Xin đừng vô cảm với quá khứ

nguồn http://vanhac.org/

Trần Thiên Lương

13 tháng 2, 2010

LTS: Cụm từ "giá như" được tác giả Trần Thiên Lương nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng không muốn nói ra trọn ý, có lẽ vì cảm thấy quá bẽ bàng. Nhưng để cụ thể hóa ý nghĩ này, tòa soạn xin mượn nguyên văn đoạn trích dẫn mà GS Nguyễn Mạnh Quang (trong bài "Sách lược làm giảm thiểu đại công nghiệp của Cụ Hồ Chí Minh") đã dùng để mô tả huỵch toẹt cái lý luận "phủi ơn", "chối nợ" đối với tiền nhân của một số người lai căng, da vàng, máu trắng: “Không cần phải phát động chiến tranh chống Pháp để giành lại chủ quyền độc lập vì rằng sớm hay muộn Pháp cũng trả độc lập cho Việt Nam như người Anh đã trả độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947, cho Miến Điện vào năm 1948 và người Hòa Lan trả độc lập cho Indonésia vào năm 1949.” Xin trở về với tác giả bài "Xin Đừng Vô Cảm Với Quá Khứ." (SH)


 

Nhà thơ Xuân Diệu có lần nhắc nhở một cây bút trẻ, rằng thì với bà với mẹ của mình, chớ nên lạnh lùng vô cảm đến độ tả chân kỹ càng từng chi tiết trên gương mặt họ, nhận xét về họ trên “phương diện tạo hình đẹp hay không đẹp”. Bởi xấu đẹp gì thì họ cũng là bà, là mẹ mình, chỉ nghĩ đến cũng đủ cho ta yêu mến, thương cảm rồi. Cũng vậy, với tôi, quá khứ của dân tộc – như một câu hát trong “Khúc hát Người Hà Nội” của nhạc sĩ Trần Hoàn – đó thực sự “Hà Nội đó từng là máu là hoa của của bao đời”, khiến mỗi lần nghĩ đến, trong tôi không khỏi trào dâng những xúc cảm xốn xang, thành kính. Bởi vậy, tôi thực sự dị ứng khi nhận thấy, cuộc sống ngày càng xuất hiện nhiều nhân vật, tiếng là trí thức, song với lối tư duy lạnh lùng của người chỉ quen ngồi trong phòng máy lạnh, họ thỏa sức buông lời đánh giá, phán xét một cách đầy vô cảm về những sự kiện diễn ra trong quá khứ. Những từ ngữ mà họ thường đưa ra là: “Giá như” thế này, “giá như” thế nọ, như thể họ là những người có thể dạy khôn cho cả thiên hạ

Chúng ta đều hiểu: Lịch sử không bao giờ chấp nhận hai chữ “giá như”. “Giá như chúng ta không đánh Pháp, đuổi Nhật, thì như một số nước trên thế giới, chúng ta cũng vẫn được trao trả độc lập” – Người đưa ra nhận xét này sao không hiểu một sự thật hiển nhiên là: Chính từ những cuộc đấu tranh anh dũng nói trên mới dẫn tới sự tan rã của chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Ấy là chưa kể, nếu chúng ta chậm vùng dậy làm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, thì hẳn số người chết đói năm Ất Dậu ấy đâu chỉ dừng lại ở con số… 2 triệu người!  Hãy xem những bức ảnh ghi lại thảm trạng kinh hoàng này của nghệ sĩ Võ An Ninh để hiểu người dân nước ta đã hân hoan, phấn khích đến nhường nào khi họ nắm tay nhau, thậm chí là dìu nhau tới quảng trường Ba Đình để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Nói hai chữ “giá như” vào lúc “nước sôi lửa bỏng” như thế này, theo tôi, là bất nhẫn!

Giá như chúng ta đừng tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ thì bây giờ chúng ta đã…” – Đã lại có những người đặt vấn đề như vậy. Hãy đọc lời kêu gọi Toàn quốc chống Mỹ của Bác Hồ (đăng Báo Nhân dân ngày 17-7-1966) để thấy thực chất của vấn đề là thế nào? Liệu nó có đơn giản là chúng ta muốn hòa bình thì hòa bình sẽ tự khắc đến với ta không? Một nhà sử học từng bình luận một cách chí lý rằng: Hồ Chí Minh đã nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Vậy một thứ quý như vậy, chẳng lẽ người ta lại “cho không” à?

Nếu không phải là sự ngây thơ, non kém về nhận thức thì cách đặt vấn đề “Giá như chúng ta đừng tiến hành cuộc kháng chiến…” đáng phải xếp vào loại “vô cảm với lịch sử”.

Trong lĩnh vực văn chương, chúng ta cũng bắt gặp không ít những nhận xét lạnh lùng, vô cảm như vậy. Vừa rồi, nhân sự kiện khánh thành nhà lưu niệm Tố Hữu, nhà báo Huy Đức đã cho post lên blog của mình một bài viết với một số tình tiết thiếu chân xác về cuộc đời và văn nghiệp của nhà thơ Tố Hữu. Thậm chí, Huy Đức còn tỏ ra miệt thị khi nhắc tới hai câu thơ: “Má thét lớn: Tụi bay đồ chó/ Cướp nước tao cắt cổ dân tao” trong bài “Bà má Hậu Giang” của ông.

Sở dĩ Huy Đức có thái độ trên bởi anh hoàn toàn tách bài thơ ra khỏi bối cảnh lịch sử, cắt hai câu thơ ra khỏi văn mạch chung của toàn bài. Bởi vậy, anh mới thấy cách đưa những chữ “đồ chó” vào trong thơ là… không lọt tai chăng? Là “viết huỵch toẹt” chăng? Cần nhớ, khi viết bài thơ này, Tố Hữu đang bị địch giam trong nhà lao Buôn Mê Thuột.

Trong hồi ký “Nhớ lại một thời”, nhà thơ cho biết: “Trong nhiều câu chuyện kể về quần chúng có một bà mẹ đã dũng cảm nấu cơm nuôi quân du kích, và bị địch giết, làm tôi rất xúc động” và “Bài ca này về sau, đến hoạt động nơi nào tôi cũng đọc. Bà con, nhất là các mẹ, các chị rất cảm động và càng tin yêu cán bộ chúng tôi trong thời kỳ bí mật”. Sở dĩ bài thơ của Tố Hữu có sức chinh phục vậy, bởi ông đã dựng lên một hình tượng thơ rất đẹp, với những tình huống rất xúc động. Những người yêu bài thơ, hiểu quá khứ đau thương của dân tộc chắc không ai cảm thấy chối tai khi nghe bà má thét vào mặt quân xâm lược những lời đanh thép như vậy.

Ảnh http://en.wikipedia.org/wiki/Les_Mis%C3%A9rables

 

Họa sĩ Emile Bayard mô tả chân dung em bé Cosette trong "Les Misérables", bản phát hành đầu tiên năm 1862

Ảnh http://en. wikipedia.org/

Việc tác giả Huy Đức buông lời bình luận câu thơ một cách lạnh lùng như trên đã khiến tôi nhớ tới một tình tiết trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ" (Les Misérables) của văn hào Pháp Víchto Huygô (Victor Hugo). Khi cô bé Côdét (Cosette) 8 tuổi bị vợ tên chủ quán Tênácđiê đánh tím một bên mắt, ai trông thấy cảnh tượng trên cũng không khỏi xót thương, thì riêng mụ này thỉnh thoảng lại buông lời nhận xét: “Gớm! Con mắt sưng húp của nó sao mà tởm thế”.

Qua đó, ta càng thấy, cùng một sự việc, nếu ta có thiện chí, có tình cảm, ta sẽ nhìn nó bằng một thái độ khác. Còn không, ta sẽ lại thấy nó như cách mà mụ vợ gã Tênácđiê nhìn em bé Côdét mà thôi.

 

Trần Thiên Lương

Nguồn: http://vanhac.org/

 

Bài cùng đề tài liên hệ:

- Sách lược làm giảm thiểu đại công nghiệp của Cụ Hồ Chí Minh (Nguyễn Mạnh Quang)

- Xin Đừng Vô Cảm Với Quá Khứ (Trần Thiên Lương)

- Bài trên báo Tuổi Trẻ: Một trách nhiệm chúng ta không thể chối bỏ."

Trang Lịch Sử