng ta”.

Như vậy là ông Lincoln đã đứng ra đảm nhậm trách vụ bảo vệ và duy trì đất nước với lòng tin tưởng mãnh liệt vào những gì mà ông cho là đúng. Song lẽ, dù rằng ông đã nói như vậy, nhưng đất nước vẫn còn chia rẽ. Các đồn ải của chính phủ trung ương đã bị quân Liên minh miền Nam chiếm giữ. Luật pháp của chính quyền trung ương không được tôn trọng. Nếu ông Lincoln muốn cứu nguy tổ quốc, ông phải hành động mau lẹ.

- Chiến tranh

Hải cảng Charleston thuộc tiểu bang South Carolina rộng lớn và yên lặng. Dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân, thành phố Charleston nằm mãi tận cùng phía Tây của hải cảng. Phía trong hải cảng này là một hòn đảo, và trên hòn đảo nhỏ bé này là đồn Sumter. Đồn Sumter do quân đội chính quyền trung ương đồn trú. Các nhà lãnh đạo Liên minh miền Nam đòi rằng quân sĩ trung ương phải rời bỏ đồn này. Nhưng vị chỉ huy trưởng của đồn Sumter từ chối. Liền sau đó, thì các nhà lãnh đạo Liên minh miền Nam lại hay tin là Tổng thống Lincoln cho tàu thuyền tiếp tế thực phẩm và các đồ tiếp liệu cho đồn Sumter. Dĩ nhiên là họ sợ rằng sự tăng viện này cũng có thể là lực lượng đổ bộ. Ngày đêm hình như trở nên dài hơn. Dân chúng hồi hộp lo sợ.

Lúc bấy giờ là 4 giờ 30 sáng ngày 12 tháng 4 năm 1861, còn một giờ nữa thì trời mới sáng. Thình lình một ánh lửa lóe lên rồi một tiếng nổ “Bùm” phá tan bầu không khí yên lặng. Từ bốn chung quanh hải cảng, đại pháo của quân liên minh bắt đầu nã vào đồn Sumter. Hòa bình không còn chỗ đứng ở hải cảng Charleston cũng như ở bất cứ nơi nào trong đất nước Hoa Kỳ. Chiến tranh đã thực sự bắt đầu bùng nổ.

 

(xem tiếp : Chương XX)

 

Trang Lịch Sử