Thư gửi Nguyễn Mạnh Quang

Nguyễn Đắc Xuân

http://sachhiem.net/NDX/ThuguiNMQ.php

17 tháng 7, 2008

 

Thưa anh Nguyễn Mạnh Quang, Tuy chưa gặp anh chị nhưng đã được đọc và sử dụng tài liệu sử trong các sách của anh từ lâu. Hôm anh về Huế có đến thăm Lê Cung, tôi biết quá chậm nên chưa hân hạnh gặp anh. Tôi đã hân hạnh được gặp anh Trần Chung Ngọc và đi chơi với anh Ngọc mấy ngày. Con đường của các anh và tôi tuy chưa mời nhau nhưng đã cùng đi năm bảy năm rồi. Tôi rất hân hạnh được các anh chọn đưa các bài viết của tôi lên sáchhiếm. Các anh thấy trên mạng toàn cầu có bài của tôi viết các anh cứ tự tiện đưa lên Website của các anh. Tôi viết để phục vụ dân tộc, được dân tộc quý mến là hạnh phúc biết bao nhiêu. Tôi gởi anh vài dòng tiểu sử sau và 3 tấm ảnh 3 thời kỳ khác nhau: Thời sinh viên Đại học sư phạm (1962-1966), Thời kháng chiến trong rừng (1966-1974) và thời nghiên cứu lịch sử văn hoà dân tộc (198-2008). Anh tùy nghi sử dụng. Cho tôi gởi lời thăm chị và gia đình.

Kính anh.

Tái bút: Thưa anh , khi ra đi kháng chiến tôi khai lại tuổi nên toàn bộ bằng cấp của tôi đều bỏ cả, tôi cũng chưa bao giờ có một học hàm học vị nào khác. Trong túi tôi có 3 cái thẻ: Nhà văn, nhà sử học và nhà báo Việt Nam. Nhưng không có nhà nào thích hợp với tôi cả. Từ xưa đến nay tôi luôn nhận mình chỉ là một cây bút ( a pen) ở Huế thôi. Xin anh từ nay cứ gọi tên tôi là đủ rồi.

Cam ơn anh. NĐX. Huế, 22g44 ngày 17-7-2008

 

++++++++++++

Nguyễn Đắc Xuân

Người cầm bút xứ Huế

Cha: Người Thừa Thiên Huế. Mẹ: Người Thanh Hoá. Sinh ngày 15-7-1937 tại Huế. Ba tuổi theo mẹ lên Đà Lạt cho đến năm 17 tuổi mới về lại Huế. Tuổi nhỏ được linh mục Nguyễn Văn Bình khai tâm tại nhà thờ Cầu Đất. Nhưng sau đó chiến tranh, ở trong rừng không được đi học. Mãi đến năm 15 tuổi mới đến trường Trại Mát học và hai năm sau đậu Tiểu học (1954). Từ năm 1954 đến năm 1966 học qua các địa phương Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế. Từ năm mới vào Trung học đã bắt đầu làm thơ, có thơ in từ năm 1959. Năm 1963 vào Đoàn Sinh viên Phật tử Huế và từ đó tham gia các Phong trào đầu tranh ở các đô thị miền Nam. Năm 1966 vừa học xong Ban Việt Hán Đại học Sư phạm Huế, tham gia tranh đấu và được bầu làm Đoàn trưởng Đoàn Sinh viên Quyết tử Huế, vũ trang tự vệ, chống Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ. Bị lùng bắt phải ẩn náu trong các chùa Phật và sau đó thoát ly theo kháng chiến ở vùng chiến khu Thừa Thiên Huế. Trong kháng chiến làm thơ, viết báo, vận động thanh niên đô thị tham gia kháng chiến. Năm 1974 được cử đi dự Đại hội Sinh viên Quốc tế (IUS) tại Budapest. Sau 30-4-1975 hoà bình lập lại, đất nước thống nhất, làm Tuyên huấn Thành ủy Huế, tiếp tục làm thơ, viết văn và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1989, được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Thành phố Huế. Sau năm 1990 làm Phó TBT kiêm thư ký Toà soạn tạp chí Sông Hương. Năm 1993 chuyển qua làm báo Lao Động, từ 1994 làm Trưởng VPĐD báo Lao Động tại miền Trung và Tây nguyên. Ngày 15-7-1998, đúng 61 tuổi được hưu trí. Ngoài việc làm cán bộ, làm báo để kiếm sống, tác giả Nguyễn Đắc Xuân còn có đam mê nghiên cứu văn hoá lịch sử triều Nguyễn và Huế Xưa. Đã nhiều lần đi nghiên cứu sưu tập tư liệu lịch sử văn hoá Huế ở Pháp và ở Mỹ. Đã xuất bản trên 50 đầu sách, tham dự hàng chục Hội thảo khoa học về văn hoá lịch sử Triều Nguyễn và Huế. Đóng góp của cây bút Nguyễn Đắc Xuân với Huế được chú ý nhất trong 5 vấn đề sau: 1. Làm rõ thời gian lưu vong và lưu đày ở nước ngoài của 4 ông vua Nguyễn Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân và Bảo Đại; 2. Làm rõ thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế; 3. Tìm được dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế; 4. Giải mã một số bí ẩn của lịch sử văn hoá triều Nguyễn và Huế; 5. Mở ra ngành Huế học ở Huế. Ngoài ra, tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã sưu tập được một kho tư liệu lịch sử văn hoá triểu Nguyễn và Huế, xưa nay chưa một cá nhân nào có được. Hiện nay đang bắt đầu viết hồi ký và tập tu Thiền.

 


Trang Lịch Sử